Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 241/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 10 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRUYỀN THÔNG HỖ TRỢ ĐƯA HỘ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP LÊN SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ, THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Quyết định số 1369/QĐ-BTTTT ngày 06/9/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc phê duyệt Kế hoạch truyền thông hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn; Kế hoạch số 195/KH-UBND ngày 27/8/2021 của UBND tỉnh về Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn và bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu trong tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch truyền thông hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, với các nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU VÀ ĐỐI TƯỢNG TRUYỀN THÔNG

1. Mục tiêu

- Thực hiện hiệu quả, đồng bộ Quyết định số 1369/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch số 195/KH-UBND ngày 27/8/2021 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (sau đây viết tắt là TMĐT), thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn (sau đây viết tắt là NNNT) và bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu trong tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác (sau đây gọi chung là hộ SXNN) lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số NNNT đến người dân trên địa bàn tỉnh qua các phương tiện thông tin đại chúng.

- Kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường với mục tiêu“Kinh tế số, xã hội số tại nông thôn”.

- Thông điệp: “Nâng tầm giá trị nông sản tỉnh Thanh Hóa qua nền tảng thương mại số”.

2. Yêu cầu

- Phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành Trung ương; các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi tắt là UBND cấp huyện), các đơn vị có liên quan, cơ quan báo chí, truyền thông và các hộ SXNN trên địa bàn tỉnh để triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm hỗ trợ hộ SXNN lên sàn TMĐT đến đông đảo người dân.

- Thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều hình thức đa dạng như: Báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, hệ thống truyền thanh - truyền hình cấp huyện, xã, hệ thống thông tin cơ sở, hội nghị, tập huấn, các bản tin, tờ rơi… để phát huy hiệu quả của chính sách tới người dân.

3. Đối tượng truyền thông

- Truyền thông đến các hộ SXNN, doanh nghiệp kinh doanh, Hợp tác xã chế biến sản phẩm nông nghiệp (sau đây viết tắt là SPNN) trong tỉnh để biết đến lợi ích của việc mua, bán hàng trên sàn TMĐT.

- Truyền thông đến người tiêu dùng trong tỉnh và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác trên cả nước, thúc đẩy tiêu thụ SPNN.

- Truyền thông đến người tiêu dùng là kiều bào ở nước ngoài và người dân các nước, thúc đẩy xuất khẩu SPNN, mở rộng thị trường tiêu thụ.

II. ĐỊNH HƯỚNG TRUYỀN THÔNG

1. Định hướng chung

- Truyền thông về chủ trương của các Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh về hỗ trợ hộ SXNN lên sàn TMĐT; lợi ích của việc đưa SPNN, nguyên, vật liệu đầu vào để hộ SXNN đăng ký gian hàng, tham gia giao dịch trên sàn TMĐT; hiệu quả, kinh nghiệm triển khai thực tế tại một số địa phương.

- Thông tin về trách nhiệm, hoạt động cụ thể sàn TMĐT https://postmart.vn của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và sàn TMĐT https://voso.vn của Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel; thông qua Bưu điện tỉnh và Chi nhánh Bưu chính Viettel trong việc hỗ trợ hộ SXNN lên sàn TMĐT và tiêu thụ các SPNN, qua đó giúp người nông dân giữ giá SPNN, nâng cao giá trị nông sản, thúc đẩy tiêu thụ SPNN của tỉnh Thanh Hóa trên sàn TMĐT.

- Thông tin, giới thiệu về các mặt hàng nông sản chất lượng cao; đạt các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn phòng chống dịch bệnh…

- Hỗ trợ gắn thương hiệu với SPNN cụ thể của từng địa phương, hộ SXNN, bảo đảm cung cấp SPNN chất lượng tới người tiêu dùng thông qua sàn TMĐT.

- Giới thiệu các kênh phân phối mới cho SPNN Việt Nam, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.

- Cung cấp thông tin về: thị trường nông sản Việt Nam, phân tích, dự báo nhu cầu thị trường, giá bán; các sản phẩm, nguyên, vật liệu đầu vào có thương hiệu, đảm bảo chất lượng phù hợp với nhu cầu của các hộ SXNN; các chính sách ưu đãi cho hộ SXNN khi mua sản phẩm, nguyên, vật liệu đầu vào trên sàn TMĐT.

2. Các loại hình truyền thông

- Truyền thông trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa:

Cổng thông tin điện tử của tỉnh được kết nối với chuyên mục “Nông sản Việt” trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Hàng tháng, có các tin, bài có hình ảnh tổng hợp về hoạt động hỗ trợ hộ SXNN tại địa phương.

- Truyền thông trên Báo Thanh Hóa (báo in và báo điện tử):

Tiếp nhận các tin, bài viết, phóng sự, bài viết chuyên sâu, đa phương tiện của các đơn vị trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng;

Xây dựng các tin, bài viết về việc triển khai thực hiện, chia sẻ những kinh nghiệm hay trong việc triển khai thực hiện hỗ trợ hộ SXNN lên sàn TMĐT ở các địa phương.

- Truyền thông trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh:

Tiếp nhận các bản tin, phóng sự về triển khai thực hiện hỗ trợ hộ SXNN lên sàn TMĐT của các đơn vị trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng để phát sóng trên đài truyền hình địa phương;

Xây dựng các phóng sự về thực hiện tốt, những kinh nghiệm hay, gương tiêu biểu trong việc triển khai thực hiện hỗ trợ hộ SXNN lên sàn TMĐT ở các địa phương.

- Truyền thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở:

Tiếp nhận, phát các bản tin phát thanh, các tiểu phẩm phát thanh của các đơn vị trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp, tiếp sóng chương trình của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;

Xây dựng, tự sản xuất, phát các bản tin phát thanh để tuyên truyền.

- Truyền thông qua các Hội nghị tập huấn, phổ biến, hướng dẫn cho các hộ SXNN: Tổ chức các Hội nghị tập huấn, phổ biến, hướng dẫn cho các hộ SXNN bằng các hình thức trực tiếp hoặc thông qua mạng Internet.

- Truyền thông qua tờ rơi, pano, áp phích, bản tin, bảng điện tử,…

- Truyền thông qua mạng xã hội, các hoạt động xúc tiến thương mại, qua fanpage, livestream bán hàng, quảng bá, kết nối, lập nhóm đào tạo hướng dẫn hộ SXNN.

III. NỘI DUNG TRUYỀN THÔNG

1. Lập chuyên mục truyền thông trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh

a) Đơn vị chủ trì: Văn phòng UBND tỉnh.

b) Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp huyện, Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Bưu điện tỉnh, Chi nhánh bưu chính Viettel và các đơn vị liên quan.

c) Nội dung thực hiện:

- Văn phòng UBND tỉnh lập chuyên mục trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để đặt liên kết với Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông; bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đường truyền truy cập vào Cổng thông tin điện tử của tỉnh trong các trường hợp có lưu lượng lớn truy cập.

- Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp huyện, Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các đơn vị liên quan chủ động xây dựng các tin, bài về hoạt động hỗ trợ các hộ SXNN trên địa bàn tỉnh lên sàn TMĐT phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh đưa lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

- Bưu điện tỉnh, Chi nhánh bưu chính Viettel: Hàng tháng có ít nhất 01 tin, bài có hình ảnh tổng hợp về hoạt động hỗ trợ các hộ SXNN trên địa bàn tỉnh lên sàn TMĐT đưa lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

d) Thời gian hoàn thành: Ngay sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Banner, Backdrop về chuyên mục “Nông sản Việt”.

đ) Kết quả:

- Chuyên mục được khởi tạo trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và được liên kết đến Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông để người tiêu dùng cập nhật thông tin về hỗ trợ hộ SXNN đưa sản phẩm trên sàn TMĐT.

- Hàng tháng có ít nhất 01 tin, bài có hình ảnh tổng hợp về hoạt động hỗ trợ các hộ SXNN trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

2. Truyền thông trên báo in, báo điện tử và báo hình

a) Đơn vị chủ trì: Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.

b) Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp huyện, Bưu điện tỉnh, Chi nhánh bưu chính Viettel và các đơn vị có liên quan.

c) Nội dung

- Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh:

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan tiếp nhận các phim tài liệu, phóng sự... do các đơn vị trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng để thực hiện tuyên truyền trên hạ tầng của đơn vị.

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan để xây dựng các nội dung tuyên truyền theo chuyên đề, chuyên mục.

Xây dựng các nội dung bài viết về kết quả triển khai, các phóng sự, những kinh nghiệm hay, hộ SXNN, tấm gương tiêu biểu... trong hỗ trợ hộ SXNN đưa SPNN lên sàn TMĐT.

d) Thời gian thực hiện: Từ tháng 11/2021 và khi có các bản tin, phóng sự của Bộ Thông tin và Truyền thông.

đ) Kết quả:

- Thông tin chính xác về SPNN, thông điệp của Kế hoạch này được đăng tải trên Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; bảo đảm phổ biến chính xác, kịp thời và có kiểm soát.

- Hàng tháng có ít nhất 01 tin, bài có hình ảnh tổng hợp về hoạt động hỗ trợ các hộ SXNN trên Báo Thanh Hóa.

- Hàng tháng có ít nhất 01 tin, bài, phóng sự về hoạt động hỗ trợ các hộ SXNN trên đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.

3. Truyền thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở

a) Đơn vị chủ trì: UBND cấp huyện, Sở Thông tin và Truyền thông.

b) Đơn vị phối hợp: Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Bưu điện tỉnh, Chi nhánh bưu chính Viettel.

c) Nội dung:

- UBND cấp huyện chỉ đạo Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, phối hợp với các đơn vị liên quan, tích cực truyền thông để đưa thông tin đến người dân qua hệ thống Đài truyền thanh cấp huyện, xã. Chủ động xây dựng nội dung tuyên truyền về triển khai thực hiện hỗ trợ, hướng dẫn hộ SXNN đưa SPNN lên sàn TMĐT.

- Sở Thông tin và Truyền thông là đầu mối tiếp nhận nội dung truyền thông trên hệ thống Đài truyền thanh đã được các đơn vị trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng; hướng dẫn hệ thống Đài truyền thanh cấp huyện, xã phát tuyên truyền đến các hộ SXNN, người dân địa phương; xây dựng nội dung tuyên truyền về hỗ trợ, hướng dẫn hộ SXNN đưa SPNN lên sàn TMĐT.

- Bưu điện tỉnh, Chi nhánh bưu chính Viettel chủ động xây dựng nội dung, chương trình phát thanh gửi Sở Thông tin và Truyền thông về truyền thông trên hệ thống Đài truyền thanh cấp huyện, xã.

- Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động xây dựng nội dung truyền thông, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông để truyền thông trên hệ thống truyền thanh cấp huyện, xã.

d) Thời gian thực hiện: Bắt đầu từ tháng 11/2021.

đ) Kết quả:

- Các thông tin liên quan về SPNN (sản lượng, chất lượng, giá bán,…), thông tin hướng dẫn truy cập vào các sàn TMĐT để mua/bán sản phẩm được cung cấp đến người tiêu dùng một cách đầy đủ nhất.

- Hàng tuần có tối thiểu 01 tin, bài tuyên truyền đến các hộ SXNN, người dân địa phương đưa SPNN lên sàn TMĐT.

4. Tổ chức Hội nghị tập huấn, truyền thông, phổ biến, hướng dẫn

a) Đơn vị chủ trì: Bưu điện tỉnh; Chi nhánh bưu chính Viettel; Sở Thông tin và Truyền thông.

b) Đơn vị phối hợp: Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan.

c) Nội dung tổ chức các hội nghị bằng nhiều hình thức:

- Tập huấn, hướng dẫn cho các hộ SXNN về kỹ năng tham gia hoạt động trên không gian mạng, kỹ năng số, kỹ năng tham gia lên sàn TMĐT, logicstics, thúc đẩy phát triển kinh tế số NNNT.

- Hướng dẫn đăng ký tài khoản để đưa SPNN lên sàn TMĐT; hướng dẫn đăng ký tài khoản thanh toán trực tuyến phục vụ giao dịch trên sàn TMĐT.

- Hướng dẫn thực hiện quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận để hộ SXNN tác nghiệp trong quá trình kết nối mua bán trên sàn TMĐT.

- Đào tạo cho các hộ SXNN, các tổ chức liên quan về kỹ năng tham gia hoạt động trên không gian mạng, kỹ năng số, kỹ năng tham gia lên sàn TMĐT, logicstics, thúc đẩy phát triển kinh tế số NNNT.

- Hỗ trợ, giải đáp thắc mắc hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các hộ SXNN.

d) Thời gian thực hiện: Từ tháng 11/2021.

đ) Kết quả dự kiến: Các hộ SXNN được đào tạo về kỹ năng tham gia hoạt động trên không gian mạng, kỹ năng số, thành thạo trong việc đưa các SPNN lên sàn TMĐT.

5. Truyền thông qua tờ rơi, pano, áp phích, bảng điện tử

a) Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp huyện, Bưu điện tỉnh, Chi nhánh bưu chính Viettel.

b) Đơn vị phối hợp: Các cơ quan, đơn vị liên quan.

c) Nội dung:

- In ấn các tờ rơi, pano, áp phích truyền thông về hỗ trợ hộ SXNN đưa SPNN lên sàn TMĐT.

- Đưa các bản tin điện tử về hỗ trợ hộ SXNN đưa SPNN lên sàn TMĐT lên bảng điện tử công cộng của UBND cấp huyện.

d) Thời gian thực hiện: Từ tháng 11/2021.

đ) Kết quả: Có các tờ rơi, pano, áp phích, bản tin điện tử truyền thông, về hỗ trợ hộ SXNN đưa SPNN lên sàn TMĐT.

6. Truyền thông qua mạng xã hội, các hoạt động xúc tiến thương mại

a) Đơn vị chủ trì: Bưu điện tỉnh; Chi nhánh bưu chính Viettel; các hộ SXNN.

b) Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan.

c) Nội dung:

- Chủ động lập các fanpage, livestream bán hàng, quảng bá, kết nối, lập nhóm đào tạo hướng dẫn hộ SXNN.

- Chủ động thực hiện trên kênh báo điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông, qua các sự kiện của đơn vị chức năng tổ chức và qua mạng Internet.

- Tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.

d) Thời gian thực hiện: Từ tháng 11/2021.

đ) Kết quả: Các hộ SXNN được hỗ trợ kỹ năng tham gia hoạt động trên không gian mạng, kỹ năng số, thành thạo trong việc bán SPNN bằng các hình thức fanpage, livestream, trên sàn TMĐT.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

- Làm đầu mối chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch này; tập huấn, hướng dẫn, truyền thông, phổ biến rộng rãi các nội dung của Kế hoạch; theo dõi, kiểm tra, giám sát và tổng hợp, báo cáo kết quả về Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông, các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp bưu chính trên địa bàn tỉnh thực hiện các nội dung tại Kế hoạch này.

2. Sở Tài chính

Hướng dẫn các đơn vị cân đối ngân sách của địa phương, triển khai thực hiện theo phân cấp hiện hành; trong đó các nhiệm vụ của các cơ quan cấp tỉnh sử dụng kinh phí đã giao trong dự toán đầu năm để thực hiện và thanh quyết toán kinh phí đúng theo quy định hiện hành.

3. Sở Công Thương

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung của Kế hoạch này.

- Thông tin, truyền thông về thị trường nông sản, phân tích, dự báo nhu cầu thị trường, giá bán; các sản phẩm, nguyên, vật liệu đầu vào có thương hiệu, đảm bảo chất lượng phù hợp với nhu cầu của các hộ SXNN; các chính sách ưu đãi cho hộ SXNN khi mua sản phẩm, nguyên, vật liệu đầu vào trên sàn TMĐT.

- Hỗ trợ sàn TMĐT trong việc thực hiện các thủ tục xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu ra quốc tế.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung của Kế hoạch này; cung cấp thông tin mùa vụ, sản lượng thu hoạch, nuôi trồng; thời điểm thu hoạch SPNN cho sàn TMĐT https://postmart.vn của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, sàn TMĐT https://voso.vn của Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel và các cơ quan báo chí, truyền thông.

- Thông tin, truyền thông, giới thiệu về các mặt hàng nông sản chất lượng cao; đạt các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn phòng, chống dịch bệnh...

- Chỉ đạo sản xuất nuôi trồng, sơ chế biến sản phẩm nông sản theo nhu cầu thị trường, theo đặt hàng của đối tác trên sàn TMĐT.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Cung cấp danh sách các hộ nông dân sản xuất, nuôi trồng, chế biến nông sản cho sàn TMĐT https://postmart.vn của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, sàn TMĐT https://voso.vn của Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel để hỗ trợ, tuyên truyền, hướng dẫn đưa sản phẩm lên giao dịch trên các sàn TMĐT.

- Chỉ đạo Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, Đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác truyền thông trên địa bàn.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan truyền thông, tuyên truyền về thương hiệu, chất lượng các sản phẩm thế mạnh, sản phẩm OCOP, SPNN của địa phương mình, bảo đảm cung cấp tới người tiêu dùng thông qua sàn TMĐT.

- Cung cấp thông tin, hỗ trợ xác nhận khung giá thu mua sản phẩm nông sản ổn định; xác nhận chủng loại và chất lượng sản phẩm nông sản cho sàn TMĐT.

- Chủ động bố trí các nguồn lực tại địa phương để thực hiện Kế hoạch này.

6. Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử của tỉnh

- Theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, xây dựng, thực hiện tốt công tác truyền thông các nội dung có liên quan đến Kế hoạch này.

- Lập chuyên mục “Nông sản Việt” trên trang thông tin điện tử của đơn vị.

7. Bưu điện tỉnh, Chi nhánh bưu chính Viettel

- Chủ động xây dựng kế hoạch truyền thông; gửi Sở Thông tin và Truyền thông để theo dõi quản lý, phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông.

- Chủ động xây dựng các sự kiện, tài liệu, thông tin phục vụ truyền thông tại từng địa phương, phát động phong trào hộ SXNN lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số NNNT; chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh theo hướng thống nhất phù hợp với thực tế, cả hai doanh nghiệp cùng chung mục tiêu, chia sẻ dữ liệu, hỗ trợ phát triển chung.

- Hàng tháng xây dựng ít nhất 01 tin, bài có hình ảnh tổng hợp về hoạt động hỗ trợ các hộ SXNN trên địa bàn tỉnh lên sàn TMĐT gửi Sở Thông tin và Truyền thông để phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh đưa lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

- Thực hiện các nội dung có liên quan tại Kế hoạch này. Định kỳ hàng tuần (trước thứ 5), tháng (trước ngày 25 tháng báo cáo), quý (trước ngày 25 tháng cuối quý báo cáo) báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch gửi về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp báo cáo, sơ kết chung với Bộ Thông tin và Truyền thông. Đối với báo cáo năm, gửi Kế hoạch truyền thông về Sở Thông tin và Truyền thông trước ngày 15/11 để có định hướng thực hiện cho năm tiếp theo.

- Kinh phí Hội thảo, tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền, các nội dung liên quan hỗ trợ đưa hộ SXNN lên sàn TMĐT do các doanh nghiệp có sàn TMĐT thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 2981/BTTTT-QLDN ngày 06/8/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, phát sinh vấn đề cần giải quyết, các cơ quan, đơn vị báo cáo kịp thời về Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Xuân Liêm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 241/KH-UBND năm 2021 về truyền thông hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

  • Số hiệu: 241/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 10/11/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Mai Xuân Liêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/11/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản