Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2854/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 09 tháng 5 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC, KỸ NĂNG CHUYỂN ĐỔI SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;

Căn cứ Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 12/4/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về chương trình chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2768/QĐ-UBND ngày 09/10/2020 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025”;

Căn cứ Kế hoạch số 3604/KH-UBND ngày 16/6/2021 của UBND tỉnh về truyền thông nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Thông báo Kết luận số 104/TB-UBND ngày 30/3/2022 của UBND tỉnh về việc Kết luận cuộc họp giao ban ngày 28/3/2022 giữa Chủ tịch và và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;

Thực hiện chương trình Chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch Đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số theo hình thức trực tuyến, với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; gắn đào tạo, bồi dưỡng với nhu cầu và định hướng phát triển lâu dài.

- Xây dựng và nâng cao năng lực kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.

- Định hướng và xác định được lộ trình cũng như chiến lược chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị trên toàn tỉnh.

- Xây dựng giá trị cốt lõi của văn hóa chính quyền số, văn hóa với đồng nghiệp, với người dân thông qua chiến lược thực hiện chuyển đổi số trong quản trị công.

- Hình thành nên giá trị cốt lõi, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt tự tin vào tầm nhìn, sứ mệnh và tôn chỉ định hướng của đơn vị trong hiện tại và tương lai.

- Nhận biết và ứng dụng được ưu thế của trí tuệ nhân tạo (AI) và quản lý dữ liệu lớn trong quản trị công.

2. Yêu cầu

- Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, các đơn vị liên quan trong việc xây dựng và triển khai chương trình đào tạo.

- Đa dạng hóa hình thức đào tạo, liên kết với các bài học kinh nghiệm thành công để có thể áp dụng được trong thực tiễn.

- Đội ngũ chuyên gia đào tạo phải có học hàm học vị, kết hợp với kinh nghiệm triển khai trong thực tế.

- Các hoạt động đào tạo phải diễn ra sâu rộng, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, tránh gây lãng phí, hình thức.

II. ĐỐI TƯỢNG, KẾT CẤU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Đối tượng

- Lãnh đạo, cán bộ quản lý cấp Sở, Ban, ngành, huyện trên toàn tỉnh.

- Cán bộ, công chức cấp Sở, huyện, thị xã, thành phố;

- Lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;

- Thành viên Tổ công nghệ cộng đồng theo các quyết định thành lập Tổ công nghệ cộng đồng của Uỷ ban nhân dân xã.

2. Nội dung bồi dưỡng dự kiến

Chương trình gồm 06 chuyên đề:

- Chuyên đề I: Căn bản chuyển đổi số;

- Chuyên đề II: Chuyển đổi số địa phương;

- Chuyên đề III: Nông nghiệp số;

- Chuyên đề IV: Chuyển đổi số giáo dục;

- Chuyên đề V: Chuyển đổi số du lịch;

- Chuyên đề VI: Kinh tế số.

(Có phụ lục chương trình kèm theo)

3. Hình thức bồi dưỡng, thời gian triển khai

a) Hình thức bồi dưỡng: theo hình thức học trực tuyến qua các khoá học đóng gói sẵn trên nền tảng học trực tuyến và kết hợp hội thảo hỏi đáp trực tuyến với chuyên gia giảng viên.

b) Thời gian triển khai: bắt đầu từ tháng 5/2022 đến hết năm 2022. Dự kiến mỗi tháng triển khai 01 chuyên đề.

Tổng thời gian triển khai là 6.5 ngày làm việc với tổng thời lượng là 26.5 giờ trong đó:

STT

Hoạt động

Số tiếng
(giờ)

Ghi chú

1

Lý thuyết

12

Lý thuyết sẽ được cung cấp trước qua các khoá học đóng gói sẵn trên nền tảng Phát triển Kỹ năng số Quốc gia One Touch/ Quảng Nam

2

Học tập trực tuyến, thảo luận, hỏi đáp cùng chuyên gia

12

Hoạt động sẽ được triển khai trực tiếp kết hợp trực tuyến trên nền tảng One Touch thông qua phần mềm của bên thứ 3 như GG Meet, Zoom

3

Kiểm tra trắc nghiệm

1.5

Hoạt động kiểm tra, đánh giá tự động triển khai trên nền tảng One Touch Quảng Nam

4

Công tác tổ chức lớp (Khai giảng, bế giảng)

1

Hoạt động sẽ được triển khai trực tiếp kết hợp trực tuyến trên nền tảng One Touch thông qua phần mềm của bên thứ 3 như GG Meet, Zoom

Tổng cộng

26.5

 

4. Kiểm tra, đánh giá thông qua hình thức trắc nghiệm

Chấm điểm theo thang điểm 10. Học viên đạt điểm 5 trở lên được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành khóa nâng cao nhận thức.

Xếp loại:

- Giỏi: 9 - 10 điểm.

- Khá: 7 - 8 điểm.

- Trung bình: 5 - 6 điểm.

- Không đạt: Dưới điểm 5.

Ngoài ra thì khoá học cũng được đánh giá theo ý thức học tập của học viên theo qui chế học tập của đơn vị tổ chức nâng cao nhận thức, tập huấn.

Các kết quả đánh giá theo từng học viên sẽ được báo cáo định kỳ, cuối khoá hoặc đột xuất theo yêu cầu của lãnh đạo địa phương.

5. Kinh phí thực hiện

Sử dụng nguồn kinh phí Đề án phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nội vụ

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai các khóa đào tạo, bồi dưỡng theo đúng nội dung kế hoạch;

- Xây dựng dự toán kinh phí tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. Đồng thời, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyển đổi số đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

- Theo dõi, quản lý, tổng hợp báo cáo tình hình kết quả thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng Chương trình chuyển đổi số về UBND tỉnh sau khi hoàn thành.

2. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt dự toán và nguồn kinh phí để tổ chức các lớp bồi dưỡng theo quy định.

3. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Tổ chức truyền thông chương trình đào tạo, bồi dưỡng đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các cơ quan, đơn vị trực thuộc.

- Tăng cường công tác tuyên truyền chương trình đào tạo trên trang thông tin điện tử của cơ quan.

- Cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia khóa bồi dưỡng đầy đủ, đúng đối tượng và thời gian quy định.

- Chỉ đạo, giám sát các cơ quan, đơn vị trực thuộc cử cán bộ tham gia đúng quy định.

Trên đây là Kế hoạch đào tạo nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, yêu cầu Giám đốc các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) để xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- TTTU, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, TH, NCKS.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Trí Thanh

 

PHỤ LỤC

(Kèm theo Kế hoạch số: 2854/KH-UBND ngày 09/5/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam)

STT

Chuyên đề, các nội dung

Số tiếng (giờ)

Lý thuyết

Thảo luận, thực hành, Hỏi đáp

Trắc nghiệm

Tổng

1

Chuyên đề I: Căn bản chuyển đổi số.

1.Các cuộc cách mạng công nghiệp

2. Tại sao phải Chuyển đổi số

3. Chuyển đổi số là gì?

4. Các yếu tố thành bại của Chuyển đổi số

5. CĐS quốc gia và các lĩnh vực Kinh tế - Xã hội

6. Chính quyền số

7. Kinh tế số

8. Xã hội số

9. Tổng quan Phương pháp luận chuyển đổi số

2

2

0.25

4.25

2

Chuyên đề II: Chuyển đổi số địa phương

1. Địa phương như một hệ thống hành chính phân cấp

2. Chuyển đổi số trong chiến lược phát triển địa phương

3. Các mục tiêu của chuyển đổi số địa phương

4. Hệ thống thực số dữ liệu và kết nối

5. Hạ tầng kinh tế, văn hoá, xã hội thông minh

6. Đô thị thông minh

7. Kiến trúc chung địa phương thông minh

2

2

0.25

4.25

3

Chuyên đề III: Nông nghiệp số

1. Bản chất của nông nghiệp số

2. Tại sao phải chuyển đổi số trong nông nghiệp

2

2

0.25

4.25

 

3. Nội dung Chuyển đổi số trong nông nghiệp

4. Điều kiện để chuyển đổi số

5. Những việc cần làm của chuyển đổi số trong nông nghiệp

 

 

 

 

4

Chuyên đề IV: Chuyển đổi số giáo dục

1. Một số vấn đề cơ bản về Chuyển đổi số giáo dục

2. Bối cảnh và sự cần thiết chuyển đổi số giáo dục ở Việt Nam

3. Nguyên tắc và mô hình Chuyển đổi số trong giáo dục

4. Quy trình và biện pháp Chuyển đổi số giáo dục

5. Hiện trạng và đề xuất biện pháp chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục

2

2

0.25

4.25

5

Chuyên đề V: Chuyển đổi số du lịch

1. Một số vấn đề cơ bản về chuyển đổi số

2. Chiến lược và chính sách chuyển đổi số quốc gia ở Việt Nam

3. Các lợi ích của chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch

4. Nguyên tắc và mô hình chuyển đổi số trong du lịch

5. Lãnh đạo chuyển đổi số

6. Quy trình và phương án chuyển đổi số trong du lịch

7. Đề xuất biện pháp chuyển đổi số du lịch

2

2

0.25

4.25

6

Chuyên đề VI: Kinh tế số

1. Nhận thức chung về kinh tế số

2. Xây dựng và quảng bá  thương hiệu địa phương trên môi trường số

3. Kinh tế số du lịch

4. Kinh tế số nông nghiệp

5. Thương mại điện tử

6. Doanh nghiệp số

2

2

0.25

4.25

Tổng

12

12

1.5

25.5

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 2854/KH-UBND năm 2022 về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

  • Số hiệu: 2854/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 09/05/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Lê Trí Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản