Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
QUẬN 11
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 176/KH-UBND

Quận 11, ngày 29 tháng 7 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG MÔ HÌNH “TỔ LIÊN GIA AN TOÀN PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY VÀ ĐIỂM CHỮA CHÁY CÔNG CỘNG”

Căn cứ Văn bản số 3081/CATP-PC07 ngày 12 tháng 7 năm 2022 của Công an Thành phố Hồ Chí Minh về việc triển khai thực hiện mô hình tổ liên gia an toàn về PCCC và điểm chữa cháy công cộng.

Để nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân, người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và thực hiện đúng nguyên tắc được nêu trong Luật phòng cháy và chữa cháy, Ủy ban nhân dân Quận 11 ban hành Kế hoạch xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy và điểm chữa cháy công cộng” với những nội dung cụ thể sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Nâng cao nhận thức và ý thức của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về pháp luật và kiến thức về phòng cháy chữa cháy (PCCC), an toàn trong suốt quá trình hoạt động; chủ động công tác phòng ngừa, không để xảy ra cháy, nổ đồng thời sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án để xử lý tình huống một cách nhanh chóng, hiệu quả.

- Việc triển khai xây dựng mô hình điểm phải triển khai tích cực, khẩn trương, không phô trương hình thức, chú trọng chất lượng, hiệu quả của mô hình, tổ chức nhân rộng trên địa bàn quận góp phần xây dựng phong trào toàn dân PCCC vững chắc, có chiều sâu, hiệu quả thiết thực.

- Thông qua xây dựng mô hình giúp người dân hiểu rõ hơn về công tác PCCC, nắm được các kiến thức cơ bản trong công tác chữa cháy làm giảm nguy cơ gây thiệt hại về người và tài sản khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

II. ĐẶC ĐIỂM, NỘI DUNG TIÊU CHÍ XÂY DỰNG

1. Đặc điểm tình hình có liên quan đến công tác PCCC

- Đặc điểm chủ yếu của loại hình nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh là loại nhà ống, diện tích nhà ở không lớn, phân bố ở các khu vực dân cư, xung quanh các chợ, tuyến đường phố và chủ yếu kinh doanh các mặt hàng là các loại vật liệu dễ cháy như quần áo, giày dép, vải, simili, chăn màn, tạp hóa,... Các loại nhà trên thường chỉ có một lối thoát nạn ra ngoài. Cửa ra vào chính tại tầng 1 thường là cửa xếp, cửa cuốn, tại các tầng trên có thể bố trí biển hiệu quảng cáo che chắn hết các hành lang, ban công mặt tiền căn nhà.

- Đa số các hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh đều không trang bị phương tiện chữa cháy, hoặc trang bị phương tiện chữa cháy không đảm bảo yêu cầu, do đó không xử lý được đám cháy ban đầu mới phát sinh.

- Những đặc điểm trên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, khi cháy người dân không thoát nạn được, nhất là các đám cháy xảy ra vào ban đêm, khả năng phát hiện đám cháy muộn, việc báo cháy ra ngoài gặp nhiều khó khăn. Các đám cháy tỏa ra nhiều khói khí độc như CO, CO2, HCN có nguy cơ gây ngạt khói dẫn đến tử vong.

2. Nội dung, tiêu chí xây dựng

- Thành lập Tổ liên gia gồm từ 05 đến 15 hộ gia đình liền kề nhau trở lên tại các tuyến đường, hẻm (để hỗ trợ, phối hợp trong công tác bảo đảm toàn phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn). Các hộ có số tầng tương đương nhau hoặc ít hơn trong dãy nhà gia đình 01 tầng để khi có sự cố có thể thoát sang mái nhà bên cạnh mà đảm bảo an toàn.

- Lắp đặt các chuông báo cháy liên kết tín hiệu với nhau (chuông báo cháy sử dụng nguồn điện 220V, không dùng tủ trung tâm báo cháy), trong đó mỗi nhà lắp đặt chuông báo cháy (phía ngoài ban công của nhà nơi mà người chủ gia đình ở), nút ấn báo cháy (tại vị trí thuận lợi cầu thang khi có sự cố có thể ấn báo cháy) để kịp thời báo cháy cho hộ liền kề khi có cháy xảy ra (tùy tình hình khu dân cư thực tế có thể xem xét nội dung này thay bằng các vật dụng, phương tiện phát ra tiếng động như: kẻng,...).

- Có phương án chữa cháy, thoát nạn (phương án nêu được cụ thể tính chất nguy hiểm cháy, nổ, độc từng hộ; giải pháp thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; xác định vị trí người ở, người bị nạn tổ chức cứu chữa kịp thời; tham khảo phương án chữa cháy).

- Có lực lượng tại chỗ để chữa cháy, cứu nạn - cứu hộ khi có sự cố: Các hộ gia đình cử thành viên có sức khỏe, thường xuyên có mặt tại nơi cư trú để tham gia các hoạt động phòng cháy chữa cháy của Tổ liên gia; được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về PCCC.

- Có phương tiện phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ (PCCC, CNCH): Mỗi hộ gia đình trang bị tối thiểu 01 bình chữa cháy xách tay và một trong các dụng cụ phá dỡ thông thường phù hợp (búa, rìu cứu hộ, xà beng, kìm cộng lực); ngoài ra có thể bố trí điểm chữa cháy công cộng (để bình chữa cháy xách tay, máy bơm chữa cháy khu vực có ao hồ, bể nước có thể trang bị/bố trí máy bơm chữa cháy,...); khu vực có trụ nước chữa cháy có thể trang bị lăng, vòi, đầu nối chuyển đổi, thiết bị mở khóa.

- Đáp ứng yêu cầu về chỉ huy tại chỗ: Bầu Tổ trưởng Tổ liên gia là người có uy tín, kinh nghiệm, có kiến thức về PCCC để thường xuyên thông tin, tuyên truyền cho các hộ liên gia về công tác PCCC, đôn đốc việc thực hiện; thực hiện chỉ huy chữa cháy khi xảy ra cháy, nổ tại Tổ liên gia mà lực lượng dân phòng, cơ quan chức năng chưa đến kịp.

- Đáp ứng yêu cầu về hậu cần tại chỗ: Có phương án dự trù, bố trí kinh phí (do Ủy ban nhân dân (UBND) phường hỗ trợ, xã hội hóa, nhân dân tự đóng góp...) phục vụ công tác PCCC và CNCH (mua sắm, thay thế, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện PCCC; bảo đảm các điều kiện về y tế và các điều kiện duy trì hoạt động thường trực, ứng trực, huấn luyện, tập luyện, thực tập phương án, tham gia chữa cháy, CNCH của Tổ liên gia).

- Mỗi hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trong Tổ liên gia phải bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC theo Quyết định 16/2021/QĐ-UBND ngày 31/5/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc ban hành quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó trọng tâm cụ thể như sau: (1) Bố trí mặt bằng, hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn về PCCC; sắp xếp vật dụng, thiết bị, chất cháy gọn gàng, không cản trở lối và đường thoát nạn, không để gần nguồn lửa, nguồn nhiệt, ổ cắm điện, aptomat, cầu dao, thiết bị tiêu thụ điện có sinh nhiệt: (2) Sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong nhà phải bảo đảm yêu cầu về PCCC; (3) Có lối thoát nạn thứ 2 (qua ban công, lô gia, cửa sổ, lối lên mái)...

- Chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh và các thành viên trong Tổ liên gia biết cách sử dụng phương tiện chữa cháy, cứu nạn - cứu hộ, biết cách thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

- Định kỳ tổ chức phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC; tổ chức thực tập phương án xử lý tình huống cháy, nổ; cập nhật, bổ sung kịp thời khi có sự thay đổi về hộ gia đình, các điều kiện an toàn PCCC tại Tổ liên gia.

- Duy trì các Tiêu chí an toàn về PCCC trong quá trình hoạt động và định kỳ thông tin, báo cáo về công tác PCCC với Tổ dân phố, Khu phố, Công an phường và UBND phường.

III. VỊ TRÍ XÂY DỰNG VÀ CÁCH THỨC HOẠT ĐỘNG

1. Vị trí mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy và điểm chữa cháy công cộng”

- Qua khảo sát thực tế, UBND quận chấm chọn như sau: UBND Phường 04 chọn hẻm 122 Tạ Uyên, khu phố 2; UBND Phường 07 chọn hẻm 76 đường Lý Nam Đế, khu phố 1; UBND Phường 08 chọn hẻm 174 đường Thái Phiên, khu phố 2; UBND Phường 10 chọn hẻm 260 đường Lạc Long Quân, khu phố 1; UBND Phường 15 chọn hẻm 233 đường Lý Thường Kiệt, khu phố 1; UBND Phường 16 chọn hẻm 137 Nguyễn Chí Thanh, khu phố 3 để thành lập “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy và điểm chữa cháy công cộng”.

2. Cách thức hoạt động mô hình

- Thời gian thực hiện mô hình bắt đầu từ tháng 8 năm 2022.

- Khi xảy ra tình huống cháy, nổ, thành viên của hộ gia đình ấn chuông báo cháy để các hộ gia đình khác trong Tổ liên gia biết có xảy ra sự cố cháy và mang bình chữa cháy, phương tiện phá dỡ thông thường, sử dụng các phương tiện chữa cháy khác tại Tổ liên gia (nếu có) đến hỗ trợ chữa cháy, cứu người bị nạn, di chuyển tài sản,...

- Tổ chức thông tin báo cháy: UBND phường, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an Quận 11, số điện thoại 114 và ứng dụng điện thoại Help 114, Báo cháy 114 để báo cháy; Lực lượng y tế 115 khi có người bị nạn.

- Tổ liên gia PCCC lựa chọn 01 người có kinh nghiệm, có kiến thức về PCCC (Tổ trưởng) để chỉ huy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; khi lực lượng dân phòng, các lượng lượng chức năng khác có mặt thì báo cáo tình hình vụ việc, bàn giao lại quyền chỉ huy chữa cháy cho người có thẩm quyền và tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, bảo vệ tài sản theo yêu cầu.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Công an quận

- Thường trực, chủ trì tham mưu UBND quận tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này; theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn UBND Phường 04, UBND Phường 07, UBND Phường 08, UBND Phường 10, UBND Phường 15 và UBND Phường 16 thực hiện mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy và điểm chữa cháy công cộng”, trong đó phân công rõ trách nhiệm của UBND phường, Công an quận và các đơn vị chức năng liên quan thuộc quận để tổ chức thực hiện.

- Tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến tiêu chí đến lãnh đạo các phòng ban, UBND Phường 04, UBND Phường 07, UBND Phường 08, UBND Phường 10, UBND Phường 15 và UBND Phường 16, Công an phường và người dân sinh sống tại vị trí đã được chọn mô hình.

- Chủ trì, theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn kiểm tra việc triển khai thực hiện Kế hoạch này; tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả Ủy ban nhân dân quận theo quy định và tham mưu nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy và điểm chữa cháy công cộng” ra toàn quận khi mô hình mang lại hiệu quả.

2. UBND Phường 04, UBND Phường 07, UBND Phường 08, UBND Phường 10, UBND Phường 15, UBND Phường 16

- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy và điểm chữa cháy công cộng” tại UBND Phường 04 chọn hẻm 122 Tạ Uyên, khu phố 2; UBND Phường 07 chọn hẻm 76 đường Lý Nam Đế, khu phố 1; UBND Phường 08 chọn hẻm 174 đường Thái Phiên, khu phố 2; UBND Phường 10 chọn hẻm 260 đường Lạc Long Quân, khu phố 1; UBND Phường 15 chọn hẻm 233 đường Lý Thường Kiệt, khu phố 1; UBND Phường 16 chọn hẻm 137 Nguyễn Chí Thanh, khu phố 3; trong đó tập trung phân công nhiệm vụ của Ban điều hành khu phố, tổ dân phố, Công an phường trong việc thực hiện và duy trì mô hình đạt hiệu quả cao.

- Phối hợp với Công an quận tổ chức rà soát, lựa chọn các đối tượng trên địa bàn quản lý những tuyến đường, phố có các hộ gia đình liền kề để tổ chức xây dựng nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy và điểm chữa cháy công cộng”; xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện.

- Tuyên truyền vận động nhân dân tham gia mô hình và tự giác thực hiện các điều kiện an toàn PCCC tại mỗi hộ gia đình (Họp tất cả các hộ dân trong Tổ liên gia lấy ý kiến đồng thuận thể hiện trên biên bản họp, các hộ dân phải ký đồng ý tham gia).

- UBND phường ban hành Quyết định thành lập “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy và điểm chữa cháy công cộng”, ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ.

- Duy trì hoạt động của mô hình; đảm bảo các điều kiện hoạt động cho mô hình như: Hướng dẫn việc lựa chọn, tổ chức thực hiện mô hình đảm bảo được mục đích, yêu cầu, nội dung theo kế hoạch; hỗ trợ kinh phí hoạt động, mua sắm các trang thiết bị cần thiết; chỉ đạo Công an phường tham mưu UBND phường trong việc thành lập, duy trì hoạt động của các mô hình, hướng dẫn chủ hộ gia đình, chủ hộ sản xuất, kinh doanh các kiến thức, kỹ năng PCCC, thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ.

- Tổ chức lễ ra mắt mô hình trước ngày 01/9/2022. Ký kết mô hình giữa các nhà có sự chứng kiến của UBND phường. Ngay sau lễ ra mắt có thể tổ chức thực tập giả định tình huống cháy xảy ra theo phương án đã lập có huy động lực lượng dân phòng; chỉ đạo của UBND phường trong việc giải quyết và xử lý tình huống cháy, nổ.

- Hàng tháng, Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy và điểm chữa cháy công cộng tổ chức họp một lần để đánh giá tình hình, hoạt động của mô hình, trao đổi, cập nhật, chia sẻ các kiến thức, kỹ năng về PCCC.

- Định kỳ 3 tháng hoặc đột xuất, UBND phường tổ chức họp với đại diện Tổ liên gia PCCC để đánh giá, rút kinh nghiệm. Chấn chỉnh hoạt động hoặc thanh loại đối với mô hình hoạt động hình thức, không hiệu quả, không phù hợp.

- Tổ chức sơ kết, đánh giá hiệu quả và triển khai nhân rộng mô hình.

- Kinh phí hoạt động: Sử dụng kinh phí từ việc đóng góp của các hộ gia đình trong Tổ liên gia (chủ yếu sử dụng cho việc mua sắm, lắp đặt thiết bị PCCC từ lúc ban đầu) hoặc từ nguồn xã hội hóa.

- Tổ liên gia thường xuyên trao đổi thông tin khi có sự thay đổi liên quan đến công tác PCCC như: thay đổi lớn về số lượng nhân khẩu; tính chất sử dụng nhà ở từng hộ gia đình...; phải báo cáo Tổ trưởng hoặc người có trách nhiệm ở khu dân cư.

- Các tình huống cháy, nổ xảy ra tại các gia đình trong Tổ liên gia đều được quán triệt, phổ biến và thực tập tình huống.

3. Văn phòng Ủy ban nhân dân quận

- Phối hợp với Công an quận, UBND Phường 04, UBND Phường 07, UBND Phường 08, UBND Phường 10, UBND Phường 15, UBND Phường 16 và các đơn vị chức năng liên quan hướng dẫn tổ chức Lễ ra mắt mô hình, theo dõi chung về việc xây dựng, sơ tổng kết, nhân rộng mô hình, phối hợp đề xuất các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện mô hình.

- Phối hợp Công an quận đăng tải nội dung xây dựng mô hình trên Cổng thông tin điện tử Ủy ban nhân dân quận.

4. Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận

Phối hợp với Công an quận, UBND Phường 04, UBND Phường 07, UBND Phường 08, UBND Phường 10, UBND Phường 15, UBND Phường 16 và các cơ quan thông tin truyền thông (Báo, Đài phát thanh,...) tăng cường công tác xây dựng, đăng tải chuyên mục, phóng sự, tin, bài, hình ảnh... tuyên truyền về hiệu quả hoạt động của mô hình.

V. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO

- Định kỳ hàng tháng tổ chức kiểm tra đánh giá việc thực hiện mô hình và báo cáo các nội dung thực hiện lồng ghép trong báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch 2845/KH-CATP-PC07 ngày 29 tháng 6 năm 2022 của Công an Thành phố, báo cáo vào ngày 29 hàng tháng về UBND quận qua Công an quận (Đội Cảnh sát PCCC và CNCH) để tổng hợp báo cáo Công an Thành phố (qua Phòng PC07) vào ngày 02 của tháng tiếp theo.

- Báo cáo kết quả thực hiện 03 tháng từ ngày 01/6/2022 đến ngày 30/9/2022. Thời gian báo cáo gửi về UBND quận qua Công an quận (Đội Cảnh sát PCCC và CNCH) để tổng hợp báo cáo trước ngày 29/9/2022 để tổng hợp báo cáo Công an Thành phố (qua Phòng PC07) trước ngày 02/10/2022.

- Báo cáo kết quả thực hiện 06 tháng từ ngày 01/6/2022 đến ngày 31/12/2022. Thời gian báo cáo gửi về UBND quận qua Công an quận (Đội Cảnh sát PCCC và CNCH) trước ngày 29/12/2022 để tổng hợp báo cáo Công an Thành phố (qua Phòng PC07) trước ngày 02/01/2023.

- Báo cáo tổng kết, đánh giá theo quy định khi có yêu cầu.

- Đề xuất Ủy ban nhân dân quận khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc thực hiện có hiệu quả mô hình trên.

(Kế hoạch xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy và điểm chữa cháy công cộng” đính kèm theo biểu mẫu các Quyết định, Quy chế hoạt động và Phụ lục 1, Phụ lục 2)

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo về Ủy ban nhân dân quận (qua Công an quận) để được hướng dẫn./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng UBND Thành phố;
- Công an Thành phố (Phòng PV01, PC07);
- Thường trực Quận ủy;
- UBND quận (CT, các PCT);
- Công an quận (để thực hiện);
- VP UBND quận (để thực hiện);
- Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận (để thực hiện);
- UBND Phường 4, 7, 8, 10, 15, 16 (để thực hiện);
- UBND Phường 1, 2, 3, 5, 6, 9, 11, 12, 13, 14 (để biết);
- Lưu: (TH - Kh).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thúc Chương

 

DANH SÁCH

LỰA CHỌN ĐƠN VỊ XÂY DỰNG MÔ HÌNH TỔ LIÊN GIA AN TOÀN PCCC VÀ ĐIỂM CHỮA CHÁY CÔNG CỘNG
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số: 176/KH-UBND ngày 29/7/2022 của Ủy ban nhân dân Quận 11)

1. Mô hình tổ liên gia an toàn PCCC

STT

TÊN ĐƠN VỊ

ĐỊA CHỈ

SỐ HỘ GIA ĐÌNH

PHƯƠNG TIỆN PCCC TRANG BỊ

1

Tổ liên gia an toàn PCCC tại hẻm 122 đường Tạ Uyên từ số nhà 122/1 đến 122/17

Khu phố 02, phường 4, Quận 11

09

09 bình chữa cháy; 01 xà beng; kìm cộng lực....

2

Tổ liên gia an toàn PCCC tại hẻm 76 đường Lý Nam Đế từ số nhà 76/98 đến số 76/109

Khu phố 02, phường 7, Quận 11

12

12 bình chữa cháy; 01 xà beng; kìm cộng lực....

3

Tổ liên gia an toàn PCCC tại hẻm 174 đường Thái Phiên từ số nhà 174/65/24 đến 174/65/48

Khu phố 02, phường 8, Quận 11

13

13 bình chữa cháy; 01 xà beng; kìm cộng lực....

4

Tổ liên gia an toàn PCCC tại hẻm 260 đường Lạc Long Quân từ số nhà 260/1 đến 260/15

Khu phố 01, phường 10, Quận 11

15

20 bình chữa cháy; 01 xà beng; kìm cộng lực....

5

Tổ liên gia an toàn PCCC tại hẻm 233 đường Lý Thường Kiệt từ số nhà 233/1 đến 233/25

Khu phố 01, phường 15, Quận 11

13

13 bình chữa cháy; 01 xà beng; kìm cộng lực....

6

Tổ liên gia an toàn PCCC tại hẻm 137 Nguyễn Chí Thanh từ số nhà 137/13 - 15 đến số 137/25

Khu phố 03, phường 16, Quận 11

07

07 bình chữa cháy; 01 xà beng; kìm cộng lực....

2. Mô hình điểm chữa cháy công cộng

STT

TÊN ĐƠN VỊ

ĐỊA CHỈ

CHIỀU DÀI HẺM (m)

CHIỀU RỘNG HẺM (m)

PHƯƠNG TIỆN PCCC TRANG BỊ

1

Hẻm 122 đường Tạ Uyên

Khu phố 02, phường 4, Quận 11

78

05

09 bình chữa cháy; 01 xà beng; kìm cộng lực....

2

Hẻm 76 đường Lý Nam Đế

Khu phố 02, phường 7, Quận 11

53

03

12 bình chữa cháy; 01 xà beng; kìm cộng lực....

3

Hẻm 174 đường Thái Phiên

Khu phố 02, phường 8, Quận 11

80

03

13 bình chữa cháy; 01 xà beng; kìm cộng lực....

4

Hẻm 260 đường Lạc Long Quân

Khu phố 01, phường 10, Quận 11

89

03

20 bình chữa cháy; 01 xà beng; kìm cộng lực....

5

Hẻm 233 đường Lý Thường Kiệt

Khu phố 01, phường 15, Quận 11

64

05

13 bình chữa cháy; 01 xà beng; kìm cộng lực....

6

Hẻm 137 Nguyễn Chí Thanh

Khu phố 03, phường 16, Quận 11

85

2,5

07 bình chữa cháy; 01 xà beng; kìm cộng lực....

 

PHỤ LỤC 1

HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG, DUY TRÌ HOẠT ĐỘNG MÔ HÌNH AN TOÀN PCCC TẠI KHU DÂN CƯ
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số: 176/KH-UBND ngày 29/7/2022 của Ủy ban nhân dân Quận 11)

I. Mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” tại khu dân cư

1. Thành lập tổ liên gia an toàn PCCC tại khu dân cư: Tổ liên gia gồm từ 05 đến 15 hộ gia đình (nhà để ở, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh) liền kề nhau.

2. Điều kiện đối với mô hình

2.1. Có quy chế hoạt động của tổ liên gia (phân công nhiệm vụ cụ thể cho tổ trưởng, tổ viên, chủ hộ gia đình và các thành viên thuộc các hộ gia đình; chế độ hoạt động..; tham khảo biểu mẫu đính kèm).

2.2. Có phương tiện PCCC và CNCH

- Mỗi hộ gia đình trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy xách tay (loại bình bột ABC hoặc bình khí CO2) và tối thiểu 01 dụng cụ phá dỡ (xà beng, kìm cộng lực, búa, rìu...). Các phương tiện để ở nơi quy định (dễ thấy, dễ lấy).

- Mỗi hộ gia đình lắp đặt 01 chuông báo cháy tại tầng 1 (độ cao từ 2,5m - 3m); lắp đặt 02 nút ấn báo cháy (01 nút ấn ở trong nhà, 01 nút ấn ngoài nhà) ở các vị trí phù hợp tại mỗi hộ gia đình. Nút ấn và chuông báo cháy của các hộ gia đình trong tổ liên gia được liên kết với nhau (bảo đảm khi ấn bất kể nút ấn nào thì toàn bộ chuông của các hộ gia đình cùng kêu).

- Các thành viên hộ gia đình cài đặt và sử dụng thành thạo App “báo cháy 114” và “Help 114”, trong đó lưu ý cập nhật danh sách thành viên trong Tổ liên gia để sử dụng tính năng “Tôi an toàn”, thông báo an toàn khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố.

Căn cứ vào điều kiện thực tế, tổ liên gia có thể trang bị thêm các phương tiện chữa cháy khác: Bình chữa cháy đặt dọc theo đường, ngõ; khu vực có trụ nước chữa cháy có thể trang bị lăng, vòi, đầu nối, thiết bị mở khóa; khu vực có ao, hồ, bể nước có thể trang bị máy bơm chữa cháy khiêng tay, lăng, vòi chữa cháy.

2.3. Thực hiện các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH

- Mỗi hộ gia đình thực hiện tốt các điều kiện an toàn PCCC (bố trí mặt bằng, hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn về PCCC; sắp xếp vật dụng, thiết bị, chất cháy gọn gàng, không cản trở lối và đường thoát nạn, không để gần nguồn lửa, nguồn nhiệt, ổ cắm điện, aptomat, cầu dao, thiết bị tiêu thụ điện có sinh nhiệt).

- Mỗi hộ gia đình chuẩn bị sẵn các phương án thoát nạn (qua cửa chính, cửa phụ, qua ban công, qua nhà hàng xóm liền kề, lối lên mái, sử dụng thang dây...) phòng khi có sự cố cháy xảy ra và phổ biến đến tất cả các thành viên trong gia đình.

- Thành viên trong các hộ gia đình chủ động học tập, nghiên cứu kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH; thực hiện nghiêm túc nội quy, quy định, quy chế hoạt động của tổ liên gia, biết cách sử dụng phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, biết cách thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

3. Tổ chức hoạt động

3.1. Chủ hộ gia đình chịu trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện các điều kiện an toàn PCCC và thoát nạn đối với hộ gia đình mình. Tổ trưởng tổ liên gia định kỳ (6 tháng/lần) kiểm tra việc thực hiện các điều kiện PCCC tại các hộ gia đình trong tổ liên gia.

3.2. Định kỳ (6 tháng hoặc 01 năm/lần) tổ chức họp tổ liên gia để phổ biến kiến thức PCCC, CNCH và nắm tình hình thực hiện công tác PCCC của các hộ gia đình. Tổ chức họp đột xuất rút kinh nghiệm khi có sự cố cháy, nổ xảy ra tại tổ liên gia.

4. Xử lý tình huống khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn

Khi xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn tại bất kỳ hộ gia đình nào trong tổ liên gia, các bước xử lý như sau:

- Người phát hiện cháy, nổ, tai nạn, sự cố ấn chuông báo động cho các hộ gia đình biết; báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH (qua số máy 114 hoặc App “báo cháy 114” và “Help 114”), UBND hoặc Công an cấp xã.

- Thành viên của các hộ gia đình trong tổ liên gia sử dụng phương tiện chữa cháy, dụng cụ phá dỡ của gia đình mình tham gia chữa cháy, cứu người bị nạn.

- Tổ trưởng tổ liên gia chỉ huy chữa cháy, cứu người bị nạn, thông báo cho lực lượng dân phòng, Công an cấp xã, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH; báo cáo tình hình vụ việc và bàn giao lại quyền chỉ huy khi lực lượng dân phòng, Công an cấp xã, hoặc Cảnh sát PCCC và CNCH có mặt.

II. Mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”

1. Đối tượng xây dựng mô hình

Tại các ngõ, hẻm sâu tập trung nhiều nhà (nhà ở hộ gia đình hoặc nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh) có chiều sâu từ 50m trở lên, xe chữa cháy không tiếp cận được.

2. Điều kiện đối với mô hình

Có quy định về quản lý, sử dụng phương tiện PCCC, CNCH tại các điểm chữa cháy công cộng (trong đó quy định rõ việc quản lý, sử dụng, kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế phương tiện khi hỏng hóc hoặc sau khi sử dụng).

3. Bố trí, trang bị phương tiện PCCC và CNCH tại điểm chữa cháy công cộng

- Bố trí các điểm chữa cháy thuận lợi cho việc sử dụng các phương tiện để chữa cháy, CNCH; không cản trở lối đi lại của người dân, tránh mưa, nắng và có biển thông báo). Khoảng cách giữa 02 điểm đặt phương tiện là 50m.

- Số lượng, loại phương tiện tối thiểu tại mỗi điểm:

02 bình bột chữa cháy loại ABC.

Nội quy quản lý, sử dụng phương tiện PCCC, CNCH.

Xà beng, kìm cộng lực (căn cứ điều kiện thực tế).

Căn cứ vào điều kiện thực tế, khu vực có trụ nước chữa cháy có thể trang bị lăng, vòi, đầu nối, thiết bị mở khóa; khu vực có ao, hồ, bể nước có thể trang bị máy bơm chữa cháy khiêng tay, lăng, vòi chữa cháy.

4. Tổ chức hoạt động

- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong khu vực nắm rõ các điểm đặt phương tiện chữa cháy, CNCH; nội quy, quy định về bảo quản phương tiện; các trường hợp được sử dụng phương tiện; quy trình chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và cách sử dụng phương tiện có hiệu quả.

- Kiểm tra, duy trì chế độ thường trực của phương tiện; thay thế kịp thời những phương tiện hư hỏng hoặc mất tác dụng.

5. Xử lý tình huống khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn

- Người phát hiện cháy, nổ, sự cố, tai nạn hô hoán cho mọi người trong ngõ/hẻm biết; báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH (qua số máy 114 hoặc App “báo cháy 114” và “Help 114”), UBND hoặc Công an cấp xã.

- Sử dụng phương tiện tại các điểm chữa cháy công cộng để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ./.

 

PHỤ LỤC 2

DANH SÁCH LỰA CHỌN ĐƠN VỊ XÂY DỰNG VÀ NHÂN RỘNG MÔ HÌNH TỔ LIÊN GIA AN TOÀN PCCC VÀ ĐIỂM CHỮA CHÁY CÔNG CỘNG
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số: 176/KH-UBND ngày 29/7/2022 của Ủy ban nhân dân Quận)

1. Mô hình tổ liên gia an toàn PCCC

STT

TÊN ĐƠN VỊ

ĐỊA CHỈ

SỐ HỘ GIA ĐÌNH

PHƯƠNG TIỆN PCCC TRANG BỊ

1.

Tổ liên gia an toàn PCCC tại khu dân cư số 01

Khu phố A, Phường B, huyện C

10

10 bình chữa cháy; 01 xà beng; ....

2.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2. Mô hình điểm chữa cháy công cộng

STT

TÊN ĐƠN VỊ

ĐỊA CHỈ

CHIỀU DÀI HẺM (m)

CHIỀU RỘNG HẺM (m)

PHƯƠNG TIỆN PCCC TRANG BỊ

1.

Ngõ, hẻm ……

Khu phố A, Phường B, huyện C

100

1,5

10 bình chữa cháy; 01 xà beng; ....

2.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

ỦY BAN NHÂN DÂN
(Xã/phường/Thị trấn)……
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ……/QĐ-UBND

Quận 11, ngày     tháng     năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

Thành lập mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy và chữa cháy” trên địa bàn (xã/phường/thị trấn)....

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN ……

Căn cứ Luật tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật PCCC năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC năm 2013; Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, ngày 24/11/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật PCCC ngày 22/11/2013;

Căn cứ ……… ngày ……… của UBND cấp tỉnh/huyện/xã ... về triển khai xây dựng mô hình an toàn về PCCC trên địa bàn tỉnh/huyện/xã...;

Xét đề nghị của đồng chí Trưởng Công an xã/phường/thị trấn ....,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Thành lập mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy và chữa cháy” trên địa bàn thôn/ấp/bản/tổ dân phố ……, xã/phường/thị trấn... gồm các hộ gia đình có các Ông/bà tham gia đại diện sau:

1. Ông/bà ………………., Tổ trưởng;

2. Ông/bà ………………., Tổ phó;

3. Ông/bà ………………., Tổ viên....

Điều 2. Giao Công an xã/phường/thị trấn …… chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo hoạt động mô hình theo đúng quy chế hoạt động và định kỳ báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Văn phòng UBND xã/phường/thị trấn ……, các ngành, đoàn thể có liên quan và các ông, bà có tên tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lưu: VP, CA xã/phường/thị trấn....

CHỦ TỊCH
………

 

ỦY BAN NHÂN DÂN
(Xã/phường/Thị trấn)……
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ……/QĐ-UBND

Quận 11, ngày     tháng     năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy chế hoạt động mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy và chữa cháy” trên địa bàn (xã/phường/thị trấn)....

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN ……

Căn cứ Luật tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật PCCC năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC năm 2013; Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, ngày 24/11/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật PCCC ngày 22/11/2013;

Căn cứ ……… ngày …… của UBND cấp tỉnh/huyện/xã ... về triển khai xây dựng mô hình an toàn về PCCC trên địa bàn tỉnh/huyện/xã...;

Căn cứ Quyết định số .... ngày ... của Chủ tịch UBND xã/phường/thị trấn ... về việc thành lập mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” tại thôn.... xã ....

Xét đề nghị của đồng chí Trưởng Công an xã/phường/thị trấn ....

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC thôn.... xã ....

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Văn phòng UBND xã/phường/thị trấn ……, các ngành, đoàn thể có liên quan và các ông, bà thuộc Tổ liên gia an toàn PCCC chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lưu: VP, CA xã/phường/thị trấn....

CHỦ TỊCH
………

 

ỦY BAN NHÂN DÂN
(Xã/phường/Thị trấn)……
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG

Mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy và chữa cháy”

(Ban hành kèm theo Quyết định số ..../QĐ-UBND ngày …… của Chủ tịch UBND xã/phường/thị trấn ………)

Chương I.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về nguyên tắc, tổ chức hoạt động, nhiệm vụ, quyền lợi, chế độ chính sách đối với mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy và chữa cháy (PCCC) trên địa bàn....

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ liên gia an toàn PCCC, thành viên của Tổ liên gia an toàn PCCC, các hộ gia đình thuộc Tổ liên gia an toàn PCCC trên địa bàn ....

2. Các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội và cá nhân có liên quan công tác xây dựng, củng cố, duy trì hoạt động của Tổ liên gia an toàn PCCC quy định tại Quy định này.

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động

1. Tổ liên gia an toàn PCCC hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ về kinh phí, hoạt động theo cơ chế: Cấp ủy Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý điều hành, các tổ chức, đoàn thể phối hợp thực hiện, lực lượng Công an làm nòng cốt, nhân dân thực hiện.

2. Hoạt động của Tổ liên gia an toàn PCCC phải tuân theo pháp luật. Nghiêm cấm lợi dụng danh nghĩa để tổ chức hội nhóm mang tính bè phái, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, vi phạm pháp luật.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Nhiệm vụ của Tổ liên gia an toàn PCCC

1. Triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định về PCCC và CNCH.

2. Nắm tình hình liên quan đến công tác PCCC, CNCH, kịp thời phản ánh với UBND, Công an cấp xã để kịp thời xử lý.

3. Tuyên truyền, vận động các thành viên hộ gia đình thuộc tổ liên gia tự giác chấp hành các quy định pháp luật về PCCC và CNCH, tích cực tham gia mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”; thực hiện các điều kiện an toàn PCCC, CNCH; các phương án thoát nạn phòng khi có sự cố cháy xảy ra.

4. Tổ chức lực lượng, phương tiện PCCC tại chỗ; tổ chức chữa cháy và CNCH khi có cháy, nổ, sự cố tai nạn xảy ra trong khu vực tổ liên gia.

5. Tham gia các hoạt động PCCC, CNCH (tuyên truyền, tập huấn, diễn tập phương án PCCC, CNCH) khi được cấp có thẩm quyền huy động.

Điều 5. Phân công nhiệm vụ của Tổ liên gia an toàn PCCC

1. Tổ trưởng:

- Chịu trách nhiệm điều hành hoạt động của Tổ liên gia an toàn PCCC theo chỉ đạo của UBND cấp xã và chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Điều 5 Quy định này; nắm vững tình hình và kết quả thực hiện công tác PCCC và CNCH của Tổ liên gia.

- Định kỳ tổ chức họp tổ liên gia để tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC, CNCH và đánh giá tình hình, kết quả thực hiện công tác PCCC của các thành viên. Tổ chức họp đột xuất rút kinh nghiệm khi có sự cố cháy, nổ xảy ra tại tổ liên gia.

- Tham gia chỉ huy chữa cháy, cứu người bị nạn khi lực lượng chức năng chưa đến kịp; báo cáo tình hình vụ việc và bàn giao lại quyền chỉ huy khi lực lượng dân phòng, Công an cấp xã, hoặc Cảnh sát PCCC và CNCH có mặt.

2. Tổ phó: Có trách nhiệm giúp Tổ trưởng theo dõi tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao cho Tổ liên gia; thay mặt Tổ trưởng chủ trì các buổi họp của Tổ, điều hành giải quyết công việc của Tổ khi Tổ trưởng vắng mặt.

3. Các thành viên: Chủ động nắm chắc tình hình có liên quan đến ANTT, PCCC, kịp thời phản ánh với Tổ trưởng hoặc các cấp có thẩm quyền để kịp thời giải quyết; tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt, giao ban, học tập của mô hình. Thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại khoản 1 Điều 5 của Quy chế này và theo sự phân công của Tổ trưởng.

Điều 6. Hoạt động của Tổ liên gia an toàn PCCC

1. Tổ liên gia an toàn PCCC đặt dưới sự chỉ đạo của chi bộ khu dân cư, sự quản lý điều hành của trưởng thôn/ấp/bản/tổ dân phố, sự hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Công an cấp xã.

2. Tổ chức kiểm tra an toàn PCCC:

a) Thành viên Tổ liên gia chịu trách nhiệm thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các điều kiện an toàn PCCC, thoát nạn, phương tiện PCCC được trang bị tại hộ gia đình mình.

b) Định kỳ 06 tháng/lần, Tổ liên gia tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các điều kiện PCCC tại các hộ gia đình trong tổ liên gia để nắm tình hình, hướng dẫn khắc phục các tồn tại, thiếu sót về PCCC; kiểm tra, bảo dưỡng các phương tiện PCCC được trang bị tại chỗ; sửa chữa, thay thế khi các phương tiện chữa cháy bị hỏng.

3. Tổ chức họp sau khi ra mắt mô hình Tổ liên gia để triển khai phổ biến, quán triệt quy chế hoạt động mô hình đến các thành viên; định kỳ 06 tháng/lần tổ chức họp để phổ biến kiến thức về PCCC, CNCH và đánh giá tình hình, kết quả thực hiện công tác PCCC của các thành viên; báo cáo tình trạng hoạt động của các dụng cụ, phương tiện PCCC được trang bị và ghi Biên bản cuộc họp theo quy định. Tổ chức họp đột xuất rút kinh nghiệm khi có sự cố cháy, nổ xảy ra tại tổ liên gia.

4. Tổ chức xử lý tình huống khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn:

Khi xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn tại bất kỳ hộ gia đình nào trong tổ liên gia, các bước xử lý như sau:

a) Người phát hiện cháy, nổ, tai nạn, sự cố ấn chuông báo động cho các hộ gia đình biết; báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH (qua số máy 114 hoặc App “báo cháy 114” và “Help 114”), UBND hoặc Công an cấp xã.

b) Thành viên của các hộ gia đình trong tổ liên gia sử dụng phương tiện chữa cháy, dụng cụ phá dỡ của gia đình mình tham gia chữa cháy, cứu người bị nạn.

c) Tổ trưởng tổ liên gia chỉ huy chữa cháy, cứu người bị nạn, thông báo cho lực lượng dân phòng, Công an cấp xã, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH; báo cáo tình hình vụ việc và bàn giao lại quyền chỉ huy khi lực lượng dân phòng, Công an cấp xã, hoặc Cảnh sát PCCC và CNCH có mặt.

5. Định kỳ 03 tháng/06 tháng một lần, Tổ liên gia an toàn PCCC có trách nhiệm báo cáo tình hình, kết quả hoạt động của mô hình về UBND, Công an cấp xã để tổng hợp.

Điều 7. Quyền lợi, chế độ, chính sách đối với Tổ liên gia an toàn PCCC

1. Thành viên Tổ liên gia an toàn PCCC khi tham gia công tác PCCC, CNCH được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích chính đáng của mình theo quy định của pháp luật. Được cung cấp thông tin về pháp luật, nhiệm vụ và tình hình hoạt động của mô hình theo quy định; tham gia sinh hoạt, tọa đàm, trao đổi, học tập, tập huấn chuyên đề về pháp luật, PCCC và các hoạt động khác của mô hình. Thảo luận, biểu quyết các vấn đề liên quan đến kế hoạch, phương hướng hoạt động của mô hình.

2. Được kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở thành viên hộ gia đình thuộc Tổ liên gia thực hiện các quy định về PCCC và CNCH.

3. Huy động người và phương tiện của tổ liên gia khi chữa cháy, CNCH.

Điều 8. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Tập thể, hộ gia đình và thành viên Tổ liên gia an toàn PCCC có thành tích xuất sắc trong hoạt động PCCC được đề nghị cấp có thẩm quyền xét khen thưởng theo quy định của Nhà nước.

2. Tổ trưởng, thành viên tổ liên gia không chấp hành nội quy, quy định về PCCC và CNCH hoặc không chấp hành lệnh điều động làm nhiệm vụ PCCC, CNCH gây thiệt hại về người và tài sản của nhà nước, cá nhân thì tùy theo mức độ thiệt hại để xem xét xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương III.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9. Trách nhiệm thi hành

Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký và được phổ biến đến tất cả các thành viên Tổ liên gia an toàn PCCC biết và thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu phát sinh vấn đề khó khăn, vướng mắc phản ánh về Ủy ban nhân dân ... để thống nhất chỉ đạo, hướng dẫn./.

 


Nơi nhận:
- …
- Lưu: VP...

CHỦ TỊCH




 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 176/KH-UBND năm 2022 về xây dựng mô hình "Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy và điểm chữa cháy công cộng" do Ủy ban nhân dân Quận 11, thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 176/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 29/07/2022
  • Nơi ban hành: Quận 11
  • Người ký: Trần Thúc Chương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/07/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản