Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/KH-UBND

Thái Bình, ngày 11 tháng 3 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHỐI HỢP ỨNG PHÓ TAI NẠN HÀNG KHÔNG DÂN DÂN DỤNG

Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

Căn cứ Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02/01/2019 của Chính phủ về Phòng thủ dân sự;

Căn cứ Quyết định số 06/2014/QĐ-TTg ngày 20/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển;

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia Ứng phó Sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về xây dựng Kế hoạch phối hợp ứng phó tai nạn hàng không dân dụng; Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Kế hoạch phối hợp ứng phó tai nạn hàng không dân dụng, như sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

1. Tình hình liên quan đến tai nạn hàng không dân dụng

a) Tình hình tàu bay hàng không dân dụng:

Thái Bình là một tỉnh nằm ở vùng Đồng bằng sông Hồng. Phía Bắc tiếp giáp với Hải Phòng và tỉnh Hưng Yên, phía Đông giáp biển, phía Nam giáp tỉnh Nam Định và phía Tây giáp tỉnh Hà Nam. Là tỉnh không có sân bay dân dụng; tuy nhiên, vùng trời Thái Bình có nhiều đường bay cắt qua, đến các sân bay khu vực trung tâm như sân bay Nội Bài (Hà Nội), sân bay Cát Bi (Hải Phòng) đi các tỉnh phía Nam và đường bay quốc tế đi các nước Đông Bắc Á với tần xuất cao. Vùng trời tỉnh Thái Bình nằm trên mạng đường bay của hầu hết các hãng hàng không xuất phát từ sân bay Nội Bài đi các tỉnh phía Nam.

Thái Bình tuy không có sân bay quân sự nhưng là một tỉnh giáp biển, là nơi diễn tập bay của không quân Việt Nam do đó cũng nằm trên đường bay ra biển của các máy bay quân sự.

Thái Bình nói riêng cũng như các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng nói chung đã phải chịu tác động rõ rệt của biến đổi khí hậu, hiện tượng khí hậu cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều, ảnh hưởng rất lớn đến các phương tiện giao thông hàng không khi tham gia giao thông và có thể gây nên tai nạn trên không.

b) Nguyên nhân gây tai nạn hàng không dân dụng:

- Lỗi do phi công: Trong khi thiết kế máy bay ngày càng trở nên an toàn, tỷ lệ tai nạn do phi công gây ra lại tăng và chiếm khoảng 50% số vụ máy bay rơi.

- Thiết bị hỏng hóc: Ngày nay, động cơ máy bay đã trở nên an toàn hơn cách đây nửa thế kỷ, nhưng lỗi vận hành của thiết bị vẫn xảy ra và là thủ phạm gây ra 20% số vụ tai nạn.

- Thời tiết xấu là thủ phạm gây ra 10% số vụ tai nạn máy bay.

- Hành động phá hoại: Khoảng 10% tai nạn máy bay.

- Các nguyên nhân khác: Các vụ tai nạn máy bay còn lại (10%) đều bắt nguồn từ những lỗi khác của con người.

c) Hậu quả: Tai nạn hàng không rất thảm khốc, gần như các tai nạn hàng không đều giết chết tất cả hành khách và phi hành đoàn ngoại trừ các trường hợp mới cất cánh hoặc phi công đáp hạ cánh thành công xuống mặt nước, mặt cứng tương tự như đường cất hạ cánh.

Tai nạn hàng không không chỉ gây nguy hại cho bản thân máy bay mà có thể gây hại cho các công trình, dân cư sinh sống trên mặt đất. Nếu máy bay gặp tai nạn rơi vào kho tàng chứa hóa chất, vật liệu nổ sẽ gây tai họa kép, gây cái chết cho nhiều người và ô nhiễm môi trường.

2. Lực lượng ứng phó với tai nạn hàng không

Căn cứ quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về thành lập Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; phân công nhiệm vụ các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị tham gia công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; lực lượng ứng phó với tai nạn hàng không cụ thể như sau:

a) Trên đất liền:

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Đơn vị chủ trì.

- Công an tỉnh: Đơn vị phối hợp phụ trách an ninh trật tự.

- Sở Giao thông Vận tải: Đơn vị phối hợp đảm bảo giao thông luôn thông suốt trên các tuyến đường quan trọng kết nối đến nơi xảy ra tai nạn.

- Sở Y tế: Đơn vị phối hợp trong chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các địa phương trong cấp cứu các nạn nhân.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố nơi có máy bay rơi: Đơn vị phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, tham gia sơ tán dân cư nơi máy bay rơi.

- Các đơn vị, doanh nghiệp có thiết bị cứu nạn cứu hộ trên địa bàn tỉnh: Tham gia phối hợp cứu nạn cứu hộ.

b) Trên biển:

- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Đơn vị chủ trì.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đơn vị phối hợp về thông tin, huy động các tàu thuyền hoạt động trên biển tham gia cứu hộ.

- Sở Giao thông Vận tải: Đơn vị phối hợp đảm bảo giao thông luôn thông suốt trên các tuyến đường quan trọng kết nối đến nơi tập kết cứu chữa nạn nhân.

- Sở Y tế: Đơn vị phối hợp trong chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các địa phương trong cấp cứu các nạn nhân.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện nơi có máy bay rơi trên biển: Đơn vị phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, tham gia hỗ trợ các lực lượng cứu hộ.

- Các đơn vị, doanh nghiệp có thiết bị cứu nạn cứu hộ trên địa bàn tỉnh: Tham gia phối hợp cứu nạn cứu hộ.

II. NHIỆM VỤ

1. Công tác phòng ngừa tai nạn hàng không dân dụng

a. Công tác tuyên truyền, giáo dục:

- Công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố về thiên tai cũng như tai nạn giao thông hàng không nghiêm trọng xảy ra cần phải được thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để toàn xã hội nhận thức được và phải có sự chung tay của chính quyền, của cả hệ thống chính trị xã hội và của toàn thể nhân dân.

- Công tác tuyên truyền về tác hại của tai nạn hàng không cần đưa vào một trong những nội dung tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông nói chung trong các trường học, doanh nghiệp, địa phương cơ sở ...

b. Công tác huấn luyện, diễn tập: Tiểu ban Tiền phương chủ động phối hợp với cơ quan tài chính đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán ngân sách theo quy định, đảm bảo nguồn kinh phí để triển khai thực hiện kế hoạch huấn luyện, diễn tập.

c. Công tác đầu tư trang thiết bị ứng phó: Thực hiện theo chỉ đạo và phân công, giao chỉ tiêu chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hàng năm của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình.

d. Công tác phòng ngừa can nhiễu cho hệ thống thông tin điều hành bay dân dụng:

- Các tổ chức, cá nhân sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện phải theo đúng quy hoạch, có chứng nhận hợp quy đầy đủ và có giấy phép sử dụng theo đúng quy định.

- Các đơn vị quản lý, sử dụng các đài phát thanh FM, đài truyền thanh không dây trong quá trình sử dụng cần có biện pháp bảo dưỡng, bảo trì thiết bị thường xuyên để đáp ứng các điều kiện quy chuẩn kỹ thuật theo quy định hiện hành nhằm phòng, tránh gây can nhiễu cho hệ thống dẫn đường hàng không, khi thấy hiện tượng suy giảm công suất phát cần có biện pháp sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời.

- Nghiêm cấm mọi hành vi gây can nhiễu cho hệ thống thông tin dẫn đường hàng không.

2. Khi xảy ra tai nạn hàng không dân dụng

a. Cơ quan chỉ đạo: Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì, phối hợp với Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia.

b. Cơ quan chỉ huy hiện trường:

- Đồng chí Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh hoặc Trưởng Tiểu ban Tiền phương (khi được Trưởng ban ủy quyền).

- Cơ quan tham gia: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương.

c. Lực lượng ứng cứu: Lực lượng chuyên trách, quân đội, công an, dân quân tự vệ, các đơn vị trực thuộc Sở Giao thông Vận tải và các lực lượng khác theo điều động của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

- Tai nạn máy bay xảy ra trên đất liền của tỉnh: Lực lượng cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn chủ lực bao gồm Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải và chính quyền địa phương.

- Tai nạn máy bay xảy ra trên biển: Lực lượng cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn chủ lực bao gồm Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông Vận tải, Cảng vụ Hàng hải Thái Bình, Cảng vụ Đường thủy nội địa và chính quyền địa phương.

d. Tổ chức thực hiện: Nhận được thông tin máy bay bị tai nạn trên địa bàn tỉnh, các đơn vị, cá nhân biết tin vị trí (tọa độ) báo cáo ngay cho Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh hoặc các thành viên Ban Chỉ huy biết để có thể triển khai ngay công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn.

- Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh căn cứ nơi máy bay rơi chỉ đạo Tiểu ban Tiền phương, phân công nhiệm vụ theo phương án; đồng thời, thông báo cho các cơ quan phối hợp triển khai ngay công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn. Quá trình triển khai công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn phải đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn.

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, các sở ngành, chính quyền địa phương triển khai các lực lượng và phương tiện cứu hộ, cứu nạn được giao chỉ tiêu của các đơn vị đến hiện trường để thực thi nhiệm vụ.

- Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các địa phương triển khai công tác cứu thương (đội ngũ y, bác sỹ, trang thiết bị y tế, một số cơ số thuốc cần thiết và xe cứu thương phục vụ cấp cứu). Trong điều kiện cần thiết Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo các cơ quan y tế thành lập bệnh viện dã chiến tại hiện trường để cấp cứu ban đầu sau đó chuyển đến các bệnh viện trên địa bàn tỉnh.

- Sở Giao thông Vận tải thường xuyên cập nhật các thiết bị thi công có thể thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn và các loại phương tiện vận chuyển trên địa bàn tỉnh, tùy theo từng trường hợp xảy ra tai nạn cụ thể để huy động lực lượng, các phương tiện của địa phương cũng như các nhà thầu đang thi công trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn nhằm phục vụ hiệu quả nhất về công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lực lượng Kiểm ngư tham gia ngay công tác cứu nạn cứu hộ dưới sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và thông báo, huy động các đội tàu thuyền đánh cá cùng ngư dân đến tham gia cứu nạn cứu hộ.

- Cảng vụ Đường thủy nội địa cung cấp thông tin, phối hợp cử tàu của đơn vị tham gia tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu.

- Sở Ngoại vụ: Phối hợp với Công an tỉnh, Cục Hàng không để nắm bắt; đồng thời, báo cáo Bộ Ngoại giao đối với trường hợp có người mang quốc tịch nước ngoài (ngoại kiều, Việt kiều) trong vụ tai nạn.

- Trường hợp tàu bay xảy ra tai nạn nằm ở xa trên biển, việc đi đến hiện trường của các lực lượng, phương tiện cứu hộ gặp khó khăn và những tình huống vượt khả năng ứng phó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh kiến nghị Ủy ban Quốc gia ứng phó Sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để huy động lực lượng, phương tiện của các Bộ, ngành, địa phương khác phối hợp tham gia tìm kiếm cứu nạn.

III. Ý ĐỊNH ỨNG PHÓ VỚI TAI NẠN HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG

1. Phương châm

- Phát huy mọi nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật theo phương châm “Bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (chủ động đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).

- Tích cực, chủ động thu thập và xử lý thông tin nhanh, chính xác; chỉ huy điều hành thống nhất theo kế hoạch, linh hoạt, sáng tạo và quyết đoán.

- Ưu tiên cứu người trước, cứu phương tiện và hàng hóa sau.

- Trong trường hợp vượt quá khả năng của tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó Sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai đề nghị hỗ trợ trong công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

- Tranh thủ sự chi viện, giúp đỡ của Trung ương, tỉnh thành lân cận, các ngành, các tổ chức theo từng tình huống xảy ra.

2. Khu vực ứng phó tai nạn hàng không dân dụng

a) Trên đất liền:

- Thành phố, thị trấn, thị tứ, nơi đông dân cư.

- Vùng đồng bằng.

b) Trên biển:

- Khu vực vùng ven bờ.

- Khu vực vùng khơi.

- Khu vực vùng lộng.

3. Tổ chức sử dụng lực lượng

- Lực lượng tìm kiếm.

- Lực lượng cứu hộ và cứu nạn.

- Lực lượng cứu thương.

- Lực lượng chữa cháy.

- Lực lượng chốt chặn bảo vệ hiện trường.

- Lực lượng bảo đảm giao thông, hậu cần phục vụ tìm kiếm cứu nạn.

IV. NHIỆM VỤ CỦA CÁC SỞ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

1. Công tác phòng ngừa

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ của sở, ngành, đơn vị và nhiệm vụ được phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh về phân công nhiệm vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hàng năm tổ chức tuyên truyền, chuẩn bị sẵn vật tư, trang thiết bị, nhân lực... phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn tai nạn hàng không trên đất liền và trên biển thuộc địa phận tỉnh Thái Bình.

- Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan quản lý tốt các hoạt động sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh.

2. Khi xảy ra tai nạn hàng không dân dụng

2.1. Đối với tai nạn xảy ra trên đất liền

a) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:

- Thông báo, huy động lực lượng dân quân tự vệ, bộ đội địa phương tổ chức tìm kiếm, phát hiện máy bay lâm nạn; khi phát hiện vị trí báo về cơ quan cấp trên và chính quyền địa phương; tham mưu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tai nạn hàng không dân dụng.

- Phối hợp lực lượng công an triển khai lực lượng đảm bảo giao thông, bảo vệ hiện trường không cho người và phương tiện vào khu vực tai nạn khi chưa có lệnh của cơ quan có thẩm quyền.

- Phối hợp với lực lượng liên quan tổ chức cứu nạn, cứu hộ, tham gia chữa cháy, tuyên truyền vận động nhân dân không tụ tập, tham gia kích động, gây rối. Chuẩn bị khu vực đảm bảo cho lực lượng các cấp tham gia chỉ đạo, thực hiện công tác khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu nạn...

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền chuẩn bị lực lượng sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

b) Sở Giao thông Vận tải: Huy động lực lượng, phương tiện đảm bảo giao thông trên các tuyến đường và điều tiết giao thông tại các khu vực đông dân cư đảm bảo phương tiện, trang thiết bị cứu thương, cứu hỏa... tiếp cận hiện trường nhanh, an toàn. Huy động các trang thiết bị chuyên dùng, máy ủi, máy xúc, phương tiện vận chuyển hàng hóa, con người phục vụ khi có yêu cầu về mặt bằng, vận chuyển lực lượng cứu nạn, cứu hộ.

c) Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng, công an huyện, thành phố nơi xảy ra tai nạn đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ vòng ngoài hiện trường, không cho tụ tập đông người ảnh hưởng đến công tác cứu hộ. Huy động lực lượng tham gia công tác sơ tán dân, cứu nạn, cứu hộ.

d) Sở Thông tin và Truyền thông đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, theo dõi các thông tin về tai nạn và công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

e) Sở Ngoại vụ: Phối hợp với Công an tỉnh, Cục Hàng không để nắm bắt; đồng thời, báo cáo Bộ Ngoại giao đối với trường hợp có người mang quốc tịch nước ngoài (ngoại kiều, Việt kiều) trong vụ tai nạn.

f) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh trong công tác di dân khỏi hiện trường tai nạn, đảm bảo giao thông, an ninh trật tự trong địa bàn quản lý.

2.2. Đối với tai nạn xảy ra trên biển

a) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:

- Báo cáo nhanh về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, huy động lực lượng, phương tiện hiện có của đơn vị khẩn trương đến vị trí máy bay bị tai nạn; đồng thời, thông báo cho chủ tàu, thuyền trưởng có phương tiện đang khai thác thủy sản trên biển biết vị trí máy bay bị nạn, nếu phát hiện tổ chức tìm kiếm, cứu vớt. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng hiệp đồng Kiểm ngư, Cảnh sát biển, Hải quân, Cảng vụ và chính quyền địa phương để huy động lực lượng dân quân tự vệ tổ chức tìm kiếm cứu vớt người bị nạn;

- Tiếp nhận, xác minh, xử lý thông tin; giữ liên lạc với tàu, người báo tin; tham mưu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tai nạn hàng không dân dụng... Chỉ huy đội tàu đánh bắt hải sản cơ động đến vị trí tai nạn để cứu người. Phối hợp với lực lượng liên quan tổ chức cứu nạn, cứu hộ, tuyên truyền vận động nhân dân không tụ tập, tham gia kích động, gây rối, làm tốt công tác hậu cần đảm bảo cho lực lượng chỉ huy chỉ đạo và lực lượng trực tiếp tham gia cứu hộ, cứu nạn, chuẩn bị khu vực đảm bảo cho lực lượng các cấp tham gia chỉ đạo, thực hiện công tác khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu nạn...

b) Sở Giao thông Vận tải: Huy động lực lượng, phương tiện đảm bảo giao thông trên các tuyến đường và điều tiết giao thông tại các khu vực đông dân cư đảm bảo phương tiện, trang thiết bị cứu thương, cứu hỏa... tiếp cận nơi sơ cứu nạn nhân trên đất liền nhanh, an toàn. Huy động các trang thiết bị chuyên dùng, máy ủi, máy xúc, phương tiện vận chuyển hàng hóa, con người phục vụ khi có yêu cầu về san lấp mặt bằng, vận chuyển lực lượng cứu nạn, cứu hộ.

c) Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng, công an huyện, thành phố nơi tiếp nhận nạn nhân đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ vòng ngoài hiện trường, không cho tụ tập đông người ảnh hưởng đến công tác cứu hộ. Huy động lực lượng tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ.

d) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của Sở trong việc phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp nhận thông tin tai nạn trên biển, phối hợp thực hiện tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trên biển.

e) Sở Thông tin và Truyền thông đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, theo dõi các thông tin về tai nạn và công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

f) Sở Ngoại vụ: Phối hợp với Công an tỉnh, Cục Hàng không để nắm bắt; đồng thời, báo cáo Bộ Ngoại giao đối với trường hợp có người mang quốc tịch nước ngoài (ngoại kiều, Việt kiều) trong vụ tai nạn.

g) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh trong công tác đảm bảo giao thông, an ninh trật tự tại nơi tiếp nhận nạn nhân thuộc địa bàn quản lý.

h) Các tổ đội tàu thuyền, doanh nghiệp hoạt động trên biển: Khi phát hiện vị trí tàu bay lâm nạn, báo lực lượng biên phòng hoặc các lực lượng liên quan và tiếp tục duy trì thông tin; thực hiện ngay công tác cứu nạn cứu hộ và thông báo, huy động các tổ, đội tàu thuyền cùng ngư dân đến tham gia cứu nạn.

V. CÔNG TÁC BẢO ĐẢM

1. Bảo đảm thông tin liên lạc

- Số điện thoại đường dây nóng:

+ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình: 0227 3731 863.

+ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: 0227 3831 158.

+ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: 0227 3838 589.

+ Sở Giao thông Vận tải: 0227 3643 355.

- Kênh (tần số) trực canh, thông tin liên lạc, cấp cứu: 9339 và 6973.

2. Bảo đảm kinh phí

- Nguồn ngân sách: Ngân sách địa phương (Thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 92/2009/TT-BTC ngày 12/5/2009 của Bộ Tài Chính).

- Đối tượng, trách nhiệm, định mức, thủ tục thanh toán: Theo hướng dẫn tại Thông tư số 92/2009/TT-BCT ngày 12/5/2009 của Bộ Tài Chính.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giao thông Vận tải chủ trì, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, người đứng đầu các cơ sở, cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện; định kỳ báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện Kế hoạch này.

2. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, người đứng đầu các cơ quan trên địa bàn tinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ dược phân công chỉ đạo xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để triển khai thực hiện ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Định kỳ hàng năm sơ kết và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Giao thông Vận tải) để theo dõi chỉ đạo.

3. Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức theo dõi, kiểm tra việc triển khai thực hiện Kế hoạch để tổng hợp báo cáo theo quy định; đồng thời, nghiên cứu xây dựng quy chế phối hợp đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu quả. Trường hợp vượt quá khả năng của tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ động đề xuất, báo cáo: Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia Ứng phó Sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Bộ Tư lệnh Quân khu 3; Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai khu vực đề nghị hỗ trợ trong công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khắc phục hậu quả khi cần thiết.

Quá trình triển khai, nếu có vướng mắc, yêu cầu các cơ quan chủ động phối hợp giải quyết; trường hợp cấp bách, vượt thẩm quyền, báo cáo kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Ban Chỉ đạo TW về PCTT;
- Ủy ban QG ứng phó Sự cố, thiên tai và TKCN;
- Thường trực Tỉnh ủy
- Thường trực PCT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Thành viên BCHPCTT&TKCN tỉnh;
- Các sở, ban, ngành trong tỉnh;
- UBND huyện, thành phố;
- LĐ Văn phòng ĐĐBQH, HĐND và UBND tỉnh;
- Lưu VT, KTNN

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Đặng Trọng Thăng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 23/KH-UBND năm 2020 về phối hợp ứng phó tai nạn hàng không dân dụng do tỉnh Thái Bình ban hành

  • Số hiệu: 23/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 11/03/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình
  • Người ký: Đặng Trọng Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/03/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản