Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 213/KH-UBND

Sóc Trăng, ngày 12 tháng 12 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG HÀNG HÓA THIẾT YẾU, ĐẢM BẢO CUNG ỨNG XĂNG DẦU PHỤC VỤ TẾT NGUYÊN ĐÁN GIÁP THÌN NĂM 2024

Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-BCT ngày 30/10/2023 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ban hành Kế hoạch thực hiện bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu, đảm bảo cung ứng xăng dầu phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các doanh nghiệp tham gia chương trình trên tinh thần tự nguyện.

2. Tổ chức tốt hệ thống phân phối, đảm bảo hàng hóa đến được vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh. Hàng hóa dự trữ để bình ổn thị trường phải đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Mức dự trữ hàng hóa một số mặt hàng thiết yếu bảo đảm cân đối cung cầu trên thị trường, phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, tránh tình trạng khan hiếm hàng giả tạo, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.

II. NỘI DUNG

Dự trữ các mặt hàng thiết yếu gồm lương thực, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống và xăng dầu đảm bảo phục vụ nhu cầu của nhân dân. Vận động tối thiểu 13 doanh nghiệp tham gia chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường với tổng giá trị hàng hóa thiết yếu dự kiến là 334,43 tỷ đồng và vận động các hệ thống phân phối xăng dầu có kế hoạch cung ứng 49.550 m3 xăng dầu, cụ thể:

- Gạo các loại: 14.072 tấn (Công ty TNHH TMDV Thành Tín: 11.000 tấn; Công ty TNHH Tiến Phát Nông: 3.000 tấn; Siêu thị Co.op Mart Sóc Trăng: 33 tấn; Siêu thị Ánh Quang: 6 tấn; Siêu thị Winmart Sóc Trăng: 0,9 tấn; chuỗi cửa hàng Bách Hoá Xanh: 28 tấn, Chuỗi cửa hàng WinMart+: 4 tấn). Trị giá: 173,498 tỷ đồng.

- Thực phẩm tươi sống: 273 tấn (Siêu thị Co.op Mart Sóc Trăng: 15 tấn; Siêu thị Winmart Sóc Trăng 5,7 tấn; chuỗi cửa hàng Bách Hoá Xanh: 230 tấn, Chuỗi cửa hàng WinMart+: 22,5 tấn). Trị giá: 20,151 tỷ đồng.

- Các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác (rau, củ, quả, trứng, mì gói, dầu ăn, đường, gia vị, nước chấm các loại, nước đóng chai, giấy vệ sinh): 138,618 tỷ đồng (Siêu thị Co.op Mart Sóc Trăng: 12,23 tỷ đồng; Siêu thị Winmart Sóc Trăng: 1,685 tỷ đồng; Siêu thị Ánh Quang: 1,186 tỷ đồng; chuỗi cửa hàng Bách Hoá Xanh: 118,088 tỷ đồng; Chuỗi cửa hàng WinMart+: 3,6 tỷ đồng, Công ty Cổ phần cấp nước Sóc Trăng: 1,832 tỷ đồng).

- Các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 (nước sát khuẩn, khẩu trang kháng khuẩn): 2,16 tỷ đồng (Siêu thị Co.op Mart Sóc Trăng: 87 triệu đồng; Siêu thị Winmart Sóc Trăng: 38 triệu đồng; chuỗi cửa hàng Bách Hoá Xanh: 1.988 triệu đồng, Chuỗi cửa hàng WinMart+: 49 triệu đồng).

Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, vận động các thương nhân phân phối, kinh doanh trên địa bàn tỉnh có kế hoạch cung ứng xăng dầu trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn là 49.550 m3: trong đó Công ty TNHH MTV xăng dầu Tây Nam Bộ - Chi nhánh Sóc Trăng 18.050 m3, Công ty CPĐT Dầu khí Nam Sông Hậu Sóc Trăng 10.000 m3, Công ty CP dầu khí Mêkông - Chi nhánh Sóc Trăng 13.000 m3, Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Cửu Long - Chi nhánh Sóc Trăng 7.000 m3, Công ty TNHH MTV Nhiên liệu Tây Đô - Chi nhánh Sóc Trăng 1.500 m3

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương

a) Chủ trì, phối hợp vận động các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia dự trữ hàng hóa trên tinh thần tự nguyện (ngân sách nhà nước không trợ giá) và được Nhà nước hỗ trợ theo quy định pháp luật trong việc quảng bá, tham gia các chương trình bán hàng bình ổn.

b) Phối hợp các sở, ngành chức năng kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị nguồn hàng, cung ứng hàng hóa phục vụ bình ổn thị trường của các doanh nghiệp đã cam kết thực hiện bình ổn, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng.

c) Tổng hợp, cung cấp danh sách các doanh nghiệp tham gia bình ổn, các điểm bán hàng bình ổn cho Sở Thông tin và Truyền thông, Báo, Đài, các sở ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố để công bố rộng rãi cho người dân biết.

d) Phối hợp Sở Tài chính và các sở, ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện đăng ký, kê khai, niêm yết giá theo đúng các quy định của pháp luật về giá.

đ) Làm đầu mối trong việc thực hiện bình ổn thị trường, kịp thời tổng hợp, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Kết thúc Chương trình, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.

2. Sở Tài chính

a) Chủ trì, phối hợp với sở, ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.

b) Thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến giá cả, thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Chủ trì, phối hợp kiểm tra, thanh tra, kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật những đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm. Trường hợp có biến động giá, phối hợp tổ chức kiểm tra, kịp thời báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh biện pháp xử lý.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, các sở ngành liên quan, cơ quan Báo, Đài, chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Truyền thanh huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền các nội dung về bình ổn cung - cầu thị trường; công bố danh sách các doanh nghiệp, điểm bán hàng của các đơn vị tham gia bình ổn, mặt hàng bình ổn cho Nhân dân biết; tăng cường công tác tuyên truyền về Chương trình nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh; đồng thời kiểm soát các thông tin thất thiệt có thể gây bất ổn thị trường.

b) Phối hợp Sở Công Thương xây dựng chuyên mục về Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để người dân dễ tiếp cận và phân biệt được hàng hóa bình ổn.

4. Sở Giao thông Vận tải

Chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải, giá vé xe, vé tàu, phà theo quy định.

5. Công an tỉnh

Chỉ đạo lực lượng chức năng áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để xác minh, điều tra và xử lý đối với các hành vi tung tin không chính xác, đầu tư, găm hàng,..làm biến độ thị trường trục lợi, gây hoang mang trong Nhân dân.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi một cách hiệu quả nhằm chủ động nguồn cung các mặt hàng nông sản, lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng.

7. Sở Y tế

Phối hợp với Sở Tài chính và các ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát mặt hàng, dịch vụ do ngành quản lý.

8. Cục Quản lý thị trường

Chủ trì phối hợp Công an và các sở, ngành chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ,...

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

a) Theo dõi tình hình giá cả, cung cầu, dự trữ hàng hóa thiết yếu trên địa bàn; kịp thời báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Công Thương tổng hợp) các diễn biến bất thường và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp.

b) Chỉ đạo thông tin, tuyên truyền về Chương trình bình ổn thị trường để Nhân dân trên địa bàn biết.

c) Hỗ trợ, bố trí các địa điểm, mặt bằng thuộc địa bàn quản lý để các doanh nghiệp tham gia chương trình thực hiện các điểm, chuyến bán hàng.

d) Phối hợp các sở, ngành có liên quan đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên kiểm tra giá cả hàng hóa, an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý, đảm bảo cung ứng hàng hóa đầy đủ, phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân.

đ) Tổng hợp, báo cáo tình hình thị trường, cung cầu, giá cả các hàng hóa thiết yếu trên địa bàn về Sở Công Thương, Sở Tài chính theo quy định.

10. Ban Quản lý các Khu công nghiệp

a) Nghiên cứu, phối hợp Sở Công Thương rà soát, sắp xếp, bố trí các địa điểm phù hợp, tạo điều kiện cho việc bán hàng lưu động, mở các điểm bán hàng bình ổn thị trường tại các khu công nghiệp phục vụ người lao động có thu nhập thấp trong thời điểm cuối năm.

b) Phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia Chương trình trong việc khảo sát nhu cầu, thời gian mua sắm của người dân lao động.

Trên đây là nội dung Kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, trong quá trình thực hiện, để bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn, giao Sở Công Thương làm đầu mối tổng hợp ý kiến các ngành liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung khi cần thiết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Công Thương;
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban ngành tỉnh;
- Cục Quản lý thị trường tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- BQL các khu công nghiệp tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lâm Hoàng Nghiệp

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 213/KH-UBND năm 2023 thực hiện bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu, đảm bảo cung ứng xăng dầu phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 do tỉnh Sóc Trăng ban hành

  • Số hiệu: 213/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 12/12/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sóc Trăng
  • Người ký: Lâm Hoàng Nghiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/12/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản