Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/KH-UBND

Hà Nội, ngày 08 tháng 02 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI NĂM 2017

Thực hiện Kế hoạch số 02/KH-BCĐ ngày 03/01/2017 của Ban chỉ đạo 138/CP Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người năm 2017 (gọi tắt là Chương trình 130/CP) cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU VÀ CHỈ TIÊU CỤ THỂ

1. Mục tiêu

1.1. Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, từ đó nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ban ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân, làm chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động trong phòng, ngừa đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

1.2. Nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm mua bán người, thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, đưa nạn nhân trở về đoàn tụ với gia đình, xã hội.

1.3. Tăng cường hợp tác về phòng, chống mua bán người, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp công dân Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam góp phần đảm bảo an ninh trật tự phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

1.4. Trong quá trình thực hiện kế hoạch, các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể phải nâng cao trách nhiệm và hiệu quả công tác, chủ động phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các tổ chức, đoàn thể nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi kế hoạch của Thành phố. Gắn việc thực hiện Chương trình 130/CP với các Chương trình mục tiêu khác như: Chương trình phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy, xóa đói, giảm nghèo... các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2. Các chỉ tiêu cụ thể

2.1. Tăng thời lượng, tần suất và kịp thời đưa tin tuyên truyền về phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở, chú trọng nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

Nâng cao chất lượng các mô hình truyền thông chuyên sâu, lồng ghép về phòng, chống mua bán người. Tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật mới ban hành, có hiệu lực liên quan đến phòng, chống mua bán người. Đảm bảo 75% báo cấp thành phố, quận, huyện, thị xã được cập nhật tài liệu truyền thông về phòng, chống mua bán người.

2.2. Nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người: (1) Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ tại 100% tuyến, địa bàn trọng điểm; (2) 100% thông tin liên quan mua bán người được phân loại, xử lý và các vụ việc có dấu hiệu tội phạm mua bán người được xác minh theo luật định; (3) Tăng ít nhất 2% tỷ lệ khởi tố điều tra các vụ án mua bán người so với năm 2016; (4) Đạt trên 95% số vụ án mua bán người được truy tố và xét xử.

2.3. Phối hợp chặt chẽ trong tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; 100% nạn nhân đã tiếp nhận được tiến hành thủ tục xác minh, xác định, bảo vệ và có nhu cầu thì được hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

2.4. 100% văn bản pháp luật mới ban hành có hiệu lực liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người được tổ chức nghiên cứu, tổ chức thực hiện; rà soát đề xuất sửa đổi bổ sung và theo dõi thi hành.

2.5. 100% điều ước, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống mua bán người đã ký được sơ, tổng kết theo định kỳ và có kế hoạch triển khai giai đoạn tiếp theo.

II. CÔNG TÁC TRỌNG TÂM

1. Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chương trình 130/CP năm 2017 và giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn Thành phố đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu đề ra.

2. Tuyên truyền rộng rãi, với nhiều hình thức, loại hình phong phú để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. Gắn việc thực hiện Chương trình 130/CP với việc thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới”; Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/11/2010 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”, Chương trình phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, Chương trình bảo vệ trẻ em...; các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Phong trào toàn dân tham gia tố giác tội phạm”... và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến, mô hình điểm, hiệu quả, kinh nghiệm hay về phòng, chống tội phạm mua bán người.

3. Tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” (30/7/2017) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với nội dung Thông điệp của Liên Hợp quốc về phòng, chống mua bán người năm 2017.

4. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm, đơn trình báo mất tích... có dấu hiệu của tội phạm mua bán người. Tiến hành đồng bộ các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý những đường dây, ổ nhóm tội phạm mua bán người trên địa bàn thành phố (tập trung các đường dây tội phạm mua bán người hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia), đảm bảo mọi hành vi mua bán người đều được phát hiện, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Lựa chọn các vụ án điểm để tổ chức xét xử lưu động nhằm tuyên truyền, giáo dục và răn đe các đối tượng phạm tội khác.

5. Tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ, trợ giúp pháp lý đối với những nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng. Nghiên cứu các chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước quan tâm, tài trợ cho Chương trình 130/CP.

6. Chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ trong việc hỗ trợ thực hiện các dự án về truyền thông phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm, tiếp nhận, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách, xây dựng pháp luật... theo đúng đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Thực hiện nghiêm túc các Hiệp định, thỏa thuận, kế hoạch hợp tác song phương, đa phương giữa Việt Nam với các nước, nhất là Kế hoạch tổ chức thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020, Kế hoạch tổ chức thực hiện Hiệp định về hợp tác song phương trong phòng, chống buôn bán người và bảo vệ nạn nhân bị buôn bán giữa 2 nước Việt Nam - Campuchia, Kế hoạch tổ chức thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam và Lào về phòng, chống mua bán người và bảo vệ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2016 - 2020...

Đẩy mạnh việc hợp tác, phối hợp, trao đổi thông tin với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các địa phương giáp biên giới đất liền với Trung Quốc, Campuchia, Lào để trao đổi kinh nghiệm, nắm tình hình, triển khai các biện pháp phối hợp đấu tranh chống tội phạm, các văn bản có tính pháp quy, chế độ, chính sách, quy định về tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ mua bán người.

7. Nghiên cứu, kiến nghị, sửa đổi hoàn thiện các văn bản liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người. Đẩy mạnh thực hiện công tác giáo dục, phổ biến pháp luật, nhất là Luật phòng, chống mua bán người.

III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Công an Thành phố

1.1. Thực hiện chức năng thường trực, tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc thành phố Hà Nội (Ban chỉ đạo 138/TP) tổ chức triển khai thực hiện Chương trình 130/CP năm 2017 và giai đoạn 2016-2020 đến các sở, ban, ngành có liên quan.

1.2. Định kỳ, tham mưu cho UBND Thành phố, Ban chỉ đạo 138/TP mở đợt cao điểm, các chuyên đề có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm mua bán người theo sự chỉ đạo của Bộ Công an.

1.3. Tham mưu cho Ban chỉ đạo 138/TP triển khai Kế hoạch điều tra, khảo sát thực trạng tình hình tội phạm mua bán người và các đối tượng có liên quan trên toàn Thành phố; đề xuất các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn loại tội phạm này trong giai đoạn tiếp theo. Phối hợp với các cơ quan báo, đài xây dựng các phim tuyên truyền, phim phóng sự, bài viết chuyên đề về công tác phòng, chống mua bán người.

1.4. Tổ chức các hoạt động phòng ngừa nghiệp vụ, tuần tra mật phục, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý triệt để những đường dây, ổ nhóm tội phạm mua bán người xảy ra trên địa bàn thành phố. Không để hình thành các đường dây, ổ nhóm tội phạm lớn về mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ, trẻ em. Kịp thời tổ chức tiếp nhận, xác định nạn nhân; thu thập tài liệu, chứng cứ xác định, cấp giấy chứng nhận và thực hiện hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân bị mua bán trở về theo quy định của pháp luật.

1.5. Phối hợp với các ngành nội chính, chọn đưa ra xét xử điểm, lưu động những vụ án phạm tội mua bán người để tuyên truyền phòng ngừa và răn đe tội phạm. Đồng thời làm tốt công tác bảo vệ nạn nhân, đặc biệt là trẻ em trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người.

1.6. Tăng cường phối hợp với các ngành, địa phương, lực lượng chức năng các nước, tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (INTERPOL), Hiệp hội Cảnh sát quốc gia Đông Nam Á (ASEANAPOL), cơ quan chức năng của nước láng giềng, nước có đông nạn nhân là người Việt Nam nhằm trao đổi thông tin, lập đường dây nóng, xác định cơ quan đầu mối thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, truy bắt tội phạm, giải cứu, tiếp nhận, hồi hương nạn nhân bị mua bán trở về.

1.7. Chủ trì theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch Bộ chỉ số giám sát, đánh giá Chương trình 130/CP và hệ thống phần mềm “Quản lý công tác phòng, chống mua bán người” trên địa bàn Thành phố.

2. Sở Thông tin và Truyền thông

2.1. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng thời lượng phát sóng về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống mua bán người; các phương thức, thủ đoạn, hậu quả, tác hại của tội phạm mua bán người; các biện pháp phòng ngừa; kết quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người; các gương điển hình tiên tiến, mô hình hiệu quả... trên các phương tiện thông tin đại chúng như: đài truyền thanh, đài truyền hình, báo chí, trang web, cổng thông tin điện tử, mạng điện tử di động... (tập trung tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh của 584 xã, phường, thị trấn), nhất là vào “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” (30/7/2017).

2.2. Tổ chức Hội nghị chuyên đề tại các địa bàn trọng điểm về phòng, chống tội phạm mua bán người về phương pháp tuyên truyền, cung cấp các thông tin có liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

3.1. Tổ chức thực hiện nghiêm túc Thông tư 01/TTLT ngày 10/02/2014 về trình tự, thủ tục quan hệ phối hợp trong xác minh, xác định, tiếp nhận và trao trả nạn nhân bị mua bán.

3.2. Chỉ đạo các phòng Lao động Thương binh Xã hội các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát, thống kê số nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về để hỗ trợ chế độ theo quy định, tổ chức tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe, dạy nghề, giải quyết việc làm nhằm nâng cao nhận thức, xóa bỏ mặc cảm tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng cho số phụ nữ, trẻ em bị mua bán ra nước ngoài trở về. Hình thành mạng lưới hỗ trợ nạn nhân và thực hiện quy trình chuẩn về hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng theo hướng bình đẳng giới, chú ý nhu cầu và đặc điểm của nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là trẻ em. Tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các phương thức, thủ đoạn hoạt động cho người dân ở 07 địa bàn quận, huyện (Mê Linh, Đan Phượng, Hà Đông, Tây Hồ, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm) Tổ chức nhân rộng mô hình điểm về truyền thông nâng cao nhận thức, phòng chống tội phạm mua bán người tại 15 xã trên địa bàn Thành phố.

3.3. Tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn hoạt động xuất khẩu lao động an toàn, không để tội phạm lợi dụng xuất khẩu lao động, dịch vụ văn hóa, du lịch để lừa phụ nữ, trẻ em bóc lột tình dục, nô lệ tình dục và lao động cưỡng bức.

4. Sở Tư pháp

4.1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ pháp lý cho nạn nhân. Quản lý, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động hỗ trợ kết hôn, cho, nhận con nuôi nhằm phòng, chống việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người.

4.2. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người, nhất là Luật phòng, chống mua bán người, các vấn đề nhạy cảm như: xuất khẩu lao động, kết hôn, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, du lịch, quản lý người lao động... cho phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người.

4.3. Theo dõi, đôn đốc công tác thi hành án dân sự sau khi bản án mua bán người có hiệu lực pháp luật.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật phòng, chống mua bán người nói riêng trong học sinh, sinh viên với nhiều hình thức, nội dung phong phú, thiết thực, phù hợp với từng cấp, từng ngành học.

6. Sở Y tế: Phối hợp với các cơ quan có liên quan quan tâm, khám chữa bệnh cho các nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về nhằm thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, hỗ trợ, tái hòa nhập cộng đồng ổn định, bền vững.

7. Sở Văn hóa Thể thao, Sở Du lịch: Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người. Lồng ghép nội dung tuyên truyền này vào các chương trình văn hóa, du lịch; quản lý, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động du lịch, dịch vụ văn hóa nhằm phòng, chống việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người, xâm hại tình dục trẻ em.

8. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phân bổ kinh phí hỗ trợ thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người năm 2017 theo phân cấp ngân sách.

9. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã: chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn, các ban, ngành, đoàn thể chủ động thực hiện tốt Kế hoạch năm 2017 của UBND Thành phố, lồng ghép thực hiện Chương trình 130/CP với các Chương trình phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy, xóa đói, giảm nghèo... các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tạo điều kiện quan tâm, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, dạy nghề, giải quyết việc làm với các nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về tái hòa nhập cộng đồng.

10. Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ

10.1. Chỉ đạo các cấp Hội tổ chức các chiến dịch truyền thông tại cộng đồng, đẩy mạnh tuyên truyền thủ đoạn hoạt động, kết quả phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm mua bán người tới các Hội viên, gia đình Hội viên, chú trọng các địa bàn trọng điểm, phụ nữ tại các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc, số đối tượng nguy cơ cao, số nạn nhân bị mua bán trở về... gắn việc tuyên truyền phòng, chống mua bán người với tuyên truyền Luật bình đẳng giới, Luật chống bạo lực gia đình... Nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên về phòng, chống mua bán người. Phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” (30/7/2017).

10.2. Duy trì hoạt động có hiệu quả 15 CLB phòng chống tội phạm mua bán người (sinh hoạt ít nhất 1 Quý 1 lần) tại 15 đơn vị điểm: Ba Đình, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoàng Mai, Ba Vì, Thạch Thất, Mỹ Đức, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Đan Phượng, Quốc Oai, Sơn Tây. Tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác xây dựng mô hình phòng chống tội phạm mua bán người cấp cơ sở.

10.3. Duy trì hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật và hỗ trợ kết hôn, chú trọng việc tư vấn, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, phụ nữ bị mua bán hòa nhập cộng đồng.

10.4. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về thủ đoạn, thay đổi hành vi phòng, chống mua bán người cho nhóm phụ nữ đặc thù, nhóm phụ nữ có nguy cơ cao bị mua bán.

11. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân Thành phố: Phối hợp chặt chẽ với các ngành nội chính trong việc thực hiện quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát các vụ án mua bán người. Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về thống kê tội phạm mua bán người.

12. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân Thành phố: Phối hợp Viện kiểm sát và Cơ quan Cảnh sát điều tra của Công an thành phố Hà Nội làm tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người. Tổ chức xét xử điểm, xét xử lưu động, công khai các vụ án mua bán người để giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm.

13. Đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy: Tăng cường chỉ đạo các cơ quan báo chí của Hà Nội đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người. Tổ chức tập huấn công tác tuyên truyền pháp luật phòng, chống mua bán người cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, phóng viên báo, đài của TW và Hà Nội; cho cấp ủy, cán bộ khoa giáo của quận, huyện, thị ủy, các sở, ngành Thành phố, các Đảng bộ khối trực thuộc.

14. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố và các tổ chức đoàn thể: phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức hiểu biết về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người và các biện pháp phòng ngừa cho cán bộ, nhân viên, hội viên trong cơ quan, đơn vị, đoàn thể; lồng ghép, xã hội hóa công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, tránh trùng dẫm, phô trương hình thức.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

Kinh phí thực hiện Chương trình 130/CP được sử dụng từ nguồn ngân sách của Trung ương, địa phương và các nguồn kinh phí khác theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước trên địa bàn. Cơ chế quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí Chương trình 130/CP được thực hiện theo Luật Ngân sách Nhà nước.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được phân công các sở, ban, ngành đoàn thể của Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện. Định kỳ 6 tháng, 01 năm báo cáo UBND Thành phố theo quy định (qua Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 138/TP - Công an Thành phố, số 87 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

2. Giao Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 138/TP (Công an Thành phố), phối hợp với các sở, ngành, tham mưu cho UBND và Ban chỉ đạo Thành phố chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị liên quan, quán triệt triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong kế hoạch này. Định kỳ tổng hợp báo cáo UBND Thành phố, Ban chỉ đạo 138/CP Chính phủ theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Ban chỉ đạo 138 Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công an;
- Đ.c Bí thư Thành ủy;
- TTTU, TTHĐND TP;
- Chủ tịch UBND TP;
- Các PCT UBND TP;
- V11, C41, C42 - Bộ Công an;
- Các Sở, ban, ngành, thành viên BCĐ TP;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- CVP, các PCVP; NC, TKBT, TH;
- Lưu: VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Hồng Sơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 24/KH-UBND thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người do thành phố Hà Nội năm 2017 ban hành

  • Số hiệu: 24/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 08/02/2017
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Lê Hồng Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/02/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản