Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 156/KH-UBND

Hòa Bình, ngày 29 tháng 11 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG TRONG CÁC LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH, GIAI ĐOẠN 2017-2021

Căn cứ Quyết định số 31/2009/QĐ-TTg ngày 24/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp. (Gọi tắt là Đề án 31); Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành chương trình phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021.

Thực hiện Công văn số 2291/LĐTBXH-PC ngày 09/6/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc tiếp tục thực hiện Đề án 31 đến năm 2021.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp giai đoạn 2017 - 2021 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật lao động nói riêng đối với người lao động và người sử dụng lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định xã hội, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, tổ chức, doanh nghiệp về hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách của Nhà nước đối với người lao động và người sử dụng lao động trong doanh nghiệp.

2. Yêu cầu

Đến hết năm 2021, phấn đấu đạt 100% người sử dụng lao động và người lao động trong khu công nghiệp và các doanh nghiệp có từ 300 người lao động trở lên, các doanh nghiệp doanh dân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các hợp tác xã hoạt động theo mô hình doanh nghiệp được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp, các quy định pháp luật liên quan tới quyền và nghĩa vụ của công dân và người lao động.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Tiểu đề án 1: Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp.

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Liên đoàn Lao động, Liên minh Hợp tác xã, các Sở, ngành liên quan, các cơ quan truyền thông.

a) Mục tiêu

Nâng cao năng lực điều phối công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ công dân cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp.

b) Các nội dung hoạt động

+ Biên soạn các tài liệu nguồn để tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ của công dân cho người lao động và người sử dụng lao động trong doanh nghiệp nhà nước và cho người lao động Việt nam đi làm việc ở nước ngoài.

+ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội dựa trên cơ sở các văn bản pháp luật và các tài liệu nguồn của trung ương, soạn thảo các tờ rơi, tờ gấp nội dung gắn gọn tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và một số pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ của công dân cho doanh nghiệp nhà nước cụ thể, phù hợp với yêu cầu của đối tượng và đặc thù từng loại hình doanh nghiệp, từng vùng (khoảng 40.000 tờ/năm).

+ Tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật lao động cho người lao động, người sử dụng lao động những kiến thức pháp luật về lao động, các quy định pháp luật khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động.

+ Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các quy định của Bộ luật lao động, Luật việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thực hiện; Trong đó, tập trung phổ biến các quy định có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động bằng các hình thức như: Tăng thời lượng giới thiệu các quy định của pháp luật trên Đài phát thanh truyền hình; đưa các tin bài quy định của pháp luật trên các báo điện tử và các trang thông tin điện tử của các sở, ngành trong tỉnh.

+ Tổ chức các hoạt động thi tìm hiểu pháp luật lao động và các pháp luật khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ công dân trong các doanh nghiệp, các hoạt động biểu dương, tôn vinh các doanh nghiệp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

+ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì tổ chức các hoạt động lựa chọn, bồi dưỡng và nhân điển hình thông qua các hoạt động tham quan, gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để phổ biến điển hình.

+ Xây dựng kế hoạch giám sát, kiểm tra, thanh tra liên ngành về việc thực hiện chính sách pháp luật lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị tổ chức sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp có ngành nghề sản xuất kinh doanh đặc thù như khai thác tài nguyên, khoáng sản, vận tải và xây dựng...

+ Triển khai các hoạt động của Ban điều hành Đề án: Kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ và hiệu quả thực hiện của các Tiểu đề án.

+ Tổ chức các cuộc hội nghị sơ kết, tổng kết đề án qua đó lựa chọn các đơn vị và cá nhân có nhiều thành tích trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để đề nghị chủ tịch UBND tỉnh biểu dương và khen thưởng.

2. Tiểu Đề án 2: Tuyên truyền phổ biến pháp luật Lao động, pháp luật Công đoàn và các quy định pháp luật liên quan cho người lao động tại các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

- Cơ quan thực hiện: Liên đoàn Lao động.

- Cơ quan phối hợp: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan.

a) Mục tiêu

Đến hết năm 2021 phấn đấu đạt 90% người lao động trong các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được tuyên truyền, phổ biến về các quy định pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và các quy định pháp luật liên quan tới quyền, nghĩa vụ công dân và người lao động.

Nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp, phát huy được sự ảnh hưởng, thể hiện tốt vai trò đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong doanh nghiệp.

b) Các nội dung hoạt động

+ Tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền các quy định mới của Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các pháp luật khác liên quan tới quyền và nghĩa vụ của công dân trong doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

+ Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các Sở, ngành liên quan và các doanh nghiệp,... tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ công đoàn ở các doanh nghiệp và các khu công nghiệp lớn về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các pháp luật khác liên quan tới quyền và nghĩa vụ của công dân cho người lao động.

+ Phối hợp với doanh nghiệp trang bị tủ sách pháp luật cho công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp đông người lao động (dự kiến trang bị 10 tủ sách với 110 đầu sách có liên quan đến quan hệ lao động)

+ Tăng cường giới thiệu, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật lao động và các pháp luật khác liên quan tới quyền và nghĩa vụ của công dân bằng hình thức tuyên truyền miệng thông qua hòa giải viên lao động cơ sở, hòa giải viên lao động cấp huyện, báo cáo viên pháp luật, cán bộ công đoàn, cán bộ nhân sự của doanh nghiệp, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh nội bộ v.v...

+ Tổ chức cho người lao động tại các doanh nghiệp tham gia các cuộc thi Tìm hiểu pháp luật lao động và các pháp luật khác liên quan tới quyền và nghĩa vụ của công dân trên ti vi, trên báo, đài và tại các địa phương, cơ sở.

+ Đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và các quy định pháp luật liên quan thành nhiệm vụ trong kế hoạch công tác hàng năm và chỉ tiêu thi đua của tổ chức công đoàn các cấp.

3. Tiểu Đề án 3: Tuyên truyền phổ biến pháp luật Lao động và các quy định pháp luật liên quan cho người lao động và người sử dụng lao động tại các Hợp tác xã theo mô hình doanh nghiệp

- Cơ quan thực hiện: Liên minh Hợp tác xã

- Cơ quan phối hợp: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành liên quan.

a) Mục tiêu

+ Đến hết năm 2021 phấn đấu đạt 100% người sử dụng lao động được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật liên quan tới hoạt động của Hợp tác xã và 90% người lao động trong các hợp tác xã được tuyên truyền, phổ biến về pháp luật lao động và các quy định pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân và người lao động.

+ Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác liên quan tới hoạt động của hợp tác xã và quyền, nghĩa vụ của công dân trong các hợp tác xã theo mô hình doanh nghiệp.

b) Các nội dung hoạt động

+ Liên minh Hợp tác xã chủ trì phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai thực hiện chính sách khuyến khích người sử dụng lao động tổ chức tuyên truyền pháp luật trong các hợp tác xã.

+ Tổ chức tuyên tuyền, phổ biến pháp luật lao động và các pháp luật khác liên quan tới hoạt động của Hợp tác xã và quyền, nghĩa vụ của công dân trong các hợp tác xã.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Nguồn kinh phí thực hiện do ngân sách nhà nước đảm bảo và ước tính: 2.399.100.000đ (Hai tỷ, ba trăm chín mươi chín triệu, một trăm ngàn đồng chẵn).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thời gian thực hiện: Thực hiện từ năm 2017 đến 2021 trên phạm vi toàn tỉnh.

2. Phân công nhiệm vụ

2.1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Triển khai các hoạt động của Ban điều hành Đề án: Kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ và hiệu quả thực hiện của các Tiểu đề án.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan để thực hiện Tiểu Đề án 1

- Tổ chức các cuộc hội nghị sơ kết, tổng kết đề án qua đó lựa chọn các đơn vị và cá nhân có nhiều thành tích trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương và khen thưởng.

2.2. Sở Tư pháp

- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Liên đoàn Lao động, Liên minh Hợp tác hướng dẫn, tư vấn về phương pháp thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật xã; xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động; soạn thảo tài liệu, đào tạo cán bộ và tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các pháp luật khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ công dân cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp.

2.3. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan xem xét, nghiên cứu cân đối khả năng ngân sách địa phương, tham mưu trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kinh phí thực hiện Kế hoạch.

2.4. Liên đoàn lao động tỉnh

- Chủ trì và phối hợp với các ngành liên quan thực hiện Tiểu đề án 2.

+ Tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền đến đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp

+ Phối hợp với doanh nghiệp trang bị tủ sách pháp luật cho công đoàn cơ sở

+ Tăng cường giới thiệu, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật lao động cán bộ công đoàn của doanh nghiệp

+ Tổ chức cho người lao động tại các doanh nghiệp tham gia các cuộc thi Tìm hiểu pháp luật lao động.

- Tham gia các hoạt động chung của Đề án:

2.5. Liên minh Hợp tác xã

- Chủ trì và phối hợp với các ngành liên quan thực hiện Tiểu đề án 3

+ Tổ chức các cuộc hội nghị tập huấn tuyên truyền pháp luật trong các hợp tác xã.

+ Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động tới người lao động trong các hợp tác xã.

- Tham gia các hoạt động chung của Đề án.

2.6. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ quan báo chí tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh xây dựng các chuyên trang, chuyên mục kịp thời thông tin phổ biến pháp luật lao động và các pháp luật khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp.

2.7. Báo Hòa Bình, Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh

Phối hợp với các đơn vị liên quan củng cố, duy trì các chuyên trang, chuyên mục kịp thời thông tin phổ biến pháp luật lao động liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động.

2.8. Các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; có trách nhiệm phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Liên đoàn Lao động, Liên minh Hợp tác xã triển khai các hoạt động của Đề án.

3. Chế độ thông tin, báo cáo

- Các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ của ngành, địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện; tổng hợp tình hình, kết quả báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) trước ngày 15 tháng cuối quí.

- Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Cơ quan Thường trực Ban điều hành Đề án) theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch này; tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ LĐTBXH;
- TT.Tỉnh ủy;
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh, các Hội, đoàn thể;
- Các Sở, Ban ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, TCTM(NL50).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Văn Cửu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 156/KH-UBND năm 2017 về tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong loại hình doanh nghiệp giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

  • Số hiệu: 156/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 29/11/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hòa Bình
  • Người ký: Bùi Văn Cửu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/11/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản