Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 178/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 24 tháng 8 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO NGHỀ NÔNG NGHIỆP TRÌNH ĐỘ SƠ CẤP, DƯỚI 3 THÁNG CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN NĂM 2023 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Thực hiện Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng, Quyết định số 1223/QĐ-UBND ngày 22 tháng 5 năm 2023 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc phê duyệt danh mục nghề nông nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2023 - 2025, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn năm 2023 trên địa thành phố Cần Thơ, với nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện nay của thành phố đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

2. Đào tạo nguồn nhân lực trong các Hợp tác xã nông nghiệp, trang trại, cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn có chuyên môn kỹ thuật tốt, kỹ năng nghề phù hợp để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư khi thành phố đang triển khai nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như: Nghị định số 52/2018/NĐ-CP, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ …

3. Đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng mục tiêu của chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 của thành phố, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đô thị theo chuỗi giá trị, mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, gắn với chế biến và xuất khẩu các sản phẩm chủ lực.

II. CHỈ TIÊU

Đào tạo nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng cho 770 lao động nông thôn, có ít nhất 85% lao động sau đào tạo có việc làm ổn định và tăng thu nhập.

III. ĐỐI TƯỢNG VÀ MỨC HỖ TRỢ

1. Đối tượng hỗ trợ

a) Lao động trong độ tuổi lao động (nam đủ 15 tuổi đến 62 tuổi và nữ đủ 15 tuổi đến 60 tuổi) thuộc lĩnh vực nông nghiệp ở các vùng sản xuất hàng hóa thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

b) Lao động trong các làng nghề, ngành nghề nông thôn.

c) Lao động làm việc trong các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp (gồm cả các thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác); doanh nghiệp có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với nông dân.

d) Lao động nông thôn tham gia thực hiện chu trình trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); chuyển đổi số trong nông nghiệp.

đ) Lao động là người được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ mất việc làm.

2. Nguyên tắc hỗ trợ

a) Mỗi người chỉ được hỗ trợ đào tạo một lần theo chính sách quy định tại Kế hoạch này.

b) Những người đã được hỗ trợ đào tạo theo các chính sách hiện hành khác của Nhà nước thì không được tiếp tục hỗ trợ đào tạo theo chính sách quy định tại kế hoạch này. Riêng những người đã được hỗ trợ đào tạo nhưng bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan thì Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn xem xét, quyết định tiếp tục hỗ trợ đào tạo để chuyển đổi việc làm theo chính sách quy định tại kế hoạch này nhưng tối đa không quá 03 lần.

c) Đối với những nghề có chi phí đào tạo thực tế lớn hơn mức hỗ trợ, cơ sở đào tạo chủ động xây dựng phương án huy động hỗ trợ của doanh nghiệp, đóng góp của người học và nguồn huy động, tài trợ hợp pháp khác để đảm bảo chi phí đào tạo.

3. Nội dung các khoản hỗ trợ chi phí đào tạo

a) Tuyển sinh, khai giảng, bế giảng, cấp chứng chỉ.

b) Tài liệu, văn phòng phẩm, giáo trình, học liệu.

c) Hợp đồng thuê mướn giáo viên.

d) Chi mua nguyên, nhiên liệu phục vụ hoạt động đào tạo.

đ) Thuê lớp học lý thuyết, địa điểm thực hành.

e) Chi phí khác (giải khát giữa giờ).

g) Chi phí quản lý lớp học.

(Nội dung và mức chi thực hiện theo Công văn số 2450/UBND-KT ngày 05 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc định mức chi phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2023 - 2025).

4. Hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn

a) Đối tượng được hỗ trợ: Người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng.

b) Mức hỗ trợ

- Mức hỗ trợ tiền ăn: 30.000 đồng/người/ngày thực học.

- Mức hỗ trợ tiền đi lại: 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên (theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2015).

IV. HÌNH THỨC, DANH MỤC NGHỀ, CƠ SỞ ĐÀO TẠO

1. Hình thức đào tạo: Đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng.

2. Danh mục nghề và địa bàn đào tạo: tổ chức 22 lớp đào tạo nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp nghề và dưới 03 tháng (chi tiết xem phụ lục 01 đính kèm)

3. Cơ sở đào tạo

Các cơ sở đào tạo được mời tham gia phối hợp tổ chức đào tạo nghề phải có đủ năng lực tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, được cấp phép đào tạo nghề theo quy định và đáp ứng đủ yêu cầu theo quy định về dạy nghề.

Dự kiến mời 10 cơ sở đào tạo hợp tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn năm 2023 (chi tiết xem Phụ lục 02 đính kèm).

V. CÁC NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Tổ chức tuyển sinh và đào tạo

a) Khảo sát, thống kê nhu cầu học nghề của người lao động tại các xã, phường, thị trấn; nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo tại doanh nghiệp. Trong đó, ưu tiên cho lao động là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm.

b) Việc tuyển sinh đào tạo được thông báo, niêm yết tại xã, phường, thị trấn và tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

c) Tuyển sinh và tổ chức các lớp đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho lao động có nhu cầu đào tạo tại các cơ sở GDNN, doanh nghiệp, Hợp tác xã (căn cứ vào đơn đăng ký học nghề của người lao động; văn bản đề nghị hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động đang làm việc tại đơn vị của doanh nghiệp nhỏ và vừa; Hợp tác xã).

d) Tổ chức các lớp đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho người lao động đồng thời tiếp tục nhân rộng các mô hình đào tạo có sự phối hợp giữa 3 bên: người lao động - cơ sở GDNN - đơn vị, cá nhân có nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo.

2. Kiểm tra, giám sát đánh giá tình hình thực hiện

a) Căn cứ vào lịch giảng dạy của các cơ sở đào tạo tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn ở quận, huyện.

b) Báo cáo, tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung, tình hình quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện kế hoạch.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Từ ngân sách địa phương: Hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn: 1.830.000.000 đồng, trong đó:

- Kinh phí đào tạo: 770 người x 2.000.000 đ/người = 1.540.000.000 đồng.

- Hỗ trợ tiền ăn cho người được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ mất việc làm: 200 người x 30.000 đ/người/ngày thực học x 47 ngày = 282.000.000 đồng.

- Hỗ trợ tiền đi lại nếu địa điểm đào tạo xa nơi cư trú từ 15 km trở lên: 40 người x 200.000 đồng/người/khóa học = 8.000.000 đồng.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chủ trì tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này đến các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và các địa phương có liên quan.

b) Thông báo công khai cho các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố về kế hoạch đào tạo cho lao động địa phương.

c) Chịu trách nhiệm quản lý kinh phí và triển khai công tác đào tạo nghề nông nghiệp. Giao Chi cục Phát triển nông thôn và Kiểm lâm có trách nhiệm ký kết hợp đồng đặt hàng đào tạo nghề với các cơ sở đào tạo đủ điều kiện.

d) Thành lập tổ kiểm tra, giám sát quá trình đào tạo nghề cho lao động của các cơ sở đào tạo.

đ) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách đào tạo nghề, các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, các gương điển hình sản xuất giỏi.

e) Đối với danh mục các lớp nghề và đơn vị tham gia đào tạo nghề đã đăng ký đính kèm kế hoạch, nếu có sự thay đổi thì tùy tình hình thực tế, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, xem xét và điều chỉnh kịp thời nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại địa phương.

g) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất.

2. Sở Tài chính: Tham mưu, trình UBND thành phố bố trí kinh phí tổ chức thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo định mức được phê duyệt; kiểm tra, hướng dẫn đơn vị thực hiện và thanh, quyết toán theo đúng quy định hiện hành.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra tình hình thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

4. Ủy ban nhân dân quận, huyện

a) Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn xác định nhu cầu học nghề của người lao động, ưu tiên lao động trong vùng sản xuất hàng hóa tập trung, dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chủ lực của địa phương, lao động là người được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ mất việc làm; chịu trách nhiệm xác nhận vào đơn xin học nghề của người lao động; thống kê báo cáo số lao động có việc làm và mức thu nhập liên quan với nghề đã học sau khi được đào tạo nghề.

b) Giao nhiệm vụ cho các phòng, ban liên quan thực hiện quản lý nhà nước về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn và thực hiện chế độ báo cáo kết quả theo quy định.

5. Các cơ sở đào tạo tham gia đào tạo nghề nông nghiệp

a) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng theo đúng quy định.

b) Phối hợp với phòng, ban có liên quan của UBND quận, huyện và UBND xã, phường, thị trấn tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho người lao động. Trong đó ưu tiên lao động là người được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ mất việc làm.

c) Phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn tuyên truyền cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề để người lao động tham gia, thống kê số lao động có việc làm và mức thu nhập sau học nghề.

6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố và các Đoàn thể

a) Tăng cường công tác tuyên truyền, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước về đào tạo nghề nông nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

b) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn của thành phố.

Trên đây là Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp, dưới 03 tháng cho lao động nông thôn năm 2023 trên địa bàn thành phố Cần Thơ, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan tổ chức triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc cần bổ sung, điều chỉnh đề nghị các cơ quan và địa phương có liên quan chủ động đề xuất gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định./.

(Đính kèm phụ lục số 1,2).

 


Nơi nhận:
- CT, PCT UBND thành phố (1ABC);
- Các sở, ban ngành thành phố;
- UBND quận, huyện;
- VP. UBND thành phố (2D, 3B);
- Cổng thông tin điện tử thành phố;
- Lưu: VT.HN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Hè

 

PHỤ LỤC 1

DANH MỤC CÁC LỚP ĐÀO TẠO NGHỀ NÔNG NGHIỆP NĂM 2023
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 178/KH-UBND ngày 24 tháng 8 năm 2023)

STT

Danh mục các lớp nghề đào tạo nghề

Số lớp

Nhóm nghề

Thời gian đào tạo (ngày)

I

Quận Thốt Nốt

3

 

 

1

Trồng rau màu

1

Sản xuất, chế biến

47

2

Trồng cây ăn quả

1

Sản xuất, chế biến

47

3

Trồng hoa

1

Sản xuất, chế biến

47

II

Quận Bình Thủy

4

 

 

1

Tạo dáng, chăm sóc cây cảnh

1

Sản xuất, chế biến

47

2

Trồng hoa

1

Sản xuất, chế biến

47

3

Nuôi và phòng trị bệnh gia súc

1

Sản xuất, chế biến

47

4

Trồng rau màu

1

Sản xuất, chế biến

47

III

Quận Ô Môn

4

 

 

1

Trồng hoa

1

Sản xuất, chế biến

47

2

Trồng cây ăn quả

2

Sản xuất, chế biến

47

3

Nuôi thủy sản nước ngọt

1

Sản xuất, chế biến

47

IV

Huyện Thới Lai

10

 

 

1

Trồng cây ăn quả

5

Sản xuất, chế biến

47

2

Sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm và phế phẩm nông nghiệp

1

Dịch vụ nông nghiệp

40

3

Trồng rau màu

1

Sản xuất, chế biến

47

4

Kỹ thuật sản xuất lúa giống

2

Sản xuất, chế biến

47

5

Kỹ thuật trồng lúa năng suất cao

1

Sản xuất, chế biến

47

V

Huyện Phong Điền

1

 

 

1

Trồng cây ăn quả

1

Sản xuất, chế biến

47

Tổng số lớp

22

 

 

Nhóm nghề sản xuất chế biến

21

 

47

Nhóm nghề dịch vụ nông nghiệp

1

 

40

 

PHỤ LỤC 02

DANH SÁCH CÁC CƠ SỞ THAM GIA ĐÀO TẠO NGHỀ NÔNG NGHIỆP CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN NĂM 2023
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 178/KH-UBND ngày 24 tháng 8 năm 2023)

STT

Đơn vị đào tạo

Địa chỉ

1

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp

Số 4 Ngô Hữu Hạnh, phường An Hội, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ

2

Trường Cao đẳng Cơ Điện và Nông nghiệp Nam Bộ

Lộ tẻ Base phường Phước Thới, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ

3

Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp - Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật thành phố Cần Thơ

Số 9 Cách Mạng tháng 8, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ

4

Trường Trung cấp nghề huyện Thới Lai

Thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ

5

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Thốt Nốt

Phường Thuận An, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ

6

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Bình Thủy

Phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ

7

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Ô Môn

Phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ

8

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phong Điền

Thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ

9

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Cờ Đỏ

Thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ

10

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Thạnh

Thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 178/KH-UBND về đào tạo nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp, dưới 03 tháng cho lao động nông thôn năm 2023 trên địa bàn Thành phố Cần Thơ

  • Số hiệu: 178/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 24/08/2023
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Hè
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/08/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản