Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 203/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 15 tháng 5 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG CHUỘT BẢO VỆ SẢN XUẤT TRỒNG TRỌT NĂM 2024-2025

Thực hiện Chỉ thị số 1900/CT-BNN-BVTV ngày 15/3/2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt năm 2024-2025, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thực hiện nghiêm túc và hiệu quả công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt.

- Tổ chức các đợt phòng, chống chuột trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố Huế đúng thời điểm chuột chưa vào mùa sinh sản và giai đoạn chuyển tiếp giữa các mùa vụ sản xuất trong năm.

- Phát huy tinh thần trách nhiệm cộng đồng của người dân trong việc tổ chức phòng chống chuột nhằm bảo vệ được sản xuất trồng trọt, ổn định thu nhập cho người nông dân.

2. Yêu cầu

- Huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các đoàn thể và toàn dân tham gia phòng, chống chuột. Tổ chức các tổ, nhóm cộng đồng ở cấp xã/phường, hợp tác xã, thôn tổ,… là đơn vị nòng cốt triển khai thực hiện.

- Tổ chức tập trung, đồng loạt mang tính cộng đồng các đợt ra quân phòng, chống chuột sớm trước khi gieo sạ và ngay từ đầu mỗi vụ sản xuất hoặc sau các đợt lũ khi chuột đang còn co cụm, ẩn nấp trên các vùng cao như: đê đập, cồn mồ mả,... Phòng, chống chuột đúng kỹ thuật, đúng lúc, an toàn cho người và vật nuôi.

- Tuyên truyền để người nông dân hiểu rõ đặc tính sinh học, mức độ gây hại của chuột, các biện pháp phòng, chống chuột mang lại hiệu quả cao và biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn hiệu quả. Đồng thời khuyến cáo nông dân sử dụng các loại thuốc phòng, chống nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam ưu tiên các loại thuốc sinh học; thuốc ít độc hại với người, vật nuôi và môi trường sinh thái.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Chủ động kiểm soát, phòng, chống chuột hại cây trồng trên địa bàn tỉnh có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do chuột gây ra trên diện rộng, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, duy trì ổn định sản xuất trồng trọt phát triển bền vững, nâng cao năng suất, sản lượng và đạt các chỉ tiêu đề ra.

2. Mục tiêu cụ thể

- Kiểm soát, phòng chống chuột hại trong sản xuất trồng trọt có hiệu quả, phấn đấu giảm khoảng 50-70% diện tích thiệt hại do chuột gây ra so với giai đoạn trước khi thực hiện Kế hoạch.

- Tổ chức tốt công tác tuyên truyền cho người nông dân về tác hại của chuột đối với sản xuất nông nghiệp, hiểu rõ đặc tính sinh học, mức độ gây hại của chuột, các biện pháp phòng, chống chuột mang lại hiệu quả cao và biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn hiệu quả.

- Hằng năm thường xuyên tổ chức 3-5 đợt đồng loạt ra quân phòng, chống chuột, huy động các Hội, Đoàn thể cấp xã, phường, thị trấn; Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và người nông dân tham gia.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến

- Tổ chức tốt công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về tác hại của chuột đối với sản xuất nông nghiệp, sức khỏe cộng đồng để người dân chủ động phối hợp phòng, chống chuột có hiệu quả.

- Tăng cường tuyên truyền các chuyên đề trên báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh về tác hại của chuột và công tác diệt chuột trên địa bàn tỉnh.

2. Công tác tập huấn nâng cao nhận thức

Các địa phương thường xuyên tổ chức tập huấn các kiến thức về phòng, chống chuột hại trong sản xuất nông nghiệp, các biện pháp phòng, chống chuột mang lại hiệu quả cao và biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn hiệu quả.

3. Công tác diệt chuột

- Tổ chức chỉ đạo và phát động ra quân phòng, chống chuột đồng loạt tại các địa phương trên toàn tỉnh. Tập trung diệt chuột từ 03-05, đợt cụ thể như sau:

+ Đợt 1: Giai đoạn chuyển giao giữa vụ Đông Xuân và Vụ Hè Thu vào cuối tháng 5 đầu tháng 6.

+ Đợt 2: Giai đoạn sau khi gieo sạ xong vụ Hè Thu (tháng 7).

+ Đợt 3: Sau khi kết thúc sản xuất lúa Hè Thu, đặc biệt sau các đợt ngập lụt vào tháng 10-11 hằng năm.

+ Đợt 4: Trước khi vào vụ sản xuất vụ Đông Xuân vào cuối tháng 12- tháng 01 năm sau.

+ Đợt 5: Giai đoạn sau khi gieo sạ xong vụ Đông Xuân vào cuối tháng 2- đầu tháng 3.

- Chú ý: Tùy vào các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa và các đặc tính gây hại của chuột để áp dụng đồng bộ các biện pháp tổng hợp phòng, chống chuột phù hợp từng đợt như: đào, bắt, sử dụng các loại bẫy, bã diệt chuột, bẫy cây trồng (TBS), bẫy dẫn dụ, ... Vận động người dân thường xuyên sử dụng các loại bẫy kẹp, bẫy bán nguyệt để hạn chế số lượng chuột trên đồng ruộng. Tuyệt đối không dùng điện hoặc thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục thuốc được phép sử dụng tại Việt Nam.

4. Quản lý thuốc bảo vệ thực vật

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nói chung, thuốc chuột nói riêng; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng tại Việt Nam.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện kế hoạch được ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp ngân sách hiện hành; các địa phương vận dụng, lồng ghép vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, đề án, kế hoạch khác có liên quan để triển khai thực hiện.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và các địa phương tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch.

- Tổ chức theo dõi, kiểm tra đánh giá để rút ra bài học kinh nghiệm và xây dựng phương hướng cho năm sau và đề xuất kế hoạch giai đoạn tiếp theo, định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Sở thực hiện các nhiệm vụ quản lý, giám sát tình hình tổ chức thực hiện phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng tại Việt Nam.

2. Sở Tài chính

Hằng năm, căn cứ khả năng cân đối ngân sách và nhu cầu kinh phí thường xuyên của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm thực hiện Kế hoạch. Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì, chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế thường xuyên tuyên truyền về các đợt diệt chuột; hướng dẫn các biện pháp diệt chuột an toàn, hiệu quả và cảnh báo các biện pháp diệt chuột gây nguy hiểm cho người và vật nuôi.

- Phối hợp, hỗ trợ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn biên tập, đăng tải bản tin truyền thông trên Hue-S qua hệ thống truyền thông số đã được triển khai.

4. Công an tỉnh

Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với UBND các cấp tăng cường rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp sử dụng điện, chất nổ, chất độc để diệt chuột gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng người dân cũng như tác động tiêu cực đến môi trường; tham mưu chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả việc thực hiện phòng, chống chuột.

5. Hội Nông dân tỉnh

Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các hội viên về tác hại của chuột và các biện pháp phòng chống chuột nhằm bảo vệ sản xuất trồng trọt.

6. UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế

- Chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch. Chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với địa phương, lồng ghép các nguồn kinh phí và bố trí kinh phí từ ngân sách của địa phương hằng năm để thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, khuyến khích người dân phòng, chống chuột ngoài đồng kết hợp ven làng. Trong các khu dân cư, hộ gia đình, khuyến khích phát triển đàn mèo. Ngoài các đợt phòng chống, chuột tập trung, tích cực vận động người dân thường xuyên sử dụng các biện pháp thích hợp, trong đó coi trọng đánh bắt chuột bằng biện pháp sinh học, thủ công, không được dùng điện sinh hoạt gây nguy hiểm cho con người và vật nuôi. Hướng dẫn thu gom và xử lý xác chuột chết và lượng mồi bả sau chiến dịch để bảo vệ môi trường.

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm đánh giá tình hình thực hiện và kết quả triển khai kế hoạch, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Trên đây là Kế hoạch tổ chức thực hiện công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt năm 2024-2025. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, vấn đề phát sinh và vượt thẩm quyền, đề nghị các đơn vị phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Các đơn vị có liên quan;
- UBND các huyện, thị xã và TP Huế;
- Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật;
- Trung tâm Khuyến nông tỉnh;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- VP: LĐ và các CV: TH, TC, ĐC, CT;
- Lưu: VT, NN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Hải Minh

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 203/KH-UBND năm 2024 về tổ chức thực hiện công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt năm 2024-2025 do tỉnh Thừa Thiên Huế

  • Số hiệu: 203/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 15/05/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Hoàng Hải Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/05/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản