Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1682/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 29 tháng 3 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 VÀ ĐẢM BẢO CÔNG TÁC Y TẾ PHỤC VỤ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Kế hoạch số 309/KH-BYT ngày 15/3/2021 của Bộ Y tế về công tác y tế phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và đảm bảo công tác y tế phục vụ Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, NHIỆM VỤ

1. Mục đích

Kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 và các bệnh dịch khác xâm nhập vào địa bàn tỉnh; đồng thời, đảm bảo công tác y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm và xử lý kịp thời khi có tình huống đột xuất xảy ra; đảm bảo an toàn sức khỏe cho các ứng cử viên, cán bộ tham gia tổ chức bầu cử, cử tri trước và trong thời gian diễn ra các hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

2. Nhiệm vụ

- Tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh; kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan tại cộng đồng trước, trong thời gian diễn ra các hoạt động bầu cử;

- Tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh tại các khu vực, các điểm bầu cử và hoạt động của cuộc bầu cử; kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả các vấn đề liên quan đến y tế, an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho các ứng cử viên, cán bộ tham gia các tổ chức bầu cử và toàn thể cử tri trên địa bàn;

- Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban bầu cử các cấp bố trí các điểm bỏ phiếu phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh, đảm bảo tất cả các công dân (kể cả công dân đang thực hiện cách ly, điều trị COVID-19) được tham gia bầu cử;

- Đảm bảo 100% các điểm bầu cử, các hoạt động của cuộc bầu cử thực hiện đầy đủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế (Khẩu trang, Khử khuẩn, Không tập trung, Khoảng cách, Khai báo y tế); 100% các điểm bầu cử được khử khuẩn bằng Cloramin B trước và sau cuộc bầu cử.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 xâm nhập, lây lan trên địa bàn tỉnh

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để Nhân dân hiểu và tham gia công tác phòng, chống dịch, nhất là tuyên truyền thực hiện thông điệp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế; lồng ghép các hoạt động truyền thông về phòng, chống dịch COVID-19 với thông tin, tuyên truyền phục vụ bầu cử;

- Tăng cường hoạt động giám sát các bệnh truyền nhiễm từ tuyến tỉnh đến cơ sở; chủ động giám sát tại các cơ sở y tế, tại cộng đồng; trong đó, chú trọng giám sát tại các điểm bầu cử để phát hiện và xử lý sớm các trường hợp có nguy cơ mắc COVID-19, đảm bảo an toàn trong quá trình bầu cử;

- Đảm bảo vật tư, trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm, xét nghiệm, phương tiện, đáp ứng đầy đủ, kịp thời với các cấp độ dịch bệnh có thể xảy ra trước, trong và sau thời gian diễn ra bầu cử;

- Kiện toàn, củng cố Đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch các cấp; trang bị, bổ sung đầy đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị, phương tiện...; sẵn sàng đáp ứng khi có các tình huống dịch bệnh, sự cố y tế xảy ra trong quá trình bầu cử;

- Kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hoạt động Tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng ở các thôn, bản, khu phố,... nhằm phát hiện sớm, kiểm soát triệt để các yếu tố nguy cơ lây nhiễm COVID-19, đặc biệt là trong thời gian diễn ra bầu cử.

2. Tổ chức công tác phòng, chống dịch bệnh cho các hoạt động bầu cử

- Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 các cấp phối hợp với Ủy ban bầu cử, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các điểm bầu cử và các hoạt động của cuộc bầu cử, cụ thể như sau:

+ Tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp khi tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác và nơi cư trú, Hội nghị tiếp xúc cử tri và các hoạt động tổ chức bầu cử…;

+ Thực hiện vệ sinh môi trường, phun khử khuẩn bằng Cloramin B tại 100% các điểm bầu cử trước và sau bầu cử;

+ Các điểm bầu cử được bố trí phù hợp, thuận lợi cho bầu cử, đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh: có diện tích đủ rộng, thoáng khí, đảm bảo vệ sinh, thuận tiện cho việc giữ khoảng cách, có bố trí các thùng đựng rác, thu gom khẩu trang đã qua sử dụng để xử lý theo quy định;

+ Bố trí cán bộ y tế, Tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng hướng dẫn thực hiện các biện pháp kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, khai báo y tế, rửa tay sát khuẩn tại tất cả các điểm bầu cử;

+ Bố trí khu vực rửa tay có nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn cho cử tri tại tất cả các điểm bầu cử;

+ Bố trí điểm khai báo y tế và thực hiện khai báo y tế tại tất cả các điểm bầu cử (bằng hình thức khai báo trực tuyến, quét mã QR-Code hoặc khai báo trực tiếp). Tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích cử tri thực hiện khai báo y tế trực tuyến trước hoặc quét mã QR-Code khi đến tham gia bầu cử;

+ Thực hiện phân nhóm cử tri, sắp xếp thời gian theo từng khung giờ hợp lý để giãn cách, không tập trung quá đông người tại một thời điểm; thực hiện giữ khoảng cách giữa người với người khi tham gia bỏ phiếu;

+ Tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh, yêu cầu cán bộ tham gia các tổ chức bầu cử và cử tri đeo khẩu trang khi tham dự các hoạt động bầu cử và khi đi bầu cử.

3. Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm

- Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Chủ động giám sát, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các yếu tố nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn;

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm của các cơ sở trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, nhất là trong đợt cao điểm Tháng hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2021; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định.

4. Bố trí các điểm bỏ phiếu

- Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp phối hợp với Ủy ban bầu cử cùng cấp bố trí các điểm bỏ phiếu phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh, đảm bảo tất cả công dân (kể cả công dân đang thực hiện cách ly) được tham gia bầu cử. Lập danh sách cử tri tham gia bầu cử, rà soát các đối tượng có nguy cơ đang được theo dõi để sắp xếp thời gian bỏ phiếu cho các nhóm cử tri một cách phù hợp;

- Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch (nhất là giữ khoảng cách) và sắp xếp thời gian bỏ phiếu phù hợp, cử tri thuộc nhóm đang theo dõi nguy cơ tham gia bỏ phiếu vào cuối buổi;

- Đối với những điểm bầu cử có nhiều cử tri thuộc nhóm đang theo dõi nguy cơ phải xem xét, bố trí khu vực bầu cử riêng cho cử tri.

- Đối với cơ sở cách ly y tế và điều trị COVID-19 số lượng ít, quy mô nhỏ:

+ Sử dụng hòm phiếu phụ (hòm phiếu lưu động) để đảm bảo các quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19;

+ Cán bộ Tổ bầu cử đưa hòm phiếu phụ đến các cử tri này và phải được tập huấn về phòng, chống lây nhiễm COVID-19; có cán bộ y tế hướng dẫn, trợ giúp và giám sát hoặc sử dụng cán bộ y tế tham gia vào Tổ bầu cử;

+ Thực hiện các biện pháp về phòng, chống lây nhiễm COVID-19 như tại địa điểm bỏ phiếu bầu cử;

+ Sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân như quần áo phòng hộ, khẩu trang … trong quá trình làm nhiệm vụ;

+ Hạn chế tối đa tiếp xúc gần, đụng chạm trực tiếp với cử tri;

+ Xử lý khử khuẩn phiếu, hòm phiếu và phương tiện vận chuyển;

+ Lấy mẫu và xét nghiệm SARS-CoV-2 trước và sau thực hiện nhiệm vụ cho cán bộ thành viên của Tổ.

- Đối với cơ sở cách ly y tế và điều trị COVID-19 số lượng nhiều, quy mô lớn: căn cứ vào quy định, hướng dẫn về bầu cử của Trung ương và tình hình diễn biến thực tế của dịch bệnh COVID-19 để tổ chức bầu cử cho cơ sở này.

5. Thường trực phòng, chống dịch, cấp cứu và xử lý các vấn đề y tế

- Tổ chức thực hiện nghiêm chế độ thường trực phòng, chống dịch và công tác khám, chữa bệnh tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn; tăng cường lực lượng duy trì chế độ thường trực 24/24h trong thời gian diễn ra bầu cử;

- Bố trí lực lượng cán bộ y tế thường trực tại các điểm bầu cử tập trung đông cử tri để giám sát, theo dõi, thông tin, báo cáo, xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh và các vấn đề y tế có thể xảy ra trong thời gian diễn ra bỏ phiếu;

- Củng cố Đội cấp cứu ngoại viện có đủ nhân lực, thuốc thiết yếu, vật tư, trang thiết bị, phương tiện, sẵn sàng cơ động xử lý khi có các tình huống cấp cứu thảm họa, dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm xảy ra;

- Bố trí các Đội phản ứng nhanh chống dịch tại các đơn vị y tế dự phòng, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, trang phục bảo hộ... sẵn sàng đáp ứng khi có các tình huống dịch bệnh, sự cố y tế xảy ra trong quá trình bầu cử.

6. Công tác thông tin báo cáo

Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 hằng ngày về Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và báo cáo đột xuất theo yêu cầu.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

a) Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trực thuộc tổ chức việc đảm bảo y tế cho Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các đơn vị triển khai kế hoạch chi tiết phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và các dịch bệnh khác tại các điểm bầu cử, điểm kiểm phiếu trên toàn tỉnh; phải đảm bảo thống nhất, phù hợp với quy định của pháp luật về hướng dẫn tổ chức bầu cử và hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh COVID-19, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan và lực lượng tham gia phục vụ công tác bầu cử;

- Tăng cường công tác vệ sinh môi trường, tại nơi diễn ra bầu cử phải được vệ sinh khử khuẩn, bảo đảm phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trước và khi diễn ra bầu cử;

- Đảm bảo thuận lợi tối đa cho công tác bầu cử; báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Y tế theo quy định;

- Tổng hợp nhu cầu kinh phí, trang thiết bị, vật tư, hóa chất… toàn tỉnh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

b) Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (kèm theo Phụ lục)

Chỉ đạo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, gồm các nội dung sau:

- Tuyên truyền công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống của các nhà hàng, khách sạn và địa điểm tổ chức bầu cử;

- Tổ chức tập huấn công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở và nhân viên nhà hàng, khách sạn trực tiếp phục vụ các đại biểu và nhân viên y tế được phân công phục vụ bầu cử (nếu cần thiết);

- Tổ chức, thành lập và phân công nhiệm vụ các đoàn công tác kiểm tra, giám sát điều kiện an toàn thực phẩm tại các nhà hàng, khách sạn và địa điểm tổ chức bầu cử. Kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu và thực phẩm cung cấp cho các nhà hàng khách sạn;

- Bố trí các tổ thường trực đảm bảo an toàn thực phẩm tại các khách sạn và các điểm tổ chức bầu cử. Các tổ có nhiệm vụ tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm trước và trong suốt thời gian diễn ra bầu cử; lưu mẫu thực phẩm đối với các thực phẩm phục vụ đại biểu tham dự bầu cử; lấy mẫu xét nghiệm nhanh về hóa học và vi sinh vật các mẫu thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, bàn tay người chế biến thực phẩm và phối hợp với các đơn vị y tế khác thường trực tại khách sạn để xử lý các sự cố về an toàn thực phẩm (nếu xảy ra);

- Thành lập tổ thường trực (03 - 05 người/tổ) cùng phương tiện, thiết bị cần thiết sẵn sàng phương án thực hiện công tác điều tra, xử lý nếu xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm;

- Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

c. Công tác thường trực cấp cứu

- Chỉ đạo các cơ sở y tế tại các huyện, thị xã, thành phố bố trí các Tổ y tế thường trực cấp cứu tại địa điểm diễn ra bầu cử. Mỗi tổ y tế gồm: 01 bác sỹ, 02 điều dưỡng, 01 lái xe và 01 ô tô cứu thương với đầy đủ thuốc, trang thiết bị y tế thiết yếu theo quy định của Bộ Y tế;

- Bảo đảm thuốc thiết yếu và cơ số thuốc, hóa chất, vật tư phòng, chống dịch để bảo đảm tốt nhất công tác y tế phòng, chống dịch.

d) Chế độ thống kê báo cáo

Trong thời gian diễn ra bầu cử, Sở Y tế báo cáo về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế vào 15h00 hằng ngày, điện thoại 024.62732280/0904284259, email: ngocnt.kcb@moh.gov.vn.

đ) Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan để thực hiện tốt công tác y tế phục vụ Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; xử lý các tình huống khẩn cấp khi có dịch bệnh nghiêm trọng trước và trong thời gian diễn ra bầu cử.

2. Các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với ngành Y tế tổ chức triển khai các hoạt động cụ thể như sau:

a) Phòng, chống dịch COVID-19 trong quá trình tổ chức các hội nghị thực hiện quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử và vận động bầu cử

- Đối với người tham dự:

+ Thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế;

+ Đeo khẩu trang khi tham dự các cuộc họp;

+ Thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh;

+ Không khạc, nhổ; vứt rác, khẩu trang đúng nơi quy định; che miệng và mũi khi hắt hơi, ho;

+ Thực hiện cài đặt và bật ứng dụng truy vết (BlueZone), ứng dụng khai báo y tế (NCOVI), Vietnam Health Declaration nếu dùng thiết bị điện thoại thông minh hoặc nơi tổ chức có hỗ trợ các ứng dụng này;

+ Tuân thủ các biện pháp dự phòng cá nhân và các hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Tổ chức;

+ Thông báo kịp thời với Ban Tổ chức nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở.

- Đối với Ban Tổ chức:

+ Bố trí hội trường, phòng họp phù hợp theo điều kiện của địa phương;

+ Thực hiện vệ sinh, khử khuẩn bằng hóa chất khử khuẩn đối với bàn ghế, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, nút bấm thang máy, các đồ vật, sàn nhà, phòng họp, khu vệ sinh, mặt bàn, các nút bấm điều khiển... trước và sau họp hoặc khi cần thiết;

+ Tăng cường thông khí phòng họp bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ, sử dụng quạt. Nếu sử dụng điều hòa trong phòng họp, cuối buổi họp phải mở cửa phòng họp tạo sự thông thoáng;

+ Bố trí đầy đủ dung dịch sát khuẩn tay tại vị trí thuận tiện cho người sử dụng, xà phòng tại khu vực vệ sinh;

+ Đảm bảo đủ nước uống hợp vệ sinh và cốc uống nước dùng riêng cho đại biểu;

+ Bố trí thùng đựng rác có nắp đậy để thu gom, xử lý rác đảm bảo vệ sinh;

+ Cung cấp tài liệu, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh COVD-19;

+ Bố trí người đón tiếp, hướng dẫn y tế, đo thân nhiệt nếu phát hiện trường hợp có sốt, ho thì đề nghị không tiếp tục tham dự, thông báo ngay cho cơ quan y tế và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

b) Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong quá trình bỏ phiếu bầu cử

* Tại địa điểm bỏ phiếu bầu cử

- Đối với cử tri tham gia bỏ phiếu và cán bộ Tổ bầu cử:

+ Thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế;

+ Đeo khẩu trang khi đi tham gia bỏ phiếu, tham dự khai mạc và hướng dẫn cử tri bầu cử tại các điểm bỏ phiếu bầu cử;

+ Sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn nhanh trước và sau khi bỏ phiếu bầu cử;

+ Không khạc, nhổ; vứt rác, khẩu trang đúng nơi quy định; che miệng và mũi khi hắt hơi, ho tại điểm bỏ phiếu;

+ Thực hiện cài đặt và bật ứng dụng truy vết (BlueZone), ứng dụng khai báo y tế (NCOVI), Vietnam Health Declaration nếu dùng thiết bị điện thoại thông minh hoặc nơi tổ chức bỏ phiếu bầu cử có hỗ trợ các ứng dụng này;

+ Thực hiện theo đúng hướng dẫn quy trình bầu cử, phân luồng đi vào và đi ra theo một chiều tại điểm bỏ phiếu bầu cử;

+ Tuân thủ các biện pháp dự phòng cá nhân và các hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của đơn vị tổ chức bỏ phiếu bầu cử;

+ Thông báo kịp thời với Ban Tổ chức nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở.

- Đối với Tổ chức phụ trách bầu cử:

+ Bố trí địa điểm bỏ phiếu theo đúng hướng dẫn, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương;

+ Thực hiện vệ sinh, khử khuẩn bằng hóa chất khử khuẩn đối với khu vực bên ngoài, bên trong của phòng bỏ phiếu trước và sau bỏ phiếu hoặc khi cần thiết;

+ Tăng cường thông khí phòng bỏ phiếu bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ, sử dụng quạt. Nếu sử dụng điều hòa trong phòng, cuối buổi bỏ phiếu phải mở cửa phòng tạo sự thông thoáng;

+ Bố trí phòng cách ly, chuẩn bị khẩu trang để sử dụng ngay khi phát hiện đại biểu, người có biểu hiện sốt, ho, khó thở;

+ Không để cử tri tụ tập thành nhóm đông người tại điểm bỏ phiếu; bố trí các bàn, chỗ ngồi ghi phiếu đảm bảo khoảng cách phù hợp;

+ Bố trí đầy đủ dung dịch sát khuẩn tay tại vị trí thuận tiện cho người sử dụng, xà phòng tại khu vực vệ sinh;

+ Đảm bảo đủ nước uống hợp vệ sinh và cốc uống nước dùng riêng cho cử tri.

+ Bố trí thùng đựng rác có nắp đậy để thu gom, xử lý rác đảm bảo vệ sinh;

+ Cung cấp tài liệu, hướng dẫn phòng, chống COVID-19;

+ Bố trí cán bộ y tế hướng dẫn, đo thân nhiệt tại cổng ra vào nếu phát hiện trường hợp có sốt, ho thì đưa cử tri sang phòng cách ly và hướng dẫn thực hiện bỏ phiếu theo quy định, thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

* Hòm phiếu phụ (hòm phiếu lưu động)

Nếu cử tri không đến bỏ phiếu tại địa điểm bỏ phiếu bầu cử được thì cán bộ Tổ bầu cử đưa hòm phiếu phụ đến, cần:

- Thực hiện các biện pháp về phòng, chống lây nhiễm COVID-19 như tại địa điểm bỏ phiếu bầu cử;

- Hạn chế tối đa tiếp xúc gần, đụng chạm trực tiếp với cử tri.

c) Tại cơ sở thực hiện cách ly y tế và điều trị COVID-19

- Trường hợp số lượng ít, quy mô nhỏ: sử dụng hòm phiếu phụ (hòm phiếu lưu động) để đảm bảo các quy định phòng chống COVID-19. Cán bộ Tổ bầu cử đưa hòm phiếu phụ đến các cử tri này và cần:

+ Được tập huấn về phòng chống lây nhiễm COVID-19;

+ Có cán bộ y tế hướng dẫn, trợ giúp và giám sát hoặc sử dụng cán bộ y tế tham gia vào Tổ bầu cử;

+ Thực hiện các biện pháp về phòng, chống lây nhiễm COVID-19 như tại địa điểm bỏ phiếu bầu cử;

+ Sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân như quần áo phòng hộ, khẩu trang… trong quá trình làm nhiệm vụ;

+ Hạn chế tối đa tiếp xúc gần, đụng chạm trực tiếp với cử tri;

+ Xử lý khử khuẩn phiếu, hòm phiếu và phương tiện vận chuyển;

+ Lấy mẫu và xét nghiệm SARS-CoV-2 trước và sau khi thực hiện nhiệm vụ cho cán bộ thành viên của Tổ.

- Trường hợp số lượng nhiều, quy mô lớn: căn cứ vào quy định, hướng dẫn về bầu cử và tình hình diễn biến thực tế của dịch COVID-19 để thành lập đơn vị bầu cử cho cơ sở này.

III. KINH PHÍ

Kinh phí thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và đảm bảo y tế cho bầu cử được bố trí từ nguồn ngân sách các cấp và các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác theo quy định.

Trên đây là Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và đảm bảo công tác y tế cho các hoạt động phục vụ Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, cá nhân liên quan tích cực phối hợp triển khai thực hiện để đạt kết quả đề ra./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy;
- Ban Chỉ đạo Bầu cử tỉnh;
- Ủy ban bầu cử tỉnh;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Thành viên BCĐ cấp tỉnh PCD COVID-19;
- Ban Thường vụ Huyện, Thị, Thành ủy;
- HĐND, UBND/Ủy ban Bầu cử các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam, Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Tân

 

PHỤ LỤC

CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM PHỤC VỤ BẦU CỬ
(kèm theo Kế hoạch số 1682/KH-UBND ngày 29/3/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm soát có hiệu quả an toàn thực phẩm, phát hiện sớm và xử lý, khắc phục giảm thiểu ảnh hưởng ngộ độc thực phẩm gây ảnh hưởng tới sức khoẻ của các đại biểu tham gia bầu cử.

2. Yêu cầu

a) Xây dựng Kế hoạch chi tiết, triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trước, trong thời gian diễn ra bầu cử.

b) Hướng dẫn địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm. Sẵn sàng phương án tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý, khắc phục ngộ độc thực phẩm và sự cố an toàn thực phẩm (nếu có).

c) Tuyên truyền công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

II. NỘI DUNG

1. Sở Y tế xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ bầu cử và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý gồm các nội dung như sau:

a) Tuyên truyền công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống của các nhà hàng, khách sạn và địa điểm tổ chức bầu cử.

b) Tổ chức tập huấn công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở và nhân viên nhà hàng khách sạn trực tiếp phục vụ các đại biểu và nhân viên y tế được phân công phục vụ bầu cử (nếu cần thiết).

c) Tổ chức, thành lập và phân công nhiệm vụ các đoàn công tác kiểm tra giám sát điều kiện an toàn thực phẩm tại các nhà hàng, khách sạn và địa điểm tổ chức bầu cử Quốc gia. Kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu và thực phẩm cung cấp cho các nhà hàng khách sạn.

d) Bố trí các tổ thường trực đảm bảo an toàn thực phẩm tại các khách sạn và các điểm tổ chức bầu cử. Các tổ có nhiệm vụ tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm trước và trong suốt thời gian diễn ra bầu cử: tổ chức kiểm thực 3 bước; lưu mẫu thực phẩm đối với các thực phẩm phục vụ đại biểu tham dự bầu cử; Lấy mẫu xét nghiệm nhanh về hóa học và vi sinh vật các mẫu thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm và bàn tay người chế biến thực phẩm và phối hợp với các đơn vị y tế khác thường trực tại khách sạn để xử lý các sự cố về an toàn thực phẩm (nếu xảy ra).

e) Thành lập tổ thường trực (3 - 5 người/tổ) cùng phương tiện, thiết bị cần thiết sẵn sàng phương án thực hiện công tác điều tra, xử lý nếu xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm.

f) Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Giao Sở Y tế chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn./.