Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 204/KH-UBND

Kiên Giang, ngày 22 tháng 10 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THÍCH ỨNG AN TOÀN, LINH HOẠT, KIỂM SOÁT HIỆU QUẢ DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ;

Căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các nội dung, giải pháp về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

- Việc thực hiện triển khai nhiệm vụ của các ngành các cấp phải đảm bảo mục tiêu: Phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” .

- Các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 phải được thực hiện dứt khoát, kịp thời, quyết liệt; đảm bảo hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, kinh tế - xã hội. Các giải pháp y tế phải đồng bộ giữa cách ly với xét nghiệm, điều trị, vắc xin, theo phương châm “cách ly, xét nghiệm là then chốt, vắc xin, thuộc điều trị là điều kiện tiên quyết”.

B. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

I. CÔNG TÁC PHÂN LOẠI ĐÁNH GIÁ, XÁC ĐỊNH CẤP ĐỘ DỊCH

Căn cứ vào quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” được ban hành kèm theo Nghị quyết số 128/NQ-CP và hướng dẫn về chuyên môn y tế của Bộ Trưởng Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định số 4800/QĐ-BYT, UBND tỉnh Kiên Giang hướng dẫn thực hiện như sau:

1. Phân loại cấp độ dịch:

- Cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh.

- Cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng.

- Cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam.

- Cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.

2. Phạm vi đánh giá cấp độ dịch:

Nhằm đảm bảo tính chủ động, linh hoạt, chặt chẽ, an toàn và hiệu quả trong kiểm soát dịch Covid-19 tỉnh Kiên Giang đánh giá, xác định cấp độ dịch đến quy mô ấp, khu phố.

3. Tiêu chí đánh giá cấp độ dịch:

- Tiêu chí 1: Số ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian.

- Tiêu chí 2: Độ bao phủ vắc xin (lưu ý nhóm tuổi có nguy cơ cao, tỷ lệ tiêm mũi thứ nhất, tỷ lệ tiêm đủ liều).

- Tiêu chí 3: Khả năng thu dung, điều trị của các tuyến (lưu ý xác định rõ khả năng thu dung, điều trị hiện có và kế hoạch bổ sung).

4. Xác định cấp độ dịch:

4.1. Tiêu chí 1: Số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần.

a) Số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần (ca mắc mới) được phân theo 04 mức độ từ thấp đến cao (mức 1: 0 - < 20; mức 2: 20 - <50; mức 3: 50 - <150; mức 4: ≥ 150) theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới:

b) Cách tính ca mắc mới:

- Số ca mắc mới tại cộng đồng: Là số ca mắc Covid-19 mới, không tính ca mắc trong khu phong tỏa và khu cách ly.

- Số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần được tính như sau:

(Số ca mắc mới tại cộng đồng trong 7 ngày) x 100.000

(dân số trong khu vực)*

(*) dân số của khu vực theo thành phố/huyện, xã/phường/thị trấn, ấp/khu phố/tổ dân số,...

4.2. Tiêu chí 2: Độ bao phủ vắc xin phòng Covid-19.

Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 01 liều vắc xin.

a) Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phân theo 02 mức (≥70% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin; <70% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin).

b) Trong tháng 10/2021, yêu cầu tối thiểu 80% người từ 65 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin. Từ tháng 11/2021, yêu cầu tối thiểu 80% người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin.

4.3. Tiêu chí 3: Đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.

a) Đã có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị và kế hoạch bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh nhằm sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4. Lưu ý tiêu chí này không dùng để đánh giá xác định, phân loại cấp độ dịch đối với cấp xã trở xuống.

b) Các huyện, thành phố đã có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng và kế hoạch cung cấp ô-xy y tế cho các trạm y tế cấp xã để đáp ứng khi có dịch xảy ra.

5. Phân loại cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP:

5.1. Phân loại cấp độ dịch theo bảng sau:

Tiêu chí 1

Tiêu chí 2

0 - < 20

20 - <50

50 - <150

≥150

≥70% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin

Cấp 1

Cấp 1

Cấp 2

Cấp 3

<70% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin

Cấp 1

Cấp 2

Cấp 3

 

5.2. Điều chỉnh cấp độ dịch:

a) Trường hợp không đạt Tiêu chí 3 thì không được giảm cấp độ dịch.

b) Phải tăng lên 1 cấp độ dịch nếu không đạt yêu cầu tại điểm b khoản 4.2 mục 4 phn III (trừ khi địa bàn đang có dịch ở cấp độ 4 hoặc không có ca mắc).

c) Không áp dụng điều chỉnh cấp độ dịch đối với ấp, khu phố.

6. Công bố cấp độ dịch:

- UBND tỉnh quyết định cấp độ dịch cấp tỉnh.

- Giao quyền cho UBND cấp huyện, trên cơ sở diễn biến tình hình dịch bệnh của địa phương, chủ động rà soát, đánh giá và công bố cấp độ dịch của cấp huyện, cấp xã và ấp, khu phố.

- Trong trường hợp nâng cấp độ dịch, phải thông báo trước tối thiểu 48 giờ để người dân, doanh nghiệp biết, có sự chuẩn bị trước khi áp dụng.

- Giao Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh: (1) báo cáo tiêu chí phân loại, điều chỉnh cấp độ dịch của tỉnh cho Bộ Y tế. (2) Đánh giá, phân loại và đề xuất cấp độ dịch để UBND tỉnh xem xét, quyết định. (3) công bố cấp độ dịch của tỉnh; cập nhật cấp độ dịch toàn tỉnh, các vùng cách ly y tế (phong tỏa) và các biện pháp áp dụng tương ứng trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Bộ Y tế.

Trong trường hợp nâng cấp độ dịch thì phải thông báo trước tối thiểu 48 giờ cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết để có sự chuẩn bị trước khi áp dụng.

II. CÁC BIỆN PHÁP CHUYÊN MÔN Y TẾ

1. Chuẩn bị năng lực ứng phó với dịch Covid-19:

Giao trách nhiệm Giám đốc Sở Y tế tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh:

a) Xây dựng kịch bản và phương án bảo đảm công tác y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 theo từng cấp độ dịch; tổ chức triển khai khi có dịch xảy ra trên địa bàn.

b) Tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, xét nghiệm, cách ly y tế và điều trị trên địa bàn.

c) Tăng cường khả năng thu dung, điều trị và chăm sóc người mắc Covid-19:

- Xây dựng kế hoạch thu dung, chăm sóc, điều trị người mắc Covid-19 (F0), đặc biệt kế hoạch bảo đảm đáp ứng về giường ICU. Cập nhật số liệu và quản lý phần mềm báo cáo các cơ sở thu dung, điều trị F0.

- Có kế hoạch bảo đảm khi có dịch xảy ra: Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên có hệ thống cung cấp ô xy hóa lỏng, khí nén; các trạm y tế xã, phường, thị trấn bảo đảm cung cấp ô xy y tế; có kế hoạch tổ chức các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng, tổ chức quản lý F0 tại nhà.

- Tổ chức, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vừa điều trị bệnh nhân thông thường vừa điều trị Covid-19. Bảo đảm tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để phát hiện ca bệnh, quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2. Xét nghiệm:

a) Việc xét nghiệm được thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ.

- Xét nghiệm các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở,...

- Xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ do cơ quan y tế thực hiện tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chợ đầu mối, chợ truyền thống, bến xe, bến tàu, siêu thị, nhà trọ, khu dân cư, cơ sở giáo dục;... đối với các nhóm nguy cơ (các trường hợp di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người,...) như lái xe, người chạy xe ôm, người giao hàng hóa (shipper),…

- Tại cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở: Tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên cho người có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao.

b) Không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

c) Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh: Chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; với trường hợp cách ly y tế hoặc theo dõi y tế và trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).

d) Việc thực hiện xét nghiệm để xử lý ổ dịch: Tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ, tình hình dịch bệnh và mức độ của ổ dịch, địa phương quyết định đối tượng, địa bàn xét nghiệm cho phù hợp.

đ) Thực hiện xét nghiệm theo phương pháp gộp mẫu trong trường hợp xét nghiệm tầm soát, sàng lọc, định kỳ.

3. Cách ly y tế:

a) Đối với người đến từ địa bàn có dịch (địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế), người tiếp xúc gần (F1): Thực hiện theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.

b) Đối với người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người dưới 18 tuổi (trẻ em): Thực hiện cách ly tại nhà và có người chăm sóc cách ly cùng.

4. Tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19:

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, kiểm tra và có giải pháp đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin phòng Covid-19, ưu tiên tiêm cho người từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền, phụ nữ có thai, người lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp.

5. Điều trị F0:

Thực hiện theo các hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.

6. Đối với công tác đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn, tại các cơ sở giáo dục đào tạo, khu nhà trọ, đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển thực hiện theo các hướng dẫn hiện hành của các Bộ liên quan.

III. BIỆN PHÁP ÁP DỤNG THEO CẤP ĐỘ DỊCH

Các biện pháp y tế bao gồm cách ly y tế, xét nghiệm, thu dung, điều trị, tiêm chủng thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế ở tất cả các cấp độ.

Đối với tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân áp dụng theo quy định tạm thời ban hành kèm theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ.

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế:

- Kiểm tra kết quả đánh giá cấp độ dịch của các huyện, thành phố, cập nhật các vùng đang thực hiện cách ly y tế (phong tỏa) trên địa bàn tỉnh báo cáo đề xuất để UBND tỉnh quyết định phân loại cấp độ dịch cấp tỉnh.

- Hàng tuần, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố căn cứ diễn biến tình hình dịch Covid-19, tình hình thực tế, khả năng phòng, chống dịch bệnh của tỉnh và hướng dẫn của Bộ Y tế để xác định, cập nhật cấp độ dịch đối với từng xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh ra Quyết định công bố chuyển đổi cấp độ của tỉnh để làm cơ sở thực hiện.

- Chủ động tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xây dựng các kế hoạch thực hiện về công tác chuyên môn y tế (mục II của Kế hoạch này) hoàn thành trong tháng 10/2021.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong phạm vi quản lý của ngành (hoàn thành trong tháng 10/2021).

- Chủ động phối hợp các địa phương, đơn vị tiếp nhận lại các cơ sở trường học đã được sử dụng làm khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến; lưu ý, phải thực hiện chặt chẽ việc tiêu độc, khử khuẩn, vệ sinh,... bảo đảm an toàn cho học sinh và giáo viên.

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân, phụ huynh, học sinh nắm rõ, hiểu chắc, không hoang mang trước tình hình dịch bệnh Covid-19 và phối hợp thực hiện tốt theo kế hoạch tổ chức dạy và học của tỉnh. Đồng thời, chủ động báo cáo, trình UBND tỉnh, xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến đối với các vấn đề liên quan khi phát sinh vướng mắc, khó khăn.

3. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc:

- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố thẩm định, rà soát đánh giá kế hoạch phòng, chống dịch, đánh giá nguy cơ theo Quyết định số 2194/QĐ-BYT đối với các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; phối hợp tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, xử lý các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch trong hoạt động sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất an toàn trong khu công nghiệp, khu kinh tế.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành rà soát các chỉ tiêu, kịch bản phát triển kinh tế - xã hội, điều chỉnh thích ứng, linh hoạt trong điều kiện mới, làm nền tảng phát triển của năm 2022.

- Phối hợp Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, các sở, ngành và địa phương tiếp tục nắm tình hình hoạt động doanh nghiệp, nhà đầu tư, kịp thời tham mưu, đề xuất cơ chế chính sách về ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan rà soát nội dung Kế hoạch số 189/KH-UBND ngày 09/10/2021 của UBND tỉnh để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp (hoàn thành trong tháng 10/2021).

5. Sở Công Thương:

Chủ trì phối hợp với các sở, ngành tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, để doanh nghiệp, hoạt động phục hồi sản xuất, giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế.

Thường xuyên kiểm tra, các Trung tâm thương mại, trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; xử lý nghiêm, đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm, không tuân thủ đúng quy định.

6. Sở Giao thông vận tải:

- Kịp thời tham mưu UBND tỉnh trong công tác phối hợp giao thông vận tải liên tỉnh, liên khu vực đảm bảo thống nhất, thông suốt theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

- Có kế hoạch quản lý hoạt động vận tải, nhất là trên các tuyến giao thông cửa ngõ, huyết mạch, bến xe, bến tàu, các nhà xe, khu vực trạm dừng chân, bến bãi tập kết, vận chuyển hàng hóa.

- Tăng cường các biện pháp quản lý phương tiện và người đi trên phương tiện vận tải, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

7. Sở Tài chính:

- Tham mưu các giải pháp đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch.

- Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách; thực hiện đúng chủ trương cắt giảm chi phí thường xuyên để ưu tiên nguồn ngân sách và các nguồn lực hợp pháp khác thực hiện công tác phòng, chống dịch.

- Quản lý công tác mua sắm và thanh quyết toán trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm,...theo đúng quy định hiện hành.

8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Kịp thời điều chỉnh Kế hoạch sản xuất nông nghiệp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

- Chủ trì, phối hợp với sở, ngành và các địa phương, đảm bảo cung ứng các yếu tố đầu vào cho sản xuất nông nghiệp của Nhân dân, hỗ trợ nông dân tổ chức sản xuất, có giải pháp liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh.

9. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ theo Kế hoạch đã đề ra.

- Phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan và các UBND các huyện, thành phố có giải pháp hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động khôi phục thị trường lao động.

10. Sở Thông tin và Truyền thông:

- Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân bằng nhiều hình thức phù hợp để người dân hiểu rõ về các hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các biện pháp xử lý, đồng thời phản ánh về công tác tuyên dương những việc làm tốt của các đơn vị, cá nhân trong công tác phòng, chống dịch.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế thường xuyên cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh covid-19 của tỉnh trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch.

- Phối hợp Công an tỉnh thường xuyên rà soát trên không gian mạng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng đưa thông tin sai sự thật ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

11. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành có liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc xử lý, vận chuyển chất thải phát sinh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

- Kịp thời tham mưu UBND tỉnh trong công tác đất đai có liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19.

12. Sở Nội vụ:

- Kịp thời hướng dẫn hoạt động của các cơ sở, địa điểm, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19.

- Theo dõi, kịp thời tham mưu UBND tỉnh sơ, tổng kết Kế hoạch số 148/KH-UBND ngày 06/10/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về nội dung phát động Phong trào thi đua đặc biệt "Kiên Giang đồng lòng phòng, chống dịch Covid-19".

13. Công an tỉnh:

- Chủ động phối hợp cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự; tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, xử lý kịp thời các thông tin tố giác tội phạm; mở các đợt cao điểm trấn áp tội phạm, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế.

- Phối hợp với ngành Y tế thực hiện công tác truy vết, công tác kết nối dữ liệu tiêm chủng, xét nghiệm, quản lý người nhiễm covid-19.

- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý phương tiện, người tham gia giao thông khi tỉnh chuyển cấp độ dịch bệnh.

14. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:

- Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định tại Quyết định số 878/QĐ-BYT ngày 12/3/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung phòng, chống dịch Covid-19”, hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung do Quân sự quản lý.

- Triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong đơn vị quân sự; sẵn sàng tham gia hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu.

15. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể:

- Tiếp tục tăng cường phối hợp với UBND các cấp vận động nhân dân nâng cao ý thức tự giác tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tiếp tục vận động, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh góp phần phát triển kinh tế.

- Chủ động phối hợp với UBND các cấp giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc của người dân, xã hội quan tâm; phát huy công tác tuyên truyền, vận động và giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

16. Các sở, ban, ngành:

Theo chức năng, nhiệm vụ của ngành triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của trung ương và của tỉnh theo tình hình diễn biến của dịch bệnh.

17. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Căn cứ quyết định cấp độ dịch của UBND tỉnh và kết quả đánh giá cấp độ dịch ở quy mô ấp, khu phố, UBND huyện, thành phố công bố cấp độ dịch của huyện, xã/phường/thị trấn và ấp/khu phố thuộc địa bàn quản lý.

- Tổ chức áp dụng các biện pháp chuyên môn về y tế và các biện pháp hành chính do UBND tỉnh quy định phù hợp với cấp độ dịch của từng địa bàn quản lý.

- Tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra đến cấp cơ sở, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đáp ứng nhanh khi tình hình dịch bệnh thay đổi.

- Điều động, huy động công chức, viên chức tham gia kiểm soát chặt tại các khu phong tỏa, không để dịch bệnh trong khu vực phong tỏa lây ra cộng đồng.

- Phối hợp ngành y tế và các ngành có liên quan thực hiện tốt công tác cách ly phòng, chống dịch.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã tăng cường quản lý, giám sát các trường hợp cách ly tại nơi cư trú. Chấn chỉnh, phát huy hiệu quả hoạt động của các Tổ Covid cộng đồng trên địa bàn.

- Phối hợp các sở, ban, ngành tỉnh thực hiện tốt công tác an sinh xã hội cho người dân.

Trên đây là Kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Căn cứ Kế hoạch này, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn căn cứ nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Tùy theo tình hình diễn biến của dịch Covid-19, UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Trong quá trình thực hiện Kế hoạch gặp khó khăn, vướng mắc các sở, ngành, địa phương kịp thời báo cáo UBND tỉnh thông qua Sở Y tế để UBND tỉnh xem xét cho ý kiến./.

 


Nơi nhận:
- BCĐ. Quốc gia;
- Bộ Y tế;
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT. UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh
(Đảng, chính quyền, đoàn thể);
- UBND các huyện, thành phố;
- Chánh, Phó CVP;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Phòng KGVX, CVNC;
- Lưu: VT, pthtran “HT”.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lâm Minh Thành

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 204/KH-UBND năm 2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

  • Số hiệu: 204/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 22/10/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang
  • Người ký: Lâm Minh Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/10/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản