Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1739/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 25 tháng 9 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

RÀ SOÁT HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO GIAI ĐOẠN 2016-2020 VÀ CHUẨN BỊ TỔNG ĐIỀU TRA HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO THEO CHUẨN NGHÈO DỰ KIẾN ÁP DỤNG CHO GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Công văn số 3354/LĐTBXH-VPQGGN ngày 28/8/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc xây dựng kế hoạch tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành Kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 và chuẩn bị tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo dự kiến áp dụng cho giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Rà soát, xác định lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo đến thời điểm cuối năm 2020 để đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2020 và giai đoạn 2016-2020 của các địa phương, cơ sở và toàn tỉnh theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020;

- Chuẩn bị tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.

2. Yêu cầu

- Việc điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo phải đảm bảo đúng quy trình, phương pháp, đảm bảo trung thực, công khai, minh bạch công bằng, dân chủ và có sự tham gia của người dân, tạo sự đồng thuận của người dân nhằm xác định đúng đối tượng, phản ánh đúng thực trạng đời sống nhân dân địa phương.

- Điều tra viên phải là người hiểu biết tình hình dân cư tại địa bàn, trực tiếp phỏng vấn, thu thập thông tin của từng hộ và phản ánh đúng tình hình thu nhập của hộ theo các tiêu chí quy định tại phiếu điều tra. Người cung cấp thông tin là chủ hộ hoặc người hiểu và nắm được các thông tin yêu cầu của phiếu điều tra.

- Có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở địa phương, cơ sở; phải căn cứ tiêu chí chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo hiện hành; rà soát từ khu dân cư, trực tiếp đối với từng hộ gia đình.

- Kết thúc cuộc điều tra, từng địa phương phải xác định được chính xác số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và các thành viên thuộc hộ đầy đủ thông tin để theo dõi, quản lý, báo cáo cấp trên phê duyệt, công nhận; phải phân loại được hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo các tiêu chí quy định của Trung ương.

- Đảm bảo tiến độ và thời gian kết thúc cuộc rà soát, điều tra theo kế hoạch chung của tỉnh.

II. TIÊU CHÍ, QUY TRÌNH

1. Đối với rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn giai đoạn 2016-2020

a) Tiêu chí: Theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2016-2020.

b) Đối tượng, phạm vi, địa bàn

- Đối tượng: tất cả các hộ gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống trên địa bàn có đến thời điểm rà soát (bao gồm cả số phát sinh trong năm 2020 và số có đơn đến thời điểm rà soát nhưng chưa xử lý).

- Phạm vi: Trên địa bàn toàn tỉnh.

- Địa bàn: Thôn/bản/tổ dân phố; xã/phường/thị trấn của các huyện, thị xã, thành phố.

c) Phương pháp: Thực hiện rà soát thông qua các phương pháp đánh giá, chấm điểm tài sản, thu thập thông tin đặc điểm, điều kiện sống của hộ gia đình để ước lượng thu nhập (trên cơ sở phân tích kết quả thống kê và điều tra mức sống hộ gia đình, thực hiện quy đổi từ mức thu nhập bình quân đầu người trên tháng sang các mức điểm số tương ứng khi thực hiện rà soát và đánh giá tài sản theo quy trình ban hành tại Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016 và Thông tư số 14/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26/9/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của gia đình.

Công tác điều tra thu thập số liệu ở các hộ sẽ được thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp. Điều tra viên phải đến từng hộ để trực tiếp hỏi người cung cấp thông tin và ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu điều tra.

d) Quy trình và các biểu mẫu: Thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 17 và Thông tư số 14, cụ thể:

Bước 1: Xác định, lập danh sách các hộ gia đình cần rà soát

Bước 2: Tổ chức rà soát, lập danh sách phân loại hộ gia đình.

Bước 3: Tổ họp dân thống nhất kết quả rà soát.

Bước 4: Niêm yết công khai danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo.

Bước 5: Báo cáo, xin ý kiến thẩm định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Bước 6: Công nhận danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo trên địa bàn.

Bước 7: Ủy ban nhân cấp xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn sau khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định công nhận danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

Bước 8: Cập nhật thông tin về hộ nghèo, hộ cận nghèo (số biến động năm 2020) vào phần mềm quản lý.

đ) Báo cáo kết quả: Các địa phương báo cáo kết quả rà soát theo các biểu mẫu tại Công văn số 1272/SLĐTBXH-BTXHTE ngày 09/9/2019 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) trước ngày 31/10/2020.

2. Đối với tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn giai đoạn 2021-2025

Sau khi Chính phủ ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2021-2025 và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hướng dẫn điều tra, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan Chủ trì Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững)

- Tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Giám sát tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025 khi có các văn bản quy định, hướng dẫn mới của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan.

- Triển khai thực hiện công tác rà soát, điều tra; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện rà soát, điều tra.

- Tổng hợp kết quả rà soát, điều tra, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.

- Phối hợp với Sở Tài chính xây dựng dự toán kinh phí tổng điều tra.

2. Cục Thống kê

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các địa phương trong quá trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh; thẩm định kết quả rà soát, điều tra trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Chỉ đạo, hướng dẫn Chi cục Thống kê cấp huyện cung cấp số liệu hộ dân cư chính thức của từng xã, phường, thị trấn để làm cơ sở tính tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm đảm bảo tính chính xác và thống nhất số liệu.

3. Sở Tài chính: Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh: Chỉ đạo mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2020 và giai đoạn 2021-2025; tổ chức giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện tại địa phương, cơ sở.

5. Các sở, ban, ngành, đoàn thể thành viên Ban chỉ đạo tỉnh: tham gia chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác rà soát, điều tra tại các địa phương theo tiến độ thực hiện và lồng ghép công tác chuyên môn, kịp thời đôn đốc các địa phương tổ chức thực hiện theo quy định.

6. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức thông tin, tuyên truyền nội dung của Kế hoạch để các cơ quan, ban, ngành đoàn thể, người dân biết và cùng tham gia, góp phần triển khai thực hiện công tác rà soát, điều tra đảm bảo tính chính xác, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

a) Thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực để tham mưu thực hiện các nhiệm vụ: Xây dựng và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành kế hoạch, chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức rà soát, điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn; phân công cán bộ theo dõi, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc quá trình tổ chức điều tra, đảm bảo đúng tiến độ, quy trình, tổng hợp và báo cáo kết quả rà soát, điều tra về Ban chỉ đạo tỉnh đúng thời gian quy định.

b) Thành lập Tổ giám sát điều tra, rà soát; mời Mặt trận tổ quốc tham gia giám sát trong quá trình thực hiện.

c) Bố trí kinh phí tổ chức thực hiện công tác rà soát, điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn;

d) Kiểm tra và tổ chức thẩm định kết quả rà soát, điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo của cấp xã; trong trường hợp nhận thấy kết quả rà soát, điều tra chưa phản ánh đúng với tình hình thực tế của địa phương hoặc khi có đơn thư khiếu nại... thì tổ chức phúc tra kết quả rà soát trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt;

đ) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt kết quả rà soát, điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) theo đúng thời gian quy định tại Kế hoạch này.

e) Cập nhật thông tin về hộ nghèo, hộ cận nghèo vào phần mềm quản lý làm cơ sở thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo trong năm.

8. Ủy ban nhân dân cấp xã

a) Thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo; phổ biến, tuyên truyền, mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của công tác rà soát, tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo trên các phương tiện truyền thông, nâng cao trách nhiệm tham gia của người dân và của toàn xã hội, giúp cho công tác rà soát, tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo chất lượng, thời gian quy định; xây dựng phương án, kế hoạch, điều tra và bố trí kinh phí thực hiện.

b) Tổ chức lực lượng tham gia công tác rà soát, điều tra, lựa chọn điều tra viên có kinh nghiệm, am hiểu về đánh giá thu nhập, chi tiêu của hộ và tài sản gia đình; thông thuộc địa bàn dân cư sinh sống.

c) Tổ chức điều tra, rà soát đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, có sự tham gia của người dân, phản ánh đúng thực trạng đời sống nhân dân trên địa bàn.

d) Tổng hợp, phân loại và lập danh sách chi tiết đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo trên địa bàn sau khi có kết quả rà soát, điều tra chính thức. Trên cơ sở kết quả rà soát, điều tra, báo cáo kết quả để Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, thẩm định, phê duyệt kết quả rà soát, điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

đ) Cập nhật thông tin về hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và báo cáo đánh giá kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo trong năm.

Trên đây là Kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 và chuẩn bị tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo dự kiến áp dụng cho giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, khó khăn kịp thời phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để được xem xét, hướng dẫn./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Lao động - TB&XH (để b/c);
- VPQG giảm nghèo (để b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (để b/c);
- HĐND tỉnh (để b/c);
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- TV BCĐ thực hiện các CTMTQG tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- UBND các huyện, TX,TP;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Tiến Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1739/KH-UBND năm 2020 về rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2016-2020 và chuẩn bị tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo dự kiến áp dụng cho giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Quảng Bình ban hành

  • Số hiệu: 1739/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 25/09/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Trần Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/09/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản