Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 220/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 30 tháng 10 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

XÉT NGHIỆM TẦM SOÁT SARS-COV-2 TẠI CỘNG ĐỒNG PHÙ HỢP ĐIỀU KIỆN THÍCH ỨNG AN TOÀN, LINH HOẠT, KIỂM SOÁT HIỆU QUẢ DỊCH COVID-19 TRONG TÌNH HÌNH MỚI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”;

Thực hiện Công văn số 295-CV/TU ngày 20 tháng 10 năm 2021 của Thành ủy Cần Thơ về việc Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh COVID -19 trên địa bàn thành phố;

Căn cứ Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12 tháng 10 năm 2021 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”;

Căn cứ Công văn số 8228/BYT-MT ngày 30 tháng 9 năm 2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn xét nghiệm SARS-COV-2 đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh;

Xét Tờ trình số 5595/TTr-SYT ngày 25 tháng 10 năm 2021 của Sở Y tế về việc Dự thảo Kế hoạch Xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 tại cộng đồng phù hợp điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới trên địa bàn thành phố Cần Thơ;

Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng Kế hoạch Xét nghiệm tầm soát COVID- 19 phù hợp điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID- 19 trong tình hình mới, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

Chủ động tầm soát xét nghiệm trọng tâm, trọng điểm trong cộng đồng nhằm phát hiện kịp thời các ca bệnh COVID-19 để nhanh chóng cách ly, truy vết, khoanh vùng dập dịch phù hợp điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Xét nghiệm tầm soát cộng đồng

Quận, huyện chủ động thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên (gộp 2) hoặc xét nghiệm RT-PCR (gộp 10) đối với các trường hợp sau:

- Xét nghiệm 100% trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở... tại cộng đồng. Nếu có kết quả dương tính thì xử lý như ổ dịch nhỏ. Thường xuyên kiểm tra, xác minh thông tin khai báo y tế của người dân trên địa bàn tại phần mềm tokhaiyte.vn để xét nghiệm kịp thời các trường hợp khai báo y tế về triệu chứng liên quan đến dịch bệnh COVID-19.

- Xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ do cơ quan y tế thực hiện tại các địa điểm có nguy cơ cao, tập trung đông người như cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chợ đầu mối, bến xe, siêu thị, các ổ dịch cũ, khu dân cư có điều kiện sống chật hẹp, môi trường dễ phát sinh dịch bệnh... và các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ (các trường hợp di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người...) như lái xe, người chạy xe mô tô chở khách (xe ôm), người giao hàng hóa (shipper), bán hàng rong, vé số dạo...

Đối với địa bàn ở Cấp độ 1 và 2: tần suất thực hiện 2 tuần/lần (ít nhất 5% dân số).

Đối với địa bàn ở Cấp độ 3 và 4: tần suất thực hiện 1 tuần/lần (ít nhất 5% dân số).

2. Xét nghiệm tầm soát tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ quan, công sở:

- Chuyển đến cơ sở y tế xét nghiệm 100% trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở....

- Đơn vị tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ cho người lao động theo Công văn số 8228/BYT-MT ngày 30 tháng 9 năm 2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn xét nghiệm SARS-COV-2 đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh:

TT

Cấp độ

Người lao động có nguy cơ cao*

Người cung cấp dịch vụ trực tiếp cho CSSXKD (cung cấp suất ăn, thực phẩm, nguyên vật liệu, dịch vụ bảo vệ, vệ sinh)*

1

Các địa bàn cấp độ 4

Xét nghiệm hàng tuần tối thiểu cho 20% người lao động.

Xét nghiệm hàng tuần cho toàn bộ người lao động.

2

Các địa bàn cấp độ 2, 3

Xét nghiệm 02 tuần/lần tối thiểu cho 5-10% người lao động.

Xét nghiệm 02 tuần/lần cho toàn bộ người lao động.

3

Các địa bàn cấp độ 1

Khuyến khích thực hiện

Khuyến khích thực hiện

* Ưu tiên chọn người lao động có nguy cơ cao (là các trường hợp thường xuyên tiếp xúc nhiều người như tổ trưởng tổ sản xuất, quản đốc phân xưởng, lãnh đạo công ty, lễ tân..., và người có triệu chứng viêm đường hô hấp).

Lưu ý:

- Kết quả xét nghiệm phải được báo cáo ngay cho Trung tâm Y tế quận /huyện trên địa bàn (Trong khoảng 02 giờ sau khi kết thúc ngày xét nghiệm và báo cáo ngay sau khi có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2);

- Cơ sở sản xuất kinh doanh nếu tự xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên thì phải được hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố hoặc Trung tâm Y tế quận, huyện. Test nhanh kháng nguyên SARS-COV-2 phải thuộc danh mục đã được cấp số đăng ký lưu hành hoặc cấp giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế. Cơ sở sản xuất, kinh doanh tự chịu trách nhiệm về chất lượng test kháng nguyên, quy trình và kết quả xét nghiệm. Trung tâm Y tế cấp huyện chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện và tiến hành xử lý ngay, đúng quy định khi nhận được báo cáo kết quả xét nghiệm có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

- Không thực hiện đối với những người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID- 19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19), nếu có xét nghiệm thì chỉ khuyến khích, không bắt buộc.

3. Xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân

- Không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

- Đối với người về từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa): Tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT- PCR gộp hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh) cụ thể như sau:

Những người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19): tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú trong 07 ngày kể từ ngày về địa phương và luôn thực hiện Thông điệp 5K. Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất;

Những người tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng COVID-19 (thẻ vàng trên Sổ Sức khỏe điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm chủng của cơ quan có thẩm quyền cấp): thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú 07 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 07 ngày tiếp theo và luôn thực hiện Thông điệp 5K.

Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 3 và ngày thứ 7 kể từ ngày về địa phương.

Những người chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19: thực hiện cách ly tập trung 14 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và luôn thực hiện Thông điệp 5K. Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 3, ngày thứ 7 và ngày thứ 13 kể từ ngày về địa phương.

- Đối với những người nhập cảnh, đã hoàn thành cách ly tập trung về địa phương thực hiện theo Công văn số 5599/BYT-MT ngày 14/7/2021 của Bộ Y tế về việc giảm thời gian cách ly, thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, quản lý điều trị bệnh nhân COVID-19 và Công văn số 6288/BYT-MT ngày 04/8/2021 về việc giảm thời gian cách ly y tế tập trung đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19

4. Xét nghiệm phục vụ công tác truy vết, xử lý ca bệnh, ổ dịch

- Tùy thuộc các yếu tố dịch tễ, mức độ nguy cơ, tình hình dịch bệnh và mức độ ổ dịch, địa phương quyết định đối tượng, địa bàn xét nghiệm cho phù hợp.

- Khi phát hiện F0 tại cộng đồng hoặc qua xét nghiệm sàng lọc tại cơ sở y tế, Trung tâm Y tế quận, huyện phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố khẩn trương khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở/hộ gia đình diện rộng từ 20-30 hộ gia đình xung quanh hộ gia đình có F0 (số lượng hộ cụ thể tùy vào điều tra dịch tễ và địa bàn nơi F0 sinh sống) và xét nghiệm tất cả các F1, F2 liên quan đến ca bệnh.

5. Xét nghiệm tại khu phong tỏa

- Đối với khu vực phong tỏa còn trong 14 ngày: lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở/hộ gia đình cho toàn bộ người dân 3 ngày/lần; thực hiện xét nghiệm RT-PCR gộp hộ.

- Trước khi gở phong tỏa thực hiện xét nghiệm RT-PCR đơn cho tất cả người trong khu vực phong tỏa. Nếu không phát hiện F0 mới thì ban hành Quyết định chấm dứt phong tỏa ngay. Trường hợp phát hiện ca F0 mới, căn cứ vào đánh giá dịch tễ ca bệnh, địa phương quyết định phạm vi phong tỏa phù hợp.

6. Xét nghiệm tại khu cách ly tập trung

Đối với cơ sở cách ly y tế tập trung tiến hành test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR cụ thể:

- Lần 1 (ngày thứ 01): Xét nghiệm RT-PCR;

- Lần 2 (ngày thứ 03): Test nhanh kháng nguyên;

- Lần 3 (ngày thứ 07): Test nhanh kháng nguyên;

- Lần 4 (ngày thứ 13): Xét nghiệm RT-PCR để thực hiện hoàn thành cách ly tập trung.

7. Xét nghiệm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: thực hiện theo hướng dẫn của ngành Y tế.

III. Công tác hậu cần

- Ủy ban nhân dân quận, huyện chủ động sử dụng nhân lực, vật lực, tài lực tại chỗ để triển khai xét nghiệm; thực hiện mua sắm test nhanh kháng nguyên, phương tiện bảo hộ để phục vụ công tác xét nghiệm cộng đồng trên địa bàn. Trường hợp cần hỗ trợ nhân lực lấy mẫu, Ủy ban nhân dân quận, huyện chủ động liên hệ trường Đại học, Cao đẳng Y Dược để được hỗ trợ. Đồng thời thực hiện đầy đủ các chính sách phụ cấp đặc thù để hỗ trợ kịp thời cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Sở Tài chính.

- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật là đầu mối tiếp nhận mẫu RT-PCR, thực hiện điều phối, phân công đơn vị chạy mẫu xét nghiệm RT-PCR đảm bảo trả kết quả trong vòng 12 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu; đồng thời dự trù, mua sắm hóa chất, vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm RT-PCR và ký kết đặt hàng dịch vụ xét nghiệm RT-PCR với các cơ sở đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định trên địa bàn thành phố.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí triển khai kế hoạch được sử dụng từ nguồn ngân sách phòng, chống dịch của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

a) Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tham mưu công tác đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn, công tác truy vết, điều tiết công tác nhận mẫu xét nghiệm và đảm bảo trả kết quả theo quy định.

b) Hướng dẫn chuyên môn và kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống dịch của Ủy ban nhân dân quận, huyện, đặc biệt trong công tác triển khai xét nghiệm và truy vết khoanh vùng, phong tỏa các khu vực liên quan ca nhiễm COVID-19. Hướng dẫn các đơn vị tổ chức việc hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm

2. Sở Khoa học và Công nghệ

a) Chỉ đạo Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố để tiếp nhận và thực hiện xét nghiệm RT-PCR.

b) Chủ động dự trù mua sắm, bổ sung hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ cho công tác phòng, chống dịch từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học được giao từ đầu năm 2021 cho Sở Khoa học và Công nghệ.

3. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố

Đảm bảo an ninh, an toàn tại các cơ sở cách ly trên địa bàn thành phố. Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định tại Quyết định số 878/QĐ-BYT về việc ban hành “Hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung phòng, chống dịch COVID-19”, hạn chế tối đa việc lây chéo trong khu cách ly và phối hợp thực hiện xét nghiệm cho các đối tượng đang được cách ly tập trung theo quy định.

4. Công an thành phố

a) Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn toàn thành phố, đồng thời phối hợp Sở Y tế thực hiện công tác truy vết kịp thời ca bệnh.

b) Công an thành phố và chính quyền địa phương khu vực phong tỏa cần tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát, xử phạt trường hợp vi phạm, xem xét truy tố trách nhiệm hình sự với những hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng làm lây lan dịch bệnh nhằm nâng cao ý thức của người dân, tránh tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong” tại các khu phong tỏa.

5. Sở Tài chính

Phối hợp, hướng dẫn Sở Y tế và Ủy ban nhân dân quận, huyện mua sắm hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện bảo hộ... theo đúng quy định và chi chính sách đặc thù theo Nghị quyết 16/NQ-CP; sử dụng nguồn kinh phí theo phân cấp và đúng mục đích.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị truyền thông trên địa bàn thành phố Cần Thơ và các quận, huyện tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch và các biện pháp xử phạt vi phạm, tuyên dương các đơn vị, cá nhân đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.

7. Các trường Đại học, Cao đẳng Y Dược trên địa bàn thành phố

Bố trí nhân lực xét nghiệm cộng đồng tham gia hỗ trợ các quận, huyện có nhu cầu.

8. Sở Công Thương, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ

- Phối hợp ngành Y tế và các địa phương hướng dẫn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu chế xuất... triển khai xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 để phòng, chống dịch và phù hợp điều kiện cụ thể theo từng địa bàn.

- Phối hợp Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức kiểm tra việc thực hiện định kỳ đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 và kiểm tra việc triển khai xét nghiệm COVID-19 định kỳ cho công nhân, người lao động tại khu chế xuất, cơ sở sản xuất kinh doanh.

9. Ủy ban nhân dân quận, huyện

a) Căn cứ tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân quận, huyện chủ động rà soát và xây dựng kế hoạch chi tiết xét nghiệm sàng lọc trọng tâm, trọng điểm tại các khu vực nguy cơ, đối tượng nguy cơ phù hợp tại địa phương, đảm bảo hậu cần cho lực lượng tham gia chiến dịch. Gửi kế hoạch triển khai cụ thể về Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Y tế và báo cáo kết quả thực hiện xét nghiệm cộng đồng chậm nhất 17 giờ hàng ngày.

b) Chủ động sử dụng nhân lực, vật lực, tài lực tại chỗ để triển khai xét nghiệm; thực hiện mua sắm test nhanh kháng nguyên, phương tiện bảo hộ để phục vụ công tác xét nghiệm trên địa bàn.

c) Chỉ đạo Trung tâm Y tế quận, huyện tăng cường rà soát thông tin khai báo y tế của người dân trên địa bàn để kịp thời xét nghiệm cho những trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở...Phối hợp thông tin cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố về địa điểm, thời gian, phương pháp, nhu cầu vật tư và môi trường vận chuyển xét nghiệm RT-PCR cần thiết để thực hiện phân bổ phù hợp (thông báo trước ít nhất 24 giờ trước khi tiếp nhận); huy động lực lượng nhập liệu thông tin mẫu xét nghiệm kịp thời, đầy đủ trên hệ thống trước khi gửi mẫu về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố.

d) Khi phát hiện ca bệnh trong cộng đồng, tập trung chỉ đạo khẩn trương điều tra dịch tễ chi tiết để làm căn cứ thực hiện ngay việc khoanh vùng, phong tỏa các khu vực liên quan F0.

đ) Chỉ đạo các Tổ COVID cộng đồng tăng cường phối hợp với công an rà soát phát hiện kịp thời những người đến/về từ vùng dịch để xét nghiệm sàng lọc và quản lý theo quy định.

e) Chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly tập trung trên địa bàn để tiếp nhận cách ly các F1, người về từ vùng dịch. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn tăng cường quản lý các trường hợp cách ly tại nhà, các bệnh nhân COVID-19 đã xuất viện trên địa bàn hoặc sau hoàn thành cách ly tập trung.

Trên đây là Kế hoạch xét nghiêm tầm soát SARS-CoV-2 cộng đồng phù hợp điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới trên địa bàn thành phố Cần Thơ; yêu cầu Thủ trưởng cơ quan, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này./.

 

 

Nơi nhận:
- TT TU, TT HĐND TP;
- CT, các PCT, UBND thành phố;
- TV BCĐ TP;
- TV SCH TP;
- Các trường Đại học, Cao đẳng Y Dược;
- VP UBND TP (2, 3ACD, 7);
- Lưu: VT,

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Hè

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 220/KH-UBND năm 2021 về xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 tại cộng đồng phù hợp điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới trên địa bàn thành phố Cần Thơ

  • Số hiệu: 220/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 30/10/2021
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Hè
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/10/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản