Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 151/KH-UBND

Nghệ An, ngày 23 tháng 03 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH CÚM A(H7N9) Ở NGƯỜI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN NĂM 2017

1. TÌNH HÌNH DỊCH CÚM A(H7N9) TRÊN THẾ GIỚI VÀ TẠI VIỆT NAM

1. Trên thế giới

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch cúm A(H7N9) trên người được phát hiện lần đầu tiên tại Trung Quốc vào tháng 4/2013. Từ đó đến nay tại quốc gia này đã có 5 đợt dịch bùng phát với 1.222 trường hợp mắc trong đó có 395 ca tử vong tại 18 tỉnh/thành phố. Đợt dịch thứ 5 từ tháng 10/2016 đến nay với số ca mắc tăng đột biến là 425 trường hợp, bằng 1/3 tổng số ca mắc kể từ năm 2013. Tính riêng từ 19/01/2017 đến 14/02/2017, Trung Quốc đã phát hiện thêm 304 trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) tại 18 tỉnh/thành phố, trong đó có các tỉnh giáp Việt Nam như: Quảng Tây, Vân Nam và Quảng Đông. Điều tra 155 ca/304 ca cho thấy có 144 ca có tiền sử dịch tễ tiếp xúc với gia cầm hoặc chợ gia cầm sống.

Mặc dù đến nay đã phát hiện một số chùm ca bệnh gồm những người trong cùng gia đình và người liên quan nhưng vẫn chưa có bằng chứng cho thấy bệnh lây từ người sang người.

Đánh giá nguy cơ cho thấy các ca bệnh trên người có thể tiếp tục xuất hiện và dịch có thể xuất hiện tại các tỉnh/thành phố của Trung Quốc chưa có ca bệnh trên người nhưng Tổ chức Y tế thế giới chưa khuyến cáo hạn chế giao lưu qua lại giữa các quốc gia trên thế giới.

2. Tại Việt Nam

Đến hết tháng 02/2017, nước ta chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do cúm A(H7N9). Tuy nhiên, đáng quan ngại là đã ghi nhận các ổ dịch tại các tỉnh sát biên giới với Việt Nam như Quảng Tây, Vân Nam và Quảng Đông.

3. Nhận định, dự báo

Nguy cơ dịch có thể xâm nhập vào Việt Nam cũng như có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống do:

1. Dịch bệnh đang tăng nhanh tại Trung Quốc cả về số mắc, số tử vong và các lan ra các vùng địa lý mới. Đặc biệt đã ghi nhận các ổ dịch tại các tỉnh sát biên giới với Việt Nam như Quảng Tây, Vân Nam và Quảng Đông.

2. Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi cho các bệnh đường hô hấp và dịch cúm gia cầm lây lan và bùng phát.

3. Nguồn lây bệnh vẫn chưa được xác định rõ ràng, chưa xác định được các yếu tố dịch tễ liên quan giữa các trường hợp mắc bệnh. Nhưng phần lớn người mắc bệnh có tiền sử tiếp xúc với gia cầm và sử dụng các sản phẩm từ gia cầm.

4. Vi rút rút cúm A(H7N9) không gây bệnh và không gây chết gia cầm vì vậy rất khó phát hiện gia cầm nhiễm vi rút.

5. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu dựa vào vệ sinh cá nhân và ngăn ngừa lây truyền tại cộng đồng.

II. KINH NGHIỆM PHÒNG CHỐNG DỊCH SARS, CÚM A(H5N1) VÀ CÁC DỊCH BỆNH NGUY HIỂM KHÁC TẠI TỈNH NGHỆ AN

- Sự chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người của tỉnh và phòng, chống dịch ở người của các cấp; sự hỗ trợ tích cực, kịp thời, hiệu quả của Bộ Y tế.

- Phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ban, ngành, đoàn thể; huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào công tác phòng chống dịch.

- Chủ động chuẩn bị các hoạt động phòng chống dịch từ tuyến tỉnh đến cơ sở: giám sát, thu dung, điều trị, dự trữ thuốc, vật tư, trang thiết bị.

- Chia sẻ kịp thời thông tin giữa các đơn vị trong tỉnh và các tỉnh bạn về tình hình dịch và các biện pháp phòng, chống dịch.

- Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch theo các tình huống của dịch để có các biện pháp ứng phó phù hợp.

- Các kỹ thuật viên lấy mẫu bệnh phẩm được tập huấn kỹ, đúng quy định

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do dịch cúm A(H7N9).

2. Mục tiêu cụ thể theo tình huống dịch

2.1. Tình huống 1: Chưa có trường hợp bệnh trên người.

Tổ chức thực hiện tốt công tác giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh cúm A(H7N9) đầu tiên xâm nhập vào Nghệ An hoặc xuất hiện tại cộng đồng để điều tra, xác minh và xử lý triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng.

2.2. Tình huống 2: Có các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) trên người nhưng chưa phát hiện lây từ người sang người.

Khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan dịch từ động vật sang người hoặc từ người sang người.

2.3. Tình huống 3: Phát hiện có các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) lây từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những ca đơn lẻ.

Đáp ứng nhanh khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng.

2.4. Tình huống 4: Dịch bùng phát ra cộng đồng.

Giảm thiểu tác động của dịch đối với cuộc sống của người dân.

IV. CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH

1. Tình huống 1: Chưa có trường hợp bệnh trên người.

a) Sở Y tế

- Tham mưu UBND tỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người của tỉnh và của từng địa phương; chỉ đạo triển khai các hoạt động tại các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công thương theo dõi tình hình dịch bệnh và sự lưu hành của chủng vi rút cúm A(H7N9) trên các đàn gia cầm, thủy cầm; tăng cường giám sát, kiểm tra nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, ngăn ngừa nhập lậu gia cầm nhằm ngăn chặn kịp thời gia cầm không được kiểm dịch xâm nhập vào Nghệ An. Đẩy mạnh các hoạt động quản lý mua bán gia cầm, nhằm hạn chế việc lưu thông gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường.

- Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân.

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện tốt việc giám sát người, động vật và hàng hóa tại cửa khẩu và khu vực biên giới; thực hiện việc kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu.

- Chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị, sinh phẩm y tế để xét nghiệm chẩn đoán xác định vi rút cúm A(H7N9).

- Củng cố đội ngũ lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm.

- Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly; sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân, hạn chế tử vong khi có bệnh nhân. Thiết lập mạng lưới các đơn vị thu dung điều trị bệnh nhân cúm A(H7N9).

- Chỉ đạo xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật về giám sát, dự phòng xử lý ổ dịch; hướng dẫn chẩn đoán điều trị, nghiên cứu sử dụng các thuốc kháng vi rút phù hợp, hiệu quả; Xây dựng các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch tại cộng đồng. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền kịp thời cung cấp thông tin để người dân không hoang mang lo lắng, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.

- Chỉ đạo kiện toàn các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động; tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại các đơn vị y tế; Chuẩn bị sẵn sàng kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống khi có dịch xảy ra.

- Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh trong nước, trong khu vực để kịp thời nắm bắt thông tin thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát, hướng dẫn phòng chống dịch cúm A(H7N9) tại các đơn vị.

b) Các Sở, Ngành

- Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Xây dựng kế hoạch của ngành, chú trọng áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cúm A(H7N9) ở gia cầm để tránh dịch xâm nhập và phát triển ở Nghệ An; chuẩn bị trang thiết bị, hóa chất, vật tư để xử lý dịch gia cầm, gia súc.

- Sở Công Thương: Xây dựng kế hoạch phòng chống cúm A(H7N9) của ngành; tăng cường giám sát, kiểm tra việc nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn tỉnh; ngăn ngừa nhập lậu gia cầm nhằm ngăn chặn kịp thời gia cầm không được kiểm dịch xâm nhập vào Nghệ An. Đẩy mạnh các hoạt động quản lý mua bán gia cầm, nhằm hạn chế việc lưu thông gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường.

- Sở Tài chính: Tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí thực hiện công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh và đảm bảo chuẩn bị các điều kiện cơ bản (thuốc, hóa chất, vật tư,...) sẵn sàng triển khai khi có dịch xảy ra.

- Lực lượng vũ trang (BCHQS, Bộ chỉ huy Biên phòng, Công an tỉnh):

Chỉ đạo Ban quân dân y, y tế của ngành lập kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho lực lượng vũ trang, phương tiện, thuốc, trang thiết bị, giường bệnh tại các bệnh viện, trạm xá của ngành mình phụ trách để phòng chống dịch; phối hợp với y tế tăng cường các hoạt động kiểm dịch y tế biên giới, đặc biệt tại các cửa khẩu, sân bay Vinh và các vùng biên giới giáp với Lào.

- Các Sở, Ban, Ngành, các tổ chức đoàn thể khác: Tùy theo chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp với sở Y tế (cơ quan thường trực phòng chống dịch bệnh ở người) để xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch cúm A(H7N9) của các đơn vị phù hợp với các giai đoạn của dịch, đảm bảo duy trì các hoạt động của ngành quản lý; phối hợp với ngành Y tế để làm tốt công tác tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch.

d) UBND các huyện, thị xã, thành phố Vinh

Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người; Xây dựng Kế hoạch hành động phòng, chống dịch cúm A(H7N9) trên địa bàn và tổ chức triển khai thực hiện.

2. Tình huống 2: Có các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) trên người nhưng chưa phát hiện lây từ người sang người

a) Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người cấp tỉnh tổ chức họp hàng tuần và đột xuất để thống nhất chỉ đạo triển khai các hoạt động tại các đơn vị.

b) Sở Y tế

- Tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân. Đặc biệt thực hiện tốt việc giám sát người, động vật và hàng hóa tại cửa khẩu và khu vực biên giới.

- Thực hiện triển khai các biện pháp cách ly chặt chẽ các trường hợp mắc bệnh cũng như nghi ngờ; điều tra, theo dõi chặt chẽ sức khỏe các trường hợp tiếp xúc.

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn xử lý triệt để các ổ dịch cúm A(H7N9) trên các đàn gia cầm, thủy cầm.

- Tăng cường giám sát, xét nghiệm để xác định sự lưu hành, biến đổi, mức độ lây lan vi rút cúm A(H7N9).

- Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức các khu vực, cách ly riêng, đặc thù cho việc điều trị bệnh nhân cúm A(H7N9).

- Tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại các đơn vị y tế; các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch.

- Thường xuyên đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác giám sát, chẩn đoán điều trị, dự phòng xử lý ổ dịch để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.

- Thường xuyên cập nhật các thông tin, sửa đổi các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch phù hợp với các đối tượng nguy cơ.

- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền kịp thời cung cấp thông tin để người dân không hoang mang lo lắng, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.

- Căn cứ vào dự báo tình hình dịch tiếp tục bổ sung kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đề phòng dịch bùng phát trên diện rộng.

- Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh trong nước, trong khu vực để kịp thời nắm bắt thông tin thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát, hướng dẫn phòng chống dịch cúm A(H7N9) tại các đơn vị.

- Thực hiện báo cáo hàng ngày và chia sẻ thông tin kịp thời.

c) Các Sở, Ngành

- Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Xử lý triệt để các ổ dịch cúm A(H7N9) trên các đàn gia cầm, thủy cầm.

- Sở Công Thương: Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

- Sở Tài chính: Tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí đầu tư thêm trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất, bảo hộ cần thiết cho các cơ sở y tế để sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân mắc cúm A(H7N9).

- Lực lượng vũ trang (BCHQS, Bộ chỉ huy Biên phòng, Công an tỉnh):

Chỉ đạo Ban quân dân y, y tế của ngành tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các ca nghi mắc bệnh trong lực lượng vũ trang, các trường hợp tiếp xúc với gia cầm, thủy cầm; rà soát lại công tác chuẩn bị phương tiện, thuốc, trang thiết bị, giường bệnh tại các bệnh viện, trạm xá của ngành mình phụ trách; tiếp tục phối hợp với y tế tăng cường các hoạt động kiểm dịch y tế biên giới, sân bay, cửa khẩu.

- Các Sở, Ban, Ngành, các tổ chức đoàn thể khác: Tùy theo chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp với sở Y tế (cơ quan thường trực phòng chống dịch bệnh ở người) triển khai kế hoạch phòng, chống dịch cúm A(H7N9) của các đơn vị phù hợp với giai đoạn của dịch, đảm bảo duy trì các hoạt động của ngành quản lý; tiếp tục phối hợp với ngành Y tế để làm tốt công tác tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch.

d) UBND các huyện, thị xã, thành phố Vinh:

Chỉ đạo các Ban, Ngành, đoàn thể thuộc thẩm quyền phối hợp với các đơn vị y tế địa phương triển khai các hoạt động phòng, chống dịch tương ứng với giai đoạn 2 của dịch.

3. Tình huống 3: Phát hiện có các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) lây từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những ca đơn lẻ.

a) Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người cấp tỉnh tổ chức họp vào lúc 14 giờ hàng ngày để thống nhất chỉ đạo triển khai các hoạt động.

b) Sở Y tế

- Tổ chức khoanh vùng ổ dịch, triển khai các biện pháp hạn chế đi lại khi cần thiết, áp dụng các biện pháp phòng bệnh rộng rãi, bắt buộc đối với toàn bộ người dân trong khu vực ổ dịch.

- Báo cáo tình hình diễn biến của dịch thường xuyên và tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp phòng chống dịch để nhận được các chỉ đạo kịp thời.

- Tăng cường giám sát các chùm ca bệnh viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân tại cộng đồng.

- Thực hiện triển khai các biện pháp cách ly chặt chẽ các trường hợp mắc bệnh cũng như nghi ngờ; điều tra, theo dõi chặt chẽ sức khỏe các trường hợp tiếp xúc.

- Tăng cường giám sát, xét nghiệm để xác định sự lưu hành, biến đổi, mức độ lây lan vi rút cúm A(H7N9).

- Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức các khu vực, cách ly riêng, đặc thù cho việc điều trị bệnh nhân cúm A(H7N9). Sẵn sàng thiết lập các bệnh viện dã chiến khi cần thiết.

- Tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại các đơn vị y tế; cử các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch,.

- Thường xuyên đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác giám sát, chẩn đoán điều trị, dự phòng xử lý ổ dịch để kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.

- Thường xuyên cập nhật các thông tin, các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch cho phù hợp với các đối tượng nguy cơ.

- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền kịp thời cung cấp thông tin để người dân không hoang mang lo lắng, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.

- Căn cứ vào dự báo tình hình dịch tiếp tục bổ sung kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đề phòng dịch bùng phát trên diện rộng.

- Tham mưu UBND tỉnh phương án huy động các đơn vị, cơ sở sản xuất, cung cấp các dịch vụ thiết yếu xây dựng các kế hoạch đảm bảo cung cấp dịch vụ trong trường hợp dịch bùng phát lan rộng.

- Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh để kịp thời nắm bắt thông tin thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát, hướng dẫn tại các địa phương.

- Thực hiện báo cáo hàng ngày và chia sẻ thông tin kịp thời.

c) Các Sở, Ngành:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Tiếp tục phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch cúm A(H7N9) trên các đàn gia cầm, thủy cầm.

- Sở Công Thương: Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt gia cầm từ vùng có dịch, gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

- Sở Tài chính: Tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí theo dự toán của Sở Y tế và các sở, ngành liên quan để đảm bảo các điều kiện cần thiết phòng chống dịch cúm A(H7N9) theo tình huống 3.

- Lực lượng vũ trang (BCHQS, Bộ chỉ huy Biên phòng, Công an tỉnh):

Chỉ đạo Ban quân dân y, y tế của ngành phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở Y tế triển khai các hoạt động xử lý ổ dịch, thu dung điều trị bệnh nhân; giám sát, phát hiện sớm các ca nghi mắc bệnh, các trường hợp tiếp xúc với nguồn lây hoặc trở về từ vùng dịch trong lực lượng vũ trang và trong cộng đồng.

- Các Sở, Ban, Ngành, các tổ chức đoàn thể khác: Tùy theo chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp với sở Y tế triển khai các hoạt động phòng, chống dịch cúm A(H7N9) và đảm bảo duy trì các hoạt động của ngành quản lý; tiếp tục phối hợp với ngành Y tế để làm tốt công tác tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch.

d) UBND các huyện, thị xã, thành phố Vinh:

Chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn; Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp tổ chức họp hàng ngày để thống nhất triển khai các hoạt động tại địa phương.

4. Tình huống 4: Dịch bùng phát ra cộng đồng.

a) Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người các cấp tổ chức họp vào 14 giờ hàng ngày để thống nhất chỉ đạo triển khai các hoạt động tại ngành, địa phương.

b) Sở Y tế

- Phối hợp với các Sở, ban ngành hỗ trợ các đơn vị, cơ sở sản xuất, cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân không để rối loạn các hoạt động về kinh tế xã hội.

- Tổ chức khoanh vùng ổ dịch, triển khai các biện pháp hạn chế đi lại, áp dụng các biện pháp phòng bệnh rộng rãi, bắt buộc đối với toàn bộ người dân trong khu vực ổ dịch.

- Báo cáo hàng ngày tình hình diễn biến của dịch, thường xuyên và tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp phòng chống dịch để nhận được các chỉ đạo kịp thời.

- Tham mưu UBND tỉnh huy động các ban, ngành đoàn thể tham gia vào các đội sơ cứu, hướng dẫn người bệnh và người nhà bệnh nhân các biện pháp chăm sóc và phòng bệnh.

- Tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại các đơn vị y tế; cử các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch.

- Thiết lập các bệnh viện dã chiến tại các khu vực đông bệnh nhân tránh quá tải bệnh viện. Mở rộng các đơn vị y tế tiếp nhận bệnh nhân, phân loại bệnh nhân điều trị tại các tuyến: đối với trường hợp nhẹ theo dõi, điều trị tại Trạm Y tế xã hạn chế di chuyển bệnh nhân.

- Thường xuyên đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác giám sát, chẩn đoán điều trị, dự phòng xử lý ổ dịch để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.

- Thường xuyên cập nhật các thông tin, các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch cho phù hợp với các đối tượng nguy cơ.

- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền kịp thời cung cấp thông tin để người dân không hoang mang lo lắng, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.

- Tổng hợp nhu cầu kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện từ các đơn vị trình UBND tỉnh cấp bổ sung.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát, hướng dẫn phòng chống dịch cúm A(H7N9) tại các đơn vị.

c) Các Sở, Ngành

- Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Huy động tối đa nguồn lực sẵn có (con người, phương tiện, hóa chất,...) để xử lý triệt để các ổ dịch cúm A(H7N9) trên các đàn gia cầm, thủy cầm.

- Sở Công Thương: Phối hợp với các ngành tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đóng cửa các chợ buôn bán và cơ sở giết mổ gia cầm. Phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ các đơn vị, cơ sở sản xuất, cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân không để rối loạn các hoạt động về kinh tế xã hội.

- Sở Giao thông Vận tải: Hạn chế vận tải hành khách và phương tiện đi vào vùng dịch, có thể tính đến tạm dừng một số tuyến theo yêu cầu chống dịch; đảm bảo phòng bệnh cho hành khách, nhân viên trong quá trình vận chuyển; phối hợp với ngành y tế thường xuyên thực hiện tẩy uế, khử trùng phương tiện.

- Sở Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo hệ thống giáo dục đóng cửa các trường học trong vùng dịch; phối hợp với ngành y tế tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh để cách ly, xử lý kịp thời theo đúng quy định.

- Sở Tài chính: Tham mưu UBND tỉnh cấp đủ kinh phí theo dự toán của các sở, ngành liên quan để đảm bảo tối đa các điều kiện chống dịch.

- Lực lượng vũ trang (BCHQS, Bộ chỉ huy Biên phòng, Công an tỉnh):

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với ngành y tế triển khai các biện pháp khống chế, cô lập, xử lý các ổ dịch, áp dụng các biện pháp phòng dịch bắt buộc tại cộng đồng; tiếp tục thực hiện thu dung điều trị, giám sát, phát hiện sớm các ca nghi mắc bệnh, các trường hợp tiếp xúc với nguồn lây hoặc trở về từ vùng dịch trong lực lượng vũ trang và trong cộng đồng.

- Các Sở, Ban, Ngành, các tổ chức đoàn thể khác: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc huy động cán bộ, công chức, đoàn viên tích cực phối hợp với sở Y tế triển khai các hoạt động phòng, chống dịch; thực hiện các biện pháp phòng bệnh bắt buộc tại một số đơn vị trong vùng dịch; tiếp tục phối hợp với ngành Y tế để làm tốt công tác tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch.

d) UBND các huyện, thị xã, thành phố Vinh

Huy động toàn thể hệ thống chính trị tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn; chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng bệnh bắt buộc để hạn chế dịch bệnh lan rộng; Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp tổ chức họp hàng ngày để thống nhất triển khai các hoạt động tại địa phương.

V. CÁC GIẢI PHÁP CHUNG

1. Tổ chức, chỉ đạo

- Sở Y tế chủ trì tham mưu UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người của tỉnh chỉ đạo các hoạt động phòng chống dịch theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi của Bộ Y tế. Tổ chức kiểm tra, chỉ đạo giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh cúm tại tỉnh;

Tổ chức các lớp tập huấn về giám sát ca bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng không rõ nguyên cho các huyện, thị trong địa bàn phụ trách;

Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nắm chắc tình hình dịch bệnh trên gia cầm, thủy cầm, chim trời trên địa bàn tỉnh, báo cáo kịp thời cho ban chỉ đạo và phối hợp tích cực trong công tác xử lý ổ dịch.

- Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh; các cơ sở khám, chữa bệnh; tăng cường giám sát, phát hiện sớm; sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân.

- Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện giám sát các ca bệnh viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân trên địa bàn phụ trách, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm và gửi mẫu lên Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Báo cáo Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) và Sở Y tế.

- Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các Đài Phát thanh và Truyền hình Báo Nghệ An; Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe và các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn tăng cường tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống cho người dân.

- Tăng cường công tác kiểm dịch tại các cửa khẩu, đặc biệt đối với khách nhập cảnh từ các vùng đang có dịch, không để bệnh dịch xâm nhập.

- Thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho cán bộ tham gia chống dịch cúm A(H7N9): phụ cấp chống dịch, trực dịch,...

2. Xây dựng kế hoạch, đầu tư tài chính

- Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh phương án huy động tối đa mọi nguồn thuốc điều trị, hóa chất, vật tư, phương tiện trên địa bàn tỉnh cho các hoạt động phòng chống dịch (kể cả huy động từ cơ sở y dược tư nhân khi cần thiết).

- Sở Y tế chủ trì tổng hợp nhu cầu kinh phí phục vụ công tác phòng và chống dịch của các đơn vị giám sát, điều trị, truyền thông trên địa bàn tỉnh, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

3. Chuyên môn kỹ thuật

3.1. Các giải pháp giảm mắc

- Tăng cường năng lực giám sát bệnh cúm A(H7N9), phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên để có biện pháp cách ly, thu dung, điều trị kịp thời.

- Nắm chắc thông tin tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước, kể cả sự lưu hành vi rút cúm A(H7N9) trên các đàn gia cầm, thủy cầm, chim trời để kịp thời triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xử lý triệt để các ổ dịch trên các đàn gia cầm, thủy cầm, chim trời, không để lây lan sang người hoặc không để lây lan từ người sang người.

- Củng cố và duy trì hoạt động của đội cơ động chống dịch tại đơn vị y tế các tuyến. Tổ chức trực chống dịch 24/24 giờ trong thời gian có dịch.

- Tổ chức chiến dịch tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh cá nhân phòng bệnh cúm A(H7N9).

- Tăng cường công tác an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Thành lập các đoàn liên ngành tăng cường công tác kiểm tra công tác sẵn sàng phòng chống dịch bệnh tại các huyện, thị xã, thành phố Vinh trước, trong và sau thời gian xảy ra dịch.

- Tham dự lớp tập huấn các phương pháp lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển và thông báo kết quả xét nghiệm do Trung ương tổ chức và tập huấn lại cho tuyến huyện, xã.

3.2. Các giải pháp giảm tử vong

- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các bệnh viện trong công tác chuẩn bị phòng chống dịch.

- Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh:

+ Chuẩn bị sẵn khu vực tiếp nhận bệnh nhân cúm A(H7N9) khi có dịch xảy ra, đảm bảo đầy đủ, trang thiết bị, vật tư, thuốc cấp cứu bệnh nhân nặng.

+ Thành lập các nhóm cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong trường hợp có nhiều bệnh nhân.

+ Chỉ đạo chuyên môn, hướng dẫn và hỗ trợ các bệnh viện tuyến huyện.

- Bệnh viện tuyến tỉnh điều trị các trường hợp nặng, bệnh viện tuyến huyện điều trị các trường hợp thông thường, hạn chế chuyển viện tránh lây lan

- Tham dự các lớp tập huấn cho cán bộ điều trị và điều dưỡng tại các bệnh viện về chẩn đoán và điều trị bệnh cúm A(H7N9) và sử dụng các trang thiết bị hồi sức cấp cứu do Bộ Y tế tổ chức; Tổ chức tập huấn lại cho các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện.

- Trang bị phương tiện chẩn đoán, điều trị, cấp cứu bệnh nhân để đạt mục tiêu giảm tử vong.

4. Truyền thông, giáo dục sức khỏe

- Chủ động tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo cho người dân không hoang mang, không chủ quan và có đủ kiến thức để tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

- Tuyên truyền đến các đối tượng nguy cơ lây nhiễm từ khách nhập cảnh, người nước ngoài ngăn chặn các ca bệnh xâm nhập vào Nghệ An qua các cửa khẩu.

- Nâng cao khả năng đáp ứng của hệ thống cán bộ tuyên truyền trong và ngoài ngành y tế về trình độ, phương tiện, nhân lực. Huy động các Sở, ban, ngành đoàn thể tham gia công tác tuyên truyền phòng, chống dịch.

- Thông báo diễn biến, tình hình dịch bệnh hàng ngày của các địa phương đang có dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang tin điện tử.

- Phổ biến các biện pháp phòng chống thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân chủ động phòng chống, biết cách tự bảo vệ, tăng cường vệ sinh cá nhân, nâng cao thể trạng, hạn chế đi lại đến vùng có ổ dịch.

- Tuyên truyền trực tiếp (tờ rơi, phát thanh) cho một số đối tượng nguy cơ cao tiếp xúc với người trở về từ vùng có dịch.

- Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng bệnh trên các kênh thông tin đại chúng.

- Báo Nghệ An, Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An phối hợp với Sở Y tế để triển khai hoạt động truyền thông phòng, chống cúm A(H7N9).

- Trung tâm Truyền thông giáo dục sức tỉnh triển khai các nội dung truyền thông theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch cúm A(H7N9).

5. Phối hợp liên ngành

- Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể (Phụ nữ, Thanh niên, Hội nông dân, Hội Chữ thập đỏ) vận động nhân dân triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm A(H7N9).

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giám sát sự lưu hành vi rút cúm A(H7N9) trên các đàn gia cầm, thủy cầm, chim trời, xử lý ổ dịch cúm A(H7N9) trên gia cầm và ở người, giám sát chủ động tại các đàn gia cầm, thủy cầm nhằm phát hiện sớm các trường hợp nhiễm vi rút không biểu hiện bệnh.

- Sở Y tế (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công thương tăng cường giám sát, kiểm tra nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, ngăn ngừa nhập lậu gia cầm nhằm ngăn chặn kịp thời gia cầm không được kiểm dịch xâm nhập vào Nghệ An. Đẩy mạnh các hoạt động quản lý mua bán gia cầm, nhằm hạn chế việc lưu thông gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trườn g.

- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện sử dụng thực phẩm gia cầm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Kịp thời thông báo cho Bộ Y tế về tình hình dịch để được chỉ đạo triển khai các biện pháp ngăn ngừa không để dịch lây truyền sang người.

- Thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống dịch cúm A(H7N9) trên gia cầm và trên người tại địa bàn.

VI. KINH PHÍ

Kinh phí phòng chống dịch từ nguồn ngân sách tỉnh cấp.

Sở Y tế căn cứ vào diễn biến và mục tiêu cụ thể theo từng tình huống phòng, chống dịch để tổng hợp, dự trù kinh phí thực hiện, từ các sở, ngành, đơn vị liên quan gửi Sở Tài chính thẩm định, tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người tỉnh:

Tổ chức họp thống nhất chỉ đạo triển khai phòng, chống dịch tùy từng tình huống dịch cụ thể (họp hàng tuần, hàng ngày hoặc đột xuất); báo cáo diễn biến của dịch và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời. Trong trường hợp dịch lan rộng (tình huống 4), Ban chỉ đạo tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành hỗ trợ các đơn vị, cơ sở sản xuất, cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho nhân dân để đảm bảo an sinh xã hội.

2. Sở Y tế:

- Sở Y tế là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chuyên môn tuyến Trung ương và các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể liên quan, chỉ đạo các đơn vị thuộc thẩm quyền triển khai thực hiện kế hoạch theo từng tình huống dịch bệnh:

- Chỉ đạo Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe phối hợp Đài PT&TH tỉnh, Báo Nghệ An và các đơn vị liên quan tăng cường công tác truyền thông về các biện phòng, chống dịch bệnh cúm A(H7N9) phù hợp với từng tình huống dịch: tăng thời lượng truyền thông, đa dạng loại hình truyền thông, tập trung vào công tác phòng bệnh và định hướng dư luận xã hội tránh sự hoang mang lo sợ trong cộng đồng.

3. Sở Tài chính:

- Phối hợp với Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh kịp thời bố trí kinh phí đáp ứng nhu cầu mua sắm trang thiết bị, thuốc hóa chất, vật tư, các chế độ khác cho các đơn vị Y tế và cán bộ tham gia chống dịch theo quy định;

- Chuẩn bị kinh phí dự phòng cho công tác phòng chống dịch khẩn cấp, trong trường hợp đại dịch cúm xẩy ra trên địa bàn tỉnh nghệ An.

3. Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Xây dựng kế hoạch, chú trọng áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cúm A(H7N9) ở gia cầm, gia súc để tránh dịch xâm nhập và phát triển ở Nghệ An; bố trí kinh phí đáp ứng nhu cầu mua sắm trang thiết bị, hóa chất, vật tư để xử lý dịch gia cầm, gia súc.

- Kịp thời thông tin về tình hình dịch cúm A(H7N9) ở gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh.

4. Sở Thông tin - Truyền thông:

Chỉ đạo thực hiện tốt công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến của dịch để nhân dân cảnh giác phòng ngừa; Tránh để xảy ra tình trạng nhân dân chủ quan hoặc quá hoang mang lo sợ làm ảnh hưởng đến các hoạt động khác của tỉnh như du lịch, đầu tư,...

5. Các lực lượng vũ trang (BCHQS, Bộ chỉ huy Biên phòng, Công an tỉnh):

- Chỉ đạo Ban quân dân y, y tế của ngành lập kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho lực lượng vũ trang; chuẩn bị phương tiện, thuốc, trang thiết bị, giường bệnh tại các bệnh viện, trạm xá của ngành mình phụ trách để phòng chống dịch tăng cường cán bộ tham gia chống dịch khi có sự điều động của tỉnh.

- Phối hợp và tăng cường các hoạt động kiểm dịch y tế biên giới, đặc biệt tại các cửa khẩu, sân bay Vinh và các vùng biên giới giáp với Lào và hải đảo.

6. Sở Giao thông Vận tải:

Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch cúm A(H7N9) trong ngành Giao thông Vận tải, có kế hoạch duy trì dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa, người bệnh trong trường hợp cấp cứu, cách ly các trường hợp phát bệnh trên phương tiện vận chuyển hành khách, có kế hoạch phòng bệnh cho hành khách, nhân viên khi có xuất hiện trường hợp bệnh nhân trên các phương tiện vận tải hành khách.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch cúm A(H7N9) của ngành, có phương án đóng cửa trường học khi cần thiết để hạn chế lây lan dịch bệnh.

- Phối hợp với ngành Y tế để tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trong học sinh, sinh viên và trong nhân dân.

8. Các Sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể khác:

- Theo chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp với sở Y tế (cơ quan thường trực phòng chống dịch bệnh nguy hiểm ở người) để xây dựng kế hoạch phòng chống dịch cúm A(H7N9) của các đơn vị phù hợp với các giai đoạn của dịch, đảm bảo duy trì các hoạt động của ngành quản lý.

- Phối hợp với ngành Y tế để làm tốt công tác tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch, các biện pháp đáp ứng tại cộng đồng khi dịch xảy ra.

9. UBND các huyện, thị xã, thành phố Vinh:

Phối hợp với Sở Y tế và các Sở, Ban, Ngành liên quan, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện tốt nội dung kế hoạch theo từng tình huống dịch bệnh.

Trên đây là Kế hoạch hành động phòng, chống dịch cúm A(H7N9) ở người trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch này sẽ được cập nhật và điều chỉnh thường xuyên, kịp thời để phù hợp với diễn biến của tình hình dịch cũng như quá trình triển khai công tác phòng chống dịch trên thực tế. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành triển khai thực hiện nghiêm túc và kịp thời./.

 


Nơi nhận:

- Bộ Y tế; Cục Y tế dự phòng (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- CVP, các PVP. UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan;
- Các trường ĐH, CĐ, THCN, các cơ quan TW đóng trên địa bàn;
- Chủ tịch UBND các huyện/thị xã/thành phố Vinh;
- Các tổ CV;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Minh Thông

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 151/KH-UBND hành động phòng, chống dịch cúm A(H7N9) ở người trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2017

  • Số hiệu: 151/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 23/03/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Lê Minh Thông
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/03/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản