ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 220/KH-UBND | Quảng Ninh, ngày 06 tháng 9 năm 2022 |
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước;
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong quản lý nhà nước (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 04/NQ-CP) theo ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, với các nội dung cụ thể như sau:
Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của Nghị quyết số 04/NQ-CP, xác định rõ nhiệm vụ và quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm giữa UBND tỉnh với các sở, ban, ngành; giữa UBND tỉnh, các sở, ban, ngành với UBND các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là cấp huyện) và giữa UBND cấp huyện với UBND các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã), gắn với việc hoàn thiện văn bản pháp luật, đồng bộ thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, của pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và phát huy tính chủ động, trách nhiệm, tinh thần sáng tạo nhất là người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương.
a) Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung của Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước để đề xuất các vấn đề kiến nghị Trung ương phân cấp cho tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
b) Cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc Hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, ủy quyền trong quản lý nhà nước trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất, thông suốt, hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
c) Kế thừa và phát huy hiệu quả các quy định hợp lý về phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước giữa UBND tỉnh với các sở, ban, ngành; giữa UBND tỉnh, các sở, ban, ngành với UBND cấp huyện và giữa UBND cấp huyện với UBND cấp xã; tiếp tục đổi mới và triển khai, cụ thể hóa quy định của pháp luật để đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành, khai thác hiệu quả và giải phóng các nguồn lực phát triển của địa phương, đặc biệt là các địa phương tự bảo đảm ngân sách, có vị trí, vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
d) Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền phải đi đối với bảo đảm cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính để tổ chức thực hiện có hiệu quả, phù hợp với điều kiện, đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và yêu cầu quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực; kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành, lĩnh vực với quản lý theo địa phương, bảo đảm một việc không quá 02 cấp hành chính quản lý.
e) Gắn việc phân định thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cấp, các ngành với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó thực hiện.
g) Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước đi đối với tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực gắn với cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật trong điều kiện đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.
1.1. Các ngành, lĩnh vực phân cấp theo định hướng Nghị quyết 04/NQ-CP làm cơ sở để UBND tỉnh ban hành văn bản mới (văn bản quy phạm pháp luật, văn bản khác) hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản về phân cấp, ủy quyền cho các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện phù hợp với quy định và tình hình thực tế của địa phương:
a) Ngành, lĩnh vực Kế hoạch và đầu tư: ODA; phát triển liên kết vùng.
Đơn vị chủ trì: Sở Kế hoạch và đầu tư.
b) Ngành, lĩnh vực Tài chính: Tài chính - ngân sách nhà nước.
Đơn vị chủ trì: Sở Tài chính.
c) Ngành, lĩnh vực Công Thương: Công nghiệp.
Đơn vị chủ trì: Sở Công Thương.
d) Ngành, lĩnh vực Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Chăn nuôi; lâm nghiệp.
Đơn vị chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
đ) Ngành, lĩnh vực Giao thông vận tải: Đường bộ (đường cao tốc, đường quốc lộ); đường sắt; đường thủy nội địa; an toàn giao thông; hàng không; kết cấu hạ tầng giao thông; vận tải; quản lý phương tiện, thiết bị tham gia giao thông.
Đơn vị chủ trì: Sở Giao thông vận tải.
e) Ngành, lĩnh vực Xây dựng: Hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Đơn vị chủ trì: Sở Xây dựng.
g) Ngành, lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường: Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Đơn vị chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường.
h) Ngành, lĩnh vực Thông tin và Truyền thông: Bưu chính, viễn thông; tần số vô tuyến điện.
Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.
i) Ngành, lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Gia đình; văn hóa cơ sở.
Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa và Thể thao.
k) Ngành, lĩnh vực Khoa học và Công nghệ: Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ.
Đơn vị chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ.
l) Ngành, lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo: Giáo dục.
Đơn vị chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo.
m) Ngành, lĩnh vực Y tế: Dược.
Đơn vị chủ trì: Sở Y tế.
n) Ngành, lĩnh vực Nội vụ: Tổ chức bộ máy.
Đơn vị chủ trì: Sở Nội vụ.
o) Ngành, lĩnh vực Thanh tra: Kiểm soát quyền lực.
Đơn vị chủ trì: Thanh tra tỉnh.
1.2. Trách nhiệm triển khai
Ngay sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định phân cấp cho UBND cấp tỉnh đối với các ngành, lĩnh vực nêu trên, yêu cầu: Các cơ quan chủ trì có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các cơ quan có liên quan khác tham mưu, đề xuất trình UBND tỉnh các văn bản quy phạm pháp luật hoặc các văn bản khác cần ban hành mới, sửa đổi, bổ sung thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách theo quy định phù hợp tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh; Các cơ quan phối hợp có chức năng, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến ngành, lĩnh vực có nội dung quy định phân cấp, ủy quyền chủ động báo cáo UBND tỉnh (qua cơ quan chủ trì) để tham mưu, đề xuất triển khai thực hiện.
2. Đối với các ngành, lĩnh vực khác
2.1. Căn cứ quy định của các văn bản quy phạm pháp luật theo ngành, lĩnh vực và tình hình thực tế của tỉnh, các sở, ban, ngành chủ động rà soát, tham mưu UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ quản lý ngành, lĩnh vực các nội dung cần phân cấp, ủy quyền quản lý phù hợp với điều kiện, khả năng, thế mạnh của tỉnh. Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực cho UBND cấp tỉnh, các cơ quan, đơn vị tiếp tục tham mưu, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung về phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước theo quy định.
2.2. Thường xuyên rà soát, đánh giá lại các nội dung đã phân cấp cho cơ quan, đơn vị, địa phương và đề xuất theo thẩm quyền để tham mưu, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản phân cấp, ủy quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế các nội dung phân cấp, ủy quyền cho phù hợp theo quy định hiện hành.
1. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng về mục tiêu, nội dung Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ, các Nghị định của từng ngành, lĩnh vực và các văn bản có liên quan nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, phát huy tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để đạt được hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước theo mục tiêu Nghị quyết đề ra.
2. Rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật của các ngành, lĩnh vực theo hướng đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa UBND tỉnh với các sở, ban, ngành; giữa UBND tỉnh, các sở, ban, ngành với UBND cấp huyện và giữa UBND cấp huyện với UBND cấp xã bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của địa phương.
3. Rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị, địa phương; gắn phân cấp, ủy quyền với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, ưu tiên bảo đảm các nguồn lực đẩy nhanh việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; phấn đấu năm 2022 đạt 100% các thủ tục đủ điều kiện đạt mức độ 4, nâng cao chất lượng công vụ, công chức và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, nhất là việc tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ và trách nhiệm của người đứng đầu, trong đó:
a) Cơ quan nhà nước khi phân cấp, ủy quyền nhiệm vụ, quyền hạn phải bảo đảm các nguồn lực và điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019.
b) Tiếp tục rà soát lại tổ chức bộ máy, hoàn thiện vị trí việc làm, cơ cấu số lượng biên chế của các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện cho phù hợp, bảo đảm chuyển giao nhiệm vụ gắn với chuyển giao tổ chức bộ máy và biên chế, tránh trùng chéo về chức năng, nhiệm vụ và bảo đảm không bỏ sót nhiệm vụ, một việc chỉ do một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, phù hợp với nội dung đã phân cấp, ủy quyền để thực hiện có hiệu quả các quy định về phân cấp, ủy quyền trong quản lý nhà nước.
c) Tiếp tục rà soát và đơn giản hóa thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, đặc biệt là các thủ tục hành chính liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp; Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm Hành chính công cấp huyện và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã hoạt động hiệu quả gắn với xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số, bảo đảm thực hiện “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả tại Trung tâm”.
d) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ, hoạt động quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công.
4. Hoàn thiện các quy định về quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí, điều kiện, định mức kinh tế - kỹ thuật, cơ chế kiểm soát giá, phí đối với các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, loại bỏ các thủ tục thỏa thuận, chấp thuận, xin ý kiến, cho phép của cơ quan nhà nước cấp trên đối với những vấn đề đã được quản lý trên cơ sở quy hoạch và xác định rõ tiêu chuẩn, quy chuẩn tiêu chí, điều kiện, định mức kinh tế - kỹ thuật và đã được phân cấp, ủy quyền quản lý.
5. Kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng, nhà nước về xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng đối với một số địa phương và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền nhiều hơn cho các địa phương tự cân đối ngân sách để phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khắc phục tình trạng cào bằng về cơ chế, chính sách giữa các huyện, thị xã, thành phố.
6. Tăng cường công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát của các sở, ban, ngành đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện trong tỉnh để kịp thời nắm bắt các vướng mắc, khó khăn và xử lý các vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện các quy định sau phân cấp, ủy quyền. Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, bảo đảm thẩm quyền đi đôi với trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền.
7. Định kỳ hàng năm đánh giá nội dung phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước để kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với điều kiện thực tế, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước đặt ra trong từng giai đoạn đối với từng ngành, lĩnh vực.
1. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành
1.1. Trách nhiệm chung
a) Căn cứ Kế hoạch của UBND tỉnh để xây dựng Kế hoạch cụ thể của các sở, ban, ngành và tổ chức triển khai thực hiện (Hoàn thành chậm nhất 10 ngày sau khi Kế hoạch ban hành, gửi Sở Nội vụ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh).
b) Rà soát tham mưu sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản pháp luật cụ thể hóa các nội dung phân cấp, ủy quyền theo quy định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc chức năng, nhiệm vụ.
c) Căn cứ quy định của các văn bản quy phạm pháp luật theo ngành, lĩnh vực và tình hình thực tế của tỉnh, tham mưu UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bộ quản lý ngành, lĩnh vực các nội dung cần phân cấp quản lý phù hợp với điều kiện, khả năng, thế mạnh của tỉnh.
d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan nhà nước cấp trên trong việc đề xuất và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân cấp, ủy quyền; rà soát tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, bố trí nhân lực phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn được giao đi đối với bảo đảm thực hiện tinh giản biên chế theo quy định.
đ) Định kỳ hàng năm, tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh công tác kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện trong việc thực hiện các nội dung đã phân cấp, ủy quyền và đề xuất hoặc ban hành văn bản theo thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp với quy định hiện hành.
e) Rà soát, tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện thể chế, chính sách, đẩy mạnh việc phân cấp quản lý nhà nước giữa UBND tỉnh với các sở, ban, ngành; giữa UBND tỉnh, các sở, ban, ngành với UBND cấp huyện, UBND cấp xã phù hợp với mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc, nội dung phân cấp Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ và tình hình thực tiễn của địa phương.
g) Nâng cao trách nhiệm giải trình, tính minh bạch, công khai với người dân và với cơ quan có thẩm quyền trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý ngành, lĩnh vực.
h) Báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện các nội dung phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước theo chỉ đạo của UBND tỉnh qua Sở Nội vụ định kì trước ngày 15/6, 15/12 hàng năm và đột xuất (nếu có); kịp thời báo cáo UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để xem xét, giải quyết.
i) Thực hiện nhiệm vụ khác khi được cấp có thẩm quyền giao.
1.2. Trách nhiệm của một số sở, ban, ngành
Ngoài các nhiệm vụ nêu tại mục 1.1, các sở, ngành có trách nhiệm triển khai một số nội dung cụ thể:
1.2.1 Trách nhiệm của Sở Tư pháp
a) Thông qua công tác theo dõi, kiểm tra và công tác xây dựng, thi hành văn bản quy phạm pháp luật, phối hợp với các sở quản lý ngành, lĩnh vực kiến nghị, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện phân cấp quản lý nhà nước trong các ngành, lĩnh vực theo yêu cầu tại Kế hoạch này và theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
b) Phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định loại bỏ các quy định phải có ý kiến chấp thuận hoặc xin ý kiến của cơ quan nhà nước cấp trên đối với những vấn đề đã được quy định bằng tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình và đã được phân cấp quản lý trong quá trình thẩm định, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật theo ngành, lĩnh vực.
1.2.2. Trách nhiệm của Sở Tài chính
a) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai cơ chế quản lý tài chính, ngân sách và đổi mới phân cấp quản lý ngân sách nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
b) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị, đề xuất Bộ Tài chính xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính, ngân sách đặc thù đối với tỉnh.
1.2.3. Trách nhiệm của Thanh tra tỉnh
Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này; thanh tra, kiểm tra việc thực thi, chấp hành các quy định của pháp luật về phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
1.2.4. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin tuyên truyền của địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chủ trương của Đảng, Chính phủ và của tỉnh về thực hiện phân cấp, ủy quyền trên địa bàn tỉnh.
1.2.5. Trách nhiệm Sở Nội vụ
a) Theo dõi, đôn đốc các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch này; định kỳ hằng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu, tổng hợp tình hình, kết quả triển khai thực hiện phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực trên địa bàn theo quy định.
b) Tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Đề án án đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua trước khi ban hành Quyết định và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật.
c) Chủ động tổng hợp, tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh (nếu có) trong quá trình thực hiện.
d) Kịp thời tham mưu điều chỉnh nội dung Kế hoạch khi có chỉ đạo, quy định mới của cấp có thẩm quyền.
2. Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
a) Căn cứ Kế hoạch của UBND tỉnh để xây dựng Kế hoạch cụ thể của địa phương và tổ chức triển khai thực hiện.
b) Căn cứ Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, tình hình thực tiễn của địa phương rà soát, đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh, các sở, ban, ngành nội dung cân phân cấp, ủy quyền quản lý phù hợp với điều kiện, thế mạnh của từng địa phương.
c) Rà soát, đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước giữa UBND cấp huyện với UBND cấp xã phù hợp với mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc, nội dung phân cấp theo Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ, quy định của pháp luật hiện hành và tình hình thực tiễn tại địa phương phù hợp với điều kiện, khả năng, thế mạnh của từng cơ quan.
d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan quản lý nhà nước cấp trên đối với những nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước và những nội dung phân cấp, ủy quyền cho UBND cấp xã; kiểm tra và kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu UBND cấp xã trong việc thực hiện các nội dung đã phân cấp, ủy quyền; rà soát lại tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, xác định số lượng biên chế phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn được giao, bảo đảm thực hiện tinh giản biên chế theo quy định.
đ) Nâng cao trách nhiệm giải trình, tính minh bạch, công khai với người dân và với cơ quan có thẩm quyền trong thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ quản lý tại địa phương.
e) Báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện các nội dung phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước theo chỉ đạo của UBND tỉnh qua Sở Nội vụ định kì trước ngày 15/6, 15/12 hàng năm và đột xuất (nếu có); kịp thời báo cáo UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để xem xét, giải quyết.
i) Thực hiện nhiệm vụ khác khi được cấp có thẩm quyền giao.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này; kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện (qua Sở Nội vụ tổng hợp) để Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 3252/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 99/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- 2Kế hoạch 77/KH-UBND năm 2022 triển khai thực hiện Nghị quyết 04/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước do thành phố Hải Phòng ban hành
- 3Kế hoạch 101/KH-UBND năm 2022 triển khai thực hiện Nghị quyết 04/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước do tỉnh Sơn La ban hành
- 4Kế hoạch 268/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết về phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 5Nghị quyết 23/NQ-HĐND năm 2022 thông qua Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 6Đề án 4935/ĐA-UBND năm 2022 đẩy mạnh phân cấp đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận
- 7Kế hoạch 325/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 57/NQ-HĐ thông qua Đề án đẩy mạnh phân cấp trong quản lý nhà nước tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2026
- 8Nghị quyết 57/NQ-HĐND năm 2022 thông qua Đề án đẩy mạnh phân cấp trong quản lý nhà nước tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2026
- 9Kế hoạch 71/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 108/NQ-HĐND về thông qua Đề án đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định
- 10Kế hoạch 168/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 04/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực trên địa bàn Thành phố Cần Thơ
- 1Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 2Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 3Quyết định 3252/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 99/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- 4Nghị quyết 04/NQ-CP năm 2022 về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước do Chính phủ ban hành
- 5Kế hoạch 77/KH-UBND năm 2022 triển khai thực hiện Nghị quyết 04/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước do thành phố Hải Phòng ban hành
- 6Kế hoạch 101/KH-UBND năm 2022 triển khai thực hiện Nghị quyết 04/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước do tỉnh Sơn La ban hành
- 7Kế hoạch 268/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết về phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 8Nghị quyết 23/NQ-HĐND năm 2022 thông qua Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 9Đề án 4935/ĐA-UBND năm 2022 đẩy mạnh phân cấp đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận
- 10Kế hoạch 325/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 57/NQ-HĐ thông qua Đề án đẩy mạnh phân cấp trong quản lý nhà nước tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2026
- 11Nghị quyết 57/NQ-HĐND năm 2022 thông qua Đề án đẩy mạnh phân cấp trong quản lý nhà nước tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2026
- 12Kế hoạch 71/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 108/NQ-HĐND về thông qua Đề án đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định
- 13Kế hoạch 168/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 04/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực trên địa bàn Thành phố Cần Thơ
Kế hoạch 220/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 04/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- Số hiệu: 220/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 06/09/2022
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
- Người ký: Nguyễn Tường Văn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 06/09/2022
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định