Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 136/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 29 tháng 8 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CỤM LIÊN KẾT NGÀNH KINH TẾ BIỂN GẮN VỚI XÂY DỰNG CÁC TRUNG TÂM KINH TẾ BIỂN MẠNH THỜI KỲ ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

Thực hiện Quyết định số 892/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030 (gọi tắt là Quyết định số 892/QĐ-TTg), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích: Nâng cao nhận thức và kịp thời triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được xác định trong Quyết định số 892/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

2. Yêu cầu: Các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ yêu cầu phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển trên địa bàn tỉnh.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nhiệm vụ

a) Nhiệm vụ chung

Thực hiện theo yêu cầu quy định tại khoản 1, Mục II, Quyết định số 892/QĐ-TTg; trong đó tập trung một số nội dung chủ yếu sau:

- Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi với các ngành có lợi thế phát triển theo Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, tập trung vào các ngành, sản phẩm, dịch vụ kinh tế biển có chuỗi giá trị gia tăng lớn, ứng dụng công nghệ cao, đóng góp vào tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường sinh thái biển, ngành nghề kinh tế biển góp phần củng cố tăng cường quốc phòng, an ninh vùng biển đảo.

- Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi ưu tiên ở những khu vực trọng điểm gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh đa ngành của quốc gia có sức cạnh tranh hội nhập quốc tế cao và từng bước mở rộng ra toàn tỉnh. Chú trọng phát triển, liên kết ngành gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển lưỡng dụng kết hợp kinh tế với quốc phòng tại huyện đảo Lý Sơn.

- Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển tỉnh Quảng Ngãi phải bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, khai thác sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên biển, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra tại khu vực vùng biển và ven biển Trung Trung bộ. Gắn phát triển cụm liên kết ngành với cơ cấu lại ngành nghề kinh tế biển, hình thành các mô hình phát triển bền vững kinh tế biển như các khu cảng xanh, khu công nghiệp sinh thái, vùng khai thác, sản xuất kết hợp với bảo tồn hệ sinh thái biển.

- Khuyến khích thu hút các doanh nghiệp lớn, dự án đầu tư có quy mô lớn, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến ở những khu vực trọng điểm tạo hạt nhân, động lực phát triển và lan tỏa mở rộng cụm liên kết ngành kinh tế biển ở khu vực Trung Trung bộ.

b) Nhiệm vụ cụ thể

b1) Tham gia liên kết liên tỉnh, liên ngành phát triển các cụm liên kết ngành kinh tế biển ở khu vực Trung Trung Bộ (thuộc vùng biển và ven biển: Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi) có trọng điểm phát triển ở Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế, gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á. Trong đó, tập trung vào những ngành, lĩnh vực ưu tiên đã được Chính phủ định hướng phát triển cho tỉnh Quảng Ngãi, cụ thể như sau:

- Phát triển các ngành công nghiệp thép, công nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô, công nghiệp hóa dầu, hóa chất, năng lượng và dịch vụ logistics ở Nam Quảng Nam - Bắc Quảng Ngãi.

- Phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo ở khu vực ven biển của tỉnh.

- Phát triển nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao.

- Phát triển dịch vụ hậu cần trên biển, cơ sở kinh tế biển lưỡng dụng kết hợp kinh tế với quốc phòng, hình thành khu du lịch quốc tế ở huyện đảo Lý Sơn.

b2) Tiếp tục phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế biển đang có tiềm năng, lợi thế:

- Phát triển hệ thống cảng biển tổng hợp Dung Quất, các cảng biển chuyên dụng (Hòa Phát, Doosan Vina,...); cảng container trung chuyển trong nước, quốc tế...

- Phát triển công nghiệp đóng, sửa tàu biển chuyên dụng, công nghiệp cơ khí chính xác, chế tạo máy, thiết bị tự động hóa; công nghiệp điện tử, công nghiệp thông tin; công nghiệp chế biến thủy sản, khoáng sản ven biển, sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu và công nghiệp khí.

- Phát triển các khu đô thị, dịch vụ, du lịch hiện đại khu vực ven biển.

2. Giải pháp thực hiện

a) Cập nhật và tham mưu UBND tỉnh triển khai các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển:

- Khuyến khích, ưu đãi về thuế, tín dụng, sử dụng đất, mặt nước, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ để thu hút doanh nghiệp, thành phần kinh tế đầu tư hoạt động và liên kết hợp tác với nhau hình thành cụm liên kết ngành kinh tế biển.

- Cơ chế, chính sách đặc thù thu hút các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn làm hạt nhân thúc đẩy phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển.

- Cơ chế, chính sách phát triển và cộng tác giữa các doanh nghiệp, thành phần trong ngành kinh tế biển và liên quan đến kinh tế biển.

- Cơ chế phối hợp giữa các địa phương trong tổ chức liên kết ngành, liên kết mạng lưới doanh nghiệp ở phạm vi liên tỉnh theo cụm ngành liên kết kinh tế biển.

- Cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi phát triển các trung tâm khoa học công nghệ biển, khu nghiên cứu biển gắn với bảo tồn biển, khu công nghệ cao kinh tế biển...

b) Phối hợp các Bộ ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố ở khu vực Trung Trung Bộ lồng ghép nhiệm vụ phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển vào quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị có liên quan.

Quy hoạch các khu vực, không gian hoạt động ven biển và trên biển, đảo; đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế biển, đô thị biển, dịch vụ hạ tầng cảng biển, du lịch biển, khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung... tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và liên kết hợp tác sản xuất kinh doanh và đảm bảo các dịch vụ tiện ích đời sống cho người lao động.

c) Tăng cường năng lực thực thi pháp luật, quốc phòng, an ninh trên vùng biển đảo, bảo vệ an toàn, an ninh, bảo vệ quyền hoạt động trên biển theo pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế cho doanh nghiệp, cơ sở kinh tế biển tạo môi trường thuận lợi phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển tỉnh Quảng Ngãi.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ban ngành chủ động lồng ghép nội dung phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển trong chức năng, nhiệm vụ được giao, cụ thể:

a) Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành và các địa phương tổ chức thực hiện Kế hoạch; định kỳ tổng hợp tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện theo yêu cầu.

- Chủ trì, cập nhật thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù thu hút các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn làm hạt nhân thúc đẩy phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển; phát triển và cộng tác giữa các doanh nghiệp, thành phần trong ngành kinh tế biển và liên quan đến kinh tế biển; cơ chế phối hợp giữa các địa phương trong tổ chức liên kết ngành, liên kết mạng lưới doanh nghiệp ở phạm vi liên tỉnh theo cụm ngành liên kết kinh tế biển.

- Chủ trì, phối hợp triển khai lồng ghép nội dung phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển vào quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các sở ban, ngành và các địa phương huy động nguồn lực, thu hút đầu tư trong và ngoài nước để phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển tỉnh Quảng Ngãi.

b) Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Cục Thuế tỉnh cập nhật các cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực thuế khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển trên địa bàn tỉnh.

c) Sở Công Thương chủ trì, phối hợp xây dựng chương trình thực hiện về liên kết ngành trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

d) Sở Xây dựng chủ trì, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương ven biển cập nhật, bổ sung nội dung phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển vào quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng có liên quan.

e) Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp xây dựng chương trình thực hiện về liên kết ngành trong lĩnh vực vận tải hàng hải và dịch vụ liên quan.

f) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp xây dựng chương trình thực hiện về liên kết ngành khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản, bảo tồn biển và dịch vụ liên quan.

g) Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp xây dựng chương trình thực hiện về liên kết ngành dịch vụ khoa học công nghệ với doanh nghiệp.

h) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp xây dựng chương trình thực hiện về liên kết ngành trong lĩnh vực du lịch ven biển, du lịch đảo Lý Sơn kết hợp du lịch di sản, di tích lịch sử quốc gia gắn với chủ quyền biển đảo.

i) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp triển khai lồng ghép nội dung thực hiện kế hoạch vào các chương trình phát triển bền vững kinh tế biển theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

k) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, cập nhật cơ chế, chính sách, tham gia đề xuất chương trình phát triển trung tâm kinh tế biển lưỡng dụng kết hợp kinh tế với quốc phòng tại huyện đảo Lý Sơn.

l) Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi chủ trì, phối hợp triển khai lồng ghép nội dung phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển vào quy hoạch xây dựng phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp; xây dựng kế hoạch phối hợp cùng với tỉnh Quảng Nam phát triển các ngành công nghiệp thép, công nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô, công nghiệp hóa dầu, hóa chất, năng lượng và dịch vụ logistics ở Nam Quảng Nam - Bắc Quảng Ngãi.

2. UBND các huyện: Bình Sơn, Mộ Đức, thị xã Đức Phổ, thành phố Quảng Ngãi chủ động, phối hợp xây dựng chương trình phát triển thực hiện trong phạm vi địa phương, lồng ghép nội dung thực hiện vào các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển của địa phương.

UBND huyện Lý Sơn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng chương trình phát triển dịch vụ hậu cần trên biển, cơ sở kinh tế biển lưỡng dụng kết hợp kinh tế với quốc phòng, hình thành khu du lịch quốc tế ở huyện đảo Lý Sơn.

3. Yêu cầu các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ liên quan của Kế hoạch.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh, các cơ quan, đơn vị báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) để xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các cơ quan TW trên địa bàn tỉnh;
- Các sở, ban ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- VPUB: CVP, PCVP, các P.Ng/cứu, CB-TH;
- Lưu: VT, KTN993.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Phước Hiền

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 136/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

  • Số hiệu: 136/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 29/08/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Trần Phước Hiền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/08/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản