Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
QUẬN PHÚ NHUẬN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 225/KH-UBND

Phú Nhuận, ngày 08 tháng 4 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 28-KH/QU NGÀY 05/02/2016 CỦA BAN THƯỜNG VỤ QUẬN ỦY PHÚ NHUẬN VỀ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 45-CTRHĐ/TU NGÀY 21/6/2015 CỦA BAN THƯỜNG VU THÀNH ỦY THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW HỘI NGHỊ LẦN THỨ CHÍN BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG KHÓA XI VỀ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, CON NGƯỜI VIỆT NAM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẤT NƯỚC

Thực hiện Kế hoạch số 28-KH/QU ngày 05 tháng 02 năm 2016 của Ban Thường vụ Quận ủy Phú Nhuận về thực hiện Chương trình hành động số 45-CTrHĐ/TU ngày 21 tháng 6 năm 2015 của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận triển khai Kế hoạch thực hiện với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU:

1. Mục đích:

- Xây dựng phát triển văn hóa và con người toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

- Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng môi trường và ứng xử văn hóa trong hệ thống chính trị, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trong cộng đồng dân cư và trong mỗi gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, tạo môi trường và điều kiện để phát huy đặc trưng, tính cách của người thành phố nói chung, quận Phú Nhuận nói riêng luôn năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực văn hóa, không để phát sinh tệ nạn trên địa bàn.

2. Yêu cầu:

- Quán triệt đến tất cả cán bộ công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân về nội dung cơ bản của Kế hoạch, chỉ đạo thực hiện một cách quyết liệt và có hiệu quả.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa và có giải pháp thực hiện một cách đồng bộ từ quận đến phường một cách đúng hướng, tương xứng, có hiệu quả lâu dài.

- Tập trung quan tâm đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nhất là đội ngũ cán bộ văn hóa phường.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ:

Đến năm 2020:

1. Phấn đấu 95% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; trên 90% khu phố đạt danh hiệu khu phố văn hóa; 08 phường đạt danh hiệu Phường văn minh đô thị.

2. Xây dựng thành công và giữ vững tuyến đường Trường Sa đạt chuẩn “Xanh - sạch - đẹp” cấp thành phố; 03 tuyến đường cấp quận và 16 tuyến đường, hẻm cấp phường đạt chuẩn “Tuyến đường, tuyến hẻm đạt chuẩn Văn minh - mỹ quan đô thị” giai đoạn 2013 - 2015, đồng thời xây dựng mới 15 tuyến đường, tuyến hẻm giai đoạn 2016 - 2020.

3. Tỷ lệ người tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên là 32,5% trên tổng số dân.

4. Đầu tư xây mới Trung tâm Dạy nghề quận, xã hội hóa xây dựng mới Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Thể dục Thể thao.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN:

1. Xây dựng con người phát triển toàn diện:

- Tập trung bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cho nhân dân hướng tới chân - thiện - mỹ. Đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau trong cộng đồng, phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái” đặc biệt là trong thanh, thiếu niên.

- Xây dựng và phát huy ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường. Gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, của kinh tế tri thức và xã hội học tập.

- Tạo môi trường và điều kiện để mỗi người dân quận Phú Nhuận có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, có hiểu biết sâu sắc, tự hào về lịch sử, văn hóa dân tộc, văn hóa đặc thù của Nam bộ, Thành phố Hồ Chí Minh nói chung, quận Phú Nhuận nói riêng.

- Bảo đảm quyền hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của mỗi người dân và của cộng đồng. Nâng cao thể lực, tầm vóc con người, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Chăm lo xây dựng con người phát triển toàn diện, trọng tâm là luôn năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình; phát huy lối sống: “môi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội, biết ứng xử một cách văn minh trên các lĩnh vực:

+ Trong gia đình: kính trên, nhường dưới, yêu thương, gắn bó và có trách nhiệm với gia đình.

+ Nơi công cộng: lịch sự, hòa nhã, nhường nhịn, hình thành thói quen, xếp hàng, giúp đỡ những người khó khăn, hoạn nạn; chấp hành luật giao thông, hình thành văn hóa giao thông và ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường;

+ Nơi cơ quan, công sở: ứng xử có văn hóa, đúng mực giữa cấp trên, cấp dưới, giữa đồng nghiệp với nhau và đặc biệt giữa công chức với nhân dân, giữa nhân viên với khách hàng;

+ Với môi trường: sống hài hòa với tự nhiên, ứng xử thân thiện với môi trường nước, không khí, tham gia bảo vệ môi trường.

2. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh:

- Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ khu phố, tổ dân phố đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp phải là một môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống.

- Gắn kết xây dựng môi trường văn hóa với bảo vệ môi trường sinh thái. Đưa nội dung giáo dục đạo đức con người, đạo đức công dân vào các hoạt động giáo dục của xã hội. Xây dựng mỗi trường học phải thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa quận Phú Nhuận cho thế hệ trẻ.

- Thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách, văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Xây dựng và nhân rộng các gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau.

- Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" như: gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, phường đạt chuẩn văn minh đô thị, v.v... trên tinh thần đoàn kết, dân chủ, văn minh, đạt chuẩn thực chất về văn hóa. Thực hiện nếp sống văn minh đô thị lồng ghép vào phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" như: xây dựng khu phố không rác, xây dựng tuyến đường, tuyến hẻm Văn minh - mỹ quan đô thị, tuyến Trường Sa Xanh - Sạch - Đẹp; vận động có hiệu quả việc thực hiện xóa bỏ 6 hành vi không có văn hóa, không phù hợp với nếp sống văn minh đô thị, hình thành lối sống văn hóa tích cực trong mỗi con người, trong từng gia đình và toàn xã hội.

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; phát huy hiệu quả của các Cơ sở - Nhà hàng tiệc cưới văn minh - lành mạnh - tiết kiệm, nhân rộng các mô hình không rải vàng mã khi di quan trên đường phố, tiết kiệm trong việc tang để thực hiện các hoạt động xã hội từ thiện...

- Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa của Trung tâm văn hóa, Trung tâm Thể dục thể thao quận, các điểm sáng văn hóa sẵn có, tạo điều kiện để nhân dân chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng góp phần thúc đẩy xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quận, đấu tranh tích cực để thực hiện nghiêm minh đối với các hoạt động thiếu văn hóa và những hành vi ứng xử vi phạm nếp sống văn minh, thuần phong mỹ tục nơi công cộng. Chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trên lĩnh vực văn hóa. Xây dựng văn hóa ứng xử, văn hóa giao thông, trong đó chú trọng lứa tuổi thanh thiếu niên.

- Phát huy các giá trị, nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng; khuyến khích các hoạt động tôn giáo gắn bó với dân tộc, hướng thiện, nhân đạo, nhân văn, tiến bộ, "tốt đời, đẹp đạo". Khuyến khích các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn", từ thiện, nhân đạo. Vận động thực hiện nếp sống văn minh, kiên quyết bài trừ mê tín, dị đoan tại nơi thờ tự, tín ngưỡng, dân gian và tôn giáo trong các dịp lễ hội.

- Giữ gìn, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích trên địa bàn.

- Tập huấn cho Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân các tài liệu liên quan do thành phố ban hành như: “Văn hóa giao tiếp ứng xử trong gia đình”, “Văn hóa giao tiếp ứng xử trong hành chính công”, “Văn hóa giao tiếp ứng xử nơi công cộng”...

3. Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế:

3.1 Xây dựng văn hóa trong chính trị:

- Xây dựng văn hóa trong các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, trong đó trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, nhất là cán bộ có chức, có quyền. Mỗi cán bộ, công chức và công dân phải gương mẫu thực hiện mục tiêu 3 không của Quận ủy: “Không vi phạm phẩm chất đạo đức lối sống và vi phạm pháp luật; Không tham nhũng, hối lộ, lãng phí và nhũng nhiễu nhân dân; Không đi họp, đi học trễ, về sớm” và “Sống và làm việc theo pháp luật”.

- Chủ động xây dựng và sớm ban hành quy tắc ứng xử chung của cán bộ, công chức, viên chức, giám sát việc cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu trong thực hiện nếp sống văn minh. Các cơ quan, đơn vị cần có ban hành quy tắc ứng xử chung của cán bộ, công chức, viên chức với một số chỉ tiêu cụ thể như: xây dựng văn hóa giao tiếp trong hành chính công, xây dựng văn hóa công sở thông qua việc tiếp công dân, thái độ ứng xử biết cười, biết xin lỗi; xây dựng và giữ vững danh hiệu cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa.

- Các cơ quan, đơn vị thuộc quận và Ủy ban nhân dân 15 phường cần xác định xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; đi đôi với công tác tuyên truyền, giáo dục là phê phán các hành vi thiếu văn hóa.

3.2 Xây dựng văn hóa trong kinh tế:

- Tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển văn hóa. Thông qua việc vận động các doanh nghiệp đăng ký xây dựng doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa để xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh vì sự phát triển bền vững.

- Phát huy ý thức và tinh thần dân tộc, tự lực, tự cường, động viên nhân dân, trước hết là các doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng và phát triển các thương hiệu Việt Nam, các sản phẩm đặc trưng của quận Phú Nhuận có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.

4. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa:

- Đẩy mạnh và tập trung tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, sinh động về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; chú trọng nâng cao chất lượng văn hóa, nghệ thuật theo tính chủ đề, phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ của người dân; tiếp tục xã hội hóa có hiệu quả sân khấu kịch Phú Nhuận; phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, quan tâm, phát hiện và bồi dưỡng tài năng trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật; quan tâm và đầu tư đúng mức để duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

- Huy động nguồn lực của xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu văn hóa dân tộc.

- Giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và thành phố trên địa bàn quận phục vụ giáo dục truyền thống lịch sử và phát triển kinh tế. Tăng cường đấu tranh chống các hành vi, các sản phẩm phi văn hóa, xuyên tạc chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước.

- Tập trung nguồn lực, phân bổ ngân sách để đầu tư phát triển cơ sở vật chất cho ngành văn hóa: trong đó chú trọng tập trung xây dựng các công trình trọng điểm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ quận khóa XI (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đã đề ra. Có chủ trương khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch, thu hút các nguồn lực xã hội để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa.

- Xây dựng quy hoạch phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa. Coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, đặc biệt cán bộ ở phường, phát huy vai trò các lực lượng trong tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác vận động, thực hiện các phong trào văn hóa tại cơ sở.

- Quan tâm phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh cán bộ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; trọng dụng người có tài, có đức; kịp thời khen thưởng, tôn vinh tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực trong lĩnh vực văn hóa.

- Định hướng cải tiến để Bản tin quận Phú Nhuận ngày càng phong phú, sinh động về nội dung và hình thức. Xây dựng bài viết giới thiệu những tấm gương đẹp, người tốt việc tốt để tuyên truyền và nhân rộng điển hình trong cộng đồng, đồng thời phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, lên án những hành xử không văn hóa trong xã hội.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:

1. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa:

- Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật văn hóa, quyền tác giả, các loại hình thông tin trên internet để định hướng thẩm mỹ cho nhân dân nhất là thanh thiếu niên, đồng thời gắn trách nhiệm cá nhân và tổ chức khi để xảy ra sai phạm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa trên địa bàn.

- Đẩy mạnh hoạt động phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Hành trình đến với di sản văn hóa thành phố Hồ Chí Minh”, tổ chức các hội thi “Tìm hiểu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn Thành phố” từ quận đến phường tập trung cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông.

- Triển khai hoạt động kiểm kê các di sản văn hóa, các công trình, các địa điểm có dấu hiệu di tích trên địa bàn quận phối hợp các ban ngành có liên quan đề xuất Thành phố xem xét công nhận, phát huy bảo tồn văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Chăm gắn với văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

- Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thấm nhuần phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội; tuyên dương và nhân rộng các cá nhân, tập thể có lối sống cao đẹp, có ích cho xã hội, cộng đồng có nhiều đóng góp tích cực trong việc xây dựng, phát triển và bảo vệ văn hóa có giá trị cao đẹp, nhân văn của dân tộc.

2. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa:

Kịp thời cử đội ngũ cán bộ làm văn hóa tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành do Thành phố tổ chức và tập huấn, hướng dẫn nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức văn hóa tại 15 phường phù hợp với tình hình thực tế quản lý văn hóa ở cơ sở.

3. Tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa:

Sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch, nguồn đầu tư của nhà nước có trọng tâm, trọng điểm các công trình văn hóa được đầu tư xây dựng (thư viện, nhà văn hóa, công trình thể thao) có thiết chế văn hóa ở cơ sở phù hợp, thu hút đông đảo nhân dân đến tham gia.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Phòng Văn hóa và Thông tin:

- Phối hợp với các ban ngành, đoàn thể có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân quận triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng và phát triển văn hóa trên địa bàn quận từng năm và từng giai đoạn, gắn với bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đạt hiệu quả, đồng thời theo dõi tiến độ thực hiện, tham mưu Ủy ban nhân dân quận định kỳ hàng năm sơ kết và báo cáo kết quả thực hiện về Quận ủy, Thành phố.

- Xây dựng kế hoạch tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, nhân dân các tài liệu liên quan do thành phố ban hành như: “Văn hóa giao tiếp ứng xử trong gia đình”, “Văn hóa giao tiếp ứng xử trong hành chính công”, “Văn hóa giao tiếp ứng xử nơi công cộng”...

- Chịu trách nhiệm chính phối hợp với phòng Tài nguyên môi trường, phòng Giáo dục đào tạo tổ chức thực hiện nội dung tại mục 1, mục 3.1 phần III Kế hoạch này.

2. Phòng Giáo dục và Đào tạo:

- Phối hợp với các đoàn thể có liên quan bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tôn vinh lịch sử, văn hóa truyền thống của quận và thành phố và nêu cao đạo đức, lối sống và nhân cách cho học sinh, đội ngũ giáo viên. Phát huy vai trò và hiệu quả trung tâm học tập cộng đồng các phường trong việc rèn luyện kỹ năng sống, ý thức tôn trọng pháp luật cho thanh thiếu niên trên địa bàn đẩy mạnh xã hội học tập.

- Phụ trách phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Hành trình đến với di sản văn hóa thành phố Hồ Chí Minh”, tổ chức các hội thi “Tìm hiểu di tích lịch sử -văn hóa trên địa bàn Thành phố” từ quận đến phường, tập trung cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông.

- Chịu trách nhiệm chính phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Thể dục thể thao tổ chức thực hiện nội dung tại mục 2 phần III Kế hoạch này.

3. Phòng Tài chính - Kế hoạch:

Căn cứ vào ngân sách hàng năm và tình hình thực tế của quận tham mưu, đề xuất kinh phí đảm bảo cho hoạt động văn hóa, việc sửa chữa, tu bổ, tôn tạo các di tích đã được công nhận, công trình văn hóa trên địa bàn quận.

4. Phòng Tài nguyên và Môi trường:

- Tham mưu lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cho việc xây dựng các công trình văn hóa của quận và phường. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện xây dựng môi trường văn hóa gắn với môi trường xanh sạch đẹp.

- Chịu trách nhiệm phối hợp thực hiện nội dung tại mục 1,2 phần III Kế hoạch này.

5. Phòng Kinh tế:

- Tham mưu vận động các doanh nghiệp đăng ký xây dựng doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa để xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân. Xây dựng và phát triển các thương hiệu Việt Nam, các sản phẩm đặc trưng của quận Phú Nhuận có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.

- Chịu trách nhiệm chính trong việc phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin, Hội Doanh nghiệp thực hiện nội dung tại mục 3.2 phần III Kế hoạch này.

6. Trung tâm văn hóa:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các chuyên mục trên Bản tin quận giới thiệu về hoạt động văn hóa, chú trọng văn hóa ở cơ sở và các gương điển hình, tiêu biểu trong cộng đồng dân cư...

- Xây dựng và nâng chất các câu lạc bộ, đội nhóm đi vào chiều sâu, đặc biệt các loại hình văn hóa truyền thống, hiện đại phù hợp với nhu cầu của cư dân đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của nhân dân.

- Chịu trách nhiệm chính phối hợp với phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Thể dục thể thao tổ chức thực hiện nội dung tại mục 4 phần III Kế hoạch này.

7. Trung tâm Thể dục thể thao:

- Phát huy nguồn lực sẵn có tập trung phối hợp các ngành, đoàn thể liên quan đẩy mạnh các phong trào thể dục thể thao thành tích với thể thao quần chúng từng bước nâng cao tỷ lệ người tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên theo Nghị quyết để ra góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc con người gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Chịu trách nhiệm chính, phối hợp với phòng Văn hóa và Thông tin, Phòng Giáo dục và đào tạo tổ chức thực hiện nội dung tại mục 2, 4 phần III Kế hoạch này.

8. Ủy ban nhân dân 15 phường:

- Xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa bàn, đồng thời bố trí phần ngân sách cho hoạt động văn hóa và xây dựng con người từng bước đưa các phong trào đi vào thực chất.

- Vận động và khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn phường hỗ trợ cơ sở vật chất, tinh thần phục vụ cho hoạt động văn hóa, thể thao và vui chơi giải trí cho nhân dân.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận, các tổ chức thành viên và các đoàn thể phối hợp tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện và giám sát quá trình triển khai thực hiện.

10. Các Phòng ban, đơn vị thuộc quận và Ủy ban nhân dân 15 phường căn cứ tình hình đặc thù của đơn vị mình, xây dựng kế hoạch và Báo cáo kết quả theo nội dung được phân công thực hiện về Ủy ban nhân dân quận thông qua Phòng Văn hóa và Thông tin.

VI. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN:

- Từ tháng 2/2016 - tháng 4/2016: Xây dựng Kế hoạch và các Phòng ban, đơn vị và Ủy ban nhân dân 15 phường triển khai tuyên truyền, học tập, quán triệt Chương trình hành động số 45-CTrHĐ/TU ngày 21/6/2015 của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và Kế hoạch số 28-KH/QU ngày 05/02/2016 của Ban Thường vụ Quận ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn dân.

- Từ ngày 15/4/2016 - 29/4/2016: Các đơn vị gởi Kế hoạch về Ủy ban nhân dân quận thông qua Phòng Văn hóa và Thông tin.

- Sau một năm triển khai thực hiện, các Phòng ban, đơn vị thuộc quận, Ủy ban nhân dân 15 phường tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm và báo cáo về Ủy ban nhân dân quận qua Phòng Văn hóa và Thông tin trước ngày 15/3 hàng năm.

- Sau 5 năm thực hiện, tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá kết quả và nhân rộng điển hình tập thể, cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện.

Ủy ban nhân dân quận đề nghị thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân 15 phường khẩn trương triển khai tổ chức thực hiện tốt kế hoạch này và báo cáo kết quả thực hiện theo thời gian quy định./.

 


Nơi nhận:
- VP/UBND Thành phố;
- Sở VH&TT (Phòng VHGĐ);
- TT/QU (BT, PBT.TT);
- TT/UBND quận (CT, các PCT);
- UB.MTTQVN quận và các Đoàn thể;
- VP/QU, VP/UBND quận;
- Phòng ban, đơn vthuộc quận;
- UBND 15 phường;
- Lưu: VT./.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Ánh Nguyệt

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 225/KH-UBND năm 2016 thực hiện Kế hoạch 28-KH/QU về thực hiện Chương trình hành động 45-CTrHĐ/TU thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước do Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 225/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 08/04/2016
  • Nơi ban hành: Quận Phú Nhuận
  • Người ký: Nguyễn Thị Ánh Nguyệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản