Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 165/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 21 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG MẶT HÀNG THỊT LỢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 2022

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại các Văn bản của Văn phòng Chính phủ: Công văn số 882/VPCP-KTTH ngày 10/02/2022 về việc công tác điều hành giá năm 2022; Thông báo số 65/TB-VPCP ngày 02/3/2022; Công văn số 2935/VPCP-KTTH ngày 11/5/2022 về việc tác động tăng giá nhiên liệu đến giá dịch vụ vận tải các lĩnh vực;

Căn cứ Quyết định số 811/QĐ-BCT ngày 26/4/2022 của Bộ Công Thương về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 25/4/2022 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý, điều hành giá năm 2022; Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 19/5/2022 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ về chương trình phòng, chống dịch Covid-19.

Trong bối cảnh chịu sự tác động từ dịch bệnh Covid-19, để đảm bảo an sinh xã hội, công tác ổn định thị trường, đặc biệt về quản lý giá thịt lợn những tháng cuối năm 2022; theo đề nghị của Sở Công Thương tại Công văn số 1634/SCT-QLTM3 ngày 25/5/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành “Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh những tháng cuối năm 2022” với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm thực hiện chương trình bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2022 (gọi tắt là Chương trình) gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đảm bảo cân đối cung cầu đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, đặc biệt là chuẩn bị tốt nguồn hàng thịt lợn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu tăng cao vào các dịp lễ, tết,... góp phần hạn chế tăng giá, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển, kích cầu tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã (gọi tắt là cơ sở) tham gia chương trình chủ động về nguồn vốn, chuẩn bị nguồn hàng. Tăng cường mối liên kết giữa các đơn vị sản xuất, kinh doanh với nhà phân phối, giúp đơn vị chủ động được đầu ra, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

- Chương trình bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn năm 2022 thực hiện theo hình thức xã hội hóa nhằm góp phần đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, ổn định giá thành.

2. Yêu cầu

- Hàng hóa trong Chương trình là sản phẩm sản xuất trong tỉnh nói riêng và trong nước nói chung, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, giá cả phù hợp, nguồn cung dồi dào đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh, kể cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường.

- Cơ sở tham gia chương trình có trách nhiệm thực hiện cung ứng, phân phối hàng hóa cho mạng lưới bán lẻ, đến các địa bàn trong tỉnh theo sự điều phối của cơ quan chức năng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ giữa các địa bàn dân cư, hạn chế tâm lý khan hiếm hàng hóa lan truyền giữa các địa bàn. Phát triển hệ thống phân phối, đa dạng hóa mạng lưới điểm bán nhằm đảm bảo hàng hóa được phân phối đến người tiêu dùng (tập trung tại các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo thuộc huyện, thị xã, thành phố, khu chế xuất - khu công nghiệp, chợ truyền thống, bếp ăn tập thể, khu lưu trú công nhân) một cách thuận lợi, nhanh chóng.

- Giá bán sản phẩm trong Chương trình phải đảm bảo luôn ổn định, hạn chế thấp nhất việc tăng giá bán trong suốt thời gian thực hiện (việc tăng giá bán không trái quy định).

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Hàng hóa, lượng hàng, chất lượng hàng, địa bàn và thời gian tham gia Chương trình

1.1. Hàng hóa: Chương trình thực hiện bình ổn thị trường đối với mặt hàng thịt lợn và thức ăn chăn nuôi (bao gồm: lợn hơi, thịt lợn thành phẩm và thức ăn chăn nuôi).

1.2. Lượng hàng hóa thịt lợn dự kiến tham gia chương trình được xây dựng và phân bổ dựa trên lượng hàng hóa thực tế đã cung ứng trên địa bàn tỉnh năm 2021 và quý I/2022, dân số phân bổ trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh năm 2021 và tình hình kinh tế xã hội năm 2022, cụ thể:

- Theo số liệu các huyện, thị xã, thành phố cung cấp: Trung bình một ngày trên địa bàn tỉnh cung ứng ra thị trường 236.982 kg/ngày tương đương gần 237 tấn thịt lợn/ngày.

- Theo số liệu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp, trong quý I/2022 sản lượng cung ứng thịt lợn trên địa bàn tỉnh đạt 18.946.000 kg, tương đương 18.946 tấn thịt lợn/quý; nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thịt lợn trên địa bàn tỉnh trong quý I/2022 đạt 24.140.310 kg/quý tương đương 24.140 tấn/quý. Khả năng cung ứng mặt hàng thịt lợn trên địa bàn tỉnh hiện nay đạt 78% nhu cầu sử dụng, số còn thiếu 22% nhu cầu phải huy động nguồn cung từ các tỉnh ngoài.

- 7 tháng còn lại năm 2022 dự kiến nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh khoảng 57.682.159 kg; khả năng cung ứng mặt hàng thịt lợn trên địa bàn tỉnh khoảng 78%, còn thiếu khoản 22% nhu cầu phải nhập từ các tỉnh ngoài như: Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định...

(Theo phụ lục 1, 2, 3 gửi kèm)

1.3. Chất lượng hàng hóa: Đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ (có đầy đủ bao gói, nhãn mác và các thông tin liên quan đến sản phẩm), vệ sinh an toàn thực phẩm không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng trong điều kiện bình thường cũng như có biến động về giá.

1.4. Địa bàn thực hiện: Trên địa bàn toàn tỉnh.

1.5. Thời gian thực hiện: Từ tháng 6/2022 đến hết năm 2022.

2. Đối tượng và điều kiện tham gia Chương trình

2.1. Đối tượng

Cơ sở, Doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) thuộc các thành phần kinh tế được thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, các hộ kinh doanh đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật có trụ sở và mạng lưới phân phối, bán lẻ trên địa bàn tỉnh có chức năng sản xuất, kinh doanh phù hợp với mặt hàng thịt lợn tham gia Chương trình và các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh.

(Chú ý: mặt hàng thức ăn chăn nuôi không phải là mặt hàng thực hiện bình ổn thị trường, tuy nhiên là một trong những yếu tố cấu thành nên giá thịt lợn do đó được đưa vào đối tượng liên quan).

2.2. Điều kiện tham gia Chương trình

- Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng thịt lợn; thức ăn chăn nuôi lượng hàng hóa lớn, giá cả hàng hóa ổn định trong thời gian tham gia Chương trình của tỉnh; xây dựng phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình thị trường trong mọi điều kiện nhằm đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ cân đối cung cầu, ổn định giá cả hàng hóa.

- Đối với các Ngân hàng, Tổ chức tín dụng tham gia Chương trình tự nguyện đăng ký hạn mức tín dụng, lãi suất cho vay và các sản phẩm dịch vụ khác (nếu có) cho đơn vị tham gia Chương trình.

3. Quyền lợi và nghĩa vụ của cơ sở, doanh nghiệp, HTX, ngân hàng, tổ chức tín dụng tham gia Chương trình

3.1. Quyền lợi

a. Đối với cơ sở, doanh nghiệp, HTX

- Được kết nối với các Ngân hàng, Tổ chức tín dụng tham gia Chương trình để vay vốn với lãi suất phù hợp nhằm đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ và dự trữ hàng hóa để cung ứng phục vụ bình ổn thị trường xuyên suốt trong thời gian thực hiện Chương trình.

- Được hỗ trợ truyền thông, quảng bá đối với hàng hóa bình ổn thị trường, điểm bán bình ổn thị trường khi đăng ký tham gia Chương trình và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh nhằm thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường.

- Được ưu tiên, giới thiệu cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường vào mạng lưới cơ sở phân phối, bán lẻ hiện đại, bệnh viện, trường học, bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp ngành than, chuỗi cung ứng nông sản, hệ thống chợ, siêu thị.

b. Đối với ngân hàng, tổ chức tín dụng: Được hỗ trợ truyền thông, quảng bá thương hiệu khi đăng ký tham gia chương trình; có điều kiện mở rộng thị trường cho vay ngắn hạn, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh; được lựa chọn khách hàng có uy tín, có phương án kinh doanh khả thi trong các doanh nghiệp tham gia Chương trình.

3.2. Nghĩa vụ

a. Đối với cơ sở, doanh nghiệp, HTX

- Thực hiện đăng ký sản phẩm, chủng loại, số lượng, chất lượng sản phẩm tham gia Chương trình; kê khai giá bán đối với mặt hàng thức ăn chăn nuôi và thông báo giá bán đối với mặt hàng thịt lợn gửi về Sở Tài chính, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Quản lý thị trường tỉnh để được hưởng các quyền lợi khi tham gia chương trình.

- Tổ chức sản xuất - kinh doanh theo đúng kế hoạch tạo nguồn hàng và cung ứng hàng hóa đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, số lượng phù hợp với nhu cầu thị trường (không để tình trạng khan hiếm hàng, dư thừa) và bán hàng theo giá niêm yết, không tự ý tăng giá bán trái quy định; chủ động có phương án để có thể điều chỉnh giá thành khi điều kiện cho phép (xây dựng các định mức giá, quy trình thực hiện, đánh giá tác động đến mặt bằng giá sản phẩm đến mặt bằng giá và kinh tế xã hội...); ký cam kết bình ổn thị trường, trong đó chú trọng việc niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết, không tự ý tăng giá bán trái quy định.

- Tích cực phát triển hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ và tăng số điểm bán hàng bình ổn thị trường; chú trọng phát triển điểm bán tại vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, chợ truyền thống, khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân, doanh nghiệp ngành than, trường học, bệnh viện, bếp ăn tập thể ...

- Thông tin công khai, rộng rãi địa chỉ các điểm bán; treo băng-rôn, bảng hiệu, niêm yết bảng giá; trưng bày hàng hóa tại các vị trí thuận tiện, riêng biệt để người tiêu dùng dễ nhìn, dễ nhận biết và mua sắm.

b. Đối với ngân hàng, tổ chức tín dụng:

Tự nguyện đăng ký hạn mức tín dụng, mức lãi suất cho vay và các sản phẩm dịch vụ khác cho các cơ sở tham gia Chương trình; Xây dựng phương án cho vay, quy trình thẩm định cụ thể... tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết nhanh chóng thủ tục vay vốn và đảm bảo giải ngân kịp thời cho các cơ sở.

(Quy trình liên quan đến vay vốn tại các TCTD được thực hiện như sau: (1) Sở Công thương gửi danh sách các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia Chương trình về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh; (2) Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cung cấp danh sách đến các TCTD trên địa bàn; (3) Các TCTD đăng ký các chính sách ưu đãi và danh sách doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia Chương trình được TCTD tiếp cận cho vay gửi về Sở Công thương và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh; (4) Các TCTD tham gia Chương trình gửi báo cáo về Sở Công thương, đồng thời gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh để giám sát việc thực hiện gồm các nội dung: kết quả thực hiện và khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình).

4. Giá bán bình ổn thị trường

- Cơ sở tham gia Chương trình xây dựng và gửi thông báo/kê khai giá bán bình ổn thị trường với Sở Tài chính, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Quản lý thị trường tỉnh theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố hình thành giá và phải thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm thông báo giá ít nhất từ 2% - 5%.

- Trường hợp thị trường biến động tăng hoặc giảm đối với giá nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi, chi phí đầu vào làm ảnh hưởng đến cơ cấu giá thành sản xuất, đơn vị thực hiện việc điều chỉnh giá bán bình ổn thị trường như sau:

Trường hợp giá nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi, chi phí đầu vào làm giá thị trường của sản phẩm tăng trên 5% so thời điểm đơn vị thông báo giá bán bình ổn thị trường, đơn vị có thể xem xét thực hiện thông báo lại giá bán với Sở Tài chính, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Quản lý thị trường tỉnh.

Trường hợp thị trường giảm giá từ 5% trở lên (nghĩa là giá bán bình ổn thị trường chỉ còn thấp hơn giá thị trường dưới 5%), đơn vị phải chủ động điều chỉnh giảm giá bán tương ứng và gửi thông báo về Sở Tài chính, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường tỉnh.

Trong trường hợp thị trường giảm giá chưa đến 5%, các đơn vị phân phối chủ động thực hiện các chương trình khuyến mãi phù hợp với tình hình thực tế và gửi thông báo về Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Cục Quản lý thị trường tỉnh.

- Trường hợp thị trường biến động do có hiện tượng nâng giá gây khan hiếm giả tạo, các đơn vị tham gia Chương trình phải chấp hành việc cung ứng lượng hàng hóa có khả năng điều tiết thị trường theo sự điều phối của Sở Công Thương.

- Các đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn nguyên liệu, giống nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản xuất, dự trữ hàng hóa đầy đủ, ổn định để cung ứng và giữ ổn định giá bán trong thời gian từ nay đến hết năm 2022.

- Các hệ thống phân phối, bán buôn khi tham gia Chương trình tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tham gia Chương trình cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường vào hệ thống với mức chiết khấu ưu đãi, thực hiện việc chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác khi có biến động giá nhằm ổn định thị trường, đặc biệt đối với các đơn vị kinh doanh mặt hàng thịt lợn, thức ăn chăn nuôi.

- Giá bán các mặt hàng trong Chương trình phải đảm bảo ổn định suốt thời gian thực hiện Chương trình. Trường hợp khi giá cả mặt hàng nào đó biến động tăng bất thường trên thị trường thì các doanh nghiệp tham gia bình ổn điều chỉnh giá sau khi đã thông báo giá với Sở Tài chính, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường tỉnh theo hướng dẫn ở trên.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Đẩy mạnh khai thác, thu mua hàng hóa trong và ngoài tỉnh: Ưu tiên khai thác nguồn hàng của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh; chủ động phối hợp với các tỉnh trong việc khai thác hàng hóa nhằm bù đắp lượng hàng thiếu của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị vận chuyển mặt hàng thịt lợn, thức ăn chăn nuôi từ các tỉnh đưa về Quảng Ninh và đưa vào các điểm bán hàng bình ổn giá trong tỉnh để kịp thời cung ứng hàng hóa tránh khan hiếm hàng, tăng giá bán.

2. Khuyến khích các đơn vị tham gia Chương trình hợp tác, liên kết với nhau nhằm tạo chuỗi cung ứng hàng hóa, ổn định giá bán và mở rộng danh mục hàng hóa bình ổn tại các điểm bán hàng đã đăng ký; chủ động tìm kiếm nguồn hàng ổn định, giá cả phù hợp với thị trường tránh tình trạng khan hiếm hàng hóa dẫn đến tăng giá bán.

3. Kiểm soát, giám sát thị trường: Thành lập tổ công tác liên ngành gồm các Sở, ngành chức năng (Sở Công Thương, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn, Sở Thông tin truyền thông, Sở Giao thông vận tải, Cục Quản lý thị trường tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố) do Sở Công Thương làm tổ trưởng. Tổ công tác có nhiệm vụ thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh công tác dự trữ, bán hàng và việc thực hiện cam kết bình ổn thị trường của các đơn vị; hạn chế tối đa việc đầu cơ, tích trữ, thu mua, buôn bán, vận chuyển lợn sống và thịt lợn trái phép, thức ăn chăn nuôi qua biên giới; kiểm tra các đơn vị tham gia chương trình khi phát hiện có hiện tượng mất cân đối cung cầu hoặc tăng giá không đúng quy định nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh lợn thịt và thịt lợn không rõ nguồn gốc; kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu và phải tính toán phù hợp theo từng thời điểm nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước và tránh tình trạng lây lan dịch bệnh. Đồng thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xử lý kịp thời các biến động của thị trường (nếu vượt thẩm quyền). Thiết lập đường dây nóng tại Sở Công Thương (02033.622.350)/Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (0912.068.835) để tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về tình hình cung cầu, hệ thống điểm bán hàng và giá cả hàng hóa thuộc danh mục nhóm hàng của Chương trình.

4. Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung phối hợp chặt chẽ thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, trong đó thực hiện quản lý mặt hàng thịt lợn, thức ăn chăn nuôi theo nguyên tắc: đây là mặt hàng quan trọng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, văn hóa tiêu dùng thực phẩm của người Việt Nam. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nguồn cung chưa bảo đảm thì giá thịt lợn, thức ăn chăn nuôi là giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước, trong đó tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và cân đối cung cầu để bình ổn giá thịt lợn. Đồng thời quyết liệt thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

5. Chỉ đạo các cơ sở sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chú trọng đầu tư tăng đàn hoặc tìm kiếm nguồn hàng từ tỉnh ngoài; giảm chi phí thức ăn bằng việc tự phối trộn khẩu phần, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có, rẻ tiền tại địa phương, đảm bảo tiết kiệm tránh lãng phí để giảm giá thành sản xuất kinh doanh, vận tải trên địa bàn tỉnh.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 25/4/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh:

1. Sở Công Thương

- Là cơ quan thường trực của Chương trình, chịu trách nhiệm đôn đốc, tổng hợp kết quả triển khai Kế hoạch của các đơn vị tham gia Chương trình và kết quả triển khai công tác theo dõi, quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước theo từng lĩnh vực ngành.

- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành thành lập tổ công tác thực hiện Chương trình thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường và tình hình cung, cầu hàng hóa.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố: (i) công khai thông tin đăng ký tham gia Chương trình đến các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã trên phương tiện thông tin đại chúng để các đơn vị biết, đăng ký tham gia; (ii) theo dõi, giám sát việc thực hiện trong công tác sản xuất, kinh doanh; chuẩn bị nguồn hàng, cung ứng hàng hóa phục vụ bình ổn thị trường; cam kết của đơn vị tham gia Chương trình; (iii) cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về Chương trình và tình hình cung cầu hàng hóa thiết yếu đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

- Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Quảng Ninh tiếp nhận, hướng dẫn thủ tục và là cầu nối giữa các đơn vị sản xuất kinh doanh với các ngân hàng, tổ chức tín dụng tham gia Chương trình.

- Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc (nếu có) của các đơn vị tham gia Chương trình, tổng hợp báo cáo và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp; theo dõi, đánh giá và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng cho các tập thể, cá nhân tham gia thực hiện tốt Chương trình.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan: Lồng ghép với các chương trình/kế hoạch kiểm tra để kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị đăng ký tham gia Chương trình (nếu phát hiện có đơn vị thực hiện điều chỉnh giá bán).

2. Sở Tài chính

- Tiếp nhận và trả kết quả kê khai giá đối với thức ăn chăn nuôi theo quy định. Đồng thời công bố kết quả kê khai giá trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.

- Phối hợp các sở, ngành chức năng, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh: (i) Thường xuyên theo dõi giá cả các mặt hàng thiết yếu trên thị trường, đặc biệt mặt hàng thịt lợn; (ii) tham gia đoàn liên ngành kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của đơn vị tham gia Chương trình (nếu có); (iii) tiếp nhận thông tin tổng hợp về giá thịt lợn và việc thực hiện biện pháp bình ổn thị trường thịt lợn trong thời gian bình ổn giá của Sở Công Thương theo định kỳ ngày 25 hàng tháng, ngày 25 của tháng cuối quý để tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính, Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

- Chỉ đạo các cơ sở sản xuất, chăn nuôi mặt hàng thịt lợn; thức ăn chăn nuôi có phương án đảm bảo nguồn hàng ổn định tham gia chương trình; tối ưu hóa nguồn cung tại chỗ, tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh nhằm cung ứng hàng hóa ra thị trường với giá hợp lý; cung ứng hàng hóa vào hệ thống bán buôn, bán lẻ của Chương trình để bình ổn thị trường.

- Rà soát, điều chỉnh kịp thời kế hoạch sản xuất, chăn nuôi, tái đàn lợn phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện cho các cơ sở tham gia chương trình liên kết trong quá trình đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi tạo nguồn cung ổn định, chất lượng đảm bảo theo quy định (con giống, thức ăn, chăn nuôi, giết mổ, chế biến, v.v...); nắm bắt các khó khăn vướng mắc trong sản xuất, chăn nuôi và nguồn cung thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, kịp thời xử lý hoặc báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý (nếu vượt thẩm quyền).

- Phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị liên quan theo dõi tình hình cung cầu thị trường mặt hàng thịt lợn, thức ăn chăn nuôi; tổ chức/tham gia các chương trình/kế hoạch, kiểm tra, giám sát thị trường, trong đó có các mặt hàng nông sản nói chung và mặt hàng thịt lợn, thức ăn chăn nuôi nói riêng.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp với Sở Công thương, hướng dẫn, đôn đốc cơ quan báo chí của tỉnh, các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các báo trung ương và địa phương khác trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền chính xác, kịp thời và phù hợp; tránh sai lệch làm ảnh hưởng đến Chương trình.

- Tăng cường các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về: (i) giá cả thị trường, tình hình nguồn cung và phòng chống dịch bệnh; (ii) vận động người dân sử dụng các thực phẩm thay thế cho thịt lợn và sử dụng sản phẩm thịt lợn đông lạnh thay cho thịt tươi nhằm giảm áp lực cho nguồn cung thị trường trong tỉnh nói riêng và trong nước nói chung.

5. Sở Giao thông và Vận tải

Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị liên quan xây dựng và triển khai các biện pháp tăng cường quản lý giá vận tải theo quy định. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo, tham mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định.

6. Công an tỉnh, Hải Quan tỉnh, Cục quản lý thị trường tỉnh

- Chỉ đạo các lực lượng chức năng thuộc ngành quản lý trên địa bàn tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác phối hợp với chính quyền các cấp ngăn chặn, triệt phá các ổ nhóm buôn lậu; buôn bán và sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng; nâng giá kiếm lợi bất chính; các hoạt động sản xuất kinh doanh vi phạm vệ sinh môi trường và An toàn thực phẩm.

- Lồng ghép công tác kiểm tra thị trường thuộc Chương trình vào các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường của đơn vị nhằm kịp thời, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật (như đầu cơ, găm hàng, sản xuất - kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không có hóa đơn, chứng từ, hàng không có nguồn gốc xuất xứ, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện quy định về giá...).

- Riêng Cục Quản Lý thị trường: Ngoài các nội dung nói trên thực hiện việc tiếp nhận thông báo giá của các cơ sở tham gia chương trình để làm cơ sở thanh kiểm tra việc thực hiện của các cơ sở.

7. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh

- Tham gia cung cấp thông tin về Chương trình đến các tổ chức tín dụng, các ngân hàng trên địa bàn toàn tình.

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các tổ chức tín dụng tham gia Chương trình thực hiện việc cho vay theo quy định pháp luật, theo nội dung ký kết khi tham gia Chương trình và các quy định khác có liên quan của Chương trình.

- Hướng dẫn, hỗ trợ nghiệp vụ cho các tổ chức tín dụng tham gia Chương trình thực hiện việc giải ngân vốn vay cho doanh nghiệp bình ổn thị trường nhằm đảm bảo việc giải ngân được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi và đúng quy định pháp luật.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Tổ chức thông tin, tuyên truyền và vận động các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã và điểm bán hàng tham gia Chương trình, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan công bố các cơ sở tham gia trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân trên địa bàn biết và tham gia mua sắm.

- Rà soát, giới thiệu các mặt bằng đang quản lý, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích cho đơn vị tham gia Chương trình đầu tư phát triển cơ sở sản xuất chăn nuôi, kinh doanh mặt hàng thịt lợn, thức ăn chăn nuôi phát triển điểm bán tại các chợ truyền thống để ưu tiên phân phối mặt hàng thịt lợn, các sản phẩm chế biến từ thịt lợn và thức ăn chăn nuôi.

- Phối hợp với các đơn vị có chức năng kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định tại các điểm bán hàng bình ổn thị trường trên địa bàn; công tác quản lý giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết trên địa bàn. Chủ động thông tin, phối hợp Sở Công Thương, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Quản lý thị trường tỉnh xử lý kịp thời những bất ổn trong diễn biến cung, cầu hàng hóa và các trường hợp biến động giá trên địa bàn (nếu có).

- Chỉ đạo các phòng và cơ quan, đơn vị trực thuộc tích cực phối hợp, hỗ trợ sở, ngành và đơn vị tham gia Chương trình thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường, hỗ trợ cho hoạt động của các phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa bình ổn thị trường và các điểm bán trong Chương trình trên địa bàn.

- Định hướng các cơ sở chế biến thực phẩm trên địa bàn tăng cường cung cấp các sản phẩm thịt lợn chế biến sẵn từ nguồn thịt lợn nội địa, nhập khẩu nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người dân và thay thế một phần nhu cầu sử dụng thịt lợn tươi trên thị trường.

9. Các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chương trình

- Đăng ký tham gia Chương trình bình ổn thị trường gửi về Sở Công Thương, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tháng 6/2022.

- Kê khai giá bán các mặt hàng thức ăn chăn nuôi gửi về Sở Tài chính xem xét, thẩm định; gửi thông báo giá bán về Sở Tài chính, Sở Công Thương và Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi. Trường hợp có điều chỉnh giá bán kịp thời báo cáo về Sở Tài chính, Sở Công Thương, Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn 03 ngày trước khi thực hiện.

- Đối với các cơ sở phân phối, bán buôn, bán lẻ mặt hàng thịt lợn và thức ăn chăn nuôi chủ động xây dựng, triển khai Chương trình bình ổn thị trường thịt lợn năm 2022 trong mọi tình huống (kể cả trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh bùng phát) nhằm đảm bảo hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng thị trường. Trường hợp do ảnh hưởng của dịch bệnh, nguồn cung mặt hàng thịt lợn tươi sống trong nước hạn chế, các cơ sở nên triển khai phương án nhập khẩu hoặc tuyên truyền khách hàng tạm thời lựa chọn một số sản phẩm thay thế mặt hàng thịt lợn để giảm áp lực cho ngành chăn nuôi thịt lợn trong tỉnh nói riêng và trong nước nói chung.

- Đối với cơ sở sản xuất, chăn nuôi mặt hàng thịt lợn, thức ăn chăn nuôi xây dựng điều chỉnh kế hoạch sản xuất chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế, thị trường để đảm bảo nguồn cung hàng hóa và chất lượng sản phẩm khi cung ứng ra thị trường.

- Ký cam kết tham gia Chương trình bình ổn thị trường. Trong đó tập trung vào nội dung niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết; bảo đảm nguồn cung ứng cho thị trường tiêu dùng trong tỉnh

10. Chế độ báo cáo

- Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố gửi báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch về Sở Công Thương và Sở Tài chính trước ngày 25 hàng tháng để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành.

- Trường hợp cần báo cáo đột xuất, các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động báo cáo trực tiếp lãnh đạo UBND tỉnh kịp thời điều hành, giảm thiểu thời gian trong việc xử lý sự vụ có tính phức tạp.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành, liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc chỉ đạo triển khai thực hiện; trong quá trình thực hiện có vướng mắc phát sinh, báo cáo UBND tỉnh kịp thời để giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh (b/c);
- Các PCT UBND tỉnh (p/h);
- V0, V1-3, TM, NLN, TH;
- Các Sở, ban, ngành trong tỉnh;
- Các Thành viên UBND tỉnh;
- UBND các địa phương;
- Các Ngân hàng TM, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh
(Giao cho NHNN VN - Chi nhánh tỉnh gửi Kế hoạch này);
- Các Doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, HTX
(Giao Sở Công Thương gửi Kế hoạch này).
- Lưu: VT, TM2
P02, CV433

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Văn Khắng

 

PHỤ LỤC 01

SỐ LƯỢNG CƠ SỞ VÀ SẢN LƯỢNG CUNG ỨNG THỊT LỢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Kèm theo Kế hoạch số: 165/KH-UBND ngày 21 tháng 6 năm 2022 của UBND tỉnh)

Số TT

Địa phương

Số lượng (cửa hàng/điểm bán hàng/cơ sở giết mổ)

Dân số (số liệu do Cục thống kê tỉnh cung cấp)

Khả năng cung ứng và nhu cầu tiêu dùng trong ngày

Khả năng cung ứng và nhu cầu tiêu dùng quý I/2022

Dự kiến khả năng cung ứng và nhu cầu tiêu dùng 7 tháng cuối năm 2022 (tương đương 214 ngày)

Trung bình sản lượng cung ứng (kg/ngày)

Nhu cầu tiêu dùng (0.2 kg/người/ ngày)

Thừa/ thiếu (kg/ ngày)

Sản lượng cung ứng (kg/quý)

Nhu cầu tiêu dùng (kg/quý)

Thừa/ thiếu (kg/quý)

Sản lượng cung ứng thị trường đạt 70% nhu cầu tiêu dùng (kg)

Nhu cầu tiêu dùng (kg)

1

UBND thành phố Hạ Long

299

330.179

52.861

66.036

-13.175

1.015.000

5.887.280

-4.872.280

9.892.163

14.131.661

2

UBND thành phố Uông Bí

165

124.555

4.861

24.911

-20.050

923.000

2.274.660

-1.351.660

3.731.668

5.330.954

3

UBND thành phố Cẩm Phả

170

192.035

32.500

38.407

-5.907

3.129.000

3.442.970

-313.970

5.753.369

8.219.098

4

UBND thành phố Móng Cái

163

110.178

9.570

22.036

-12.466

2.288.000

1.967.710

320.290

3.300.933

4.715.618

5

UBND thị xã Đông Triều

261

174.722

8.580

34.944

-26.364

3.821.000

3.129.700

691.300

5.234.671

7.478.102

6

UBND thị xã Quảng Yên

100

147.745

9.000

29.549

-20.549

2.249.000

2.648.990

-399.990

4.426.440

6.323.486

7

UBND huyện Hải Hà

45

64.003

3.200

12.801

-9.601

2.895.000

1.145.450

1.749.550

1.917.530

2.739.328

8

UBND huyện Đầm Hà

83

42.240

48.500

8.448

40.052

1.111.000

751.230,00

359.770

1.265.510

1.807.872

9

UBND huyện Bình Liêu

41

32.262

2.933

6.452

-3.519

218.000

574.970

-356.970

966.570

1.380.814

10

UBND huyện Tiên Yên

57

52.490

22.760

10.498

12.262

584.000

935.510

-351.510

1.572.600

2.246.572

11

UBND huyện Cô Tô

12

6.721

500

1.344

-844

126.000

118.510

7.490

201.361

287.659

12

UBND huyện Vân Đồn

40

48.147

21.000

9.629

11.371

417.000

860.900

-443.900

1.442.484

2.060.692

13

UBND huyện Ba Chẽ

10

22.437

1.000

4.487

-3.487

170.000

402.430

-232.430

672.213

960.304

 

Tổng:

1.446

1.347.714

217.265

269.543

-52.278

18.946.000

24.140.310

-5.194.310

40.377.511

57.682.159

 

PHỤ LỤC 02

DANH SÁCH CÁC CƠ SỞ GIẾT MỔ TẬP TRUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Kèm theo Kế hoạch số: 165/KH-UBND ngày 21 tháng 6 năm 2022 của UBND tỉnh)

TT

Cơ sở

Địa chỉ

Loại hình

Công suất giết mổ

Ghi chú

1

Công ty Vanh Thanh Dương

Khu 11, P. Quang Trung, Uông Bí

B 2.1/GM lợn

250-300 con/ngày

 

2

Công ty TNHH Đức Hà

P.Vàng Danh, TP. Uông Bí

B 2.1/GM lợn

200 con/ngày

 

3

Công ty TNHH Thiên Trường

P.Hà Phong, TP. Hạ Long

B 2.1/GM lợn, trâu bò

200-250 con/ngày

 

4

Khu GM tập trung Hà Khánh

P. Hà Khánh, TP Hạ Long

5 cơ sở GM lợn

200-220 con/ngày

 

5

Công ty TNHH tươi sống Hải Hà

P. Hà Khánh, TP Hạ Long

B 2.1/GM lợn

 

6

Công ty TNHH Phương Anh

P. Bạch Đằng (khu GM Hà khánh)

B 2.1/GM lợn

 

7

Công ty CP Thái Hòa

P. Cẩm Thạch, TP. Cẩm Phả

B 2.1/GM lợn

250 con/ngày

 

8

Công ty CP Xây dựng và CB lương thực, Tp tập trung ĐT

Hồng Thái Tây, TX Đông Triều

B 2.1/GM lợn

30-35 con/ngày

 

 

PHỤ LỤC 03

TỔNG HỢP CƠ SỞ GIẾT MỔ NHỎ LẺ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Kèm theo Kế hoạch số: 165/KH-UBND ngày 21 tháng 6 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

STT

Địa phương

Tổng số cơ sở giết mổ

Ghi chú

Lợn

Hỗn hợp

1

Thành phố Hạ Long

28

 

 

2

Thành phố Uông Bí

0

 

 

3

Thành phố Cẩm Phả

6

 

 

4

Thành phố Móng Cái

51

 

 

5

Thị xã Đông Triều

57

 

 

6

Thị xã Quảng Yên

112

 

 

7

Huyện Hải Hà

42

 

 

8

Huyện Đầm Hà

37

 

 

9

Huyện Bình Liêu

58

 

 

10

Huyện Tiên Yên

36

 

 

11

Huyện Cô Tô

11

3

 

12

Huyện Vân Đồn

30

 

 

13

Huyện Ba Chẽ

26

 

 

 

Tổng

494

3

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 165/KH-UBND thực hiện chương trình bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh những tháng cuối năm 2022

  • Số hiệu: 165/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 21/06/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Bùi Văn Khắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/06/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản