Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 141/KH-UBND | Mỹ Tho, ngày 25 tháng 11 năm 2010 |
PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TỈNH TIỀN GIANG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
Căn cứ Quyết định số 5121/QĐ.UBND ngày 29/12/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch Phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tiền Giang đến năm 2020. Để tổ chức tốt việc thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh lập kế hoạch thực hiện với những nội dung cụ thể như sau:
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TỈNH TIỀN GIANG GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
Phát triển ngành nghề nông thôn là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đối với khu vực nông thôn. Thực hiện Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Việc phát triển ngành nghề, khôi phục làng nghề truyền thống và phát triển làng nghề mới của tỉnh nhà không ngừng được đẩy mạnh.
Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm ngành nghề nông thôn giai đoạn 2006 - 2010 đạt khá cao và đã góp phần quan trọng tạo việc làm thường xuyên cho người lao động, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, gia tăng tích lũy cho nền kinh tế, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa khu vực nông nghiệp nông thôn. Ngành nghề nông thôn đóng góp 15,8% trong tổng tăng trưởng GDP cho khu vực nông thôn. Thu nhập bình quân trên lao động (theo giá hiện hành) là 19,2 triệu đồng/năm (2008), tốc độ tăng trưởng bình quân 3,9%/năm.
Cơ cấu ngành nghề nông thôn của tỉnh nhìn chung có sự chuyển dịch tích cực, đặc biệt cơ cấu trong nội bộ các nhóm ngành nghề có bước thay đổi đáng kể theo hướng phát huy các lợi thế của tỉnh.
Là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều lợi thế về phát triển nhóm ngành nghề chế biến và bảo quản nông lâm thủy sản. Nhóm ngành chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản luôn chiếm tỷ trọng cao và không ngừng tăng lên trong tổng giá trị tăng thêm ngành nghề nông thôn của tỉnh, từ 61,8% (2006) lên 62,1% (2009). Kế đến là nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, cơ khí nhỏ ở nông thôn, tỷ trọng trong tổng giá trị tăng thêm ngành nghề nông thôn từ 15,6% (2006) giảm xuống còn 15,3% (2009). Nhóm ngành thủ công mỹ nghệ phát triển khá ổn định, chiếm tỷ trọng 8,3% (2006), 8,7% (2009). Cùng với sự phát triển của tỉnh, nhóm ngành xây dựng, vận tải liên xã và các dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống nông thôn phát triển tương đối ổn định, tỷ trọng trong giá trị tăng thêm ngành nghề nông thôn từ 9,6% (2006), 9,4% (2009). Nhóm ngành về đào tạo nghề, truyền nghề, tư vấn sản xuất cho các lĩnh vực ngành nghề nông thôn của tỉnh ngày càng được chú trọng hơn, nhưng tỷ trọng trong giá trị tăng thêm ngành nghề nông thôn giảm từ 3,1% (2006) xuống còn 2,8% (2009).
Giá trị sản xuất của các làng nghề hàng năm đều tăng đạt 127,3 tỷ đồng/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 5,2%/năm cả giai đoạn 2006 - 2010.
Về cơ cấu thành phần kinh tế, doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể là hai thành phần kinh tế chiếm tỷ trọng cao nhất (92,3%) trong giá trị tăng thêm ngành nghề nông thôn toàn tỉnh. Trong đó, tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tư nhân tăng khá nhanh (17,8%). Kinh tế tập thể chiếm tỷ trọng thấp (7,7%) GDP ngành nghề nông thôn nhưng hoạt động khá hiệu quả và ổn định.
Sự phát triển ngành nghề nông thôn đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn của tỉnh trong thời gian qua. Tốc độ tăng trưởng GDP khu vực nông thôn giai đoạn (2006 - 2009) là 6,9%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng của ngành nghề nông thôn (12%) trong cùng giai đoạn. Điều này dẫn đến tỷ trọng giá trị tăng thêm ngành nghề nông thôn so kinh tế nông thôn có xu hướng tăng nhanh. Ngoài ra, sự phát triển của ngành nghề nông thôn chủ yếu là tập trung ở khu vực II, dẫn đến kinh tế nông thôn dần dịch chuyển theo hướng công nghiệp hóa.
- Xuất phát điểm của ngành nghề nông thôn tỉnh còn thấp dẫn đến tích lũy và đầu tư thấp, gây mất cân đối giữa nhu cầu và khả năng đầu tư.
- Tuy cơ cấu ngành nghề nông thôn tỉnh chuyển dịch theo hướng khai thác các lợi thế của tỉnh, nhưng trong nội bộ một số nhóm ngành nghề vẫn còn bộc lộ yếu kém chưa bền vững. Tỷ trọng nhóm ngành chế biến, bảo quản nông lâm thuỷ sản tuy cao trong tổng giá trị tăng thêm ngành nghề nông thôn nhưng chủ yếu mới chỉ tập trung vào khâu sơ chế, dẫn đến giá trị gia tăng thấp.
- Quy mô và trình độ sản xuất nhỏ, thiếu vốn, lực lượng lao động tuy dồi dào nhưng chất lượng lao động còn thấp, dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp và kém sức cạnh tranh.
- Cơ sở hạ tầng còn yếu kém, công tác đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành nghề nông thôn;
- Các địa phương thiếu vốn để thực hiện, đồng thời chưa có kế hoạch phát triển cụ thể nên lúng túng trong việc phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn.
- Các chính sách ưu đãi tuy được ban hành nhiều, nhưng còn dàn trải, các chính sách về tài chính vẫn còn phức tạp, chính sách thuế chưa ổn định và thiếu thông thoáng cũng đã ảnh hưởng đến phát triển ngành nghề nông thôn của tỉnh.
MỤC TIÊU VÀ NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
1. Mục tiêu chung
- Xây dựng kế hoạch nhằm triển khai thực hiện hoàn thành mục tiêu Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2020 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động ngành nghề nông thôn nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà.
- Nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhằm tạo bước đột phá trong phát triển ngành nghề nông thôn; gắn phát triển ngành nghề nông thôn với bảo vệ môi trường sinh thái.
2. Mục tiêu cụ thể
- Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm ngành nghề nông thôn bình quân 15,4% thời kỳ (2011 - 2015); trong đó giá trị tăng thêm khu vực chế biến, bảo quản nông lâm thuỷ sản tăng 16,2%, khu vực sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan, dệt may và cơ khí nhỏ tăng 12,4%, khu vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tăng 14,5%, gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh tăng từ 16,6%, khu vực xây dựng, vận tải liên xã và các dịch vụ phục vụ đời sống dân cư nông thôn tăng 15,6%, khu vực đào tạo, truyền nghề, tư vấn sản xuất trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn tăng 15% và các lĩnh vực có liên quan khác.
- Về cơ cấu: tỷ trọng khu vực chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản trong tổng giá trị tăng thêm ngành nghề nông thôn tăng từ 63,7% (2010) lên 65,7% (2015); khu vực sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan, dệt may và cơ khí nhỏ giảm từ 13,7% (2010) xuống 12% (2015); khu vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ giảm từ 8,5% (2010) xuống 8,2% (2015); gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh 1,8% (2015); khu vực xây dựng, vận tải liên xã và các dịch vụ phục vụ đời sống dân cư nông thôn 9,5% (2015); khu vực đào tạo, truyền nghề, tư vấn sản xuất trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn 2,8% (2015).
+ Thu nhập bình quân/lao động/năm (giá thực tế) đạt 40,5 triệu đồng, tăng 1,6 lần so năm 2010 (25,3 triệu đồng).
+ Tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo thuộc ngành nghề nông thôn lên 40% năm 2015.
+ Tốc độ đổi mới công nghệ trong các lĩnh vực ngành nghề nông thôn phấn đấu đạt 20 - 25%/năm.
+ Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân 17,2%/năm.
+ Xây dựng từ 1 - 2 làng nghề điển hình thành làng nghề văn hóa - du lịch; hình thành 2 - 3 làng nghề mới.
+ Đến năm 2015 đạt 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch, hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, đảm bảo xử lý chất thải; 50% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường; 100% các cơ sở chế biến thực phẩm, nước uống đáp ứng tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.
1. Phát triển các ngành sản xuất
a) Ngành chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản
* Xay xát lương thực: tập trung tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy và Châu Thành
- Khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghệ còn lạc hậu đầu tư trang bị thêm thiết bị có tính năng hoạt động tốt như: tách tạp chất, giảm tỷ lệ gạo gẫy, tăng tỷ lệ gạo thành phẩm lên 68 - 70%, phục vụ nhu cầu trong nước và một phần cung cấp cho các cơ sở tái chế để xuất khẩu;
- Khuyến khích các nhà máy xay xát lương thực đầu tư trang bị thêm thiết bị phân loại, đánh bóng, tách màu, chọn hạt để nâng cao phẩm chất gạo, đặc biệt là gạo xuất khẩu. Trang bị một số dây chuyền xay xát hiện đại, đồng bộ để chế biến gạo xuất khẩu;
* Chế biến thủy hải sản: chủ yếu lĩnh vực sơ chế biến thủy hải sản và đông lạnh. Vùng nước ngọt tập trung nhiều ở huyện Cái Bè, vùng nước mặn thì tập trung nhiều nhất ở huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông với nhiều sản phẩm chủ yếu như: chế biến cá khô các loại, bột cá, …
Giai đoạn 2011 - 2015: kêu gọi đầu tư ở huyện Cái Bè 01 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu công suất 20.000 tấn/năm; kêu gọi đầu tư ở huyện Gò Công Đông 01 nhà máy chế biến cá, mực khô, công suất 400 tấn/năm; kêu gọi đầu tư 01 nhà máy chế biến thủy hải sản huyện Tân Phú Đông, công suất 1.000 tấn/năm.
* Chế biến các loại rau quả: nâng cao hiệu quả liên kết 4 nhà (Nhà nước, Doanh nghiệp, Nhà khoa học, Nhà nông) trong sản xuất và tiêu thụ nông sản theo Quyết định số 80/2001/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ.
- Năm 2011 - 2012: kêu gọi đầu tư kho lạnh, bảo quản trái cây với sức chứa 2.000 tấn tại hai huyện Cái Bè, Cai Lậy.
- Giai đoạn 2013 - 2015: đầu tư, nâng cao công suất nhà máy chế biến sơ ri và kêu gọi đầu tư dây chuyền sản xuất bột dinh dưỡng từ rau, quả, củ với công suất 300 tấn sản phẩm/năm;
* Chế biến gia súc, gia cầm: phát triển trên địa bàn các huyện trong tỉnh
Chất lượng gia súc chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chủ yếu vẫn là tiêu thụ trong nước, nhất là thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian tới cần tiếp tục đầu tư sắp xếp các cơ sở giết mổ hiện có trong tỉnh theo hướng tập trung có quy hoạch, bảo đảm vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường để phục vụ tiêu dùng trong tỉnh và cung cấp sản phẩm cho Thành phố Hồ Chí Minh.
Các dự án cần tập trung đầu tư:
- Năm 2011 - 2012: mỗi huyện đầu tư, xây dựng 01 cơ sở giết mổ đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp thịt gia súc, gia cầm, công suất mỗi cơ sở từ 5 - 10 tấn/ngày.
- Giai đoạn 2013 - 2015: kêu gọi đầu tư đầu tư 01 nhà máy chế biến thịt hộp, công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm.
* Sản xuất bánh kẹo: củng cố các cơ sở sản xuất bánh kẹo hiện có trên địa bàn theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm. Đầu tư phát triển một số sản phẩm truyền thống độc đáo của Tiền Giang như: bánh rế Cái Bè, bánh giá Gò Công, bánh tráng, bánh phồng…Trang bị máy móc, dây chuyền chế biến các sản phẩm truyền thống nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo giá cả, cải tiến mẫu mã, bao bì phù hợp thị hiếu tiêu dùng.
Các dự án cần tập trung kêu gọi đầu tư:
Giai đoạn 2011 - 2012: kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất bánh tráng xuất khẩu, công suất 1000 tấn/năm.
Giai đoạn 2013 - 2015: kêu gọi đầu tư 01 - 02 nhà máy sản xuất bánh kẹo cao cấp; mỗi nhà máy có công suất khoảng 1.500 tấn/năm; phát triển các sản phẩm bánh truyền thống gắn với phát triển du lịch.
* Sản xuất bánh bún, hủ tiếu: phát triển mạnh ở thành phố Mỹ Tho, tập trung chủ yếu ở làng nghề bánh bún, hủ tiếu Mỹ Tho.
Hướng dẫn phát triển mô hình hợp tác sản xuất giữa các hộ làng nghề; đưa vào ứng dụng rộng rải hệ thống chế biến hủ tiếu quy mô vừa và nhỏ năng suất 01 tấn/ ngày; đầu tư nâng cấp mặt bằng sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; tiếp tục đầu tư phát triển và xây dựng thương hiệu làng nghề bánh bún, hủ tiếu Mỹ Tho
* Các sản phẩm từ dừa: tập trung phát triển ở huyện Gò Công Tây, Chợ Gạo và Tân Phú Đông.
Tăng cường hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất các sản phẩm từ sơ dừa mở rộng qui mô sản xuất và thay thế trang thiết bị mới; bảo tồn, phát triển làng nghề bó chổi Vĩnh Hựu (Gò Công Tây), Hoà Định (Chợ Gạo); đầu tư vốn, kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cho vùng nguyên liệu dừa tại huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây và Tân Phú Đông
* Bảo quản hàng nông sản: kêu gọi đầu tư cho chợ trái cây Vĩnh Kim tiến lên chợ đầu mối với chức năng là: thu mua - tồn trữ - xử lý - đóng gói - kiểm định chất lượng - phân phối sản phẩm;
b) Ngành vật liệu xây dựng, đồ gỗ, dệt may, cơ khí nhỏ:
* Sản xuất đồ gỗ: theo xu hướng, nguồn nguyên liệu về gỗ ngày càng khan hiếm, các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn, cũng như trong khu vực thu hẹp dần. Thời gian tới, các huyện cần sắp xếp lại các cơ sở cưa, xẻ gỗ theo khả năng nguồn nguyên liệu. Ngành sản xuất đồ gỗ vừa chuyển hướng phát triển các sản phẩm thay thế gỗ hoặc đồ mộc giả gỗ vừa tiếp tục đầu tư sản xuất các sản phẩm truyền thống đặc thù của địa phương.
* Dệt may: đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hạ giá thành là cơ hội lớn để mở rộng thị trường xuất khẩu hàng dệt may.
- Mở các lớp đào tạo về dệt may theo hướng đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
- Đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở dệt may nông thôn.
- Hướng dẫn tạo mối liên kết giữa các cơ sở dệt may nông thôn với các công ty dệt may lớn của tỉnh với chức năng là một vệ tinh chuyên gia công các hàng dệt may xuất khẩu.
* Nghề cơ khí nhỏ: phát triển cơ khí lắp ráp, sửa chữa và tiến tới chế tạo các loại máy dùng trong nông nghiệp như: máy sấy, máy tuốt lúa, gặt đập liên hợp, làm đất, chế biến, bảo quản sau thu hoạch; tiếp tục phát triển ngành đóng xà lan, xáng cạp phục vụ nhu cầu chuyên chở vật tư xây dựng nông thôn;
Thu hút các doanh nghiệp cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp nông thôn vào các khu, cụm công nghiệp ở các huyện, đặc biệt là các huyện thuần nông; hỗ trợ đầu tư mở rộng cho các cơ sở sản xuất cơ khí (như cơ sở sản xuất cơ khí Tư Sang, Ba Nên tại huyện Cái Bè).
c) Ngành sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ
Tiếp tục phát triển ổn định để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh và giải quyết việc làm cho người lao động
- Hỗ trợ các cơ sở đầu mối ở nông thôn tổ chức sản xuất có hiệu quả và là vệ tinh gia công các sản phẩm cho các đơn vị xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của tỉnh; nhân cấy nghề đan lục bình, ghế ở những địa phương thuần nông, có khả năng phát triển như: Chợ Gạo, Tân Phước, Gò Công Đông, Tân Phú Đông… nhằm tận dụng lao động nông nhàn và nâng cao thu nhập cho người dân; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối (như HTX Quang Minh, HTX Bình Minh…).
- Tiếp tục đầu tư phát triển các làng nghề thủ công mỹ nghệ; hình thành và đưa vào hoạt động các tổ chức liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo các sản phẩm được tiêu thụ trực tiếp từ các tổ chức trong tỉnh; trước mắt là đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh mặt hàng nón bàng buông, đan lục bình; chú trọng mẫu mã và chất lượng phù hợp thị hiếu, đào tạo thợ giỏi có kiến thức về hội họa và tạo mẫu.
- Tăng cường hỗ trợ cho làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công, làng nghề truyền thống nón bàng buông Thân Cửu Nghĩa, làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ Tân Lý Tây, làng nghề truyền thống bàng buông Tân Lý Đông và các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ: xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, quảng bá thương hiệu.
d) Ngành gây trồng, kinh doanh sinh vật cảnh
- Năm 2011 - 2012: tập trung hỗ trợ phát triển các Chi hội sinh vật cảnh ở các huyện; phát triển mạnh các câu lạc bộ nghệ nhân để tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; mở các lớp đào tạo nghề về hoa kiểng; đầu tư phát triển các loại hình cây kiểng truyền thống của tỉnh như: Bonsai, kiểng cổ Ba Dừa, kiểng cổ Gò Công…
- Giai đoạn 2013 - 2015: đầu tư xây dựng 01 Trung tâm sinh vật cảnh tại Đồng Tâm (Châu Thành) có quy mô lớn, phục vụ cho các đô thị tại địa phương và các tỉnh lân cận.
đ) Ngành xây dựng, vận tải liên xã và các dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống dân cư nông thôn
- Đẩy mạnh phát triển mô hình hợp tác xã trong xây dựng nhà ở và vận chuyển hàng hoá nông thôn. Từng bước đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng đồng bộ mạng lưới cầu đường giao thông nông thôn cũng như các bến hàng hóa, bến ghe thuyền đảm bảo kết nối từ thành thị đến nông thôn. Khuyến khích kêu gọi đầu tư đổi mới công nghệ, phương tiện vận tải, bốc xếp tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế hàng hóa và cung cấp dịch vụ được thông suốt, nhanh chóng, tiện lợi đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần hạ giá thành sản phẩm.
- Đối với dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt: tiếp tục thực hiện Chủ trương xã hội hóa cung cấp nước sinh hoạt khu vực nông thôn; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cung cấp nước sinh hoạt, đặc biệt là đối với các huyện khu vực phía Đông của tỉnh; nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác cung cấp nước sinh hoạt bằng việc hỗ trợ nâng cao năng lực Ban quản trị, minh bạch công tác tài chính; hỗ trợ các mô hình quản lý có hiệu quả tiếp tục phát triển; tăng cường quản lý chất lượng nguồn nước sinh hoạt.
- Đối với dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp: tiếp tục kiện toàn, hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động để các hợp tác xã đảm đương, làm tốt hơn dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn, phát hiện, đình chỉ hoạt động, xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm quy định trong sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thông báo rộng rãi những sản phẩm không bảo đảm chất lượng cho nhân dân phòng tránh.
e) Ngành nghề đào tạo, truyền nghề, tư vấn sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn
Hàng năm tổ chức các hội thi tay nghề giỏi; mở các buổi trình diễn kỹ thuật, giúp người lao động trao đổi, học hỏi kinh nghiệm nâng cao tay nghề. Đầu tư, nâng cấp các trường đào tạo nghề ở các huyện; thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho các cán bộ giảng dạy như đưa đi đào tạo, tham quan học hỏi kinh nghiệm, tham gia các cuộc thi tay nghề giỏi cấp khu vực hoặc cấp quốc gia.
2. Bảo tồn và phát triển làng nghề:
a) Bảo tồn và phát triển các làng nghề hiện có
- Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình Bảo tồn và Phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh.
- Tiếp tục hỗ trợ đào tạo khoảng 3 - 5 ngàn lao động cho các làng nghề.
- Xây dựng 1 - 2 thương hiệu làng nghề (như bánh phồng Cái Bè, bánh tráng Hậu Thành); Vận động xây dựng 2 - 3 mô hình kinh tế hợp tác ở các làng nghề (tiếp tục hỗ trợ phát triển HTX tủ thờ Gò Công, xây dựng HTX ở làng nghề hủ tiếu Mỹ Tho, dệt chiếu Long Định…).
- Đưa nhanh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào phát triển làng nghề, cơ khí hóa một số công đoạn sản xuất; Phát triển làng nghề theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã, đồng thời vẫn tạo được nét đặc trưng riêng của từng làng nghề.
- Xây dựng các mối liên kết giữa làng nghề với các công ty đầu mối lớn sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của tỉnh để đảm bảo ổn định về nguyên liệu và thị trường đầu ra của sản phẩm.
- Đầu tư xây dựng làng nghề bánh bún, hủ tiếu Mỹ Tho, làng nghề bánh phồng Cái Bè, bánh tráng Hậu Thành trở thành những làng nghề mang đậm nét văn hóa ẩm thực Tiền Giang và tiến tới hình thành làng nghề văn hóa - du lịch của tỉnh.
b) Phát triển các làng nghề mới
- Tiếp tục nhân cấy nghề mới có khả năng phát triển, khi đáp ứng các tiêu chí theo quy định sẽ thành lập làng nghề; chú trọng phát triển các làng nghề mới có chức năng làm vệ tinh, sử dụng nguyên liệu là phụ phẩm ở các khu, cụm công nghiệp chế biến;
- Chú trọng phát triển làng nghề ở các trạm dừng chân, ở các điểm du lịch để phục vụ cho nhu cầu tham quan, mua sắm quà lưu niệm của du khác.
- Hỗ trợ đào tạo nghề, nhân cấy nghề mới cho các huyện như: đào tạo nghề nghề đan lục bình, mây… ở Gò Công Đông, Chợ Gạo, Cai Lậy; nghề đan bàng buông ở Tân Phước; nghề cây kiểng, sinh vật cảnh ở Châu Thành, thị xã Gò Công, Cai Lậy, Cái Bè để nơi đây sớm phát triển nghề và tiến tới hình thành các làng nghề mới trong tương lai, thu hút, giải quyết cho lao động nông nhàn tại địa phương; riêng Châu Thành sớm hình thành Trung tâm sinh vật cảnh lớn nhất của tỉnh, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng;
3. Chương trình, dự án và nguồn vốn thực hiện (Chỉ tính vốn đầu tư cho chương trình, dự án có nguồn từ ngân sách):
a) Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề
* Chương trình gồm các nhóm dự án sau:
Nhóm dự án | Giai đoạn 2011 - 2015 (triệu đồng) |
- Bảo tồn, phát triển làng nghề | 123.768 |
- Phát triển làng nghề gắn với du lịch | 5.722 |
- Phát triển làng nghề mới | 26.579 |
Cộng | 156.069 |
* Nguồn vốn và cơ chế tài chính thực hiện:
- Thực hiện theo Chương trình Bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2008 - 2010 tầm nhìn 2020.
- Lồng ghép cùng với chương trình phát triển du lịch của tỉnh, cụ thể lồng ghép các dự án: Khu du lịch cù lao Thới Sơn; Khu du lịch Đồng Tháp Mười; Khu du lịch cù lao Tân Phong; Công viên du lịch Vĩnh Tràng; Phát triển du lịch sinh thái vườn, sông nước…
- Cơ sở hạ tầng làng nghề: Thực hiện theo Quyết định số 132/2001/QĐ- TTg ngày 07 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tài chính thực hiện chương trình phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn; Quyết định số 13/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 56/2009/QĐ-TTg ngày 15/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 13/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để tiếp tục thực hiện các Chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2009 - 2015; Thông tư 113/2006/TT-BTC ngày 28/12/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn theo Nghị định 66/2006/NĐ-CP ngày 7/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.
b) Chương trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành nghề nông thôn
* Chương trình bao gồm các nhóm dự án sau:
Nhóm dự án | Giai đoạn 2011 - 2015 |
- Đào tạo cán bộ quản lý (quản lý kinh doanh, quản lý HTX, chuyên viên…) | 22.424 |
- Đào tạo nghề và tập huấn kỹ thuật cho người lao động | 35.882 |
- Hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề ở nông thôn | 25.159 |
- Tổ chức các hội thi tay nghề giỏi | 10.413 |
Cộng | 93.878 |
* Nguồn vốn và cơ chế tài chính: thực hiện lồng ghép với các dự án: Cải tạo và nâng cấp trường dạy nghề khu vực Gò Công; trường dạy nghề khu vực Cai Lậy; Đề án đào tạo nghề cho nông dân đến năm 2020 của tỉnh; Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo; Chương trình khuyến công của tỉnh.
c) Chương trình ứng dụng, đổi mới khoa học công nghệ trong các lĩnh vực ngành nghề nông thôn
* Chương trình bao gồm các nhóm dự án sau:
Nhóm dự án | Giai đoạn 2011 - 2015 |
- Tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ | 60.700 |
- Hỗ trợ các cơ sở sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ | 25.950 |
Cộng | 86.650 |
* Nguồn vốn và cơ chế tài chính: thực hiện lồng ghép cùng với chương trình “Ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ”, khuyến công, khuyến nông của tỉnh.
d) Chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm ngành nghề, làng nghề nông thôn.
* Chương trình bao gồm các nhóm dự án sau:
Nhóm dự án | Giai đoạn 2011 - 2015 |
- Hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các lĩnh vực ngành nghề nông thôn | 31.294 |
- Hỗ trợ xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm ngành nghề, làng nghề nông thôn | 44.175 |
- Thu thập, xử lý thông tin, phổ biến kịp thời cho các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn | 23.929 |
Cộng | 99.398 |
* Nguồn vốn và cơ chế tài chính thực hiện: Chương trình xúc tiến thương mại, chương trình “Ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ”của tỉnh
đ) Chương trình phát triển kinh tế hợp tác, HTX, kinh tế tập thể trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn.
* Chương trình bao gồm các nhóm dự án sau:
Nhóm dự án | Giai đoạn 2011 - 2015 |
- Tuyên truyền sâu, rộng mô hình HTX kiểu mới | 18.410 |
- Hỗ trợ các HTX (vốn, đào tạo lao động…) | 47.120 |
- Hỗ trợ nhân rộng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả | 11.780 |
Cộng | 77.310 |
* Nguồn vốn và cơ chế tài chính thực hiện: Chương trình phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh.
4. Tổng kinh phí: giai đoạn 2011 - 2015 là 1.363.758 triệu đồng. Trong đó:
- Vốn ngân sách: 515.112 triệu đồng
- Vốn khác (dân đóng góp, tín dụng…): 848.645 triệu đồng
(Đính kèm Danh mục dự án đầu tư ngành nghề nông thôn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2011 - 2015)
1. Cơ chế chính sách: tạo môi trường đầu tư thuận lợi để có điều kiện tốt nhất thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển ngành nghề nông thôn; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn; cụ thể hóa các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn phù hợp với điều kiện của Tiền Giang; đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn vay vốn ưu đãi, thuê đất trong việc đầu tư xây dựng cơ sở phát triển sản xuất, kinh doanh.
2. Huy động vốn: tạo mọi điều kiện để thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các nguồn hợp pháp khác để phát triển ngành nghề nông thôn; chuyển hình thức cho vay thế chấp sang cho vay theo dự án phát triển sản xuất và đơn đặt hàng, các cơ quan chức năng của tỉnh cần hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân lập dự án sản xuất có tính khả thi cao để huy động vốn; lồng ghép với các chương trình, dự án khác có cùng giai đoạn triển khai trên địa bàn.
3. Nguyên liệu sản xuất: tập trung đầu tư theo hướng thâm canh và sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực như: lúa gạo, trái cây, thủy sản, gia súc, gia cầm; tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích mở rộng diện tích cây nguyên liệu có hiệu quả kinh tế, tăng cường hợp tác với tỉnh khác có lợi thế chuyên canh cây nguyên liệu để trao đổi, cung ứng nguyên liệu phục vụ cho việc duy trì ổn định sản xuất, phát triển làng nghề. Hình thành các cơ sở đầu mối lớn của tỉnh để thuận lợi trong việc ký kết hợp đồng thu mua nguyên liệu, tránh cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở, giảm giá thành vận chuyển và có khả năng dự trữ nguồn nguyên liệu với quy mô lớn phục vụ đủ nhu cầu sản xuất thường xuyên.
4. Khoa học công nghệ: tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất ngành nghề nông thôn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị máy móc, cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng; khuyến khích thi đua lao động sáng tạo trong nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, nhất là phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong các cơ sở ngành nghề; kết hợp giữa đổi mới công nghệ với bảo vệ môi trường.
5. Dạy nghề và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: đẩy nhanh thực hiện nâng cao hiệu quả chương trình dạy nghề và đề án phát triển ngành nghề nông thôn; nâng cao hiệu quả đào tạo các trường dạy nghề, khuyến khích và tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh, mở rộng liên kết với các trường, các cơ sở ngành nghề mới, giải quyết việc làm cho người lao động.
6. Xúc tiến thương mại: đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng website giới thiệu lĩnh vực ngành nghề, làng nghề Tiền Giang, thông tin thị trường cho các sản phẩm ngành nghề, làng nghề nông thôn, hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất tham gia các hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh hoạt động quảng bá mở rộng thị trường.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công tổ chức triển khai thực hiện nội dung kế hoạch; định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Các sở, ngành tỉnh: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Liên minh Hợp tác xã và các sở, ngành khác có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý nhà nước của sở, ngành mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ có liên quan trong kế hoạch, định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công căn cứ chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý nhà nước của địa phương mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ có liên quan trong kế hoạch, cụ thể:
- Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì, phối hợp với các phòng, ban, đoàn thể huyện có liên quan và Ủy ban nhân dân các xã cụ thể hóa các nội dung trong kế hoạch.
- Xây dựng kế hoạch bố trí kinh phí và tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn để phát triển ngành nghề nông thôn.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã thực hiện quản lý nhà nước đối với các cơ sở ngành nghề, làng nghề nông thôn trên địa bàn. Tổ chức thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ trong kế hoạch.
- Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về cơ quan chủ trì (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Trên đây là kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Trong quá trình thực hiện có gì khó khăn vướng mắc, cần chỉnh sửa bổ sung, đề nghị Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công chủ động báo cáo và gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1Quyết định 2058/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt đề cương, nhiệm vụ điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Nghệ An đến 2020, tầm nhìn 2030
- 2Quyết định 1420/QĐ-UBND năm 2016 Phê duyệt quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020
- 3Quyết định 71/2016/QĐ-UBND Quy định phân công trách nhiệm quản lý phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang
- 1Nghị định 66/2006/NĐ-CP về việc phát triển ngành nghề nông thôn
- 2Thông tư 113/2006/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 66/2006/NĐ-CP về một số nội dung về ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn do Bộ Tài chính ban hành
- 3Quyết định 132/2001/QĐ-TTg về cơ chế tài chính thực hiện chương trình phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 13/2009/QĐ-TTg về việc sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để hỗ trợ địa phương thực hiện các chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2009 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 56/2009/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 13/2009/QĐ-TTg về việc sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để tiếp tục thực hiện các chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2009 – 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Nghị định 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
- 8Quyết định 800/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Quyết định 2058/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt đề cương, nhiệm vụ điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Nghệ An đến 2020, tầm nhìn 2030
- 10Quyết định 1420/QĐ-UBND năm 2016 Phê duyệt quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020
- 11Quyết định 71/2016/QĐ-UBND Quy định phân công trách nhiệm quản lý phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang
Kế hoạch 141/KH-UBND năm 2010 về phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2011-2015
- Số hiệu: 141/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 25/11/2010
- Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
- Người ký: Nguyễn Văn Phòng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra