Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2029/KH-UBND

Điện Biên, ngày 13 tháng 07 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHO VAY VỐN ĐỐI VỚI HỘ GIA ĐÌNH VÀ NGƯỜI NHIỄM HIV, NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN MA TÚY, NGƯỜI ĐIỀU TRỊ NGHIỆN CÁC CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN BẰNG THUỐC THAY THẾ, NGƯỜI BÁN DÂM HOÀN LƯƠNG THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 29/2014/QĐ-TTG NGÀY 26/4/2014 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Quyết định số 29/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương; Quyết định số 1150/QĐ-LĐTBXH ngày 09/9/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phê duyệt danh sách 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ;

Theo Công văn số 3337/NHCS-TDSV ngày 30/9/2014 của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam về việc hướng dẫn nghiệp vụ cho vay theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 1764/QĐ-NHCS ngày 8/6/2016 của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam về việc giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2016;

UBND tỉnh Điện Biên ban hành Kế hoạch triển khai cho vay vốn đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Điện Biên, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tạo điều kiện cho các hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương được vay vốn để mua sắm các loại vật tư, vật nuôi, thức ăn gia súc gia cầm, công cụ lao động, hàng hóa, phương tiện phục vụ kinh doanh buôn bán; góp vốn thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh với cá nhân, tổ chức khác, từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, góp phần từng bước kiềm chế, đẩy lùi các tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

Việc tổ chức cho vay vốn đảm bảo đúng đối tượng và đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn; trình tự, thủ tục cho vay phải thuận lợi để các đối tượng tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi.

II. NỘI DUNG

1. Tổ chức thông tin, tuyên truyền tới các cấp các ngành và nhân dân về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện.

2. Tiến hành rà soát, thống kê số lượng đối tượng thuộc diện được vay vốn, xác định nhu cầu vay vốn của đối tượng, từ đó xây dựng kế hoạch nguồn vốn hàng năm cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

3. Hướng dẫn quy trình và thủ tục vay vốn; thực hiện cho vay vốn, thu hồi nợ, hướng dẫn gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn, xử lý nợ bị rủi ro theo quy định.

4. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đề xuất xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện; định kỳ hàng năm thống kê, báo cáo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam và UBND tỉnh về kết quả cho vay đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương trên địa bàn tỉnh.

III. NGUỒN VỐN CHO VAY

Vốn cho vay được bố trí từ ngân sách Nhà nước theo kế hoạch hàng năm do Trung ương cấp cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Điện Biên và các nguồn huy động hợp pháp khác.

IV. PHẠM VI VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

- Năm 2016: Thực hiện thí điểm tại huyện Điện Biên Đông, huyện Mường Ảng và thành phố Điện Biên Phủ.

- Từ năm 2017 trở đi: Triển khai mở rộng trên phạm vi toàn tỉnh (theo chỉ đạo của Trung ương và theo nguồn vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cấp cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Điện Biên).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh

1.1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cấp, các ngành tổ chức thực hiện nội dung Kế hoạch. Tổng hợp, tham mưu đề xuất xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

- Hướng dẫn UBND cấp huyện rà soát đối tượng đủ điều kiện vay vốn, kiểm tra, giám sát, đề xuất xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

- Chủ trì và phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, cấp xã, Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện và các tổ chức đoàn thể các cấp để triển khai thực hiện.

- Hàng năm, phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh xây dựng kế hoạch, đánh giá kết quả, hiệu quả cho vay vốn, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.

- Trong tháng 12/2016, chủ trì và phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, UBND huyện Mường Ảng, huyện Điện Biên Đông, thành phố Điện Biên Phủ và các ngành, đơn vị có liên quan tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm về việc thí điểm triển khai chính sách trong năm 2016, từ đó rút kinh nghiệm và đưa ra phương án, giải pháp áp dụng triển khai trên địa bàn toàn tỉnh.

1.2. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch, nhu cầu vốn cho vay đối với đối tượng thuộc diện được vay vốn trên địa bàn theo quy định tại Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

- Tiếp nhận hồ sơ, hoàn thiện thủ tục vay vốn, giải ngân đáp ứng nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng từ Quý III/2016.

- Hướng dẫn quy trình và thủ tục cho vay đảm bảo đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện, triển khai cho vay, đôn đốc thu hồi nợ, xử lý nợ bị rủi ro theo quy định.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí địa phương, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức đoàn thể có liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, công khai quy trình nghiệp vụ và giải ngân đến các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn tỉnh.

- Hàng năm, tổng hợp nhu cầu vay vốn và kết quả cho vay vốn đối với cá nhân, hộ gia đình có người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương trên địa bàn; gửi kết quả thống kê, tổng hợp về Sở Lao động -Thương binh và Xã hội để phối hợp kiểm tra, rà soát, rút kinh nghiệm chung và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND huyện Mường Ảng, huyện Điện Biên Đông, thành phố Điện Biên Phủ và các ngành, đơn vị có liên quan tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm về việc thí điểm triển khai chính sách trong năm 2016.

1.3. Ngân hàng Nhà nước tỉnh

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các ngành, đơn vị có liên quan trong việc kiểm tra, giám sát, đề xuất xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

1.4. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Điện Biên Phủ, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh

Tăng cường thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách tín dụng theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; nêu gương những cá nhân, hộ gia đình có người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương điển hình sử dụng vốn vay hiệu quả, vượt khó vươn lên trong cuộc sống.

1.5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Tỉnh đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn lao động tỉnh

Phối hợp với các ngành, đoàn thể có liên quan và chỉ đạo các tổ chức thành viên tuyên truyền rộng rãi chủ trương, chính; sách tín dụng theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tới các tổ chức thành viên, hội viên và nhân dân; tăng cường giám sát việc triển khai bình xét cho vay đảm bảo đúng đối tượng và điều kiện vay vốn; tăng cường tuyên truyền, vận động tới các đối tượng thụ hưởng chính sách có phương án sử dụng vốn vay đúng mục đích để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách trên địa bàn tỉnh.

2. UBND huyện, thị xã, thành phố

- Chỉ đạo các phòng, ban có liên quan và UBND cấp xã chủ động phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa bàn.

- Tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền và phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông về chủ trương, chính sách tín dụng theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Thường xuyên rà soát, thống kê số lượng đối tượng và nhu cầu vay vốn của đối tượng thuộc diện được vay vốn trên địa bàn theo quy định tại Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg; gửi kết quả rà soát, thống kê và nhu cầu vay vốn năm về Sở Lao động -Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.

- Định kỳ hàng năm thống kê, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) về nhu cầu vay vốn và kết quả cho vay vốn đối với cá nhân, hộ gia đình có người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương trên địa bàn.

- UBND huyện Mường Ảng, huyện Điện Biên Đông, thành phố Điện Biên Phủ căn cứ chức năng, nhiệm vụ, địa bàn quản lý và điều kiện thực tế, có trách nhiệm:

+ Phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai thí điểm cho vay vốn trên địa bàn từ Quý III năm 2016 theo Quyết định số 1764/QĐ-NHCS ngày 8/6/2016 của Ngân hàng Chính sách xã hội về việc giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2016.

+ Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các ngành, đơn vị có liên quan tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm về việc thí điểm triển khai chính sách trong năm 2016 trên địa bàn.

Trên đây là Kế hoạch triển khai cho vay vốn đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Điện Biên;

Các Sở, ngành, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện đảm bảo nội dung, yêu cầu; định kỳ hàng năm báo cáo tình hình, kết quả thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao về UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh) để tổng hợp, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Lao động - TBXH (b/c);
- TT. Tỉnh ủy (b/c);
- TT. HĐND tỉnh;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Ngân hàng CSXH Việt Nam;
- UB MTTQ tỉnh, Tỉnh đoàn TTNCS Hồ Chí Minh, Hội LHPN, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn LĐ tỉnh;
- Sở Lao động - TBXH, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Điện Biên Phủ, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh;
- Ngân hàng Nhà nước tỉnh;
- Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, VX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Quý

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 2029/KH-UBND năm 2016 triển khai cho vay vốn đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương theo Quyết định 29/2014/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Điện Biên

  • Số hiệu: 2029/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 13/07/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên
  • Người ký: Lê Văn Quý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản