Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 188/KH-UBND

Nghệ An, ngày 21 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN SỐ 14-ĐA/TU NGÀY 25/01/2022 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ ĐÀO TẠO, PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC CÓ KỸ NĂNG NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Đề án số 14-ĐA/TU ngày 25/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Quán triệt sâu rộng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án số 14-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

2. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động về công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề nhằm tạo đột phá về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có kỹ năng nghề chất lượng cao.

3. Phân công và phát huy vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, hội doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, nhất là người đứng đầu; nâng cao ý thức trách nhiệm của học sinh, sinh viên, người lao động; đảm bảo việc triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nội dung, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đề án.

II. MỤC TIÊU

1. Giai đoạn 2021 -2025

- Đào tạo 329.400 lượt người, gồm các cấp trình độ: cao đẳng 26.300 người; trung cấp 48.500 người; sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng 254.600 người. Trong đó, nữ chiếm 35%; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên 165.400 lượt người; đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh là 280.200 người (các ngành nghề trọng điểm 24.500 người), gồm các cấp trình độ: cao đẳng 20.200 người; trung cấp 44.000 người; sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng 216.000 người.

- Tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp bình quân chung đạt 80,9% (trình độ cao đẳng 96,1%, trung cấp đạt 95,4%, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 77,1%); có 3-5 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71,5%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 31% vào cuối năm 2025 (riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đạt 64,1%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 23,5%).

- Phấn đấu tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề đạt 40 % và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT vào học nghề 45%.

- Phấn đấu khoảng 75% chương trình ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia.

- Có 01-02 trường đạt tiêu chí trường chất lượng cao; 70% nhà giáo đáp ứng tiêu chuẩn về kỹ năng nghề; 70% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại.

2. Định hướng đến năm 2030

- Đào tạo kỹ năng nghề giai đoạn 2026-2030 dự kiến khoảng 329.700 lượt người, gồm các cấp trình độ: cao đẳng 31.950 người (tăng 21,48% so với giai đoạn 2021 - 2025); trung cấp 57.750 người (tăng 19,07%); sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng 240.000 người (giảm 5,73%). Trong đó: đào tạo lại, đào tạo thường xuyên 148.800 lượt người; đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh là 298.830 lượt người, gồm các cấp trình độ: Cao đẳng 28.700 người; trung cấp 53.130 người; sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng 217.000 người.

- Tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp bình quân chung đạt 83,3%; trong đó: trình độ cao đẳng 98,4%; trung cấp đạt 97,5%; sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng đạt 78,2%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 77%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 37,8% vào cuối năm 2030 (riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 70%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 31,5%).

- Phấn đấu có 01-02 trường chất lượng cao đạt chuẩn tương đương với chuẩn của các nước ASEAN-4.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh phổ thông, gắn với khảo sát, thống kê nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan quản lý các cấp, các ngành, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp, phụ huynh, học sinh và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề.

b) Đưa chỉ tiêu nhiệm vụ tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và chỉ tiêu phân luồng học sinh phổ thông vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và gắn với đánh giá kết quả thực hiện của từng đơn vị, cá nhân người đứng đầu.

c) Đa dạng hóa, linh hoạt hình thức tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp thiết thực, phù hợp với từng vùng miền như: Ngày hội tư vấn tuyển sinh, tổ chức cho học sinh phổ thông giao lưu, trải nghiệm tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp...; đổi mới nội dung chương trình giáo dục hướng nghiệp và hoạt động giáo dục trong nhà trường theo hướng tinh giảm, phù hợp với lứa tuổi học sinh và gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ của doanh nghiệp, địa phương.

d) Tổ chức khảo sát, thống kê kịp thời, chính xác nhu cầu học nghề người lao động, nhu cầu sử dụng của thị trường lao động; Xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu để kết nối giữa các cơ quan quản lý dự báo cung - cầu nguồn nhân lực với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường phổ thông và các doanh nghiệp nhằm cung cấp kịp thời thông tin tuyển sinh, ngành nghề, trình độ đào tạo, cơ hội việc làm, xu hướng, nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, thị trường lao động trong và ngoài nước.

2. Nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp

a) Xây dựng triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đảm bảo năng lực, chất lượng, hiệu quả. Khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

b) Đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, cơ sở dữ liệu, số hóa gắn với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp theo Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng trọng tâm, chuẩn hóa, hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề nghiệp.

c) Chỉ đạo cập nhật, đổi mới chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo phù hợp với công nghệ mới, thực tiễn của doanh nghiệp và thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động.

d) Quản lý và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đảm bảo về số lượng, trình độ, cơ cấu ngành nghề đáp ứng yêu cầu đào tạo. Nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách thu hút nhà giáo vào giảng dạy tại các trường cao đẳng, trung cấp công lập thuộc tính; chính sách ưu đãi cho trường dân tộc nội trú; trường đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề chất lượng cao.

3. Đẩy mạnh gắn kết giữa cơ quan nhà nước, cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; giữa đào tạo và thị trường sử dụng lao động

a) Tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị liên để làm tốt công tác dự báo ngắn hạn, dài hạn về cung - cầu nguồn nhân lực có kỹ năng nghề; Đồng thời cung cấp, quảng bá thông tin về nguồn lao động cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

b) Đẩy mạnh liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm gắn tuyển sinh đào tạo với tuyển dụng lao động sau đào tạo. Chú trọng đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo cho người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người lao động...

c) Xây dựng, phát triển và kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu giáo dục nghề nghiệp với cơ sở dữ liệu giáo dục phổ thông, cơ sở dữ liệu thông tin thị trường lao động để hỗ trợ người lao động, học sinh, sinh viên nắm bắt kịp thời thông tin về học nghề, tạo việc làm.

d) Triển khai thực hiện tốt các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; thực hiện tốt cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư trên địa bàn tỉnh. Quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn Quỹ quốc giải quyết việc làm. Tiếp tục duy trì và phát triển thị trường lao động ngoài nước, gắn với thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

4. Tăng cường tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc tỉnh

a) Ban hành định mức kinh tế kỹ thuật; giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp theo quy định.

b) Thực hiện lộ trình nâng mức độ tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc tỉnh quản lý theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ.

5. Đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp

a) Đa dạng hóa nguồn lực, huy động, thu hút, phát huy mọi nguồn lực để đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai minh bạch thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

b) Tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động đào tạo nghề nghiệp, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; quản trị nhà trường; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với các nước trong khu vực Asean, quốc tế.

c) Phát triển, củng cố, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các trung tâm, câu lạc bộ khởi nghiệp; tích cực tổ chức các hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Tăng cường kết nối, huy động nguồn lực của doanh nghiệp, doanh nhân để đầu tư cơ sở vật chất; hỗ trợ học sinh, sinh viên trong quá trình hình thành, hoàn thiện dự án, ý tưởng khởi nghiệp.

6. Đổi mới, tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả về giáo dục nghề nghiệp

a) Sắp xếp, bố trí cán bộ viên chức làm công tác giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chống mọi biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp.

b) Phối hợp triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách ưu đãi trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề cho đối tượng yếu thế theo quy định.

c) Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm định, đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chương trình đào tạo; chú trọng công tác tự kiểm tra, giám sát, đánh giá của địa phương, đơn vị; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm trong công tác đào tạo phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn tỉnh.

d) Kịp thời tuyên dương, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong giảng dạy, học tập và đạt giải tại các Kỳ thi, Cuộc thi, hội thi, hội giảng các cấp tỉnh và có đóng góp nhiều cho sự nghiệp phát triển giáo dục nghề nghiệp của tỉnh.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Được bố trí theo các nội dung tại Phục lục 9 và 11 của Đề án số 14- ĐA/TU ngày 25/01/2022 của Tỉnh ủy, gồm:

1. Ngân sách trung ương: Nguồn lực cân đối từ ngân sách trung ương và các chương trình, đề án, dự án có liên quan.

2. Ngân sách địa phương:

- Nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và lồng ghép với các chương trình, dự án khác có liên quan.

- Nguồn vốn sự nghiệp; nguồn đối ứng các chương trình, dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương hàng năm.

3. Nguồn vốn khác: Huy động từ các tổ chức, cá nhân ngoài nước, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, người học và nguồn kinh phí hợp pháp khác...

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì triển khai kịp thời, có hiệu quả Kế hoạch này; phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch, đề án, chỉ tiêu, nhiệm vụ 05 năm, hàng năm để thực hiện.

- Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí quản lý, giám sát đánh giá tình hình thực hiện Đề án hàng năm theo quy định.

- Đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Kế hoạch này và tổ chức kiểm tra, thanh tra hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định; tổng hợp báo cáo sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án; đề xuất khen thưởng cho các tập thể, cá nhân theo quy định.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành, đơn vị liên quan, các địa phương tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; tăng cường hỗ trợ công tác liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp với các bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đưa nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp và giao chỉ tiêu phân luồng học sinh phổ thông vào kế hoạch phát triển kinh - xã hội của tỉnh và cho các địa phương theo quy định; kiểm tra, giám sát thực hiện chỉ tiêu được giao.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; lồng ghép nguồn lực các chương trình, dự án đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại... để hỗ trợ, tổ chức đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

- Phối hợp khảo sát xác định nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động trong ngành nông - lâm - thủy sản; tăng cường kiểm tra, giám sát đánh giá tình hình thực hiện công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

4. Sở Công thương

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đơn vị liên quan khảo sát, thống kê, cung cấp thông tin nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động và hướng dẫn thực hiện các chính sách đào tạo nghề trong lĩnh vực công nghiệp; lồng ghép nguồn lực các chương trình, dự án phát triển công nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp liên kết, đặt hàng đào tạo và đào tạo lại cho người lao động.

5. Ban Dân tộc tỉnh

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và xã hội, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chỉ đạo thực hiện lồng ghép nguồn lực các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Đẩy mạnh thu hút các chương trình, dự án, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp vào đầu tư; đặc biệt là các dự án sử dụng nhiều lao động có kỹ năng nghề, nhất là những ngành, nghề mới; thu hút các nguồn lực các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các Sở, ngành liên quan lồng ghép chỉ tiêu đào tạo, giáo dục nghề nghiệp vào công tác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hàng năm, 5 năm. Tham mưu UBND tỉnh cân đối nguồn vốn giai đoạn 2021-2025 theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt và căn cứ khả năng cân đối nguồn lực các giai đoạn tiếp theo để sắp xếp cân đối hỗ trợ thực hiện Đề án.

7. Sở Tài chính

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí triển khai thực hiện kế hoạch trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách hàng năm và bố trí lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành.

- Phối hợp với Sở, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo theo quy định.

8. Sở Nội vụ

Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Ủy ban nhân dân cấp huyện, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc tỉnh, tham mưu UBND tỉnh giải pháp đảm bảo số lượng nhà giáo theo tỷ lệ quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

9. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến tới cán bộ, phụ huynh, học sinh và người lao động biết, tham gia vào công tác đào tạo phát triển kỹ năng nghề; tăng cường thời lượng, chất lượng tin bài tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp.

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan liên quan, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các hoạt động trọng tâm của giáo dục nghề nghiệp, kết quả nổi bật về chất lượng, hiệu quả, mô hình điển hình đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trên hạ tầng báo chí của Trung tâm Truyền thông tỉnh.

10. Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát nhu cầu sử dụng lao động. Tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.

11. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh

Chỉ trì, phối hợp với các Sở, ngành, các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên, người lao động vay vốn học nghề.

12. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh

- Phối hợp hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến Đề án cho các cấp, đơn vị, hội viên; vận động hội viên và nhân dân tích cực tham gia vào các hoạt động giáo dục nghề nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.

- Căn cứ chức năng nhiệm vụ để cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch; lồng ghép nguồn lực tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với các chương trình, đề án, dự án của đơn vị; theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện.

13. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã

- Xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể triển khai tổ chức thực hiện Kế hoạch này phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; khảo sát, thống kê, xác định chính xác nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn; tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn.

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn các trường phổ thông thực hiện tốt công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS, THPT vào học giáo dục nghề nghiệp đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch. Huy động học sinh phổ thông, người lao động trên địa bàn tham gia các hoạt động liên quan đến giáo dục nghề nghiệp.

14. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

- Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện; đầu tư chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, cập nhật đổi mới chương trình đào tạo sát với thực tiễn của doanh nghiệp; thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động; phương pháp, nội dung chương trình đào tạo phù hợp với phương thức chuyển đổi số.

- Tổ chức tuyển sinh, đào tạo đảm bảo số lượng, kiểm tra, đánh giá, thi và công nhận tốt nghiệp cho người học đảm bảo chất lượng, thực chất, đạt chuẩn đầu ra. Tăng cường kết nối với các địa phương, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để hợp tác tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh, đặt hàng đào tạo, thực hành, thực tập, giải quyết việc làm cho người học.

- Chú trọng đầu tư nâng cấp hoàn thiện hạ tầng, nền tảng số; đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực số, kỹ năng, phương pháp sư phạm trên môi trường số, phát triển học liệu số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý nhằm đẩy nhanh chuyển đổi số. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đào tạo, thiết kế bài giảng, thiết bị ảo mô phỏng, đào tạo trực tuyến.

- Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử, internet, mạng xã hội... cung cấp kịp thời, chính xác năng lực tuyển sinh, ngành nghề, trình độ, chất lượng, hiệu quả đào tạo và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp.

15. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Chủ động, phối hợp với cơ quan liên quan, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia vào các hoạt động đào tạo nghề nghiệp theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp; cung cấp thông tin kịp thời, chính xác phương án sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo, nhu cầu tuyển dụng lao động theo ngành nghề, trình độ đào tạo, vị trí việc làm, thu nhập và các chế độ phúc lợi theo quy định của pháp luật; thành lập cơ sở đào tạo, ký kết đặt hàng đào tạo hoặc mở lớp đào tạo, đào tạo lại trình độ sơ cấp và các chương trình thường xuyên phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc; báo cáo kịp thời những khó khăn, vướng mắc và định kỳ 06 tháng (trước ngày 20 tháng 5), hàng năm (trước ngày 20 tháng 11) báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để theo dõi, tổng hợp./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Lao động - TB và XH (B/c);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (B/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh (B/c);
- PCT VX UBND tỉnh;
- CVP, PCVP UBND tỉnh;
- UBMT TQ và các tổ chức CT - XH cấp tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Nghệ An, Cổng TTĐT tỉnh;
- UBND các huyện, thành, thị;
- Lưu: VT, KGVX (TP, D).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Đình Long

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 188/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án 14-ĐA/TU về đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 188/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 21/03/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Bùi Đình Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/03/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản