Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 254/KH-UBND

Sơn La, ngày 02 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

KIỂM TRA, GIÁM SÁT CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ; Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ (được hợp nhất tại văn bản Hợp nhất số 11/VBHN-BCT ngày 23/01/2014 về phát triển chợ).

Theo đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 178/TTr-SCT ngày 25/10/2021 về việc đề nghị UBND tỉnh ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Nhằm tăng cường công tác quản lý chợ trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Sơn La, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát để đánh giá thực trạng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong tổ chức triển khai thực hiện công tác quản lý và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh Sơn La, từ đó có cơ sở thực tiễn để xem xét, giải quyết hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện; kịp thời chấn chỉnh những hạn chế trong công tác quản lý và đầu tư phát triển chợ trên địa bàn tỉnh Sơn La.

- Kiểm tra trách nhiệm của UBND cấp huyện, Ban quản lý chợ về thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 tại chợ.

- Định hướng quy hoạch và phát triển chợ nói riêng và hạ tầng thương mại nói chung đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn các huyện, thành phố.

2. Yêu cầu

- Công tác kiểm tra, giám sát phải đúng trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo chất lượng hiệu quả.

- Qua kiểm tra phải kết luận được những vấn đề cần quan tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện công tác quản lý, đầu tư phát triển chợ. Đồng thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp mang tính khả thi, phù hợp với thực tiễn để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và đầu tư xây dựng chợ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Đối tượng kiểm tra

1.1. Đối tượng kiểm tra của Đoàn kiểm tra của tỉnh

- UBND các huyện, thành phố;

1.2. Đối tượng kiểm tra của Đoàn kiểm tra của huyện

- UBND các xã, phường (có chợ trên địa bàn);

- Ban quản lý chợ; Doanh nghiệp, HTX được giao quản lý chợ.

2. Nội dung kiểm tra

- Kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện công tác đầu tư xây dựng và quản lý chợ của các huyện, thành phố.

- Kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về kinh doanh, khai thác chợ: thành lập các ban quản lý; giao cho các doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý; phê duyệt và thực hiện nội quy chợ; quản lý an toàn thực phẩm; đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; giá thuê diện tích bán hàng tại chợ; phí vệ sinh môi trường; quản lý việc chấp hành theo nội quy chợ;...

- Kiểm tra việc đầu tư xây dựng chợ (sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới mạng lưới chợ); Cơ sở vật chất của chợ: nhà chợ, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị điện, nước, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ...

- Kiểm tra về tổ chức, hoạt động, thu, chi của các Ban quản lý chợ, doanh nghiệp, Hợp tác xã tham gia quản lý chợ.

- Định hướng quy hoạch và phát triển chợ nói riêng và hạ tầng thương mại nói chung đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn các huyện, thành phố.

- Các khó khăn, vướng mắc trong quá trình chỉ đạo, triển khai thực hiện về đầu tư xây dựng và quản lý chợ; những đề xuất, kiến nghị với các sở, ngành, UBND tỉnh, các Bộ, ngành.

- Kiểm tra việc chấp hành các quy định về công tác phòng chống dịch covid-19 tại chợ.

3. Thành phần đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh

- Đ/c Giám đốc Sở Công Thương - Trưởng đoàn

- Đ/c Phó Giám đốc Sở Công Thương - Phó Trưởng đoàn

- Đại diện các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Nội vụ; Cục Thuế tỉnh, Cục QLTT tỉnh, Công an tỉnh (Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH); Chi cục tiêu chuẩn đo lường, chất lượng Sở Khoa học và Công nghệ.

4. UBND các huyện, thành phố (đơn vị được kiểm tra)

- Thành lập Đoàn kiểm tra của huyện, thành phố kiểm tra, giám sát công tác quản lý chợ trên địa bàn, thành phần Đoàn kiểm tra gồm:

+ Lãnh đạo UBND huyện, thành phố - Trưởng đoàn;

+ Lãnh đạo, chuyên viên các phòng chuyên môn liên quan;

+ Đại diện Chi cục Quản lý thị trường;

+ Đại diện Chi Cục thuế;

+ Đại diện Công an huyện, thành phố.

- Bố trí lãnh đạo UBND huyện, thành phố và các phòng, ban chuyên môn liên quan; Đại diện UBND xã, phường, thị trấn có chợ đã được giao quản lý; Đại diện BQL chợ, doanh nghiệp, HTX đã được giao quản lý chợ trên địa bàn (UBND huyện, thành phố mời) làm việc với Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh.

5. Hình thức kiểm tra và thời gian kiểm tra

- UBND cấp huyện tổ chức kiểm tra đối với các Ban quản lý/Tổ quản lý chợ trên địa bàn huyện và các xã, phường, thị trấn.

- Trên cơ sở báo cáo kết quả tự kiểm tra của các huyện, thành phố, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh sẽ lựa chọn và tổ chức kiểm tra thực tế tại một số chợ trên địa bàn huyện, thành phố.

Thời gian kiểm tra của Đoàn liên ngành tỉnh: Từ 22/11/2021 - 30/11/2021

(Thời gian và địa điểm kiểm tra cụ thể đối với từng huyện, thành phố, Đoàn kiểm tra sẽ có thông báo sau)

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. UBND các huyện, thành phố

- Thành lập Đoàn kiểm tra của huyện, thành phố (thành phần Đoàn kiểm tra theo nội dung tại điểm 4, phần II của Kế hoạch này) để tổ chức rà soát, tự kiểm tra công tác quản lý chợ và công tác phòng chống Covid-tại chợ trên địa bàn. (Hoàn thành công tác tự kiểm tra trước ngày 17/11/2021).

- Kết thúc đợt kiểm tra, xây dựng báo cáo theo nội dung đề cương yêu cầu của Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh gửi về Sở Công Thương trước ngày 21/11/2021.

- Phân công lãnh đạo UBND huyện, thành phố làm việc với Đoàn kiểm tra của tỉnh, bố trí phòng họp và các điều kiện cần thiết để tổ chức buổi làm việc; đưa đoàn đi kiểm tra một số chợ trên địa bàn huyện, thành phố.

2. Sở Công Thương

Chủ trì tham mưu triển khai Kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Sơn La:

- Thực hiện kiểm tra đầy đủ nội dung yêu cầu, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phản ánh trung thực kết quả thực hiện của đơn vị được kiểm tra. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn UBND huyện, thành phố và các Ban quản lý chợ, doanh nghiệp, HTX nhận chuyển giao chợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý kinh doanh và khai thác chợ.

- Tổng hợp các nội dung kiểm tra do các sở, ngành đề xuất xây dựng Đề cương báo cáo chung gửi UBND các huyện, thành phố để tiến hành kiểm tra và báo cáo Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh (trước ngày 08/11/2021);

- Tổng hợp báo cáo kết quả kiểm tra về công tác quản lý chợ trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh trước ngày 30/11/2021, đồng thời thông báo kết quả kiểm tra, giám sát cho các cơ quan, đơn vị được kiểm tra.

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chấn chỉnh công tác quản lý chợ, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý chợ trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Nội vụ

Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra công tác quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Sơn La trước ngày 08/11/2021 (Thành phần đoàn kiểm tra theo Điểm 3, phần II tại Nội dung Kế hoạch này).

Cử đại diện sở tham gia Đoàn kiểm tra và đồng thời căn cứ chức năng, nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý chợ đề xuất các nội dung kiểm tra gửi về Sở Công Thương trước ngày 08/11/2021 để tổng hợp xây dựng Đề cương báo cáo chung đề nghị UBND các huyện, thành phố triển khai kiểm tra và báo cáo Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh.

4. Các Sở, ngành: Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh, Cục QLTT tỉnh, Công an tỉnh (Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH), Chi cục tiêu chuẩn đo lường, chất lượng Sở Khoa học và Công nghệ.

Cử đại diện tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, đồng thời căn cứ chức năng, nhiệm vụ liên quan đến công tác đầu tư xây dựng, quản lý chợ đề xuất các nội dung kiểm tra gửi về Sở Công Thương trước ngày 08/11/2021 để tổng hợp xây dựng Đề cương báo cáo chung đề nghị UBND các huyện, thành phố triển khai kiểm tra và báo cáo Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh.

5. Các Ban quản lý chợ, doanh nghiệp, HTX đã được giao quản lý chợ

Xây dựng báo cáo kết quả, tiến độ triển khai thực hiện sau khi nhận chuyển giao công tác quản lý, kinh doanh, khai thác chợ. Nêu rõ các tồn tại, khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện gửi UBND huyện, thành phố để giải quyết và tổng hợp báo cáo Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh (UBND các huyện, thành phố đôn đốc thực hiện nội dung này).

Trên đây là Kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Sơn La, yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Cơ quan chủ trì là Sở Công Thương) để xem xét giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy (b/c);
- TT. HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh (b/c);
- Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Huyện ủy, Thành ủy (phối hợp chỉ đạo);
- Công an tỉnh;
- Các Sở: Công Thương, Nội vụ, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên & Môi trường; Khoa học và Công nghệ;
- Cục Thuế tỉnh;
- Cục Quản lý thị trường tỉnh;
- UBND các huyện, Thành phố;
- Chánh Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT, Biên KT. 30 bản.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
 PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Hồng Minh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 254/KH-UBND năm 2021 về kiểm tra, giám sát công tác quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Sơn La

  • Số hiệu: 254/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 02/11/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La
  • Người ký: Lê Hồng Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/11/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản