Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 237/KH-UBND

Sơn La, ngày 17 tháng 12 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN, SỨC KHỎE TÌNH DỤC VỊ THÀNH NIÊN, THANH NIÊN TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN 2021-2025

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

1. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

2. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới;

3. Nghị định số 120/2007/NĐ-CP ngày 23/7/2007 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh niên và Nghị định số 78/2017/NĐ-CP ngày 03/07/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2007/NĐ-CP;

4. Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030;

5. Quyết định số 3781/QĐ-BYT ngày 28/8/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2020-2025”;

6. Kế hoạch số 78/KH-TU ngày 17/12/2017 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

II. THỰC TRẠNG VỀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN, SỨC KHỎE TÌNH DỤC VỊ THÀNH NIÊN, THANH NIÊN

Để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 tại Chiến lược toàn cầu về sức khỏe phụ nữ, trẻ em và vị thành niên năm 2016, Liên Hợp quốc nhấn mạnh việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục (SKSS, SKTD) cho vị thành niên, thanh niên (VTN&TN) là thông qua tăng cường đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe, tăng độ bao phủ phổ cập, phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp chính quyền, sự tham gia của các cá nhân và cộng đồng.

Để đạt được mục tiêu này Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, quan tâm đầu tư cho công tác chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN và đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng vẫn còn một số bất cập: Kiến thức, kỹ năng chăm sóc SKSS, SKTD còn hạn chế; giáo dục về SKSS, SKTD chưa tiếp cận được ở diện rộng; việc cung cấp thông tin, dịch vụ thân thiện về SKSS, SKTD chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của VTN&TN, tình trạng quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn, nguy cơ lây nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục của VTN&TN vẫn chưa được cải thiện và khó quản lý. Kết quả công tác chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN giai đoạn từ năm 2011 - 2017 cho thấy: Tỷ suất sinh ở nữ VTN (15-19 tuổi) đã giảm đáng kể từ 46 ca sinh/1.000 phụ nữ (năm 2011) xuống còn 30 ca sinh/1.000 phụ nữ (năm 2017); Nhu cầu chưa được đáp ứng về các biện pháp tránh thai (BPTT) ở nữ độ tuổi 15-24 đã giảm từ 35% (năm 2011) xuống còn 29,6% (năm 2017).

Tại tỉnh Sơn La, năm 2019 toàn tỉnh có tổng dân số: 1.248.415 người, trong đó: Tổng số VTN&TN là 563.287 người, chiếm 45,1% dân số; Tổng số VTN là 233.091 người, chiếm 18,7% dân số; Tổng số TN là 330.196 người, chiếm 26,4% dân số; Tỷ lệ mang thai ở VTN chiếm 11,8%; Tỷ lệ phụ nữ đẻ ở tuổi VTN chiếm 10,2% trong tổng số phụ nữ đẻ toàn tỉnh; Tỷ suất sinh ở nữ VTN (15-19 tuổi) 69,9 ca sinh/1.000 phụ nữ (15-19 tuổi); Tỷ lệ phá thai tuổi VTN chiếm 10,6%; Tỷ lệ tảo hôn chiếm 14%; Tỷ lệ TN có nhu cầu kế hoạch hóa gia đình chưa được đáp ứng là 26,1%; Tỷ lệ VTN&TN được trang bị kiến thức, kỹ năng về SKSS, SKTD đạt 43%.

Hiện nay công tác chăm SKSS, SKTD cho VTN&TN của tỉnh Sơn La đã được triển khai nhưng mới ở góc độ lồng ghép trong chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản chung (CSSKSS) và chưa có sự quan tâm đầu tư cụ thể, công tác truyền thông về chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN được triển khai nhưng hiệu quả chưa cao do chưa có sự đầu tư về kinh phí và sự vào cuộc của tất cả các cấp các ngành; Các chương trình giáo dục về SKSS, SKTD trong nhà trường được thực hiện nhưng không nhất quán; Hoạt động truyền thông cung cấp thông tin, tư vấn về SKSS, SKTD cho VTN&TN ngoài nhà trường thực hiện rời rạc, thiếu đồng bộ; Nhân lực để thực hiện cung cấp dịch vụ, cung cấp thông tin SKSS, SKTD, cung cấp dịch vụ thân thiện tại trường học, cộng đồng và tại y tế cơ sở cho VTN&TN còn rất hạn chế và thường xuyên biến động, cán bộ được đào tạo chuyên sâu về cung cấp dịch vụ còn thiếu chưa đáp ứng được nhu cầu; Những rào cản về văn hóa - xã hội vẫn đang là thách thức lớn trong cung cấp và sử dụng dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN; Định kiến và cách nhìn phiến diện về SKSS, SKTD cho VTN&TN của cả cha mẹ, giáo viên, nhân viên y tế và cộng đồng đã và đang ảnh hưởng đến tư tưởng và quan niệm của VTN&TN, gây cản trở không nhỏ đến việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD vì vậy cơ sở y tế tư nhân có xu hướng được VTN&TN chưa lập gia đình lựa chọn nhiều hơn trong sử dụng dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD gây khó khăn cho việc quản lý, thống kê. Từ những thực trạng trên cho thấy việc đầu tư cho chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN là rất quan trọng và thật sự cần thiết nhằm nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh góp phần thực hiện đạt các mục tiêu phát triển bền vững, mục tiêu chiến lược toàn cầu về sức khỏe vị thành niên đến năm 2030.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Từng bước cải thiện tình trạng SKSS, SKTD của VTN&TN nhằm đưa VTN&TN trở thành một lực lượng lao động khỏe mạnh, phát huy hết tiềm năng để đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hướng tới đạt các mục tiêu phát triển bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Mục tiêu

Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD thân thiện cho VTN&TN; Tăng cường công tác truyền thông vận động nhằm tạo môi trường thuận lợi chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN và thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi về chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN và các đối tượng liên quan thông qua các hoạt động truyền thông, giáo dục, tư vấn phù hợp với từng nhóm đối tượng, ưu tiên trong trường học và một số nhóm đối tượng thiệt thòi...

2.2. Chỉ tiêu

- 100% lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các thầy cô giáo, cán bộ Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ... được cung cấp thông tin về chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN;

- 80% cha mẹ được cung cấp thông tin về chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN;

- 80% VTN&TN hiểu biết những nội dung cơ bản về chăm sóc SKSS, SKTD: Tình dục an toàn, các BPTT, hậu quả của mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn, phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục;

- 80% VTN&TN được cung cấp địa chỉ các cơ sở cung cấp dịch vụ có chất lượng về chăm sóc SKSS, SKTD;

- 50% VTN&TN lứa tuổi 15-24 có hành vi tình dục an toàn.

- 80% cơ sở y tế cung cấp dịch vụ CSSKSS trên địa bàn tỉnh có cán bộ được đào tạo về chăm sóc SKSS, SKTD thân thiện cho VTN&TN;

- 100% cơ sở y tế cung cấp dịch vụ CSSKSS trên địa bàn tỉnh thực hiện cung cấp thông tin, giáo dục, truyền thông, tư vấn về SKSS, SKTD cho VTN&TN;

- 100% cơ sở y tế cung cấp dịch vụ CSSKSS tuyến tỉnh, tuyến huyện (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện, Trung tâm y tế huyện, thành phố) thực hiện cung cấp thông tin, tư vấn SKSS, SKTD và khám sức khỏe trước khi mang thai cho VTN&TN;

- 75% phụ nữ độ tuổi 15-24 có nhu cầu sử dụng các BPTT hiện đại được đáp ứng;

- Tỷ lệ mang thai ở VTN giảm xuống còn 9,5%.

- Tỷ lệ phá thai ở VTN giảm xuống còn 10%.

- Tỷ suất sinh ở VTN giảm xuống còn 60 ca sinh/1.000 phụ nữ.

IV. ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN VÀ ĐỊA BÀN THỰC HIỆN

1. Đối tượng thực hiện

- VTN&TN.

- Cán bộ y tế làm công tác truyền thông và cung cấp dịch CSSKSS.

- Lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, cha mẹ, thầy cô giáo, cán bộ Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ...

2. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2021-2025.

3. Địa bàn thực hiện: Toàn tỉnh Sơn La.

V. GIẢI PHÁP VÀ NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Tăng cường truyền thông, vận động thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi về chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN

- Tổ chức Hội thảo triển khai Kế hoạch, triển khai các hoạt động của Kế hoạch, chia sẻ kinh nghiệm về chăm sóc SKSS, SKTD đối với VTN&TN.

- Đẩy mạnh truyền thông vận động về tầm quan trọng của SKSS, SKTD đối với VTN&TN tới lãnh đạo các cấp từ tỉnh tới cơ sở.

- Tuyên truyền vận động, huy động sự tham gia vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể, tổ chức Chính trị - Xã hội, các cơ quan truyền thông đại chúng để đầu tư nguồn lực và tạo môi trường xã hội thuận lợi cho công tác chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN.

- Truyền thông, tuyên truyền các nội dung về chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN trên các phương tiện thông tin đại chúng và các cuộc họp thường kỳ của lãnh đạo các cấp nhằm nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ y tế, giáo viên, người dân.

- Tập trung truyền thông giáo dục nhằm thay đổi hành vi, thái độ, nhận thức trong cộng đồng về chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN.

- Tăng cường sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp trong việc tổ chức triển khai lồng ghép các hoạt động truyền thông về chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN đến các nhóm đối tượng ưu tiên và toàn thể cộng đồng.

- Xây dựng các phóng sự với các chủ đề, chuyên mục về "Tình dục an toàn, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho VTN&TN" phát định kỳ trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, huyện.

- Biên soạn, in ấn, nhân bản, cung cấp các ấn phẩm truyền thông đảm bảo phù hợp và hiệu quả; Đa dạng hóa các loại hình truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo viết, báo hình, báo nói, báo điện tử, ứng dụng các loại hình truyền thông mới như internet, SMS, mạng xã hội ... về sự cần thiết và nhu cầu chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN; cung cấp, quảng bá địa chỉ các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức chiến dịch hoặc sự kiện truyền thông, tuyên truyền về chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN tại tỉnh và các huyện hàng năm.

- Tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn thay đổi hành vi trực tiếp, lồng ghép trong các chiến dịch CSSKSS/KHHGĐ tại các trạm y tế xã, các cơ sở y tế, nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN, đặc biệt là kiến thức và thực hành đúng về tình dục an toàn, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

- Tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn thay đổi hành vi trực tiếp, lồng ghép trong các trường học thông qua các hoạt động ngoại khóa nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN và thực hành đúng về tình dục an toàn, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho học sinh, sinh viên.

2. Nâng cao hiệu quả và tăng cường năng lực quản lý về chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN; Tăng khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN

- Đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động CSSKSS, SKTD để tăng khả năng tiếp cận, chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN tại các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh.

- Tăng cường vận động đầu tư kinh phí cho công tác CSSKSS đảm bảo cung cấp kịp thời các dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN có chất lượng tại các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh từ nguồn kinh phí trung ương, địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước, các nhà tài trợ, đặc biệt là tăng cường hỗ trợ nguồn lực và chuyên môn kỹ thuật để tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD của VTN&TN trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đơn vị trong việc tổ chức, triển khai các hoạt động chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN nhằm tạo môi trường xã hội thuận lợi để triển khai công tác chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN đồng bộ từ tỉnh tới cơ sở để tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD từ VTN&TN. Thu hút sự tham gia của cộng đồng trong chăm sóc SKSS, SKTD VTN&TN.

- Vận động sự cam kết và ủng hộ của chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể trong việc thực hiện chủ trương, chính sách về chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện để vị thành niên, thanh niên được tiếp cận sớm nhất có thể với dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD.

- Gắn kết chặt chẽ, lồng ghép giữa các chương trình y tế liên quan đến công tác chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN như chương trình mục tiêu y tế dân số, phòng chống HIV/AIDS, da liễu và truyền nhiễm...

3. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyên môn, kỹ thuật cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN tại các cơ sở y tế, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá và báo cáo

- Đảm bảo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN tại các cơ sở y tế.

- Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông trong chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN cho cán bộ y tế và cán bộ truyền thông tuyến tỉnh, tuyến huyện nhằm nâng cao năng lực truyền thông.

- Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông, vận động thay đổi hành vi về SKSS, SKTD cho VTN&TN cho cán bộ y tế tại cơ sở, y tế thôn bản, đặc biệt là kiến thức và thực hành đúng về tình dục an toàn, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

- Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, cung cấp kiến thức, kỹ năng thực hành đúng về tình dục an toàn, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho vị thành niên, thanh niên cho cán bộ y tế và giáo viên...

- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ về chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN cho lãnh đạo, cán bộ y tế tại các cơ sở y tế công lập và tư nhân trên địa bàn tỉnh.

- Đảm bảo sự sẵn có và chất lượng các dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN phù hợp với từng cơ sở y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi để VTN&TN được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc liên tục và kịp thời.

- Đẩy mạnh thực hiện liên kết các dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN với phòng chống, điều trị và chuyển tuyến đối với các tai biến sản khoa, các bệnh lây truyền qua đường tình dục...

- Tăng cường năng lực cho mạng lưới CSSKSS về lập kế hoạch, triển khai thực hiện, theo dõi, giám sát và đánh giá can thiệp dự phòng chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN.

- Tăng cường giám sát hỗ trợ, kiểm tra việc tuân thủ các quy trình, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật về CSSKSS, chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN tại các cơ sở y tế, bao gồm cả các cơ sở y tế tư nhân.

- Đảm bảo các Trạm y tế có que thử thai nhanh, bao cao su để cung cấp cho VTN&TN có nhu cầu.

- Triển khai các hoạt động theo dõi, giám sát hỗ trợ, đánh giá kết quả hàng năm, về công tác chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN.

- Thống kê, báo cáo kết quả triển khai các hoạt động của kế hoạch.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Sử dụng nguồn ngân sách tỉnh, tổng kinh phí dự kiến: 3,5 tỷ đồng.

(Dự toán kinh phí kèm theo)

- Nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có).

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

- Chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc tổ chức, triển khai, thực hiện các hoạt động chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN trên địa bàn toàn tỉnh đạt hiệu quả theo đúng Kế hoạch.

- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát kết quả triển khai thực hiện các hoạt động của kế hoạch, định kỳ báo cáo kết quả triển khai thực hiện về UBND tỉnh, Bộ Y tế theo quy định.

2. Sở Tài chính

- Tham mưu cho UBND tỉnh hàng năm cân đối, bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để đảm bảo triển khai thực hiện các hoạt động của Kế hoạch.

- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí chi cho các hoạt động của Kế hoạch theo quy định.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn khác để thực hiện đạt hiệu quả hoạt động của Kế hoạch.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Phối hợp với Sở Y tế triển khai thực hiện các hoạt động của Kế hoạch đạt hiệu quả.

- Chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục trực thuộc phối hợp với các đơn vị y tế tổ chức triển khai các hoạt động của Kế hoạch (tuyên truyền, truyền thông về giới, chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN) lồng ghép với các hoạt động của Kế hoạch liên ngành Y tế trường học trong các trường học toàn tỉnh.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyền thông, tuyên truyền, giáo dục về chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN trên địa bàn toàn tỉnh.

6. UBND các huyện, thành phố

- Phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động của Kế hoạch.

- Hỗ trợ, bổ sung nguồn lực của địa phương cho các hoạt động chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN trên địa bàn huyện, thành phố.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh

Chỉ đạo các tổ chức thành viên phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan, chính quyền các cấp tăng cường truyền thông, tuyên truyền tạo sự đồng thuận của xã hội trong triển khai các hoạt động chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN của Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức về chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN.

8. Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh

Phối hợp, lồng ghép, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông về chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN với các nội dung hoạt động của Hội và câu lạc bộ của phụ nữ các cấp để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch trên phạm vi toàn tỉnh; triển khai lồng ghép trong các mô hình; tổ chức tư vấn cho cha, mẹ về chăm sóc chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN tại địa phương.

9. Đề nghị Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh

Phối hợp lồng ghép công tác tuyên truyền, truyền thông về chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN vào các nội dung hoạt động của Tỉnh đoàn từ tỉnh tới cơ sở đến các đối tượng là đoàn viên, thanh niên nhằm tác động thay đổi nhận thức, thái độ hành vi góp phần triển khai thực hiện kế hoạch đạt hiệu quả.

Trên đây là Kế hoạch Chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025 của UBND tỉnh Sơn La./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế (b/c);
- Thường trực tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND (b/c);
- TT UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện; thành phố;
- CVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX_S.Hùng (25b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hoàng Quốc Khánh

 

DỰ TOÁN KINH PHÍ

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN, SỨC KHỎE TÌNH DỤC CHO VỊ THÀNH NIÊN, THANH NIÊN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Kèm theo kế hoạch số 237/KH-UBND ngày 17 tháng 12 năm 2020 của UBND tỉnh Sơn La)

Đơn vị tính: Đồng

TT

Hoạt động

Diễn giải

Tổng giai đoạn

 

2021

2022

2023

2024

2025

 

TNG KINH PHÍ

 

3,500,000,000

700,000,000

700,000,000

700,000,000

700,000,000

700,000,000

I

HỘI NGHỊ

 

35,200,000

17,600,000

0

0

0

17,600,000

1

Tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2021 - 2025

90 người/ hội nghị

17,600,000

17,600,000

0

0

0

0

2

Tổ chức Hội nghị tổng kết kế hoạch chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2021 - 2025

90 người/ hội nghị

17,600,000

0

0

0

0

17,600,000

II

TẬP HUẤN

 

2,848,940,000

519,860,000

577,480,000

577,480,000

555,240,000

618,880,000

1

Tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên cho nhân viên y tế thực hiện chăm sóc SKSS tại các Bệnh viện đa khoa, Trung tâm Y tế huyện, thành phố, Trạm Y tế xã.

9 lớp x 50 học viên

229,680,000

80,160,000

49,840,000

49,840,000

0

49,840,000

2

Tổ chức lớp tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông cho nhân viên y tế, phụ nữ, đoàn thanh niên thôn bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên tại các huyện,thành phố trên địa bàn tỉnh Sơn La

29 lớp x 50 học viên

2,550,260,000

439,700,000

527,640,000

527,640,000

527,640,000

527,640,000

3

Tổ chức tập huấn truyền thông chăm sóc SKSS, SKTD vị thành niên, thanh niên tại các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố

5 cuộc x 500 người

69,000,000

0

0

0

27,600,000

41,400,000

III

IN SAO ĐĨA CD-R, THIẾT KẾ IN ẤN TỜ RƠI

 

314,982,000

93,000,000

71,982,000

72,000,000

78,000,000

0

1

In, nhân bản đĩa CD-R cấp cho các trường THCS,THPT, ĐH, CĐ và các xã, huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La

2500 đĩa

150,000,000

0

0

72,000,000

78,000,000

0

2

Thiết kế nhân bản tờ rơi cấp cho Trung tâm Y tế huyện/ Thành phố, Trạm y tế xã/ phường, y tế bản, y tế trường trên địa bàn tỉnh Sơn La

35.500 tờ

164,982,000

93,000,000

71,982,000

0

0

0

IV

GIÁM SÁT, HỖ TRỢ KỸ THUẬT

 

300,878,000

69,540,000

50,538,000

50,520,000

66,760,000

63,520,000

 

Giám sát, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật

12 huyện/TP

300,878,000

69,540,000

50,538,000

50,520,000

66,760,000

63,520,000

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 237/KH-UBND năm 2020 về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 237/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 17/12/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La
  • Người ký: Hoàng Quốc Khánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/12/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản