Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 139/KH-UBND | Bạc Liêu, ngày 17 tháng 12 năm 2019 |
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 158-KL/TU ngày 01 tháng 11 năm 2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 27/10/2016 về tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, với những nội dung chủ yếu sau đây:
Triển khai kịp thời, có hiệu quả Kết luận số 158-KL/TU ngày 01/11/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 27/10/2016 về tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả đến các Sở, Ban, Ngành tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể hóa để tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt mục tiêu đề ra.
Đẩy mạnh thực hiện 02 trong 05 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã xác định thuộc lĩnh vực nông nghiệp đó là: Phát triển nông nghiệp, mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo; phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh.
II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
- Đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu (xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 01) đưa vào hoạt động ổn định trong năm 2020 tạo lan tỏa sớm đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước vào năm 2025; kinh tế biển trở thành thế mạnh và là trụ cột kinh tế chính, mở rộng không gian kinh tế ra biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh vùng biển và ven biển của tỉnh, từng bước đưa huyện Đông Hải trở thành huyện trọng điểm phát triển kinh tế biển.
- Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng; thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh phát triển nuôi tôm; xây dựng và phát triển thêm nhiều cánh đồng lớn, vùng sản xuất lúa chất lượng cao gắn kết chặt chẽ với bao tiêu sản phẩm và chế biến gạo xuất khẩu.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025:
- Tổng sản lượng thủy sản đến năm 2020 đạt 395.000 tấn (trong đó tôm 180.000 tấn, cá và thủy sản khác 215.000 tấn) và năm 2025 đạt 470.000 tấn (trong đó tôm 260.000 tấn, cá và thủy sản khác 210.000 tấn); đầu tư xây dựng các khu sản xuất giống thủy sản và vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao (quy mô diện tích 1.000 ha vào năm 2020 và 2.070 ha vào năm 2025) gắn kết chặt chẽ với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
- Tổng sản lượng lúa đến năm 2020 đạt 1.150.000 tấn và năm 2025 đạt 1.175.000 tấn; xây dựng mối liên kết tiêu thụ giữa doanh nghiệp và nông dân với diện tích gieo trồng 76.000 ha vào năm 2020 và 100.000 vào năm 2025.
- Giữ ổn định tỷ lệ che phủ của rừng 11,34% diện tích tự nhiên.
- Tổng sản lượng muối đến năm 2020 đạt 53.000 tấn (trong đó muối trắng 7.000 tấn) và năm 2025 đạt 55.000 tấn (trong đó muối trắng 8.000 tấn).
- Phấn đấu đến hết quý III/2020 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; đến cuối năm 2020 có 07/07 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tối thiểu 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (07 xã của huyện Phước Long, mỗi đơn vị cấp huyện còn lại tối thiểu có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao); có ít nhất 02 xã của huyện Phước Long đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Sau khi 07/07 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tiến hành hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Trung ương thẩm định công nhận tỉnh Bạc Liêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong tháng 12/2020 và được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2021; Đến năm 2025: huyện Phước Long và thành phố Bạc Liêu có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; các huyện Vĩnh Lợi, Hồng Dân và thị xã Giá Rai có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; các huyện Đông Hải và Hòa Bình có trên 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 23 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu (trong đó huyện Phước Long 07 xã; thành phố Bạc Liêu 03 xã; huyện Hồng Dân 04 xã; huyện Vĩnh Lợi 03 xã; huyện Đông Hải 02 xã; huyện Hòa Bình 02 xã và thị xã Giá Rai 02 xã), chiếm 47 % tổng số xã.
3.1. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả:
a) Lĩnh vực thủy sản:
- Tập trung phát triển các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nhuyễn thể); mở rộng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh; xác định mô hình nuôi siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao là điểm nhấn; nhân rộng mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn trong dân; đồng thời, phát triển ổn định, bền vững mô hình nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm sạch kết hợp với trồng và bảo vệ rừng.
- Xây dựng chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh theo khuyến nghị của Tổ chức Thú y thế giới và yêu cầu của Úc để có thể xuất khẩu tôm đông lạnh nguyên con sang Úc; xây dựng thương hiệu sản phẩm thủy sản Bạc Liêu (tôm, hải sản,...).
- Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng (thủy lợi, giao thông, lưới điện, chợ thủy sản đầu mối) phục vụ sản xuất con giống, kênh thoát nước đảm bảo môi trường sinh thái các vùng nuôi thủy sản, các khu trang trại hiện đại; khu chế biến; dịch vụ; đầu tư hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, nhất là các vùng nuôi siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh và vùng sản xuất giống thủy sản tập trung; ứng dụng rộng rãi nuôi trồng thủy sản có chứng nhận (ASC, MSC, CoC, GlobalGAP, BMP,...) vào các vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, sản lượng, chất lượng; đầu tư xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao gắn kết chặt chẽ với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
- Tăng cường các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường nước nuôi tôm công nghệ cao và tạo điều kiện thuận lợi cho hộ dân tiếp cận vay vốn với lãi suất thấp. Tập trung đầu tư các công trình thuộc Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2018 - 2020 và Kế hoạch hành động phát triển ngành tôm đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
- Hiện đại hóa công tác nghề cá trên biển, phát triển sản xuất trên biển theo mô hình kinh tế tập thể (tổ, đội khai thác hải sản) kết hợp với các mô hình dịch vụ trên biển; nâng cao hiệu quả nghề khai thác hải sản, tập trung phát triển mạnh đội tàu có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, có khả năng đánh bắt xa bờ, dài ngày trên biển gắn với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng an ninh; phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, từng bước đưa huyện Đông Hải trở thành huyện trọng điểm phát triển kinh tế biển; xây dựng một số doanh nghiệp mạnh tham gia khai thác xa bờ và hợp tác khai thác viễn dương; đồng thời, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong hoạt động khai thác và những sự cố xảy ra trên biển, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển. Tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển thủy sản, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân để vừa gia tăng sản lượng khai thác thủy sản, vừa tham gia thực hiện bảo vệ chủ quyền biển đảo và biên giới quốc gia.
- Xây dựng kế hoạch để triển khai có hiệu quả Chương trình khai thác hải sản trong Chiến lược phát triển kinh tế biển; thực hiện Quyết định số 1047/QĐ-TTg ngày 17/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước giai đoạn từ nay đến năm 2020 và giai đoạn từ năm 2020 - 2025 các thỏa thuận hợp tác về nghề cá mà Việt Nam đã ký kết với các nước.
b) Lĩnh vực nông nghiệp:
- Đối với trồng trọt:
+ Giữ ổn định diện tích đất chuyên trồng lúa nước 58.600 ha ở Tiểu vùng giữ ngọt ổn định phía Bắc Quốc lộ 1A; mở rộng địa bàn sản xuất lúa trên đất tôm - lúa đạt 41.000 - 43.000 ha ở Tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A, gắn với đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống công trình thủy lợi phân ranh mặn, ngọt; nạo vét hệ thống kênh mương bị bồi lắng; phát triển hệ thống trạm bơm điện vừa và nhỏ; từng bước thực hiện kiên cố hóa kênh mương (gia cố bờ kênh, xây dựng cống, đập, trạm bơm), phát triển vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, lúa đặc sản, lúa chịu mặn mang thương hiệu Bạc Liêu (lúa chất lượng cao, Tài nguyên, Một bụi đỏ,...), trong đó vùng lúa chất lượng cao chiếm 92% diện tích gieo trồng (giống lúa thơm 110.000 ha, lúa đặc sản địa phương 25.000 ha (giống lúa Tài nguyên 10.000 ha tập trung chủ yếu ở huyện Vĩnh Lợi,..., giống lúa Một bụi đỏ 15.000 ha tập trung chủ yếu ở huyện Hồng Dân và Phước Long (sản xuất lúa hữu cơ 300 ha), giống lúa thơm nhẹ, không thơm 40.000 ha); lúa chất lượng trung bình, thấp và giống khác chiếm khoảng 08% diện tích gieo trồng.
+ Xây dựng và phát triển thêm nhiều cánh đồng lớn và nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, phát triển bền vững, hiệu quả và thực hiện liên kết bao tiêu lúa gạo; xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm lúa, gạo chất lượng cao mang thương hiệu Bạc Liêu; xây dựng vùng sản xuất lúa giống chất lượng cao, sạch bệnh, đáp ứng được nhu cầu phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh; khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững, thực hiện tốt các quy định về môi trường trong sử dụng vật tư nông nghiệp và xử lý chất thải nông nghiệp, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm và sử dụng các giống cây trồng mới có năng suất và chất lượng cao, kháng sâu bệnh, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Đối với chăn nuôi:
+ Tái cơ cấu đàn vật nuôi theo lợi thế của từng tiểu vùng sinh thái và nhu cầu thị trường; khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, công nghiệp, bán công nghiệp gắn với các cơ sở giết mổ, chế biến và xử lý chất thải, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
+ Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm hàng năm; giám sát và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và các chất phụ gia trong chăn nuôi, chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
+ Nâng cao chất lượng con giống, hướng dẫn nông dân chăn nuôi theo hướng VietGAP, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, rút ngắn thời gian nuôi, giảm chi phí giá thành chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
c) Lĩnh vực lâm nghiệp:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân thực hiện tốt Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật về lâm nghiệp; thực hiện quản lý, bảo vệ, sử dụng bền vững diện tích lâm phần và diện tích có rừng theo hướng vừa bảo tồn đa dạng sinh học vừa kết hợp du lịch sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nâng cao sinh kế cho người làm nghề rừng; tiếp tục thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về việc giao doanh nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển Đông kết hợp với phát triển du lịch sinh thái; thực hiện Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng; Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững các Khu bảo tồn loài/sinh cảnh Vườn chim Bạc Liêu và ấp Canh Điền.
- Tập trung đầu tư các công trình thuộc Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; quan tâm công tác trồng rừng phòng hộ môi trường, trồng cây phân tán bảo vệ cơ sở hạ tầng, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng, giảm phát thải khí nhà kính; chủ động thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống không để xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực Vườn chim Bạc Liêu.
d) Lĩnh vực diêm nghiệp:
- Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư thực hiện phương thức sản xuất muối trắng trải bạt trên nền sân kết tinh tạo ra sản phẩm muối chất lượng cao; đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa, giảm giá thành sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm thiểu ảnh hưởng của thời tiết và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.
- Ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng vùng muối và mô hình cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất muối nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu; giữ vững chỉ dẫn địa lý “muối ăn Bạc Liêu” và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu muối Bạc Liêu.
- Nhân rộng mô hình hợp tác, liên kết giữa diêm dân và doanh nghiệp trong sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, muối chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.
3.2. Công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn:
- Quy hoạch các cụm, khu công nghiệp chế biến thực phẩm chất lượng cao, an toàn trên cơ sở sử dụng các sản phẩm nông nghiệp, thủy, hải sản của địa phương. Sắp xếp, ổn định các cơ sở chế biến nông, thủy sản hiện có trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển thêm các cơ sở sản xuất mới có công nghệ chế biến hiện đại, sản xuất chế biến các mặt hàng mới, các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, sản xuất theo chuỗi khép kín; chú trọng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường.
- Phát triển lĩnh vực công nghiệp cơ khí, chế tạo và sửa chữa trên địa bàn tỉnh (khuyến khích đầu tư phát triển các cơ sở công nghiệp cơ khí, chế tạo phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư và diêm nghiệp), nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chế biến, xuất khẩu nông sản; thu hút đầu tư và tăng hiệu quả đầu tư vào phát triển nông thôn.
- Thực hiện có hiệu quả Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); chương trình “mỗi làng một nghề”, “bảo tồn và phát triển làng nghề”, tạo việc làm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề, đảm bảo môi trường bền vững và vệ sinh an toàn thực phẩm; gắn hoạt động kinh tế của các làng nghề với hoạt động dịch vụ du lịch và bảo tồn phát triển văn hóa truyền thống; phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển các làng nghề được công nhận và phát triển thêm một số làng nghề mới; phấn đấu đến cuối năm 2020, tiêu chuẩn hóa ít nhất 34 sản phẩm, dịch vụ hiện có của tỉnh và có ít nhất 20 sản phẩm OCOP cấp tỉnh; đến cuối năm 2025, phát triển mới thêm ít nhất 24 sản phẩm, dịch vụ; công nhận, chứng nhận ít nhất 05 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao cấp quốc gia.
4. Về phát triển nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ:
- Tiếp tục tổ chức thực hiện Kế hoạch thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Thực hiện công tác bảo tồn, phục tráng, khai thác và phát triển các giống cây trồng, vật nuôi đã được chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu hàng hóa, có lợi thế so sánh và giá trị kinh tế cao.
- Đẩy mạnh ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học vào thực tế sản xuất nhằm tạo sự chuyển biến cao về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường trong và ngoài nước.
- Phát triển thị trường khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông, thủy sản an toàn, sinh thái, tự nhiên với nông nghiệp, thủy sản Bạc Liêu (lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ, nhãn, tôm,...); tăng cường mối quan hệ với các Viện, Trường Đại học trong và ngoài nước về hợp tác, nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ; chọn tạo các cây trồng, giống vật; nuôi, giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao, đặc biệt các giống cây trồng có khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi (hạn hán, xâm nhập mặn,...) để phục vụ nhu cầu sản xuất.
- Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài Nhà nước vào các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao các ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong nông nghiệp.
5. Về đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, phòng chống thiên tai:
- Ưu tiên đầu tư xây dựng hoàn thiện các công trình phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng gồm các công trình ngăn mặn, công trình đê; cải tạo, nâng cấp, tu bổ và xây dựng mới các công trình thủy lợi, hệ thống đê sông, đê biển, đảm bảo phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, sạt lở đất, xâm nhập mặn do nước biển dâng, nhất là đối với vùng phía Nam Quốc lộ 1A và vùng ven biển của tỉnh; công trình nâng cấp cảng cá và các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng (thủy lợi, giao thông, lưới điện,...) phục vụ các vùng sản xuất giống thủy sản các vùng nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến và vùng sản xuất lúa - tôm; đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống công trình thủy lợi phân ranh mặn, ngọt; nạo vét hệ thống kênh mương bị bồi lắng; phát triển hệ thống trạm bơm điện vừa và nhỏ, từng bước thực hiện kiên cố hóa kênh mương (gia cố bờ kênh, xây dựng cống, đập, trạm bơm điện, các ô thủy lợi khép kín...) phục vụ sản xuất nông nghiệp; hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 02 của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu.
- Tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương đầu tư xây dựng 03 kênh trục (Cầu Số 2 - Phước Long, Cầu Sập - Ninh Quới và Nàng Rền); 02 kênh trục dẫn ngọt từ Sóc Trăng về Bạc Liêu; hệ thống công trình Cái Lớn - Cái Bé để phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản vùng phía Bắc Quốc lộ 1A; hệ thống Âu thuyền trên kênh Cà Mau - Bạc Liêu phục vụ nuôi thủy sản vùng phía Nam Quốc lộ 1A.
- Thực hiện lồng ghép các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng vào các chương trình, đề án, dự án thực hiện tái cơ cấu ngành có những phương án, giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả; đầu tư xây dựng mạng lưới cảnh báo, dự báo thiên tai, khí tượng thủy văn, theo dõi chặt chẽ quá trình biến đổi khí hậu, nước biển dâng; xây dựng các phương án phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, sạt lở đất, xâm nhập mặn do nước biển dâng.
- Phối hợp với các tỉnh lân cận đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu; các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu, kiểm soát xâm nhập mặn phục vụ sản xuất của Tiểu vùng bán đảo Cà Mau và trong tỉnh nhưng có tác động lan tỏa.
- Tăng cường mối quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế để nắm bắt kịp thời thông tin, diễn biến tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
6. Thực hiện và hoàn thiện cơ chế, chính sách:
- Chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh tỉnh Bạc Liêu thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hiện hành về tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
- Rà soát, cập nhật, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư áp dụng trên địa bàn tỉnh phù hợp với các quy định của Chính phủ; hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để thu hút vốn đầu tư theo hướng bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các nhà đầu tư và nhân dân, nhất là các dự án có vốn đầu tư quy mô lớn và những ngành, lĩnh vực mà tỉnh đang khuyến khích, thu hút đầu tư. Có cơ chế, chính sách đặc biệt về tín dụng (lãi suất ưu đãi theo cơ chế thị trường thấp nhất), đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng (điện, đường giao thông, nước sạch,...), chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, đào tạo nghề, hỗ trợ tham quan trong và ngoài nước như đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đối với các mô hình sản xuất có hiệu quả cao, đòi hỏi đầu tư vốn lớn (trong thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi,...) để tạo ra sản lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.
- Tích hợp nội dung các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực vào nội dung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch; kết hợp việc tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất gắn với việc thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án,... của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch hành động có liên quan tới ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo; quản lý và thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt; nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành và mọi người dân trong việc quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch, hạn chế việc sản xuất tự phát của nông dân.
8. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả:
- Xây dựng cơ chế liên kết (cùng đầu tư, quản trị,...) giữa trang trại với các doanh nghiệp liên kết sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thức ăn, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; phát triển doanh nghiệp tư nhân trở thành động lực góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất và cơ cấu lao động, khuyến khích và hỗ trợ hình thành các tập đoàn tư nhân có tính khu vực; tạo điều kiện kết nối các doanh nghiệp của tỉnh với doanh nghiệp nước ngoài, giữ vững mối quan hệ với các đối tác đã được thiết lập; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân liên kết, sản xuất công nghiệp hỗ trợ, nhất là về chuỗi nông nghiệp thực phẩm.
- Triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; có chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể và khu vực hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn, đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, hỗ trợ phát triển thị trường,...
- Tiếp tục đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất mới, có hiệu quả đã được kiểm chứng; phát triển các hình thức liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống thương mại trong và ngoài nước; chuyển mạnh từ sản xuất theo hộ gia đình riêng lẻ sang mô hình hợp tác, liên kết, tập trung quy mô lớn; trong đó, chú trọng xây dựng mô hình “hợp tác xã đầu đàn” trên các lĩnh vực để dẫn dắt, tạo điều kiện cho các hợp tác xã cùng ngành nghề hoạt động tốt hơn, từng bước hình thành các doanh nghiệp trực thuộc hợp tác xã, các liên hiệp hợp tác xã theo ngành nghề.
- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hệ thống hạ tầng cơ bản ở nông thôn; bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa; thực hiện chuyển đổi các làng nghề có điều kiện thành các điểm du lịch, kết nối các tuyến du lịch trong vùng và giữa các vùng lân cận.
- Tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp đạt các chỉ tiêu đề ra; các tiêu chí được công nhận đạt chuẩn phải đảm bảo chất lượng và có tính bền vững cao. Xác định việc xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là quá trình thường xuyên, liên tục; xác định từng nội dung công việc, có giải pháp, lộ trình thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong tổ chức xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong thực hiện mục tiêu đến năm 2020 và năm 2025; kiểm tra, giám sát làm rõ trách nhiệm các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong quá trình chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thiếu tinh thần trách nhiệm. Vận động người dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, tạo chuyển biến tích cực rõ nét hơn đối với từng hộ gia đình và cuộc sống của mỗi người dân sinh sống ở nông thôn.
10. Về huy động các nguồn lực, thúc đẩy hoạt động đầu tư:
- Tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi nhằm thu hút tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quy định của các văn bản hiện hành.
- Phát triển các hình thức đối tác công tư, hợp tác công tư,... giữa Nhà nước và tư nhân đối với các công trình, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng hiện đại, ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành tỉnh, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch này.
- Tiếp tục thực hiện các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
- Theo dõi, kiểm tra, giám sát, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 27/10/2016, Kết luận số 158-KL/TU ngày 01/11/2019 và Kế hoạch này, định kỳ báo cáo kết quả về Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh để báo cáo về Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo yêu cầu; đề xuất sửa đổi, bổ sung Kế hoạch khi cần thiết.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm:
- Xem xét, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước cho ngành Nông nghiệp thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, Ban, Ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn; nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển các hình thức đầu tư có sự tham gia của Nhà nước và tư nhân (PPP/PPC).
3. Sở Tài chính chịu trách nhiệm: Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét thẩm định, tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét phê duyệt kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước phục vụ cho việc thực hiện Kế hoạch khi có yêu cầu.
4. Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm:
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, Ban, Ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình khoa học, công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới và các chương trình sản phẩm quốc gia, đổi mới công nghệ quốc gia; hỗ trợ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Kế hoạch này.
- Xem xét đề xuất đặt hàng các đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản; các quy trình sản xuất, công nghệ mới trong nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản, trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, sản xuất muối đảm bảo phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh.
5. Sở Công Thương chịu trách nhiệm:
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát các chính sách thương mại, các rào cản kỹ thuật, để đề nghị Trung ương xem xét điều chỉnh, bổ sung, nhằm tạo thuận lợi thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nông, thủy sản và bảo vệ sản xuất trong nước; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp chế biến thức ăn gắn với sản xuất nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
- Đẩy mạnh đầu tư phát triển lưới điện phục vụ sản xuất nông nghiệp (các trạm bơm điện và các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh) điện phục vụ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, để kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm:
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố rà soát, kiểm soát chặt chẽ quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch sử dụng đất và đề xuất các chính sách liên quan đến đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học theo hướng tạo thuận lợi cho nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai và bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động đối với các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, các đơn vị, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường trong các hoạt động tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
7. Sở Y tế chịu trách nhiệm: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, Ban, Ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Luật An toàn thực phẩm; Chiến lược an ninh dinh dưỡng và vệ sinh môi trường nông thôn.
8. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh tỉnh Bạc Liêu: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện tốt các chính sách tín dụng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn; mở rộng mạng lưới hoạt động (phòng giao dịch, điểm giao dịch) của các tổ chức tín dụng trên địa bàn nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân tiếp cận vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng để phục vụ sản xuất, phát triển kinh doanh.
9. Các Tổ chức chính trị - xã hội: Phối hợp tham gia thực hiện bằng nhiều hình thức và phương pháp thích hợp, tổ chức tuyên truyền sâu rộng và thường xuyên nội dung của Kế hoạch này đến toàn thể đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh. Vận động đoàn viên, hội viên đi đầu trong công tác tuyên truyền về cơ cấu lại Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu đưa các nội dung của Kế hoạch vào chương trình, kế hoạch hoạt động của đơn vị tổ chức thực hiện đạt mục tiêu đề ra.
10. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm: Tiếp tục chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi là lợi thế của địa phương, có khả năng cạnh tranh phù hợp với quy hoạch phát triển của Ngành và nhu cầu thị trường; nghiên cứu, xây dựng mô hình sản xuất và các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển phù hợp, hiệu quả; nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của địa bàn để thu hút vốn đầu tư xã hội cho phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, những vấn đề chưa phù hợp cần điều chỉnh, bổ sung thì các Sở, Ban, Ngành tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu và các cơ quan, đơn vị có liên quan phản ánh kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo đề xuất, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 983/QĐ-UBND năm 2019 về chỉ tiêu, hình thức thi đua và tiêu chí đánh giá, khen thưởng các tập thể có thành tích trong thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, phát triển các Hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã năm 2012 góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới” của tỉnh Tây Ninh
- 2Nghị quyết 191/2019/NQ-HĐND bãi bỏ nội dung quy định tại Điều 1, Nghị quyết 151/2015/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020 và Điều 1, Nghị quyết 152/2015/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020
- 3Nghị quyết 10/2019/NQ-HĐND sửa đổi việc phân bổ diện tích sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao tại Phụ lục 2 kèm theo Nghị quyết 254/2016/NQ-HĐND về thông qua Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp do tỉnh Long An ban hành
- 4Nghị quyết 03/2021/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025
- 1Luật an toàn thực phẩm 2010
- 2Luật Quy hoạch 2017
- 3Luật Lâm nghiệp 2017
- 4Quyết định 1047/QĐ-TTg năm 2018 về phê duyệt Đề án phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 983/QĐ-UBND năm 2019 về chỉ tiêu, hình thức thi đua và tiêu chí đánh giá, khen thưởng các tập thể có thành tích trong thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, phát triển các Hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã năm 2012 góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới” của tỉnh Tây Ninh
- 6Nghị quyết 191/2019/NQ-HĐND bãi bỏ nội dung quy định tại Điều 1, Nghị quyết 151/2015/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020 và Điều 1, Nghị quyết 152/2015/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020
- 7Nghị quyết 10/2019/NQ-HĐND sửa đổi việc phân bổ diện tích sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao tại Phụ lục 2 kèm theo Nghị quyết 254/2016/NQ-HĐND về thông qua Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp do tỉnh Long An ban hành
- 8Nghị quyết 03/2021/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025
Kế hoạch 139/KH-UBND năm 2019 thực hiện Kết luận 158-KL/TU về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU về tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả
- Số hiệu: 139/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 17/12/2019
- Nơi ban hành: Tỉnh Bạc Liêu
- Người ký: Dương Thành Trung
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra