Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/KH-UBND

Tiền Giang, ngày 18 tháng 01 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG NĂM 2017

Thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 -2020 của Chính phủ.

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2017, với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU VÀ CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu

- Nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực cá nhân, gia đình và toàn xã hội nhằm phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả tội phạm mua bán người. Kết hợp phòng ngừa nghiệp vụ với phòng ngừa xã hội nhằm giải quyết triệt để nguy cơ phát sinh tội phạm mua bán người, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020 và các đề án thuộc Chương trình;

- Đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời tội phạm mua bán người và thực hiện các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng; bảo vệ quyền và lợi ích của người dân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

2. Các chỉ tiêu cụ thể

- Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức, nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội chủ động phòng ngừa và tích cực tự giác tham gia đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, góp phần xây dựng môi trường lành mạnh ở cộng đồng. Xây dựng, nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ chuyên sâu, lồng ghép về phòng, chống mua bán người hiệu quả;

- Tăng cường phối hợp trao đổi thông tin, điều tra, truy bắt tội phạm mua bán người; giải cứu nạn nhân bị mua bán, trong đó: (1). Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ tại 100% tuyến, địa bàn trọng điểm; (2). 100% thông tin liên quan đến mua bán người được phân loại, xử lý và các vụ việc có dấu hiệu tội phạm mua bán người được xác định theo luật định;

- 100% nạn nhân đã tiếp nhận được tiến hành thủ tục xác minh, xác định, bảo vệ và có nhu cầu thì được hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

- 100% văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người được các cơ quan tố tụng cấp tỉnh nghiên cứu xây dựng ban hành kế hoạch thực hiện và theo dõi thi hành;

- 100% tin báo tố giác tội phạm mua bán người được xử lý; 100% các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người được tuyên truyền đến xã, phường, thị trấn; đồng thời tăng cường bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ cấp cơ sở;

- Kịp thời điều tra làm rõ hành vi phạm tội, xử lý nghiêm số đối tượng chủ mưu, cầm đầu tổ chức các đường dây mua bán người theo quy định của pháp luật, góp phần răn đe tội phạm trên địa bàn quản lý.

II. CÔNG TÁC TRỌNG TÂM

1. Công tác chỉ đạo, điều hành

a) Nội dung hoạt động

- Tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ và các đề án của Chương trình. Chủ động nắm tình hình để kịp thời tham mưu cho các cấp lãnh đạo, chỉ đạo phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn tội phạm mua bán người; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn không để bọn tội phạm lợi dụng sơ hở để hoạt động phạm tội;

- Triển khai và ký kết các kế hoạch liên tịch, liên ngành giữa các sở, ngành, tổ chức đoàn thể và địa phương về phòng, chống tội phạm mua bán người; duy trì, nhân rộng các hình thức ký cam kết giữa các đơn vị, tổ chức trong phòng, chống tội phạm mua bán người để phát huy vai trò cộng đồng dân cư; thường xuyên kiểm tra, thông báo về các phương thức thủ đoạn mới của bọn tội phạm; các chính sách pháp luật; những nơi làm tốt, chưa tốt để kịp thời chấn chỉnh việc thực hiện đem lại hiệu quả.

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Bộ chỉ số phục vụ giám sát, đánh giá Chương trình 130/CP giai đoạn 2016 - 2020 và phần mềm quản lý công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh.

b) Phân công trách nhiệm

- Công an tỉnh chủ trì thực hiện.

- Các sở, ngành, đoàn thể liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp thực hiện.

- Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tiến hành triển khai thực hiện các Đề án, tiểu Đề án đã nêu tại Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020.

2. Công tác truyền thông, giáo dục, phòng ngừa

a) Nội dung hoạt động

(1) Tăng cường thời lượng tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm, các biện pháp phòng ngừa, kết quả đấu tranh, các gương điển hình tiên tiến, mô hình hiệu quả, kinh nghiệm hay về phòng, chống tội phạm mua bán người trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện, Đài Truyền thanh cấp xã, báo chí, trang website, cổng thông tin điện tử...; đối tượng cần tập trung là phụ nữ, trẻ em ở nông thôn, nơi có nguy cơ cao. Công tác tuyên truyền phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, hướng dư luận xã hội vào việc tham gia phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm mua bán người.

(2) Triển khai thực hiện Chiến lược truyền thông thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức phòng, chống mua bán người tại cộng đồng, trong đó tập trung:

- Xây dựng kế hoạch, tài liệu tuyên truyền chung và tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề về phòng, chống mua bán người cho cán bộ làm công tác này tại địa phương, cơ sở;

- Bồi dưỡng nâng cao năng lực báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, nhất là mạng lưới tuyên truyền viên cấp xã về kỹ năng tuyên truyền phòng, chống mua bán người;

- Khảo sát, xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình phòng, ngừa hiệu quả về phòng, chống mua bán người;

- Tư vấn nâng cao nhận thức cho nạn nhân, gia đình và cộng đồng về phòng chống mua bán người; hỗ trợ nạn nhân mua bán trở về hòa nhập cộng đồng.

(3) Xây dựng hướng dẫn công tác phòng, chống mua bán người, tập trung vào việc cung cấp thông tin, giám sát phát hiện và thông báo các trường hợp có dấu hiệu mua bán người, khuyến khích đưa vào áp dụng tại các đơn vị làm dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch, kết hôn, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài hoặc đưa người Việt Nam đi lao động nước ngoài theo hợp đồng.

b) Phân công trách nhiệm

- Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã thực hiện hoạt động tại tiết (1);

- Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ trì thực hiện hoạt động tại tiết (2);

- Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã lồng ghép các nhiệm vụ của ngành, địa phương mình với thực hiện các hoạt động tại tiết (3); phối hợp thực hiện tiết (1), (2).

3. Công tác điều tra, truy tố, xử lý tội phạm mua bán người

a) Nội dung hoạt động

(1) Lực lượng Công an, nòng cốt là Cảnh sát Hình sự phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng chủ động xây dựng kế hoạch, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, chiến sĩ tiến hành điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người; xác định tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp, đối tượng nổi, nhất là số chủ mưu, cầm đầu đường dây phạm tội, số có tiền án, tiền sự về tội danh mua bán người để phòng ngừa và đấu tranh, ngăn chặn; chú trọng khu vực biên giới biển, địa bàn trọng điểm, những gia đình có nguy cơ cao và các cơ sở kinh doanh có điều kiện. Phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền cơ sở tăng cường công tác quản lý Nhà nước, phòng ngừa xã hội nhằm giải quyết các nguy cơ không để phát sinh tội phạm mua bán người.

(2) Sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, thường xuyên trao đổi thông tin về âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động của tội phạm mua bán người để có kế hoạch phối hợp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm. Thông qua hoạt động nghiệp vụ và các biện pháp khác để xác lập hiềm nghi, chuyên án, đấu tranh làm rõ các tổ chức, đường dây mua bán người

(3) Phát hiện và khắc phục những sơ hở trong quản lý đối tượng, quản lý người nước ngoài, quản lý nhân hộ khẩu, quản lý dịch vụ Internet, quản lý đường biên giới trên biển… không để bọn tội phạm lợi dụng hoạt động mua bán người.

(4) Điều tra, khảo sát nắm chắc số trẻ em lang thang, số có hoàn cảnh khó khăn, số trẻ em có nguy cơ bị tội phạm xâm hại... để phối hợp với các ngành chức năng bảo vệ, hỗ trợ.

(5) Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua người. Thống nhất đường lối xử lý, lựa chọn các vụ án điểm để xét xử lưu động phục vụ công tác tuyên truyền, răn đe tội phạm. Đồng thời, tổ chức tốt biện pháp bảo vệ nạn nhân, đặc biệt là trẻ em trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người.

b) Phân công trách nhiệm

- Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện hoạt động tại tiết (1), (2), (3);

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các ngành có liên quan thực hiện hoạt động tại tiết (4);

- Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan điều tra thực hiện hoạt động tại tiết (5);

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo thực hiện hoạt động tại tiết (1), (2), (3), (4), (5).

4. Công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng

a) Nội dung hoạt động

(1) Kịp thời tổ chức tiếp nhận những phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị mua bán trở về; phối hợp chính quyền địa phương kịp thời hỗ trợ chính sách cho nạn nhân, lồng ghép với các chương trình dạy nghề, xóa đói, giảm nghèo, giáo dục, tạo điều kiện giúp đỡ họ ổn định cuộc sống, trợ vốn, dạy nghề, tìm việc làm, sớm tái hòa nhập cộng đồng;

(2) Tăng cường chỉ đạo, quản lý chặt chẽ và hướng dẫn xuất khẩu lao động an toàn nhằm phòng ngừa, ngăn chặn không để tội phạm lợi dụng mua bán người dưới dạng này;

(3) Sơ kết, tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện văn bản về trình tự, thủ tục, thẩm quyền tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân;

(4) Tổ chức tiếp nhận, xác minh, xác định và hỗ trợ cho nạn nhân, nhất là các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ và bí mật thông tin về nạn nhân theo quy định của pháp luật;

(5) Đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình hỗ trợ nạn nhân thành cộng tại cộng đồng.

b) Phân công trách nhiệm

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan thực hiện hoạt động tại tiết (1), (2), (5);

- Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan thực hiện hoạt động tại tiết (3), (4);

- Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã phối hợp tổ chức thực hiện.

5. Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật

a) Nội dung hoạt động

- Chỉ đạo Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và nhân dân, chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia phòng, chống mua bán người;

- Tăng cường kiểm tra việc thi hành pháp luật phòng, chống tội phạm mua bán người ở địa phương, cơ sở; kết hợp rà soát, hệ thống hóa các văn bản, tổ chức sơ tổng kết theo chuyên đề; kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người để thực hiện thống nhất và đồng bộ.

b) Phân công trách nhiệm

- Sở Tư pháp chủ trì thực hiện;

- Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã phối hợp tổ chức thực hiện.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ nội dung Kế hoạch này, đề nghị các ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể triển khai thực hiện trong năm 2017 đảm bảo phù hợp, sát với tình hình tại đơn vị, địa phương.

2. Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn và thường xuyên phản ánh kết quả việc thực hiện, đảm bảo chế độ báo cáo định kỳ hàng quí, 06 tháng, tổng kết năm gắn với báo cáo thực hiện công tác phòng, chống tội phạm gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Công an tỉnh) để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ.

3. Giao Công an tỉnh - Cơ quan Thường trực giúp Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các ngành, địa phương thực hiện Kế hoạch này và thực hiện chế độ báo cáo theo đúng quy định./.

 

 

CHỦ TỊCH




Lê Văn Hưởng

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 08/KH-UBND thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2017

  • Số hiệu: 08/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 18/01/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Người ký: Lê Văn Hưởng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/01/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản