Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 124/KH-UBND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 20 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NĂM 2022

Căn cứ Công văn số 718/BKHCN-KHTC ngày 31/3/2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và dự toán ngân sách KH&CN năm 2022,

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách khoa học và công nghệ năm 2022 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cụ thể như sau:

A. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH KH&CN NĂM 2021.

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ KH&CN VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

1. Năm 2021, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức triển khai đồng bộ Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý khoa học và công nghệ (KH&CN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

- Tình hình triển khai Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ: Căn cứ hướng dẫn của Bộ Khoa học và công nghệ (Thông tư 01/2017/TT-BKHCN) và Bộ Tài chính (Thông tư 90/2017 TT-BTC) tỉnh đã phê duyệt cơ chế tự chủ về tài chính cho 02 đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập trực thuộc Sở Khoa học và công nghệ. Trong đó 01 đơn vị tự chủ một phần kinh phí chi thường xuyên và 01 đơn vị thực hiện tự chủ toàn bộ kinh phí chi thường xuyên (PL1-Biểu TK1-4);

- Tỉnh Bà rịa - Vũng Tàu đã cụ thể hóa Thông tư số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 của liên Bộ Tài Chính - Bộ Khoa học và công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng NSNN. Việc xây dựng, phân bổ và quyết toán kinh phí triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh được áp dụng theo Quyết định 13/2017/QĐ-UBND ngày 08/6/2017 của UBND tỉnh BR-VT về việc ban hành định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng NSNN trên địa bàn tỉnh (PL2- Biểu TK2-2);

- Các nhiệm vụ KH&CN được triển khai năm 2020 và 06 tháng đầu năm 2021 (20 nhiệm vụ) đều thực hiện theo Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 của liên Bộ Khoa học và công nghệ - Bộ Tài chính quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN; theo phương thức khoán chi từng phần (PL1- Biểu TK1-7).

2. Năm 2021, tỉnh BR-VT đã tổ chức sơ kết đánh giá 03 năm (2017-2020) việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 11/07/2017 về phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Kế thừa những kết quả đã đạt được, cũng như việc chỉ ra những hạn chế tồn tại và xác định các giải pháp khắc phục những hạn chế trong thời gian qua; trên cơ sở quán triệt chủ trương “Tiếp tục đy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” được ghi trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; UBND tỉnh đã giao các sở, ban, ngành tiếp tục tham mưu cập nhật, xây dựng các chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa các Nghị quyết về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

3. Ngoài việc triển khai đồng bộ 23 văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ năm 2013, Luật ngân sách nhà nước 2015 được ban hành trong giai đoạn 2016-2020; năm 2020 và 06 tháng đầu năm 2021 tỉnh Bà rịa - Vũng Tàu đã ban hành và triển khai 02 văn bản quy phạm pháp luật về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tỉnh BR-VT giai đoạn 2021-2025 (PL1- Biểu TK1-6).

4. Đánh giá chung việc thực hiện cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ

- Thuận lợi: UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai kịp thời Nghị Quyết của Đảng các cấp; luật Khoa học và Công nghệ 2013 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật. Quá trình triển khai thực hiện đã đạt được nhiều kết quả, thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh phát triển, đó là:

Đã kịp thời, cụ thể hóa các nội dung triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 11/07/2017 về phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 tại Quyết định số 2145/QĐ-UBND ngày 02/8/2017.

Nhiều chương trình, đề án, nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ đã được xây dựng và triển khai tại tỉnh, trong đó nhiều Đề án, Chương trình mang lại hiệu quả cao, tác động tốt đến tình hình kinh tế -xã hội của tỉnh (PL1- Biểu TK1-2, Biểu TK1-5).

Các giải pháp phát triển khoa học và công nghệ đã được triển khai một cách đồng bộ và toàn diện từ đổi mới cơ chế đến tăng cường các nguồn lực và phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

- Một số khó khăn, hạn chế:

Việc huy động nguồn lực xã hội, nhất là từ các doanh nghiệp ngoài nhà nước đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ còn khó khăn, hạn chế, chưa tương xứng.

Khó khăn trong thu hút nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao; khó khăn trong phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Khó khăn, lúng túng về phương pháp xác định tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao và tốc độ đổi mới công nghệ của tỉnh; trong đánh giá trình độ công nghệ các ngành sản xuất tại tỉnh; việc triển khai đánh giá trình độ công nghệ của các doanh nghiệp hiện nay cũng gặp khó khăn do doanh nghiệp còn e ngại, chưa tích cực cung cấp các dữ liệu về công nghệ của mình; thiếu các nhà đầu tư công nghệ cao vào tỉnh.

Đề tài/dự án lớn và có sức lan tỏa chưa nhiều; một số nhiệm vụ KHCN tiến độ triển khai còn chậm; hợp tác quốc tế về KHCN còn ít.

II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KHCN VÀ ĐMST

1. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh

- Công tác quản lý nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tại địa phương thông qua các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh có chuyển biến tích cực theo hướng tham mưu, lựa chọn, đặt hàng thực hiện các đề tài/dự án có địa chỉ ứng dụng cụ thể, gắn với nhu cầu thực tiễn của các ngành, lĩnh vực và đổi mới việc thực hiện theo phương thức khoán chi từng phần; việc cấp phát kinh phí thông qua cơ chế Quỹ (PL1- biểu TK1-7, Biểu TK1-8).

- Nhiều chương trình, đề án, nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã được xây dựng và triển khai tại địa phương; trong đó, nhiều đề tài/dự án mang lại hiệu quả cao, tác động tốt đến tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh (PL1- Biểu TK1-2).

2. Phát triển tiềm lực KHCN

- Tình hình thực hiện cơ chế, chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KHCN: Việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ở tỉnh nhìn chung còn khó khăn, hạn chế; tỉnh còn thiếu đội ngũ chuyên gia KH&CN. Thời gian qua, để từng bước tạo lập cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực KH&CN cũng như tạo động lực để đội ngũ trí thức của tỉnh cống hiến tích cực đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh đã giao Sở KH&CN phối hợp với Liên hiệp các Hội KHKT xây dựng Đề án sử dụng hiệu quả đội ngũ trí thức của tỉnh BR-VT; UBND tỉnh đã giao cho Sở KH&CN đã tổ chức nhiều buổi Hội thảo, Tọa đàm, mời các nhà khoa học, đội ngũ chuyên gia nói chuyện chuyên đề về các lĩnh vực KHCN nhằm góp phần nâng cao tầm hiểu biết cho đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ của tỉnh. Mặt khác, tỉnh đã quan tâm đầu tư Phòng công nghệ sinh học khá hiện đại cũng như đã duyệt chủ trương sẽ hoàn thành đầu tư Khu khoa học và công nghệ biển trong giai đoạn 2021-2025, đây là môi trường tốt để thu hút các chuyên gia, các nhà khoa học làm việc, cống hiến cho tỉnh. Hiện tại, theo chủ trương của UBND tỉnh, Sở KH&CN cũng đang triển khai cơ chế đặt hàng các nhà khoa học khảo sát, đánh giá, nghiên cứu, đề xuất những vấn đề cần đưa khoa học và công nghệ vào giải quyết.

- Kết quả tăng cường tiềm lực cho các tổ chức KHCN: Thực hiện quyết định số 317/QĐ-TTg ngày 15/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ Về việc phê duyệt Đề án nâng cao năng lực của trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Năm 2020 và 06 tháng đầu năm 2021, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đưa vào khai thác sử dụng 02 dự án đầu tư, gồm:

Đầu tư tăng cường tiềm lực trang thiết bị (phòng công nghệ sinh học) cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Tổng giá trị tài sản tăng thêm 29.797 triệu đồng; sau khi hoàn thành, đã hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đầy đủ đảm bảo cho Trung tâm thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng, triển khai, chuyển giao công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ phục vụ quản lý nhà nước.

Đầu tư tăng cường năng lực đo lường, thử nghiệm cho Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng: Tổng giá trị tài sản tăng thêm 15.403 triệu đồng; sau khi hoàn thành, lĩnh vực đo lường đã mở rộng năng lực kiểm định thuộc 6 lĩnh vực đo, gồm có: khối lượng, dung tích - lưu lượng, độ dài, điện - điện từ, quang học, hóa lý, đảm bảo kiểm định được 60% phương tiện đo nhóm 2 có trên địa bàn tỉnh và thực hiện việc hiệu chuẩn được một số phương tiện đo nhóm 1 được sử dụng trong sản xuất tại các khu công nghiệp và các cụm công nghiệp của tỉnh; lĩnh vực thử nghiệm, Trung tâm đã được tăng cường trang thiết bị thử nghiệm xác định hàm lượng vàng phục vụ công tác Quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trên thị trường.

3. Phát triển doanh nghiệp KHCN và thị trường KH&CN và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo

- Tình hình phát triển doanh nghiệp KHCN: Ngoài 06 doanh nghiệp KH&CN được hình thành giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1475/QĐ-UBND ngày 06/6/2018; năm 2020 và 06 tháng đầu năm 2021, Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục phát triển thêm 02 doanh nghiệp KH&CN (PL1- Biểu TK1-1) lên 08 doanh nghiệp KH&CN đang hoạt động (PL1-Biểu TK1-4). Các doanh nghiệp KH&CN được hình thành từ doanh nghiệp đã có sẵn chuyển đổi thành doanh nghiệp KH&CN; các doanh nghiệp được chứng nhận có sản phẩm KH&CN hình thành từ các sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp hoặc chuyển giao công nghệ và đã được cấp bằng bảo hộ chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa được hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong và ngoài nước.

- Tình hình phát triển thị trường KH&CN, sàn GDCN: Sàn giao dịch công nghệ trực tuyến của tỉnh đã khai trương hoạt động chính thức vào tháng 12/2017. Kể từ khi vận hành đến nay, Sàn đã cập nhật 1.057 nhà cung cấp và 378 chuyên gia tư vấn; số lượng sản phẩm chào mua và chào bán là 4.246 sản phẩm; Sàn giao dịch đã kết nối thành công với với 5 Sàn trong nước gồm: Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Thái Bình, Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Ninh Bình, Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến Nam Định, Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Hải Phòng, Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Quảng Ninh. Việc kết nối với 5 sàn trong nước đã giúp doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ cơ sở dữ liệu thông tin cung - cầu công nghệ, thiết bị trong cả nước. Năm 2020, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa hoàn thành Đề tài: “Xây dựng chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”; kết quả đề tài sẽ là căn cứ để phát triển hiệu quả thị trường KH&CN và sàn GDCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Tình hình phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST:

Triển khai Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 514/QĐ-UBND ngày 07/3/2019 phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2019-2025; đồng thời tỉnh cũng đã thành lập Ban chỉ đạo hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và Văn phòng thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh; đã hình thành mạng lưới cố vấn khởi nghiệp, mạng lưới nhà đầu tư khởi nghiệp, hình thành 02 câu lạc bộ khởi nghiệp và 04 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp.

Năm 2021, Tỉnh BR-VT đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng “Trung tâm khởi nghiệp, ĐMST tỉnh BR-VT trực thuộc trường Cao đẳng nghề tỉnh BR-VT; bên cạnh đó, tỉnh cũng đã ký kết Thỏa thuận hợp tác kết nối nguồn lực khởi nghiệp với Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp KHCN Việt Nam (SVF) là bước tiến mạnh mẽ trong thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

4. Công tác đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình; đảm bảo an toàn bức xạ hạt nhân

- Kết quả triển khai kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân: Ngoài 04 kịch bản ứng phó sự cố được phê duyệt theo Quyết định số 1414/QĐ-BKHCN ngày 15/6/2015 của Bộ trưởng Bộ KH&CN, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện đánh giá, ra soát bổ sung, triển khai kịch bản thứ 5: Ứng phó sự cố bức xạ đối với tình huống có liên quan đến chất thải rắn chứa nhân phóng xạ tự nhiên.

- Tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh nguồn phóng xạ tại các cơ sở: Thực hiện kiểm tra định kỳ thiết bị X-quang và đo an toàn bức xạ tại các cơ sở y tế; mở và duy trì kênh thông tin về quản lý nguồn, thiết bị và hoạt động liên quan đến bức xạ, nguồn phóng xạ.

5. Hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế về KHCN

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Chương trình hợp tác quốc tế về KH&CN đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo Quyết định số 1156/QĐ-UBND ngày 08/5/2018 của UBND tỉnh. Chương trình được triển khai trên các lĩnh vực:

- Hợp tác về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

- Hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ.

- Hợp tác về trao đổi thông tin khoa học và công nghệ phục vụ quản lý.

Năm 2020 và 06 tháng đầu năm 2021, do tình hình dịch Covid -19 diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như trong nước nên việc triển khai chương trình trên địa bàn tỉnh chưa được triển khai theo kế hoạch đã định.

6. Thông tin và thống kê KH&CN

- Kết quả xây dựng hạ tầng thông tin, thống kê KHCN: Duy trì, cập nhật Website tiếng Việt, tiếng Anh: Được duy trì thường xuyên, bình quân hàng năm có khoảng 2.200 tin, bài ảnh được cập nhật lên trang Website tiếng Việt và 1.000 tin bài, ảnh lên trang Website tiếng Anh.

- Kết quả thực hiện hoạt động thông tin KHCN (PL 1- Biểu TK1-5): Được duy trì thường xuyên, năm 2020 và 06 tháng đầu năm 2021 đã thực hiện:

Biên tập và phát hành ấn phẩm thông tin 99.901 ấn phẩm.

Bổ sung phát triển 930 nguồn tài liệu KH&CN

Tổ chức 30 lớp tập huấn, hội thảo và báo cáo chuyên đề KH&CN (Hội thảo: 4; BCCĐ: 15; tập huấn: 11) cho các đối tượng là doanh nghiệp, các nhà khoa học, nông dân, đoàn thanh niên và cán bộ trạm về các lĩnh vực KHCN, cán bộ chuyên trách quản trị mạng khai thác và sử dụng thông tin khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

7. Công tác cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử trong lĩnh vực KH&CN

- Công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính: Tỉnh BR-VT đã ban hành Quyết định số 1722/QĐ-UBND ngày 28/6/2021 v/v công bố danh mục tên các TTHC cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định hiện hành thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh BR-VT. Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết của 24/60 TTHC, trong đó lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng 06 TTHC; lĩnh vực an toàn bức xạ hạt nhân 07 TTHC; lĩnh vực hoạt động khoa học công nghệ 11 TTHC; thời gian giảm từ 0,5 ngày đến 5 ngày mỗi thủ tục so với quy định trước đó. Kết quả xử lý 100% hồ sơ được giải quyết đúng và sớm hạn, không có hồ sơ trễ hẹn.

- Hiện đại hóa nền hành chính ứng dụng CNTT và xây dựng chính phủ điện tử: Cung cấp 60 thủ tục hành chính trực tuyến trên Internet mức độ 4.

- Kết quả áp dụng hệ thống QLCL theo TCVN ISO 9001 đối với cơ quan hành chính nhà nước: Tiếp tục duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001: 2015 tại 127 cơ quan nhà nước.

8. Tình hình thực hiện các dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển cho KH&CN (PL2-Biểu TK2-3): Tỉnh BR-VT đang xúc tiến đầu tư dự án Khu khoa học công nghệ biển tại phường 12 TP. Vũng Tàu. Dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư khoảng 700 tỷ đồng. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư để trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

9. Các hoạt động hỗ trợ sản xuất kinh doanh

- Hoạt động khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng:

Năm 2020, tiếp tục triển khai Quyết định số 31/2014/QĐ-UBND ngày 10/7/2014 v/v ban hành chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2014-2020. UBND tỉnh chỉ đạo Sở KH&CN phối hợp các ngành, địa phương đẩy mạnh thông qua hoạt động tích cực của Ban chỉ đạo và Tổ chuyên viên giúp việc, luôn có sự đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt quá trình triển khai. Giai đoạn 2016 -2020 đã có khoảng 314 đề án được hỗ trợ với số tiền gần 11,05 tỷ đồng, kinh phí đối ứng của doanh nghiệp thực hiện đạt khoảng 97,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó đã tổ chức 08 lớp đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp với hơn 550 lượt cán bộ tham gia, qua đó đã giúp doanh nghiệp tăng cơ hội tiếp cận và áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến vào hoạt động sản xuất, kinh doanh,...Đặc biệt với việc xây dựng các hệ thống quản lý tiên tiến chính là giấy thông hành giúp doanh nghiệp chủ động phát triển và hội nhập, vươn tới những thị trường khó tính ở trong và ngoài nước, khẳng định thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp.

Bước sang năm 2021, tỉnh đã chỉ đạo Sở KH&CN tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chương trình giai đoạn 2016-2020 làm cơ sở để tiếp tục xây dựng chương trình KH&CN nghệ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021-2025 trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện.

Tuy nhiên kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp chỉ hỗ trợ chi phí “mềm” như: chi phí khảo sát, thiết kế, chuyển giao, đào tạo, tập huấn, vận hành chạy thử, doanh nghiệp phải đối ứng phần kinh phí “phần cứng” khá lớn như: đầu tư máy móc, thiết bị, chi phí xây dựng, lắp đặt. Do vậy đây là một trong những nguyên nhân hạn chế doanh nghiệp tham gia. Đặc biệt là các nội dung cần đầu tư nguồn kinh phí lớn như là đổi mới công nghệ, thiết bị, ứng dụng năng lượng mới, tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn, xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang phối hợp với các Viện, trường, nhà khoa học và tổ chức liên quan triển khai thực hiện các dự án: “Thí điểm ứng công nghệ cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển”; “Thí điểm ứng dụng công nghệ cảnh báo, phát hiện sớm ao xoáy/dòng Rip tại khu vực Bãi Sau, thành phố Vũng Tàu”; và “Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và phòng chống sét tại bãi biển thành phố Vũng Tàu”.

- Hoạt động sở hữu trí tuệ, phát triển và xác lập tài sản trí tuệ: Đề án xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu đối với các sản phẩm, hàng hóa đặc sản của tỉnh BR-VT giai đoạn 2014-2020 tiếp tục được triển khai có hiệu quả và đạt tiến độ; đến nay đã có 6 sản phẩm đặc sản của tỉnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ.

- Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng

Công tác quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng ngày càng được tăng cường, trong đó tập trung quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu, khí hóa lỏng, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em. Về quản lý đo lường đã tăng cường quản lý phương tiện đo nhóm 2, tập trung quản lý các cột đo xăng dầu, niêm phong đồng hồ tổng chống thất thu thuế và quản lý phép đo trong thương mại bán lẻ. Công tác Giải thưởng chất lượng quốc gia hàng năm được triển khai kịp thời và hoàn thành đúng thời hạn. Công tác xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương đã được triển khai, bước đầu đã đề xuất xây dựng 01 Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về nuôi cá lồng, bè cửa sông.

Năng lực kiểm định phương tiện đo phục vụ quản lý nhà nước ngày càng được đầu tư tăng cường, đến nay đã nâng cao năng lực, mở rộng năng lực kiểm định thuộc 06 lĩnh vực đo (Khối lượng, dung tích - lưu lượng, độ dài, điện - điện tử, quang học, hóa lý), đảm bảo kiểm định được khoảng 60% phương tiện đo nhóm 2 hiện có trên địa bàn tỉnh và thực hiện việc hiệu chuẩn được một số phương tiện đo nhóm 1 được sử dụng trong sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp của tỉnh; mở rộng khả năng thử nghiệm chất lượng về sản phẩm, hàng hóa như vàng, mũ bảo hiểm, xăng dầu, mở rộng khả năng hiệu chuẩn 08 lĩnh vực phương tiện đo,...

10. Hoạt động của Quỹ phát triển KH&CN (PL1-Biểu TK1-7, TK1-8)

- Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tỉnh đã được thành lập theo Quyết định số 2240/QĐ-UBND ngày 04/10/2013 của UBND tỉnh; UBND tỉnh đã ban hành Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Quỹ tại quyết định số 2490/QĐ-UBND ngày 19/10/2015.

- Vốn Điều lệ được phê duyệt là 50 tỷ đồng, số dư nguồn vốn đã cấp đến tháng 6/2021 cho Quỹ là 13.200 triệu đồng để thực hiện các nghiệp vụ cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ, tài trợ cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định tại Điều lệ do UBND tỉnh ban hành. Quỹ đã tổ chức Hội đồng KH&CN xét duyệt các hồ sơ xin tài trợ, hỗ trợ, cho vay; tuy nhiên chưa có hợp đồng nào được ký kết do các hồ sơ được xét duyệt không đủ điều kiện theo quy định.

- Năm 2020 và 06 tháng đầu năm 2021, việc cấp phát kinh phí cho các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh vẫn tiếp tục thực hiện theo cơ chế Quỹ và theo cơ chế khoán chi từng phần theo quy định tại Thông tư số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 30/12/2015. Nguồn vốn cấp phát đến tháng 6/2021 là 26.644 triệu đồng, số đã cấp phát là 9.356 triệu đồng.

II. Tình hình phân bổ và kết quả thực hiện dự toán ngân sách cho hoạt động KH&CN

- Tình hình phân bổ dự toán: Căn cứ dự toán năm được UBND tỉnh phê duyệt, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và truyền thông xây dựng phương án phân bổ, Sở Tài chính thẩm định, thực hiện việc phân bổ theo quy định của Luật ngân sách. Trong đó:

Kinh phí sự nghiệp KHCN chi thực hiện chương trình công nghệ thông tin, phương án phân bổ do Sở Thông tin và truyền thông xây dựng.

Kinh phí sự nghiệp KHCN chi hoạt động KHCN cấp huyện, chương trình ISO hành chính công, cấp phát thực hiện các nhiệm vụ KHCN thông qua cơ chế quỹ, Sở Tài chính thực hiện phân bổ trực tiếp cho các đơn vị thực hiện theo đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ.

Kinh phí sự nghiệp KHCN do Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị trực thuộc thực hiện do Sở Khoa học và Công nghệ đề nghị, Sở Tài chính thẩm định phân bổ theo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ KHCN.

- Tình hình thực hiện dự toán:

Kinh phí sự nghiệp KHCN sau khi phân bổ cho các sở, ban, ngành và UBND các huyện thực hiện, các đơn vị sử dụng và quyết toán trực tiếp với cơ quan Tài chính cùng cấp không thông qua Sở Khoa học và Công nghệ.

Kinh phí sự nghiệp KHCN do Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị trực thuộc thực hiện do Sở Khoa học và Công nghệ xét duyệt quyết toán và tổng hợp quyết toán với Sở Tài chính.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Kết quả đạt được

Đến nay, các nhiệm vụ KH&CN được giao tại Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI, Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 11/7/2017 đã được Sở KH&CN tích cực, chủ động cụ thể hóa thành các Chương trình, Kế hoạch, nhiệm vụ để thực hiện. Nhìn chung các nhiệm vụ được giao đã cơ bản hoàn thành và đạt tiến độ, chất lượng. Kết quả đạt được là tiền đề quan trọng để tiếp tục triển khai nhiệm vụ KH&CN năm 2021 và cả giai đoạn 2021-2025 theo tinh thần Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII đã đề ra.

2. Kết quả nổi bật

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành và triển khai đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật góp phần tạo thuận lợi trong công tác quản lý nhiệm vụ KH&CN gắn với cơ chế đặt hàng, cơ chế Quỹ, đồng thời tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học tham gia đăng ký nhiệm vụ, do đó thời gian qua đã có nhiều đề tài, dự án được đăng ký thực hiện tại tỉnh, các nghiên cứu và triển khai ứng dụng ngày càng tập trung vào những công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại phục vụ sản xuất và đời sống trên nhiều lĩnh vực như phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, du lịch, công nghệ chế biến nông sản thực phẩm, công nghệ thông tin, khoa học y dược,...; Đã xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả Sàn giao dịch công nghệ trực tuyến của tỉnh; Đã triển khai xây dựng Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ, Đề án phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh; Đã triển khai Kế hoạch đánh giá trình độ công nghệ các ngành sản xuất trên địa bàn tỉnh; triển khai nhiều hoạt động kết nối các nhà khoa học và doanh nghiệp, như Hội thảo công nghệ bảo quản, chế biến rau quả; Tọa đàm mô hình kinh doanh có hiệu quả cho doanh nghiệp, Hội thảo về xu hướng phát triển nông nghiệp 4.0,... Đã hoàn thành Dự án đầu tư tăng cường tiềm lực cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN và Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng; tiếp tục triển khai thủ tục đầu tư dự án Khu khoa học công nghệ biển; Đã ban hành Chương trình hợp tác quốc tế về KH&CN tỉnh BR-VT đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, khởi nghiệp được tích cực thực hiện, UBND tỉnh thành lập Văn phòng thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp đưa KH&CN tiên tiến vào sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh và bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

3. Tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những nhiệm vụ đã hoàn thành đạt tiến độ và có kết quả tốt, còn một số nhiệm vụ, đề tài, dự án khoa học công nghệ triển khai thực hiện còn chậm; nguyên nhân khách quan do mới triển khai cơ chế mới về quản lý khoa học; nguyên nhân chủ quan cần nỗ lực và phối hợp tốt hơn nữa với các đơn vị chức năng trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.

B. XÂY DỰNG KẾ HOẠCH VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH KH&CN NĂM 2022

I. ĐỊNH HƯỚNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2022

Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2025, trong đó tiếp tục tập trung thực hiện tốt Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 11/7/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Phương hướng nhiệm vụ trọng tâm là:

1. Khuyến khích tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống, tập trung vào các lĩnh vực: Ứng dụng công nghệ cao trong công nghiệp, nông nghiệp; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; phòng chống xói lở bờ biển và các ao xoáy tại các bãi tắm; tiết kiệm năng lượng; cải cách hành chính; phát triển các ngành, nghề, lĩnh vực ưu tiên thuộc thế mạnh của tỉnh.

2. Nâng cao hiệu quả quản lý công nghệ: Triển khai chặt chẽ công tác đánh giá, thẩm định công nghệ của các dự án đầu tư vào tỉnh nhằm ngăn chặn công nghệ lạc hậu; tiếp thu, lựa chọn công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại của nước ngoài để khai thác phát huy tiềm năng sẵn có của tỉnh để phát triển kinh tế; tăng cường triển khai tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung vào các lĩnh vực theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh (công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, cảng biển và dịch vụ Logistics, dịch vụ - du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.

Hoàn thành việc đánh giá trình độ, năng lực công nghệ của các ngành sản xuất và các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng sử dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại; vận hành có hiệu quả Sàn giao dịch công nghệ trực tuyến nhằm tạo cơ sở dữ liệu về công nghệ, thị trường cung và cầu công nghệ cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.

3. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo:

- Tổng kết, đánh giá chương trình Khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2014-2020, tiếp tục nghiên cứu và xây dựng chương trình KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 theo tinh thần đột phá, hướng đến doanh nghiệp, góp phần đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, xây dựng và phát triển thương hiệu.

- Xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại tỉnh. Tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tỉnh giai đoạn 2019-2025. Thành lập Trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ tỉnh nhằm hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, phát triển các dự án đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, thúc đẩy gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ của các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên, sinh viên với thực tiễn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

4. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Tiêu chuẩn đo lường chất lượng; thực hiện thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng; xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương đối với sản phẩm hàng hóa đặc thù có liên quan đến an toàn, sức khỏe và môi trường; xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO và các hệ thống quản lý tiên tiến.

5. Đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ, tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu đối với các sản phẩm, hàng hóa đặc sản của tỉnh.

6. Tích cực triển khai Chương trình hợp tác quốc tế về KH&CN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, chú trọng thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao vào tỉnh; tăng cường thực hiện kế hoạch cử cán bộ KH&CN của tỉnh đi học tập và làm việc có thời hạn tại các tổ chức KHCN, doanh nghiệp ở nước ngoài; thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm kết nối các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ với doanh nghiệp.

7. Tăng cường đầu tư nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của tỉnh, tập trung ưu tiên đầu tư và đưa vào hoạt động Dự án Khu khoa học và công nghệ biển của tỉnh.

8. Xây dựng và triển khai Đề án thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh, trong đó có nhân lực khoa học và công nghệ; có cơ chế, giải pháp nhằm thu hút, phát huy hiệu quả nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học và công nghệ, nhất là nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực công nghệ cao.

9. Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tiếp tục triển khai cơ chế khoán chi kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, xây dựng Quy định phân cấp quản lý và thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở.

II. DỰ TOÁN NGÂN SÁCH KHCN NĂM 2022

Năm 2022, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến chi 155.362 triệu đồng cho khoa học và công nghệ địa phương, bao gồm:

1. Dự toán đầu tư phát triển cho KH&CN: 25.000 triệu đồng.

2. Dự toán chi sự nghiệp khoa học và công nghệ: 130.362 triệu đồng, trong đó:

- Kinh phí sự nghiệp KHCN do Sở KH&CN thực hiện: 34.736 triệu đồng.

- Kinh phí sự nghiệp KH&CN do các ngành khác thực hiện: 70.626 triệu đồng.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Căn cứ định hướng các nhiệm vụ trọng tâm và dự toán kinh phí chi cho khoa học và công nghệ năm 2022, UBND tỉnh giao:

1. Sở Khoa học và Công nghệ: Xây dựng Kế hoạch - Dự toán chi tiết đảm bảo đúng tiến độ và nội dung chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015; Luật Khoa học và công nghệ ngày 18/6/2013.

2. Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trong việc xây dựng và triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2022.

3. Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Tài chính rà soát, thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch - dự toán kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ năm 2022 theo quy định.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xin báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ./.

(Đính kèm theo phụ lục)

 

 

Nơi nhận:
- Bộ KH&CN (để b/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh (b/c);
- Vụ PTKHCN ĐP, Vụ KHTC (Bộ KH&CN);
- Ban Tuyên giáo TU; Ban VHXH HĐND tỉnh;
- Các sở KH&ĐT, TC, KH&CN, Cục thống kê;
- CVP.UBND tỉnh;
- Lưu: VT, VX5.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 124/KH-UBND năm 2021 về kế hoạch và dự toán ngân sách khoa học và công nghệ năm 2022 do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành

  • Số hiệu: 124/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 20/08/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
  • Người ký: Trần Văn Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/08/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản