Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2808/KH-UBND

Hà Nam, ngày 01 tháng 10 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 27-NQ/TW NGÀY 21/5/2018 CỦA HỘI NGHỊ LẦN THỨ BẢY BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG KHÓA XII VÀ NGHỊ QUYẾT SỐ 107/NQ-CP NGÀY 16/8/2018 CỦA CHÍNH PHỦ

Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức, của các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, người sử dụng lao động và người lao động trong doanh nghiệp và toàn xã hội trong việc cải cách chính sách tiền lương.

2. Xác định các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu cụ thể để Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 27-NQ/TW và các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 của Chính phủ.

3. Phấn đấu đạt các mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2021: Thực hiện áp dụng chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị; tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.

- Đến năm 2025: Thực hiện nâng mức tiền lương của khu vực công phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước; tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia; thực hiện quản lý lao động, tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước theo phương thức khoán chi phí tiền lương gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

- Đến năm 2030: Thực hiện nâng mức tiền lương của khu vực công phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước; tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp. Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia; thực hiện quản lý lao động, tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước theo phương thức khoán nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền

a) Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung cải cách, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cải cách chính sách tiền lương đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong doanh nghiệp nước thuộc phạm vi quản lý, hoàn thành trong quý IV năm 2018.

b) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các sở, ngành, địa phương làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo đồng thuận xã hội, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị trong việc cải cách chính sách tiền lương.

2. Khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm để làm cơ sở thực hiện cải cách chính sách tiền lương

a) Sở Nội vụ chủ trì hướng dẫn các cơ quan, đơn vị:

Hoàn thiện đề án xác định vị trí việc làm, xây dựng cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức và các tiêu chí đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức gắn với từng vị trí việc làm để trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền phù hợp với quy định của Đảng và của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức để làm căn cứ xây dựng và thực hiện chế độ tiền lương mới.

b) Các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Xây dựng và hoàn thiện danh mục vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, bản mô tả công việc, xác định cơ cấu công chức, viên chức, xác định khung năng lực theo từng vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

- Xây dựng kế hoạch, đề án sắp xếp lại các phòng, ban, chi cục theo Đề án sắp xếp, tinh giản đầu mối các cơ quan khối chính quyền ban hành kèm theo Quyết định số 807/QĐ-UBND ngày 22/5/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh;

- Xây dựng kế hoạch, đề án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trực thuộc theo Đề án sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam ban hành kèm theo Quyết định số 808/QĐ-UBND ngày 22/5/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh;

- Quyết liệt triển khai thực hiện tinh giản biên chế công chức, viên chức theo đúng Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ và chỉ tiêu đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

3. Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tài chính chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước tiến hành rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, người lao động đảm bảo tinh gọn hiệu quả; xác định tiền lương và tiền thưởng đối với doanh nghiệp nhà nước gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Thực hiện giao khoán chi phí tiền lương, bao gồm cả tiền thưởng trong quỹ lương gắn với nhiệm vụ, điều kiện sản xuất kinh doanh, tính chất hoạt động của doanh nghiệp; từng bước tiến tới thực hiện giao khoán nhiệm vụ sản xuất kinh doanh gắn với kết quả, hiệu quả quản lý và sử dụng vốn nhà nước của doanh nghiệp.

4. Sở Tài chính phối hợp với các sở, ngành có liên quan chỉ đạo thực hiện các giải pháp về tài chính, ngân sách; khuyến khích phát triển sản xuất để tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh; thực hiện đúng quy định của Trung ương dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương cho cải cách chính sách tiền lương. Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước; tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên để đảm bảo nguồn tài chính cho thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định theo thẩm quyền về cơ chế tài chính để thực hiện cải cách tiền lương.

5. Sau khi Chính phủ ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế bảng lương hiện hành, Sở Nội vụ chủ trì, hướng dẫn thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, hướng dẫn triển khai thực hiện chế độ tiền lương mới đối với người lao động trong doanh nghiệp đảm bảo chính xác, đúng quy định.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kế hoạch này.

Trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong Kế hoạch, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức triển khai thực hiện bằng các kế hoạch công tác hàng năm, hàng quý, hàng tháng, phân công trách nhiệm cụ thể tới từng cá nhân, bộ phận, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện của cơ quan, đơn vị mình. Định kỳ vào ngày 25/11 hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) về kết quả thực hiện Kế hoạch này.

2. Sở Nội vụ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch này. Tổng hợp kết quả triển khai thực hiện của các đơn vị, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nội vụ vào ngày 30/11 hàng năm.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung, các cơ quan, đơn vị đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Chính phủ (để báo cáo);
- Bộ Nội vụ ( để báo cáo);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Ủy ban MTTQ tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Báo Hà Nam, Đài PTTH tỉnh;
- Lưu: VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Đông

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 2808/KH-UBND năm 2018 thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW, Nghị quyết 107/NQ-CP do tỉnh Hà Nam ban hành

  • Số hiệu: 2808/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 01/10/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam
  • Người ký: Nguyễn Xuân Đông
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản