Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 144/KH-UBND | Cần Thơ, ngày 12 tháng 7 năm 2024 |
Thực hiện Quyết định số 1741/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi đến năm 2030, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi đến năm 2030” trên địa bàn thành phố Cần Thơ, với những nội dung cụ thể như sau:
1. Mục tiêu chung
Nâng cao năng lực sản xuất giống vật nuôi của địa phương; thu hút doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu sản xuất giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, giống vật nuôi chủ lực, đặc sản đáp ứng nhu cầu sản xuất chăn nuôi của thành phố Cần Thơ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ lõi, công nghệ sinh học và quản lý giống vật nuôi theo hình tháp trong sản xuất giống.
b) Tăng cường đào tạo nguồn lực cho các cơ quan chuyên môn, nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giống vật nuôi, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
c) Phấn đấu đến năm 2030, thành phố Cần Thơ chủ động sản xuất được nguồn giống vật nuôi chủ lực cấp bố mẹ và con thương phẩm có năng suất; giảm nhập khẩu các giống vật nuôi chủ lực; phấn đấu đáp ứng nhu cầu khoảng 90% giống heo, 100% giống vịt, 80% giống gà, 70% giống bò thịt.
d) Hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi về con giống, vật tư, kỹ thuật để phát triển các cơ sở sản xuất giống phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành chăn nuôi của thành phố.
đ) Phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách để tạo động lực thúc đẩy việc xã hội hóa các hoạt động triển khai công nghiệp sản xuất giống vật nuôi; xây dựng ngân hàng giống quốc gia, chính sách hỗ trợ thúc đẩy tiến độ các dự án sản xuất giống mới có quy mô lớn.
II. THỜI GIAN, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN
1. Thời gian thực hiện: giai đoạn 2024 - 2030.
2. Phạm vi thực hiện: tại các quận, huyện của thành phố Cần Thơ (trừ khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố theo quy định tại Nghị quyết 09/2020/NQ-HĐND ngày 10/7/2020 của Hội đồng nhân dân thành phố).
3. Đối tượng: các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi chủ lực của thành phố như: heo, bò, gia cầm (gà, vịt) và các đối tượng vật nuôi khác đáp ứng theo nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng.
III. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
a) Hỗ trợ tất cả các cơ sở sản xuất và kinh doanh giống vật nuôi áp dụng công nghệ thông tin, ứng dụng phần mềm dữ liệu giống quốc gia để cập nhật thông tin dữ liệu, quản lý số lượng và chất lượng con giống,... từ đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản lượng giống của cơ sở.
b) Thông tin, tuyên truyền, tập huấn và in tờ rơi, tờ bướm,... hướng dẫn cho các cơ sở chăn nuôi, cơ sở sản xuất giống, mạng lưới chăn nuôi thú y cơ sở, khuyến nông cơ sở về ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng phần mềm quản lý dữ liệu giống quốc gia để chủ động cập nhật thông tin dữ liệu và tra cứu dữ liệu, quản lý chất lượng giống; phục vụ công tác chọn lọc, nhân giống, sản xuất giống cho từng đối tượng vật nuôi chính và công tác quản lý nhà nước về giống vật nuôi.
c) Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý giống vật nuôi đảm bảo công khai, minh bạch các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống đạt chất lượng, cơ sở giống uy tín; cung cấp và phổ biến đầy đủ thông tin các cơ sở sản xuất giống có chất lượng, an toàn dịch bệnh để giúp người chăn nuôi có thể tiếp cận và lựa chọn cơ sở cung cấp giống đạt năng suất, chất lượng về giống và nhu cầu thị trường.
d) Tất cả các cơ sở giống vật nuôi được khuyến cáo gắn mã định danh cho từng cấp giống để phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc trong quản lý giống vật nuôi.
đ) Phối hợp chuyển giao, áp dụng công nghệ gen vào chọn lọc giống vật nuôi, đẩy mạnh tiến bộ di truyền để công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong công tác tạo dòng, tạo giống, nhân giống và phát triển giống vật nuôi.
2. Kiểm tra năng suất, phối hợp khảo nghiệm, kiểm định chất lượng giống vật nuôi
a) Phối hợp xây dựng và hoàn thiện các quy trình kiểm tra năng suất và đánh giá chất lượng con giống (đặc biệt đối với con đực giống) bằng các công nghệ tiên tiến và thống nhất áp dụng chung cho các cơ sở giống trên toàn thành phố.
b) Rà soát, kiểm tra, đánh giá điều kiện các cơ sở sản xuất giống và hướng dẫn các cơ sở về kỹ thuật, điều kiện sản xuất, công bố tiêu chuẩn áp dụng,... phát triển các cơ sở sản xuất giống phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành chăn nuôi của thành phố.
c) Rà soát và hoàn thiện quy trình và tổ chức kiểm tra năng suất và đánh giá chất lượng con giống chủ lực của thành phố theo quy định về giống vật nuôi.
3. Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi với quy mô lớn, đồng bộ
a) Từng bước tăng cường năng lực cho các cơ sở sản xuất giống phát triển theo quy mô công nghiệp theo hướng đối tác công tư.
- Cải tạo và tiếp cận các giống vật nuôi có năng suất cao (cấp cụ kỵ, cấp ông bà, giống thuần), giống mới, giống có năng suất chất lượng cao nhằm nâng cao năng suất đàn giống vật nuôi, thích nghi với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng.
- Phối hợp xây dựng kế hoạch điều tra, rà soát, tuyển chọn một số giống vật nuôi chủ đạo, có giá trị kinh tế cao.
- Phối hợp xây dựng phần mềm quản lý thông tin, ước tính giá trị giống, chọn lọc và quản lý tại cơ sở sản xuất giống, cơ sở chăn nuôi theo hình tháp 3 cấp đàn hạt nhân - đàn sản xuất - đàn thương phẩm.
- Phối hợp bảo tồn an toàn nguồn gen giống vật nuôi bản địa; khai thác, phát triển và sản xuất có hiệu quả nguồn gen giống vật nuôi theo hướng hàng hóa.
- Nghiên cứu, phát triển nguồn gen giống gia súc, gia cầm đặc sản theo hướng hàng hóa; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và chỉ dẫn địa lý theo lợi thế vùng miền góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.
- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu chọn tạo, sản xuất giống, đáp ứng yêu cầu giống đảm bảo tiêu chuẩn cho sản xuất; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất ban hành các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, trong đó ưu tiên cho việc khuyến khích hỗ trợ phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi.
- Hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi về vật chất, kỹ thuật để phát triển các cơ sở sản xuất giống phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành chăn nuôi của thành phố.
- Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác quản lý, chuyển giao công nghệ và quản lý trang trại giống vật nuôi nhằm từng bước thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về giống vật nuôi, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
- Tổ chức tập huấn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống về những tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng mã số, mã vạch để truy xuất nguồn gốc và công tác quản lý giống và sản phẩm giống vật nuôi theo quy định hiện hành.
- Khuyến khích, hỗ trợ các công ty, doanh nghiệp có đủ năng lực đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp sản xuất giống vật nuôi theo hình thức đối tác công tư.
6. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát giống vật nuôi
- Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra giống vật nuôi nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống tại địa phương.
- Nâng cao vai trò của cơ quan quản lý, Chi hội chăn nuôi Cần Thơ trong công tác kiểm soát và đánh giá chất lượng giống.
- Phối hợp với các hội, hiệp hội chăn nuôi, cơ quan thẩm định để kiểm tra, định kỳ đánh giá chất lượng con giống của từng cơ sở và xác định nguồn gốc chất lượng giống vật nuôi.
IV. CÁC NHIỆM VỤ, DỰ ÁN ƯU TIÊN
1. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giống vật nuôi nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp giống vật nuôi.
2. Nâng cao năng lực kiểm tra năng suất, khảo nghiệm, kiểm định giống vật nuôi.
3. Tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ cho mỗi vùng miền của Việt Nam.
4. Nâng cao năng lực sản xuất giống vật nuôi quy mô công nghiệp có khả năng chọn tạo giống có năng suất cao mang thương hiệu Việt Nam.
5. Tổng điều tra xây dựng bản đồ ngân hàng giống vật nuôi bản địa quốc gia để khai thác và phát triển theo lợi thế, đặc trưng vùng miền.
6. Xây dựng và phát triển hệ thống giống bò thịt.
(Chi tiết tại phụ lục đính kèm)
V. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN
Huy động đa dạng nguồn vốn và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai thực hiện.
- Nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm (chi đầu tư phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng, chi thường xuyên) theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành, bảo đảm đúng quy định.
- Kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án, dự án đầu tư công giai đoạn 2024 - 2030 bảo đảm đúng quy định.
- Kinh phí vận động, huy động từ các nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước.
- Nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định pháp luật.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành ngành thành phố liên quan, Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; lồng ghép nhiệm vụ và giải pháp thực hiện của Kế hoạch với các chương trình, đề án, dự án khác có liên quan và tuyên truyền đến toàn thể người dân được biết và phối hợp thực hiện nhằm đảm bảo đạt các mục tiêu của Kế hoạch. Thường xuyên cập nhật các văn bản quy định, chỉ đạo hướng dẫn của Chính phủ, Bộ ngành Trung ương có liên quan đến sản xuất và quản lý giống vật nuôi để triển khai, phổ biến kịp thời đến các tổ chức, cá nhân biết và tuân thủ theo quy định; đồng thời tham mưu, trình UBND thành phố điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch (nếu có).
b) Phối hợp nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống vật nuôi; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý giống vật nuôi của thành phố và tích hợp phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia.
c) Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp và tham mưu UBND thành phố, bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch này theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản khác có liên quan.
d) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các dự án ưu tiên tại phần IV Kế hoạch này phù hợp với tình hình thực tế và đúng quy định pháp luật.
đ) Tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch này và tham mưu sơ kết đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2024-2025, giai đoạn 2026-2030 và toàn bộ Kế hoạch theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Sở Tài chính
Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách thành phố, trên cơ sở đề xuất của các Sở, ngành, các địa phương liên quan, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định bố trí kinh phí chi thường xuyên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn để thực hiện Kế hoạch.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Hỗ trợ mời gọi, hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi.
4. Sở Khoa học và Công nghệ
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường năng lực nghiên cứu, khai thác, bảo tồn và sản xuất nguồn gen giống gia cầm bản địa theo hướng hàng hóa; ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, xã hội hóa nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ hỗ trợ ngành nông nghiệp thực hiện Kế hoạch.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan tới lĩnh vực giống vật nuôi.
6. Ủy ban nhân dân quận, huyện
a) Căn cứ nội dung Kế hoạch, điều kiện thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân quận, huyện triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án theo thẩm quyền.
b) Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch tại địa phương và tăng cường công tác truyền thông đến toàn thể người dân được biết và phối hợp triển khai hiệu quả các nội dung của Kế hoạch trên phạm vi địa phương.
c) Tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch của địa phương định kỳ hàng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Chăn nuôi và thú y) để tổng hợp và tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo UBND thành phố và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
7. Tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi sản xuất giống vật nuôi
Chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan để đề xuất, tham gia nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao khoa học công nghệ, tích cực tham gia các tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản lý đàn giống tại cơ sở, góp phần phát triển đàn giống gia súc, gia cầm chất lượng cao tại địa phương. Kịp thời phản ánh những tồn tại bất cập đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thực hiện Kế hoạch.
Để triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển sản xuất giống vật nuôi đến năm 2030” trên địa bàn thành phố Cần Thơ, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc sở, thủ trưởng các ban ngành thành phố có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện triển khai thực hiện theo kế hoạch này; đồng thời, báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện và khó khăn, vướng mắc về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, giải quyết theo đúng quy định./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
DANH MỤC NHIỆM VỤ VÀ DỰ ÁN ƯU TIÊN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP SẢN XUẤT GIỐNG VẬT NUÔI ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành theo Kế hoạch số 144/KH-UBND ngày 12/7/2024 của Ủy ban nhân dân thành phố)
STT | Tên nhiệm vụ/ dự án | Mục tiêu | Cơ quan chủ trì/đầu mối | Cơ quan phối hợp |
I | Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu giống vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất và giá trị (Hỗ trợ 50% chi phí mua giống vật nuôi theo Nghị quyết số 08/2020/NQ-HĐND ngày 10/7/2020 của HĐND thành phố về quy định nội dung chi, mức chi hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông) | - Phát triển chăn nuôi của thành phố theo hướng sản xuất hàng hóa; chuyển nhanh phương thức chăn nuôi truyền thống hộ gia đình quy mô nhỏ sang chăn nuôi gia trại, trang trại theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; xử lý tốt chất thải chăn nuôi, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường; tạo việc làm, nâng cao thu nhập nông dân, tăng dần tỷ trọng chăn nuôi và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. - Đẩy mạnh việc cải tiến và xây dựng nguồn giống vật nuôi chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển chăn nuôi của thành phố và cung ứng sản phẩm cho các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long. | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) | Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp; Phòng Kinh tế các quận, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn |
II | Phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án ưu tiên: |
|
|
|
1 | Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giống vật nuôi nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp giống vật nuôi | - Tham gia đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho tất cả cán bộ có vị trí việc làm liên quan đến công tác quản lý giống vật nuôi ở địa phương. - Tham gia xây dựng được 01 trung tâm kiểm tra năng suất cá thể vật nuôi cho miền nam. - Tham gia xây dựng được sàn đấu giá sản phẩm giống vật nuôi. | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | UBND các quận, huyện; Sở Tài chính; Sở Khoa học và Công nghệ |
2 | Nâng cao năng lực kiểm tra năng suất, khảo nghiệm, kiểm định giống vật nuôi | - Phối hợp xây dựng mới và hoàn thiện các quy trình khảo nghiệm, kiểm định chất lượng đối với từng giống vật nuôi, quy trình kiểm tra năng suất, đánh giá chất lượng con giống (đặc biệt đối với đực giống). - Tham gia xây dựng các cơ sở phục vụ khảo nghiệm, kiểm định giống vật nuôi. Áp dụng công nghệ cao để kiểm tra, đánh giá, khảo nghiệm, kiểm định chất lượng giống giống vật nuôi. | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | UBND các quận, huyện; Sở Tài chính; Sở Kế hoạch và đầu tư; Sở Khoa học và Công nghệ |
3 | Tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ cho mỗi vùng miền của Việt Nam | Tham gia xây dựng Trung tâm sản xuất giống vật nuôi cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | UBND các quận, huyện; Sở Tài chính; Sở Kế hoạch và đầu tư; Sở Khoa học và Công nghệ |
4 | Nâng cao năng lực sản xuất giống vật nuôi quy mô công nghiệp có khả năng chọn tạo giống có năng suất cao mang thương hiệu Việt Nam | Phấn đấu xây dựng cơ sở sản xuất giống vật nuôi quy mô công nghiệp đủ điều kiện để tổ chức chọn lọc, nhân và sản xuất giống đồng bộ, độ đồng đều cao theo hệ thống cấp giống, áp dụng phương pháp quản lý giống mô hình tháp giống gắn với mã định danh quốc gia. Các cơ sở cùng áp dụng một phần mềm quản lý thông tin, dữ liệu có khả năng ước tính giá trị giống bằng phương pháp BLUP và chia sẻ nguồn gen khi cần thiết. | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | UBND các quận, huyện; Sở Tài chính; Sở Kế hoạch và đầu tư; Sở Khoa học và Công nghệ |
5 | Tổng điều tra xây dựng bản đồ ngân hàng giống vật nuôi bản địa quốc gia để khai thác và phát triển theo lợi thế, đặc trưng vùng miền. | - Tham gia thu thập, có thể xây dựng được bản đồ ngân hàng giống vật nuôi bản địa tại địa phương. - Tham gia phục tráng, nuôi giữ để khai thác và phát triển theo lợi thế, đặc trưng vùng miền để xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu phục vụ phát triển du lịch và nhu cầu thị trường. - Phối hợp xây dựng được mã định danh quốc gia cho các cơ sở sản xuất giống và quản lý giống bằng công nghệ thông tin. | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | UBND các quận, huyện; Sở Tài chính; Sở Khoa học và Công nghệ |
6 | Xây dựng và phát triển hệ thống giống bò thịt. | - Tham gia xây dựng và phát triển được hệ thống giống bò thịt quản lý theo mô hình hình tháp ba cấp (hạt nhân, sản xuất và thương phẩm). - Hỗ trợ áp dụng được trong tất cả các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống bò thịt tại các địa phương phát triển chăn nuôi bò thịt trên toàn quốc. Chọn lọc, nhân thuần được các giống bò Zebu làm cái nền - Tham gia vào các chương trình, dự án lai tạo, phát triển được giống bò thịt lai của Việt Nam có tỷ lệ từ 75% máu ngoại trở lên thông qua sử dụng tinh của các giống bò thịt cao sản khác nhau thụ tinh nhân tạo cho bò cái nền lai Zebu phù hợp từng vùng sinh thái. - Tham gia xây dựng được mã định danh quốc gia cho các cơ sở sản xuất giống, quản lý giống bằng công nghệ thông tin. | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | UBND các quận, huyện; Sở Tài chính; Sở Khoa học và Công nghệ |
- 1Luật ngân sách nhà nước 2015
- 2Luật Đầu tư công 2019
- 3Nghị quyết 09/2020/NQ-HĐND quy định về khu vực không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến trên địa bàn thành phố Cần Thơ
- 4Nghị quyết 08/2020/NQ-HĐND quy định về nội dung chi, mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông do thành phố Cần Thơ ban hành
- 5Quyết định 1741/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Kế hoạch 144/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án “Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi đến năm 2030” trên địa bàn thành phố Cần Thơ
- Số hiệu: 144/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 12/07/2024
- Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
- Người ký: Nguyễn Ngọc Hè
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 12/07/2024
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra