Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 195/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 08 tháng 12 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, PHÁT TRIỂN CHÍNH QUYỀN SỐ VÀ BẢO ĐẢM AN TOÀN THÔNG TIN MẠNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

I. MÔI TRƯỜNG PHÁP LÝ

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 17/02/2020 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2020 - 2025; Chương trình hành động số 153-CTr/TU ngày 21/7/2020 thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch để triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh, như Kế hoạch hành động số 33/KH-UBND ngày 31/3/2016 về thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử; Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 22/9/2016 về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch hành động số 106/KH-UBND ngày 06/6/2019 thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025; Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 05/8/2020 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ và Chương trình hành động số 153-CTr/TU ngày 21/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 10/8/2020 thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Kế hoạch số 154/KH- UBND ngày 10/9/2020 triển khai thực hiện Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và các Kế hoạch ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh hàng năm1.

UBND đã ban hành các Quyết định số 869/QĐ-UBND ngày 10/5/2018 phê duyệt Đề án triển khai Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến cấp xã trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Quyết định số 2312/QĐ-UBND ngày 10/11/2018 phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lạng Sơn; Quyết định số 1063/QĐ-UBND ngày 07/6/2019 về việc phê duyệt Đề án xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 - 2025; Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND ngày 11/7/2020 ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành, quản lý văn bản điện tử và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Quyết định số 1050/QĐ-UBND ngày 06/8/2020 về việc ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 1782/QĐ-UBND ngày 11/9/2020 kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Lạng Sơn.

II. HẠ TẦNG KỸ THUẬT

Mạng viễn thông của tỉnh đã kết nối thông suốt từ tỉnh đến các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn, bảo đảm tốt công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đáp ứng nhu cầu ứng dụng và phát triển CNTT của người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có tổng số trạm BTS là 2.537 trạm (trong đó 2G, 3G: 1.874 trạm, 4G: 663 trạm). 100% số xã có sóng di động 2G và 100% thị trấn, thành phố có sóng di động 3G, mạng internet băng rộng cáp quang triển khai đến 200/200 xã, phường, thị trấn.

Hạ tầng kỹ thuật CNTT trong các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã cơ bản đáp ứng yêu cầu, 100% các cơ quan, đơn vị có kết nối internet tốc độ cao và hệ thống mạng LAN được hoàn thiện; tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức của các cơ quan, đơn vị khối hành chính đạt 98,4% (cấp tỉnh và cấp huyện đạt 100%, cấp xã đạt 95,3%).

100% các cơ quan, đơn vị được triển khai, kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng để ứng dụng cho hoạt động của Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến.

Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được đầu tư nâng cấp và duy trì hoạt động thường xuyên phục vụ quản lý hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, lưu trữ dữ liệu dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử của tỉnh, hệ thống phần mềm lưu trữ tài liệu lịch sử tỉnh, hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng, hệ thống giám sát an toàn mạng thông tin, trang thông tin điện tử của các cơ quan và một số ứng dụng dùng chung, ứng dụng chuyên ngành khác.

III. CÁC HỆ THỐNG NỀN TẢNG

- Hoàn thành cập nhật Khung kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Lạng Sơn phiên bản 2.0.

- Hoàn thành xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh (LGSP) và kết nối cơ sở dữ liệu (CSDL) hộ tịch, CSDL cấp phiếu lý lịch tư pháp, CSDL cấp mã số ngân sách, CSDL đăng ký doanh nghiệp từ bộ, ngành Trung ương với CSDL của tỉnh qua Trục LGSP của tỉnh.

- Triển khai nâng cấp, mở rộng mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp 2, hiện tại ứng dụng cho hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến liên thông 4 cấp.

- Triển khai tích hợp, đồng bộ dữ liệu 1.579 thủ tục hành chính (TTHC) trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ. Cổng Dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh đã được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện liên thông đối với 267 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Triển khai thực hiện dịch vụ thanh toán trực tuyến DVCTT mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh.

IV. PHÁT TRIỂN DỮ LIỆU

- Xây dựng CSDL, số hóa tài liệu tại Lưu trữ lịch sử tỉnh để bảo quản an toàn và tổ chức khai thác, sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ điện tử trong quá trình hoạt động của các cơ quan nhà nước, tích hợp vào CSDL lưu trữ số quốc gia giai đoạn 2020 - 2030. Tổng số cơ sở dữ liệu lưu trữ được số hóa đến hiện tại với tổng số: 07 phông, 24.681 hồ sơ, 231.222 văn bản, 152.836 trang tài liệu số hóa. Đây là cơ sở dữ liệu được số hóa từ hồ sơ, tài liệu nền giấy của Lưu trữ lịch sử.

- Xây dựng CSDL thu - chi ngân sách phục vụ công tác tổng hợp quyết toán bảo đảm nhanh chóng, chính xác, đồng bộ, thống nhất trên toàn tỉnh Lạng Sơn, bao gồm các loại dữ liệu: dự toán thu, dự toán chi, kho dữ liệu thu, chi và dữ liệu quyết toán các đơn vị.

- Xây dựng hệ thống CSDL tài nguyên nước, khoáng sản tỉnh Lạng Sơn (gồm xây dựng CSDL tài nguyên nước, khoáng sản; xây dựng phần mềm quản lý tài nguyên nước; xây dựng phần mềm quản lý khoáng sản) để hỗ trợ công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.

- Hoàn thành xây dựng CSDL địa chính Elis phục vụ quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Đã tích hợp được cơ sở dữ liệu địa chính của 151 xã vào phần mềm “Hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai - ELIS CLOUD” đưa vào hoạt động phục vụ quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh; xây dựng và thực hiện dự án xây dựng CSDL quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh và CSDL lưu trữ thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường tỉnh Lạng Sơn.

- 100% các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh đã kết nối, liên thông dữ liệu với hệ thống CSDL Dược quốc gia. Triển khai lập hồ sơ sức khỏe điện tử theo kế hoạch của Bộ Y tế, 100% các trạm y tế xã/phường/thị trấn tổ chức khám và lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân.

- Xây dựng, phát triển các CSDL, phần mềm chuyên ngành trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn2. Đa số các phần mềm đáp ứng yêu cầu công việc, sử dụng ổn định, dễ dàng xử lý, tra cứu thống kê nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả.

V. CÁC ỨNG DỤNG, DỊCH VỤ

1. Hiện trạng ứng dụng, dịch vụ CNTT phục vụ hoạt động nội bộ các cơ quan nhà nước

- Cổng thông tin điện tử tỉnh bao gồm Cổng chính và 33 Trang thông tin điện tử thành viên thường xuyên cập nhật và cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định. Hỗ trợ truy cập thuận tiện cho các thiết bị di động. Hoạt động của Cổng thông tin điện tử được duy trì ổn định, thông suốt, hiệu quả, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

- Hệ thống quản lý văn bản và điều hành triển khai tới 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh, huyện, xã. Các cơ quan nhà nước xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng qua Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, đồng thời thực hiện ký số văn bản điện tử, liên thông gửi lên trục liên thông3.

- Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh hiện có 213 điểm cầu, trong đó cấp xã 200 điểm cầu, cấp huyện 11 điểm cầu, cấp tỉnh 02 điểm cầu tại UBND tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông, phục vụ cho các cuộc họp trực tuyến cấp tỉnh, huyện, xã. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh hoạt động ổn định, hiệu quả. Ngoài ra, một số cơ quan, đơn vị cũng đã triển khai hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của ngành, lĩnh vực4. Việc sử dụng Hội nghị truyền hình trực tuyến được đẩy mạnh trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

- Triển khai chứng thư số, chữ ký số: chứng thư số, chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cấp cho tổ chức và cá nhân lãnh đạo trong các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, đáp ứng yêu cầu gửi, nhận văn bản điện tử và chứng thực điện tử. Đến nay đã cấp 1.502 chứng thư số cho tổ chức và cá nhân từ cấp tỉnh đến cấp xã (trong đó: 448 CTS tổ chức, 1.054 CTS cá nhân).

- Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh được duy trì hoạt động ổn định, 100% cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước đều được cấp hộp thư điện tử công vụ trong trao đổi công việc. Ngoài ra, mở rộng cấp cho các đơn vị sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội. Lũy kế đến nay số tài khoản thư điện tử đã cấp là 15.010 tài khoản.

2. Hiện trạng hoạt động ứng dụng, dịch vụ CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp

- Cổng Dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử triển khai tập trung thống nhất trong toàn tỉnh gồm: 230 cơ quan, đơn vị, trong đó có 19 sở, ngành; 11 huyện, thành phố; 200 xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, còn tích hợp DVCTT của Kho bạc Nhà nước và Điện lực Lạng Sơn để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hiện tại, Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh hoạt động tại địa chỉ https://dichvucong.langson.gov.vn, cung cấp 550 DVCTT mức độ 2; 563 DVCTT mức độ 3 và 670 DVCTT mức độ 45. Tỉnh Lạng Sơn hoàn thành triển khai trên 30% DVCTT mức độ 4 theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 (đạt 37,6%).

- Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh chính thức đi vào hoạt động từ ngày 17/01/2019, hiện có 1.281 TTHC thực hiện tại Trung tâm (trong đó: 1.229 TTHC của 17 sở, ngành; 19 TTHC của Điện lực Lạng Sơn; 26 TTHC của Bảo hiểm xã hội tỉnh và 07 TTHC của Công an tỉnh). Phần lớn hồ sơ tiếp nhận tại Trung tâm đều được trả kết quả giải quyết trước và đúng hạn 6. Các cá nhân, tổ chức đến thực hiện TTHC đều hài lòng và đánh giá cao thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong việc hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC7.

VI. NGUỒN NHÂN LỰC

Toàn tỉnh hiện có 73 cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách, kiêm nhiệm trong lĩnh vực CNTT tại các cơ quan nhà nước, trong đó có 3 cán bộ có trình độ thạc sĩ, 65 cán bộ có trình độ đại học, 04 cán bộ trình độ cao đẳng, 01 cán bộ trình độ trung cấp. Số cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm về CNTT tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh là 51 cán bộ. Số cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm tại UBND các huyện, thành phố là 22 cán bộ.

Hàng năm, mở các lớp phổ cập kiến thức cơ bản, nâng cao ứng dụng CNTT cho toàn thể cán bộ công chức cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã8, giai đoạn 2016-2020 đã tập huấn cho khoảng 1.600 lượt cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

VII. AN TOÀN THÔNG TIN

UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 1456/QĐ-UBND ngày 03/10/2013 về quy chế đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Năm 2017, UBND tỉnh thành lập Đội ứng cứu, xử lý sự cố an toàn thông tin mạng tỉnh Lạng Sơn9, trên cơ sở đó, Đội Ứng cứu, xử lý sự cố máy tính đã ban hành Quy chế hoạt động của Đội ứng cứu, xử lý sự cố an toàn thông tin mạng tỉnh Lạng Sơn, đồng thời ban hành kế hoạch hoạt động của Đội ứng cứu, xử lý sự cố máy tính10.

- Hiện trạng công tác bảo đảm an toàn thông tin:

Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo an toàn thông tin theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại. Trang bị phần mềm chống virus bản quyền cài đặt trên máy tính của cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Lạng Sơn11 và triển khai xây dựng hệ thống giám sát thông tin tập trung đảm bảo an toàn, an ninh thông tin (SOC).

Số lượng hệ thống thông tin (HTTT) được kiểm tra đánh giá an toàn thông tin trong giai đoạn: 02 HTTT (Cổng thông tin điện tử tỉnh, Hệ thống thư điện tử công vụ); số lượng hệ thống thông tin được giám sát an toàn thông tin: 01 (Cổng thông tin điện tử tỉnh).

Số lượng hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý: 0612, trong đó đã thẩm định 02 HTTT, dự kiến phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ trong tháng 11/2020, còn 04 HTTT dự kiến phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ trong năm 2021.

Tình hình lây nhiễm và xử lý, bóc gỡ mã độc:

Số lượng máy chủ, máy trạm được thiết lập, cài đặt phần mềm phòng, chống mã độc: 71 máy chủ, 7.390 máy trạm;

Số lượng hệ thống thông tin kết nối chia sẻ thông tin, dữ liệu thống kê tình hình lây nhiễm mã độc với hệ thống kỹ thuật của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia trực thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông: 01;

Kết quả phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong các chiến dịch bóc gỡ mã độc, mạng máy tính nhiễm mã độc trên diện rộng: Qua triển khai thực hiện Chiến dịch rà quét mã độc tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, có phát hiện một số máy tính bị nhiễm mã độc như virus Macro, File infector... và đã thực hiện bóc gỡ thành công mã độc; một số địa chỉ kết nối Internet của cơ quan, đơn vị trên địa bàn được ghi nhận là có kết nối tới mạng máy tính ma. Kết quả thực hiện cụ thể như sau: tổng số máy đã rà quét 3.147 máy; số máy không bị nhiễm mã độc 2.984 máy; số máy bị nhiễm mã độc 163 máy; số máy bóc gỡ thành công mã độc 163 máy.

Hàng năm, tổ chức hội thảo bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; các lớp diễn tập đảm bảo ATTT mạng; tập huấn sử dụng ký số điện tử, phá t hành liên thông văn bản và nâng cao hiểu biết về ATTT mạng cho cán bộ các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố13; cử cán bộ chuyên trách về CNTT tham dự các lớp diễn tập đảm bảo an toàn thông tin mạng; lớp đào tạo, tập huấn chuyên sâu về an toàn thông tin mạng; tham gia hoạt động của mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.

Thường xuyên, kịp thời tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, công chức và người dân trên địa bàn tỉnh để nâng cao nhận thức về an toàn thông tin mạng, có ý thức cảnh giác trước những nguy cơ phá hoại, bị truy cập, sử dụng thông tin của cơ quan, đơn vị, cá nhân một cách trái phép.

VIII. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Kinh phí bố trí cho các nhiệm vụ, dự án ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020: chi tiết tại phụ lục I kèm theo.

- Tình hình bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ, dự án về an toàn thông tin mạng giai đoạn 2016 - 2020: chi tiết tại phụ lục II kèm theo.

IX. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Đánh giá chung

UBND tỉnh đã ban hành Đề án xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh giai đoạn 2019 - 2025 là cơ sở để triển khai các nhiệm vụ trong các cơ quan nhà nước đồng bộ, hiệu quả, hướng tới xây dựng thành công Chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Nhìn chung, nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, hiện đại hóa nền hành chính trên địa bàn tỉnh đã đạt một số thành công bước đầu, góp phần đẩy mạnh ứng dụng CNTT, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và cải cách hành chính, làm cho hoạt động của cơ quan nhà nước được công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho công dân và tổ chức. Chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển CNTT14 (ICT-index), Chỉ số xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT15 hằng năm đều tăng.

Tỉnh đã hoàn thành xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh (LGSP); hoàn thành triển khai trên 30% DVCTT mức độ 4 theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 (đạt 37,8%); hoàn thành Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh tập trung thống nhất từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã; xây dựng các CSDL chuyên ngành; duy trì, cập nhật khung chính quyền điện tử tỉnh Lạng Sơn phiên bản 2.0.

2. Đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu cụ thể của Kế hoạch 102/KH-UBND ngày 22/9/2016 của UBND tỉnh về ứng dụng và phát triển CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016-2020

2.1. Ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước

- 100% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được trao đổi dưới dạng điện tử (trừ văn bản mật): đạt; 100% cơ quan từ cấp xã trở lên sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc: đạt.

- 100% văn bản không mật trình UBND tỉnh, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương dưới dạng điện tử (bao gồm cả các văn bản trình song song cùng văn bản giấy): đạt.

- 100% các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã sử dụng chữ ký số: chưa đạt (cấp tỉnh 100%, cấp huyện 100%, cấp xã 65,5%).

- 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng và thực hiện thành công một cửa và một cửa liên thông điện tử, xây dựng và sử dụng các hệ thống thông tin quản lý và tác nghiệp chuyên ngành: đạt.

- 80% cán bộ công chức, viên chức thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ: đạt.

2.2. Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp

Đến hết năm 2020 cung cấp đầy đủ các thông tin và 100% các DVCTT đạt mức độ 3, 4 trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh phục vụ người dân và doanh nghiệp: chưa đạt (69,8%).

Phần thứ hai

NỘI DUNG KẾ HOẠCH

I. CĂN CỨ LẬP KẾ HOẠCH

- Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

- Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

- Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 09/3/2020 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025;

- Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ;

- Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/04/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính;

- Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;

- Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/04/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử;

- Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/04/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước;

- Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước;

- Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia;

- Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030;

- Quyết định số 2323/BTTTT-THH ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0;

- Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 17/02/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2020 - 2025;

- Chương trình hành động số 153-CTr/TU ngày 21/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TƯ, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

- Kế hoạch hành động số 106/KH-UBND ngày 06/6/2019 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025;

- Quyết định số 1063/QĐ-UBND ngày 07/6/2019 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 - 2025;

- Quyết định số 517/QĐ-UBND ngày 30/3/2020 của UBND tỉnh phê duyệt cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Lạng Sơn, phiên bản 2.0;

- Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 10/8/2020 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn;

- Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 05/8/2020 về thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ và Chương trình hành động số 153-CTr/TU ngày 21/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị;

- Kế hoạch số 154/KH-UBND ngày 10/9/2020 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn;

- Kế hoạch số 168/KH-UBND ngày 14/10/2020 của UBND tỉnh về số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025.

II. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT

- Xây dựng, phát triển nền tảng chính quyền điện tử/chính quyền số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển chính quyền điện tử/chính quyền số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng; xây dựng hạ tầng viễn thông làm nền tảng cho việc ứng dụng CNTT; đẩy mạnh ứng dụng CNTT xây dựng chính quyền điện tử/chính quyền số phù hợp theo hướng dẫn và triển khai thí điểm ứng dụng CNTT trong xây dựng đô thị thông minh;

- Tiếp tục nâng cao chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT (ICT Index) của tỉnh lên mức khá so với các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

III. MỤC TIÊU CỤ THỂ

Trong giai đoạn 2021 - 2025, việc triển khai ứng dụng CNTT tập trung vào một số mục tiêu cụ thể như sau:

1. Về hạ tầng kỹ thuật

- Tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng CNTT, tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử/chính quyền số cấp tỉnh: đầu tư nâng cấp, thay thế, đồng bộ máy tính mạng nội bộ (LAN) của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, duy trì có hiệu quả việc kết hợp giữa mạng truyền số liệu chuyên dùng và mạng internet, bảo đảm hạ tầng triển khai các ứng dụng CNTT của tỉnh. Nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh (Data center) là nơi lưu trữ dữ liệu dung chung, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các hệ thống thông tin và các dịch vụ CNTT toàn tỉnh; từng bước xây dựng Trung tâm điều hành thành phố thông minh, Trung tâm giám sát an ninh.

- 100% cơ quan nhà nước từ cấp xã đến cấp tỉnh kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước.

- 100% cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước có máy tính sử dụng trong công việc.

2. Về các hệ thống nền tảng

- Duy trì nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung cấp tỉnh (LGSP) và kết nối với Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương (NGSP) theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

- 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh được xác thực điện tử; 40% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống chính quyền điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.

- Tiếp tục phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ tiến hành cấp phát chứng thư số cho 100% cơ quan, tổ chức và chứng thư số cá nhân cho các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc; triển khai dịch vụ ký số tập trung trên thiết bị di động, máy tính bảng,…

3. Về phát triển dữ liệu

- Phát triển các hệ thống thông tin, chia sẻ CSDL dùng chung của tỉnh và CSDL chuyên ngành tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử/chính quyền số.

- Xây dựng CSDL đất đai là mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên quan trọng đối với ngành tài nguyên và môi trường; xây dựng Hệ CSDL về quan trắc tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh kết nối với Hệ CSDL quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường.

- Xây dựng hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, duy trì kết nối với hệ thống báo cáo của Văn phòng Chính phủ.

- Xây dựng Hệ thống quản lý CSDL ngành xây dựng tỉnh Lạng Sơn.

- Xây dựng Hệ thống phần mềm quản lý di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn.

4. Về ứng dụng, dịch vụ

4.1. Ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động nội bộ các cơ quan nhà nước

- 100% cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước các cấp sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ, phần mềm quản lý văn bản và điều hành.

- Triển khai Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc, đến cuối năm 2025, 100% cấp tỉnh, 80% cấp huyện thực hiện họp thông qua hệ thống tại các cuộc họp của UBND.

- 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

- 80% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) của các cơ quan hành chính nhà nước được cập nhật, chia sẻ trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành.

- Triển khai Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của UBND tỉnh, UBND cấp huyện; đến cuối năm 2025, 100% cơ quan cấp tỉnh, 80% cơ quan cấp huyện thực hiện họp thông qua hệ thống tại các cuộc họp UBND.

- Cổng thông tin điện tử của tỉnh và 100% Trang thông tin điện tử của sở, ban, ngành, địa phương công khai thông tin đầy đủ thông tin theo quy định.

- Tiếp tục ứng dụng và sử dụng hiệu quả các phần mềm chuyên ngành phục vụ công tác quản lý điều hành, như phần mềm: kế toán, quản lý tài sản, quản lý nhân sự, quản lý và điều hành văn bản,…

- Tiếp tục nâng cao chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT (ICT Index) của tỉnh lên mức khá so với các tỉnh/thành trên toàn quốc.

4.2. Ứng dụng CNTT phục vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp

- 100% DVCTT mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

- Phấn đấu tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo DVCTT mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên.

- 80% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai DVCTT mức độ 3, 4.

- Tích hợp 50% các DVCTT mức độ 3, 4 của tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

- Tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.

- 60% các hệ thống thông tin của tỉnh có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu.

- 100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp.

- Tăng cường các giải pháp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng hiệu quả các DVCTT; nâng cao nhận thức cho lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, doanh nghiệp và người dân về lợi ích của việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

5. Về nguồn nhân lực

100% cán bộ lãnh đạo phụ trách CNTT và 100% cán bộ chuyên trách CNTT được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức CNTT theo quy định; phấn đấu 100% cán bộ, công chức đạt chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT cơ bản do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.

6. Về an toàn thông tin

- 100% cán bộ, công chức, viên chức được tuyên truyền, phổ biến các kỹ năng về bảo đảm an toàn thông tin.

- Hoàn thiện và duy trì mô hình 4 lớp; triển khai và duy trì Trung tâm an toàn, an ninh mạng (SOC) để bảo đảm an toàn, an ninh cho các hệ thống thông tin của tỉnh.

IV. NHIỆM VỤ

1. Hoàn thiện môi trường pháp lý

- Tổ chức triển khai có hiệu quả các cơ chế chính sách đã được tỉnh ban hành trong thời gian vừa qua.

- Tiếp tục ban hành các văn bản quy định liên quan hoạt động ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Một số văn bản dự kiến xây dựng, ban hành trong giai đoạn 2021 - 2025:

Xây dựng các văn bản nhằm đẩy mạnh triển khai, tăng cường sử dụng DVCTT mức độ 3, 4 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Thường xuyên cập nhật ban hành quy trình nội bộ, quy trình điện tử đối với việc giải quyết từng thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh;

Duy trì, cập nhật Khung chính quyền điện tử tỉnh hàng năm bảo đảm phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam;

Xây dựng, hoàn thiện các Quy chế quản lý, sử dụng đối với các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh như Quy chế khai thác, sử dụng dữ liệu chia sẻ của tỉnh; Quy chế khai thác, sử dụng Hệ thống thông tin báo cáo.

2. Phát triển hạ tầng kỹ thuật

- Tiếp tục hiện đại hóa hạ tầng CNTT của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã; đầu tư, nâng cấp, thay thế các trang thiết bị CNTT, thiết bị mạng, thiết bị ngoại vi đã lạc hậu, xuống cấp không đáp ứng được yêu cầu công việc đảm bảo tiết kiệm, có hiệu quả, kết nối đồng bộ giữa các thiết bị.

- Tiếp tục đầu tư nâng cấp, thay thế, đồng bộ máy tính mạng nội bộ (LAN) của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, duy trì có hiệu quả việc kết hợp giữa mạng truyền số liệu chuyên dùng và mạng internet, bảo đảm hạ tầng triển khai các ứng dụng CNTT của tỉnh.

- Đầu tư nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, thực hiện quy hoạch, tích hợp các hệ thống thông tin, CSDL phục vụ phát triển chính quyền điện tử.

- Từng bước triển khai xây dựng Trung tâm điều hành thành phố thông minh, Trung tâm giám sát an ninh đảm bảo tiết kiệm, kết nối đồng bộ giữa các thiết bị, phát huy hiệu quả.

- Từng bước triển khai Đề án thí điểm ứng dụng CNTT trong xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn thành phố Lạng Sơn.

3. Phát triển các hệ thống nền tảng

- Tiếp tục duy trì và phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung cấp tỉnh (LGSP) và kết nối với Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở trung ương và địa phương (NGSP) để khai thác các CSDL quốc gia, hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ trung ương đến địa phương. Tiếp tục thực hiện tích hợp kết nối, chia sẻ các hệ thống thông tin của tỉnh với các hệ thống thông tin của các bộ, ngành trung ương.

- Tiếp tục triển khai chứng thư số cá nhân và cơ quan, tổ chức cho các đơn vị trực thuộc các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã, các tổ chức chính trị xã hội. Tiếp tục triển khai tích hợp chữ ký số vào các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh (hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử, cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến…) nhằm bảo đảm tính pháp lý và trao đổi văn bản, tài liệu an toàn trên môi trường mạng; mở rộng triển khai ứng dụng chữ ký số trên các nền tảng di động để thuận lợi cho người sử dụng.

4. Phát triển dữ liệu

- Tiếp tục xây dựng và phát triển các hệ thống thông tin, CSDL chuyên ngành tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử/chính quyền số.

- Tiếp tục xây dựng các CSDL có nhu cầu tích hợp, chia sẻ và nhu cầu sử dụng cao kết hợp với trách nhiệm quản lý, sử dụng và cập nhật dữ liệu của cơ quan chủ quản. Từng bước chuẩn hóa dữ liệu các ngành, tích hợp để hình thành kho dữ liệu dùng chung của tỉnh phục vụ cho phát triển chính quyền điện tử/ chính quyền số và thành phố thông minh.

5. Phát triển các ứng dụng, dịch vụ

5.1. Ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ

Đẩy mạnh việc sử dụng các ứng dụng đã triển khai một cách có hiệu quả: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, Hệ thống thư điện tử, Cổng thông tin điện tử, Cổng DVCTT, ứng dụng chữ ký số… bảo đảm an toàn thông tin khi trao đổi văn bản trên môi trường mạng.

Tăng cường ứng dụng CNTT trong tất cả các ngành, các lĩnh vực, nhất là một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, tài nguyên và môi trường, tài chính, tư pháp, xây dựng…

5.2. Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp

- Triển khai có hiệu quả các hoạt động ứng dụng CNTT gắn kết chặt chẽ với chương trình cải cách hành chính. Tiếp tục triển khai cung cấp DVCTT mức độ 3, 4 theo chỉ đạo của Chính phủ; tích hợp cổng thanh toán trực tuyến; tích hợp Cổng dịch vụ công quốc gia; tích hợp giải pháp xác thực điện tử tập trung; từng bước số hóa các kết quả giải quyết thủ tục hành chính đồng thời tăng cường số hóa hồ sơ của các tổ chức, công dân.

- Ứng dụng CNTT hiệu quả, toàn diện tại bộ phận tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, tăng cường trao đổi, xử lý hồ sơ qua mạng; bảo đảm tính liên thông giữa các đơn vị trong quy trình xử lý thủ tục, tin học hóa tối đa các hoạt động trong quy trình thủ tục hành chính. Tiếp tục triển khai tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

6. Bảo đảm an toàn thông tin

- Xây dựng, ban hành, thường xuyên rà soát, cập nhật các kế hoạch, quy hoạch, quy định về đảm bảo an toàn thông tin mạng trong hoạt động cơ quan, tổ chức.

- Duy trì bảo đảm an toàn thông tin mô hình 4 lớp; triển khai, nâng cấp và duy trì Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) và kết nối với Trung tâm giám sát an ninh mạng quốc gia (NCSC) do Bộ Thông tin và Truyền thông vận hành.

- Triển khai các giải pháp an toàn bảo mật thông tin, tích hợp chữ ký số chuyên dùng vào hệ thống CNTT dùng chung của tỉnh như Phần mềm quản lý văn bản và điều hành, Cổng/Trang thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử, Thư điện tử,…

- Thường xuyên rà soát, cập nhật, phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin và triển khai phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.

- Xây dựng và triển khai kế hoạch dự phòng, sao lưu dữ liệu, bảo đảm hoạt động liên tục của cơ quan, tổ chức; sẵn sàng khôi phục hoạt động bình thường của hệ thống sau khi gặp sự cố mất an toàn thông tin mạng.

- Triển khai phần mềm phòng chống mã độc cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng và duy trì Trung tâm giám sát an toàn thông tin nhằm kịp thời tiếp nhận, xử lý, ứng cứu sự cố an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh.

7. Phát triển nguồn nhân lực

- Xây dựng các kế hoạch, chương trình đào tạo kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức.

- Bố trí cán bộ hỗ trợ việc ứng dụng và phát triển CNTT có đủ năng lực và trình độ cho các cơ quan, đơn vị nhằm bảo đảm việc tham mưu triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh đồng bộ và hiệu quả.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho các cán bộ, công chức, viên chức về bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước và cải cách hành chính, bồi dưỡng quản trị mạng nội bộ và bảo mật, an toàn, an ninh thông tin, quản trị Cổng thông tin điện tử tỉnh, kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu, về Kiến trúc Chính phủ điện tử, Kiến trúc Chính quyền điện tử, cán bộ, công chức đạt chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT cơ bản do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành,…

- Tổ chức hội nghị, hội thảo về ứng dụng CNTT, an toàn thông tin.

V. GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông các huyện, thành phố, Cổng Thông tin điện tử tỉnh và các Trang thông tin điện tử thành phần… và thông qua các hội nghị, hội thảo, nâng cao hiểu biết, nhận thức của cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp về lợi ích của việc ứng dụng CNTT, về an toàn an ninh thông tin, về chính quyền điện tử/chính quyền số tỉnh Lạng Sơn và hướng tới thành phố thông minh.

- Ứng dụng các kênh truyền thông đa dạng để nâng cao nhận thức, hình thành văn hóa số cho người dân, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ Chính phủ số; đưa nội dung đào tạo kỹ năng số vào chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học; xây dựng/ứng dụng các nền tảng đào tạo kỹ năng số cho người dân; xây dựng/ứng dụng các nền tảng, kênh tương tác trực tuyến giữa cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp; phổ cập điện thoại thông minh đến mọi người dân.

2. Phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp

- Phối hợp doanh nghiệp bưu chính công ích cung cấp dịch vụ công (thông qua mạng bưu chính công cộng, mạng xã hội, ứng dụng của doanh nghiệp); tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, cung cấp sản phẩm, dịch vụ số;…

- Thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ ứng dụng CNTT với cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp. Xây dựng quy chế, chương trình phối hợp giữa cơ quan nội vụ với thông tin và truyền thông để gắn kết hoạt động ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử/chính quyền số; quản lý, thực hiện quy trình ISO điện tử.

- Xây dựng và thực hiện giải pháp, chiến lược phối hợp đào tạo nguồn nhân lực CNTT giữa nhà nước, cơ sở đào tạo CNTT cho tỉnh một cách hiệu quả, bền vững và lâu dài; đồng thời thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cùng tham gia hợp tác, đầu tư tại tỉnh.

3. Nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ

- Nghiên cứu, thí điểm ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực CNTT như điện toán đám mây (Cloud Computing), trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI), Internet kết nối vạn vật (Internet of Things - IoT), dữ liệu lớn (Big data), chuỗi khối (blockchain), thực tế tăng cường (AR - Augmented Reality), thực tại ảo (VR - Virtual Reality ), SMAC (Social, Mobile, Analytics, Cloud),… để xây dựng chính quyền điện tử/chính quyền số, mô hình thành phố thông minh nhằm tạo ra các kết quả mới, có tính đột phá.

- Đẩy mạnh thu hút hợp tác về khoa học, công nghệ với các đối tác có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, chủ động tham gia mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc gia.

- Tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với một số tỉnh, thành phố về cơ chế, chính sách phát triển mô hình chính quyền điện tử. Chủ động hợp tác với các Tập đoàn viễn thông và CNTT để triển khai hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng và phát triển công nghệ hiện đại.

4. Thu hút nguồn lực CNTT

- Cân đối bố trí ngân sách của tỉnh cho các chương trình, kế hoạch, dự án ứng dụng CNTT đã được phê duyệt.

- Ưu tiên bố trí kinh phí thường xuyên của các cơ quan, đơn vị để đầu tư máy tính, nâng cấp mạng nội bộ, triển khai ứng dụng nội bộ tại mỗi cơ quan, đơn vị.

- Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp để phát triển cơ sở hạ tầng CNTT và truyền thông.

- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho ứng dụng CNTT để nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nguồn kinh phí địa phương

- Ngân sách của tỉnh bố trí cho việc triển khai các chương trình, dự án thống nhất từ tỉnh đến cơ sở và các nhiệm vụ ứng dụng CNTT trong các sở, ban, ngành.

- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh điều tiết, bố trí kinh phí sự nghiệp được cấp để triển khai các ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan, đơn vị mình.

- Các huyện, thành phố cân đối kinh phí của cấp huyện bảo đảm thực hiện các dự án, nhiệm vụ ứng dụng CNTT phục vụ cho hoạt động thuộc phạm vi của địa bàn quản lý.

2. Nguồn kinh phí trung ương

- Nguồn kinh phí của trung ương cho ứng dụng và phát triển CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử/chính quyền số trên địa bàn tỉnh.

- Nguồn kinh phí trung ương hỗ trợ có mục tiêu đối với các chương trình, đề án, kế hoạch đã được phê duyệt.

3. Nguồn kinh phí khác

Kinh phí triển khai các ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước được lồng ghép trong các chương trình dự án khác; một dự án có thể được bố trí từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau.

VII. DANH MỤC DỰ ÁN, NHIỆM VỤ

Danh mục chi tiết dự án, nhiệm vụ dự kiến triển khai giai đoạn 2021 - 2025 theo phụ lục III kèm theo.

Việc triển khai các dự án, nhiệm vụ nêu trên sẽ căn cứ theo chỉ đạo của Trung ương, tình hình thực tế của địa phương để rà soát, bổ sung các dự án, nhiệm vụ trong Kế hoạch hàng năm cho phù hợp.

VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

- Tăng cường quản lý nhà nước về CNTT và truyền thông trên địa bàn tỉnh, chịu trách nhiệm tổ chức, triển khai và theo dõi thực hiện Kế hoạch này; chịu trách nhiệm cập nhật và điều chỉnh kế hoạch để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo từng thời kỳ.

- Tham mưu tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh và các huyện, thành phố.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch ứng dụng và phát triển CNTT, chuyển đổi số hàng năm phù hợp với Kế hoạch này.

- Hướng dẫn, thẩm định, giám sát và hỗ trợ các đơn vị triển khai đầu tư ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với Khung kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh.

- Theo dõi hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch của các đơn vị trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính bảo đảm các dự án, hoạt động ứng dụng CNTT được triển khai đúng trình tự, thủ tục của pháp luật; xây dựng dự toán kinh phí, cân đối và bố trí ngân sách hàng năm trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

- Phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức đào tạo, tập huấn về CNTT cho cán bộ công chức theo chuẩn kỹ năng CNTT của Bộ Thông tin và Truyền thông.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí đầu tư phát triển cho các dự án, chương trình ứng dụng CNTT nêu tại Kế hoạch này.

3. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí sự nghiệp thông tin và truyền thông, sự nghiệp CNTT hàng năm bảo đảm thực hiện có hiệu quả Kế hoạch ứng dụng CNTT này.

4. Sở Nội vụ

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc xây dựng kế hoạch cải cách hành chính, trong đó xác định rõ kế hoạch, trách nhiệm của các cơ quan trong việc cung cấp DVCTT mức độ 3, 4 với người dân, doanh nghiệp.

Hàng năm, phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng CNTT của cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

5. Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong việc tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; nghiên cứu, lựa chọn, đưa vào áp dụng thử nghiệm các giải pháp mới về CNTT phục vụ công tác quản lý, sản xuất và đời sống. Tham mưu bố trí nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ để thực hiện các đề tài, dự án ứng dụng và đầu tư phát triển CNTT của tỉnh.

6. Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố

- Căn cứ Kế hoạch này xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước hàng năm, gửi Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

- Các cơ quan chủ trì thực hiện các dự án, nhiệm vụ tại Kế hoạch này có trách nhiệm tổ chức xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai các nhiệm vụ, dự án theo quy định hiện hành và kiến trúc chính quyền điện tử/chính quyền số đã được phê duyệt, bảo đảm lồng ghép về nội dung, kinh phí với các chương trình, kế hoạch, dự án chuyên ngành đang triển khai (nếu có), tránh trùng lặp, lãng phí.

- Tăng cường sử dụng các hệ thống CNTT hiện có, nhất là các phần mềm dùng chung để nâng cao hiệu quả công việc; đẩy mạnh việc dùng chung đối với cơ sở hạ tầng và các ứng dụng CNTT; tăng cường chia sẻ dữ liệu giữa các ngành, các cấp.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp DVCTT mức độ 3, 4 của cơ quan, đơn vị, địa phương mình theo đúng lộ trình.

- Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đề án, dự án CNTT bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Công nghệ thông tin, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Nghị định số 73/2019/NĐ-CP và các quy định, hướng dẫn có liên quan.

- Báo cáo việc thực hiện Kế hoạch này theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông (b/c);
- Thường trực Tỉnh uỷ;
- Lãnh đạo HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- C, PCVP UBND tỉnh,
các Phòng: KGVX, THNC, TTCB;
- Lưu: VT, KGVX (HTHT).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Long Hải

 



1 Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 04/10/2016 ứng dụng và phát triển CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước năm 2017; Kế hoạch số 194/KH-UBND ngày 22/11/2017 ứng dụng và phát triển CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước năm 2018; Kế hoạch số 153/KH-UBND ngày 16/11/2018 ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2019; Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 07/8/2019 ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2020.

2 Tỉnh hiện đang sử dụng 60 phần mềm chuyên ngành, trong đó: 41 phần mềm chuyên ngành do các bộ, ngành Trung ương là cơ quan chủ quản, 15 phần mềm chuyên ngành do các sở, ban, ngành là cơ quan chủ trì xây dựng, 04 phần mềm do doanh nghiệp là đơn vị chủ quản, các cơ quan, đơn vị thuê hoặc mua bản quyền phần mềm.

3 Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước của tỉnh hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt 100% (trừ văn bản mật). Hệ thống QLVBĐH được liên thông 4 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện, xã.

4 Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lạng Sơn, Tòa án Nhân dân tỉnh Lạng Sơn…

5 Số liệu thống kê tại thời điểm báo cáo.

6 Số liệu đến ngày 30/10/2020, Trung tâm đã tiếp nhận 47.540 hồ sơ, đã giải quyết 46.528 hồ sơ, trước hạn 16.787 hồ sơ (chiếm 36,08%), đúng hạn 29.674 hồ sơ (chiếm 63,78%), trễ hạn 67 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 0,14%), trả qua bưu chính công ích 3.994 hồ sơ (chiếm 8,58%); còn 1.012 hồ sơ đang giải quyết, trong đó có 07 hồ sơ quá thời hạn giải quyết (05 hồ sơ lĩnh vực Lý lịch tư pháp và 02 hồ sơ lĩnh vực Quốc tịch).

7 Tính đến ngày 30/10/2020 có 8.452 lượt đánh giá, trong đó: rất hài lòng 8.080 lượt (chiếm tỷ lệ 95,60%), hài lòng 371 lượt (chiếm tỷ lệ 4,39%), không hài lòng: 01 (chiếm tỷ lệ 0,01%).

8 Năm 2019 tập huấn cập nhật kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho công chức quản trị mạng của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Lạng Sơn được 02 lớp/90 người. Năm 2020 tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử tỉnh cho các cán bộ, công chức, viên chức cấp xã (11 lớp/1.500 người).

9 Quyết định số 292/QĐ-UBND ngày 02/02/2018 của UBND tỉnh về việc kiện toàn thành viên Đội ứng cứu xử lý sự cố an toàn thông tin mạng tỉnh Lạng Sơn.

10 Kế hoạch số 511/KH-ĐUC ngày 15/6/2017 của Đội ứng cứu về Hoạt động Đội Ứng cứu xử lý sự cố an toàn thông tin mạng tỉnh Lạng Sơn năm 2017.

11 Năm 2019 - 2020, trang bị 3.420 license bản quyền phần mềm cài đặt cho máy tính để bàn của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

12 Gồm các HTTT: Cổng thông tin điện tử tỉnh, Cổng Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống thông tin một cửa điện tử, Hệ thống Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, Hệ thống thư điện tử công vụ, Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến 4 cấp.

13 Năm 2016 tổ chức Hội thảo đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cho 150 cán bộ; năm 2018 tập huấn về chữ ký số và an toàn thông tin trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh cho 160 người cán bộ, công chức. Dự kiến trong quý IV năm 2020 tổ chức 01 lớp về đảm bảo an toàn thông tin và 03 lớp tập huấn về chữ ký số cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, khoảng 450 người). Giai đoạn 2016 -2020 đã tập huấn cho khoảng 760 lượt cán bộ.

14 Năm 2016 xếp thứ 61/63 tỉnh, thành phố; năm 2017 xếp thứ 58/63 tỉnh, thành phố; năm 2018 xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố; năm 2019 xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố.

15 năm 2017 xếp thứ 53/63 tỉnh, thành phố; năm 2018 xếp thứ 50/63 tỉnh, thành phố; năm 2019 xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 195/KH-UBND năm 2020 về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Lạng Sơn ban hành

  • Số hiệu: 195/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 08/12/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
  • Người ký: Nguyễn Long Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/12/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản