Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NÔNG NGHIỆP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1900/CT-BNN-BVTV | Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 2024 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG CHUỘT BẢO VỆ SẢN XUẤT TRỒNG TRỌT
Cây trồng thường xuyên chịu tổn thất do sự gây hại của chuột, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng, đặc biệt là lúa nước. Hàng năm, khoảng 60.000 ha lúa và nhiều diện tích cây trồng khác bị chuột gây hại. Mặc dù có ít diện tích mất trắng, nhưng có nhiều diện tích phải gieo cấy lại.
Chuột là một trong những loài sinh vật gây hại khó kiểm soát do tập tính sống và khả năng nhân đàn nhanh chóng. Từ một cặp chuột đực cái trong vòng một năm có thể sinh ra hơn một ngàn con chuột. Sự gia tăng mạnh mẽ của chuột hiện nay chủ yếu là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp (hạn hán, lũ nhỏ hoặc không có lũ, thời tiết mùa đông ấm...), đồng thời, việc canh tác đa dạng và luân canh gối vụ liên tục cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của chuột. Sự suy giảm của các loài thiên địch như rắn, chim cú mèo, mèo,… cũng góp phần vào tình trạng này. Hiện nay, công tác phòng chống chuột chưa được tổ chức quy mô và toàn diện, dẫn đến hiệu quả chưa đạt được như mong đợi.
Để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống chuột, góp phần bảo vệ sản xuất trồng trọt an toàn và giảm chi phí sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị:
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch diệt chuột hàng năm để bảo vệ sản xuất với các biện pháp cụ thể, phù hợp với tình hình canh tác, đặc điểm địa hình, kinh tế xã hội ở địa phương. Trong đó phối hợp với các ban ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức, phát động phong trào diệt chuột; tổ chức các tổ, nhóm diệt chuột cộng đồng theo các đợt “diệt chuột tập trung” vào thời gian chuột chưa sinh sản, trước và sau các vụ sản xuất hoặc trong các đợt lũ khi chuột còn đang co cụm. Tuỳ theo tình hình cụ thể tiến hành từ 3-5 đợt diệt chuột/năm, thực hiện đồng bộ các biện pháp diệt chuột, trong đó coi trọng thực hiện diệt chuột bằng bẫy cây trồng (TBS), bẫy dẫn dụ chuột vào sinh sống để quây bắt, bằng các biện thủ công như đào bắt, bẫy chuột và sử dụng bả diệt chuột. Tổ chức diệt chuột cả ngoài đồng, ven khu dân cư, bờ mương máng và các diện tích đất bỏ hoang. Hạn chế sử dụng nylon quây từng ruộng nhỏ để bảo vệ môi trường. Tuyệt đối không dùng điện hoặc thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục thuốc được phép sử dụng tại Việt Nam để diệt chuột.
- Chỉ đạo UBND các huyện tổ chức các tổ, nhóm diệt chuột, nhất là ở cấp xã, hợp tác xã, thôn bản; phối hợp các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn hướng dẫn các biện pháp diệt chuột cho các tổ, nhóm diệt chuột cộng đồng; chỉ đạo, hỗ trợ các xã, hợp tác xã và các tổ, nhóm diệt chuột cộng đồng thực hiện.
- Chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nói chung, thuốc diệt chuột nói riêng ở địa phương; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
- Chỉ đạo các cơ quan thông tin tuyên truyền của địa phương phối hợp với cơ quan chuyên môn thường xuyên tuyên truyền về các đợt diệt chuột; hướng dẫn các biện pháp diệt chuột an toàn, hiệu quả và cảnh báo các biện pháp diệt chuột gây nguy hiểm cho người và vật nuôi.
- Bố trí kinh phí để các cơ quan chuyên môn, UBND các huyện tổ chức, thực hiện công tác diệt chuột hiệu quả; khen thưởng các tổ chức cá nhân có thành tích tốt.
2. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Cục Bảo vệ thực vật
- Chỉ đạo, hướng dẫn các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cơ quan phụ trách công tác Bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thường xuyên điều tra nắm chắc diễn biến, phân bố và dự báo khả năng phát sinh gây hại của chuột và tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất với UBND tỉnh về kế hoạch, phương án tổ chức diệt chuột cộng đồng hiệu quả.
- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các địa phương tổ chức, triển khai thực hiện tốt các đợt diệt chuột tập trung, đồng loạt.
- Phối hợp với các đơn vị nghiên cứu đề xuất, hướng dẫn các biện pháp diệt chuột an toàn và hiệu quả để các địa phương thực hiện.
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đăng ký các loại thuốc diệt chuột sinh học, an toàn, hiệu quả để đưa vào sử dụng phòng chống chuột.
b) Cục Trồng trọt
Chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt việc sản xuất, chăm sóc cây trồng kết hợp với công tác phòng, chống chuột (tổ chức sản xuất quy mô lớn để thuận lợi áp dụng các biện pháp bảo vệ thực vật, chỉ đạo gieo cấy tập trung, đồng loạt và bố trí bẫy cây trồng, ...).
c) Trung tâm Khuyến nông quốc gia
Thông tin tuyên truyền các biện pháp diệt chuột bảo vệ sản xuất; chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông các tỉnh xây dựng và nhân rộng các mô hình phòng chống chuột hiệu quả.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ thực hiện các nội dung trên. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc đề nghị báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Bảo vệ thực vật) để phối hợp, giải quyết kịp thời./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Chỉ thị 9864/CT-BNN-BVTV năm 2018 về tăng cường công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Quyết định 3279/QĐ-BNN-VP năm 2021 công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung mức phí, lệ phí lĩnh vực Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi, Trồng trọt, Thú y, Nông nghiệp, Thủy sản, Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Lâm nghiệp thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- 3Quyết định 174/QĐ-BNN-BVTV năm 2023 công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực bảo vệ thực vật và trồng trọt thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- 1Chỉ thị 9864/CT-BNN-BVTV năm 2018 về tăng cường công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Quyết định 3279/QĐ-BNN-VP năm 2021 công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung mức phí, lệ phí lĩnh vực Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi, Trồng trọt, Thú y, Nông nghiệp, Thủy sản, Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Lâm nghiệp thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- 3Quyết định 174/QĐ-BNN-BVTV năm 2023 công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực bảo vệ thực vật và trồng trọt thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chỉ thị 1900/CT-BNN-BVTV năm 2024 tổ chức thực hiện công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 1900/CT-BNN-BVTV
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 15/03/2024
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Hoàng Trung
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 15/03/2024
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra