Hệ thống pháp luật

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 166/KH-UBND

Sơn La, ngày 21 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHIẾN DỊCH TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19 GIAI ĐOẠN 2021-2022 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA

I. THỰC TRẠNG VÀ SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

1. Sự cần thiết xây dựng kế hoạch

- Dịch bệnh do chủng mới của vi rút Corona 2019 (COVID-19) được phát hiện lần đầu tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Tới nay, hầu như tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đều đã ghi nhận có trường hợp mắc COVID-19.

- Tại Việt Nam đã ghi nhận trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên vào ngày 23/01/2020, đến nay Việt Nam có tổng cộng 65.607 ca mắc, trong đó có 63.510 ca mắc trong nước và 2.097 ca nhập cảnh, số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 61.940 ca, trong đó có 8.669 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

- Tại tỉnh Sơn La, ngày 17/5/2021 đã ghi nhận 01 trường hợp đầu tiên mắc SARS-CoV-2 (BN-4367) tại xã Nà Bó, huyện Mai Sơn cho đến nay chưa phát hiện thêm ca mắc mới.

- Vắc xin phòng COVID-19 là giải pháp cần thiết và quan trọng để phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội. Các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vắc xin qua nhiều kênh khác nhau: làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất vắc xin, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước, đại sứ Việt Nam ở nước ngoài. Đến nay đã có khoảng 105 triệu liều từ các nguồn cung ứng khác nhau được cam kết phân bổ cho Việt Nam.

Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022 có thể đạt miễn dịch cộng đồng, ước khoảng 70% dân số Việt Nam phải được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Để đạt được mục tiêu này, và trong bối cảnh số lượng lớn vắc xin phòng COVID-19 sẽ về Việt Nam trong thời gian tới, chúng ta cần triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử trên quy mô toàn quốc với sự tham gia của nhiều lực lượng như y tế, quân đội, công an và các bộ, ngành. Chiến dịch tiêm chủng này phải được tổ chức đồng loạt tại các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc bao gồm các cơ sở công lập và tư nhân, các đơn vị trong và ngoài ngành y tế...

Tỉnh Sơn La đã triển khai 02 đợt tiêm vắc xin phòng Covid-19. Tổng cộng đã thực hiện tiêm chủng 31.361 mũi vắc xin phòng Covid-19 trong đó: Số người đã được tiêm 1 mũi: 30.743 người, số người đã được tiêm đủ 2 mũi: 618 người.

Để kịp thời tiếp nhận, triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với các loại vắc xin phòng COVID-19 khác nhau, số lượng nhiều và điều kiện bảo quản khác nhau và sự tham gia của toàn quân, toàn dân để nhanh chóng tăng tỷ lệ bao phủ, tỷ lệ sử dụng vắc xin. Căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 trong thời gian vừa qua và khả năng cung ứng vắc xin của Bộ Y tế, để vắc xin được sử dụng hiệu quả, tăng tỷ lệ bảo phủ của vắc xin tới các tầng lớp người dân qua đó tạo miễn dịch trong cộng đồng thì việc xây dựng kế hoạch Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2022 là một việc làm cấp bách và cần thiết.

2. Thực trạng nhân lực, hệ thống dây chuyền lạnh của tỉnh

a) Thực trạng nhân lực trong hệ thống TCMR

Hiện nay, trên toàn tỉnh có 243 cơ sở tiêm chủng, trong đó có 218 cơ sở tiêm chủng mở rộng (13 điểm tiêm chủng tại các Bệnh viện) và có 25 cơ sở tiêm chủng dịch vụ trong hệ thống công lập và tư nhân (12 cơ sở tiêm chủng tại 12/12 huyện/thành phố và 13 cơ sở tiêm chủng dịch vụ tư nhân), số nhân lực tại các tuyến tham gia công tác tiêm chủng mở rộng khoảng gần 1.500 cán bộ chuyên môn. Tại các tuyến có bộ phận phụ trách tiêm chủng và cán bộ chuyên trách tiêm chủng mở rộng nhân lực tham gia đều được tập huấn và cấp giấy chứng nhận an toàn về tiêm chủng, có kinh nghiệm trong việc tổ chức buổi tiêm chủng.

b) Thực trạng hệ thống dây chuyền lạnh tại tuyến tỉnh, huyện:

Hiện tại, tỉnh Sơn La đang dùng tủ lạnh chuyên dụng TCW4000AC (dung tích 240 lít) và tủ TCW3000AC (dung tích 150 lít) để thực hiện việc bảo quản vắc xin ở nhiệt độ từ 2-8°C theo quy định của Chương trình TCMR. Tuy nhiên, đối với những vắc xin cần bảo quản ở nhiệt độ âm sâu (từ -80°C đến -15 °C) thì hiện tại tỉnh Sơn La chưa có.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

- Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 03/2007/QH12 ngày 21/11/2007;

- Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19;

- Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng; Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;

- Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/6/2021 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2021;

- Các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

- Chỉ thị số 05/CT-BYT ngày 30/3/2021 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19;

- Quyết định số 1210/QĐ-BYT ngày 09/02/2021 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 do COVAX Facility hỗ trợ; Quyết định số 2995/QĐ-BYT ngày 18/6/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022.

- Quyết định số 3518/QĐ-BYT ngày 20/7/2021 của Bộ Y tế về việc Ban hành tiêu chí cơ sở an toàn tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19;

II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu chung

Phòng, chống dịch chủ động bằng việc sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ và cho cộng đồng.

2. Mục tiêu cụ thể

Căn cứ trên nguồn cung ứng vắc xin của Bộ Y tế (nếu đủ), tỉnh Sơn La sẽ dự kiến triển khai:

- Tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin phòng COVID- 19 trong năm 2021;

- Trên 70% dân số trong diện tiêm chủng được tiêm vắc xin phòng COVID-19 đến hết quý I/2022;

- Đảm bảo an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí trong quá trình triển khai.

3. Yêu cầu

- Công khai, minh bạch danh sách đối tượng tiêm theo đúng hướng dẫn trong các văn bản, công văn của Chính phủ và của Bộ Y tế, tạo được sự đồng thuận, hợp tác của người dân trong quá trình triển khai.

- Triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng theo đúng nội dung Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19;

- Danh sách đối tượng tiêm vắc xin phòng COVID-19 phải được UBND các huyện, thành phố; Ban Chỉ đạo các cấp phê duyệt và cam kết về số liệu rà soát báo cáo. Đối với các cơ quan, đơn vị, các ban, ngành đoàn thể tuyến tỉnh đăng ký các đối tượng tiêm phải có công văn, cam kết về số liệu rà soát của đơn vị theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo.

III. NGUYÊN TẮC, ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN, PHẠM VI VÀ HÌNH THỨC TRIỂN KHAI

1. Nguyên tắc

- Huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng sẵn có tại địa phương tại tất cả các tuyến.

- Sử dụng đồng thời tất cả các loại vắc xin đủ điều kiện từ các nguồn cung ứng khác nhau để tăng độ độ bao phủ của vắc xin cho người dân. Giao ngành y tế phối hợp với các đơn vị tổ chức triển khai tiêm phòng cho các đối tượng theo đúng quy định, hạn chế hao phí vắc xin và tuyệt đối không được để vắc xin hết hạn.

- Trong trường hợp trên địa bàn tỉnh xảy ra dịch thì ưu tiên cho các vùng đang có dịch tiêm trước.

- Huy động cả hệ thống chính trị tham gia chiến dịch tiêm chủng; huy động tối đa các lực lượng bao gồm các cơ sở trong và ngoài ngành y tế, lực lượng công an, quân đội, các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành, đoàn thể bao gồm Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ...hỗ trợ triển khai tiêm chủng. Các tiểu ban và Văn phòng thường trực thuộc Ban Chỉ đạo, tùy theo chức năng nhiệm vụ được giao thực hiện các nội dung theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tỉnh Sơn La.

- Đảm bảo tỷ lệ bao phủ và tỷ lệ sử dụng vắc xin cao cho người trong độ tuổi được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Đảm bảo tối đa an toàn tiêm chủng.

2. Thời gian: Từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022

3. Đối tượng

Toàn bộ người dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất, trong đó ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế:

a) Người làm việc trong các cơ sở y tế, ngành y tế (công lập và tư nhân);

b) Người tham gia phòng chống dịch (Thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chng dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ Covid dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...);

c) Lực lượng Quân đội;

d) Lực lượng Công an;

đ) Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam và thân nhân được cử đi nước ngoài; người làm việc trong các cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự, các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam;

e) Hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh;

g) Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước;

h) Giáo viên, người làm việc, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; lực lượng bác sỹ trẻ; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị, hành chính; các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá... thường xuyên tiếp xúc nhiều người;

i) Người mắc các bệnh mạn tính; Người trên 65 tuổi;

k) Người sinh sống tại các vùng có dịch;

l) Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội;

m) Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam;

n) Các đối tượng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, tín dụng, du lịch...), cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu như các cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, dược, vật tư y tế... cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở vùng, khu du lịch;

o) Các chức sắc, chức việc các tôn giáo;

p) Người lao động tự do;

q) Các đối tượng khác theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và đề xuất của các đơn vị viện trợ vắc xin cho Bộ Y tế;

Đối tượng tiêm chủng thuộc các cơ sở, tổ chức, doanh nghiệp nêu trên bao gồm cả nhà nước và tư nhân.

4. Phạm vi: Tổ chức triển khai tại 12 huyện/thành phố.

5. Hình thức triển khai

- Hình thức tổ chức: Tổ chức triển khai tiêm chủng chiến dịch các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện ở tất cả các tuyến (bao gồm cả các điểm tiêm chủng cố định và tiêm chủng lưu động).

- Sử dụng Hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa các huyện và tại Trạm Y tế các xã, phường, thị trấn. Trong trường hợp cần thiết, sẽ huy động các cơ sở tiêm chủng dịch vụ tham gia tổ chức tiêm chủng.

- Căn cứ vào số lượng, loại vắc xin mà Bộ Y tế cung cấp và hướng dẫn cho tỉnh Sơn La, đồng thời căn cứ vào chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Sơn La sẽ có hướng dẫn chỉ đạo chi tiết, cụ thể theo từng đợt tiêm vắc xin COVID-19.

IV. CÁC HOẠT ĐỘNG TRIỂN KHAI

1. Tập huấn chuyên môn

Các cán bộ tham gia chiến dịch tiêm chủng phải tham gia các buổi tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ (có thể từ Trung ương hoặc tỉnh). Ngành Y tế chủ động cập nhật kiến thức chuyên môn, xây dựng nội dung tập huấn cho cán bộ trực tiếp thực hành công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19 tại tất cả các tuyên, đảm bảo tiêm đến đâu an toàn đến đó. Các cơ sở tiêm chủng chủ động nhân lực và đảm bảo trước khi triển khai các cán bộ tham gia đều được tập huấn về chuyên môn triển khai chiến dịch.

2. Rà soát đối tượng

- Các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể tỉnh; Ủy ban nhân dân; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các huyện thành phố; các tổ dân phố chịu trách nhiệm thực hiện việc rà soát, cam kết đối tượng tiêm theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 21/NQ-CP và những đối tượng không nằm trong diện ưu tiên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ. Thời gian hoàn thành công tác rà soát tính đến ngày 12/7/2021 có 70 cơ quan, đơn vị, địa phương với tổng số đối tượng là 180.256 (có phụ lục chi tiết gửi kèm).

- Tiếp tục rà soát, đăng ký và cam kết đối tượng trong diện ưu tiên tiêm miễn phí vắc xin phòng COVID-19 theo Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 và theo Công văn số 1105/VPUB-KGVX ngày 14/7/2021 của văn phòng UBND tỉnh Sơn La về việc tiếp tục rà soát, đăng ký đối tượng tiêm vắc xin phòng Covid-19 giai đoạn 2021 - 2022. Thời gian hoàn thành công tác rà soát trước 10h00 ngày 02/8/2021.

3. Tiếp nhận, bảo quản, cấp phát vắc xin, vật tư tiêm chủng

- Các cơ sở tiêm chủng chuẩn bị sẵn sàng Hệ thống dây chuyền lạnh, thiết bị theo dõi, bảo quản vắc xin theo quy định để triển khai Chiến dịch trong mọi tình huống.

- Trong vòng 02 ngày sau khi tiếp nhận vắc xin từ đơn vị cung ứng về tỉnh sẽ có Kế hoạch cấp phát cho các đơn vị triển khai theo Kế hoạch.

- Trung tâm Y tế (TTYT) các huyện, thành phố cấp phát cho các điểm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh ít nhất 01 ngày trước khi triển khai. Riêng cấp cho các BVĐK thực hiện vào buổi sáng trước khi triển khai tiêm chủng.

- Việc bảo quản vắc xin tại các tuyến trên địa bàn tỉnh Sơn La đảm bảo theo quy định và theo các khuyến cáo của nhà sản xuất. Đối với các vắc xin phải pha loãng, các đơn vị cần bảo quản dung dịch nước muối sinh lý để pha loãng ở nhiệt độ từ 2-8°C ít nhất 24 giờ trước khi triển khai tiêm chủng, đồng thời sử dụng các loại vắc xin, vật tư tiêm chủng theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất và đúng quy định của Bộ Y tế...

- Việc cung ứng vắc xin, vật tư tiêm chủng sẽ thực hiện căn cứ trên tình hình thực tế và theo chỉ đạo, điều phối cung ứng từ tuyến Trung ương.

- Các đơn vị nghiêm túc thực hiện việc tiếp nhận, bảo quản, cấp phát vắc xin, vật tư tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế, Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022.

4. Tổ chức tiêm chủng

4.1. Hệ thống cơ sở tiêm chủng

Sử dụng các hệ thống cơ sở tiêm chủng sẵn có tại địa phương trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở tiêm chủng đã có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng hoặc công bố cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng theo Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ tại tất cả các tuyến.

4.2. Về nhân lực tiêm chủng

- Các đơn vị chủ động sắp xếp bố trí nhân lực, địa điểm tiêm chủng để triển khai Chiến dịch đảm bảo theo quy định của Bộ Y tế.

- Tùy theo số lượng vắc xin theo từng đợt, giao ngành y tế xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện tiêm chủng. Trong đó có phương án cụ thể về nhân lực, khi cần ngành y tế có thể trưng tập và bổ sung thêm từ 01 đến 02 cán bộ y tế tại mỗi điểm tiêm chủng để thực hiện theo dõi sau tiêm, phối hợp xử trí các trường hợp xảy ra tai biến sau tiêm (nếu có) và tham gia công tác truyền thông tại các điểm tiêm chủng i tượng trưng tập có thể là bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng đang công tác tại các Bệnh viện, giảng viên Trường Cao đẳng y tế Sơn La,...).

4.3. Tổ chức buổi tiêm chủng

- Sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có, các cơ sở tiêm chủng nhà nước, tư nhân và các cơ sở khác đủ điều kiện tiêm chủng.

- Tổ chức tiêm chủng chiến dịch theo hình thức cuốn chiếu mỗi cụm từ 1 - 5 xã/phương/thị trấn tùy theo tình hình thực tế của địa phương. Đảm bảo bố trí đầy đủ nhân lực để triển khai tốt các hoạt động: Quản lý đối tượng, thực hành tiêm chủng, theo dõi sau tiêm chủng, thống kê báo cáo, cấp cứu các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng (nếu có).

- Cơ sở tiêm chủng bố trí đối tượng đến điểm tiêm chủng theo khung giờ, chia thành nhiều bàn, điểm tiêm chủng bảo đảm giãn cách và các biện pháp phòng chống dịch; phải sử dụng tối đa công nghệ thông tin trong tiêm chủng, bố trí cán bộ hỗ trợ sử dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai tiêm chủng.

- Đối với các đối tượng cần thận trọng tiêm chủng theo hướng dẫn tại Quyết định số 2995/QĐ-BYT ngày 18/6/2021 của Bộ Y tế thì tổ chức tiêm tại cơ sở tiêm chủng của Bệnh viện Đa khoa hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu.

- Các cơ sở tiêm chủng dịch vụ: Thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng theo chỉ đạo của Sở Y tế; bố trí trang thiết bị, phương tiện để xử trí cấp cứu tại chỗ trong trường hợp cần thiết; liên hệ với các đội cấp cứu lưu động của các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn để xử lý các trường hợp phản ứng sau tiêm trong trường hợp cần thiết.

5. Đảm bảo an toàn tiêm chủng

- Các điểm tiêm chủng thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng và Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng.

- Thực hiện nghiêm túc Quyết định số 2995/QĐ-BYT ngày 18/6/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Bệnh viện đa khoa các tuyến tổ chức các đội cấp cứu tại đơn vị mình và thành lập các đội cấp cứu lưu động, bố trí cán bộ cùng với các cơ sở tiêm chủng tại địa phương khám sàng lọc, xử trí phản ứng bất thường sau tiêm chủng, đặc biệt là các xã ở các điểm tiêm chủng vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, ít nhất 01 đội cấp cứu lưu động tại mỗi cụm tiêm chủng. Trong thời gian triển khai tiêm chủng COVID-19 các Bệnh viện Đa khoa phải dự phòng một số giường bệnh hồi sức tích cực nhất định (để trống ti thiểu 5 giường/Bệnh viện) để sẵn sàng xử trí trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.

- Các cơ sở tiêm chủng khác phải bố trí trang thiết bị, phương tiện xử trí cấp cứu tại chỗ và phương án cụ thể để hỗ trợ cấp cứu trong trường hợp cần thiết.

- Các cán bộ tham gia tiêm chủng tuân thủ nghiêm ngặt đúng các quy định của Bộ Y tế và của các nhà sản xuất vắc xin về thực hành an toàn tiêm chủng.

- Các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng thực hiện theo Điều 14, 15, 16 Chương IV của Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động của tiêm chủng.

- Thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế và các văn bản có liên quan, đồng thời nghiêm túc thực hiện theo Công văn số 102/MT-YT ngày 4/3/2021 của Cục Quản lý môi trường Y tế về hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin phòng COVD-19.

6. Công tác truyền thông

- Tuyên truyền Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 16/02/2021 của Chính Phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19, sản xuất vắc xin COVID-19 trong nước; Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022.

- Cung cấp chính xác, kịp thời thông tin đến người dân, cộng đồng, chính quyền các cấp, các cơ quan y tế và các lực lượng tham gia phòng, chống dịch về diễn biến tình hình dịch, quá trình nghiên cứu, phát triển và sử dụng vắc xin COVID-19 trên thế giới, tại Việt Nam.

- Tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm của nhân viên y tế trong việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 và thực thi nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19. Huy động sự ủng hộ, tham gia, hỗ trợ nguồn lực của người dân và cộng đồng xã hội trong quá trình triển khai tiêm vắc xin, đúng đối tượng, đảm bảo an toàn và hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

- Cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, truyền thông cho người dân và cộng đồng về đối tượng ưu tiên, loại vắc xin phòng COVID-19, lợi ích của văc xin, lịch tiêm, tính an toàn của vắc-xin, các sự cố bất lợi sau tiêm, kế hoạch tiêm.

7. Công tác kiểm tra, giám sát

- Công tác giám sát được thực hiện ở tất cả các tuyến, các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch giám sát hỗ trợ tại địa phương, kể cả trước, trong và sau buổi tiêm chủng.

- Ban Chỉ đạo các cấp phân công thành viên phụ trách và trực tiếp đi kiểm tra, giám sát các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện trước, trong và sau thời gian tổ chức Chiến dịch.

- Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện/thành phố tổ chức giám sát thường xuyên các hoạt động chuyên môn: công tác phối hợp xây dựng kế hoạch triển khai; tuyên truyền; tiếp nhận, bảo quản, phân phối vắc xin, vật tư tiêm chủng; đảm bảo an toàn tiêm chủng, giám sát phản ứng sau tiêm vắc xin...

8. Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng

8.1. Quản lý đối tượng tiêm chủng

- Thông báo, cập nhật liên tục thông tin về đăng ký tiêm chủng, kế hoạch tiêm chủng, lịch tiêm chủng và các nội dung truyền thông đại chúng trên Cổng thông tin của chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19.

- Việc đăng ký tiêm chủng và khai báo y tế, cập nhật phản ứng sau tiêm được thực hiện qua các hình thức: ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” trên di động, cổng thông tin.

- Trong trường hợp nguồn vắc xin phân bổ hạn chế, việc lập danh sách đối tượng tiêm chủng, xếp lịch tiêm chủng theo giờ phải được thực hiện trước khi thông báo cho người dân đăng ký tiêm; việc lập danh sách đối tượng tiêm chủng được thực hiện sau trong trường hợp đủ số lượng liều vắc xin cho tiêm chủng đại trà.

8.2. Quản lý cơ sở tiêm chủng

- Công khai và cập nhật thường xuyên thông tin vị trí, số bàn tiêm, thông tin người phụ trách trên cổng thông tin của chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn.

- Cơ sở tiêm chủng phải cập nhật thông tin số lượng liều vắc xin được nhập, số lượng tiêm được, số liệu tồn theo ngày cập nhật trên trang thông tin chỉ đạo điều hành của Ban chỉ đạo chiến dịch tiêm trên nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19.

- Hệ thống phục vụ chỉ đạo điều hành của Ban chỉ đạo chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cập nhật trực tuyến tra cứu theo cơ sở tiêm về kết quả số người dân được tiêm, số hoãn tiêm và số được cấp chứng nhận tiêm chủng (lần 1 và lần 2 nếu có).

8.3. Quản lý tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin

- Báo cáo và cập nhật báo cáo của Ban chỉ đạo chiến dịch về số liều vắc xin được phân bổ và thông tin cơ sở làm căn cứ phân bổ, về kế hoạch phân bổ số liều vắc xin đối với từng đợt phân bổ của Ban chỉ đạo chiến dịch.

- Hệ thống phục vụ chỉ đạo điều hành của Ban chỉ đạo chiến dịch cập nhật trực tuyến thông tin về số lượng, thời điểm nhập, xuất, nhập lại các liều vắc xin tra cứu theo số lô của nhà sản xuất... trong hệ thống tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển do Ban chỉ đạo quy định.

- Các đơn vị, cơ sở y tế liên quan đến tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản thực hiện cập nhật thông tin, số lượng, báo cáo trên Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19.

8.4. Quản lý buổi tiêm chủng

Trong quá trình thực hiện, thông tin liên quan đến các bước cần được cập nhật trực tiếp lên phân hệ Hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng của Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 theo bốn bước: Tiếp đón/Khám sàng lọc và xác nhận đủ điều kiện tiêm/Tiêm và Theo dõi sau tiêm/cấp giấy xác nhận.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN TRIỂN KHAI

1. Nguồn cung ứng vắc xin, vật tư tiêm chủng

Trung ương cung cấp toàn bộ vắc xin để thực hiện tiêm cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh Sơn La.

2. Nguồn kinh phí

- Ngân sách cấp tỉnh: Đảm bảo kinh phí mua vắc xin phòng COVID-19 để triển khai trên địa bàn toàn tỉnh (khi trung ương không cung cấp miễn phí) theo quy định tại Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Sơn La, phương tiện cấp cứu cơ bản theo quy định tại Quyết định số 3518/QĐ-BYT ngày 20/7/2021 của Bộ Y tế cho các cơ sở thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh, kinh phí truyền thông, kiểm tra, giám sát, bảo quản, vận chuyển vắc xin vật tư cho Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh theo quy định.

- Ngân sách các huyện, thành phố chủ động bố trí kinh phí để triển khai các hoạt động tiêm vắc xin tại địa phương như: Vật tư tiêu hao, hộp chống sốc, thuốc chống sốc, máy đo huyết áp, truyền thông, tập huấn, công tiêm, kiểm tra, giám sát, thuê phông rạp, quạt, dung dịch sát khuẩn, xử lý chất thải, nước uống, văn phòng phẩm, in ấn, mua bơm kim tiêm, hộp an toàn (nếu Trung ương không cung cấp hoặc không cung cấp đủ cho địa phương) và các vật dụng cần thiết khác...cho các cơ sở thực hiện tiêm chủng phòng bệnh tại địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế (Cơ quan thường trực BCĐ phòng chống dịch COVID-19 tỉnh)

- Chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 theo từng đợt, từng giai đoạn trên địa bàn tỉnh; lập phương án, dự toán kinh phí hỗ trợ của địa phương gửi Sở Tài chính thẩm định trình HĐND, UBND tỉnh xem xét, quyết định (nếu có).

- Thành lập các đoàn đánh giá cơ sở an toàn tiêm chủng vắc xin COVID- 19 theo hướng dẫn tại Quyết định số 3518/QĐ-BYT ngày 20/7/2021 của Bộ Y tế về việc Ban hành tiêu chí cơ sở an toàn tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; UBND các huyện tổ chức triển khai, giám sát các hoạt động tiêm chủng trên địa bàn quản lý.

- Chỉ đạo các đơn vị, cơ sở tiêm chủng đảm bảo chuyên môn, triển khai các hoạt động đế chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên địa bàn tỉnh, đảm bảo an toàn tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế.

- Chủ trì phối hợp với các đơn vị của Bộ Quốc phòng, Quân khu 2 và các đơn vị liên quan thực hiện điều phối vắc xin trên địa bàn toàn tỉnh.

- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác truyền thông về chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19.

- Định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả triển khai Chiến dịch.

2. Sở Tài chính

Cân đối ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch; Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí theo quy định.

3. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

- Có trách nhiệm tiếp nhận, chỉ đạo, tổ chức, thực hiện vận chuyển vắc xin phòng COVID-19 từ nơi tiếp nhận đến các địa điểm bảo quản do Sở Y tế quản lý hoặc các địa điểm huy động khi cần thiết, đảm bảo thời gian theo quy định.

- Thông báo cho Sở Y tế về lịch trình, thời gian, địa điểm giao nhận vắc xin ít nhất 01 ngày trước khi các đơn vị tiếp nhận.

- Hoàn thiện các hồ sơ giao nhận cho các đơn vị Y tế theo quy định.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Sơn La

- Phối hợp với Ngành Y tế, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về lợi ích tiêm vắc xin phòng bệnh COVID-19; khuyến cáo người dân hưởng ứng hoạt động tiêm chủng phòng bệnh; hướng dẫn cách theo dõi, xử trí với các phản ứng sau tiêm chủng (nếu có).

- Quản lý và cập nhật công khai thường xuyên các thông tin trên cổng thông tin của chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn.

- Chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền trước và trong thời gian tổ chức chiến dịch. Tăng thời lượng phát sóng, tin bài tuyên truyền về mục tiêu, lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19.

- Cử phóng viên tiếp cận và đưa tin kịp thời các hoạt động triển khai tại các đơn vị, địa phương trong thời gian triển khai chiến dịch.

5. Công an tỉnh

Chỉ đạo cho lực lượng Công an của các huyện/thành phố đảm bảo an ninh, trật tự tại các điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo nội dung kế hoạch, theo các đợt triển khai Chiến dịch.

6. Các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan

Theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp tốt với Ngành Y tế tích cực tham gia tuyên truyền, vận động để nhân dân tham gia và hưởng ứng hoạt động tiêm chủng.

Cung cấp danh sách các đối tượng thuộc Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ đồng thời phối hợp với Sở Y tế tổ chức tiêm cho các đối tượng thuộc đơn vị mình và hỗ trợ Sở Y tế khi cần thiết.

7. Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố

- Có trách nhiệm phê duyệt Kế hoạch triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho đối tượng nguy cơ, đối tượng ưu tiên của địa phương.

- Bố trí kinh phí triển khai các hoạt động Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19.

- Chỉ đạo các đơn vị, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, UBND các xã, phường, thị trấn rà soát những đối tượng thuộc Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ, không thuộc Nghị quyết có nhu cầu tiêm vắc xin gửi Sở Y tế tổng hợp.

- Phân công các thành viên phụ trách và trực tiếp kiểm tra, giám sát tại các đơn vị, địa phương triển khai trong toàn bộ thời gian tổ chức Chiến dịch.

- Chỉ đạo đơn vị Y tế, các phòng, ban liên quan thực hiện nghiêm túc và đảm bảo an toàn trong thời gian triển khai tiêm chủng theo nhiệm vụ được phân công; Huy động lực lượng của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội tham gia hỗ trợ ngành Y tế trong các hoạt động triển khai.

- Chỉ đạo các tổ chức xã hội, các ban, ngành đoàn thể liên quan tuyên truyền để nhân dân hiểu về lợi ích, hiệu quả tiêm vắc xin phòng bệnh để người dân hưởng ứng hoạt động tiêm chủng tại địa phương.

- Bảo đảm nguồn kinh phí để thực hiện các hoạt động trong việc triển khai tiêm chủng vắc xin COVID-19 theo phân cấp ngân sách của địa phương.

8. Đề nghị Ủy ban mặt trận tổ quốc và các Tổ chức chính trị - xã hội các cấp.

Phối hợp chặt chẽ với Ngành Y tế, các ban ngành, cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, vận động các đối tượng đi tiêm vắc xin COVID-19 đúng kế hoạch.

Trên đây là Kế hoạch triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 trên địa bàn tỉnh Sơn La. Yêu cầu các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế (B/c);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Thường trực UBMTTQ tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Cục YTDP, QLKCB; Viện VSDTTƯ;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- CVP UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND huyện, thành phố;
- Báo Sơn La, Đài PT&TH tỉnh, TTTT tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX_S.Hùng, (45b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Tráng Thị Xuân

 

PHỤ LỤC 1

BIỂU TỔNG HỢP SỐ ĐỐI TƯỢNG CÁC ĐƠN VỊ ĐÃ ĐĂNG KÝ TIÊM VẮC XIN COVID-19 THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 21 GIAI ĐOẠN 2021-2022 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA
(Kèm theo Kế hoạch số 166/KH-UBND ngày 21/7/2021 của UBND tỉnh)

TT

Tên đơn vị

Tổng số đối tượng

Ghi chú

1

Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh

47

 

2

Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân

8

 

3

Thanh tra tỉnh

6

 

4

Kho Bạc nhà nước tỉnh

22

 

5

Sở Tài chính

46

 

6

Sở Nội Vụ

15

 

7

Sở Kế hoạch và Đầu tư

34

 

8

Sở Giao Thông vận tải

49

 

9

Sở Khoa học và Công nghệ

20

 

10

Sở Thông tin và Truyền thông

13

 

11

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

46

 

12

Sở Xây dựng

50

 

13

Sở Công Thương

195

 

14

Hội Liên hiệp phụ nữ

1

 

15

Cục Thống kê

32

 

16

Cục Thuế tỉnh

38

 

17

Bảo hiểm xã hội

81

 

18

Báo Sơn La

6

 

19

Đài Phát thanh và Truyền hình

67

 

20

Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc

53

 

21

Ngân hàng Nhà nước Việt Nan chi nhánh Sơn La

40

 

22

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Sơn La

104

 

23

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Sơn La

265

 

24

Ngân hàng SHB

26

 

25

Ngân hàng TMCP phát triển TP HCM chi nhánh Sơn La

30

 

26

Ngân hàng Bưu điện Liên Việt

75

 

27

Thư viện tỉnh

29

 

28

Bảo tàng

9

 

29

Bưu điện tỉnh

100

 

30

BV Đa khoa tỉnh

6

 

31

BV Y Dược cổ truyền

61

 

32

BV Phục hồi chức năng

18

 

33

Bệnh viện Phong và Da liễu

31

 

34

Bệnh viện Mắt

5

 

35

Bệnh viện đa khoa Cuộc sống

13

 

36

Sở Y tế

11

 

37

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

13

 

38

UBND huyện Vân Hồ

13.410

 

39

UBND huyện Mộc Châu

6.271

 

40

UBND huyện Yên Châu

3.691

 

41

UBND huyện Mai Sơn

19.667

 

42

UBND Thành phố

11.760

 

43

UBND huyện Thuận Châu

37.762

 

44

UBND huyện Quỳnh Nhai

8.796

 

45

UBND huyện Mường La

19.219

 

46

UBND huyện Phù Yên

18.876

 

47

UBND huyện Bắc Yên

7.932

 

48

UBND huyện Sông Mã

13.689

 

49

UBND huyện Sốp Cộp

14.044

 

50

Ban Quản lý các khu công nghiệp

20

 

51

Ban Quản lý các dự án ODA

23

 

52

Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn

22

 

53

Ban QLDA di dân tái định cư thủy điện

32

 

54

Công ty Thủy điện Sơn La

175

 

55

Công ty Điện lực Sơn La

632

 

56

Công ty Bảo hiểm Bảo việt

24

 

57

Công ty Bảo hiểm PJICO

11

 

58

Công ty Cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La

192

 

59

Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại Lam Sơn

38

 

60

Công ty TNHHMTV Lâm Diệu

64

 

61

Công ty Cổ phần dịch vụ thương mại tổng hợp VINCOMMERCE

65

 

62

Công ty Cổ phần ĐTXD&TM Hà Thao

17

 

63

Công ty Cổ phần kiểm định phương tiện vận tải Sơn La

14

 

64

Công ty CP Cao su

1.289

 

65

Trường Cao đẳng Sơn La

196

 

66

Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Sơn La

164

 

67

Tổng Công ty Bảo việt nhân thọ

449

 

68

Công ty đậu nành Việt Nam Vinasoy

6

 

69

Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT

22

 

70

Công ty Chi nhánh truyền hình cáp SaiGonTouRist

19

 

Tổng

180.256

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 166/KH-UBND năm 2021 triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 trên địa bàn tỉnh Sơn La

  • Số hiệu: 166/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 21/07/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La
  • Người ký: Tráng Thị Xuân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/07/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản