Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 163/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 12 tháng 7 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

CẢI THIỆN, NÂNG CAO CHỈ SỐ XANH CẤP TỈNH (PGI) NĂM 2024 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Theo kết quả đánh giá chỉ số xanh (PGI) cấp tỉnh năm 2023 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và đơn vị liên quan, chỉ số PGI tỉnh Lạng Sơn không đứng trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có thứ hạng tốt nhất; chỉ số xanh cấp tỉnh năm 2023 tỉnh đạt 17,33 điểm và xếp thứ 62/63 tỉnh, thành phố; trong 4 chỉ số thành phần PGI, có 03 chỉ số thành phần giảm điểm và 01 chỉ số thành phần tăng điểm so với kết quả năm 2022[1]. Để cải thiện, nâng cao chỉ số PGI của tỉnh Lạng Sơn, phấn đấu năm 2024 trong nhóm 30 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cải thiện, nâng cao chỉ số PGI năm 2024 và những năm tiếp theo như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao 04 chỉ số thành phần PGI, bao gồm cả 03 chỉ số thành phần giảm điểm và 01 chỉ số thành phần tăng điểm: Giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai; Đảm bảo tuân thủ; Thúc đẩy thực hành xanh; Chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ.

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã, chủ doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, Nhân dân trên địa bàn trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, tăng cường công tác quản trị môi trường, đảm bảo vừa tăng trưởng kinh tế vừa bảo vệ môi trường, góp phần cải thiện, nâng cao thứ bậc xếp hạng PGI của tỉnh.

2. Yêu cầu

Các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao và cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân cùng chủ động triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện có hiệu quả 04 chỉ số: Giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai; Đảm bảo tuân thủ; Thúc đẩy thực hành xanh; Chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1. Chỉ số “Giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai”

Mục tiêu phấn đấu đạt từ 6,58 điểm trở lên (tăng 1,74 điểm so với năm 2023 đạt 4,84 điểm).

a) Sở Tài nguyên và Môi trường

- Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường do chất thải phát sinh gây ra; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan phòng ngừa ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng rà soát quy hoạch sử dụng đất đồng nhất với quy hoạch xây dựng, đảm bảo phù hợp với quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, nhằm phòng tránh, ứng phó với các sự cố thiên tai.

b) Sở Xây dựng

- Tăng cường quản lý cấp nước sạch đô thị trên địa bàn tỉnh, tham mưu, đề xuất cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước sạch đô thị, đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân; kịp thời tham mưu xử lý khắc phục các công trình cấp nước sạch bị hư hỏng do thiên tai gây ra.

- Tham mưu hoàn thiện Đề án xây dựng các bãi tập kết, xử lý chất thải rắn xây dựng; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, chủ đầu tư các dự án khu đô thị, khu dân cư thực hiện đầu tư xây dựng dự án tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 86 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về thu gom, xử lý nước thải, nước mưa phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát các quy hoạch xây dựng đảm bảo đồng nhất với quy hoạch sử dụng đất, phù hợp với quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt nhằm phòng tránh, ứng phó với các sự cố thiên tai.

c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Quản lý chặt chẽ việc đảm bảo cấp nước sạch khu vực nông thôn. Kịp thời tham mưu, đề xuất cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước sạch khu vực nông thôn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt tại khu vực nông thôn làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân; kịp thời khôi phục các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, công trình thủy lợi bị hư hỏng do thiên tai gây ra.

- Công bố công khai bản đồ cảnh báo các khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá, ngập úng, lũ quét và khuyến cáo, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, phổ biến đến Nhân dân để phòng, tránh các thiên tai.

- Chủ động tham mưu thực hiện hỗ trợ, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục chủ trì rà soát, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hoặc đầu tư mới các công trình hạ tầng để ngăn ngừa, ứng phó với thiên tai.

- Hướng dẫn việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật; hướng dẫn, tuyên truyền các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng[2] cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

d) Sở Giao thông vận tải thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, kịp thời sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông, đảm bảo khôi phục nhanh chóng sau khi khi có sự cố thiên tai xảy ra.

đ) Công an tỉnh kịp thời chỉ đạo huy động lực lượng tham gia phối hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố thiên tai xảy ra.

e) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp giải quyết, khắc phục các sự cố ô nhiễm môi trường và thiên tai trên địa bàn tỉnh.

g) Đài khí tượng Thủy văn tỉnh tăng cường theo dõi, kịp thời cập nhật, dự báo chính xác các hiện tượng, diễn biến thời tiết cực đoan phục vụ cho công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố thiên tai.

h) Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Lạng Sơn:

- Chủ trì phối hợp thu thập số liệu từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan liên quan: kịp thời thông tin, đưa tin các hiện tượng thời tiết cực đoan trên các kênh thông tin đại chúng (nhóm Fanpage: Facebook, zalo, chuyên mục của đài,…) để Nhân dân chủ động phòng, ứng phó với sự cố thiên tai (lũ quét, sạt lở đất, ngập úng,…).

- Tiếp tục tăng cường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan phát sóng tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 và pháp luật khác có liên quan, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của cả cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Tăng cường chỉ đạo các cơ quan truyền thông kịp thời thông tin, tuyên truyền, phản ánh về các hiện tượng có dấu hiệu tác động xấu đến môi trường (hiện tượng xả, thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại; xác động vật chết xuống sông, suối, ao hồ,…; việc xả nước thải, bụi, khí thải từ các cơ sở, sản xuất, kinh doanh dịch vụ) trên địa bàn tỉnh để các cơ quan chức năng kịp thời vào cuộc kiểm tra, điều tra, xác minh xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

i) Các Sở, ban, ngành khác: Quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công chức, viên chức và doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc kịp thời khôi phục các dịch vụ hạ tầng cơ bản (như: điện, mạng internet, sóng điện thoại,…) sau xảy ra thiên tai.

k) UBND các huyện, thành phố

- Kịp thời giải quyết hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền khôi phục các dịch vụ hạ tầng cơ bản được cung cấp lại sau thiên tai (như: các công trình cấp nước sạch sinh hoạt khu vực đô thị, khu vực nông thôn và các công trình thủy lợi, hạ tầng điện, đường, trường học,… khi bị hư hỏng do thiên tai gây ra). Cập nhật thường xuyên thông tin về thời tiết, cảnh báo thiên tai để kịp thời phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai xảy ra.

- Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

- Tăng cường quản lý hoạt động thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các khu vực đô thị, nông thôn; giám sát, đôn đốc chủ đầu tư khu đô thị, khu dân cư thực hiện thu gom tách riêng giữa nước mưa và nước thải tại các khu đô thị và xử lý nước thải, bụi, khí thải tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhằm đáp ứng quy chuẩn về môi trường; chủ động phòng ngừa, khắc phục sự cố môi trường. Rà soát, thống kê, khắc phục và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi xả chất thải, vứt bỏ xác động vật chết xuống sông, suối, ao hồ,… gây ô nhiễm môi trường.

- Hướng dẫn, kiểm tra UBND cấp xã quản lý, thu gom, chuyển giao, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; hằng năm, tổng hợp tình hình thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn quản lý, báo cáo UBND tỉnh; căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, UBND cấp huyện, UBND cấp xã lựa chọn đơn vị quản lý bể chứa, khu vực lưu chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo quy định[3].

- Đẩy mạnh công tác truyền thông về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý chất thải rắn, nhất là công tác phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

2. Chỉ số “Đảm bảo tuân thủ”

Mục tiêu phấn đấu đạt từ 6,11 điểm trở lên (tăng 1,97 điểm so với năm 2023 đạt 4,14 điểm).

a) Sở Tài nguyên và Môi trường

- Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; tăng cường phối hợp với Công an tỉnh và cơ quan liên quan trong công tác nắm và theo dõi tình hình chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý để kịp thời thanh tra, kiểm tra đột xuất và xử lý vi phạm theo quy định. Thường xuyên theo dõi, nắm tình hình để kiểm soát chặt chẽ các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, kiên quyết xử lý dứt điểm những “điểm nóng” về môi trường; quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường theo quy định.

- Tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; rà soát, nghiên cứu, đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền trong giải quyết thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các quy định của pháp luật.

- Tăng cường quản lý hoạt động thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thu gom, xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế, chất thải rắn trong quá trình xây dựng, việc thu gom tách riêng giữa nước mưa và nước thải tại các khu đô thị; xử lý nước thải, bụi, khí thải tại các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đáp ứng quy chuẩn về môi trường; chủ động phòng ngừa, khắc phục sự cố môi trường.

b) Công an tỉnh

- Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và Công an cấp huyện, cấp xã thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, kịp thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường[4].

- Chủ trì, phối hợp với Thanh tra tỉnh rà soát, nắm tình hình, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm liên quan đến phát sinh các chi phí không chính thức trong các cuộc thanh tra, kiểm tra về đầu tư, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường.

c) Thanh tra tỉnh phối hợp rà soát kiểm soát các kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp, đảm bảo không chồng chéo, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, không gây phiền hà và ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

d) Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong phạm vi quản lý thực hiện đầu tư các dự án tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, phòng ngừa, ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai. Tập trung hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật trong các khu công nghiệp, khu vực cửa khẩu thuộc phạm vi quản lý.

đ) Sở Công Thương tham mưu thực hiện thu hút đầu tư các khu, cụm công nghiệp sinh thái; hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện đầu tư, thu gom, phân loại và xử lý nước thải, bụi, khí thải, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại tại các Cụm công nghiệp trên địa bàn theo quy định.

e) UBND các huyện, thành phố

- Hướng dẫn, đôn đốc và triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.

- Chỉ đạo các phòng, đơn vị chức năng tăng cường phối hợp với lực lượng Công an và cơ quan liên quan theo dõi tình hình chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý để kịp thời thanh tra, kiểm tra đột xuất và xử lý vi phạm theo quy định; chú trọng chuyển từ công tác tiền kiểm tra sang hậu kiểm tra. Thường xuyên theo dõi, nắm tình hình để kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, kiên quyết xử lý dứt điểm các “điểm nóng” về môi trường theo quy định.

3. Chỉ số “Thúc đẩy thực hành xanh”

Mục tiêu phấn đấu đạt từ 4,38 điểm trở lên (tăng 0,78 điểm so với năm 2023 đạt 3,60 điểm).

a) Sở Công Thương

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh và cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào quy trình sản xuất sạch hơn; nghiên cứu đề xuất các chính sách khuyến khích doanh nghiệp áp dụng thực hành xanh và thúc đẩy doanh nghiệp hướng đến chuyển đổi xanh.

- Chủ trì ban hành văn bản tuyên truyền, kêu gọi các cửa hàng thương mại, tiện ích, cửa hàng tạp hóa thực hiện thí điểm chính sách đổi chất thải có khả năng tái chế (vỏ lon, vỏ hộp, chai nhựa) để lấy thực phẩm, đồ dùng hằng ngày (như: dầu ăn, giấy vệ sinh,…), qua đó góp phần nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của phân loại chất thải rắn tại hộ gia đình và từng bước chuyển biến nhận thức rõ chất thải có khả năng tái chế là tài nguyên có giá trị kinh tế.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Nghiên cứu xây dựng Đề án triển khai mô hình trồng cây lấy lá để bọc, gói thực phẩm, vật dụng hằng ngày, góp phần giảm thiểu việc sử dụng túi nilon dùng một lần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Tuyên truyền, kết hợp tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm sử dụng các hóa chất cấm trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, khuyến khích sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học trong sản xuất nông nghiệp.

- Tuyên truyền, chỉ đạo đơn vị chuyên môn khẩn trương tham mưu có giải pháp kiểm soát, ngăn chặn, xử lý không để các loài thực vật, vi sinh vật ngoại lai xâm hại đến môi trường tự nhiên.

- Tiếp tục chủ trì tham mưu triển khai thực hiện Quyết định số 524/QĐ- TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”[5].

c) Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu tiên tiếp cận đất đai để làm mặt bằng sản xuất đối với các doanh nghiệp đầu tư theo công nghệ áp dụng thực hành xanh; tiếp tục phối hợp với cơ quan liên quan, UBND cấp huyện tuyên truyền đến các cơ quan, tổ chức và Nhân dân hạn chế sử dụng chất thải nhựa dùng một lần và chuyển sang dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường (túi vải, làn, giỏ…khi đi mua sắm; đổi chất thải có khả năng tái chế lấy thực phẩm).

d) Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì rà soát, thẩm định, sàng lọc kỹ lưỡng các công nghệ phục vụ sản xuất đáp ứng các điều kiện theo quy định, trong đó quan tâm khuyến khích các tổ chức, cá nhân áp dụng công nghệ sản xuất thực hành xanh. Rà soát các cơ sở có công nghệ trong danh mục công nghệ cấm chuyển giao, có khả năng tác động xấu đến môi trường để có lộ trình chuyển đổi, thay thế, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao chỉ số PGI cấp tỉnh.

đ) Sở Tài chính rà soát, tham mưu UBND tỉnh cân đối nguồn ngân sách của tỉnh cho hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường.

e) Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các cơ quan báo chí: chỉ đạo định hướng truyền thông; xây dựng chuyên trang, mục nhằm tuyên truyền, quảng bá thúc đẩy thực hành xanh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

g) Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm tăng cường kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các phương tiện giao thông không đảm bảo khí thải gây ô nhiễm môi trường.

h) Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị, cơ sở giáo dục quán triệt đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục môi trường bằng các nội dung, hình thức phù hợp, (lồng ghép trong chương trình chính khoá, tổ chức ngoại khoá, tuyên truyền, tổ chức các đoạt động bảo vệ môi trường,...) chú trọng thúc đẩy thực hành xanh, thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nhà trường và gia đình.

i) Các Sở, ban, ngành khác và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, UBND các huyện, thành phố

- Tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân ưu tiên mua hàng hóa dịch vụ của các doanh nghiệp “xanh”. Phối hợp phổ biến, kêu gọi, khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ cao theo hướng sản xuất xanh.

- UBND các huyện, thành phố: chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện trồng trọt, chăn nuôi theo hướng xanh thân thiện với môi trường, thay đổi thói quen khi đi mua sắm hàng hóa mang theo làn, giỏ để đựng thực phẩm, đồ dùng, góp phần giảm thiểu sử dụng túi nilon dùng một lần.

4. Chỉ số “Chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ”

Mục tiêu phấn đấu đạt từ 5,30 điểm trở lên (tăng 0,55 điểm so với năm 2023 đạt 4,75).

a) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nguồn vốn đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư áp dụng công nghệ sản xuất thực hành xanh, công nghệ sản xuất tuần hoàn; cập nhật, công bố thông tin các doanh nghiệp hoạt động sản xuất thực hành xanh đến các tổ chức, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để nắm, tham quan học tập.

b) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đến các cơ quan, ban, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn tỉnh về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường đối với phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy sản xuất xanh, giảm phát sinh chất thải; tiếp tục phối hợp với cơ quan liên quan làm tốt công tác hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp khi vướng mắc về sản xuất, kinh doanh liên quan đến bảo vệ môi trường.

c) Sở Công Thương tư vấn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, xuất, nhập khẩu nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường.

d) Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xúc tiến, kêu gọi, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tham gia đầu tư áp dụng công nghệ sản xuất thực hành xanh, công nghệ sản xuất tuần hoàn tại tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và cơ quan liên quan triển tổ chức hội chợ thương mại nhằm kêu gọi các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân tham gia mua sắm, góp phần quảng bá, tuyên truyền mua hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp “xanh”.

đ) Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến các doanh nghiệp về lợi ích của chính sách hỗ trợ, dịch vụ đào tạo, dịch vụ tư vấn quản lý môi trường khi đầu tư xanh; nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người dân về lĩnh vực đầu tư xanh.

- UBND các huyện, thành phố: chỉ đạo các phòng, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, UBND cấp xã thường xuyên tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường[6] trên các phương tiện thông tin đại chúng (lập nhóm Fanpage: zalo, facebook, hệ thống loa truyền thanh công cộng tại các Nhà văn hóa…) đến các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn. Tuyên truyền, chấn chỉnh, nhắc nhở các tổ chức, cá nhân dừng ngay các hành vi xả chất thải, bỏ xác động vật chết xuống sông, suối, ao hồ,… trên địa bàn quản lý (nhất là tại các xã, thị trấn…) làm hình ảnh xấu đến môi trường cảnh quan, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

(Có Phụ lục phân công nhiệm vụ chi tiết các chỉ tiêu kèm theo Kế hoạch).

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố

- Tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt chỉ số PGI trong năm 2024; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả triển khai các chỉ số thành phần PGI đã phân công tại Kế hoạch này.

- Căn cứ nhiệm vụ, giải pháp được phân công tại Mục II Kế hoạch này, xây dựng kế hoạch cụ thể của cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện, hoàn thành trước ngày 20/7/2024.

- Tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được phân công về cải thiện, nâng cao chỉ số PGI năm 2024 (gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp chung) chậm nhất ngày 10/12/2024.

2. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lạng Sơn: thực hiện công tác định hướng thông tin, tuyên truyền kết quả đánh giá chỉ số PGI năm 2023 và Kế hoạch này trên các phương tiện thông tin đại chúng.

3. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các Hội, Chi hội doanh nghiệp tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa các cấp chính quyền và doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thành viên nâng cao tính chủ động trong tổ chức hoạt động kinh doanh, nghiêm túc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thường xuyên, chủ động tiếp nhận, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và phản ánh kịp thời đến các cơ quan chức năng để xem xét giải quyết.

4. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh phối hợp tăng cường tuyên truyền, giám sát, phản biện xã hội về kết quả thực hiện chỉ số xanh (PGI) cấp tỉnh.

5. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm cơ quan đầu mối theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện nội dung cải thiện, nâng cao chỉ số PGI, tổng hợp kết quả, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/12/2024./.

 


Nơi nhận:
- Các Bộ: KH&ĐT, TN&MT (để B/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (để B/c);
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Uỷ ban MTTQ, các tổ chức CT-XH tỉnh;
- Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành, Trung tâm XTĐTTMDL tỉnh;
- Liên minh HTX tỉnh, Đài khí tượng Thủy văn tỉnh;
- Báo Lạng Sơn, Đài PT-TH tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- HHDN tỉnh, các Chi Hội doanh nghiệp tỉnh;
- C, PVP UBND tỉnh, các phòng CV, TTTT;
- Công ty cổ phần cấp thoát nước Lạng Sơn;
- Công ty Điện lực Lạng Sơn;
- Lưu: VT, KT(NNT).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lương Trọng Quỳnh

 



[1] Các chỉ số giảm điểm gồm: Chỉ số thành phần 1: Giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai (giảm 0,53); chỉ số thành phần 2: Đảm bảo tuân thủ (giảm 1,32); chỉ số thành phần 3: Thúc đẩy thực hành xanh (giảm 0,97) và không đạt mục tiêu theo Kế hoạch đề ra. Có 01 chỉ tiêu tăng điểm: chỉ số thành phần 4: Chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ (đạt 2,8 điểm).

[2] Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016 của liên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

[3] Tại điểm a khoản 2 Điều 6 (để lựa chọn đơn vị quản lý bể chứa, khu vực lưu chứa) và khoản 2 Điều 7 (trách nhiệm của UBND cấp huyện) Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT.

[4] Xả, thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại; xác động vật chết xuống sông, suối, ao hồ,…; việc xả nước thải, bụi, khí thải từ các cơ sở, sản xuất, kinh doanh dịch vụ.

[5] Đã được UBND tỉnh giao tại Công văn số 1272/VP-KT ngày 07/4/2021 của Văn phòng UBND tỉnh.

[6] Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật có liên quan.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 163/KH-UBND cải thiện, nâng cao chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2024 và những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

  • Số hiệu: 163/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 12/07/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
  • Người ký: Lương Trọng Quỳnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/07/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản