Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 238/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 09 tháng 11 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN VÙNG SẢN XUẤT LÚA CHẤT LƯỢNG CAO GIAI ĐOẠN 2020-2025

Căn cứ Quyết định số 795/QĐ-UBND ngày 21/4/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2016-2020; căn cứ nhu cầu thực tiễn sản xuất lúa chất lượng cao của các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao giai đoạn 2020-2025, với các nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây lúa, thay đổi nhận thức và kỹ thuật sản xuất cho người nông dân, tạo sự dịch chuyển từ phương thức sản xuất cũ sang phương thức sản xuất mới có áp dụng khoa học công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Tăng cường thương mại hóa và tính bền vững của chuỗi giá trị. Phát triển ổn định, bền vững vùng sản xuất lúa chất lượng cao, phát huy được lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn lực nông hộ, kết cấu hạ tầng, để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân và đảm bảo an ninh lương thực.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu đến năm 2025 ổn định diện tích vùng sản xuất lúa chất lượng cao đạt khoảng 24.900 ha, năng suất ước đạt trên 60 tạ/ha, trong đó có khoảng 50% diện tích có liên kết, hợp đồng các doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Lợi nhuận tăng thêm khoảng 10-15% so với sản xuất thông thường.

- Xây dựng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chí cánh đồng lớn tại một số vùng sản xuất lúa trọng điểm như Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang nhằm chuyển nhanh sang sản xuất lúa hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiệu quả cao gắn với xây dựng nông thôn mới.

- Đào tạo, tập huấn cho hơn 2.000 hộ nông dân trồng lúa áp dụng các biện pháp kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, áp dụng các biện pháp canh tác tổng hợp và xử lý rơm rạ sau thu hoạch,.... nhằm nâng cao trình độ về kỹ thuật thâm canh, tăng hiệu quả sản xuất trên diện tích canh tác lúa.

- Bố trí khảo nghiệm diện hẹp 15-20 giống lúa mới/vụ để đưa vào khảo nghiệm diện rộng nhằm xác định một số giống lúa có năng suất, chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu đưa vào cơ cấu giống của địa phương.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Định hướng

- Mở rộng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao ở các vùng đất thích hợp, ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, phương pháp quản lý dinh dưỡng tổng hợp, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, chế phẩm vi sinh, chế phẩm sinh học... nhằm sản xuất các sản phẩm nông sản an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo cho người sản xuất và người tiêu dùng.

- Đẩy mạnh cơ chế liên kết hợp tác 04 nhà trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Tăng cường áp dụng cơ giới hóa vào các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Chú trọng công tác xây dựng nhãn hiệu, quảng bá gạo chất lượng cao... ở một số địa phương trong tỉnh.

- Đầu tư cho công tác khảo nghiệm, sản xuất thử để xác định thêm các giống mới có triển vọng bổ sung vào cơ cấu giống lúa theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng. Tăng cường công tác dự tính, dự báo sinh vật gây hại cây trồng để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

2. Diện tích kế hoạch sản xuất lúa chất lượng cao giai đoạn 2020-2025 (ha)

STT

Đơn vị

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

1

Phong Điền

3.000

3.000

3.100

3.250

3.350

3.500

2

Quảng Điền

2.033

2.190

2.420

2.590

2.800

3.050

3

Hương Trà

2.480

2.850

3.080

3.220

3.280

3.300

4

Hương Thủy

2.890,1

2.954,5

2.954,5

3.024,5

3.024,5

3.024,5

5

Phú Lộc

1.540

1.540

1.540

1.540

1.540

1.540

6

Huế

667,9

655

654

654

654

654

7

Nam Đông

15,5

16,5

17

17

17

17

8

A Lưới

922,6

956

1.008

1.058

1.097

1.158

9

Phú Vang

5.246

6.066

6.566

7.202

7.919

8.624

Tổng cộng

18.795,1

20.228,0

21.339,5

22.915,5

23.681,5

24.867,5

III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về kỹ thuật

- Ưu tiên hoạt động nghiên cứu khoa học đối với các giống lúa chất lượng cao đồng bộ từ chọn tạo giống đến toàn bộ quy trình sản xuất. Sử dụng cấp giống bảo đảm tiêu chuẩn, giảm lượng giống gieo (khoảng 80-100kg/ha).

- Về cơ cấu mùa vụ: Tùy theo tình hình thời tiết, diễn biến sinh vật gây hại từng vụ, từng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo lịch thời vụ phù hợp cho từng tiểu vùng trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo các hộ dân sản xuất lúa chất lượng cao gieo cấy đúng lịch thời vụ.

- Làm đất: Thực hiện cơ giới hóa toàn bộ các khâu cày, bừa, sử dụng máy làm đất có công suất lớn để nâng cao chất lượng đất về độ sâu tầng canh tác và độ tơi nhuyễn, từng bước xóa bờ thửa, san phẳng đồng ruộng.

- Tập huấn chuyển giao vào sản xuất các quy trình canh tác tiên tiến, quy trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, ICM; 3 giảm 3 tăng,.., công nghệ xử lý sau thu hoạch và bảo quản, chế biến sau thu hoạch; thay thế dần các giống cũ bằng các giống mới, cho năng suất và chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

- Hướng dẫn nông dân sử dụng sổ tay ghi chép tình hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP, hữu cơ đáp ứng yêu cầu cho từng tiêu thụ.

- Áp dụng các kỹ thuật tiên tiến về gieo sạ, chăm sóc, tưới nước, bón phân hợp lý để nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón. Quản lý chặt chẽ các đối tượng sinh vật gây hại trên cây lúa.

- Thu hoạch cùng thời điểm trên toàn bộ diện tích; đầu tư máy gặt đập liên hợp, máy sấy, máy cuộn rơm... để giảm thất thoát sau thu hoạch, nâng cao chất lượng lúa gạo và bảo vệ môi trường sinh thái.

2. Giải pháp về đất đai, tổ chức sản xuất

- Đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất và đầu tư cơ giới, tạo điều kiện các hộ dồn điền đổi thửa, khuyến khích các hộ ít hoặc không có lao động, không có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hoặc đã chuyển sang nghề khác có thu nhập ổn định cho các hộ khác thuê lại hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các hộ có nhu cầu tích tụ đất để mở rộng sản xuất lúa hàng hóa, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để đưa máy móc cơ giới vào phục vụ sản xuất, nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp.

- Ưu tiên chọn các vùng có diện tích lúa tập trung, đã thực hiện việc dồn điền đổi thửa, có hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng, giao thông thuận lợi. Đồng thời là vùng có nhiều nông dân chuyên canh về cây lúa, giàu kinh nghiệm sản xuất và trình độ thâm canh cao để phát triển mạnh lúa chất lượng cao.

- Xây dựng nâng cấp hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng, tập trung đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi đầu mối; kiên cố hóa các kênh tưới liên xã, liên huyện; kênh nội đồng phục vụ cho vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, bảo đảm yêu cầu tưới, tiêu khoa học.

3. Giải pháp về thông tin tuyên truyền và khuyến nông

- Xây dựng và triển khai các mô hình khuyến nông phục vụ phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng đồng bộ từ ứng dụng khoa học công nghệ đến tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

- Thực hiện đồng bộ nhiều phương pháp chuyển giao kỹ thuật cho hộ nông dân sản xuất lúa an toàn, chất lượng. Hình thành mạng lưới tuyên truyền viên, khuyến nông viên là các nông dân sản xuất giỏi (dùng chính sách nông dân dạy nông dân), phối hợp cùng cán bộ khuyến nông tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, xây dựng mô hình trình diễn.

- Phối hợp với các cơ quan thông tin ở Trung ương (VTV8) và địa phương như Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (TRT); các hệ thống phát thanh, truyền hình cấp huyện và truyền thanh cấp xã để tuyên truyền kỹ thuật sản xuất, quảng bá về sản phẩm “Lúa chất lượng cao” rộng rãi đến với người sản xuất và tiêu dùng.

4. Giải pháp về mở rộng thị trường tiêu thụ

- Tạo điều kiện cho hộ gia đình phát triển mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chí cánh đồng mẫu lớn. Khuyến khích phát triển liên kết hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học, Hiệp hội ngành hàng trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

- Phát triển hệ thống phân phối tại các thị trường, đặc biệt là kết nối hệ thống các siêu thị, trường học, khu công nghiệp ... làm khâu cầu nối để tiêu thụ sản phẩm. Mở rộng thị trường ngoại tỉnh theo hướng đa dạng hóa thị trường.

- Triển khai mạnh mẽ và thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thông qua các chương trình, lễ hội, hội thi đối với sản phẩm gạo chất lượng cao. Hướng đến xây dựng nhãn hiệu gạo chất lượng.

- Hệ thống Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực đẩy mạnh công tác dịch vụ, tìm kiếm mở rộng thị trường cho sản phẩm lúa gạo, để nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh của Hợp tác xã và giúp nông dân tiêu thụ nông sản một cách bền vững.

5. Giải pháp về cơ chế, chính sách

- Thực hiện tốt chính sách theo quy định tại nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý sử dụng đất trồng lúa và Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ và các chính sách phát triển nông nghiệp của Chính phủ như: Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/3/2018 về khuyến nông; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về nông nghiệp hữu cơ; Quyết định 703/QĐ-TTg ngày 28/5/2019 về phê duyệt chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của Tỉnh như: Quyết định số 795/QĐ-UBND ngày 21/4/2016 về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 32/2016/QĐ-UBND ngày 23/5/2016 về việc Ban hành quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 13/2018/QĐ-UBND ngày 09/02/2018 về việc Ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017-2020; Quyết định số 52/2018/QĐ-UBND ngày 27/9/2018 về việc Ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Quyết định số 1162/QĐ-UBND ngày 13/5/2019 về việc ban hành danh mục sản phẩm chủ lực tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2019-2020 và giải pháp hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

6. Kinh phí thực hiện kế hoạch

Nhu cầu kinh phí hàng năm:

Đơn vị tính: Triệu đồng.

TT

Nội dung

Khối lượng

Nhu cầu kinh phí

Ghi chú

1

Hỗ trợ khảo nghiệm diện hẹp một số giống lúa chất lượng

10-15 giống/vụ

200

Kinh phí ngân sách tỉnh

2

Hỗ trợ áp dụng giống lúa mới chất lượng

1-2 giống/vụ

150

Kinh phí lúa nước

3

Tập huấn các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất lúa

5 lớp/năm

75

Kinh phí lúa nước

 

Tổng kinh phí

 

425

 

- Tổng nhu cầu kinh phí 5 năm (2021-2025): 2.125.000.000 đồng

Trong đó:

Ngân sách tỉnh: 1.000.000.000 đồng.

Kinh phí lúa nước: 1.125.000.000 đồng.

Ngoài ra kinh phí thực hiện kế hoạch do người dân đầu tư là chính. Ngân sách nhà nước (bao gồm từ các chương trình, dự án) hỗ trợ theo các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì theo dõi, đôn đốc, giám sát thực hiện; báo cáo tiến độ thực hiện Kế hoạch theo quy định; tổ chức tổng kết đánh giá định kỳ để rút ra bài học kinh nghiệm và xây dựng phương hướng cho những năm tiếp theo.

- Chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn nông dân ứng dụng các công nghệ mới trong sản xuất trồng trọt và bảo vệ thực vật phù hợp sản xuất từng vùng, từng địa phương. Dự tính, dự báo phát hiện tình hình sinh vật gây hại và hướng dẫn cách phòng ngừa, xử lý đạt hiệu quả, an toàn, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

- Chỉ đạo Trung tâm khuyến nông xây dựng mô hình trình diễn về thâm canh, sản xuất lúa chất lượng cao cho các vùng sản xuất. Tập huấn cho những hộ nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa chất lượng cao.

- Chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về chất lượng an toàn thực phẩm. Hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu gạo chất lượng cao.

2. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế hằng năm cân đối, bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp thuộc ngân sách địa phương, kinh phí chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa để triển khai thực hiện kế hoạch có hiệu quả.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Trên cơ sở vốn các chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm, tham mưu UBND tỉnh bố trí ngân sách để thực hiện Kế hoạch phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao.

4. Sở Công Thương

Nghiên cứu, rà soát các chính sách phù hợp về thương mại để hỗ trợ, thúc đẩy việc tiêu thụ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản gắn với chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, triển khai các giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

5. Sở Khoa học và Công nghệ

Kịp thời tham mưu phê duyệt thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao an toàn, các công nghệ sau thu hoạch. Hướng dẫn các địa phương xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu lúa gạo chất lượng cao, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các chuyên mục về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao trong nông nghiệp an toàn, các công nghệ sau thu hoạch. Phối hợp các đơn vị liên quan giới thiệu, quảng bá sản phẩm lúa gạo chất lượng cao trên thông tin truyền thông và đại chúng.

7. UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng Kế hoạch thực hiện và tổ chức phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao trên địa bàn các xã, phường giai đoạn 2020-2025.

- Tổ chức tuyên truyền nhằm tăng cường liên kết, trao đổi giữa các hộ sản xuất lúa chất lượng cao thông qua câu lạc bộ khuyến nông, tổ kinh tế hợp tác, hợp tác xã và hiệp hội.

- Vận động nhân dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất lúa nói chung và lúa chất lượng cao nói riêng an toàn theo hướng VietGAP, không lạm dụng phân bón vô cơ nhất là phân đạm và thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác chỉ đạo, phát triển sản xuất, xây dựng chính sách hỗ trợ từ ngân sách địa phương gắn với các chương trình, chính sách của tỉnh nhằm khuyến khích nông dân thực hiện Kế hoạch.

- Tổ chức, triển khai thực hiện đầy đủ công tác quản lý nhà nước đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), tăng cường công tác quản lý, giám sát các vùng sản xuất lúa chất lượng cao an toàn trên địa bàn.

Trên đây là Kế hoạch phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao giai đoạn 2020-2025, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, vấn đề phát sinh và vượt thẩm quyền, đề nghị các đơn vị phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Các sở: NN&PTNT, TC, KH&ĐT, KH&CN, TT&TT, CT;
- Các Hội đoàn thể cấp tỉnh;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế;
- Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật;
- Trung tâm Khuyến nông;
- VP: LĐ và các CV: KH, TC;
- Lưu: VT, NN.

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phương

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 238/KH-UBND năm 2020 về phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao giai đoạn 2020-2025 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu: 238/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 09/11/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Văn Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/11/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản