Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1328/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 27 tháng 7 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

KIỂM SOÁT, NGĂN CHẶN, PHÒNG NGỪA HÀNH VI ĐƯA TẠP CHẤT VÀO TÔM NGUYÊN LIỆU VÀ SẢN XUẤT, KINH DOANH TÔM CÓ TẠP CHẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Quyết định số 2419/QĐ-TTg ngày 13//12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất và Công văn số 4556/BNN-QLCL ngày 02/6/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai Đề án kiểm soát, ngăn chặn tạp chất, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành Kế hoạch kiểm soát, ngăn chặn, phòng ngừa hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

Phòng ngừa, ngăn chặn triệt để hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất. Đến hết năm 2017, trên địa bàn tỉnh không có tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và hết năm 2018 không có cơ sở kinh doanh tôm có chứa tạp chất.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

- Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong sản xuất, sơ chế biến tôm để đề xuất, sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm và đảm bảo ngăn chặn được các hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu.

- Tổ chức tuyên truyền giáo dục người sản xuất, kinh doanh hiểu rõ và hiểu đúng các quy định an toàn thực phẩm; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, chuyển giao cho người sản xuất, kinh doanh áp dụng các quy phạm thực hành sản xuất tôm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và không có tạp chất do đưa vào.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất kết hợp công tác lấy mẫu giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và các cơ sở kinh doanh tôm có tạp chất.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Sử dụng ngân sách Nhà nước chi thường xuyên cho hoạt động quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm, chống buôn lậu gian lận thương mại và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để triển khai thực hiện Kế hoạch.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tổ chức tuyên truyền cho các đối tượng có liên quan về tác hại của việc đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất; cách thức nhận biết tôm có tạp chất, chế tài xử phạt khi bị phát hiện về hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và kinh doanh tôm có tạp chất.

- Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra co hiệu quả theo kế hoạch; đồng thời tổ chức kiểm tra thường xuyên việc chấp hành các quy định về kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu kết hợp với việc đánh giá điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Công Thương tổ chức kiểm tra liên ngành đột xuất nhằm phát hiện và xử lý các hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và hành vi kinh doanh tôm có tạp chất. Thanh tra, kiểm tra liên ngành đột xuất dựa trên các thông tin trinh sát từ ngành Công an, các kênh tiếp nhận tố giác hành vi đưa tạp chất vào tôm, kinh doanh tôm có tạp chất của các Sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố; đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự, chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan Công an xử lý theo quy định.

- Phối hợp với các kênh thông tin đại chúng hoặc Website của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đăng tải bản tin về tình hình bơm chích tạp chất vào tôm, công khai cụ thể tên, địa chỉ, kết quả xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về tạp chất.

2. Sở Công Thương

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh tổ chức kiểm tra liên ngành theo kế hoạch và đột xuất để phòng ngừa và ngăn chặn triệt để các hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất do đưa vào, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tạp chất trong tôm nguyên liệu lưu thông trên thị trường.

- Phối hợp với các kênh thông tin đại chúng hoặc Website của Sở Công Thương để đăng tải bản tin về tình hình bơm chích tạp chất vào tôm, công khai cụ thể tên, địa chỉ, kết quả xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về tạp chất.

3. Công an tỉnh

- Tổ chức thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, thu thập thông tin, trinh sát để đấu tranh phòng, chống và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương tổ chức kiểm tra liên ngành theo kế hoạch và đột xuất để phòng ngừa và ngăn chặn triệt để các hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất do đưa vào; điều tra, xác minh cụ thể các hành vi vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Công an tỉnh, Ủy ban nhân nhân các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền tác hại kinh tế đối với người tiêu dùng, uy tính chất lượng tôm Việt Nam, nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, các chế tài đối với hành vi kinh doanh tôm có tạp chất và hành vi bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phổ biến các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Thông tin kịp thời, chính xác đến người dân kết quả thanh tra, kiểm tra về tạp chất trong tôm.

5. Sở Tài chính

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm phục vụ cho công tác an toàn thực phẩm nói chung và ngăn chặn hành vi vi phạm về tạp chất nói riêng theo quy định hiện hành.

6. Ủy ban nhân nhân huyện, thành phố, thị xã

- Chỉ đạo các phòng, ban; UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền tác hại của việc đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất.

- Chỉ đạo đơn vị chuyên môn tổ chức kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất việc chấp hành các quy định về kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và kinh doanh tôm có tạp chất kết hợp với việc đánh giá điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân khi để xẩy ra vi phạm về tạp chất trên địa bàn quản lý.

Yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngoài các nội dung công việc được giao, đôn đốc, kiểm tra, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân tỉnh tình hình thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- BCĐ VSATTP tỉnh;
- Các Sở: NN và PTNT, CT, TC, TT và TT;
- Công an tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo Quảng Bình, Đài PT-TH QB,
Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, CVNN.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Minh Ngân

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1328/KH-UBND năm 2017 về kiểm soát, ngăn chặn, phòng ngừa hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

  • Số hiệu: 1328/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 27/07/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Lê Minh Ngân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản