Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 196/KH-UBND | Hà Nội ngày 27 tháng 8 năm 2021 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG 2020 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17/11/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022;
Căn cứ Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn;
Căn cứ Nghị định 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Căn cứ Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ văn bản số 1135/VPCP-NN ngày 20/02/2021 của Văn phòng Chính phủ về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020;
Thực hiện kết luận chỉ đạo của Ban cán sự đảng UBND Thành phố tại Thông báo số 528-TB/BCSĐ ngày 21/6/2021; UBND Thành phố ban hành Kế hoạch Triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 trên địa bàn Thành phố Hà Nội với các nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đến nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công tác bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố.
b) Xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.
c) Xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ khác liên quan và các địa phương trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố.
2. Yêu cầu
a) Bảo đảm thực hiện thống nhất theo Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả với các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường.
b) Nội dung công việc phải gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của các sở, ngành, UBND các quận, huyện và thị xã, đảm bảo chất lượng, tiến độ hoàn thành công việc.
c) Có lộ trình thực hiện cụ thể, đảm bảo đến khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực, việc thi hành được triển khai thi hành đồng bộ, thống nhất.
d) Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ, giải quyết vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện, để đảm bảo tiến độ, hiệu quả về thi hành Luật Bảo vệ môi trường.
II. NỘI DUNG
1. Tổng kết thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2014
Tổ chức tổng kết thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, trong đó: đánh giá các nhiệm vụ, công tác triển khai thực thi hành Luật Bảo vệ môi trường (các kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; những khó khăn vướng mắc về pháp luật, đặc thù của Hà Nội trong công tác quản lý Nhà nước về môi trường).
Thời gian thực hiện: Quý IV/2021.
Đơn vị thực hiện: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã.
2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Bảo vệ môi trường
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường với nội dung tài liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp và sau khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tập huấn cho UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bằng các hình thức phù hợp đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân để hiểu rõ và thực hiện phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của Thủ đô và từng đối tượng địa bàn (thông qua lồng ghép chuyên đề trong các hội nghị, lớp tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật mới theo kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật).
Thời gian thực hiện: Quý IV/2021 và các năm tiếp theo (trên cơ sở thời điểm ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành).
Đơn vị thực hiện: Sở Tài nguyên và Môi trường; các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã.
3. Tổ chức rà soát văn bản pháp luật
- Đã có Văn bản số 2185/UBND-ĐT ngày 13/7/2021 báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Tiếp tục thực hiện rà soát, báo cáo (nếu có) sau khi Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thực hiện một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành.
Đơn vị thực hiện: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở: Tư pháp, Tài Chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Công thương, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Quy hoạch - Kiến trúc và các Sở, ban, ngành liên quan.
4. Xây dựng, ban hành văn bản pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường
Thực hiện rà soát, xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường theo nội dung tại Danh mục kèm theo Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường được phê duyệt tại Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường.
(Danh mục nội dung thực hiện tại Phụ lục)
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Là cơ quan thường trực, tham mưu giúp UBND Thành phố đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ quan có liên quan thực hiện các nội dung theo phân công tại Kế hoạch.
- Tổng hợp báo cáo UBND Thành phố để xin ý kiến chỉ đạo và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc (nếu có).
- Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao tại phụ lục của Kế hoạch. Đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành để triển khai tốt các nhiệm vụ liên quan.
- Chủ trì tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện Kế hoạch này.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành rà soát, tham mưu, báo cáo UBND Thành phố Hà Nội điều chỉnh (nếu có) nhiệm vụ của các sở, ban, ngành sau khi UBND Thành phố hoàn thành việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố Hà Nội theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ và Kế hoạch số 232/KH- UBND ngày 01/12/2020.
2. Sở Tài chính
Trên cơ sở đề xuất của các đơn vị, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu báo cáo UBND Thành phố bố trí kinh phí từ nguồn chi thường xuyên ngân sách hàng năm theo phân cấp cho các đơn vị để thực hiện nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch.
3. Các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã
- Chủ động, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Phụ lục ban hành kèm theo Kế hoạch này.
- Các đơn vị gửi báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 15/12 hàng năm về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
4. Kinh phí thực hiện
- Nguồn kinh phí thực hiện: từ nguồn Ngân sách Thành phố và các nguồn khác theo quy định.
- Căn cứ danh mục các chương trình, nhiệm vụ được UBND Thành phố giao tại Kế hoạch này, các đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện; lập dự toán kinh phí thực hiện (nếu có), gửi Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường để xem xét, tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố, trình Hội đồng nhân dân Thành phố, bố trí dự toán ngân sách hàng năm cho các đơn vị để tổ chức thực hiện theo quy định.
- Các đơn vị có trách nhiệm quản lý, sử dụng, thanh, quyết toán nguồn kinh phí được giao đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, theo đúng quy định; gửi báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/01 năm sau để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
UBND Thành phố yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc; báo cáo kịp thời về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHỤ LỤC
DANH MỤC NỘI DUNG PHÂN CÔNG CƠ QUAN CHỦ TRÌ SOẠN THẢO VĂN BẢN ĐƯỢC GIAO TẠI LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG 2020 VÀ GIAO TỔ CHỨC TỔNG KẾT THI HÀNH LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG 2014 VÀ HƯỚNG DẪN TẬP HUẤN TRIỂN KHAI LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG 2020
(Kèm theo Kế hoạch số: 196/KH-UBND ngày 27 tháng 8 năm 2021 của UBND thành phố Hà Nội)
TT | Tên văn bản quy định chi tiết | Cơ quan Chủ, trì | Cơ quan phối hợp | Thời hạn trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền |
I | Quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố | |||
1 | Điểm a khoản 3 Điều 14: Ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh | Sở Tài nguyên và Môi trường | Các Sở, ban, ngành liên quan; UBND các quận, huyện, thị xã | Năm 2022- 2023 |
2 | Điểm c khoản 5 Điều 51: Ban hành quy định khuyến khích, tổ chức thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường tại các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung | Sở Tài nguyên và Môi trường | Các Sở, ban, ngành liên quan; UBND các quận, huyện, thị xã | Năm 2022- 2023 |
3 | Điểm b và điểm c khoản 6 Điều 52: - Ban hành quy định khuyến khích, tổ chức thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường đối với cụm công nghiệp; - Ban hành lộ trình di dời dân cư sinh sống (nếu có) ra khỏi cụm công nghiệp. | Sở Công thương | Các Sở, ban, ngành liên quan; UBND các quận, huyện, thị xã | Năm 2022- 2023 |
4 | Khoản 6 Điều 53: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành lộ trình thực hiện đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng thuộc các trường hợp phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư: Có chất dễ cháy, dễ nổ; Có chất phóng xạ, chất thải phóng xạ hoặc thiết bị bức xạ; Có chất độc hại đối với người và sinh vật; Có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn tác động xấu đến sức khỏe con người; Có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước đang hoạt động trên địa bàn không đáp ứng khoảng cách an toàn về môi trường. | Sở Tài nguyên và Môi trường | Các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã | Năm 2022- 2023 |
5 | Điểm c khoản 2 Điều 58: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, bố trí nguồn lực thực hiện nội dung về bảo vệ môi trường nông thôn; chỉ đạo, tổ chức việc xử lý các loại chất thải phát sinh trên địa bàn nông thôn; ban hành, hướng dẫn áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động xử lý chất thải, xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường nông thôn; | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; | Các Sở, ban, ngành liên quan; UBND các quận, huyện, thị xã | Năm 2022- 2023 |
6 | Khoản 6 Điều 62: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế phù hợp với điều kiện của địa phương; chịu trách nhiệm thực hiện quản lý các chất ô nhiễm liên quan đến các vấn đề về bệnh tật và sức khỏe con người trên địa bàn. | Sở Y tế | Các Sở, ban, ngành liên quan; UBND các quận, huyện, thị xã | Năm 2022- 2023 |
7 | - Khoản 6 Điều 64: Chất thải từ hoạt động cải tạo, phá dỡ công trình xây dựng của hộ gia đình, cá nhân tại đô thị phải được thu gom và chuyển giao cho cơ sở có chức năng xử lý theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp thực hiện theo quy định tại điểm d và điểm đ khoản 5 Điều 64. - Khoản 8 Điều 64: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng và quy hoạch địa điểm đổ chất thải từ hoạt động xây dựng; bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước. | Sở Xây dựng | Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Quy hoạch Kiến trúc; Các Sở, ban, ngành liên quan; UBND các quận, huyện, thị xã | Năm 2022- 2023 |
8 | Khoản 6 Điều 65: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định khu vực, địa điểm đổ thải, nhận chìm đối với vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa và đường biển; có giải pháp phân luồng giao thông, kiểm soát ô nhiễm môi trường nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường không khí đối với đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I. | Sở Giao thông vận tải | Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Xây dựng; các Sở, ban, ngành liên quan; UBND các quận, huyện, thị xã | Năm 2022- 2023 |
9 | Khoản 7 Điều 72: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý chất thải trên địa bàn; ban hành quy định về quản lý chất thải và thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động quản lý chất thải theo quy định của pháp luật. | Sở Tài nguyên và Môi trường | Sở Kế hoạch và Đầu tư; Các Sở, ban, ngành có liên quan; UBND các quận, huyện, thị xã | Năm 2022- 2023 |
10 | Khoản 2 Điều 75: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; có chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại | Sở Tài nguyên và Môi trường | Sở Xây dựng; các Sở, ban, ngành liên quan; UBND các quận, huyện, thị xã | Năm 2022- 2023 |
11 | - Khoản 6 Điều 75: Việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải cồng kềnh được thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. - Khoản 4 Điều 77: Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải sử dụng thiết bị, phương tiện được thiết kế phù hợp đối với từng loại chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; việc vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải thực hiện theo tuyến đường, thời gian theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. - Khoản 6 Điều 79: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. | Sở Xây dựng | Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Giao thông vận tải; Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải; Các Sở, ban, ngành liên quan; UBND các quận, huyện, thị xã | Năm 2022- 2023 |
12 | Điểm c khoản 5 Điều 81: Phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý phải có thiết bị định vị đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, hoạt động theo tuyến đường và thời gian quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. | Sở Giao thông vận tải | Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Xây dựng | Năm 2022- 2023 |
13 | Khoản 3 Điều 83: Chất thải nguy hại khi vận chuyển phải được lưu chứa và vận chuyển bằng thiết bị, phương tiện chuyển động phù hợp đến cơ sở xử lý chất thải. Phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại phải lắp đặt thiết bị định vị; hoạt động theo tuyến đường và thời gian theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. | Sở Giao thông vận tải | Sở Tài nguyên và Môi trường; Các Sở, ban, ngành liên quan; UBND các quận, huyện, thị xã | Năm 2022- 2023 |
14 | Điểm b, c và d khoản 5 Điều 86: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây: b) Ban hành lộ trình bố trí quỹ đất, đầu tư hoặc khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung trong trường hợp chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải; c) Ban hành lộ trình và chính sách hỗ trợ để tổ chức, hộ gia đình trong đô thị, khu dân cư tập trung xây dựng công trình, lắp đặt thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi thải vào nguồn tiếp nhận trong trường hợp không bố trí được quỹ đất xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại khu đô thị, khu dân cư tập trung đã hình thành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành; d) Ban hành lộ trình thực hiện và chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý tại chỗ nước thải sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình, tại các khu dân cư không tập trung. | Sở Xây dựng | Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Quy hoạch kiến trúc; Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Các Sở, ban, ngành liên quan; UBND các quận, huyện, thị xã | Năm 2022- 2023 |
II | Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố | |||
1 | Khoản 3 Điều 45: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của pháp luật. | Sở Tài nguyên và Môi trường | Sở Tài chính, Cục thuế Hà Nội và các Sở, ban, ngành liên quan | Năm 2022 |
2 | Khoản 4 Điều 169: Bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số điểm trong Mục IX - Phí thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường thuộc Phụ lục số 01 - Danh mục Phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí số 97/ 2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 09/2017/ QH14 và Luật số 23/2018/QH14 như sau: a) Sửa đổi, bổ sung điểm 1.4 như sau: Phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với hoạt động thẩm định do cơ quan địa phương thực hiện.). b) Bổ sung điểm 1.6 và sau điểm 1.5 như sau: Phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường (Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với hoạt động thẩm định do cơ quan địa phương thực hiện.) c) Bãi bỏ điểm 5.4, điểm 6.3 và tiểu mục 9. | Sở Tài nguyên và Môi trường | Sở Tài chính, Cục thuế Hà Nội và các Sở, ban, ngành liên quan | Năm 2022 |
III | Tổ chức Tổng kết thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Hướng dẫn tập huấn triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 trên địa bàn Thành phố Hà Nội | Sở Tài nguyên và Môi trường | Các Sở, ban, ngành liên quan; UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố | 2021-2022 |
- 1Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2021 triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường do tỉnh Bình Thuận ban hành
- 2Quyết định 3907/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 3Kế hoạch 408/KH-UBND năm 2022 triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường do tỉnh Bắc Ninh ban hành
- 1Luật bảo vệ môi trường 2014
- 2Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 3Luật phí và lệ phí 2015
- 4Luật Du lịch 2017
- 5Nghị định 107/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 24/2014/NĐ-CP quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- 6Luật Cạnh tranh 2018
- 7Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 8Luật Bảo vệ môi trường 2020
- 9Chỉ thị 41/CT-TTg năm 2020 về giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Kế hoạch 232/KH-UBND năm 2020 về rà soát, sắp xếp, kiện toàn các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố Hà Nội theo Nghị định 107/2020/NĐ-CP, 108/2020/NĐ-CP, 120/2020/NĐ-CP
- 11Công văn 1135/VPCP-NN năm 2021 về kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 12Quyết định 343/QĐ-TTg năm 2021 về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 13Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2021 triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường do tỉnh Bình Thuận ban hành
- 14Quyết định 3907/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 15Kế hoạch 408/KH-UBND năm 2022 triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường do tỉnh Bắc Ninh ban hành
Kế hoạch 196/KH-UBND năm 2021 triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020 do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
- Số hiệu: 196/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 27/08/2021
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Nguyễn Trọng Đông
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 27/08/2021
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra