Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/NQ-HĐND

Hà Nội, ngày 23 tháng 9 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN 5 NĂM 2021-2025 CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI VÀ DANH MỤC LĨNH VỰC ĐẦU TƯ CHO VAY GIAI ĐOẠN 2021-2025 CỦA QUỸ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ HAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định của Chính phủ số 40/2020/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2020 về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công;

Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội: số 115/2020/NĐ-QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội; số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025; số 29/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ: số 20/CT-TTg ngày 29 tháng 7 năm 2019 về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; số 13/CT-TTg ngày 23 tháng 5 năm 2021 về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025;

Xét đề nghị của UBND thành phố Hà Nội tại Tờ trình số 188/TTr-UBND ngày 06 tháng 9 năm 2021; Báo cáo số 231/BC-UBND ngày 06 tháng 9 năm 2021 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Thành phố; Báo cáo số 232/BC-UBND ngày 06 tháng 9 năm 2021 về xây dựng danh mục, lĩnh vực đầu tư cho vay giai đoạn 2021-2025 của Quỹ Đầu tư phát triển Thành phố; Báo cáo thẩm tra số 46/HĐND-KTNS ngày 09 tháng 9 năm 2021, số 50/BC-HĐND ngày 09 tháng 9 năm 2021 của Ban Kinh tế - Ngân sách; Báo cáo bổ sung, giải trình số 263/BC-UBND ngày 21 tháng 9 năm 2021 của UBND Thành phố và ý kiến thảo luận của các Đại biểu HĐND Thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Mục tiêu, định hướng đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Thành phố giai đoạn 2021-2025

1. Mục tiêu:

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, thu hút tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác theo phương châm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư” để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, khâu đột phá trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh đã được xác định trong Chương trình hành động của Thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, 10 Chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của Thành phố, các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình thuộc danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, các vấn đề dân sinh bức xúc trên địa bàn Thành phố.

2. Định hướng đầu tư:

a) Đảm bảo cơ cấu đầu tư hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa các lĩnh vực và giữa các địa bàn theo quan điểm phát triển đồng đều, có tính khả thi trong triển khai thực hiện. Tập trung bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư của Thành phố hỗ trợ bổ sung có mục tiêu cho các huyện, thị xã và các dự án thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, khâu đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh đã được xác định tại Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội Thủ đô đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, các quy hoạch ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII nhiệm kỳ 2021-2025, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của Thành phố giai đoạn 2021-2025. Không bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể tham gia.

b) Hỗ trợ đầu tư cho các huyện, thị xã thực hiện dự án có ý nghĩa về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện hoàn thành một số mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII. Hỗ trợ đầu tư các dự án thuộc ngành dọc quốc phòng, an ninh, tư pháp nhằm đảm bảo mục tiêu an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, hệ thống tư pháp. Chỉ thực hiện hỗ trợ ngành dọc và cấp dưới khi ngân sách Thành phố đủ khả năng cân đối sau khi thực hiện nhiệm vụ chi của Thành phố.

Điều 2. Tổng mức vốn và phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Thành phố 5 năm 2021-2025

Tổng mức vốn đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 nguồn ngân sách Thành phố là 304.799,654 tỷ đồng, trong đó:

1. Tổng mức vốn đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp Thành phố là 218.962,654 tỷ đồng được phân bổ như sau:

a) Thu hồi vốn ứng trước Ngân sách Trung ương, vốn nhiệm vụ quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, thanh quyết toán dự án hoàn thành, hoàn trả vốn ứng quỹ phát triển đất, hoàn trả các quận đã ứng trước, ghi thu, ghi chi nguồn tiền sử dụng đất đối ứng các dự án BT, hỗ trợ các địa phương bạn, dự phòng..: 31.428,575 tỷ đồng (trong đó, dự phòng là 15.000 tỷ đồng).

b) Bố trí vốn cho các dự án thuộc nhiệm vụ chi cấp Thành phố (bao gồm cả Ngân sách Thành phố hỗ trợ thực hiện các dự án lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội, quốc phòng): 161.150,352 tỷ đồng (trong đó, 23.865,5 tỷ đồng vốn ODA Trung ương cấp phát và 34.681,5 tỷ đồng vốn ODA Thành phố vay lại), cụ thể:

- Bố trí vốn thực hiện 193 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 là 83.057,856 tỷ đồng, bao gồm:

Bố trí vốn thực hiện các dự án xây dựng cơ bản tập trung cấp Thành phố là 81.356,356 tỷ đồng;

Bố trí vốn thực hiện các dự án theo cơ chế đặc thù sử dụng nguồn thu từ đất cho 16 dự án với 1.701,5 tỷ đồng, trong đó các dự án trên địa bàn quận Hoàng Mai và Long Biên thực hiện bố trí vốn theo tiến độ thu tiền sử dụng đất và cho phép Quận Hoàng Mai được ứng trước ngân sách Quận để thực hiện;

- Bố trí vốn thực hiện các dự án khởi công mới giai đoạn 2021-2025 là 78.092,496 tỷ đồng, bao gồm:

Bố trí nguồn vốn cho các dự án lớn của Thành phố cần đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư và đề xuất bố trí vốn hàng năm theo tiến độ thực tế của dự án là 36.000 tỷ đồng.

Bố trí nguồn vốn cho các dự án mới còn lại là 42.092,496 tỷ đồng, trong đó: Phân bổ 22.014,296 tỷ đồng chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư và dự kiến cân đối nguồn 20.078,2 tỷ đồng cho các dự án dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2022-2025. Các cấp có thẩm quyền chỉ quyết định chủ trương đầu tư khi đã rõ nguồn vốn, khả năng cân đối vốn cho từng dự án và tuân thủ quy định của Điều 89 Luật Đầu tư công.

c) Bố trí vốn cho các dự án thực hiện từ nguồn huy động, đóng góp từ các tổ chức, cá nhân: 283,727 tỷ đồng.

d) Ngân sách Thành phố hỗ trợ cho cấp huyện thực hiện dự án thuộc các Chương trình, Đề án: 26.100 tỷ đồng, cụ thể:

- Thực hiện các Dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững: 4.700 tỷ đồng.

- Thực hiện các Dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô: 1.500 tỷ đồng.

- Thực hiện Chương trình hỗ trợ đầu tư cho các huyện, thị xã thực hiện các dự án có ý nghĩa về phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố là 18.000 tỷ đồng, gồm: (1) Xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia về giáo dục; (2) Xây dựng, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa lịch sử; (3) Xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề và hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng đối với địa phương bị thu hồi đất phục vụ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm quốc gia, Thành phố và bị ảnh hưởng bởi các dự án xây dựng bãi rác thải, nghĩa trang tập trung của Thành phố; (4) Xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế các huyện không thể cân đối nguồn lực: đường giao thông trục chính, đường liên xã tạo động lực phát triển; kênh mương tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp nông thôn. Trong đó, hỗ trợ đầu tư theo Đề án xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển 05 huyện thành quận được lồng ghép trong các nội dung đầu tư trên.

- Thực hiện Đề án xây dựng trụ sở Công an xã: 1.900 tỷ đồng.

(Chi tiết tại các Phụ lục số 1, 2, 3, 3.1, 4, 5, 6, 7, 8, 9 kèm theo)

2. Tổng mức vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách cấp huyện giai đoạn 2021-2025: 85.837 tỷ đồng. Trong đó, dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 ngân sách cấp huyện do Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định theo quy định tại khoản 6 Điều 51 Luật Đầu tư công.

(Chi tiết tại Phụ lục 10 kèm theo)

Điều 3. Nguyên tắc, thứ tự ưu tiên trong phân bổ kế hoạch vốn ngân sách Thành phố giai đoạn 2021-2025

1. Nguyên tắc trong phân bổ kế hoạch vốn ngân sách Thành phố giai đoạn 2021-2025

a) Tuân thủ Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, các Nghị định hướng dẫn, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản: số 419/TTg-KTTH ngày 02 tháng 4 năm 2021, số 13/CT- TTg ngày 23 tháng 5 năm 2021 và các văn bản pháp luật có liên quan; Tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 do cấp có thẩm quyền quyết định.

b) Việc phân bổ vốn phải phục vụ việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đã được phê duyệt và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII.

c) Phù hợp với tình hình, yêu cầu thực tế và kế hoạch tài chính trung hạn của Thành phố 5 năm giai đoạn 2021-2025, khả năng cân đối ngân sách của Thành phố; đảm bảo các cân đối lớn, an toàn nợ công của Thành phố.

d) Tập trung bố trí vốn đầu tư công để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, dự án quan trọng quốc gia, có tính chất liên kết vùng trên địa bàn, chương trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và của các quận, huyện, thị xã.

e) Phân bổ vốn đầu tư tập trung; không phân tán, dàn trải; bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Chỉ bố trí kế hoạch vốn đối với các dự án đã đủ thủ tục đầu tư được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật có liên quan. Các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, các dự án mới phải bảo đảm thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A không quá 06 năm, nhóm B không quá 04 năm, nhóm C không quá 03 năm (Phấn đấu dự án nhóm A không quá 05 năm, nhóm B không quá 03 năm, nhóm C không quá 02 năm).

f) Việc bố trí vốn phải bảo đảm công khai, minh bạch; bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, Thành phố và tạo quyền chủ động cho các cấp, các ngành, nâng cao hiệu quả đầu tư và kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.

g) Tuân thủ thứ tự bố trí vốn theo quy định của pháp luật; việc lựa chọn danh mục dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phải đảm bảo nguyên tắc quy định tại Điều 57 Luật Đầu tư công. Đồng thời, danh mục nhiệm vụ, dự án đã bố trí kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021 đã được cấp có thẩm quyền giao phải thuộc danh mục nhiệm vụ, dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 bố trí cho từng nhiệm vụ, dự án không thấp hơn mức vốn kế hoạch năm 2021 đã được giao.

h) Cân đối đủ vốn phần ngân sách Thành phố cam kết cho các dự án trọng điểm, dự án có tính liên kết vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững theo thông báo vốn của Thủ tướng Chính phủ và hỗ trợ để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII; các huyện, thị xã cân đối đủ vốn phần ngân sách cấp huyện cho các dự án ngân sách Thành phố hỗ trợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Thứ tự ưu tiên trong phân bổ vốn ngân sách Thành phố giai đoạn 2021-2025

a) Thanh toán nợ xây dựng cơ bản theo quy định tại khoản 4 Điều 101 của Luật Đầu tư công (nếu có).

b) Phân bổ đủ vốn để hoàn trả các khoản vốn ngân sách nhà nước ứng trước; hoàn trả ngân sách các quận, huyện đã ứng để thực hiện các dự án xây dựng cơ bản tập trung cấp Thành phố giai đoạn trước.

c) Phân bổ vốn cho các dự án đã hoàn thành, đã bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn nước ngoài (ODA); vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư.

d) Phân bổ vốn cho các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2021-2025 theo tiến độ được phê duyệt và dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch.

e) Phân bổ vốn để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, chuẩn bị đầu tư để lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và lập, thẩm định, quyết định đầu tư chương trình, dự án.

g) Bố trí vốn thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đấu giá đất theo Luật Đầu tư công nhằm đẩy nhanh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn lực cho Thành phố, các cấp.

h) Phân bổ cho các nhiệm vụ, dự án khởi công mới đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 5 Điều 51 của Luật Đầu tư công. Trong đó, ưu tiên thực hiện: các Chương trình mục tiêu quốc gia; các dự án giải quyết vấn đề bức xúc dân sinh; Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án trọng điểm thuộc các ngành, lĩnh vực; các dự án có sức lan tỏa rộng và tác động lớn tới phát triển kinh tế; đầu tư để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII đối với các ngành, lĩnh vực cần bố trí nguồn lực đầu tư công để hoàn thành; thực hiện Chương trình hỗ trợ đầu tư có mục tiêu cho các huyện, thị xã thực hiện một số mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII; hỗ trợ ngành dọc (quốc phòng, an ninh, tư pháp); hỗ trợ địa phương bạn.

3. Nguyên tắc, tiêu chí, định mức hỗ trợ của Chương trình hỗ trợ đầu tư có mục tiêu cho các huyện, thị xã thực hiện một số mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII

a) Nguyên tắc, tiêu chí ngân sách Thành phố hỗ trợ:

- Tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các Nghị định, hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương về đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và nguyên tắc, thứ tự ưu tiên trong phân bổ kế hoạch vốn ngân sách Thành phố giai đoạn 2021-2025 nêu trên. Dự án đầu tư theo chương trình phải đảm bảo phù hợp với phân cấp quản lý (cấp huyện) và quy hoạch được duyệt.

- Các dự án trường học đảm bảo đầu tư để hoàn thành, giữ vững các tiêu chí đạt chuẩn quốc gia về giáo dục sau khi hoàn thành, phấn đấu đến hết năm 2025 các trường công lập đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, hoàn thành vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII.

- Các công trình văn hóa đảm bảo đầu tư để 100% các thôn có nhà văn hóa; trùng tu các di tích văn hóa xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn cao; tập trung ưu tiên các công trình di tích cách mạng, xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn cao, đầu tư bảo tồn các hạng mục di tích gốc.

- Các dự án xử lý nước thải làng nghề, các dự án vùng dân cư bị ảnh hưởng bởi thu hồi đất phục vụ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm quốc gia, Thành phố và bị ảnh hưởng bởi các dự án xây dựng bãi rác thải, nghĩa trang tập trung của Thành phố.

- Đường giao thông trục chính của xã; giao thông liên xã, liên huyện, giao thông kết nối các đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, cụm công nghiệp và có tác dụng lan tỏa trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; ưu tiên các đơn vị hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế nhưng giai đoạn 2016-2020 chưa được đầu tư; và ưu tiên đầu tư hạ tầng một số huyện phía Nam của Thủ đô.

- Các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, bức xúc dân sinh của các huyện, thị xã, các công trình thủy lợi phục vụ nhiệm vụ tưới tiêu, có tác động lan tỏa rộng, tăng sản lượng nông nghiệp.

- Các dự án để xây dựng hạ tầng đạt tiêu chí lên quận đối với 5 huyện có Đề án thành lập quận.

b) Định mức ngân sách Thành phố hỗ trợ:

- Đối với các dự án xây dựng nhà văn hóa thôn: mức trung bình khoảng 2,5 tỷ đồng/nhà văn hóa (ngân sách cấp huyện có trách nhiệm bố trí phần vốn còn lại để đầu tư nhà văn hóa theo quy mô phù hợp với nhu cầu sử dụng ổn định, lâu dài của từng địa phương).

- Đối với các dự án trùng tu di tích: hỗ trợ toàn bộ kinh phí trùng tu hạng mục di tích gốc và hạ tầng các khu di tích.

- Các dự án khác, ngân sách Thành phố hỗ trợ kinh phí xây dựng và chi phí thiết bị (nếu có) của dự án; ngân sách huyện bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng và phần còn lại, quyết toán để hoàn thành dự án.

c) Việc lựa chọn danh mục dự án mới để ngân sách Thành phố hỗ trợ phải được Sở quản lý chuyên ngành có ý kiến thẩm định hoặc ý kiến về sự cần thiết, tiêu chuẩn, quy mô để lựa chọn danh mục dự án đảm bảo tập trung, không dàn trải, đúng mục tiêu định hướng của chương trình hỗ trợ và từng ngành, lĩnh vực.

Điều 4. Các giải pháp triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025

1. Tập trung các giải pháp huy động nguồn lực đầu tư của nền kinh tế để đảm bảo nguồn lực Ngân sách Nhà nước cho đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công trong kỳ kế hoạch:

- Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại chi Ngân sách Nhà nước theo hướng bền vững, giảm các khoản chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển nhằm hỗ trợ thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

- Quyết liệt triển khai các dự án đã có hiệp định, đảm bảo giải ngân vốn ODA phù hợp với tiến độ cam kết; bố trí đủ vốn đối ứng của Ngân sách Thành phố cho các dự án ODA theo hiệp định đã ký kết để sẵn sàng hấp thụ vốn ODA theo quy định và các dự án sử dụng Ngân sách Trung ương; tiếp tục phối hợp với các Bộ kêu gọi tài trợ chính thức của nước ngoài cho các dự án lớn có yêu cầu kỹ thuật cao.

- Xây dựng Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; thời điểm phát hành phù hợp với nhu cầu, tiến độ sử dụng để đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn vốn; rà soát, tổng hợp các quỹ đất đối ứng trước đây dự kiến bố trí cho các dự án theo hình thức đối tác công tư (loại hợp đồng BT) nay không triển khai, đề xuất chuyển sang phương án sử dụng khác đúng quy định của pháp luật (như hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án,...) nhằm tạo nguồn thu để đầu tư các dự án, công trình trọng điểm đảm bảo tiến độ. Đồng thời, rà soát phương án xác định quỹ đất, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển của Thành phố.

- Thực hiện khai thác các nguồn lực theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 115/2020/NQ-QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội để tạo nguồn cho đầu tư phát triển.

- Bố trí nguồn tăng thu, thưởng vượt thu hàng năm để bổ sung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ đầu tư của Thành phố, tập trung thanh toán khối lượng hoàn thành cho các dự án, công trình trọng điểm, quan trọng của Thành phố và các dự án bức xúc mới phát sinh theo đúng Luật Ngân sách và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố.

- Tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức hợp tác công tư (PPP); Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao có đủ điều kiện chuyển tiếp theo quy định; kịp thời xem xét đề xuất chuyển hình thức đầu tư đối với các dự án có nhu cầu cấp bách về đầu tư nhưng chưa triển khai thi công do nhà đầu tư không có khả năng thực hiện hoặc dự án gặp vướng mắc về thủ tục ngay từ những bước ban đầu và dự kiến thời gian giải quyết kéo dài. Đẩy mạnh triển khai các giải pháp khai thác nguồn lực để tăng chi cho đầu tư phát triển và thực hiện chủ trương xã hội hóa đối với các dịch vụ công trong lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, dạy nghề, văn hóa, thể thao, cung cấp nước sạch, bảo vệ môi trường và dịch vụ tang lễ.

- Kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư từ ngân sách Trung ương cho một số dự án lớn mang ý nghĩa thúc đẩy phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

2. Quyết liệt trong chỉ đạo, linh hoạt trong điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm:

- Lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án trọng điểm, dự án cấp bách, bức xúc dân sinh cần đẩy nhanh tiến độ để tập trung chỉ đạo. Ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các dự án trọng điểm, các dự án lớn của Thành phố và đề xuất bố trí vốn theo tiến độ thực tế của dự án.

- Hàng năm, từng cấp chủ động rà soát nguồn lực, xây dựng phương án triển khai kế hoạch đầu tư hàng năm phù hợp với kịch bản thu ngân sách trên địa bàn và chỉ đạo rà soát, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp thực hiện điều chỉnh kịp thời vốn của các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng hấp thụ vốn, giải ngân tốt; Từ cấp Thành phố đến cấp huyện, các chủ đầu tư xây dựng tiến độ cụ thể chi tiết từng loại công việc để kiểm soát tiến độ thực hiện dự án và xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án theo tiến độ thực hiện dự án, phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn được giao.

- Thực hiện cơ chế thanh toán linh hoạt đối với các dự án đầu tư công, nhiệm vụ quy hoạch cấp Thành phố gồm: Chi phí công tác chuẩn bị đầu tư dự án, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; nhiệm vụ quy hoạch, thanh quyết toán dự án hoàn thành sử dụng vốn đầu tư công hàng năm trong kỳ Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của Thành phố.

- Thực hiện phân bổ vốn theo đúng quy định của Luật đầu tư công; hạn chế tối đa việc ứng trước kế hoạch đầu tư công trung hạn. Trường hợp cần thiết ứng trước, phải kiểm soát chặt chẽ đối với từng dự án, bảo đảm có nguồn thanh toán ứng trước và có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.

- Chấp thuận mức dự phòng khoảng 5-7% trong tổng nguồn vốn Kế hoạch đầu tư công hàng năm để đảm bảo chủ động điều hành bố trí thực hiện nhiệm vụ, dự án đầu tư công phát sinh trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

- Quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Khoản vốn dự phòng chung chưa phân bổ chỉ được sử dụng trong trường hợp nguồn thu ngân sách nhà nước được đảm bảo theo kế hoạch và được sử dụng cho các mục tiêu thật sự cần thiết, bất khả kháng, cấp bách theo quy định của pháp luật và được Hội đồng nhân dân Thành phố chấp thuận trước khi thực hiện.

3. Nâng cao trách nhiệm và quyết liệt trong triển khai để hoàn thành Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025:

- Đẩy mạnh công tác chuẩn bị đầu tư nhất là các dự án trọng điểm, có tính chất liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội lớn trên địa bàn Thành phố. Nâng cao chất lượng, khắc phục tình trạng đề xuất chủ trương đầu tư dàn trải, dự kiến tổng mức đầu tư thiếu chính xác; chỉ trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư khi đã thẩm định, làm rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho từng dự án, chương trình và tuân thủ quy định của Điều 89 Luật Đầu tư công.

- Nâng cao chất lượng công tác tổ chức thực hiện dự án, đảm bảo chất lượng, phù hợp với thực tế, tránh phải điều chỉnh trong quá trình triển khai; kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư, thời gian bố trí vốn của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực và quy định pháp luật (việc xác định nội dung, quy mô đầu tư phải thực hiện theo quan điểm nghiên cứu tổng thể, đầu tư đồng bộ, phân kỳ hợp lý (trong trường hợp chưa cân đối đủ nguồn lực), đảm bảo hiệu quả lâu dài, tránh lãng phí ngân sách); chỉ được quyết định đầu tư khi dự án đã được lựa chọn theo đúng quy trình, thủ tục và thứ tự ưu tiên quy định tại Luật Đầu tư công, bố trí đủ vốn hoàn thành dự án theo quy định; phê duyệt tổng mức đầu tư của các dự án phải trên cơ sở các quy định của nhà nước về định mức, suất đầu tư,... bảo đảm hiệu quả, mục tiêu và tính liên tục trong đầu tư công.

- Chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ngành Trung ương, các chủ đầu tư để thực hiện các dự án của Trung ương trên địa bàn; các tổ chức, nhà tài trợ vốn ODA để bố trí nguồn vốn ODA cho Thành phố, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong đầu tư và xây dựng, hỗ trợ về thủ tục đầu tư, cơ chế chính sách để thực hiện tốt Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025.

- Tập trung triển khai công tác giải phóng mặt bằng từ cấp Thành phố đến cấp quận, huyện, thị xã và chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án, kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền đối với các nội dung vượt thẩm quyền. Phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công nhiệm vụ chi cấp Thành phố trên địa bàn để thúc đẩy tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn.

- Các Ban Quản lý dự án của Thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh thi công xây dựng công trình, dự án. Từng cấp thực hiện giao ban định kỳ xây dựng cơ bản để kiểm điểm tiến độ thực hiện, giải ngân và giải quyết khó khăn vướng mắc đối với các dự án và triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm của cấp mình.

- Nâng cao trách nhiệm, tính chủ động, quyết liệt của các Chủ đầu tư: Tập trung triển khai quyết liệt thực hiện các dự án trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Hội đồng nhân dân Thành phố quyết nghị; giải ngân kế hoạch vốn được giao trong trung hạn và hàng năm, đặc biệt là các công trình trọng điểm; Chủ động kiểm tra, rà soát các dự án, rút ngắn tối đa thời gian, tiến độ thực hiện, đảm bảo chất lượng công trình; khẩn trương giải quyết, hoàn thành các công việc của các dự án, đặc biệt các dự án chuyển tiếp; thực hiện nghiệm thu, bàn giao, hoàn thành hồ sơ, thủ tục thanh toán, quyết toán dự án theo quy định; Tăng cường công tác kiểm tra và thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định; Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã để đẩy nhanh triển khai công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ giải ngân, thực hiện của các dự án.

4. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về đầu tư công. Kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư, đảm bảo công khai, minh bạch trong việc huy động, quản lý, sử dụng vốn.

Điều 5. Chấp thuận danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển giai đoạn 2021-2025 của thành phố Hà Nội do Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội thực hiện đầu tư, cho vay theo quy định của pháp luật và đề xuất của Ủy ban nhân dân Thành phố tại Báo cáo số 232/BC-UBND ngày 06 tháng 9 năm 2021.

(Chi tiết tại Phụ lục 11 kèm theo)

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân Thành phố:

1.1. Tổ chức thực hiện và chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm.

1.2. Giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 vốn ngân sách Trung ương cho các dự án có sử dụng vốn ngân sách Trung ương theo đúng các quyết định của Thủ tướng Chính phủ; báo cáo với các Bộ và Hội đồng nhân dân Thành phố theo đúng quy định.

1.3. Tiếp tục rà soát, xác định tính cấp thiết của từng dự án để hoàn thiện thủ tục trình phê duyệt chủ trương đầu tư trong khả năng cân đối nguồn vốn, đảm bảo theo quy định của Luật Đầu tư công và thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển của Thủ đô, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và tuân thủ Điều 52, Điều 89 Luật Đầu tư công.

1.4. Tiếp tục hoàn thiện danh mục dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững, Chương trình hỗ trợ bổ sung có mục tiêu cho các huyện, thị xã thực hiện một số mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, giai đoạn 2021-2025 theo quy định pháp luật và trình Hội đồng nhân dân Thành phố phê duyệt.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội phối hợp tuyên truyền và tham gia giám sát thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 23 tháng 9 năm 2021./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính;
- Ban công tác đại biểu Quốc hội;
- VP Quốc hội, VP Chính phủ;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội;
- Thường trực Thành ủy; Thường trực HĐND TP;
- UBND, UB MTTQ Thành phố;
- Các vị Đại biểu HĐND TP;
- Các Ban HĐND Thành phố ;
- Các sở, ban, ngành Thành phố;
- TT HĐND, UBND các quận, huyện, thị xã;
- Cổng GTĐT TP;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Tuấn

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 21/NQ-HĐND năm 2021 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của thành phố Hà Nội và Danh mục lĩnh vực đầu tư cho vay giai đoạn 2021-2025 của Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội

  • Số hiệu: 21/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 23/09/2021
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/09/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản