Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/KH-UBND

Hà Nội, ngày 13 tháng 01 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2014

Thực hiện Chương trình hành động phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ (ban hành kèm theo Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09/04/2012 của Thủ tướng Chính phủ) giai đoạn 2012-2016; Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) của Bộ Tư pháp năm 2014; các Chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa 15, nhiệm vụ trọng tâm công tác của Thành phố năm 2014, UBND Thành phố Hà Nội xây dựng Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2014 trên địa bàn thành phố như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành và Luật Hòa giải ở cơ sở.

- Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và tự giác chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân Thủ đô; phục vụ các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Thành phố trong năm 2014; huy động được sự tham gia, phối hợp tích cực của các cấp, các ngành, các đoàn thể và toàn thể nhân dân Thủ đô trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết của Đảng; gắn tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với tiếp tục thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp.

- Tăng cường hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật để đảm bảo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cao.

2. Yêu cầu

- Bám sát nội dung, yêu cầu nêu trong các văn bản của Đảng, Nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, Chương trình công tác năm 2014 của Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương, Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Tư pháp năm 2014; cụ thể hóa nội dung Chương trình hành động Phổ biến giáo dục pháp luật của Chính phủ trong năm 2014 đồng thời gắn với việc thực hiện các Chương trình trọng tâm của Thành ủy, Nghị quyết của HĐND Thành phố, các Kế hoạch của UBND Thành phố triển khai thực hiện một số văn bản pháp luật quan trọng, có liên quan đến các cấp, các ngành, đến cán bộ và nhân dân trên địa bàn thành phố.

- Nâng cao chất lượng công tác Phổ biến giáo dục pháp luật; đảm bảo hoạt động Phổ biến giáo dục pháp luật có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp đối tượng, địa bàn, tăng cường hoạt động kiểm tra, đánh giá hiệu quả.

- Đổi mới hình thức Phổ biến, giáo dục pháp luật, áp dụng mô hình phổ biến pháp luật mới, có hiệu quả trong thực tiễn; hướng công tác Phổ biến giáo dục pháp luật về cơ sở.

- Kết hợp công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật với xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

II. ĐỐI TƯỢNG

- Cán bộ, công chức, viên chức; người dân thành thị và nông thôn; cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang; phụ nữ; thanh thiếu niên; người sử dụng lao động, người lao động trong các doanh nghiệp; người nước ngoài cư trú trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Chú trọng phổ biến pháp luật cho các đối tượng đặc thù như người dân ở các xã miền núi, xã có hoàn cảnh kinh tế - xã hội khó khăn đặc biệt, người khuyết tật, người phạm tội theo quy định của Luật Phổ biến giáo dục pháp luật.

III. NỘI DUNG, HÌNH THỨC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

1. Phổ biến các văn bản pháp luật cho các đối tượng

Năm 2014, Thành phố tập trung phổ biến các văn bản pháp luật mới được Quốc hội khóa XIII thông qua, có liên quan trực tiếp đến cơ quan, tổ chức đơn vị, cán bộ và nhân dân như: Hiến pháp 1992 (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Thủ đô, Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Luật tiếp công dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú.

- Triển khai các nhiệm vụ Phổ biến giáo dục pháp luật theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương và các Bộ, ngành Trung ương.

- Năm 2014 thực hiện chủ đề "trật tự và văn minh đô thị", thành phố tập trung tuyên truyền, phổ biến giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật về Trật tự xây dựng đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng, phòng cháy, chữa cháy, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, giải phóng mặt bằng.

- Tùy từng đối tượng như: Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang, Người lao động và người sử dụng lao động, thanh thiếu niên để tập trung tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan.

2. Thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Trung ương từ năm 2013 đến năm 2016 và các Đề án trong Chương trình, các Kế hoạch, Đề án về Phổ biến giáo dục pháp luật

- Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động Phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2013-2016 và 06 Đề án thuộc Chương trình.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án "tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011-2015".

- Tiếp tục thực hiện Đề án "Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân"

- Thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Đổi mới, nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật trong hệ thống giáo dục quốc dân.

- Tiếp tục triển khai thực hiện các Kế hoạch: Tuyên truyền, phổ biến Luật Phổ biến giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật hòa giải ở cơ sở, Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết thi hành, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, giám định tư pháp.

3. Thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động hòa giải cơ sở

- Triển khai thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở

- Cơ quan Tư pháp các cấp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp số 1285/CTPH-BTP-BTTUBTƯMTTQVN ngày 24 tháng 4 năm 2009 giữa Bộ Tư pháp và Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tăng cường thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.

4. Thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường

Cơ quan Tư pháp các cấp phối hợp với cơ quan Giáo dục va Đao tạo cùng cấp chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở tất cả các cấp học; nâng cao chất lượng việc giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật.

5. Công tác xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật

Các Sở, ngành, đoàn thể thành phố, UBND các quận, huyện ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật tại cơ quan, đơn vị, địa phương; xây dựng Danh mục sách pháp luật 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm để bổ sung sách, tài liệu pháp luật mới cho tủ sách pháp luật.

6. Củng cố, kiện toàn đội ngũ Báo cáo viên pháp luật các cấp; tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ này.

7. Kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

8. Triển khai thực hiện "Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" trên địa bàn thành phố.

Cơ quan Tư pháp các cấp, pháp chế ngành tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp, Lãnh đạo sở, ngành, cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện "Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

IV. HÌNH THỨC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

1. Tiếp tục thực hiện "Ngày Pháp luật" hàng tháng trên địa bàn thành phố.

2. Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân Thủ đô thông qua các hội nghị, tập huấn các văn bản pháp luật mới ban hành, tập huấn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật.

3. Qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường và nâng cao chất lượng chuyên mục pháp luật trên các báo của thành phố, Đài phát thanh - truyền hình Hà Nội.

4. Biên soạn, in và phát hành tài liệu hỏi - đáp pháp luật (sách, tờ gấp) phục vụ công tác Phổ biến giáo dục pháp luật của thành phố.

5. Thông qua hoạt động xét xử, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

6. Đăng tải thông tin pháp luật trên cổng thông tin điện tử của UBND Thành phố và trang thông tin điện tử của các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã; Thành phố xây dựng trang website giới thiệu các văn bản pháp luật của Trung ương và thành phố.

7. Giáo dục pháp luật trong nhà trường.

8. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho cán bộ công chức, chiến sỹ, nhân dân, học sinh, sinh viên; thi "Hòa giải viên giỏi" cho các hòa giải viên ở cơ sở.

9. Các hình thức tuyên truyền khác phù hợp với người dân ở cơ sở như: Trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, câu lạc bộ pháp luật, Nhóm nòng cốt, đài truyền thanh, pano, áp phích, Hòa giải ở cơ sở.

V. TIẾN ĐỘ TRIỂN KHAI

1. Nội dung hoạt động sáu tháng đầu năm 2014

1.1. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố

- Triển khai Kế hoạch, Chương trình Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2014 đến các Sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã.

- Tham mưu cho UBND thành phố ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố.

- Tham mưu cho UBND thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở trên địa bàn thành phố.

- Kiện toàn đội ngũ Báo cáo viên pháp luật thành phố.

- Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho báo cáo viên pháp luật của Thành phố, cán bộ pháp chế các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố.

- Biên soạn, in, phát hành Sách hỏi - đáp, sổ tay pháp luật, tờ gấp pháp luật phù hợp với từng đối tượng phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên địa bàn thành phố.

- Triển khai Kế hoạch tổ chức cuộc thi "Hòa giải viên giỏi" cho các Hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn thành phố.

- Triển khai Kế hoạch tham gia cuộc thi sáng tác ca khúc về ngành tư pháp do Bộ Tư pháp tổ chức.

- Tổ chức Kiểm tra công tác PBGDPL 06 tháng đầu năm tại một số ngành, đoàn thể, UBND quận, huyện.

1.2. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị thuộc Thành phố

- Xây dựng và triển khai kế hoạch Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2014 tại cơ quan, đơn vị.

- Thực hiện "ngày pháp luật" hàng tháng tại cơ quan, đơn vị mình.

- Tập trung tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp (sửa đổi), Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết thi hành; các văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, đến quyền, nghĩa vụ của CBCC, viên chức và hội viên; tích cực thực hiện quy chế văn minh nơi công sở.

- Các sở, ban, ngành, đoàn thể chủ trì các Đề án thuộc Chương trình hành động phổ biến, giáo dục pháp luật của thành phố giai đoạn 2012-2016 xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án năm 2014 theo quy định.

- Các Sở, ngành có liên quan tiếp tục triển khai Kế hoạch số 132/KH-UBND ngày 16/11/2011 của UBND Thành phố thực hiện Đề án 'tăng cường công tác Phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên' trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015".

- Củng cố và nâng cao chất lượng của các chuyên trang, chuyên mục "tuyên truyền, Phổ biến giáo dục pháp luật" trên sóng phát thanh, truyền hình và một số báo của Thủ đô (Hà Nội mới, Pháp luật và Xã hội, An ninh Thủ đô, Kinh tế và đô thị, Lao động và Xã hội, Phụ nữ Thủ đô).

1.3. UBND các quận, huyện, thị xã

- Xây dựng và triển khai Kế hoạch Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2014 tại địa phương.

- Tiếp tục kiện toàn, củng cố tổ chức của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật quận, huyện, thị xã.

- Xây dựng kiện toàn, tổ chức tập huấn nghiệp vụ và các văn bản pháp luật mới ban hành cho Báo cáo viên pháp luật cấp huyện, Tuyên truyền viên pháp luật của xã, phường, thị trấn trực thuộc.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng; Hiến pháp 1992 (sửa đổi); các văn bản pháp luật: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Khiếu nại, Luật tố cáo, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước, pháp luật về an toàn giao thông, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính, an toàn vệ sinh thực phẩm, pháp luật về bảo vệ môi trường; các văn bản pháp luật quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; pháp luật về Thừa phát lại để phục vụ thí điểm chế định Thừa phát lại tại Hà Nội; phòng chống tội phạm. Căn cứ vào đối tượng, địa bàn, nhu cầu của địa phương để lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho phù hợp; quan tâm PBGDPL cho người dân ở các xã có điều kiện kinh tế khó khăn.

- Triển khai các nội dung hoạt động thực hiện Chương trình hành động Phổ biến giáo dục pháp luật 2013-2016 của Thành phố ở địa phương.

- Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở tại địa phương.

- Triển khai Kế hoạch số 132/KH-UBND ngày 16/11/2011 của UBND Thành phố thực hiện Đề án 'tăng cường công tác Phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên' trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015 tại địa phương.

- Xây dựng và triển khai cuộc thi "Hòa giải viên giỏi tại địa phương.

- Tập trung đầu tư xây dựng và khai thác Tủ sách pháp luật

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên của địa phương;

2. Nội dung hoạt động sáu tháng cuối năm 2014

2.1. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố

- Hướng dẫn, đôn đốc các Sở, ngành, đoàn thể thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã tiến hành tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố, địa phương.

- Tiếp tục phối hợp tổ chức tập huấn báo cáo viên Pháp luật của thành phố và cán bộ pháp chế các Sở, ngành thành phố.

- Biên soạn, in, phát hành: Sách hỏi-đáp, sổ tay pháp luật, tờ gấp phục vụ công tác tuyên truyền, Phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố.

- Tổ chức thi Chung khảo, Tổng kết và trao giải cuộc thi "Hòa giải viên giỏi" ở cơ sở trên địa bàn thành phố.

- Tổ chức học tập kinh nghiệm hoạt động của Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh bạn.

- Tổ chức Kiểm tra công tác PBGDPL năm 2014 tại một số ngành, đoàn thể, UBND quận, huyện, thị xã.

2.2. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc Thành phố

- Tiếp tục triển khai thực hiện "Ngày pháp luật" hàng tháng tại cơ quan, đơn vị mình.

- Tiếp tục triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật theo Chương trình, kế hoạch, Đề án và sự chỉ đạo, hướng dẫn của UBND, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố.

2.3. UBND quận, huyện, thị xã

- Tiếp tục triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo Kế hoạch

- Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới được ban hành và các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và Thành phố, các văn bản có liên quan đến đời sống nhân dân nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Tổ chức thi "Hòa giải viên giỏi tại địa phương.

- Tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cho Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật, Hòa giải viên ở cơ sở.

- Thực hiện đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở tại địa phương theo Kế hoạch, đảm bảo tiến độ đã đề ra.

- Hàng tháng triển khai thực hiện "Ngày pháp luật" và tổ chức " Ngày pháp luật Việt Nam" 2014 tại địa phương.

3. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch

- Lãnh đạo các Sở, ngành, đoàn thể thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật tại đơn vị mình.

- Các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra công tác Phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải, hoạt động của tủ sách pháp luật tại địa phương theo định kỳ 6 tháng, một năm; kịp thời biểu dương, khen thưởng các đơn vị làm tốt và phê bình, nhắc nhở các đơn vị chưa nghiêm túc thực hiện Kế hoạch.

- UBND thành phố tổ chức kiểm tra công tác Phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm tại một số Sở, ngành, đoàn thể và quận, huyện (có Kế hoạch riêng).

4. Chế độ thông tin, báo cáo; sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng

- Định kỳ 06 tháng, một năm các Sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các Quận, huyện, thị xã báo cáo Kết quả công tác Phổ biến giáo dục pháp luật triển khai các Đề án của đơn vị, địa phương mình và thực hiện nghiêm túc chế độ thống kê, báo cáo về tổ chức và hoạt động Phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải theo quy định tại thông tư số 08/2011/TT-BTP của Bộ Tư pháp và gửi về cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp công tác Phổ biến giáo dục pháp luật thành phố để tổng hợp báo cáo Trung ương và UBND thành phố.

- UBND thành phố tổ chức tổng kết và khen thưởng công tác Phổ biến giáo dục pháp luật, công tác hòa giải trên địa bàn thành phố vào cuối tháng 12/2014.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp công tác Phổ biến giáo dục pháp luật Thành phố: là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện Kế hoạch, chịu trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện thực hiện Kế hoạch; căn cứ kế hoạch Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2014 của Thành phố, phối hợp với Sở Tài chính phân bổ kinh phí Thành phố cấp cho công tác Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2014 cho các ban, ngành, đoàn thể Thành phố; tiếp tục triển khai Đề án "Củng cố nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác Phổ biến giáo dục pháp luật, ứng nhu cầu phát triển của đất nước" trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013-2016; đôn đốc, phối hợp với các Sở, ngành triển khai thực hiện các Đề án trọng tâm của Chương trình hành động Phổ biến giáo dục pháp luật 2012-2016 trên địa bàn Thành phố; định kỳ 6 tháng, 01 năm báo cáo công tác Phổ biến giáo dục pháp luật với Bộ Tư pháp, UBND Thành phố; lập dự toán, quyết toán kinh phí phục vụ công tác của Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật Thành phố; biên soạn tài liệu phục vụ công tác Phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn Thành phố; phát hiện và tổng kết các cách làm, hình thức Phổ biến giáo dục pháp luật mới.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thanh tra thành phố: Chủ trì các Đề án thuộc Chương trình hành động phổ biến, giáo dục pháp luật của Thành phố giai đoạn 2012 - 2016 triển khai Đề án của đơn vị mình đảm bảo tiến độ, hiệu quả.

3. Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Xây dựng: Đẩy mạnh tuyên truyền Luật đất đai (sửa đổi), pháp luật về xây dựng, nhà ở và các văn bản pháp luật có liên quan đến cán bộ và nhân dân; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất đai trên địa bàn thành phố.

4. Sở Văn hóa thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và truyền thông: Tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quảng cáo, văn minh đô thị bằng các hình thức trực quan, qua hệ thống loa, đài để người dân địa bàn thành phố nghiêm túc thực hiện; tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động quảng cáo, rao vặt gây mất mỹ quan đô thị, cảnh quan môi trường trên địa bàn thành phố.

5. Sở Y tế, Sở Thương mại: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khám, chữa bệnh, bảo hiểm y tế, phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm; chống gian lận thương mại, bảo vệ người tiêu dùng.

6. Công an Thành phố: Triển khai tuyên truyền, phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú; Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành, pháp luật về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội đến cán bộ, chiến sỹ và nhân dân.

7. Sở Tài chính: Chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp hướng dẫn các cấp, các ngành, đoàn thể lập dự toán, bố trí kinh phí kịp thời phục vụ triển khai Chương trình, Đề án và kế hoạch Phổ biến giáo dục pháp luật theo quy định.

8. Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường bộ, đường thủy cho các tầng lớp nhân dân; triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn giao thông năm 2014; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông đường bộ cho các ngành, đoàn thể thành phố.

9. Sở Nội vụ, Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong: Phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về lý luận chính trị, pháp luật về cải cách thủ tục hành chính, kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức của các Sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố.

10. Các cơ quan thông tin báo đài của Thành phố: Đài Phát thanh và truyền hình, một số báo của Thủ đô (Hà Nội mới, Kinh tế & Đô thị, Pháp luật và Xã hội, Lao động Thủ đô, An ninh Thủ đô, Phụ nữ Thủ đô…): Cần tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục Phổ biến, giáo dục pháp luật phục vụ cán bộ và nhân dân Thủ đô; tăng thời lượng phát thanh, truyền hình về tuyên truyền, Phổ biến giáo dục pháp luật, tăng cường tuyên truyền pháp luật trên sóng truyền hình thông qua các tiểu phẩm sân khấu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự đô thị, phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tội phạm, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông v.v... trên địa bàn Thành phố.

11. Đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy: Chỉ đạo Ban Tuyên giáo các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và các văn bản pháp luật của nhà nước mới ban hành. Thường xuyên bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên của thành phố; bồi dưỡng nâng cao chất lượng tin bài của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên viết về Pháp luật. Định kỳ hàng tháng định hướng thông tin Phổ biến giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng.

12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố và các Đoàn thể thành viên: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong cộng đồng dân cư và các hội viên; triển khai Đề án 2 thuộc Chương trình hành động Phổ biến giáo dục pháp luật 2013-2016 của Thành phố, nhân rộng mô hình điểm trong công tác Phổ biến giáo dục pháp luật; cùng các tổ chức chính trị-xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động Thành phố, Hội Cựu chiến binh Thành phố) và Hội Luật gia Thành phố phối hợp với Sở Tư pháp và UBND các quận, huyện, thị xã có Kế hoạch triển khai Chương trình, Kế hoạch Phổ biến giáo dục pháp luật của Thành phố.

13. Đề nghị Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố xây dựng kế hoạch chỉ đạo tăng cường Phổ biến giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động truy tố, xét xử, giải quyết đơn thư khiếu tố của nhân dân.

14. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã

- Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2014 tại địa phương; tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình kế hoạch, Đề án phổ biến, giáo dục pháp luật của UBND Thành phố năm 2014 phù hợp với tình hình, đặc điểm và điều kiện cụ thể của từng địa bàn.

- Bố trí cán bộ công chức chuyên trách làm công tác Phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương; chủ động bố trí kinh phí để đảm bảo triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo Kế hoạch; thực hiện chi hỗ trợ kinh phí phục vụ hoạt động hòa giải, xây dựng tủ sách pháp luật trên địa bàn.

- Lựa chọn các nội dung và hình thức tuyên truyền, Phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp với đối tượng, địa bàn để công tác Phổ biến giáo dục pháp luật đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực.

- Tăng cường biên soạn tài liệu pháp luật ngắn gọn, dễ hiểu, phục vụ công tác Phổ biến giáo dục pháp luật ở địa phương.

UBND Thành phố đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy, UBMTTQ Thành phố, các đoàn thể và yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai các nội dung kế hoạch đảm bảo đúng tiến độ và hiệu quả các hoạt động của công tác phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố, định kỳ hàng quý, 6 tháng, 1 năm có báo cáo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gửi về UBND Thành phố (qua Sở Tư pháp - Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật) để tổng hợp./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- TT Thành ủy, HĐND TP;
- Đ/c Chủ tịch UBND TP;
- Các Sở, ngành, đoàn thể TP;
- Các đ/c Thành viên Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật TP;
- UBND các Quận, Huyện, Thị xã;
- VPUBNDTP: Đ/c CVP, PCVP Đỗ Đình Hồng; Các phòng TH, VX, NC;
- Lưu VT, VXh.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Bích Ngọc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 17/KH-UBND phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2014

  • Số hiệu: 17/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 13/01/2014
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Thị Bích Ngọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản