Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 221/KH-UBND

Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI, THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 68-NQ/BCSĐ NGÀY 03 THÁNG 4 NĂM 2020 CỦA BAN CÁN SỰ ĐẢNG BỘ TƯ PHÁP VỀ LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN CÔNG TÁC THANH TRA, KIỂM TRA, GIÁM SÁT TRONG NGÀNH TƯ PHÁP GIAI ĐOẠN 2020 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Ngày 03/4/2020, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp ban hành Nghị quyết số 68-NQ/BCSĐ về lãnh đạo thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong ngành Tư pháp giai đoạn 2020 - 2025, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt, triển khai toàn diện, hiệu quả các nội dung của Nghị quyết số 68-NQ/BCSĐ ngày 03/4/2020 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về lãnh đạo thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong ngành Tư pháp giai đoạn 2020 - 2025 tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp Thủ đô.

- Xác định cụ thể nhiệm vụ, trách nhiệm đối với từng cơ quan, đơn vị; tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong ngành Tư pháp Thủ đô; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết,

- Xử lý kịp thời, kiên quyết, triệt để, nghiêm minh các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, công chức, viên chức có vi phạm theo kết luận thanh tra, kiểm tra.

2. Yêu cầu

Các cơ quan, đơn vị chủ động tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát trong ngành Tư pháp giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn thành phố,

II. NỘI DUNG

1. Lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát

Các cấp ủy đảng và các cơ quan, đơn vị thường xuyên thực hiện quán triệt nội dung Nghị quyết số 68-NQ/BCSĐ ngày 3/4/2020 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về lãnh đạo thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong ngành tư pháp giai đoạn 2020 - 2025 gắn với tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về tăng cường, xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động về vai trò, vị trí của công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong ngành tư pháp Thủ đô; tăng cường quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên của Đảng bộ, Chi bộ để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra vi phạm.

2. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng

2.1. Trong công tác thanh tra, kiểm tra:

Sở Tư pháp thành phố Hà Nội bám sát việc nhiệm vụ chính trị của Thành phố, ngành Tư pháp trong từng thời kỳ và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo việc xây dựng định hướng, chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm đảm bảo, đáp ứng yêu cầu quản lý ngành, tránh chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm tra; đổi mới phương pháp, hình thức thanh tra, kiểm tra, chú trọng công tác nắm tình hình việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ công tác của các cơ quan, đơn vị, tổ chức hành nghề tư pháp; kết hợp chặt chẽ giữa công tác thanh tra, kiểm tra theo chương trình, kế hoạch với công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất theo quy định của pháp luật. Nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra, có chỉ tiêu đánh giá chất lượng cuộc thanh tra, kiểm tra; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thanh tra; chú trọng việc đôn đốc, giám sát thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra.

Công tác thanh tra, kiểm tra cần tập trung vào việc phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, trong những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; tăng cường thanh tra chuyên ngành lĩnh vực tư pháp đối với UBND quận, huyện, thị xã, Phòng Tư pháp, UBND xã, phường, thị trấn, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp và thực hiện hành nghề tư pháp; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn. Xử lý kiên quyết, triệt để, nghiêm minh các cá nhân, tổ chức sai phạm theo kết luận thanh tra, kiểm tra, bảo đảm giáo dục và răn đe.

2.2. Trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo:

Sở Tư pháp, UBND các quận, huyện, thị xã và UBND cấp xã tiếp tục thực hiện đồng bộ chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đề cao vai trò, trách nhiệm của đơn vị và cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp công dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận của lãnh đạo cơ quan, đơn vị tại các buổi tiếp công dân. Tăng cường thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực Tư pháp; nâng cao hiệu quả việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo đã có hiệu lực pháp luật. Xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện kết luận tố cáo, quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.

2.3. Trong công tác phòng chống tham nhũng:

Sở Tư pháp, UBND quận, huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực, thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy trình chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp trên địa bàn thành phố trong thực thi pháp luật. Ban hành quy chế làm việc rõ ràng, minh bạch, cụ thể và có cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra... bảo đảm ngăn chặn được tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, phục vụ động cơ cá nhân, vụ lợi trong thực thi công vụ.

3. Trong công tác cán bộ

Sở Tư pháp thành phố tiếp tục củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra, kiểm tra ngành tư pháp trung thực, thẳng thắng, công tâm, tin tưởng vào chính nghĩa, sự thật và có tính chuyên nghiệp cao, có dũng khí đấu tranh với mọi hành vi vi phạm, trong đó chú trọng các nội dung:

Rà soát điều kiện, tiêu chuẩn của cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra theo vị trí việc làm, đảm bảo không có tình trạng nợ, thiếu tiêu chuẩn.

Rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch lãnh đạo các cơ quan thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra giai đoạn từ nay đến 2021 - 2026; bố trí đủ số lượng cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra theo đúng Đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt.

Cử công chức thanh tra, kiểm tra tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra hàng năm để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.

Xây dựng kế hoạch luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra.

Làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ; tiếp tục quán triệt, nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ công chức thanh tra.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tư pháp chủ trì theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch, phối hợp với Thanh tra Thành phố, Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Kế hoạch.

2. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương chỉ đạo Phòng Tư pháp chủ trì, phối hợp với Phòng Nội vụ, Thanh tra quận, huyện, thị xã tham mưu việc xây dựng kế hoạch, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực tư pháp thuộc phạm vi quản lý nhà nước ở địa phương mình.

3. Trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể, các cơ quan, đơn vị chủ động đề xuất, gửi Sở Tư pháp để tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định.

Trên đây là Kế hoạch triển khai, thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/BCSĐ ngày 03/4/2020 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về lãnh đạo thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong ngành Tư pháp giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội, yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai, phối hợp thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- TTTU, TTHĐND TP;
- Chủ tịch UBNDTP;
- PCT UBND TP Lê Hồng Sơn;
- Các Sở, Ban, Ngành TP;
- VPUB: CVP, PCVP V.T.Anh, NC, TKBT, TTTH&CB, Cổng TTĐTTP;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Lưu: VT, NC

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Hồng Sơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 221/KH-UBND năm 2020 thực hiện Nghị quyết 68-NQ/BCSĐ về lãnh đạo thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong ngành Tư pháp giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội

  • Số hiệu: 221/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 17/11/2020
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Lê Hồng Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản