Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 256/KH-UBND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 07 tháng 10 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH PHÒNG NGỪA, GIẢM THIỂU TRẺ EM LAO ĐỘNG TRÁI QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT GIAI ĐOẠN 2024 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Quy chế phối hợp số 01 /QCPH-LĐTBXH-GDĐT-CA-NNPTNT-TLĐ-LMHTX-LĐTMCN ngày 25/01/2024 giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1258/QĐ-UBND ngày 12/5/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2021-2030;

Căn cứ Quyết định số 2667/QĐ-UBND, ngày 06/09/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;

Trên cơ sở đề xuất của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 833/TTr-SLĐTBXH ngày 16/9/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Kế hoạch phối hợp liên ngành phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp trong chỉ đạo, điều hành của các sở, ngành, đoàn thể (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) có liên quan trong thực hiện công tác phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.

2. Yêu cầu

- Bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của mỗi cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật; sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức liên quan.

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, nhất là của cá nhân người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện đề xuất, triển khai các hoạt động phối hợp trong thực hiện công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Gắn các hoạt động phối hợp với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ tại cơ quan, tổ chức.

- Các hoạt động phải cụ thể, khả thi, bám sát nội dung nhiệm vụ được giao; thực hiện có trọng tâm, xác định thứ tự ưu tiên theo yêu cầu công tác hàng năm của các ngành.

- Bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của các cơ quan, tổ chức trong phối hợp phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng phối hợp và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thực hiện công tác này.

II. NỘI DUNG VÀ TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP

1. Nghiên cứu, rà soát, tham gia hoàn thiện chính sách, pháp luật; xây dựng đề án, dự án, chương trình, kế hoạch liên quan đến phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em

a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì triển khai thực hiện rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật, bao gồm:

- Rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung pháp luật, chính sách về phòng ngừa lao động trẻ em phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế: về độ tuổi lao động tối thiểu (Công ước 138) và về nghiêm cấm và hành động khẩn cấp xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất (Công ước 182) và các Công ước khác có liên quan.

- Tham gia nghiên cứu tác động của các Hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA); Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA); Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... đối với pháp luật quốc gia của Việt Nam về vấn đề lao động trẻ em.

- Tham gia nghiên cứu, hoàn thiện tiêu chí xác định lao động trẻ em, trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em, bảo vệ trẻ em và người chưa thành niên tại nơi làm việc.

- Rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền hoàn thiện luật pháp, chính sách về giáo dục nghề nghiệp, tư vấn, hướng nghiệp cho người chưa thành niên.

- Rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền hoàn thiện các chính sách về bảo vệ, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho trẻ em là nạn nhân của mua bán trẻ em vì mục đích bóc lột sức lao động.

- Rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền hoàn thiện luật pháp, chính sách về quy trình hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em; xử lý vi phạm về sử dụng lao động trẻ em theo thẩm quyền.

b) Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật, chính sách liên quan đến phổ cập giáo dục cho trẻ em; hỗ trợ giáo dục cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; rà soát, bổ sung, lồng ghép nội dung phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trong các môn học và các hoạt động giáo dục trong nhà trường; xây dựng kế hoạch phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trái quy định của pháp luật giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 của ngành Giáo dục và Đào tạo.

c) Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị thực hiện rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật liên quan đến điều tra, khởi tố các hành vi mua bán người dưới 16 tuổi vì mục đích cưỡng bức lao động; các hành vi vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi, cưỡng bức lao động đối với người dưới 16 tuổi.

d) Các sở, ngành, đoàn thể tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án, kế hoạch, báo cáo rà soát, theo dõi thi hành pháp luật, tổng kết thi hành pháp luật, lập đề nghị xây dựng chính sách về lĩnh vực có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ và nội dung phối hợp theo đề nghị của các cơ quan, tổ chức khác trong Kế hoạch phối hợp.

2. Truyền thông nâng cao nhận thức

a) Các sở, ngành, đoàn thể trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo, thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em cho các cấp, các ngành, các tổ chức, người sử dụng lao động, người lao động, cha mẹ, giáo viên, học sinh, người chăm sóc trẻ em và trẻ em về thông tin, kiến thức, chính sách pháp luật thông qua:

- Đổi mới, đa dạng hình thức, phương pháp, chuyển đổi số công tác truyền thông; cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời chính sách, pháp luật về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

- Nghiên cứu, xây dựng và phát triển, chia sẻ các chương trình, sản phẩm, tài liệu truyền thông (tờ rơi, phóng sự, video clip, chuyên trang, chuyên mục, cẩm nang, sách mỏng...) về phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em, trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em.

- Chia sẻ các sản phẩm, tài liệu truyền thông với các cơ quan, tổ chức trong Kế hoạch này phục vụ cho việc tuyên truyền trên các phương tiện, ấn phẩm truyền thông của các bên hoặc tại các hội nghị, hội thảo, tập huấn, triển lãm…

- Tổ chức các hình thức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên môi trường mạng và tại cộng đồng, trường học, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền, phổ biến các thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, dịch vụ bảo vệ trẻ em phù hợp từng nhóm đối tượng, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, đánh bắt, chế biến thủy hải sản, dịch vụ du lịch, trong các chuỗi cung ứng, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh trong khu vực hợp tác xã, các làng nghề và khu vực kinh tế phi chính thức khác.

b) Phối hợp tổ chức chiến dịch truyền thông, sự kiện, hội nghị, hội thảo hoặc cử đại biểu tham dự các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, trao đổi thông tin về công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

3. Nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự làm công tác liên quan đến trẻ em

a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì triển khai các tài liệu hướng dẫn chung về triển khai công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho chính quyền địa phương, đội ngũ công chức, viên chức, cán bộ ngành lao động - thương binh và xã hội từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở và các cơ quan, tổ chức có liên quan; trẻ em và người sử dụng lao động, về việc phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em. Các cơ quan, tổ chức phối hợp có trách nhiệm đóng góp ý kiến và thông nhât cho các tài liệu hướng dẫn chung.

b) Các sở, ngành, đoàn thể chủ động chủ trì triển khai các tài liệu hướng dẫn các nhiệm vụ thực hiện công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em theo trách nhiệm của từng ngành; triển khai các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho công chức, viên chức, cán bộ thuộc ngành để triển khai có hiệu quả công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

c) Liên đoàn Lao động tỉnh chủ trì phối hợp với các ngành chức năng xây dựng các tài liệu và triển khai các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực, tư vấn pháp luật, chính sách cho cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động về phòng ngừa giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.

d) Liên minh Hợp tác xã tỉnh chủ trì xây dựng các tài liệu và triển khai các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho người sử dụng lao động trong các Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã, Tổ hợp tác nhằm đảm bảo thực hiện các quy định của pháp luật về sử dụng lao động chưa thành niên.

đ) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Vũng Tàu (VCCI) chủ trì xây dựng các tài liệu và triển khai các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, người sử dụng lao động nhằm đảm bảo thực hiện các quy định của pháp luật về sử dụng lao động chưa thành niên.

e) Các sở, ngành, đoàn thể phối hợp với đơn vị chủ trì xây dựng tài liệu; chia sẻ các tài liệu hướng dẫn, nâng cao năng lực với các cơ quan, tổ chức trong Kế hoạch này phục vụ cho việc nâng cao năng lực, tuyên truyền trên các phương tiện, ấn phẩm truyền thông của các bên hoặc tại các hội nghị, hội thảo, tập huấn, triển lãm.

4. Triển khai quy trình phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em gắn với hệ thống bảo vệ trẻ em ở tại địa phương

a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì hướng dẫn hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em cấp huyện, xã và Nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã để điều phối hoạt động bảo vệ trẻ em các cấp, đội ngũ cộng tác viên làm công tác bảo vệ trẻ em tại cấp xã triển khai các hoạt động phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp để giảm thiểu lao động trẻ em trong hệ thống bảo vệ trẻ em của địa phương; triển khai quy trình hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, ngành nghề, địa bàn có nhiều trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em; đặc biệt hợp tác xã, hộ gia đình trong các làng nghề và khu vực kinh tế phi chính thức, chú trọng lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đánh bắt, chế biến thủy hải sản, dịch vụ du lịch, dịch vụ và trong các chuỗi cung ứng; triển khai hỗ trợ lao động trẻ em, trẻ em có nguy cơ và gia đình tiếp cận chính sách, chương trình, dịch vụ về giảm nghèo, trợ giúp xã hội, bồi dưỡng, đào tạo nghề.

b) Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì hướng dẫn và chỉ đạo ngành dọc có giải pháp hỗ trợ cho trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em và lao động trẻ em được tiếp cận giáo dục phổ thông với các hình thức phù hợp, vận động và hỗ trợ học sinh bỏ học trở lại trường học.

c) Công an tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo ngành dọc phối hợp liên ngành tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời các vụ việc sử dụng người dưới 16 tuổi tham gia lao động trái quy định của pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác điều tra thân thiện trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra vụ án liên quan đến sử dụng lao động trẻ em.

d) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn các lĩnh vực thuộc nhiệm vụ của ngành, nhất là các làng nghề nông thôn gắn với hộ gia đình, các hợp tác xã nông nghiệp, tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp theo quy định về kiến thức, kỹ năng, tay nghề để ổn định sinh kế, tăng thu nhập. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trong lĩnh vực nông nghiệp, đánh bắt, chế biến thủy hải sản. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động trẻ em trong lĩnh vực nông nghiệp.

đ) Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo hướng dẫn các cấp công đoàn phối hợp với chính quyền địa phương, ngành chức năng tư vấn, hỗ trợ kịp thời cho người chưa thành niên, trẻ em lao động trái quy định của pháp luật tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ phù hợp.

e) Liên minh Hợp tác xã tỉnh chủ trì hướng dẫn và chỉ đạo các hợp tác xã rà soát các hoạt động trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của các hợp tác xã, hợp tác xã trong làng nghề nhằm phát hiện sớm, hỗ trợ, can thiệp các vi phạm pháp luật về sử dụng lao động trẻ em; phối hợp với các cơ quan, tổ chức để can thiệp, hỗ trợ lao động trẻ em; hỗ trợ, cải thiện điều kiện làm việc của các hợp tác xã và hợp tác xã trong làng nghề có trẻ em học nghề và tham gia lao động phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, đặc điểm thể chất và tâm lý của trẻ em và theo quy định của pháp luật.

g) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Vũng Tàu (VCCI) chủ trì hướng dẫn doanh nghiệp rà soát các hoạt động trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng nhằm phát hiện sớm, ngăn ngừa, hỗ trợ, can thiệp các vi phạm pháp luật về sử dụng lao động trẻ em; phối hợp với các cơ quan, tổ chức để can thiệp, hỗ trợ lao động trẻ em.

h) Sở Du lịch tăng cường công tác tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành nhằm phòng ngừa, xóa bỏ lao động trẻ em trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, đặc biệt là lực lượng lao động tại các dịch vụ kèm theo của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch như: Nhà hàng ăn uống, karaoke, massage, bar... Chỉ đạo, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quyền trẻ em, bóc lột lao động trẻ em trong hoạt động du lịch.

i) Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sử dụng trẻ em tham gia các hoạt động liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao.

5. Phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em vì mục đích bóc lột lao động

a) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan trong thực hiện quy trình tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm xâm hại, mua bán trẻ em; hỗ trợ, giải cứu, bảo vệ trẻ em trong trường hợp cần thiết; phối hợp truyền thông tập huấn trong bảo vệ, phòng chống xâm hại, mua bán trẻ em; kết hợp tuần tra, giám sát và tuyên truyền vận động ngư, chủ tàu về không sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật.

b) Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, tập trung hướng dẫn các đơn vị chức năng và người dân nhận biết những dấu hiệu trẻ em bị mua bán vì mục đích bóc lột sức lao động; hướng dẫn và chỉ đạo ngành dọc tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời các vụ việc mua bán trẻ em vì mục đích bóc lột sức lao động; nâng cao hiệu quả công tác điều tra thân thiện trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo và điều tra các vụ việc bóc lột trẻ em; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh đối với các hành vi mua bán trẻ em vì mục đích bóc lột sức lao động; đồng thời hỗ trợ, bảo vệ an toàn cho trẻ em là nạn nhân trong quá trình tiến hành tố tụng.

c) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn và chỉ đạo ngành dọc phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương triển khai hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của mua bán người tiếp cận các chính sách phù hợp.

d) Liên đoàn Lao động tỉnh hướng dẫn các cấp công đoàn và công nhân lao động kịp thời phát hiện, thông báo với công an các đơn vị, địa phương, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc ngăn chặn, phòng ngừa mua bán trẻ em vì mục đích bóc lột sức lao động.

6. Triển khai các mô hình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em

Căn cứ điều kiện, tình hình thực tế, các sở, ngành, đoàn thể:

a) Nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn triển khai các mô hình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách.

b) Triển khai thí điểm mô hình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em thuộc cơ quan, tổ chức phụ trách tại các địa phương và chỉ đạo các địa phương triển khai mô hình.

c) Phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình.

d) Phối hợp kiểm tra, đánh giá việc triển khai mô hình tại địa phương.

đ) Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện mô hình sau 3 năm triển khai và nhân rộng các mô hình phù hợp, hiệu quả.

7. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em

a) Căn cứ vào tình hình thực tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan tổ chức các đoàn thanh tra việc sử dụng trẻ em và người chưa thành niên lao động trái quy định của pháp luật; kiểm tra liên ngành, chuyên ngành hằng năm về thực hiện trách nhiệm phòng ngừa, phát hiện, xử lý việc sử dụng lao động trẻ em. Xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp sử dụng trẻ em và người chưa thành niên lao động trái quy định của pháp luật. Kết quả thanh tra, xử lý phải được thông tin cho các sở, ngành, tổ chức tham gia Kế hoạch phối hợp.

b) Các cơ quan, tổ chức căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ lồng ghép nội dung kiểm tra về lao động trẻ em vào các kiểm tra chuyên môn của cơ quan, tổ chức.

c) Trường hợp cần thiết, các cơ quan, tổ chức thống nhất kế hoạch kiểm tra đột xuất, kiểm tra chuyên đề, thanh tra các nội dung trong Kế hoạch.

d) Căn cứ kết quả kiểm tra, thanh tra việc thực hiện công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, các cơ quan, tổ chức cùng trao đổi, phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị từ địa phương, các cơ quan, tổ chức và những phát sinh trong thực tiễn triển khai.

8. Trao đổi, cung cấp thông tin, số liệu về lao động trẻ em

a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, hướng dẫn việc thu thập, thống kê, tổng hợp, báo cáo, trao đổi, cung cấp thông tin, số liệu về công tác phát hiện, các biện pháp hỗ trợ, can thiệp trường hợp lao động trẻ em.

b) Các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Du lịch, Văn hóa và Thể thao, Thông tin và Truyền thông; các cơ quan, tổ chức: Liên đoàn Lao động tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Vũng Tàu (VCCI) và các sở, ngành, đoàn thể liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu các trường hợp lao động trẻ em cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp định kỳ hằng năm hoặc đột xuất.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm thi hành

a) Các sở, ngành, đoàn thể, tổ chức có trách nhiệm

- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc phạm vi quản lý triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này.

- Cung cấp thông tin, số liệu về việc thực hiện Kế hoạch theo nhiệm vụ được giao.

- Tham gia xây dựng kế hoạch, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch phối hợp trong lĩnh vực quản lý, gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, xây dựng báo cáo chung theo kế hoạch hằng năm.

b) Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Đội kiểm tra liên ngành 178 tỉnh) thường xuyên kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mại dâm tại cơ sở kinh doanh dịch vụ (khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, nhà hàng, nhà trọ, biệt thự kinh doanh du lịch, căn hộ kinh doanh du lịch, căn hộ cho thuê, vũ trường, quán bar, karaoke, massage, xoa bóp, cà phê đèn mờ...) nhằm kịp thời phát hiện, xử lý sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật.

c) Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là đầu mối điều phối thực hiện Kế hoạch liên ngành; hằng năm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, địa phương đánh giá, sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện Kế hoạch.

d) UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Kế hoạch phối hợp này chủ trì, nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch hoặc Chương trình phối hợp giữa các phòng, ban, cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em hoặc trình Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

2. Cơ chế phối hợp thực hiện

a) Nguyên tắc phối hợp

- Hoạt động phối hợp phải đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả; thực hiện thường xuyên, kịp thời; bảo đảm đúng nội dung, tiến độ thực hiện, phân công rõ trách nhiệm phối hợp.

- Các cơ quan, tổ chức thường xuyên trao đổi thông tin về công tác xây dựng, tổ chức thực hiện, phương án giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

- Khi phát sinh các vấn đề cần xử lý thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức nào thì cơ quan, tổ chức đó chủ trì và các cơ quan, tổ chức khác phối hợp; khi phát sinh vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức quản lý thì Sở Lao động- Thương binh và Xã hội sẽ chủ trì xử lý.

- Bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em theo quy định của pháp luật.

- Tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức có liên quan.

b) Hình thức phối hợp

Tùy từng nội dung phối hợp, việc phối hợp có thể được thực hiện thông qua các phương thức cụ thể sau:

- Trao đổi trực tiếp, trao đổi bằng văn bản hoặc các hình thức phù hợp (điện thoại, thư điện tử...), tổ chức các cuộc họp liên ngành theo yêu cầu của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp.

- Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện.

- Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả.

- Các hình thức phối hợp khác do các cơ quan có liên quan thống nhất thực hiện.

- Việc lựa chọn phương thức phối hợp do các cơ quan, tổ chức thống nhất, quyết định phù hợp với điều kiện cụ thể.

- Các cơ quan, tổ chức phối hợp thống nhất cử đơn vị đầu mối phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin, giúp lãnh đạo các cơ quan, tổ chức chỉ đạo thực hiện quy chế phối hợp liên ngành gồm:

+ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giao Phòng Bảo trợ xã hội là đơn vị đầu mối.

+ Sở Giáo dục và Đào tạo giao Văn phòng Sở là đơn vị đầu mối.

+ Công an tỉnh giao Phòng Cảnh sát hình sự là đơn vị đầu mối.

+ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh giao Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm là đơn vị đầu mối.

+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Văn phòng Sở là đơn vị đầu mối.

+ Sở Du lịch giao Phòng Thanh tra là đơn vị đầu mối.

+ Sở Văn hóa và Thể thao giao Phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình là đơn vị đầu mối.

+ Liên đoàn Lao động tỉnh giao Ban Tuyên giáo và Nữ công là đơn vị đầu mối.

+ Liên minh Hợp tác xã tỉnh giao Phòng Kế hoạch phát triển hợp tác xã là đơn vị đầu mối.

c) Cơ chế phối hợp

Các sở, ngành, đoàn thể, tổ chức có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm của ngành, đơn vị; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch liên ngành; tham gia phối hợp, thực hiện và định kỳ 1 năm báo cáo kết quả thực hiện theo nhiệm vụ được phân công gửi về Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí phục vụ công tác phối hợp được ngân sách nhà nước cấp theo dự toán hàng năm của các cơ quan, đơn vị phối hợp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; từ các nguồn tài trợ, viện trợ và các nguồn huy động hợp pháp khác.

2. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, đơn vị phối hợp có trách nhiệm lập dự toán, thanh quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động phối hợp theo quy định.

Trong quá trình triển khai, thực hiện Kế hoạch nếu có phát sinh, vướng mắc đề nghị các cơ quan phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp./.

 


Nơi nhận:
- Bộ LĐTBXH (để b/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh (b/c);
- Các sở, ngành: LĐTB&XH, GD&ĐT, Công an, Nông nghiệp & PTNT, Du lịch, Văn hóa & Thể thao, Thông tin & Truyền thông, Tài chính, Công Thương, BQL các khu công nghiệp; BCH Bộ đội biên phòng tỉnh;
- Các cơ quan, tổ chức: Liên đoàn Lao động tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam CN Vũng Tàu (VCCI);
- Đội kiểm tra liên ngành 178 tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh;
- UBND các huyện,TX, TP;
- CVP.UBND tỉnh;
- Lưu: VT, VX5.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Minh Thông

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 256/KH-UBND năm 2024 phối hợp liên ngành phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030 do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành

  • Số hiệu: 256/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 07/10/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
  • Người ký: Đặng Minh Thông
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/10/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản