Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 166/KH-UBND

Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

KHẮC PHỤC CÁC TỒN TẠI, HẠN CHẾ, KHUYẾT ĐIỂM ĐƯỢC CHỈ RA SAU HỘI NGHỊ KIỂM ĐIỂM NĂM 2023 CỦA BAN CÁN SỰ ĐẢNG VÀ TẬP THỂ LÃNH ĐẠO UBND THÀNH PHỐ LIÊN QUAN ĐẾN “TÌNH TRẠNG ÚNG NGẬP VẪN XẢY RA THƯỜNG XUYÊN GÂY ÁCH TẮC GIAO THÔNG VÀ BỨC XÚC CHO NGƯỜI DÂN”

Căn cứ các Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị Thành phố giai đoạn 2021-2025; Chương trình số 05-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn Thành phố, giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 23/9/2021 của Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 – 2025 của Thành phố và danh mục lĩnh vực đầu tư cho vay giai đoạn 2021 – 2025 của Quỹ đầu tư phát triển Thành phố; UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 312/KH-UBND ngày 28/12/2021 phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị Thành phố giai đoạn 2021-2025. Thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 07/11/2022 của Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Kết luận số 97-KL/TU ngày 10/11/2022 của Thành ủy về công tác tiêu thoát nước, giải pháp chống úng ngập trên địa bàn thành phố Hà Nội; UBND Thành phố đã chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác đầu tư phát triển hạ tầng thoát nước và duy trì hệ thống thoát nước trên địa bàn Thành phố.

Trong quá trình triển khai công tác thoát nước trên toàn địa bàn Thành phố, đối với trận mưa cường độ lớn xảy ra, hệ thống thoát nước đô thị vẫn còn bộc lộ một số hạn chế gây úng ngập cục bộ, dẫn đến ùn tắc giao thông, ảnh hưởng tới sinh hoạt, đời sống của nhân dân.

Thực hiện Kế hoạch số 212-KH/TU ngày 07/02/2024 của Thành ủy về khắc phục hạn chế, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy sau kiểm điểm công tác lãnh đạo chỉ đạo năm 2023, để khắc phục những hạn chế, đảm bảo tốt việc tiêu thoát nước, chống úng ngập trên địa bàn Thành phố, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch khắc phục các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm liên quan đến

“Tình trạng úng ngập vẫn xảy ra thường xuyên gây ách tắc giao thông và bức xúc cho người dân” như sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

1. Mục đích

Đề xuất một số giải pháp nhằm giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai công tác thoát nước nhằm khắc phục tình trạng úng ngập khi mưa trên địa bàn Thành phố; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước theo Quy hoạch.

2. Yêu cầu

- Quản lý khắc phục tình trạng úng ngập khi mưa trên địa bàn Thành phố, đặc biệt đối với khu vực đô thị; giảm thiểu các điểm úng ngập cục bộ cả về chiều sâu và thời gian úng ngập.

- Tập trung công tác đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước bằng nguồn vốn đầu tư công.

- Các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị thoát nước được giao nhiệm vụ nghiêm túc tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này.

II. NỘI DUNG

1. Đối với những địa bàn đã được đầu tư hệ thống thoát nước hoàn chỉnh - Lưu vực Tô Lịch gồm các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và một phần các quận: Tây Hồ, Thanh Xuân.

Tập trung phát huy hiệu quả tiêu thoát nước của hệ thống hiện có, đưa nước nhanh nhất về các nguồn tiêu và các trạm bơm đầu mối, đảm bảo thoát nước nhanh với trận mưa có cường độ 310mm/2 ngày và 70mm/h tại khu vực đã được cải tạo theo Dự án thoát nước cải thiện môi trường Hà Nội.

2. Đối với các địa bàn chưa được đầu tư đồng bộ hoặc chưa được đầu tư- Lưu vực Tả Nhuệ, Lưu vực Hữu Nhuệ gồm địa bàn các quận: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông; Lưu vực Long Biên gồm địa bàn quận Long Biên.

Tổ chức triển khai thực hiện dự án đầu tư hệ thống thoát nước sử dụng vốn ngân sách theo quy định của Luật Đầu tư công. Tập trung chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Thành phố, các Sở, ngành Thành phố, quận, huyện, thị xã đã được UBND Thành phố giao thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, đầu tư các dự án thoát nước, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án nhằm hoàn thiện hệ thống thoát nước khu vực đô thị.

3. Các giải pháp, biện pháp khắc phục

3.1. Giải pháp chung trước mắt

- Tăng cường công tác quản lý, duy tu, duy trì hệ thống thoát nước; thực hiện duy trì thường xuyên hệ thống cống, rãnh thoát nước, mương, sông, hồ giảm thiểu tình trạng úng ngập.

- Hoàn thành công tác sửa chữa, bảo dưỡng các công trình đầu mối (trạm bơm, đập điều tiết, cống qua đê…) trước mùa mưa; tiếp tục giải quyết các điểm ngập nhỏ lẻ cục bộ và khắc phục sự cố trên hệ thống thoát nước.

- Kiểm soát thường xuyên giữ mực nước trên hệ thống mương, sông, hồ điều hòa thoát nước theo đúng quy trình.

- Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, xây dựng kịch bản các tình huống cụ thể khi mưa để ứng phó kịp thời.

- Vận hành hợp lý cụm công trình đầu mối Yên Sở, Bắc Thăng Long – Vân Trì, các cửa điều tiết và các trạm bơm tiêu thoát nước chính.

- Tổ chức triển khai công tác ứng trực giải quyết sự cố úng ngập khi mưa lớn, giảm thiểu mức độ và thời gian úng ngập trên địa bàn Thành phố; tổ chức phân luồng giao thông khi mưa lớn.

- Tăng cường công tác bảo vệ chống lấn chiếm hồ ao, diện tích mặt nước đảm bảo cảnh quan và phục vụ điều hòa thoát nước đô thị.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các Sở, ngành Thành phố với UBND các quận, huyện, thị xã cùng các đơn vị quản lý đường bộ, thuỷ nông liên quan triển khai các giải pháp đồng bộ để tiêu thoát nước giảm thiểu tình trạng úng ngập, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

3.2. Các giải pháp cụ thể, triển khai lâu dài

(1) Về Quy hoạch, Kế hoạch:

- Thực hiện rà soát, điều chỉnh Quy hoạch Thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cập nhật và lồng ghép vào đồ án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

- Lập Kế hoạch phát triển hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải đô thị giai đoạn 2026- 2030.

(2) Về đầu tư:

Hoàn thành các dự án đầu tư theo Kế hoạch số 312/KH-UBND ngày 21/12/2021 và Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021- 2025 gồm:

- Các dự án đang triển khai: (1) Dự án hệ thống thoát nước, hồ điều hòa, trạm bơm Vĩnh Thanh, huyện Đông Anh; (2) Dự án Xây dựng, nâng cấp trạm bơm Phương Trạch, huyện Đông Anh; (3) Dự án Cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây Thành phố (Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa).

- Các dự án đang chuẩn bị đầu tư: (1) Xây dựng hệ thống thoát nước mưa lưu vực Tả sông Nhuệ; (2) Xây dựng hệ thống thoát nước quận Hà Đông thuộc lưu vực Hữu Nhuệ (đã được HĐND Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 22/9/2023); (3) Xây dựng trạm bơm Gia Thượng, hồ điều hòa và tuyến mương Thượng Thanh, quận Long Biên (đã được HĐND Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 29/3/2024); (4) Dự án chống úng ngập cục bộ cho các quận nội đô và một số huyện ven đô; (5) 03 dự án thoát nước do UBND quận Long Biên làm chủ đầu tư[1] (đã được HĐND Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 gồm: Xây dựng tuyến mương Việt Hưng – Cầu Bây và hồ điều hòa Cự Khối; xây dựng trạm bơm Cự Khối và tuyến mương xả ngoài đê Tả Hồng; Dự án xây dựng tuyến cống hóa thoát nước Long Biên – Cự Khối).

- Dự án xây dựng bể điều tiết ngầm tại khu vực Ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa - Phùng Hưng do UBND Quận Hoàn Kiếm đề xuất và được UBND Thành phố thống nhất chủ trương.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Xây dựng

- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, rà soát tình hình tổ chức thực hiện Kế hoạch số 312/KH-UBND ngày 28/12/2021 và Kế hoạch này của UBND Thành phố.

- Chủ trì phối hợp với các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã hàng năm xây dựng Kế hoạch đảm bảo thoát nước, chống úng ngập mùa mưa trên địa bàn Thành phố và tổ chức thực hiện.

- Chủ trì phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng Kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải giai đoạn 2026 - 2030.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Tham mưu UBND Thành phố: xây dựng kế hoạch và bố trí đủ nguồn vốn các dự án đầu tư xây dựng công trình thoát nước và xử lý nước thải bằng nguồn vốn ngân sách phù hợp với tiến độ, kế hoạch thực hiện của dự án; ban hành cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư xây dựng công trình thoát nước và xử lý nước thải đô thị bằng nguồn vốn khác.

- Chủ trì đầu mối đăng ký với các Bộ, ngành kêu gọi nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và xúc tiến, tổ chức kêu gọi đầu tư các nguồn vốn khác trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải.

- Hướng dẫn các Nhà đầu tư, Chủ đầu tư về các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, cấp chứng nhận đầu tư, thực hiện thẩm định các dự án đầu tư, kế hoạch đấu thầu trình UBND Thành phố phê duyệt theo phân cấp.

3. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Thành phố

Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thoát nước bằng nguồn vốn đầu tư công của Thành phố để đưa vào vận hành hiệu quả, đồng bộ trên địa bàn Thành phố.

4. Các Sở, ngành Thành phố:

Các Sở: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Quy hoạch - Kiến trúc, Khoa học và Công nghệ; Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội; Công an Thành phố; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Thành phố: tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 312/KH-UBND ngày 28/12/2021 của UBND Thành phố.

5. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã:

- Chỉ đạo, phối hợp thực hiện công tác GPMB các dự án, công trình thoát nước trên địa bàn. Kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo UBND Thành phố chỉ đạo giải quyết những khó khăn vướng mắc trong công tác GPMB các dự án thoát nước và xử lý nước thải.

- Quản lý, duy trì bảo dưỡng hệ thống thoát nước theo phân cấp; tăng cường công tác bảo vệ chống lấn chiếm hồ ao, diện tích mặt nước đảm bảo cảnh quan và phục vụ điều hòa thoát nước đô thị; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ các công trình thoát nước như sông, mương, hồ, cống, rãnh…và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, trật tự đô thị, xả rác thải bừa bãi ảnh hưởng đến các công trình này.

- Tổ chức triển khai hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước được giao.

6. Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội và các đơn vị thoát nước

- Xây dựng Kế hoạch bảo đảm thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành Hà Nội mùa mưa hàng năm trên địa bàn được giao quản lý của đơn vị.

- Thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ.

- Xây dựng kế hoạch ứng trực 24/24h cụ thể, chi tiết cho từng vị trí, từng khu vực và cả kế hoạch ứng phó đối với trận mưa vượt công suất thiết kế của hệ thống. Triển khai ứng trực kịp thời, đúng kế hoạch với đầy đủ phương tiện, thiết bị, công cụ, dụng cụ, nhân lực khi có mưa trên toàn địa bàn, trong đó trọng tâm là các điểm úng ngập trên các trục đường giao thông chính, các đường phố có mật độ giao thông cao và địa hình trũng cục bộ dễ gây ùn tắc giao thông.

- Tăng cường kiểm tra, phát hiện khắc phục sự cố thoát nước trên hệ thống kịp thời; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp xử lý các điểm úng ngập trên địa bàn được giao quản lý.

- Chủ động phối hợp với Tổng Công ty Điện lực Thành phố và các Công ty Điện lực quận, huyện, thị xã đảm bảo cung cấp điện ổn định, phục vụ vận hành an toàn các trạm bơm thoát nước; phối hợp Sở Giao thông vận tải, Cảnh sát giao thông - Công an Thành phố, Đài tiếng Nói Việt Nam (VOV) cung cấp các điểm úng ngập; thống nhất phương án phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm úng ngập khi có mưa.

7. Chế độ thông tin báo cáo

Các Sở, ban, ngành Thành phố, các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này; định kỳ ngày 15 tháng 6 và tháng 12 hàng năm báo cáo tình hình thực hiện gửi Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố.

Sở Xây dựng theo dõi, tổng hợp, định kỳ ngày 25 tháng 6 và tháng 12 hàng năm báo cáo UBND Thành phố tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch.

Trên đây là Kế hoạch khắc phục các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm liên quan đến “Tình trạng úng ngập vẫn xảy ra thường xuyên gây ách tắc giao thông và bức xúc cho người dân”, yêu cầu các Sở, ban ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị thoát nước và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bí thư Thành ủy; (để b/c)
- Thường trực Thành ủy; (để b/c)
- Chủ tịch UBND Thành phố; (để b/c)
- Các PCT UBND Thành phố;
- Văn phòng Thành ủy;
- VP Đoàn ĐBQH và HĐND TP;
- Các Sở, ban, ngành Thành phố;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Công ty TNHH MTV Thoát nước HN và các đơn vị thoát nước;
- VPUBNDTP: CVP, PCVP V.T.Anh, các phòng chuyên môn;
- Lưu VT, ĐT(Dương)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Đức Tuấn

 

 



[1] Nghị Quyết 03/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 của Hội đồng nhân dân Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án bằng nguồn ngân sách quận Long Biên.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 166/KH-UBND năm 2024 về khắc phục các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm năm 2023 của Ban cán sự Đảng và Tập thể Lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội liên quan đến "Tình trạng úng ngập vẫn xảy ra thường xuyên gây ách tắc giao thông và bức xúc cho người dân" do Thành Phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 166/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 31/05/2024
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Dương Đức Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/05/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản