Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 140/KH-UBND

Hòa Bình, ngày 29 tháng 7 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 219-KH/TU NGÀY 24/5/2019 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 30-CT/TW NGÀY 22/01/2019 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG VÀ TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CỦA NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÔNG TÁC BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH

Thực hiện Kế hoạch số 219-KH/TU ngày 24/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 219-KH/TU ngày 24/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 30- CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, như sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị trong công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; huy động sự quan tâm, hưởng ứng tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, khuyến khích doanh nghiệp tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời phát huy các nguồn lực và các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của toàn xã hội.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và hỗ trợ, giải quyết yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

- Góp phần xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh cho cả người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; giữ ổn định và tạo động lực phát triển, đổi mới, sáng tạo cho nền kinh tế.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai, tổ chức thực hiện Kế hoạch tiến hành nghiêm túc, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nêu cao vai trò lãnh của các cấp ủy đảng, chính quyền các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp trong công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

- Có cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức và UBND các huyện, thành phố, trong đó có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể đối với từng cấp, từng ngành trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

II. NỘI DUNG

1. Tổ chức triển khai, quán triệt các Chỉ thị của Đảng, pháp luật của nhà nước và của tỉnh về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

Tổ chức triển khai, quán triệt các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QHH12 ngày 17/11/2010; Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Quyết định số 1997/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 1035/QĐ-TTg ngày 10/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày quyền người tiêu dùng Việt Nam; Chỉ thị số 09/2014/CT-UBND ngày 28/4/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Kế hoạch số 219-KH/TU ngày 24/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; Tiếp tục triển khai Kế hoạch số 117/KH-UBND ngày 28/8/2018 của UBND tỉnh về Triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2019-2020 đến người tiêu dùng và các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiểu và thực hiện đúng các quy định về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng

2. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng hàng hóa dịch vụ, kiểm tra giám sát việc thực hiện hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; tổ chức trao đổi thông tin, phối hợp hoạt động; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, đo lường chất lượng, hàng giả hàng kém chất lượng...ảnh hưởng đến người tiêu dùng và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các trường hợp vi phạm.

- Xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện việc kiểm tra, đánh giá chất lượng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, đặc biệt là trong các lĩnh vực an toàn thực phẩm, y tế, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng.

- Đảm bảo công cụ, phương tiện, thiết bị kiểm tra, đánh giá chất lượng hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Theo dõi, dự báo diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu tại địa bàn quản lý để chủ động có phương án hoặc kịp thời đề xuất biện pháp ứng phó nhằm ổn định thị trường khi cần thiết, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Tăng cường thông tin, hướng dẫn, trang bị kiến thức nhằm nâng cao khả năng tự bảo vệ của người tiêu dùng, để mỗi người tiêu dùng tự ý thức bảo vệ quyền lợi của mình trước các thủ đoạn lừa đảo, gian lận từ phía những nhà sản xuất, kinh doanh hàng hóa và cung cấp dịch vụ.

- Hỗ trợ tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng độc lập khảo sát, thử nghiệm chất lượng hàng hóa, dịch vụ để cảnh báo cho người tiêu dùng.

3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh

- Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua các hoạt động hội nghị, tọa đàm, hội thảo... truyền thông trên các phương tiện truyền hình, truyền thanh, báo, trên các trang Website của tỉnh, ngành và bản tin địa phương; xây dựng phóng sự truyền hình, tờ rơi; treo băng rôn, khẩu hiệu.

- Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các chủ thể tham gia thị trường để các chủ thể tham gia thị trường phải nhận thức rõ nghĩa vụ của mình đối với người tiêu dùng và những hậu quả pháp lý phải gánh chịu khi vi phạm.

- Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đảm bảo các cán bộ, công chức thuộc cơ quan quản lý nhà nước, các cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, nâng cao nhận thức, trình độ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

4. Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

- Xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với việc nâng cao lợi thế cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua các hoạt động như đưa các chính sách, quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào các chính sách, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Triển khai các hoạt động đào tạo, tập huấn cho ban lãnh đạo, nhân viên và khách hàng của doanh nghiệp liên quan đến việc thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, sự kiện công cộng nhằm gia tăng quyền lợi cho người tiêu dùng và thúc đẩy hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

- Tạo điều kiện để các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hình thành, phát triển và hoạt động có hiệu quả. Đồng thời khuyến khích, động viên các doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt, có uy tín, thương hiệu trên thị trường.

- Tổ chức khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

5. Các hoạt động khác

- Căn cứ tình hình thực tế của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân các huyện, thành phố, các địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai các giải pháp phù hợp với Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư.

- Hàng năm, căn cứ Quyết định số 1035/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam theo các chủ đề do Trung ương phát động 15/3.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nguồn kinh phí

Kinh phí thực hiện: Ngân sách nhà nước bố trí hàng năm trong dự toán của các cơ quan, đơn vị; đóng góp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh; tài trợ của các tổ chức, cá nhân; nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

(Có danh mục triển khai các nhiệm vụ thực hiện Kế hoạch kèm theo)

2. Nguyên tắc quản lý kinh phí: Việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện theo quy định hiện hành.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các cấp ủy, tổ chức đảng và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư. Cụ thể như sau:

- Hàng năm xây dựng kế hoạch chi tiết, phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác tổ chức Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3;

- Tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

- Căn cứ nội dung kế hoạch tổ chức triển khai nội dung và dự toán kinh phí chi tiết cho từng hoạt động cụ thể, đảm bảo thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả;

- Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức xã hội của tỉnh tuyên truyền phổ biến về Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng;

- Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư theo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu.

2. Sở Tài chính

Căn cứ khả năng ngân sách và chế độ tài chính hiện hành, tham mưu báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, hỗ trợ kinh phí triển khai Kế hoạch. Hướng dẫn các đơn vị lập dự toán, kiểm tra việc quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí theo quy định.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị có liên quan chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và các văn bản pháp luật có liên quan.

- Phối hợp với Sở Công Thương chỉ đạo các cơ quan thông tin và truyền thông trong tỉnh tuyên truyền về các chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng của các cơ quan chức năng; chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng.

4. Sở Khoa học và Công nghệ

- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng hàng hóa.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá chất lượng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm và xử lý vi phạm.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các cơ quan liên quan, triển khai thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Trong đó tập trung vào công tác đảm bảo chất lượng giống cây trồng, vật nuôi; quản lý vật tư nông nghiệp; đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

6. Sở Y tế

Chủ trì phối hợp với Sở Công Thương trong việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực y tế, an toàn thực phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế, dịch vụ y tế và dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

7. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hòa Bình

Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành và các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền về Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư. Trong đó, cần tăng cường thời lượng, tin, bài về hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

8. Công an tỉnh

Hướng dẫn các đơn vị có liên quan có kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho các hoạt động cổ động lưu động tuyên truyền, quảng bá về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác nắm tình hình, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ sớm phát hiện các hành vi làm giả, làm nhái hàng hóa, kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ để xử lý theo quy định của pháp luật.

9. Cục Quản lý thị trường tỉnh

- Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý những hành vi vi phạm hành chính trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp cung cấp các đơn vị vi phạm về quyền lợi người tiêu dùng để công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn theo quy định.

10. Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

- Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan liên quan, hàng năm tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

- Phối hợp với Sở Công Thương phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; Tiếp nhận tư vấn, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng.

- Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đã được UBND tỉnh Hòa Bình giao tại Quyết định số 863/QĐ-UBND ngày 24/6/2013 về việc giao cho Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh thực hiện một số hoạt động gắn với nhiệm vụ của nhà nước.

11. UBND các huyện, thành phố

- Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, UBND các huyện, thành phố xây dựng nội dung, bố trí kinh phí hàng năm và tổ chức thực hiện các nội dung theo Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư để lồng ghép với các nội dung hoạt động của địa phương nhằm thực hiện tiết kiệm, hiệu quả.

- Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Hàng năm bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện các nội dung về bảo vệ người tiêu dùng tại địa phương.

- Cử cán bộ, công chức theo dõi và tham mưu công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của tỉnh về tình hình thực hiện Kế hoạch này về Sở Công Thương để tổng hợp.

13. Các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể tỉnh

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình, phối hợp với Sở Công Thương và Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát; Đồng thời, tuyên truyền việc thực hiện các nội dung theo Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư tới cán bộ, đảng viên, đoàn viên, tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân về hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Tổ chức giám sát các tổ chức đoàn thể, các cơ quan chuyên môn trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Phát huy vai trò tiên phong, giám sát của chi bộ, đảng viên trong công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng;

Yêu cầu các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này. Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Công Thương trước ngày 15 tháng 12 để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Công Thương theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Công Thương;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh ;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố ;
- Hội BVQLNTD tỉnh;
- Chánh, các Phó CVP/UBND tỉnh;
- Lưu: VT, TCTM (NL.50).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Bùi Văn Khánh

 

DANH MỤC

CÁC NHIỆM VỤ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 140/KH-UBND ngày 29/7/2019 của UBND tỉnh Hòa Bình)

STT

Nội dung

Nhiệm vụ

Cơ quan thực hiện

Thời gian thực hiện

Kinh phí thực hiện

Nguồn kinh phí

Cơ quan chủ trì

quan phối hợp

I. Tổ chức triển khai, quán triệt các Chỉ thị của Đảng và pháp luật của nhà nước, Tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

1

Xây dựng Kế hoạch, tổ chức lễ phát động, mít tinh, hội thảo... với nội dung về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Triển khai lồng ghép theo Quyết định số 1035/QĐ-TTg ngày 10/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày quyền của người tiêu dùng VN; Chủ đề do Bộ Công Thương phát động hàng năm và Kế hoạch của tỉnh

Sở Công Thương

Các Sở, Ban, Ngành, Hội BVQLNTD tỉnh, UBND các huyện, thành phố.

Từ 2019- 2020 (xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm)

140 triệu

Ngân sách tỉnh, Trung ương hỗ trợ, các nguồn vốn khác

2

Tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Triển khai Kế hoạch tổ chức Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam

Sở Thông tin và Truyền thông

Các Sở, Ban, Ngành, Hội BVQLNTD tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh

Từ 2019- 2020 (xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm)

100 triệu

Ngân sách tỉnh, Trung ương hỗ trợ, các nguồn vốn khác

3

Xây dựng ấn phẩm phóng sự truyền hình, in tờ rơi, tờ gấp và tổ chức các chương trình, sự kiện với nội dung về quyền lợi người tiêu dùng

- Theo chủ đề của Bộ Công Thương và Kế hoạch triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2019-2020 của tỉnh. Triển khai Chỉ thị số 30- CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tỉnh

Sở Công Thương

Các Sở, Ban, Ngành, Hội BVQLNTD tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh

Từ 2019- 2020 (xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm)

100 triệu

Ngân sách tỉnh, Trung ương hỗ trợ, các nguồn vốn khác

4

Tổ chức treo băng zôn, khẩu hiệu... trên các tuyến phố chính và các địa điểm công cộng và các chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh

Theo chủ đề của Bộ Công Thương và Kế hoạch triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2019-2020 của tỉnh

UBND các huyện, thành phố

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh

Từ 2019- 2020 (xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm)

220 triệu

Ngân sách tỉnh, huyện, thành phố và kinh phí tự cân đối của doanh nghiệp

5

Tổ chức hội nghị, hội thảo, phổ biến pháp luật và kiến thức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, siêu thị và trung tâm thương mại, để có nhận thức chung về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từ đó nâng cao trách nhiệm với người tiêu dùng khi kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Theo chủ đề của Bộ Công Thương và Kế hoạch triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2019-2020 của tỉnh. Triển khai Chỉ thị số 30- CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tỉnh

Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh

Từ 2019- 2020 (xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm)

120 triệu

Ngân sách tỉnh, Trung ương hỗ trợ, các nguồn vốn khác

II. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

1

Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho đối tượng là cán bộ, công chức và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, siêu thị, trung tâm thương mại tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh

Triển khai thực hiện lồng ghép theo kế hoạch đào tạo hàng năm, theo chủ đề của Bộ Công Thương và Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 30- CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tỉnh

Sở Công Thương

Các Sở, Ban, Ngành, Hội BVQLNTD tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh

Từ 2019- 2020 (xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm)

150 triệu

Ngân sách tỉnh, Trung ương hỗ trợ, các nguồn vốn khác

III. Xây dựng đường dây nóng, hỗ trợ, giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh

 

Xây dựng đường dây nóng tại Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để hỗ trợ người tiêu dùng và kết nối với tổng đài của Bộ Công Thương

Hỗ trợ, tư vấn, giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng

Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh.

Cục Cạnh tranh và BVNTD - Bộ Công Thương, Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông

Từ 2019- 2020 triển khai theo Kế hoạch của Bộ Công Thương về hệ thống tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng

100 triệu

Ngân sách tỉnh, Trung ương hỗ trợ, các nguồn vốn khác

IV. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng

1

Mua sắm trang thiết bị, công cụ, phương tiện, thiết bị kiểm tra, đánh giá chất lượng hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các cấp

Mua Test nhanh các mẫu thực phẩm, cân đo lường...

Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Tài chính, các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố

Từ 2019- 2020 (xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm)

300 triệu

Ngân sách tỉnh, Trung ương hỗ trợ,

2

Hỗ trợ Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khảo sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng hàng hóa, dịch vụ để cảnh báo cho người tiêu dùng

Xây dựng chương trình, kế hoạch, mua Test nhanh các mẫu thực phẩm, cân đo lường...

Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ

Từ 2019- 2020 (xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm)

100 triệu

Ngân sách tỉnh, Trung ương hỗ trợ, các nguồn vốn khác

3

Tổ chức các đoàn kiểm tra tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh

Xây dựng, thực hiện kế hoạch kiểm tra hàng năm; kế hoạch kiểm tra chuyên đề; kế hoạch kiểm tra đột xuất

Sở Công Thương

Các Sở, Ban, Ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố

xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm

100 triệu

Ngân sách tỉnh hỗ trợ, các nguồn vốn khác

4

Thành lập các đoàn kiểm tra, khảo sát theo dõi sát sao diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa tại địa bàn trong và ngoài tỉnh vào các dịp lễ, tết, đầu năm học mới, bão lũ... để kịp thời đề xuất biện pháp ứng phó nhằm ổn định thị trường khi cần thiết, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Thực hiện lồng ghép theo Chỉ thị của tỉnh về tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp lễ, tết

Sở Công Thương

Các Sở, Ban, Ngành liên quan, Hội BVQLNTD tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp.

Xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm

100 triệu

Ngân sách tỉnh, Trung ương hỗ trợ, các nguồn vốn khác

V. Triển khai chương trình doanh nghiệp vì người tiêu dùng

 

Xây dựng và phát hành tài liệu hướng dẫn, các ấn phẩm, tờ rơi về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Tăng cường thông tin, hướng dẫn, trang bị kiến thức nhằm nâng cao khả năng tự bảo vệ của người tiêu dùng, để người tiêu dùng tự ý thức bảo vệ quyền lợi của mình.

Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh

Từ 2019- 2020 (xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm)

150 triệu

Ngân sách tỉnh, Trung ương hỗ trợ, Ngân sách huyện, thành phố và kinh phí tự cân đối của doanh nghiệp

Tổng cộng

 

1.680 triệu

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 140/KH-UBND năm 2019 thực hiện Kế hoạch 219-KH/TU thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

  • Số hiệu: 140/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 29/07/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hòa Bình
  • Người ký: Bùi Văn Khánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/07/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản