Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 179/KH-UBND

Tiền Giang, ngày 10 tháng 8 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG CHỐNG MÙ LÒA TỈNH TIỀN GIANG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Thực hiện Chiến lược Phòng chống mù lòa Việt Nam, hạ thấp tỷ lệ mù lòa xuống mức 0,3% dân số vào năm 2020 của Ban Chỉ đạo phòng chống mù lòa Quốc gia; qua điều tra đánh giá nhanh các bệnh gây mù có thể phòng tránh được (RAAB) năm 2015, tỷ lệ mù mắt tại Tiền Giang tuy có giảm nhiều so với trước đây, từ 4,74% (năm 2002) xuống còn 2,4% (năm 2015) ở người từ 50 tuổi trở lên. Tuy nhiên, số người mù lòa vẫn còn nhiều trong cộng đồng. Ước tính còn khoảng 15.600 người mù 02 mắt do các nguyên nhân khác nhau; trong đó, người mù 02 mắt do đục thủy tinh thể chiếm tỷ lệ 62,6%, đây là bệnh lý có thể chữa trị được, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội, mang ý nghĩa cộng đồng sâu sắc.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhiều bệnh tật mới gây mù xuất hiện và có xu hướng ngày càng tăng như: bệnh tật khúc xạ ở trẻ em, bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non, bệnh tăng nhãn áp (glaucoma) và bệnh lý võng mạc ở người lớn… Đó là thách thức đối với công tác chăm sóc mắt nói riêng và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung, tạo nên rào cản cho sự phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Từ thực tế trên, cần phải có kế hoạch và những giải pháp can thiệp vào các bệnh lý chủ yếu gây mù và thị lực thấp, nhằm giảm tỷ lệ mù lòa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2016 - 2020; tập trung ưu tiên giải quyết các nguyên nhân hàng đầu gây mù như: bệnh đục thủy tinh thể, bệnh tật khúc xạ ở học đường, mù lòa trẻ em, bệnh tăng nhãn áp, các bệnh lý do chấn thương và nhiễm trùng; hướng tới mục tiêu kiểm soát mù lòa có thể phòng tránh được vào năm 2020. Đây cũng là mục tiêu mà Tổ chức Y tế thế giới đã đề ra cho tất cả các quốc gia thành viên, mà Việt Nam đã ký cam kết.

I. CƠ SỞ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

1. Cơ sở pháp lý

- Luật Khám, chữa bệnh ngày 23/11/2009;

- Nghị quyết 46-NQ/TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

- Nghị định số 87/2011/NĐ-CP ngày 27/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khám, chữa bệnh;

- Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

- Nghị quyết 56.26 ngày 28/5/2003 và Nghị quyết số 59.25 ngày 27/5/2006 của Tổ chức Y tế thế giới về phòng chống mù lòa và tổn thương thị lực có thể phòng tránh được;

- Quyết định số 4824/QĐ-BYT ngày 28/11/2007 của Bộ Y tế về việc thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống mù lòa;

- Thông tư số 09/TT-BYT ngày 01/8/2008 của Bộ Y tế hướng dẫn việc kết hợp giữa các cơ sở đào tạo cán bộ y tế với các Bệnh viện thực hành trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chăm sóc sức khỏe nhân dân;

- Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14/11/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

- Thông tư số 22/2013/TT-BYT ngày 09/8/2013 của Bộ Y tế hướng dẫn việc đào tạo liên tục cho cán bộ y tế;

- Quyết định số 5068/QĐ-BYT ngày 04/12/2012 của Bộ Y tế quy định một số nội dung triển khai thực hiện đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo gói dịch vụ y tế theo Đề án 1816 từ năm 2013;

- Quyết định số 3779/QĐ-UBND ngày 16/10/2009 của UBND tỉnh về việc thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống mù lòa tỉnh Tiền Giang.

2. Thực trạng chương trình phòng chống mù lòa tỉnh Tiền Giang

a) Hệ thống tổ chức

- Ban Chỉ đạo Chương trình Phòng chống mù lòa của tỉnh được thành lập vào tháng 10/2009 và duy trì hoạt động đến nay: Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; Phó Giám đốc Sở Y tế làm Phó ban; Giám đốc Bệnh viện Mắt là Ủy viên thường trực; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan: Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Mặt trận Tổ quốc tỉnh tham gia làm thành viên.

- Chuyên khoa Mắt tuyến tỉnh: Bệnh viện Mắt Tiền Giang hiện có quy mô 50 giường bệnh, với 15 bác sĩ (01 chuyên khoa II, 06 chuyên khoa I, 01 thạc sĩ, 07 bác sĩ chuyên khoa Mắt), 05 khúc xạ viên, 07 điều dưỡng - y sĩ chuyên khoa Mắt; 02 Tổ Mắt tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy và Bệnh viện Đa khoa khu vực Gò Công.

- Chuyên khoa Mắt tuyến huyện: Có 14 Tổ Mắt (tại 11 Trung tâm Y tế huyện, 03 bệnh viện đa khoa huyện); gồm 02 bác sĩ chuyên khoa I, 07 bác sĩ chuyên khoa Mắt, 05 khúc xạ viên, 10 điều dưỡng - y sĩ chuyên khoa Mắt.

- Tuyến xã: Có 173/173 nhân viên y tế phụ trách chương trình phòng chống mù lòa được đào tạo về chăm sóc mắt ban đầu.

b) Thành tựu

- Khô mắt do thiếu vitamin A đã được kiểm soát, tỷ lệ trẻ từ 6 - 36 tháng uống vitamin A đạt > 98%, thực hiện uống vitamin A 2 lần/năm và không ghi nhận trường hợp mù lòa do thiếu vitamin A.

- Chương trình phòng chống mắt hột được thực hiện tốt, tỷ lệ mắt hột hoạt tính < 5%.

- Số người được mổ đục thủy tinh thể tăng dần; từ 4.058 trường hợp (năm 2013) tăng đến 5.054 trường hợp (năm 2015); chỉ số CSR (số trường hợp mổ đục thủy tinh thể/triệu dân) từ 2.378 trường hợp/triệu dân (năm 2013) tăng lên 2.972 trường hợp/triệu dân (năm 2015).

- Được sự hỗ trợ của Tổ chức FHF (The Fred Hollows Foundation) từ năm 2010 - 2016 thông qua Dự án phát triển mô hình chăm sóc mắt toàn diện Việt Nam tại Tiền Giang, Bệnh viện Mắt tỉnh đã triển khai chương trình khúc xạ học đường tại các trường Tiểu học, Trung học cơ sở thuộc các huyện: Cai Lậy, Châu Thành, Tân Phước, Chợ Gạo, thị xã Gò Công và thành phố Mỹ Tho, cấp 2.424 kính miễn phí cho các em học sinh bị tật khúc xạ gia đình nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn.

Tổ chức FHF và Ngân hàng Standard Chartered (Australia) từ năm 1990 đã giúp đỡ đào tạo phẫu thuật viên và các trang thiết bị phẫu thuật lấy thủy tinh thể ngoài bao. Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố Hồ Chí Minh hàng năm đã hỗ trợ, giúp đỡ một phần kinh phí để phẫu thuật cho bệnh nhân nghèo bị đục thủy tinh thể. Nhiều nhà hảo tâm, tổ chức trong và ngoài tỉnh hỗ trợ, giúp đỡ kinh phí phẫu thuật cho bệnh nhân nghèo bị đục thủy tinh thể.

c) Tình hình bệnh về mắt, trang thiết bị chuyên khoa mắt

- Qua khảo sát, đánh giá nhanh các bệnh gây mù có thể phòng tránh được ở người trên 50 tuổi (RAAB) năm 2015:

+ Có 28,1% đối tượng tình trạng từ giảm thị lực đến mù lòa cả 02 mắt và thị lực tổng số mắt tương ứng là 35,2%. Trong đó, tỷ lệ mù cả 02 mắt (có thị lực <3/60) chiếm 2,4%, nữ (2,9%) có tỷ lệ mù cao hơn nam (1,6%); và tỷ lệ giảm thị lực 02 mắt < 6/18 là 12,4%, nữ (13,2%) cao hơn ở nam giới (11%).

+ Tỷ lệ số mắt mù (thị lực < 3/60) là 6,1% tổng số mắt được khám, nam (6,4%) cao hơn ở nữ (5.9%).

+ Nguyên nhân gây mù (thị lực <3/60) chủ yếu là do đục thủy tinh thể, chưa phẫu thuật chiếm 62,6%; tổng các nguyên nhân gây mù có thể phòng tránh được là 79,7%.

+ Với sự điều chỉnh của kính lỗ, tỷ lệ số mắt đạt < 6/12 chỉ còn 20% và thị lực mắt đạt < 3/60 là 3,6%.

+ Tỷ lệ đục thủy tinh thể gây mù (thị lực < 3/60) sau khi có điều chỉnh kính lỗ là 4,3% (01 mắt) và 1,5% (02 mắt).

+ Mức độ bao phủ phẫu thuật đục thủy tinh thể (tính theo mắt) có thị lực hiện tại ở nhóm có thị lực < 3/60 là 71,8% và chung cho thị lực < 6/18 là 40%; tính theo người ở nhóm có thị lực < 3/60 là 84,3% và chung cho thị lực < 6/18 là 51,9%.

+ Kết quả sau phẫu thuật đục thủy tinh thể đạt thị lực tốt (> 6/12) là 50,3%; đạt thị lực trung bình ( = 6/12 đến = 6/60) là 38,5%; thị lực kém, mù lòa (<6/60) là 11,2%.

+ Rào cản lớn nhất khiến người bệnh không được phẫu thuật là do không biết có thể điều trị được (28,8%), cảm thấy không cần thiết (27,3%).

- Tật khúc xạ cũng là thách thức cần phải giải quyết. Năm học 2005 - 2006, Bệnh viện Mắt tỉnh đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện nghiên cứu về tật khúc xạ ở học sinh Trung học cơ sở tại thành phố Mỹ Tho và so sánh với 01 huyện điểm trong tỉnh (huyện Chợ Gạo). Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ học sinh có tật khúc xạ ở thành phố Mỹ Tho chiếm 14,95%, ở huyện Chợ Gạo chiếm 6,46%; trong đó có 85% học sinh có đeo kính, nhưng chỉ có 57,29% học sinh được đeo kính đúng, đồng thời hầu hết học sinh chưa có ý thức đi khám mắt định kỳ và tỷ lệ tật khúc xạ tăng dần theo tuổi (khối lớp), tỷ lệ tật khúc xạ ở thành thị cao hơn ở nông thôn.

Như vậy, về tổng quan, đục thủy tinh thể và tật khúc xạ là 02 nguyên nhân gây mù và giảm thị lực, chiếm tỷ lệ cao trong cộng đồng; và cũng là những bệnh có thể phòng và điều trị được. Ngoài ra, còn có nhiều bệnh tật mới gây mù xuất hiện và có xu hướng ngày càng tăng như: Bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non, bệnh tăng nhãn áp và bệnh lý võng mạc ở người lớn do tiểu đường, cao huyết áp… Tỷ lệ mù lòa ở người từ 50 tuổi trở lên trong toàn tỉnh là 2,4%.

- Trang thiết bị chuyên ngành mắt được cung ứng cơ bản phục vụ cho hoạt động. Bệnh viện Mắt tỉnh đã có những thiết bị kỹ thuật cao như: Hệ thống phẫu thuật Phaco, Laser YAG, máy siêu âm A - B, siêu âm A, siêu âm B, máy khúc xạ tự động, kính hiển vi phẫu thuật… Tổ Mắt của 02 Bệnh viện đa khoa khu vực đều có kính hiển vi phẫu thuật, dụng cụ phẫu thuật trung phẫu, tiểu phẫu chuyên ngành Mắt. Tổ Mắt tại các Trung tâm y tế huyện và Bệnh viện Đa khoa huyện có các thiết bị cơ bản để thực hành khám và điều trị bệnh mắt ban đầu. Có 100/173 Trạm Y tế xã được cung cấp trang thiết bị cơ bản chuyên ngành mắt ở tuyến xã/phường/thị trấn.

II. CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHỐNG MÙ LÒA GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

1. Mục tiêu chung

Tăng cường sự tiếp cận của người dân với dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và phục hồi chức năng mắt (sau đây được gọi chung là phòng chống mù lòa); giảm tỷ lệ các bệnh gây mù lòa có thể phòng chống được; phấn đấu đạt mục tiêu thị giác 2020 do Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo.

2. Mục tiêu cụ thể

- Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống mù lòa các cấp để điều phối, chỉ đạo hoạt động, tạo điều kiện huy động chính sách và nguồn lực cộng đồng triển khai thực hiện chương trình phòng chống mù lòa.

- Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho hệ thống chăm sóc mắt ở các tuyến đảm bảo đủ số lượng, có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng tuyến, góp phần củng cố mạng lưới chăm sóc mắt trong tỉnh.

- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chăm sóc mắt ở tất cả các tuyến (tỉnh, huyện, xã); cung cấp thiết bị chăm sóc mắt thiết yếu cho tuyến tỉnh; nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho Bệnh viện Mắt tỉnh, phù hợp với tình hình bệnh tật; từng bước đầu tư cho tuyến huyện và tuyến xã.

- Kiểm soát được các bệnh gây mù có thể phòng tránh được:

+ Giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 45/10.000 dân, trong đó giảm tỷ lệ mù lòa ở người từ 50 tuổi trở lên xuống còn 2,35%.

+ Duy trì đạt tỷ lệ người dân đục thủy tinh thể được phẫu thuật trên 29 người/10.000 dân; trong đó tăng tỷ lệ người dân bị mù do đục thủy tinh thể được phẫu thuật thay thể thủy tinh thể nhân tạo trên 80%.

+ Triển khai khám, phát hiện và điều trị ban đầu bệnh nhân đái tháo đường; người bệnh đái tháo đường đến khám tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm được khám mắt, chụp hình đáy mắt và theo dõi 6 tháng/lần đạt trên 50%.

+ Quản lý và chăm sóc tật khúc xạ học đường, đặc biệt quan tâm lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở.

3. Các giải pháp

a) Về chính sách

- Nhà nước hỗ trợ cho bệnh nhân là người nghèo và cận nghèo khám, chữa bệnh mắt thông qua BHYT.

- Có chính sách khuyến khích người dân mua BHYT tự nguyện để có nguồn chi trả các dịch vụ y tế, trong đó có các bệnh về mắt.

- Ban Chỉ đạo Phòng chống mù lòa tỉnh vận động các tổ chức phi Chính phủ có kế hoạch hỗ trợ; huy động sự ủng hộ về vật chất, tinh thần của toàn xã hội.

- Có chính sách khuyến khích các đơn vị trong và ngoài công lập hỗ trợ đầu tư chăm sóc mắt để có thêm các trang thiết bị cần thiết nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, phát triển khoa học kỹ thuật.

- Thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao về chuyên ngành mắt.

- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về các loại mù lòa có thể phòng tránh được (đục thủy tinh thể, tật khúc xạ…).

b) Chiến lược

- Kiểm soát các bệnh gây mù có thể phòng tránh được.

- Thu hút nguồn nhân lực, đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn (nhất là bác sĩ) từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã; đồng thời phát triển mạng lưới chăm sóc mắt từ tỉnh đến xã, nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị chuyên môn.

- Truyền thông về bệnh đục thủy tinh thể và tật khúc xạ trong cộng đồng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin trực tiếp.

- Tăng cường phối hợp liên ngành Y tế - Giáo dục trong công tác tuyên truyền, khám sàng lọc tật khúc xạ và cấp kính cho học sinh.

- Ngành Y tế và các sở, ngành có liên quan tăng cường thẩm định, kiểm tra, giám sát các cửa hàng bán kính thuốc về việc kinh doanh kính thuốc.

- Kiểm soát chất lượng kính: Các cơ sở kinh doanh kính thuốc thực hiện nghiêm túc Luật Khám, chữa bệnh ngày 23/11/2009; Nghị định số 87/2011/NĐ-CP ngày 27/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khám, chữa bệnh; Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14/11/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

4. Nhiệm vụ cụ thể

a) Xây dựng và hoàn thiện chính sách

- Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cộng đồng xã hội tham gia phòng chống mù lòa; hoàn thiện, bổ sung cơ chế phối hợp liên ngành từ tỉnh đến cơ sở.

- Đề xuất chính sách về bảo hiểm y tế đối với khám sàng lọc các bệnh gây mù lòa có thể phòng ngừa được như: đục thủy tinh thể, tật khúc xạ, tăng nhãn áp, bệnh võng mạc đái tháo đường…

- Bảo đảm mỗi người đều có quyền bình đẳng tiếp cận với dịch vụ phòng chống mù lòa, ưu tiên đối với trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật và đối tượng chính sách.

- Kiểm tra, giám sát các quy định pháp luật về hệ thống dịch vụ kính thuốc trong tỉnh.

b) Xây dựng các cam kết và hợp tác liên ngành

- Kiện toàn, duy trì hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo Phòng chống mù lòa các cấp.

- Tăng cường trách nhiệm, hợp tác và hỗ trợ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trong triển khai các hoạt động của chương trình phòng chống mù lòa.

c) Truyền thông, giáo dục sức khỏe về phòng chống mù lòa cho cộng đồng

- Phổ biến, tuyên truyền pháp luật, chính sách về phòng chống mù lòa.

- Xây dựng thông điệp nâng cao nhận thức phòng chống mù lòa cho cán bộ quản lý, xây dựng chính sách liên quan đến phòng chống mù lòa ở các cấp quản lý và tại cộng đồng.

- Tuyên truyền, vận động các nhà chính sách, cơ quan và cộng đồng ủng hộ và tham gia tích cực vào công tác phòng chống mù lòa.

- Lồng ghép chương trình phòng chống mù lòa trong chương trình giáo dục nâng cao sức khỏe cộng đồng, là một trong những vấn đề sức khỏe công cộng.

- Xây dựng, cung cấp các chương trình, tài liệu truyền thông về phòng chống mù lòa phù hợp với phương thức truyền thông theo nhóm đối tượng.

d) Kiện toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc mắt từ tỉnh đến cơ sở

- Củng cố, kiện toàn mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc mắt:

+ Đối với Bệnh viện Mắt: Nâng cấp cơ sở hạ tầng, cung cấp các trang thiết bị hiện đại phù hợp với năng lực và nhu cầu thực hiện các dịch vụ chăm sóc mắt tuyến tỉnh như: Phẫu thuật đục thủy tinh thể; tật khúc xạ, tăng nhãn áp, bệnh võng mạc đái tháo đường… Phấn đấu đạt bệnh viện hạng 2 vào năm 2020.

+ Khoa Mắt, Tổ Mắt tại Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh: Nâng cấp cơ sở hạ tầng, cung cấp các trang thiết bị để phát huy vai trò dự phòng kết hợp điều trị và chăm sóc mắt ban đầu.

+ Tuyến huyện: Bố trí phòng khám mắt, phòng tiểu phẫu và phòng khám khúc xạ nếu có đủ điều kiện. Đầu tư đầy đủ các thiết bị thiết yếu theo quy định của ngành; phấn đấu đến năm 2020 tất cả các phòng khám mắt có bác sĩ, khúc xạ viên hoặc điều dưỡng chuyên khoa nhằm giúp phát hiện sớm các bệnh gây mù, tham mưu công tác dự phòng và chăm sóc mắt ban đầu, đặc biệt về chăm sóc mắt học đường.

+ Tuyến xã: Có ít nhất 01 cán bộ chuyên trách (hoặc kiêm nhiệm) về chăm sóc mắt.

+ Khuyến khích thành lập và phát triển các cơ sở chăm sóc mắt tư nhân theo quy định pháp luật hiện hành.

- Kiểm soát các nguyên nhân chính gây mù lòa:

+ Kiểm soát mù lòa do bệnh đục thủy tinh thể: Bảo đảm, duy trì định kỳ khám sàng lọc, phát hiện sớm và can thiệp điều trị hiệu quả cho người dân, đặc biệt là người trên 50 tuổi. Nhanh chóng can thiệp giải quyết số người đục thủy tinh thể gây mù lòa còn tồn đọng ở các vùng khó khăn. Giảm tỷ lệ mù lòa ở người từ 50 tuổi trở lên xuống còn 2,35%. Duy trì đạt tỷ lệ bị đục thủy tinh thể được phẫu thuật đạt trên 29 người/10.000 dân.

+ Kiểm soát tật khúc xạ: Bảo đảm khám phát hiện, cung cấp các dịch vụ khúc xạ và kính thuốc cho người dân; đặc biệt quan tâm đến hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách và người có hoàn cảnh khó khăn. Tăng cường phát hiện sớm tật khúc xạ tuổi học đường, đặc biệt chú ý các em học sinh bậc tiểu học, trung học cơ sở.

+ Kiểm soát mù lòa do bệnh tăng nhãn áp: Thiết lập hệ thống quản lý bệnh tăng nhãn áp từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh đến tuyến huyện để kịp thời khám sàng lọc, điều trị hoặc chuyển tuyến trên nếu vượt khả năng cho phép.

+ Kiểm soát bệnh võng mạc đái tháo đường: Khám, sàng lọc phát hiện sớm các biến chứng về mắt ở người bệnh đái tháo đường; quản lý và can thiệp điều trị ban đầu người bệnh võng mạc đái tháo đường. Phối hợp chặt chẽ giữa 02 chuyên khoa nội tiết và mắt để phát hiện sớm và quản lý bệnh võng mạc đái tháo đường tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh; thực hiện chỉ tiêu kiểm soát bệnh võng mạc đái tháo đường trên 50% bệnh nhân đái tháo đường vào năm 2020.

+ Kiểm soát mù lòa trẻ em: Bệnh viện Mắt phối hợp Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh và Bệnh viện Phụ sản tỉnh kiểm soát mù lòa trẻ em, đặc biệt chú ý đục thủy tinh thể bẩm sinh, bệnh võng mạc trẻ sinh non (ROP), thiếu Vitamin A tiền lâm sàng. Ngoài ra, kết hợp Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh triển khai thực hiện Đề án 1816 phẫu thuật lé, sụp mi hàng năm; phấn đấu năm 2020 Bệnh viện Mắt tỉnh thực hiện được phẫu thuật lé, sụp mi.

+ Quản lý những ngành nghề đặc thù cung cấp dịch vụ có ảnh hưởng tới thị lực như: Cửa hàng kinh doanh kính thuốc, các phòng khám tư nhân chuyên ngành mắt...

- Nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc mắt

+ Cập nhật các hướng dẫn chẩn đoán, quy trình kỹ thuật, phân tuyến kỹ thuật, phác đồ điều trị, theo dõi giám sát chất lượng dịch vụ các chương trình can thiệp chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng về chuyên ngành mắt của Bộ Y tế trong công tác chuyên môn tuyến tỉnh và làm cơ sở để hướng dẫn các cơ sở y tế tuyến dưới.

+ Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh về mắt, chú trọng tới bệnh tăng nhãn áp, bệnh võng mạc đái tháo đường, bệnh võng mạc ở trẻ sinh non (ROP) và kỹ thuật phẫu thuật đục thủy tinh thể... cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh. Đào tạo, đào tạo lại các bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện.

+ Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ mới trong khám chữa bệnh chuyên ngành mắt.

+ Thực hiện Đề án giảm quá tải cho Bệnh viện Mắt, tăng cường đào tạo chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn cho cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa mắt tuyến dưới. Xây dựng và nhân rộng các mô hình phòng chống mù lòa và chăm sóc mắt tại cộng đồng.

5. Nguồn lực, đầu tư và kinh phí

a) Phát triển nguồn nhân lực

- Xây dựng kế hoạch phát triển nhân lực chuyên khoa mắt từ tỉnh đến huyện.

- Chuẩn hóa, hoàn thiện nguồn nhân lực chuyên khoa mắt từ tỉnh đến huyện theo quy định của ngành mắt và của Bộ Y tế.

- Đào tạo lại, đào tạo liên tục cho cán bộ y tế xã/phường/thị trấn, y tế trường học, y tế ấp/khu phố về chăm sóc mắt ban đầu, chăm sóc mắt học đường lồng ghép vào các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu.

b) Huy động các nguồn lực tài chính, đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng chống mù lòa

- Kêu gọi hỗ trợ của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước; xã hội hóa để bổ sung nguồn lực giải quyết gánh nặng bệnh tật mù lòa.

- Tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế; vận động các nguồn lực để mua thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng khó khăn.

- Khuyến khích liên doanh - liên kết, thực hiện xã hội hóa với các doanh nghiệp trang thiết bị y tế để tăng cường đầu tư trang thiết bị, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh về mắt.

- Vận động, khuyến khích, tạo điều kiện cho hệ thống y tế tư nhân phát triển và chủ động tham gia công tác phòng chống mù lòa.

- Hàng năm, Sở Y tế trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí cho chương trình phòng chống mù lòa trong chương trình mục tiêu Y tế - Dân số của tỉnh.

c) Thuốc và trang thiết bị

- Tuyến tỉnh: Tập trung, tạo thuận lợi trong điều kiện cho phép về đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất… nhằm nâng cao trình độ khám, phát hiện, chẩn đoán sớm, điều trị và quản lý các bệnh mắt gây mù tại Bệnh viện Mắt tỉnh.

- Tuyến huyện: Cơ sở y tế đã có bác sĩ, kỹ thuật viên khúc xạ và điều dưỡng chuyên khoa mắt đang hoạt động thì cân đối ngân sách đảm bảo trang bị đầy đủ các trang thiết bị thiết yếu cho công tác khám, chữa bệnh mắt. Các cơ sở khám, chữa bệnh chưa có bác sĩ, kỹ thuật viên khúc xạ hoặc điều dưỡng chuyên khoa mắt phấn đấu đến năm 2020 có đầy đủ và đảm bảo các trang thiết bị thiết yếu để hoạt động.

- Cung ứng đủ thuốc và vật tư thiết yếu cho việc chẩn đoán, điều trị các bệnh về mắt gây mù.

d) Kinh phí thực hiện

Tổng kinh phí: 142.309.789.000 đồng (Một trăm bốn mươi hai tỷ ba trăm lẻ chín triệu bảy trăm tám mươi chín ngàn đồng) [Phụ lục kèm theo]

- Từ ngân sách nhà nước được bố trí dự toán chi thường xuyên của tỉnh.

- Quỹ Bảo hiểm y tế.

- Nguồn thu từ các dịch vụ y tế, Quỹ phát triển sự nghiệp, thu dịch vụ y tế của các cơ sở khám chữa bệnh.

- Đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

- Tài trợ của các Dự án hợp tác quốc tế.

- Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

6. Giám sát và đánh giá

a) Hệ thống quản lý, theo dõi và giám sát

- Ban chỉ đạo Phòng chống mù lòa tỉnh, Sở Y tế chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng ngân sách và các nguồn tài trợ theo quy định của pháp luật và các cam kết với nhà tài trợ.

- Căn cứ kế hoạch hoạt động hàng năm, Ban chỉ đạo Phòng chống mù lòa tỉnh, Sở Y tế có trách nhiệm phân bổ kinh phí, trang thiết bị cho các đơn vị chăm sóc mắt trong tỉnh tham gia chương trình phòng chống mù lòa.

- Các đơn vị quản lý chặt chẽ nguồn ngân sách, trang thiết bị được cấp và báo cáo định kỳ với Ban chỉ đạo Phòng chống mù lòa tỉnh, Sở Y tế, Sở Tài chính và cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp theo quy định.

- Các hoạt động của chương trình phòng chống mù lòa được triển khai và báo cáo định kỳ về Sở Y tế, Ban chỉ đạo tỉnh theo quy định.

- Bệnh viện Mắt tỉnh, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo chương trình Phòng chống mù lòa, trực tiếp triển khai giám sát kết quả mổ đục thủy tinh thể theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới và quy định của Bộ Y tế; giám sát chất lượng kính thuốc tại các cửa hàng kính công lập và tư nhân.

b) Đánh giá

- Căn cứ vào kiểm tra thường quy và đột xuất của Sở Y tế về các hoạt động của chương trình, từ đó rút kinh nghiệm, điều chỉnh các hoạt động và mục tiêu của kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế.

- Đo lường, đánh giá xác định gánh nặng bệnh tật: Điều tra đánh giá nhanh các bệnh gây mù lòa có thể phòng chống được của tỉnh dự kiến thực hiện đến năm 2020. Điều tra đánh giá tỷ lệ tật khúc xạ tuổi học đường và các yếu tố liên quan tại một số huyện thí điểm vào năm 2018 - 2019. Điều tra đánh giá tỷ lệ bệnh võng mạc đái tháo đường thí điểm tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh năm 2018.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Đề xuất kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng chống mù lòa tỉnh để chỉ đạo thực hiện các nội dung của kế hoạch; phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng và tổ chức thực hiện các hoạt động của kế hoạch trong lĩnh vực phụ trách.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương rà soát, đánh giá, sắp xếp danh mục cần ưu tiên đầu tư cho chương trình Phòng chống mù lòa.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành, địa phương hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tham gia các hoạt động chăm sóc mắt.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch này; định kỳ hàng năm, 5 năm tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm thực hiện kế hoạch và trình Ban Chỉ đạo tỉnh điều chỉnh mục tiêu, nội dung kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế trong tỉnh.

- Bệnh viện Mắt là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống mù lòa, có trách nhiệm tham mưu, tổ chức xây dựng mạng lưới chuyên khoa, thực hiện các kỹ thuật chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện các hoạt động, chuẩn bị các nội dung, báo cáo của chương trình Phòng chống mù lòa trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế bố trí ngân sách cho ngành Y tế để đảm bảo lộ trình thực hiện chương trình phòng chống mù lòa giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế bố trí nguồn vốn cho ngành Y tế để đảm bảo lộ trình thực hiện đầu tư cho chương trình phòng chống mù lòa giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Nội vụ:

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, hoàn thiện bộ máy tổ chức và nguồn nhân lực của các cơ sở khám chữa bệnh để tham gia các hoạt động phòng chống mù lòa tại các tuyến.

5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Xây dựng các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm chính sách y tế cho người khiếm thị, người mù, người nghèo, người cận nghèo, người già, đối tượng bảo trợ xã hội…

- Chủ trì, phối hợp Sở Y tế trong việc tổ chức cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người mù và tổ chức công tác phục hồi chức năng cho người khiếm thị, tăng cường quyền bình đẳng trong xã hội cho người mù.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tổ chức kiện toàn hệ thống y tế trường học, đào tạo nâng cao năng lực cho giáo viên và y tế trường học trong việc phát hiện sớm và dự phòng các bệnh mắt cho học sinh; bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác y tế trường học; phối hợp với ngành y tế triển khai khám mắt và sàng lọc tật khúc xạ hàng năm cho học sinh tại các trường tiểu học, trung học cơ sở trong tỉnh.

7. Bảo hiểm Xã hội tỉnh:

- Triển khai các chính sách thích hợp cho các đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế để người có thẻ bảo hiểm y tế dễ dàng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc mắt.

- Hàng năm, thực hiện ký hợp đồng khám, chữa bệnh về mắt đối với các cơ sở khám, chữa bệnh có đủ điều kiện.

- Đảm bảo tạm ứng kinh phí và thanh quyết toán kịp thời để các cơ sở khám, chữa bệnh về mắt có nguồn kinh phí mua thuốc, vật tư y tế, vật tư tiêu hao… phục vụ khám và điều trị cho người bệnh.

8. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Chủ trì, phối hợp Sở Y tế xây dựng các nội dung, giải pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề liên quan đến tác hại của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe và bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế, trong đó có lĩnh vực chăm sóc mắt.

9. Sở Thông tin và Truyền thông:

Chủ trì, phối hợp Sở Y tế hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh truyền thông trong cộng đồng về thông tin giáo dục truyền thông và chăm sóc mắt trên các phương tiện thông tin đại chúng.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

Chỉ đạo các đơn vị y tế phối hợp với các ban, ngành xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động phòng chống mù lòa trên địa bàn. Cân đối kinh phí đầu tư và kinh phí hoạt động thường xuyên để đảm bảo thực hiện kế hoạch phòng chống mù lòa tại địa phương. Hàng năm tiến hành tổng kết đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo kết quả về Ban chỉ đạo tỉnh.

11. Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể:

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ tham gia hỗ trợ ngành Y tế tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch từ tỉnh đến huyện, xã.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng chống mù lòa giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp tổ chức thực hiện. Quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, báo cáo đề xuất về Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, giải quyết./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Trần Thanh Đức