Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 151/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 10 tháng 08 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 17/CT-TTG NGÀY 19/6/2018 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG ĐẤU TRANH CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI, SẢN XUẤT, KINH DOANH HÀNG GIẢ, HÀNG KÉM CHẤT LƯỢNG THUỘC NHÓM HÀNG DƯỢC PHẨM, MỸ PHẨM, THỰC PHẨM CHỨC NĂNG, DƯỢC LIỆU VÀ VỊ THUỐC Y HỌC CỔ TRUYỀN

Căn cứ Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền;

Trên cơ sở tình hình hoạt động kinh doanh nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt nội dung Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

- Triển khai đồng bộ, có hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ nhằm chủ động ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

- Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trong việc phát hiện, bắt giữ, xử lý vi phạm và trong công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền trên địa bàn.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai phải được tiến hành kịp thời, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả; công tác kiểm tra, xử lý phải có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính và không cản trở lưu thông hàng hóa trên thị trường.

- Các hành vi vi phạm phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm, triệt để, tạo điều kiện để phát triển ngành nghề sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống của địa phương.

II. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Sở Y tế

- Rà soát hoạt động cấp phép sản xuất, nhập khẩu, lưu hành, quảng cáo, giám định, chứng nhận chất lượng, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn đối với mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền theo quy định pháp luật trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của ngành Y tế.

- Phối hợp với các cơ quan và lực lượng chức năng tăng cường công tác thanh tra, hậu kiểm, kiểm tra định kỳ và đột xuất việc chấp hành các tiêu chuẩn, đăng ký chất lượng sản phẩm, đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh, hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ... đối với các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Chú trọng kiểm tra, thanh tra tại các địa bàn trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm các mặt hàng nêu trên.

- Chỉ đạo Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm thực phẩm tinh chủ động lấy mẫu kiểm tra, giám sát chất lượng; phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan khi có yêu cầu trưng cầu giám định chất lượng các mặt hàng là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học công nghệ vào kiểm soát đối với nguồn gốc, chất lượng của các nguyên liệu, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe con người; chủ động chia sẻ thông tin về cấp các loại giấy tờ liên quan hoạt động chuyên môn, quản lý đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm liên quan sức khỏe con người thuộc trách nhiệm theo dõi, quản lý của ngành Y tế.

- Cử lực lượng chuyên môn phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng thuộc phạm vi quản lý khi có yêu cầu.

2. Công an tỉnh

Chỉ đạo Công an các cấp và các đơn vị nghiệp vụ tăng cường nắm tình hình, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm, tập trung điều tra, triệt phá đường dây, ổ nhóm buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền;

- Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn trong kiểm tra, xử lý đối với các hoạt động buôn lậu, kinh doanh, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng.... khi có yêu cầu.

3. Bộ đội Biên phòng tỉnh

- Tăng cường kiểm soát người, phương tiện, hàng hóa xuất cảnh, nhập cảnh; tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới đặc biệt là đường mòn lối mở, khu vực cửa khẩu, các kho bãi, điểm tập kết hàng hóa ở khu vực biên giới.

- Chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới các loại hàng hóa trong đó có dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền.

- Phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tuyên truyền vận động cư dân vùng biên không tham gia vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tố giác hành vi buôn lậu các mặt hàng trên với cơ quan chức năng.

4. Sở Công thương

- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền giả, nhập lậu, không đảm bảo chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn toàn tỉnh. Tập trung xử lý triệt để việc bày bán mỹ phẩm, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại các chợ đầu mối, chợ sinh viên, chợ đêm, các điểm bán hàng xách tay.... trên địa bàn.

- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra toàn diện việc cấp phép, quản lý các cơ sở kinh doanh nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền trên cơ sở bám sát kế hoạch, chương trình công tác trong năm; đặc biệt tập trung thanh tra, kiểm tra hoạt động thương mại điện tử nhóm mặt hàng này về chất lượng hàng hóa, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, điều kiện kinh doanh.

- Tăng cường và phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sử dụng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền.

5. Cục Thuế

Tăng cường thanh tra, kiểm tra về chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp kê khai không đúng, gian lận thuế, trốn thuế.

6. Cục Hải quan

- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu, đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật, đặc biệt chú ý các lô hàng theo quy định phải đảm bảo điều kiện kiểm tra chuyên ngành theo tiêu chuẩn, quy chuẩn mới cho thông quan.

- Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu đối với nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

7. Sở Thông tin và Truyền thông

- Quản lý chặt chẽ các hoạt động quảng cáo trên truyền thanh, truyền hình, báo chí, trên môi trường mạng, xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm dịch vụ bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin; kịp thời ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung quảng cáo, thông tin sai quy định trong kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc cổ truyền.

- Chỉ đạo các cơ quan thông tin báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ. Công khai thông tin các tổ chức, cá nhân vi phạm, biểu dương người tốt, việc tốt trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng.

8. Sở Khoa học và Công nghệ

Tăng cường công tác kiểm tra về đo lường, chất lượng và ghi nhãn hàng hóa; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

9. UBND các huyện, thị xã, thành phố

Chỉ đạo các các phòng, ban chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn nâng cao tinh thần trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền: chuẩn bị lực lượng sẵn sàng phối hợp kiểm tra, kiểm soát khi có yêu cầu.

10. Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh

Chỉ đạo Mặt trận, đoàn thể các cấp phát huy vai trò giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; đẩy mạnh truyền thông, phổ biến kiến thức cho nhân dân về các nhóm mặt hàng này; tăng cường vai trò tư vấn phản biện xã hội đối với chính sách pháp luật về dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

- Căn cứ Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch này, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai theo chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của từng ngành, địa phương, đơn vị mình, bảo đảm thực hiện kịp thời và hiệu quả những nội dung của Kế hoạch.

- Giao Ban Chỉ đạo 389/TTH Theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch của các Sở, ban, ngành, địa phương và tổng hợp các báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị theo chỉ đạo của cấp trên.

Trong quá trình thực hiện Kế hoạch, nếu có vấn đề phát sinh hoặc vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh kịp thời bằng văn bản về Ban Chỉ đạo 389/TTH (qua Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389/TTH - Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên Huế) để tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia;
- CT. các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, TP Huế;
- Các thành viên BCD 389 TTH;
- CVP. các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, CT.

CHỦ TỊCH




Phan Ngọc Thọ