Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 200/KH-UBND

Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC THU GOM, VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI TRONG PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

- Quyết định số 3455/QĐ-BCĐQG ngày 5/8/2020 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch COVID-19;

- Công văn số 1560/BYT-MT ngày 25/3/2020 của Bộ Y tế về hướng dẫn tạm thời khử trùng và xử lý môi trường khu vực có bệnh nhân COVID-19 ngoài cộng đồng;

- Công văn số 102/BYT-MT ngày 04/3/2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19;

- Công văn số 5679/BYT-MT ngày 16/7/2021 của Bộ Y tế về việc tiếp tục quản lý xử lý vỏ lọ vắc xin Covid-19;

- Công văn số 439/MT-YT ngày 3/8/2021 của Bộ Y tế về việc xử lý chất thải khu vực phong tỏa phòng, chống dịch COVID-19;

- Công văn số 2743/BTNMT-TCMT ngày 21/5/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tăng cường phối hợp trong xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh COVID-19;

- Công văn số 4119/BTNMT-TCMT ngày 23/7/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tăng cường xử lý chất thải phát sinh do dịch bệnh COVID-19;

- Quyết định số 3781/QĐ-UBND ngày 31/7/2021 của UBND Thành phố phê duyệt phương án thành lập cơ sở cách ly, thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại Dự án nhà ở cao tầng thuộc Khu đô thị Đền Lừ III, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội;

- Quyết định số 3847/QĐ-UBND ngày 06/8/2021 của UBND Thành phố phê duyệt phương án thành lập cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, Hoàng Mai, Hà Nội;

- Công điện số 16/CĐ-UBND ngày 21/7/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố;

- Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố về việc thực hiện dãn cách xã hội trên địa bàn Thành phố để phòng chống dịch COVID-19;

- Công văn số 2361/UBND-ĐT ngày 24/7/2021 của UBND Thành phố về việc đảm bảo vệ sinh môi trường trong công tác triển khai chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố;

- Công điện số 19/CĐ-UBND ngày 21/8/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố về tăng cường các biện pháp thực hiện dãn cách xã hội để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19;

- Tờ trình số 6455/TTr-STNMT-CCBVMT ngày 24/8/2021 của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc Phê duyệt Kế hoạch tổ chức thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố,

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Kiểm soát tốt công tác quản lý chất thải, đảm bảo không phát tán mầm bệnh trong quá trình phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh tại cơ sở cách ly y tế tập trung, cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú, cách ly tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trên địa bàn Thành phố; đảm bảo an toàn cho người cách ly, nhân viên y tế, người tham gia quản lý chất thải.

- Chủ động kiểm soát, điều tiết trong công tác xử lý chất thải y tế lây nhiễm khi dịch diễn biến phức tạp làm gia tăng khối lượng chất thải y tế lây nhiễm cần xử lý.

2. Yêu cầu:

Đảm bảo thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất thải hiện hành phù hợp với điều kiện thực tế tại từng quận, huyện, thị xã và trên địa bàn toàn Thành phố, đặc biệt chất thải y tế lây nhiễm.

III. NỘI DUNG TRIỂN KHAI

1. Tổng hợp các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19:

Theo báo cáo số 228/BC-SXD ngày 9/8/2021 của Sở Xây dựng về kết quả rà soát các quỹ nhà ở, công trình phục vụ xây dựng phương án cơ sở thu dung, điều trị người bệnh không triệu chứng và triệu chứng nhẹ gồm các dự án:

Dự án nhà ở cao tầng thuộc Khu đô thị Đền Lừ III, quận Hoàng Mai, Hà Nội;

Khu nhà ở tái định cư phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội;

Ký túc xá trường Đại học Phenikaa, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội;

Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, Hoàng Mai, Hà Nội (Tòa A1, A5, A6);

Dự án xây dựng nhà B, C - Khu nhà ở tái định cư tại phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội;

Dự án xây dựng nhà CT1, CT2 - Khu nhà ở tái định cư tại phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội;

Dự án xây dựng Khu tái định cư Nam Trung Yên phần xây dựng nhà ở và HTXH thiết yếu - Giai đoạn I (nhà 30T1, 30T2) tại ô đất A14 - Khu đô thị Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy, Hà Nội;

Dự án xây dựng nhà ở tái định cư tại nhà N01, lô đất D17, Khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội;

Dự án Xây dựng nhà ở tái định cư tại ô đất ký hiệu B10/ODK3 phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội;

Dự án nhà ở thương mại phục vụ tái định cư tại khu X2 Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội;

Dự án nhà ở thương mại phục vụ tái định cư tại ô đất CT3 Khu đô thị mới Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội;

Dự án xây dựng nhà ở tái định cư tại ô đất ký hiệu C13/DD1, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội;

Dự án Khu nhà ở di dân GPMB tại ô đất CT4 - Khu nhà ở tái định cư tập trung tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội;

Nhà tái định cư A1 Kim Giang, phường Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội;

Dự án Khu nhà ở cao tầng tại ô đất 5.B3, Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội.

Đến ngày 12/8/2021, UBND Thành phố đã phê duyệt 04 cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ trên địa bàn Thành phố gồm:

- Cơ sở cách ly, thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại Dự án nhà ở cao tầng thuộc Khu đô thị Đền Lừ III, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội (tại Quyết định số 3781/QĐ-UBND ngày 31/7/2021); đã tiếp nhận, điều trị bệnh nhân từ 4/8/2021.

- Cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, Hoàng Mai, Hà Nội - Tòa A1, A5, A6 (tại Quyết định số 3847/QĐ-UBND ngày 06/8/2021); hiện chưa đưa vào hoạt động.

- Cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại Khu nhà ở tái định cư phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội (tại Quyết định số 3849/QĐ-UBND ngày 08/8/2021); hiện chưa đưa vào hoạt động.

- Cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại Ký túc xá trường Đại học Phenikaa, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội (tại Quyết định số 3850/QĐ-UBND ngày 08/8/2021); hiện chưa đưa vào hoạt động.

2. Tổng hợp các Khu cách ly trên địa bàn Thành phố:

- Tổng số cơ sở cách ly do UBND Thành phố ra quyết định thành lập: 20 cơ sở với khả năng tiếp nhận: 8.545 người và đã tiếp nhận: 1.221 người, còn khả năng tiếp nhận: 7.324 người.

- Tổng số cơ sở cách ly do UBND quận, huyện, thị xã ra quyết định thành lập: 254 cơ sở với khả năng tiếp nhận: 38.409 người và đã tiếp nhận: 1.427 người, còn khả năng tiếp nhận: 36.982 người.

- Tổng số cơ sở cách ly trong doanh trại quân đội: 4 cơ sở với khả năng tiếp nhận: 710 người, đã tiếp nhận: 314 người, còn khả năng tiếp nhận: 396 người.

Như vậy các cơ sở còn khả năng tiếp nhận với tổng số: 44.702 người.

3. Hướng dẫn phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19:

3.1. Tại các khu vực cách ly, phòng cách ly tại cơ sở cách ly y tế tập trung

Chất thải là khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng, trang phục phòng hộ cá nhân phát sinh từ khu vực cách ly phòng cách ly tại cơ sở cách ly y tế tập trung phải được phân ngay vào thùng màu vàng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh. Bên ngoài túi, thùng có dán nhãn “CHT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”. Trường hợp xuất hiện ca mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 thì tất cả chất thải tại phòng cách ly của người này phải được thu gom và xử lý như chất thải lây nhiễm, bên ngoài thùng có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”. Các chất thải khác thực hiện thu gom và xử lý theo quy định về quản lý chất thải của Chính phủ tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015. Sau đó phải thực hiện khử trùng và xử lý môi trường theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trước khi thu gom, túi đựng chất thải phải được buộc kín miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm thứ 2, buộc kín miệng túi, sau đó bỏ vào thùng thu gom chất thải lây nhiễm. Thùng thu gom chất thải lây nhiễm phải có thành cứng, có nắp đậy kín, có đạp chân, có lắp bánh xe, có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”. Thu gom riêng thùng đựng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 từ khu vực/phòng cách ly về khu lưu giữ chất thải tạm thời trong cơ sở ít nhất 2 lần/ngày hoặc khi cần. Trong quá trình thu gom, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải ra ngoài.

Khu tập kết rác thải lây nhiễm nên bố trí tại vị trí cuối hướng gió, thuận tiện trong tuyến đường vận chuyển; phải có mái che, nền đảm bảo không bị ngập lụt, tránh được nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào, không bị chảy tràn chất lỏng ra bên ngoài khi có sự cố rò rỉ, đổ tràn đảm bảo tránh lây lan dịch bệnh ra môi trường.

Thùng, dụng cụ đựng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 phải được vệ sinh và khử khuẩn ngay sau khi sử dụng bằng dung dịch khử khuẩn có chứa 0,5% Clo hoạt tính.

Thu gom các rác thải sinh hoạt vào các thùng đựng rác thải sinh hoạt có nắp đậy, có bánh xe, có thành cứng.

Thực hiện vận chuyển thùng đựng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 đến cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại tập trung hoặc cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế gần nhất bằng xe chuyên dụng để xử lý trong ngày. Thùng đựng chất thải phải có thành cứng chịu được va đập, bên ngoài thùng có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”. Trong quá trình vận chuyển, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải ra ngoài.

3.2. Tại phòng cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú

Chất thải phát sinh từ phòng cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú bao gồm khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng thải bỏ của người được cách ly phải được bỏ vào túi đựng chất thải, sau đó xịt cồn 70 độ để khử trùng và buộc chặt miệng túi, sau đó bỏ vào thùng đựng chất thải có lót túi, có nắp đậy kín đặt ở trong phòng của người được cách ly.

Trong thời gian cách ly, nếu người được cách ly xuất hiện triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 phải thực hiện khử trùng và xử lý môi trường theo hướng dẫn của Bộ y tế và thu gom tất cả các loại chất thải phát sinh từ phòng cách ly của người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 để vận chuyển, xử lý như đối với chất thải lây nhiễm phát sinh tại các khu vực/phòng cách ly, khám, theo dõi, chăm sóc, điều trị người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 trong cơ sở y tế. Hết thời gian cách ly, người được cách ly không xuất hiện triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 hoặc kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì thu gom túi đựng chất thải và xử lý như chất thải thông thường.

3.3. Tại khu vực phong tỏa phòng chống dịch COVID-19

Đối với chất thải phát sinh từ nhà/phòng có trường hợp mắc COVID-19 (F0)

Tất cả các loại chất thải phát sinh của nhà bệnh nhân phải được coi là chất thải lây nhiễm và thu gom vào túi màu vàng, buộc chặt miệng túi rồi cho vào một túi màu vàng khác, tiếp tục buộc chặt miệng túi. Các túi màu vàng đều phải dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”.

Đồ vải như quần áo, chăn màn, ga gối của bệnh nhân cần được ngâm ngập hoàn toàn dung dịch khử trùng chứa 0,05% Clo hoạt tính trong thời gian tối thiểu 20 phút trước khi giặt sạch.

Đồ dùng đựng thức ăn, nước uống của bệnh nhân cần được ngâm ngập hoàn toàn dung dịch khử trùng chứa 0,05% Clo hoạt tính trong thời gian từ 10-20 phút sau đó rửa lại bằng nước sạch (trong trường hợp không có hóa chất khử trùng có thể đun sôi từ 10-15 phút).

Đối với chất thải phát sinh từ nhà/phòng cách ly người tiếp xúc gần (F1) và chất thải phát sinh từ nhà/phòng cách ly người tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2)

Thực hiện theo hướng dẫn đối với chất thải phát sinh từ phòng cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú đã nêu tại mục 3.2 của Kế hoạch này.

3.4. Tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu/cụm công nghiệp

Thực hiện quản lý chất thải tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu/cụm công nghiệp có trường hợp mắc bệnh theo hướng dẫn tại công văn số 1560/BYT-MT ngày 25/3/2020 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn tạm thời khử trùng và xử lý môi trường khu vực có bệnh nhân Covid-19 tại cộng đồng.

3.5. Tại cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19

Thực hiện theo hướng dẫn đối với chất thải phát sinh tại khu vực/phòng cách ly, khám, theo dõi, chăm sóc, điều trị người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 trong cơ sở y tế (quy định tại Quyết định số 3455/QĐ-BCĐQG ngày 5/8/2020 về hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch Covid-19).

3.6. Tại cơ sở tiêm chủng vắc xin Covid-19

Đối với vỏ lọ vắc xin COVID-19 đã dùng hết, lọ đựng vắc xin thừa thải bỏ (là chất thải lây nhiễm mã 13 01 01) và các chất thải khác phát sinh trong hoạt động tiêm chủng vắc xin COVID-19: đề nghị Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thực hiện phân loại, lưu giữ, xử lý hoặc chuyển giao các chất thải phát sinh trong hoạt động tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho các đơn vị có chức năng phù hợp theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT về quản lý chất thải y tế và hướng dẫn tại văn bản số 102/MT-YT ngày 04/3/2021 của Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Đối với lọ vắc xin hỏng hoặc hết hạn sử dụng phải được thu hồi và tiến hành thủ tục hủy thuốc theo quy định tại Khoản 13, Điều 1, Thông tư số 03/2020/TT-BYT ngày 22/01/2020 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2018/TT-BYT quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc (theo hướng dẫn tại văn bản số 5679/BYT-MT ngày 16/7/2021 của Bộ Y tế).

4. Phương án phân luồng xử lý chất thải y tế lây nhiễm

Các đơn vị xử lý gồm:

- Công ty cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp Bắc Sơn (tên cũ là Công ty cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp 10 - URENCO 10).

Giấy phép xử lý chất thải nguy hại số: 1-2-3.051.VX ngày 17/06/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp

Địa điểm xử lý: Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội

Khả năng xử lý: 5 tấn/ngày tại lò đốt chất thải công nghiệp

- Công ty cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp 13 - Urenco 13:

Giấy phép xử lý chất thải nguy hại có mã số QLCTNH 2.105.VX (cấp lần 2) ngày 26/3/2020

Địa điểm xử lý: Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

Khả năng xử lý: năng lực cấp phép trung bình 5 tấn/ngày và đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận tăng lên 8 tấn/ngày. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép Cho phép Công ty Urenco 13 tăng công suất xử lý lên 10 tấn/ngày để phục vụ xử lý chất thải lây nhiễm trong các khu cách ly trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Công ty TNHH công nghệ Long Phương:

Địa điểm xử lý: cụm công nghiệp Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Khả năng xử lý: Công ty đề xuất sẽ sử dụng sản phẩm lò đốt rác y tế của Công ty để xử lý miễn phí rác thải y tế lây nhiễm Covid-19 cho thành phố Hà Nội, công suất xử lý là 2 tấn/ngày. Sản phẩm lò đốt rác y tế của Công ty đáp ứng QCVN 02:2012/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn y tế, sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận hợp quy của Vinacontrol. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép Công ty TNHH công nghệ Long Phương sử dụng sản phẩm lò đốt rác y tế của Công ty để xử lý miễn phí rác thải y tế lây nhiễm Covid-19 cho thành phố Hà Nội với công suất xử lý là 2 tấn/ngày trong trường hợp các đơn vị xử lý chất thải y tế trên địa bàn Thành phố không đáp ứng được công suất xử lý.

- Công ty TNHH Đầu tư thương mại và phát triển Bình Nguyên:

Giấy phép xử lý chất thải nguy hại số: 1-2-3-4-5-6.122.VX ngày 02/10/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp

Địa điểm xử lý: Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp tại thôn Đồng Sài, xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh

Khả năng xử lý: 22 tấn/ngày tại lò đốt chất thải công nghiệp

- Công ty TNHH sản xuất Dịch vụ thương mại Môi trường Xanh

Giấy phép xử lý chất thải nguy hại số: 1-2-3.003.VX ngày 31/12/2019

Địa điểm xử lý: Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp (cơ sở 1: Lô C15, KCN Nam Sách, phường Ái Quốc, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương và cơ sở 2: thôn Cổ Chẩm, xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương)

Khả năng xử lý: 3 tấn/ngày tại lò đốt chất thải

4.1. Tại các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19

a. Mức độ đáp ứng xử lý của Thành phố

Hiện trên địa bàn Thành phố có Công ty cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp 10 - URENCO 10, Công ty cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp 13 - URENCO 13 là 02 đơn vị đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế có địa điểm xử lý tại Hà Nội với năng lực như sau:

- Công ty cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp 13 - URENCO 13: năng lực cấp phép là 8 tấn/ngày. Hiện tại Công ty đang thực hiện thu gom, xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh từ các cơ sở y tế , từ các điểm/khu cách ly với khối lượng trung bình từ 7 đến 7.5 tấn/ngày. Hiện Công ty đang xin chấp thuận tăng công suất lên 10 tấn/ngày.

- Công ty cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp 10 - URENCO 10: năng lực cấp phép là 1500 kg/giờ, công suất hoạt động thực tế là 15 tấn/ngày bao gồm các loại chất thải; trong đó chất thải y tế nguy hại là 8 tấn/ngày. Hiện Công ty đã và đang thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại trung bình là 3 tấn/ngày. Như vậy năng lực thu gom, xử lý chất thải y tế nguy hại còn lại khoảng 5 tấn/ngày.

b. Nhu cầu xử lý và phương án xử lý

Một giường bệnh phát sinh chất thải lây nhiễm trung bình là 1kg/ngày (theo thống kê thực tế từ số liệu thu gom, xử lý chất thải lây nhiễm do Công ty cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp 10 - URENCO 10 đang thực hiện tại cơ sở thu dung, điều trị tại Dự án nhà ở cao tầng thuộc Khu đô thị Đền Lừ III, quận Hoàng Mai). Như vậy với công suất tối đa 30.000 giường sẽ phát sinh trung bình 30 tấn/ngày.

Phương án phân luồng:

a. Phương án 5.000 giường

- Nhu cầu xử lý: 5 tấn/ngày

- Phương án phân luồng:

Công ty cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp 10 - URENCO 10 chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển và xử lý toàn bộ chất thải lây nhiễm phát sinh tại các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 sau:

Dự án nhà ở cao tầng thuộc Khu đô thị Đền Lừ III, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội;

Khu nhà ở tái định cư phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội;

Ký túc xá trường Đại học Phenikaa, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội.

b. Phương án 10.000 giường

- Nhu cầu xử lý: 10 tấn/ngày.

- Phương án phân luồng

Công ty cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp 10 - URENCO 10 tiếp tục chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển và xử lý toàn bộ chất thải lây nhiễm phát sinh tại các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 như phương án 5.000 giường.

Công ty TNHH Đầu tư thương mại và phát triển Bình Nguyên chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển và xử lý toàn bộ chất thải lây nhiễm phát sinh tại các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 như sau:

Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, Hoàng Mai, Hà Nội (Tòa A1, A5, A6);

Dự án xây dựng nhà B, C - Khu nhà ở tái định cư tại phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

c. Phương án 20.000 giường

- Nhu cầu xử lý: 20 tấn/ngày

- Phương án phân luồng:

Công ty cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp 10 - URENCO 10 tiếp tục chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển và xử lý toàn bộ chất thải lây nhiễm phát sinh tại các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 như phương án 5.000 giường.

Công ty TNHH Đầu tư thương mại và phát triển Bình Nguyên chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển và xử lý toàn bộ chất thải lây nhiễm phát sinh tại các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 như sau:

Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, Hoàng Mai, Hà Nội (Tòa A1, A5, A6);

Dự án xây dựng nhà B, C - Khu nhà ở tái định cư tại phường Trần Phú, quận Hoàng Mai;

Dự án xây dựng nhà CT1, CT2 - Khu nhà ở tái định cư tại phường Xuân La, quận Tây Hồ;

Dự án Xây dựng Khu tái định cư Nam Trung Yên phần xây dựng nhà ở và HTXH thiết yếu - Giai đoạn I (nhà 30T1, 30T2) tại ô đất A14 - Khu đô thị Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy;

Nhà tái định cư A1 Kim Giang, phường Kim Giang, Thanh Xuân.

d. Phương án 30.000 giường

- Nhu cầu xử lý: 30 tấn/ngày

- Phương án phân luồng:

Công ty cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp 10 - URENCO 10 tiếp tục chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển và xử lý toàn bộ chất thải lây nhiễm phát sinh tại các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 như phương án 5.000 giường.

Công ty TNHH Đầu tư thương mại và phát triển Bình Nguyên chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển và xử lý toàn bộ chất thải lây nhiễm phát sinh tại các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 như sau:

Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, Hoàng Mai, Hà Nội (Tòa A1, A5, A6);

Dự án xây dựng nhà B, C - Khu nhà ở tái định cư tại phường Trần Phú, quận Hoàng Mai;

Dự án xây dựng nhà CT1, CT2 - Khu nhà ở tái định cư tại phường Xuân La, quận Tây Hồ;

Dự án Xây dựng Khu tái định cư Nam Trung Yên phần xây dựng nhà ở và HTXH thiết yếu - Giai đoạn I (nhà 30T1, 30T2) tại ô đất A14 - Khu đô thị Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy;

Dự án xây dựng nhà ở tái định cư tại nhà N01, lô đất D17, Khu đô thị mới Cầu Giấy;

Dự án Xây dựng nhà ở tái định cư tại ô đất ký hiệu B10/ODK3 phường Yên Sở, quận Hoàng Mai;

Dự án nhà ở thương mại phục vụ tái định cư tại khu X2 Đại Kim, quận Hoàng Mai;

Dự án nhà ở thương mại phục vụ tái định cư tại ô đất CT3 Khu đô thị mới Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy;

Dự án xây dựng nhà ở tái định cư tại ô đất ký hiệu C13/DD1, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai;

Dự án Khu nhà ở di dân GPMB tại ô đất CT4 - Khu nhà ở tái định cư tập trung tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm.

Công ty TNHH sản xuất Dịch vụ thương mại Môi trường Xanh chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển và xử lý toàn bộ chất thải lây nhiễm phát sinh tại các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 như sau:

Nhà tái định cư A1 Kim Giang, phường Kim Giang, Thanh Xuân;

Dự án Khu nhà ở cao tầng tại ô đất 5.B3, Đông Hội, Đông Anh.

4.2. Tại các cơ sở/khu cách ly

- Công ty cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp 13 - Urenco 13 chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển và xử lý toàn bộ chất thải lây nhiễm phát sinh tại các cơ sở/khu cách ly/khu vực phong tỏa trên địa bàn các quận/huyện sau: Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Sơn Tây, Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Phúc Thọ và chịu trách nhiệm thu gom chất thải y tế lây nhiễm phát sinh trong quá trình điều trị người bệnh Covid-19 tại các Bệnh viện Thanh Nhàn, Đống Đa, Bắc Thăng Long, Hà Đông, Đức Giang. Trường hợp vượt quá khả năng xử lý của Urenco 13, Công ty TNHH công nghệ Long Phương sẽ phối hợp với Công ty Urenco 13 để xử lý khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản chấp thuận.

- Việc thu gom, vận chuyển và xử lý toàn bộ chất thải lây nhiễm phát sinh tại các cơ sở/khu cách ly/khu vực phong tỏa trên địa bàn các quận/huyện: Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh, Thanh Trì sẽ do Công ty cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp 13 - Urenco 13; Công ty TNHH Đầu tư thương mại và phát triển Bình Nguyên; Công ty TNHH sản xuất Dịch vụ thương mại Môi trường Xanh chịu trách nhiệm thực hiện trên nguyên tắc ưu tiên Công ty cổ phần - Môi trường đô thị và Công nghiệp 13 - Urenco 13 thực hiện nếu còn đáp ứng năng lực xử lý và khoảng cách vận chuyển từ nơi phát sinh đến nơi xử lý đảm bảo ngắn nhất.

Tùy theo tình hình thực tế số người cách ly của mỗi quận, huyện, thị xã, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ điều chỉnh phân luồng cho phù hợp.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Là cơ quan thường trực, giúp UBND Thành phố đôn đốc, hướng dẫn trong công tác bảo vệ môi trường; đặc biệt thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh trong hoạt động phòng, chống, điều trị người bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố.

- Tham mưu UBND Thành phố có văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Ninh và UBND tỉnh Hải Dương để phối hợp, thống nhất phương án cho phép đối với Công ty TNHH Đầu tư thương mại và phát triển Bình Nguyên và Công ty TNHH sản xuất Dịch vụ thương mại Môi trường Xanh vận chuyển chất thải y tế lây nhiễm phát sinh từ hoạt động phòng, chống và điều trị người bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố về xử lý tại các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương trước khi thực hiện.

- Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức kiểm tra, giám sát việc vận chuyển, xử lý chất thải y tế của Công ty TNHH Đầu tư thương mại và phát triển Bình Nguyên và Công ty Công ty TNHH sản xuất Dịch vụ thương mại Môi trường Xanh trong quá trình hành nghề vận chuyển, xử lý chất thải trên địa bàn thành phố Hà Nội đảm bảo theo đúng quy định pháp luật.

- Phối hợp với Sở Y tế để nắm bắt, cập nhật diễn biến dịch bệnh và các kịch bản kích hoạt phòng, chống dịch bệnh để lập các phương án ứng phó, huy động các cơ sở xử lý tham gia thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trên địa bàn Thành phố.

2. Sở Y tế

- Thường xuyên tổng hợp số liệu các điểm/khu cách ly và điều trị người bệnh trên địa bàn Thành phố, thông tin đến Sở tài nguyên và Môi trường để kịp thời phân luồng, giám sát đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải COVID-19 phát sinh.

- Hướng dẫn, tuyên truyền, giám sát việc phân loại chất thải lây nhiễm tại các cơ sở y tế đảm bảo phân loại triệt để; phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô, UBND các quận, huyện, thị xã nơi có cơ sở cách ly, thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 trong công tác phân loại, lưu giữ, bàn giao chất thải lây nhiễm tại cơ sở cho đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại lây nhiễm.

- Chỉ đạo các Bệnh viện được giao phụ trách về chuyên môn y tế trong các phương án thành lập cơ sở thu dung, điều trị người bệnh của UBND Thành phố ký hợp đồng với đơn vị thu gom, xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh tại cơ sở đó và tổ chức nghiệm thu, thanh quyết toán theo quy định.

- Hướng dẫn các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thực hiện phân loại, lưu giữ, xử lý hoặc chuyển giao các chất thải phát sinh trong hoạt động tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho các đơn vị có chức năng phù hợp theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT về quản lý chất thải y tế và hướng dẫn tại văn bản số 102/MT-YT ngày 04/3/2021 của Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội hướng dẫn các đơn vị tổ chức tiêm chủng thu hồi toàn bộ các lọ vắc xin hỏng hoặc hết hạn sử dụng và tiến hành thủ tục hủy thuốc theo quy định tại Khoản 13, Điều 1, Thông tư số 03/2020/TT-BYT ngày 22/01/2020 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2018/TT-BYT quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

3. Sở Xây dựng

- Chỉ đạo cơ quan trực thuộc phối hợp với các đơn vị liên quan đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, điện, nước, phòng cháy chữa cháy, đảm bảo xử lý nước thải cho các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19.

- Chỉ đạo các đơn vị xử lý chất thải sinh hoạt tại Khu xử lý tập trung của Thành phố tiếp nhận và xử lý ngay trong ngày chất thải sinh hoạt được thu gom, vận chuyển từ các khu cách ly, điều trị, phong tỏa dịch bệnh Covid-19.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp với Sở Y tế, Bộ Tư lệnh Thủ đô, UBND các quận huyện thị xã, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tăng cường tuyên truyền việc phân loại, thu gom, lưu giữ chất thải phát sinh trong hoạt động phòng, chống dịch Covid-19; góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh.

- Phối hợp với Công an Thành phố đưa tin các trường hợp vi phạm trong hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải Covid-19.

5. Sở Giao thông vận tải

- Chủ trì, phối hợp với Công an thành phố Hà Nội phân luồng giao thông và hướng dẫn các phương tiện vận chuyển chất thải lây nhiễm phát sinh trong hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo lưu thông trên các cung, tuyến đường về nơi xử lý trong thời gian ngắn nhất.

- Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử nghiêm các phương tiện vận chuyển chất thải trong hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật, gây rò rỉ, rơi vãi trong quá trình vận chuyển.

6. Sở Tài chính

Tổng hợp nhu cầu kinh phí của các cơ quan đơn vị, tham mưu UBND Thành phố bố trí nguồn kinh phí để tổ chức hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh trong hoạt động phòng, chống, điều trị người bệnh Covid-19 đảm bảo theo quy định của Trung ương và Thành phố.

7. UBND các quận, huyện, thị xã

- Chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế để nắm bắt tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện người nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm trên địa bàn và khoanh vùng để quản lý chặt chẽ chất thải phát sinh theo quy định.

- Phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô hướng dẫn, tuyên truyền và giám sát việc phân loại, lưu giữ các loại chất thải phát sinh tại cơ sở cách ly tập trung của Thành phố, cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 trên địa bàn.

- Chỉ đạo phòng ban chuyên môn hướng dẫn, tuyên truyền và giám sát việc phân loại, lưu giữ các loại chất thải phát sinh tại nơi cách ly tại nhà, nơi lưu trú, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, tại các khu vực phong tỏa chống dịch Covid-19.

- Phối hợp với đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại lây nhiễm phát sinh tại các điểm cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú, cách ly y tế tập trung, tại khu vực phong tỏa chống dịch Covid-19 trên địa bàn theo phân luồng của Sở Tài nguyên và Môi trường lập phương án cụ thể về số lượng phát sinh, địa điểm phát sinh để có phương án thu gom, vận chuyển đảm bảo về thời gian, tuyến đường vận chuyển, tránh phát tán dịch bệnh.

- Bố trí thiết bị lưu giữ, khu lưu giữ chất thải lây nhiễm tạm thời tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn theo quy định.

- Phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh trong hoạt động tiêm chủng Covid-19, đặc biệt đối với vỏ lọ vắc xin, lọ vắc xin hỏng hoặc hết hạn sử dụng.

- Chỉ đạo đơn vị duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt phát sinh tại khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nơi lưu trú, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, khu vực phong tỏa chống dịch Covid-19.

8. Công an Thành phố

- Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động phòng, chống và điều trị người bệnh mắc COVID-19; thông tin đến Sở Tài nguyên và Môi trường các đơn vị có hành vi vi phạm trong quá trình vận chuyển, xử lý chất thải COVID-19 để kịp thời khuyến cáo các chủ nguồn thải không chuyển giao chất thải cho các đơn vị này.

- Phối hợp với Sở Y tế, Bộ Tư lệnh Thủ đô và UBND các quận, huyện, thị xã quản lý và giám sát số lượng vỏ lọ vắc xin, lọ vắc xin hỏng hoặc hết hạn sử dụng tránh tình trạng để thất thoát, lợi dụng làm vắc xin giả trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp hiện nay.

- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải trong phân luồng giao thông và hướng dẫn các phương tiện vận chuyển chất thải lây nhiễm phát sinh trong hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo lưu thông trên các cung, tuyến đường về nơi xử lý trong thời gian ngắn nhất.

9. Bộ Tư lệnh Thủ đô

- Phối hợp với UBND quận, huyện có cơ sở cách ly, thu dung, điều trị trên địa bàn tiếp nhận cơ sở hạ tầng, hoàn thiện cơ sở vật chất, đảm bảo nhân lực trong công tác vệ sinh, khử khuẩn, thu gom chất thải phát sinh tại cơ sở đảm bảo quy chuẩn môi trường.

- Phối hợp với Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn công tác phân loại, lưu giữ, bàn giao chất thải lây nhiễm tại cơ sở cho đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại lây nhiễm phát sinh tại cơ sở cách ly, thu dung, điều trị người bệnh; bố trí các thiết bị lưu giữ, khu tập kết rác thải, có các biển cảnh báo chất thải nguy hại theo đúng hướng dẫn về quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch Covid-19 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 tại Quyết định số 3455/QĐ-BCĐQG ngày 5/8/2020; đặc biệt lưu ý khu tập kết rác thải lây nhiễm nên bố trí tại vị trí cuối hướng gió, thuận tiện trong tuyến đường vận chuyển; phải có mái che, nền đảm bảo không bị ngập lụt, tránh được nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào, không bị chảy tràn chất lỏng ra bên ngoài khi có sự cố rò rỉ, đổ tràn đảm bảo tránh lây lan dịch bệnh ra môi trường.

10. Các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại

- Chủ động xây dựng phương án giao nhận chất thải, quy trình khử khuẩn thiết bị, phương tiện vận chuyển, xử lý đối với các chất thải tiếp nhận tại các cơ sở cách ly, thu dung, điều trị người bệnh.

- Thực hiện nghiêm túc và kịp thời việc thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại lây nhiễm theo đúng lịch trình, đúng chủng loại, phương tiện vận chuyển chuyên dụng, quy trình xử lý theo đúng giấy phép xử lý chất thải nguy hại đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép; đặc biệt phải ưu tiên xử lý trong ngày (trường hợp bất khả kháng chưa xử lý ngay trong ngày, phải lưu giữ ở nhiệt độ dưới 20°C và thời gian lưu giữ tối đa không quá 02 ngày).

- Cung cấp túi đựng chất thải lây nhiễm, thiết bị thu gom, phân loại đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cho người cách ly tại khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nơi lưu trú, khu vực phong tỏa chống dịch Covid-19.

- Bố trí đầy đủ trang thiết bị, bảo hộ lao động cho nhân viên làm công tác thu gom, vận chuyển chất thải lây nhiễm tại các khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

- Phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã trong việc giám sát để kịp thời báo cáo UBND quận huyện thị xã kiểm tra, xử lý các trường hợp không phân loại và lưu giữ chất thải phát sinh theo quy định.

- Chủ động xây dựng phương án và kịp thời báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường để được cấp phép xử lý lượng chất thải lây nhiễm tăng đột biến vượt quá năng lực vận chuyển, xử lý trong trường hợp dịch bệnh bùng phát dẫn đến lượng chất thải lây nhiễm phát sinh tăng cao; báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND quận, huyện, thị xã (nơi có điểm cách ly) để kịp thời giải quyết.

UBND Thành phố yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện Kế hoạch này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, báo cáo kịp thời về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố xem xét và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế./.

 


Nơi nhận:
- Các Bộ: TN&MT, YT; (để b/c)
- Thường trực Thành ủy; (để b/c)
- Chủ tịch UBND Thành phố; (để b/c)
- Các PCT UBND Thành phố;
- Sở chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 TP;
- Bộ Tư lệnh Thủ đô;
- Công an Thành phố;
- Các Sở: YT, XD, TC, TT&TT, GTVT, TNMT;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- VPUBTP: CVP, các PCVP;
- Các phòng: TH, TKBT, KGVX, ĐT;
- Lưu: VT, ĐTn.
36810-HT

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Trọng Đông

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 200/KH-UBND năm 2021 về tổ chức thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hà Nội

  • Số hiệu: 200/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 31/08/2021
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Trọng Đông
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản