Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 176/KH-UBND | An Giang, ngày 31 tháng 3 năm 2022 |
PHÁT TRIỂN CƠ GIỚI HÓA CHO CÁC NGÀNH HÀNG NÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC CỦA TỈNH GIAI ĐOẠN TỪ NAY ĐẾN NĂM 2030
Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 04/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển cơ giới hóa cho các ngành hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2030, cụ thể như sau:
I. THỰC TRẠNG CƠ GIỚI HÓA MỘT SỐ NGÀNH HÀNG NÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC CỦA TỈNH
1. Ứng dụng cơ giới hóa trên lúa
Thời gian qua tỉnh An Giang đã không ngừng đưa các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa như chương trình xã hội hóa công tác giống, 3G3T, 1P5G ... trong đó có cơ giới hóa (CGH), tự động hóa góp phần đáng kể trong việc giảm chi phí và nâng cao chất lượng và hiệu quả cho người trồng lúa.
- Khâu làm đất được CGH hoàn toàn (trên 99%), với tổng số 4.732 máy cày, máy xới các loại (trong đó có 06 thiết bị, phục vụ khoảng 0,5% diện tích trồng lúa).
- Khâu gieo trồng có 1.998 dụng cụ sạ hàng kéo tay, 02 dụng cụ sạ hàng có động cơ và 18 máy cấy (chủ yếu phục vụ tại các THT/HTX/DN sản xuất lúa giống, chiếm 24% diện tích sản xuất lúa giống).
- Khâu chăm sóc cũng được CGH cao, ước tính hiện có 5.237 máy bón phân và 15.586 máy phun thuốc có động cơ, nâng tỷ lệ nông dân bón phân và phun thuốc có sử dụng động cơ lên đến hơn 90% (trong đó có 64 máy bay phun thuốc tập trung nhiều ở các huyện Tri Tôn, Châu Thành, Thoại Sơn, Châu Phú).
- Khâu thu hoạch và bảo quản có 1.952 máy GĐLH, đáp ứng được 98% diện tích thu hoạch bằng máy và 1.069 lò sấy, công suất sấy trung bình từ 20 đến 45 tấn/mẻ, đáp ứng sấy khoảng 75% sản lượng lúa của tỉnh (trong đó có các doanh nghiệp lớn: Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Angimex, Afiex, … đầu tư lò sấy hiện đại có công suất hàng trăm tấn/ngày (500 tấn/ngày) để phục vụ sấy lúa vùng nguyên liệu ở những cánh đồng lớn trong điều kiện sản xuất và thu hoạch tập trung).
- Về sử dụng phụ phẩm, nông dân trong tỉnh cũng đã đầu tư khoảng 171 máy cuốn rơm các loại, đáp ứng khoảng 25% lượng rơm thu gom được trong sản xuất lúa, tương đương khoảng 0,75 triệu tấn góp phần giảm thiểu môi trường cũng như có thể tận dụng nguồn phụ phẩm này phục trồng nấm, rau màu và chăn nuôi.
2. Ứng dụng cơ giới hóa trên rau màu, cây ăn trái
- Các khâu còn lại như gieo trồng, chăm sóc, bón phân, phun thuốc, thu hoạch và sơ chế chủ yếu bằng thủ công mặc dù gần đây nông dân có đầu tư cơ giới hóa nhưng còn khá hạn chế.
3. Ứng dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi: Tổng đàn vật nuôi có xu hướng giảm so với trước đây (do giá cả biến động và dịch bệnh), cùng với quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên rất khó ứng dụng các giải pháp CGH, chủ yếu áp dụng ở các trại chăn nuôi quy mô lớn.
Chăn nuôi bò: hiện có 474 trại, chuồng trại không có hệ thống ăn uống tự động. Trong đó, có 168 trại (35,4%) có đầu tư máy băm cây thức ăn gia súc. đầu tư máy bơm nước rửa chuồng có 252 trại (53,2%), đầu tư máy phun khử trùng có 06 trại (1,3%). Đa số các trại chăn nuôi bò chưa có hệ thống xử lý biogas. Các trại chủ yếu chăn nuôi bò thịt, vỗ béo và bán đi nên không có đầu tư hệ thống giết mổ.
Chăn nuôi heo: hiện có 170 trại. Chỉ có 08 trại (4,7%) đầu tư chuồng với hệ thống thông gió, làm mát. Có 73 trại (42,9%) đầu tư hệ thống ăn uống tự động. Máy trộn và chế biến thức ăn không có. Máy phun khử trùng có 25 trại (14,7%) đầu tư. Biogas có 120 trại (70,6%) đầu tư.
Chăn nuôi gia cầm: hiện có 183 trại. Chỉ có 05 trại (3,2%) đầu tư chuồng với hệ thống thông gió, làm mát. Có 06 trại (3,3%) đầu tư hệ thống ăn uống tự động. Máy phun khử trùng có 06 trại (3,3%) đầu tư. Máy bơm nước rửa chuồng chỉ 01 trại đầu tư.. Các trại chăn nuôi gia cầm không sử dụng hầm Biogas để xử lý chất thải chăn nuôi mà chủ yếu sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nền chuồng.
4. Ứng dụng cơ giới hóa trong nuôi trồng thủy sản
Cơ giới hóa trong nuôi trồng thủy sản (NTTS), đối tượng chủ lực là cá tra tập trung ở hình thức là nuôi ao là chủ yếu. Hiện các cơ sở trang bị cơ bản đảm bảo phục vụ trong hoạt động sản xuất theo quy mô nuôi bao gồm: bơm nước, bơm điện, máy cung cấp oxy, ozone, thiết bị tạo dòng chảy (xa quạt nước), máy phối trộn thức ăn, máy cho ăn bán tự động, máy cho ăn tự động, hệ thống nhà kín (Green house), hệ thống RAS, máy năng lượng mặt trời…. Đối với các cơ sở nuôi lớn, vùng nuôi doanh nghiệp thì việc đầu tư trang thiết bị CGH trong quá trình sản xuất luôn được quan tâm đầu tư để tối ưu hóa sản xuất, năng suất nhằm cao hiệu quả kinh tế. Về phần nông hộ nuôi đa số chưa đầu tư ứng dụng CGH, các công đoạn đều làm bằng thủ công.
Nhìn chung, thời gian qua nhờ có nhiều chủ trương, chính sách như hỗ trợ tín dụng đầu tư máy móc, thiết bị, hệ thống kho chứa .... nên việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trong đó có lĩnh vực CGH, tự động hóa được được đẩy mạnh. Tuy nhiên, việc cung cấp các dịch vụ CGH, tự động hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp thông qua các HTX/THT chưa nhiều, chủ yếu ứng dụng trong lĩnh vực lúa gạo. Các ngành hàng nông sản chủ lực khác bước đầu được quan tâm nhưng còn khá hạn chế do: (1) điều kiện sản xuất quy mô còn nhỏ, lẻ; (2) chính sách còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ nên các doanh nghiệp, cơ sở cơ khí địa phương tiếp cận chưa nhiều đặc biệt từ nguồn vốn vay; (3) thiếu đầu tư, nghiên cứu cơ bản các thiết bị cơ khí, tự động hóa, các phần mềm, server (nội địa hóa, không lệ thuộc nước ngoài); (4) việc đầu tư mua sắm thiết bị máy móc phục vụ sản xuất còn mang tính tự phát, thiếu vốn để đầu tư; (5) khâu vận hành và sửa chữa chưa được đầu tư bài bản, nông dân và các thợ cơ khí địa phương chưa được đào tạo, tập huấn kỹ thuật từ các đơn vị đào tạo chuyên nghiệp, dẫn đến việc thực hiện quy trình chăm sóc, bảo dưỡng còn hạn chế, làm giảm chất lượng và tuổi thọ của máy; (6) Cơ sở hạ tầng nông thôn một số nơi vẫn chưa đảm bảo cho các phương tiện cơ giới lớn vận chuyển phục vụ sản xuất. Hạ tầng viễn thông đặc biệt khai thác dữ liệu lớn dùng chung, dữ liệu thông tin về đất đai, thổ nhưỡng, thời tiết khí hậu phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa được đầu tư nhiều và chưa được tích hợp ứng dụng tự động hóa trong quản lý và sản xuất theo xu hướng chuyển đổi số. Do đó, với hiện trạng trên thì trong thời gian tới, việc đầu tư và đề ra các giải pháp đẩy mạnh phát triển cơ giới hóa cho các ngành hàng nông nghiệp chủ lực, tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh nhằm thực hiện mục tiêu cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa với cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, phát triển nông nghiệp toàn diện là rất cần thiết.
* MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2030
a) Mục tiêu chung
- Đẩy mạnh CGH đồng bộ, từng bước tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện của từng vùng, loại cây trồng, vật nuôi nhất là những vùng sản xuất quy mô lớn, tập trung để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giảm tổn thất trong nông nghiệp.
- Phát triển CGH gắn với thực hiện tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp và thị trường tiêu thụ, phát triển bền vững, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
- Từng bước mở rộng việc ứng dụng công nghệ CGH hiện đại, tự động hóa vào sản xuất ngành hàng chủ lực từ công đoạn gieo sạ đến thu hoạch và sau thu hoạch nhằm giảm chi phí và giá thành sản xuất.
b) Mục tiêu cụ thể
- Có 05-07 mô hình trình diễn ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất các mặt hàng chủ lực của tỉnh đến năm 2030.
- Xây dựng chính sách đặc thù về áp dụng công nghệ mới, phát triển cơ giới hóa tỉnh An Giang đến năm 2030.
- Đến năm 2030 tại các vùng chuyên canh quy mô lớn cơ bản hình thành và hoạt động có hiệu quả các THT/HTX cung cấp các dịch vụ kỹ thuật về CGH, tự động hóa phục vụ sản xuất đối với từng ngành hàng chủ lực của tỉnh.
- Đến năm 2030 mức độ cơ giới hóa bình quân sản xuất sản phẩm chủ lực như sau:
a) Trồng trọt (lúa, rau màu):
Khâu làm đất: 95%.
Khâu gieo trồng: 90%.
Khâu chăm sóc (tưới tiêu, phun thuốc BVTV): 98%.
Khâu thu hoạch: 100% (chủ yếu áp dụng đối với cây lúa).
Khâu vận chuyển: 98%.
Khâu bảo quản đạt 35% (áp dụng xây dựng kho cơ giới đối với vùng canh tác tập trung có diện tích lớn....).
b) Chăn nuôi:
Trang trại, nông hộ có hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống tự động: 90%.
Trang trại, nông hộ có hệ thống vệ sinh chuồng trại (máy bơm, hệ thống vệ sinh chuồng tự động): 70%.
Khâu chế biến thức ăn thô (chủ yếu trong chăn nuôi bò) tỷ lệ cơ giới hóa đạt 70%.
Khâu giết mổ: 100% giết mổ treo, trong đó bằng dây chuyền bán tự động và tự động: 50%.
c) Về nuôi trồng thủy sản:
Tăng cường ứng dụng CGH, tự động hóa trong lĩnh vực sản xuất giống, nuôi thương phẩm, giám sát, quan trắc môi trường nước nuôi trồng thủy sản, phấn đấu đến năm 2030 đạt 50% cơ sở nuôi (sản xuất giống, nuôi thương phẩm) ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong hoạt động sản xuất. Xây dựng được 11 hệ thống giám sát, quan trắc môi trường nước tự động tại các vùng nuôi thủy sản tập trung tại các huyện, thị xã, thành phố.
- Tiếp tục hỗ trợ vốn cho nông dân quy mô trang trại, THT, HTX đầu tư trang thiết bị phục vụ CGH trên lúa như máy san phẳng mặt ruộng bằng tia lazer, máy cày, máy cấy, máy bay phun thuốc không người lái (drone), máy phun thuốc mặt đất bán tự động, máy GĐLH và máy cuốn rơm.
- Đầu tư nghiên cứu ứng dụng và xây dựng các mô hình trình diễn về CGH và tự động hóa từ khâu san phẳng mặt ruộng, đắp bờ, làm đất đến gieo trồng, quản lý cỏ dại, tưới tiêu, phun thuốc, bón phân, thu hoạch, xử lý rơm rạ, vận chuyển và bảo quản sau thu hoạch.
- Tổ chức tập huấn, đào tạo về kỹ năng vận hành và sửa chữa các thiết bị CGH, tự động hóa cho các cơ sở cơ khí tại địa phương và người vận hành máy. Tổ chức hội thảo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nông dân trồng lúa về hiệu quả của chương trình CGH và tự động hóa để nhân rộng các mô hình trình diễn.
- Tiếp tục hỗ trợ vốn cho nông dân quy mô trang trại, THT, HTX đầu tư nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới phun sương.
- Nghiên cứu phát triển các loại máy móc phục vụ sản xuất rau màu quy mô nhỏ và vừa như máy vun luống, máy gieo trồng (tỉa hạt), máy bón phân, máy phun thuốc, máy thu hoạch cho một số cây trồng chủ lực như đậu nành, bắp, mè.
- Đầu tư nghiên cứu ứng dụng và xây dựng các mô hình trình diễn về CGH và tự động hóa từ khâu thiết kế đồng ruộng đến làm đất, gieo trồng, quản lý cỏ dại, tưới tiêu, phun thuốc, bón phân, thu hoạch, xử lý thân cây sau thu hoạch, rửa, phân loại, sơ chế, vận chuyển và bảo quản sau thu hoạch. Tập trung vào một số loại cây màu chủ lực như dưa, rau, đậu, bắp, mè.
- Tổ chức tập huấn, đào tạo về kỹ năng vận hành và sửa chữa các thiết bị CGH, tự động hóa cho các cơ sở cơ khí tại địa phương và người vận hành máy. Tổ chức hội thảo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nông dân trồng rau màu về hiệu quả của chương trình CGH và tự động hóa để nhân rộng các mô hình trình diễn.
- Nghiên cứu phát triển các loại máy móc phục vụ sản xuất cây ăn trái quy mô nhỏ và vừa như máy vun luống, máy bón phân, máy phun thuốc, máy thu hoạch cho một số cây trồng chủ lực như xoài và cây có múi.
- Xây dựng các mô hình trình diễn về CGH và tự động hóa từ khâu thiết kế vườn đến gieo trồng, tỉa cành tạo tán, quản lý cỏ dại, tưới tiêu, phun thuốc, bón phân, thu hoạch, rửa, phân loại, sơ chế, vận chuyển và bảo quản sau thu hoạch. Tập trung vào một số loại cây trái chủ chủ lực như xoài, chuối và cây có múi.
- Tổ chức tập huấn, đào tạo về kỹ năng vận hành và sửa chữa các thiết bị CGH, tự động hóa cho các cơ sở cơ khí tại địa phương và người vận hành máy. Tổ chức hội thảo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nông dân trồng cây ăn trái về hiệu quả của chương trình CGH và tự động hóa để nhân rộng các mô hình trình diễn.
- Đối với chăn nuôi quy mô nhỏ, tập trung hỗ trợ người chăn nuôi xây dựng các hầm ủ biogas, các phương pháp xử lý chất thải chăn nuôi quy mô nông hộ.
- Đối với chăn nuôi quy mô vừa, đầu tư nghiên cứu ứng dụng và xây dựng các mô hình trình diễn về CGH và (bán) tự động hóa từ khâu thiết kế chuồng trại đến chăm sóc, chế biến (kể cả trộn và băm nhuyễn) thức ăn, hệ thống máng ăn máng uống, quản lý dịch bệnh, xử lý chất thải. Tập trung vào một số vật nuôi chủ lực như bò, heo và gia cầm.
- Đối với chăn nuôi quy mô lớn, hỗ trợ vốn cho nông dân đầu tư chuồng trại, máy trộn thức ăn heo và gia cầm, máy trộn thức ăn TMR cho bò, máng ăn và máng uống tự động.
- Đầu tư lò giết mổ trang bị CGH và tự động hóa một cách đồng bộ (hệ thống giết mổ treo).
- Tổ chức tập huấn, đào tạo về kỹ năng vận hành và sửa chữa các thiết bị CGH, tự động hóa cho các cơ sở cơ khí tại địa phương và người vận hành máy. Tổ chức hội thảo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người nuôi về hiệu quả của chương trình CGH và tự động hóa để nhân rộng các mô hình trình diễn, nhất là khâu xử lý môi trường trong chăn nuôi.
5. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản
- Tiếp tục hỗ trợ cho các hộ nuôi quy mô trang trại, THT, HTX đầu tư thiết bị CGH cho nuôi trồng thủy sản gồm sản xuất giống cá tra (thiết bị máy đếm cá bột, cá giống tự động; hệ thống, thiết bị xử lý nước, lọc nước tự động, hệ thống nhà kín (Greenhouse), hệ thống năng lượng mặt trời; hệ thống cung cấp oxy, ozone…); nuôi thủy sản thương phẩm (thiết bị cho ăn tự động, thiết bị thả giống, thu hoạch cá tự động; thiết bị xa quạt nước tự động; thiết bị công nghệ bể tròn tự động; hệ thống nuôi RAS tự động, thiết bị quan trắc môi trường ao nuôi tự động…). Đồng thời đầu tư hệ thống giám sát, quan trắc môi trường nước tự động tại các vùng nuôi cá tra tập trung.
- Tổ chức tập huấn, đào tạo về kỹ năng vận hành và sửa chữa các thiết bị CGH, tự động hóa cho các cơ sở cơ khí tại địa phương và người vận hành máy. Tổ chức hội thảo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người nuôi về hiệu quả của chương trình CGH và tự động hóa để nhân rộng các mô hình trình diễn, nhất là khâu quản lý và xử lý môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản.
IV. CÁC GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH CƠ GIỚI HÓA NÔNG NGHIỆP CHO CÁC NGÀNH HÀNG NÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC
- Xác định tiềm năng, lợi thế của từng vùng, lựa chọn loại máy móc, thiết bị nông nghiệp phù hợp với cây, con cụ thể. Thực hiện các giải pháp tích tụ tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và cơ giới hoá đồng bộ;
- Đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng viễn thông dùng chung, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phù hợp với việc đưa máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất: Quy hoạch, cải tạo, san phẳng đồng ruộng, kiên cố hóa hệ thống tưới, tiêu; giao thông nội đồng và giao thông nông thôn;
- Tạo môi trường thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh; tập trung hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ, đào tạo, phát triển thị trường và khuyến nông; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp thông tin, dịch vụ phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống nông dân.
- Củng cố, phát triển các HTX nông nghiệp trên địa bàn; HTX phải đóng vai trò là chủ thể tích cực trong ứng dụng CGH, tự động hóa vào sản xuất, thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.
- Xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hoá đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh phù hợp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Áp dụng tiêu chuẩn chất lượng quốc gia, quốc tế (VietGAP, GlobalGAP,…) để tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao. Hình thành các tổ chức dịch vụ cơ giới ở nông thôn, phân công lại lao động để nâng cao hiệu quả của việc áp dụng cơ giới hóa. Đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về cơ điện nông nghiệp thông qua các mô hình khuyến công, khuyến nông trong nông nghiệp.
- Hình thành các vùng sản xuất tập trung để đưa CGH vào sản xuất; tuyên truyền, khuyến khích các THT, HTX nông nghiệp, nông hộ quy mô trang trại liên kết với doanh nghiệp cơ khí để sử dụng tối đa công suất máy móc trong các khâu sản xuất, thu hoạch, vận chuyển nhằm đẩy mạnh, phát huy hiệu quả của chương trình CGH nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Đẩy mạnh áp dụng CGH đồng bộ ở tất cả các khâu sản xuất, thu hoạch phù hợp với điều kiện từng vùng, từng loại cây trồng, vật nuôi. Phát triển các tổ chức kinh doanh dịch vụ CGH nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp.
- Xây dựng mô hình trình diễn ứng dụng CGH đồng bộ trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản tại các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; sau khi kết thúc mô hình có tổ chức hội thảo đầu bờ để tuyên truyền, phổ biến cho nông dân trong vùng thấy được hiệu quả kinh tế, khả năng tiết kiệm lao động của mô hình CGH trong sản xuất nông nghiệp và hiệu quả của ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất.
- Triển khai thực hiện Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018 về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, trong đó các loại máy kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, các loại máy canh tác, … thuộc danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm được ưu tiên đầu tư phát triển giai đoạn 2017 - 2025.
- Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ phù hợp cho các dự án cơ khí quy mô vừa và nhỏ; phát triển các thiết bị xây dựng nhà màng, nhà lưới, nhà kính và các công nghệ, thiết bị khác phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
- Ưu tiên hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ KH&CN thuộc lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp. Chú trọng đề xuất, đặt hàng, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN thuộc lĩnh vực cơ giới hoá phù hợp phục vụ phát triển nông nghiệp của tỉnh trong đó ưu tiên lựa chọn 01-02 doanh nghiệp có tiềm lực để đầu tư nghiên cứu, từng bước làm chủ công nghệ và triển khai nhân rộng trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện tại An Giang.
- Quan tâm nghiên cứu, cải tiến và các loại nông cụ, máy móc, thiết bị và giao đến người sản xuất, tổ/nhóm và HTX, doanh nghiệp ở nông thôn về cung ứng dịch vụ CGH, tự động hóa trong điều kiện sản xuất hiện tại cho quy mô nông hộ nhỏ và từng bước hình thành và phát triển áp dụng ở quy mô lớn trong tương lai.
- Phối hợp với các viện, trường, đơn vị có liên quan khảo sát, đánh giá, lựa chọn công nghệ, thiết bị, máy móc phù hợp để hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao, đổi mới cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu.
- Hướng dẫn, hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp dưới dạng sáng chế hoặc giải pháp hữu ích đối với những sản phẩm sáng tạo của nông dân.
4. Nâng cao năng lực phục vụ nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng và vận hành máy nông nghiệp
- Phát triển nguồn nhân lực chủ chốt cho các dịch vụ cơ điện ở nông thôn, nâng cao trình độ sản xuất, kết nối số của nông dân.
- Thu hút doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo của các trường đại học, cao đẳng để gắn kết giữa đào tạo với thực tiễn, và cơ hội việc làm.
- Liên kết với các tổ chức nghiên cứu, các trường đại học nước ngoài để trao đổi sinh viên của Việt Nam với các nước nâng cao hiệu quả quá trình đào tạo.
- Đào tạo, tập huấn kỹ thuật sản xuất tiên tiến ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất cho nông dân, THT, HTX và các doanh nghiệp để cập nhật thông tin về các giải pháp công nghệ mới đối với CGH, tự động hóa trong nông nghiệp; kỹ năng vận hành và sửa chữa các thiết bị CGH, tự động hóa cho các cơ sở cơ khí tại địa phương và người vận hành máy.
- Đào tạo nguồn nhân lực, thu hút đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ phục vụ công tác nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cũng như năng lực ngoại ngữ để làm việc với doanh nghiệp, đối tác nước ngoài.
- Tổ chức khảo sát, trao đổi kinh nghiệm từ các tổ chức, tập thể, HTX, doanh nghiệp thành công về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong và ngoài nước.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiếp cận chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp (Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp và các chính sách về CGH, tự động hóa hiện hành).
- Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách của Trung ương về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong đó chú trọng đến các yếu tố như: Triển khai các văn bản pháp luật đến các nhà đầu tư, có những chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, thủ tục hành chính đơn giản và nhanh chóng, hỗ trợ khi doanh nghiệp cần.
- Huy động các nguồn lực xã hội, thúc đẩy hình thức đầu tư theo đối tác công tư, nhằm từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, phục vụ nhu cầu sản xuất hàng hóa và hội nhập quốc tế.
- Tiếp tục triển khai hiệu quả Quyết định số 71/2019/QĐ-UBND ngày 23/12/2019 của UBND tỉnh quy định hỗ trợ thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ trên địa bàn tỉnh An Giang để hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân đổi mới công nghệ sản xuất phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
6. Rà soát, bổ sung hoàn thiện chính sách và vốn đầu tư
- Rà soát, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách về cơ điện nông nghiệp trong nghiên cứu khoa học công nghệ; các tổ chức, cá nhân có sáng chế máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Triển khai áp dụng đồng bộ các chính sách hiện hành để hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ CGH, tự động hóa trong nông nghiệp từ nay đến năm 2030.
- Triển khai hiệu quả Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Nghị định 98/2018/NĐ-TTg ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho đối tượng doanh nghiệp trong các ngành cơ khí máy nông nghiệp.
- Thực hiện kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp, HTX, THT, tổ dịch vụ kỹ thuật, trang trại nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đặc biệt là các dự án đầu tư vào CGH nông nghiệp.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ các dự án đầu tư phát triển chế biến nông sản và CGH nông nghiệp, theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP.
V. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN THỰC HIỆN (Chi tiết Phụ lục II đính kèm)
Kinh phí thực hiện Kế hoạch được ngân sách Nhà nước đảm bảo theo phân cấp ngân sách hiện hành; lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình khoa học và công nghệ, các chương trình khuyến công, khuyến nông, các chương trình, đề án, kế hoạch khác có liên quan.
Huy động đóng góp, hỗ trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật để thực hiện Kế hoạch.
Căn cứ vào nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch, các sở, ngành liên quan và các địa phương xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm và lập dự toán theo nhu cầu kinh phí trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện và các cơ quan liên quan tổ chức thống kê, quản lý thiết bị máy móc, cơ giới hóa và tự động hóa trong tỉnh.
- Chủ động nghiên cứu và triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực CGH, tự động hóa. Huy động nguồn lực, phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ, Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh để thực hiện thành công các mô hình trình diễn và triển khai nhân rộng.
- Theo dõi, đôn đốc các sở, ngành, UBND cấp huyện tổ chức triển khai các nội dung kế hoạch này, tổ chức sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện theo yêu cầu của UBND tỉnh.
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các giải pháp đảm bảo nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản, xúc tiến thương mại, mở rộng kênh phân phối, phát triển thương mại điện tử, triển khai các giải pháp đồng bộ để tận dụng tốt các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Triển khai thực hiện Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035. Thực hiện chương trình cơ khí trọng điểm.
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án phát triển logistics gắn với vùng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Xây dựng, đẩy mạnh triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp, trong đó tập trung vào công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản và CGH đồng bộ trong nông nghiệp.
- Tham mưu UBND tỉnh cho phép ưu tiên hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp, phục vụ phát triển nông nghiệp của tỉnh.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Bộ tiêu chí về đánh giá năng lực CGH nông nghiệp của tỉnh.
Triển khai thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Căn cứ khả năng cân đối ngân sách, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan, tham mưu UBND tỉnh kinh phí thực hiện Kế hoạch trên cơ sở lồng ghép với các chương trình, kế hoạch, dự án theo phân cấp hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường
Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về đất đai nhằm phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong nông nghiệp; mở rộng hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; thiết lập các cơ chế thuận lợi để hộ nông dân, THT, HTX và doanh nghiệp tiếp cận đất đai hình thành các vùng sản xuất đẩy mạnh CGH, chế biến tập trung.
7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo
- Thường xuyên rà soát tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cấp trình độ: cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên cho lao động đáp ứng nhu cầu nguồn lực tỉnh, trong đó có nhân lực cho lĩnh vực CGH, chế biến, bảo quản nông lâm thuỷ sản phù hợp với từng thời kỳ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp, CGH và tự động hóa; phát triển các chương trình đào tạo và tập huấn cho các đối tượng tham gia quản lý, các doanh nghiệp cơ khí, các hợp tác xã và người vận hành thiết bị; phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ CGH hiệu quả.
8. Sở Thông tin và Truyền thông
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và địa phương triển khai chương trình chuyển đổi số tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trong đó đặc biệt quan tâm thực hiện lồng ghép việc xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông dùng chung phục vụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh góp phần đẩy mạnh ứng dụng CGH, tự động hóa, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.
9. Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ CGH nông nghiệp. Tăng cường kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp, HTX và người dân nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, nhất là các dự án đầu tư vào CGH, tự động hóa.
Tuyên truyền, vận động nông dân tham gia vào các hình thức hợp tác sản xuất để hình thành vùng nguyên liệu tập trung, tạo điều kiện triển khai và nhân rộng mô hình CGH, tự động hóa có hiệu quả. Đồng thời, thực hiện tuyên truyền vận động nông dân thành lập các tổ dịch vụ kỹ thuật, tổ hợp tác và hợp tác xã cung cấp dịch vụ CGH, tự động hóa phục vụ sản xuất, liên kết và tiêu thụ sản phẩm.
11. Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc triển khai lồng ghép và bố trí nguồn lực thực hiện các mô hình CGH, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
12. UBND các huyện, thị xã, thành phố
Xây dựng các chương trình, đề án trọng điểm phát triển CGH đồng bộ trong nông nghiệp phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của từng địa phương, ưu tiên các sản phẩm chủ lực và đặc trưng. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các dự án thí điểm, các chương trình liên quan đến CGH và tự động hóa trên địa bàn một cách hiệu quả. Hàng năm, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức quản lý, thống kê máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp nhằm tạo thuận lợi trong việc giám sát và đánh giá tình hình CGH, tự động hóa trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở Kế hoạch thực hiện Chương trình này, yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công; định kỳ báo cáo 06 tháng (trước 10 tháng 7 cùng năm), báo cáo năm (trước ngày 15/12) hoặc đột xuất kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã và thành phố, cơ quan liên quan gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đề xuất UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh Kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THỰC HIỆN
(Kèm theo Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 31 tháng 3 năm 2022 của UBND tỉnh An Giang)
STT | Nhiệm vụ thực hiện | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | Thời gian thực hiện |
1 | Phổ biến, triển khai, sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện Kế hoạch | Sở Nông nghiệp và PTNT | Các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố | Hàng năm |
2 | Rà soát nhu cầu, đặt hàng nghiên cứu, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực CGH, tự động hóa và đưa ra kết quả nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp đối với các ngành hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh | Sở Khoa học Công nghệ | Sở Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố | Hàng năm |
3 | Đầu tư nghiên cứu cơ bản tiến tới làm chủ công nghệ đối với một số máy móc, thiết bị lĩnh vực CGH, tự động hóa cho 01-02 doanh nghiệp tiềm năng của tỉnh | Sở Khoa học Công nghệ | Sở Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân tỉnh, viện, trường và các đơn vị liên quan | Hàng năm |
4 | Xây dựng chính sách thí điểm về phát triển cơ giới hóa trên địa bàn tỉnh An Giang | Sở Nông nghiệp và PTNT | Sở Công thương, Sở Khoa học Công nghệ, các đơn vị liên quan liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố | Năm 2022 |
5 | Thống kê máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn | Sở Nông nghiệp và PTNT | UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan | Hàng năm |
6 | Hình thành các tổ/nhóm cung cấp dịch vụ CGH, tự động hóa tại các vùng chuyên canh sản xuất các ngành hành nông sản chủ lực với quy mô tập trung | Hội Nông dân tỉnh | Sở Nông nghiệp và PTNT, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố | Hàng năm |
7 | Tổ chức các hoạt động kết nối giữa các tổ chức tín dụng với doanh nghiệp, HTX, THT, tổ dịch vụ kỹ thuật, nông dân quy mô trang trại giúp tiếp cận nguồn vốn tín dụng đầu tư CGH, tự động hóa phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn | Sở Nông nghiệp và PTNT | Hội Nông dân tỉnh, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố | Hàng năm |
8 | Tăng cường liên kết “4 nhà” trong nghiên cứu, sản xuất, vận hành và sửa chữa thúc đẩy phát triển dịch vụ CGH, tự động hóa trên địa bàn tỉnh | Sở Nông nghiệp và PTNT | Sở Khoa học Công nghệ, Sở Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh An Giang, Hội Nông dân tỉnh, viện, trường và các đơn vị liên quan | Hàng năm |
9 | Ưu tiên hỗ trợ các HTX, THT, tổ dịch vụ nông nghiệp, nông dân quy mô trang trại được vay vốn thông qua việc bảo lãnh tín dụng, cấp bù lãi suất, đảm bảo theo quy định hiện hành. | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh An Giang | Hội Nông dân tỉnh và các đơn vị liên quan | Hàng năm |
10 | Bố trí nguồn lực đầu tư thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên thúc đẩy ứng dụng CGH, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại | Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính | Sở Nông nghiệp và PTNT, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố | Hàng năm |
11 | Xây dựng kế hoạch ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trên địa bàn | UBND các huyện, thị xã, thành phố | Sở Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân tỉnh, các ngân hàng thương mại và các đơn vị liên quan | Hàng năm |
CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN
(Kèm theo Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 31 tháng 3 năm 2022 của UBND tỉnh An Giang)
TT | Tên chương trình, dự án | Mục tiêu | Nội dung thực hiện | Đơn vị thực hiện | Thời gian | Ghi chú |
1 | Đánh giá hiệu quả các chương trình, dự án liên quan đến cơ giới hóa và tự động hóa trong nông nghiệp tại An Giang. | - Đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường của của các chương trình, dự án đầu tư liên quan đến cơ giới hóa và tự động hóa trong nông nghiệp tại An Giang. - Đề xuất định hướng nghiên cứu, ứng dụng CGH, tự động hóa phù hợp. | Tập trung vào một số cây con chủ lực như lúa, rau màu, cây ăn trái, nuôi bò, heo, gia cầm và cá tra | Sở Khoa học Công nghệ chủ trì, phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và PTNT và các Sở, ngành và địa phương liên quan | 2022-2023 | Nguồn sự nghiệp Khoa học Công nghệ |
2 | Xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang | Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cơ giới hóa và tự động hóa trong nông nghiệp tại An Giang. | Xây dựng chương trình và tổ chức 20 lớp cho các đối tượng khác nhau gồm cán bộ quản lý, doanh nghiệp cơ khí, xưởng sửa chữa, hợp tác xã, người vận hành máy móc, thiết bị CGH tự động hóa. | Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp cùng Sở LĐTB&XH, Sở Công thương, Sở Khoa học Công nghệ, các Sở, ngành và địa phương liên quan | Giai đoạn 1: 2022 - 2025 Giai đoạn 2: 2026 - 2030 | Lồng ghép nguồn kinh phí từ kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh, chương trình khuyến công, khuyến nông và các chương trình, dự án liên quan khác |
3 | Xây dựng mô hình thí điểm theo phương pháp PTD (Participatory Technology Development - Phát triển kỹ thuật có sự tham gia) cơ giới hóa, tự động hóa động bộ đối với một số ngành hàng nông sản chủ lực của tỉnh | Xây dựng thành công 05 - 07 mô hình trình diễn ứng dụng CGH và tự động hóa trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản | Tập trung 05 - 07 mô hình cho một số ngành hàng nông sản chủ lực (lúa, cây ăn trái, rau màu, chăn nuôi, thủy sản) phù hợp với điều kiện địa phương và tổ chức nhân rộng sau triển khai thông qua các bước tiếp cận chính gồm xác định vấn đề cùng với các bên có liên quan, thảo luận giải pháp phù hợp, triển khai thí điểm, đánh giá hiệu quả | Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp cùng Sở Khoa học Công nghệ, các Sở, ngành và địa phương liên quan | -Giai đoạn 2022 - 2025: xây dựng thí điểm mô hình - Giai đoạn 2026-2030: triển khai nhân rộng | Nguồn sự nghiệp nông nghiệp, chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, chương trình khuyến nông và các chương trình, dự án khác. |
4 | Đầu tư nâng cấp hạ tầng viễn thông phục vụ chuyển đổi số nông nghiệp | Thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý, sản xuất nông nghiệp trong đó có CGH, tự động hóa gắn với truy xuất nguồn gốc dựa trên nền tảng dữ liệu lớn | Đầu tư hệ thống lưu trữ dữ liệu lớn, phần cứng phần, phần mềm dùng chung của tỉnh trong đó có lĩnh vực nông nghiệp | Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học Công nghệ, các Sở, ngành và địa phương liên quan | Giai đoạn 2022-2030 | Lồng ghép thực hiện từ chương trình chuyển đổi số của tỉnh, các chương trình, dự án liên quan khác |
5 | Đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông thủy lợi phục vụ cơ giới hóa tại các vùng sản xuất nông sản chủ lực tập trung | Đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông (đường bộ và đường thủy) phục vụ CGH tại các vùng sản xuất tập trung | Xây dựng nâng cấp các tuyến đê phục vụ giao thông, thủy lợi nội đồng thuận tiện cho máy móc, xe cơ giới di chuyển và hoạt động | Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp cùng Sở, Kế hoạch và Đầu tư, các Sở, ngành và địa phương liên quan | 2022-2030 | Nguồn từ Nghị định 35/2015/NĐ-CP, Nghị định 62/2015/NĐ-CP và các chương trình, dự án liên quan khác |
6 | Xây dựng hệ thống quan trắc tự động môi trường nước tại các vùng nuôi thủy sản tập trung tỉnh An Giang | Quan trắc các yếu tố môi trường nước tự động trong các vùng nuôi tập để cảnh báo, khuyến cáo giải pháp xử lý và chăm sóc phù hợp và hiệu quả. | Xây dựng hệ thống quan trắc môi trường nước tự động trong các yếu tố ảnh hưởng đến nước gồm yếu tố thủy văn, dinh dưỡng, hóa chất độc hại, vi sinh vật gây hại … đại diện cho các vùng nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh. | Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp cùng Sở Khoa học Công nghệ, các Sở, ngành và địa phương liên quan | 2022-2025 | Nguồn kinh phí từ sự nghiệp nông nghiệp, sự nghiệp KHCN, các chương trình, dự án liên quan khác. |
7 | Xây dựng hệ thống thông tin sức khỏe đất (soil healths) và hệ thống cảm biến phục vụ quản lý, xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp và dịch vụ khuyến nông phù hợp tại các địa phương | Thiết lập hệ thống dữ liệu dinh dưỡng, thổ nhưỡng đất đai, thời tiết khí hậu của đến địa bàn cấp huyện phục vụ tốt cho việc CGH, tự động hóa đặc biệt quản lý sản xuất nông nghiệp, cung cấp dịch vụ khuyến nông hiệu quả và nhanh chóng ở các địa phương. | Phân tích yếu tố thổ nhưỡng, đất đai, thời tiết, khí hậu đại diện cho từng vùng sản xuất đến từng sản xuất tập trung của các địa phương | Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp cùng Sở Khoa học Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông, các Sở, ngành và địa phương liên quan. | Giai đoạn 2022 - 2030 | Nguồn sự nghiệp nông nghiệp, Sự nghiệp KHCN và các chương trình, dự án khác |
Ghi chú: Danh mục chương trình, dự án nêu trên sẽ được xem xét phê duyệt tùy theo tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách của tỉnh cũng như sẽ được tính toán, xác định cụ thể trong từng giai đoạn thực hiện chương trình dự án.
- 1Kế hoạch 188/KH-UBND năm 2020 thực hiện Chỉ thị 25/CT-TTg về nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp do tỉnh Thanh Hóa ban hành
- 2Kế hoạch 12768/KH-UBND năm 2021 triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh cơ giới hóa, giảm tổn thất trong nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” giai đoạn 2021-2025
- 3Kế hoạch 74/KH-UBND năm 2022 về phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2022-2025 do thành phố Hà Nội ban hành
- 4Kế hoạch 300/KH-UBND năm 2022 về sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (Good Agricultural Practices - GAP) gắn với truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022-2025
- 5Kế hoạch 309/KH-UBND năm 2022 về phát triển ngành hàng cá tra tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025
- 6Kế hoạch 4177/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 7Kế hoạch 217/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quyết định 858/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- 8Kế hoạch 279/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quyết định 858/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hoá nông nghiệp và chế biến nông lâm thuỷ sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
- 9Kế hoạch 9705/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030
- 10Quyết định 251/QĐ-UBND năm 2023 về Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
- 1Quyết định 68/2013/QĐ-TTg chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa
- 3Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn
- 4Luật ngân sách nhà nước 2015
- 5Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn
- 6Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
- 7Quyết định 319/QĐ-TTg năm 2018 về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
- 9Nghị định 62/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa
- 10Quyết định 71/2019/QĐ-UBND quy định về hỗ trợ thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ trên địa bàn tỉnh An Giang
- 11Chỉ thị 25/CT-TTg năm 2020 về nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 12Kế hoạch 188/KH-UBND năm 2020 thực hiện Chỉ thị 25/CT-TTg về nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp do tỉnh Thanh Hóa ban hành
- 13Kế hoạch 12768/KH-UBND năm 2021 triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh cơ giới hóa, giảm tổn thất trong nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” giai đoạn 2021-2025
- 14Kế hoạch 74/KH-UBND năm 2022 về phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2022-2025 do thành phố Hà Nội ban hành
- 15Kế hoạch 300/KH-UBND năm 2022 về sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (Good Agricultural Practices - GAP) gắn với truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022-2025
- 16Kế hoạch 309/KH-UBND năm 2022 về phát triển ngành hàng cá tra tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025
- 17Kế hoạch 4177/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 18Kế hoạch 217/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quyết định 858/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- 19Kế hoạch 279/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quyết định 858/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hoá nông nghiệp và chế biến nông lâm thuỷ sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
- 20Kế hoạch 9705/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030
- 21Quyết định 251/QĐ-UBND năm 2023 về Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
Kế hoạch 176/KH-UBND năm 2022 về phát triển cơ giới hóa cho các ngành hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2030 do tỉnh An Giang ban hành
- Số hiệu: 176/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 31/03/2022
- Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
- Người ký: Trần Anh Thư
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra