Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 243/KH-UBND

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TẠI NHỮNG KHU VỰC CÓ KHU CÔNG NGHIỆP, CỤM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ” THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 2376/QĐ-BGTVT NGÀY 29/7/2016 CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

I. CÁC CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13/11/2008;

Căn cứ Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;

Căn cứ Quyết định số 2376/QĐ-BGTVT ngày 29/7/2016 của Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại những khu vực có khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn toàn quốc”;

Căn cứ Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 19/9/2016 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành Quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội;

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

a) Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho cán bộ quản lý, người lao động trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và người dân sống xung quanh các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

b) Nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông tại khu vực khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

c) Tăng cường công tác quản lý nhà nước và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nhằm giảm 5 đến 10 % số vụ, số người chết, số người bị thương hàng năm do tai nạn giao thông và giảm thiểu ùn tắc giao thông tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

a) 100% cán bộ quản lý và người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và người dân sống xung quanh các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông hàng năm.

b) 100% lái xe cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp được tập huấn hàng năm về kỹ năng lái xe an toàn và đạo đức của người lái xe.

c) Xóa bỏ 100% các điểm đen và điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông tại khu vực xung quanh các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

d) 100% hệ thống báo hiệu đường bộ được chuẩn hóa.

e) 80 đến 100% các khu công nghiệp, cụm công nghiệp quy mô lớn và vừa được kết nối xe buýt có điểm dừng, đỗ thuận tiện và an toàn trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Quản lý nhà nước

a) Rà soát và điều chỉnh quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phù hợp với quy hoạch giao thông vận tải, đặc biệt chú trọng đấu nối theo đúng quy định tại Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; xây dựng thêm đường gom và bãi đỗ xe trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

b) Rà soát và điều chỉnh quy hoạch tuyến xe buýt, bố trí các điểm dừng, đỗ, các điểm bán vé trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đặc biệt đối với các khu công nghiệp có quy mô trên 100 ha.

c) Thực hiện Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg ngày 05/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; Có chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt đến các khu công nghiệp và cụm công nghiệp.

d) Tăng cường công tác phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các quy định, quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

đ) Xây dựng và ban hành quy chế phối hợp giữa Ban An toàn giao thông Thành phố với Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất thành phố Hà Nội, Liên đoàn lao động Thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại khu vực có khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

e) Các nhà đầu tư, nhà khai thác và các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải bố trí bộ phận làm đầu mối theo dõi, quản lý về công tác bảo đảm an toàn giao thông hoặc có người phụ trách về vấn đề này.

f) Khuyến khích các doanh nghiệp, các khu công nghiệp áp dụng quy trình quản lý an toàn giao thông theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 39001.

g) Bổ sung tiêu chí về an toàn giao thông vào tiêu chí đánh giá, xếp loại khen thưởng hàng năm đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

2. Kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông

a) Khu vực trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp:

- Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trong khu vực khu công nghiệp và cụm công nghiệp phải tuân thủ các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về giao thông vận tải và bảo đảm an toàn giao thông, đảm bảo kết nối đồng bộ với hệ thống cơ sở hạ tầng khác tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Rà soát, thay thế hệ thống báo hiệu đường bộ trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang xây dựng theo đúng quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2016/BGTVT.

- Cải tạo điều kiện an toàn giao thông tại các nút giao trong khu vực khu công nghiệp, cụm công nghiệp; ưu tiên lắp đặt các biển cảnh báo, bổ sung cầu vượt cho người đi bộ, vạch sơn và gờ giảm tốc.

- Cải tạo bảo đảm tầm nhìn, bán kính cong tại các đoạn rẽ, các nút giao trong các cụm công nghiệp.

- Xây dựng bãi đỗ xe ô tô trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Bố trí các điểm đón, trả khách trong khu công nghiệp cho phương tiện đưa đón cán bộ, công nhân.

- Các khu công nghiệp có lưu lượng giao thông lớn vào giờ cao điểm (vào ca, tan ca) nghiên cứu mở thêm cổng nếu có đủ điều kiện an toàn; xem xét bố trí cổng dành riêng cho phương tiện vận tải hàng hóa.

- Cải tạo điều kiện an toàn tại khu vực các cầu cảng đường thủy nội địa, đường ngang đường bộ và đường sắt trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Thực hiện đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với giao thông bên ngoài hàng rào của khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đáp ứng tiến độ đưa vào hoạt động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

b) Khu vực ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp:

- Ưu tiên cải tạo xóa bỏ các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông trên hệ thống đường bộ khu vực xung quanh các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Rà soát, điều chỉnh, đảm bảo đấu nối của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vào quốc lộ (thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố Hà Nội) theo đúng quy định tại Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

- Rà soát, cải tạo nâng cao điều kiện an toàn giao thông tại các điểm đấu nối khu công nghiệp, cụm công nghiệp với quốc lộ (thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố Hà Nội), đường tỉnh, đường đô thị và đường huyện; ưu tiên các giải pháp lắp đèn tín hiệu giao thông, phân làn giao thông, sơn gờ giảm tốc, bố trí lối đi bộ sang đường.

- Ưu tiên đầu tư xây dựng cầu vượt cho người đi bộ, xe đạp và xe máy sang đường trên các tuyến quốc lộ (thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố Hà Nội) và đường tỉnh có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao và tổ chức giao thông phức tạp tại khu vực khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Đầu tư xây dựng đường gom tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp theo quy hoạch và phân rõ trách nhiệm đầu tư đảm bảo đúng tiến độ hoạt động của các khu công nghiệp và cụm công nghiệp đưa vào khai thác.

- Nghiên cứu phân luồng, hạn chế phương tiện bên ngoài khu công nghiệp tham gia giao thông đi qua khu công nghiệp vào các giờ cao điểm.

3. Phương tiện giao thông và hoạt động vận tải

a) Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe ngay tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

b) Rà soát và bố trí các tuyến xe buýt có điểm dừng đón, trả khách trong các khu công nghiệp và cụm công nghiệp có nhu cầu. Nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm thời gian phù hợp với giờ hoạt động của khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

c) Siết chặt công tác quản lý đối với phương tiện; xe ô tô đưa đón công nhân phải đảm bảo điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và các điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo quy định.

d) Khuyến khích các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp bố trí xe ô tô đưa đón công nhân, có phương án hợp đồng với các doanh nghiệp vận tải hành khách để hỗ trợ đưa đón cán bộ, công nhân về quê trong các đợt cao điểm như ngày lễ, ngày tết.

đ) Các khu công nghiệp và cụm công nghiệp cần xây dựng và ban hành quy chế riêng về giao thông vận tải trong khu vực, phù hợp với từng điều kiện thực tế của các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, bao gồm cả giao thông nội bộ và vận tải ra, vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

4. Tuyên truyền an toàn giao thông

a) Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp với các nội dung như sau:

b) Lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông vào các chương trình của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ban An toàn giao thông Thành phố và các hoạt động liên quan của địa phương. Chú trọng tuyên truyền về các chủ đề: đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy; không đi ngược chiều, không chở quá số người quy định, không chạy quá tốc độ quy định (đối với công nhân, tập trung tuyên truyền cho độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi) và không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, không buôn bán trên lòng đường và lề đường (đối với người dân xung quanh khu vực khu công nghiệp, cụm công nghiệp) theo hướng tăng cường bằng hình ảnh trực quan, sinh động.

c) Đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông vào cùng với các hoạt động tập huấn về an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy hàng năm của các doanh nghiệp.

d) Lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông vào các buổi sinh hoạt công đoàn, cuộc họp giữa công nhân với chủ doanh nghiệp... có sự phối hợp với Ban An toàn giao thông, Liên đoàn lao động các địa phương.

đ) Xây dựng tài liệu tuyên truyền và cẩm nang tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

e) Thành lập đội tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cấp cơ sở trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và tiếp tục nhân rộng mô hình Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ.

f) Trang bị tủ sách pháp luật, trong đó tăng cường tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ và tại khu ký túc xá của công nhân.

g) Tập huấn nâng cao đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng lái xe an toàn cho các lái xe của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và cụm công nghiệp.

h) Xây dựng chương trình phối hợp giữa Ban An toàn giao thông Thành phố với Ban Quản lý khu công nghiệp và Khu chế xuất, Liên đoàn lao động Thành phố và chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông theo từng năm.

i) Biểu dương gương người tốt, việc tốt về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Không xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng dưới mọi hình thức đối với cán bộ, công nhân vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông.

5. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm

a) Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc thực hiện các quy định, quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

b) Thường xuyên tuần tra, kiểm soát theo chuyên đề tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, đặc biệt là các chuyên đề về: đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ, sử dụng rượu bia, chở quá số người quy định, đi không đúng làn đường, phần đường quy định...

c) Lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với phương tiện đưa đón công nhân vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông và các điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, phương tiện chở hàng quá khổ, quá tải.

d) Thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm, chấm dứt tình trạng lấn chiếm lòng đường, lề đường để kinh doanh, buôn bán, làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự, an toàn giao thông tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

đ) Thành lập Tổ tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông tại các cụm công nghiệp với lực lượng nòng cốt là công an xã, phường, dân phòng...

e) Huy động các lực lượng phối hợp, bao gồm Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, Công an, Dân phòng... tiến hành phân luồng, hướng dẫn giao thông trong giờ cao điểm tại cổng và các vị trí có tình hình giao thông phức tạp tại khu vực khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

6. Nguồn nhân lực

a) Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại khu vực khu công nghiệp, cụm công nghiệp cho các cán bộ thuộc Ban Quản lý các khu công nghiệp và Khu chế xuất, Liên đoàn lao động Thành phố, cán bộ phụ trách an toàn của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cán bộ cấp huyện, xã khu vực có khu công nghiệp, cụm công nghiệp (như cán bộ phụ trách về giao thông vận tải, Công an xã, Dân phòng, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội Cựu chiến binh...).

b) Đào tạo, tập huấn cho mạng lưới tuyên truyền viên cơ sở, tổ công nhân tự quản khu nhà trọ thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

7. Nguồn vốn

- Huy động tối đa mọi nguồn lực, đặc biệt nguồn kinh phí từ các nhà đầu tư xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kinh phí đóng góp của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để triển khai thực hiện Đề án, ưu tiên, tập trung nguồn kinh phí cho cải tạo, nâng cấp điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông tại khu vực khu công nghiệp và cụm công nghiệp.

- Tranh thủ các nguồn vốn hợp pháp trong nước và ngoài nước, từ nhiều thành phần, dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó chú trọng đến nguồn kinh phí từ các tổ chức phi chính phủ, các quỹ hỗ trợ của các quốc gia có các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và đào tạo nguồn nhân lực.

- Cụ thể các nguồn kinh phí thực hiện Đề án:

+ Kinh phí sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, quy hoạch tuyến xe buýt: Kinh phí của UBND Thành phố.

+ Kinh phí thực hiện các giải pháp đầu tư, cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông khu vực ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp: kinh phí của UBND các cấp, kinh phí từ các nhà đầu tư xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và của các doanh nghiệp.

+ Kinh phí thực hiện các giải pháp về kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông khu vực trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp: kinh phí từ các nhà đầu tư xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và của các doanh nghiệp.

+ Kinh phí thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đào tạo nguồn nhân lực được huy động từ các nguồn: Các nhà đầu tư xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp; Ban An toàn giao thông Thành phố.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban An toàn giao thông Thành phố

- Chủ trì xây dựng và ban hành quy chế phối hợp giữa Ban An toàn giao thông với Ban quản lý các khu công nghiệp và Khu chế xuất, Liên đoàn lao động thành phố và UBND cấp huyện trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tiến độ thực hiện: năm 2018 - 2019.

- Chủ trì lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông vào các chương trình của Ban An toàn giao thông.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành đào tạo, tập huấn cho mạng lưới tuyên truyền viên cơ sở, tổ công nhân tự quản khu nhà trọ thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan định kỳ tổng hợp kết quả thực hiện 6 tháng một lần, báo cáo các cơ quan cấp trên.

2. Sở Giao thông vận tải

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan rà soát, đưa ra lộ trình đầu tư tổng thể các cầu vượt, hầm giao thông cho người đi bộ, đường gom, kết nối giao thông thuận lợi,... tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố. Tiến độ thực hiện: 2018 - 2019.

- Hàng năm, Tiến hành cải tạo xóa bỏ các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông trên hệ thống đường do thành phố quản lý theo phân cấp tại xung quanh các khu công nghiệp và cụm công nghiệp.

- Rà soát, cải tạo điều kiện an toàn giao thông tại các điểm đấu nối khu công nghiệp, cụm công nghiệp với các tuyến đường do thành phố quản lý theo phân cấp. Tiến độ thực hiện: năm 2018 - 2020.

- Điều chỉnh quy hoạch xe buýt, đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt đến các khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Tiến độ thực hiện: năm 2018 - 2019.

- Chủ trì, phối hợp với Tổng Công ty Vận tải Hà Nội và các bên liên quan bổ sung các tuyến xe buýt phục vụ tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố vào Đề án nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Tiến độ thực hiện: năm 2018 - 2020.

- Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất thành phố Hà Nội, Sở Công Thương và các đơn vị liên quan kiểm tra, thống nhất điểm dừng, đỗ của xe đưa đón cán bộ và công nhân, xe buýt đảm bảo thuận lợi, an toàn cho cán bộ và công nhân.

- Xây dựng chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt đến các khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Tiến độ thực hiện: năm 2018 - 2019.

- Phối hợp với các lực lượng chức năng và các bên liên quan tiến hành kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính việc thực hiện các quy định liên quan đến bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Tiến độ thực hiện: năm 2018 - 2020.

- Phối hợp với Công an Thành phố và các đơn vị chức năng rà soát và điều chỉnh lại hệ thống báo hiệu đường bộ tại các trục đường xung quanh khu vực có khu công nghiệp, cụm công nghiệp bảo đảm đúng theo QCVN 41:2016/BGTVT.

- Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng và các bên liên quan tổ chức khảo sát, lắp đặt bổ sung hệ thống camera giám sát, hệ thống chiếu sáng trên các tuyến đường gom, các tuyến đường xung quanh khu vực các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để phục vụ công tác theo dõi tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông khu vực. Tiến độ: năm 2018 - 2020.

3. Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất thành phố Hà Nội

- Rà soát và điều chỉnh quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp phù hợp với quy hoạch giao thông vận tải. Tiến độ thực hiện: năm 2018 - 2019.

- Phối hợp với các nhà đầu tư, nhà khai thác và các doanh nghiệp ban hành quy chế riêng về giao thông vận tải trong khu vực, phù hợp với từng điều kiện thực tế của các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, bao gồm cả giao thông nội bộ và vận tải ra, vào khu công nghiệp. Tiến độ thực hiện: năm 2018 - 2019.

- Tăng cường công tác phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các quy định, quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tiến độ thực hiện: hàng năm.

- Yêu cầu các nhà đầu tư, nhà khai thác và các doanh nghiệp phải bố trí bộ phận làm đầu mối theo dõi, quản lý về công tác bảo đảm an toàn giao thông, hoặc có người phụ trách về vấn đề này; Tiến độ thực hiện: hàng năm.

- Bổ sung tiêu chí về an toàn giao thông vào tiêu chí đánh giá, xếp loại khen thưởng hàng năm đối với các doanh nghiệp. Tiến độ thực hiện: năm 2018 - 2019.

- Rà soát, thay thế hệ thống báo hiệu đường bộ trong các khu công nghiệp. Tiến độ thực hiện: năm 2018 - 2019.

- Hàng năm, Phối hợp, hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với giao thông bên ngoài hàng rào của khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đáp ứng tiến độ đưa vào hoạt động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Cải tạo điều kiện an toàn giao thông tại các nút giao trong khu vực khu công nghiệp; xây dựng bãi đỗ xe ô tô trong các khu công nghiệp; bố trí các điểm đón, trả khách trong khu công nghiệp. Tiến độ thực hiện: năm 2018 - 2020.

- Rà soát và đầu tư xây dựng các đường gom tại các khu công nghiệp theo quy hoạch. Tiến độ thực hiện: năm 2018 - 2020.

- Khuyến khích các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp bố trí xe ô tô đưa đón công nhân; Khuyến khích các doanh nghiệp và các khu công nghiệp áp dụng quy trình quản lý an toàn giao thông theo tiêu chuẩn ISO 39001. Tiến độ thực hiện: năm 2018-2019.

- Yêu cầu các khu công nghiệp xây dựng và ban hành quy chế riêng về giao thông vận tải trong khu vực, phù hợp với từng điều kiện thực tế của các khu công nghiệp. Tiến độ thực hiện: năm 2018 - 2019.

- Phối hợp với Tổng Công ty Vận tải Hà Nội và các bên liên quan cung cấp thông tin về nhu cầu đi lại của cán bộ công nhân viên các khu công nghiệp làm cơ sở để xây dựng phương án tuyến buýt phù hợp. Tiến độ thực hiện: năm 2018 - 2019.

- Đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông vào cùng với các hoạt động tập huấn về an toàn lao động, phòng cháy, chữa cháy hàng năm của các doanh nghiệp. Lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông vào các buổi sinh hoạt công đoàn, cuộc họp giữa công nhân với chủ doanh nghiệp. Tiến độ thực hiện: năm 2018 - 2020.

- Xây dựng tủ sách pháp luật tại khu nhà ở và nhà trọ của công nhân. Tiến độ thực hiện: năm 2018 - 2019.

- Lập, cập nhật danh sách các khu công nghiệp (nêu rõ: tên khu công nghiệp; vị trí; tổ chức, cá nhân đại diện theo pháp luật để liên hệ; số điện thoại, địa chỉ liên hệ) gửi về Văn phòng Ban An toàn giao thông Thành phố làm cơ sở để tổng hợp, theo dõi, phổ biến đối với các nội dung liên quan.

- Chủ trì, phối hợp với các bên quan hướng dẫn, triển khai thực hiện các quy định liên quan đến an toàn giao thông tại khu công nghiệp nêu tại Quyết định số 32/2017/QĐ-UBND ngày 28/9/2017 của UBND Thành phố về việc ban hành "Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với hoạt động của các khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hà Nội".

4. Công an thành phố

- Chỉ đạo Công an địa phương, Phòng Cảnh sát giao thông và các đơn vị trực thuộc thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông theo nguyên tắc: khu công nghiệp, cụm công nghiệp có Đồn công an thì Đồn công an tại khu vực chịu trách nhiệm; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp không có Đồn công an thì Công an huyện chịu trách nhiệm; Phòng Cảnh sát giao thông thực hiện trên các tuyến quốc lộ, đường cao tốc thuộc sự quản lý của Hà Nội theo quy định. Tiến độ thực hiện: năm 2018 - 2019.

- Tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện tham gia giao thông ảnh hưởng đến an toàn giao thông tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp.

- Phối hợp với các bên liên quan định kỳ tiến hành kiểm tra theo chuyên đề liên quan đến an toàn giao thông tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Tiến độ thực hiện: năm 2018 - 2020.

- Tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với phương tiện đưa đón công nhân vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông và các điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, phương tiện chở hàng quá khổ, quá tải.

- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các đơn vị chức năng tham gia rà soát, điều chỉnh các vấn đề liên quan đến công tác tổ chức giao thông trên các tuyến đường xung quanh các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

5. UBND các quận, huyện, thị xã

- Tiến hành cải tạo xóa bỏ các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông trên hệ thống đường do UBND cấp huyện quản lý theo phân cấp tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn.

- Rà soát, cải tạo điều kiện an toàn giao thông tại các điểm đấu nối khu công nghiệp, cụm công nghiệp với các tuyến đường do cấp huyện quản lý theo phân cấp tại. Tiến độ thực hiện: năm 2017 - 2020.

- Tuần tra, kiểm soát, xóa bỏ các chợ cóc, chợ tạm, chấm dứt tình trạng lấn chiếm lòng đường, lề đường kinh doanh buôn bán tại khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn.

- Thành lập Tổ tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo đảm trật tự và giao thông tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn. Tiến độ thực hiện: năm 2018 - 2019.

- Phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định, quy hoạch, kế hoạch bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tiến độ thực hiện: thường xuyên hàng năm.

- Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông tại khu vực dân cư quanh khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn. Tiến độ thực hiện: hàng năm.

6. Sở Công Thương

- Chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp cùng địa phương tổ chức tuần tra, kiểm soát, xóa bỏ các chợ cóc, chợ tạm, chấm dứt tình trạng lấn chiếm lòng đường, lề đường kinh doanh buôn bán tại các cụm công nghiệp. Tiến độ thực hiện: thường xuyên hàng năm.

- Thực hiện các nội dung tương tự của Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất thành phố Hà Nội nêu tại mục IV.3 đối với các cụm công nghiệp.

- Lập, cập nhật danh sách các cụm công nghiệp (nêu rõ: tên cụm công nghiệp; vị trí; tổ chức, cá nhân đại diện theo pháp luật để liên hệ; số điện thoại, địa chỉ liên hệ) gửi về Văn phòng Ban An toàn giao thông Thành phố làm cơ sở để tổng hợp, theo dõi, phổ biến đối với các nội dung liên quan.

- Chủ trì, phối hợp với các bên liên quan hướng dẫn, triển khai thực hiện các quy định liên quan đến an toàn giao thông tại cụm công nghiệp nêu tại Quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

7. Tổng Công ty Vận tải Hà Nội

- Nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt đến các khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Tiến độ thực hiện: trong năm 2018 - 2019.

- Bố trí các điểm đón, trả cán bộ, công nhân bằng bên ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tiến độ thực hiện: năm 2017 - 2018.

8. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội

Đầu tư xây dựng cầu vượt, hầm giao thông cho người đi bộ, đường gom, kết nối giao thông thuận lợi,... tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên các tuyến đường do thành phố quản lý theo phân cấp.

9. Sở Tài chính

Phối hợp với các bên liên quan hướng dẫn các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện đề án theo các quy định hiện hành; trình Thành phố bố trí nguồn vốn kinh phí thực hiện công tác duy tu, duy trì, sửa chữa các công trình hạ tầng giao thông liên quan đến các khu công nghiệp và cụm công nghiệp theo quy định.

10. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với các bên liên quan triển khai công tác kêu gọi đầu tư xây dựng công trình; trình UBND Thành phố bố trí nguồn vốn kinh phí phục vụ công tác đầu tư xây dựng công trình.

11. Các sở, ban, ngành và các cơ quan liên quan

Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động triển khai thực hiện những nội dung công việc liên quan trong đề án liên quan để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại những khu vực có khu công nghiệp và cụm công nghiệp.

Định kỳ tuần cuối cùng của tháng 6 và tháng 12, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm gửi kết quả thực hiện 6 tháng về Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố để tổng hợp.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, những vấn đề cần bổ sung, điều chỉnh, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan đề xuất gửi về Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố xem xét, quyết định./.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực Thành ủy; (để b/c);
- Thường trực HĐND TP; (để b/c);
- Chủ tịch UBND TPHN; (để b/c);
- Bộ GTVT;
- Các Đ/c PCT UBND TP;
- Liên đoàn Lao động TP;
- Công an TP;
- Các Sở: KHĐT, Tài chính, GTVT, XD, Công Thương, VHTT, QH-KT, TTTT;
- Ban ATGT TPHN;
- Ban QL các KCN&CX Hà Nội;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- TCT Vận tải HN;
- Ban QLDA ĐTXD CTGT HN;
- VPUBTP: CVP, PCVP Phạm Văn Chiến; ĐT, TH, TKBT, KT;
- Lưu VT, ĐTHải.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Hùng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 243/KH-UBND năm 2017 về triển khai Đề án “Tăng cường giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại những khu vực có khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội" theo Quyết định 2376/QĐ-BGTVT

  • Số hiệu: 243/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 15/12/2017
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Thế Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/12/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản