Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 124/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 14 tháng 6 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025” TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Thực hiện Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025” (gọi tắt là Chương trình), Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình trên địa bàn thành phố, với những nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU, PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu chung

Hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn thành phố cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động, hỗ trợ thành viên; tăng cường năng lực của kinh tế tập thể, hợp tác xã nhằm phát huy hơn nữa vai trò liên kết, hợp tác, hỗ trợ thành viên nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao thu nhập, đặc biệt là kinh tế hộ nông dân trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã hướng tới mục tiêu đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ, góp phần quan trọng trong xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trở thành thành phố trung tâm vùng vùng đồng bằng sông Cửu Long.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Vận động thành lập mới ít nhất 20 hợp tác xã/năm và hỗ trợ củng cố các hợp tác xã đang hoạt động để phấn đấu đến năm 2025 có trên 340 hợp tác xã với khoảng 18.000 thành viên; thành lập tổ hợp tác mới, đến năm 2025 đạt 1.600 tổ; trong đó xây dựng ít nhất 05 mô hình hợp tác xã trở thành kiểu mới; riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp phấn đấu có 180 HTX hoạt động thực sự có hiệu quả.

b) 100% số hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật hợp tác xã năm 2012.

c) Thu hút trên 65% hộ cá thể trên địa bàn nông dân tham gia kinh tế tập thể hoặc sử dụng các dịch vụ hỗ trợ của hợp tác xã, tổ hợp tác.

d) Đến năm 2025, có 60% hợp tác xã hoạt động từ loại khá trở lên; 90% cán bộ quản lý và nhân viên của hợp tác xã được bồi dưỡng nghiệp vụ; trên 20% cán bộ quản lý hợp tác xã tốt nghiệp đại học, cao đẳng trở lên.

đ) Xây dựng từ 25 đến 30 mô hình tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã điển hình tiên tiến, có ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững.

e) Trên 60% số tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã có liên kết với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể khác.

3. Phương hướng phát triển

- Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã phải đa dạng trên các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn; hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn với các chương trình, dự án kinh tế xã hội thành phố.

- Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã phải xuất phát từ nhu cầu thực tế; hướng tới giá trị bản chất trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc, quy định của Luật Hợp tác xã 2012; nâng cao hiệu quả hoạt động, phục vụ tốt hơn nhu cầu của thành viên và không ngừng mở rộng quy mô thành viên; sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, với thị trường tiêu thụ, hội nhập quốc tế.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Hỗ trợ thành lập mới, củng cố tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã

a) Đối tượng hỗ trợ

- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (gọi chung là hợp tác xã) đang hoạt động, hoạt động kém hiệu quả hoặc có nhu cầu phát triển.

- Hợp tác xã được thành lập từ việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách.

- Người dân có nhu cầu thành lập tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã.

b) Nội dung hỗ trợ

- Cung cấp thông tin, tư vấn, tập huấn, phổ biến quy định pháp luật về kinh tế tập thể, hợp tác xã; máy móc, thiết bị phục vụ quản lý, điều hành hợp tác xã.

- Hỗ trợ, tư vấn xây dựng hoặc sửa đổi điều lệ; hướng dẫn và thực hiện các thủ tục sắp xếp, củng cố lại tổ chức, hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã cho phù hợp với quy định hiện hành.

c) Nguồn kinh phí và mức hỗ trợ

- Nguồn kinh phí ngân sách thành phố bảo đảm 100% kinh phí, do Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt theo kế hoạch phát triển kinh tế tập thể hàng năm.

- Định mức chi thực hiện theo các quy định tài chính hiện hành.

2. Nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực kinh tế tập thể

a) Đối tượng hỗ trợ

- Thành viên, người lao động đang làm công tác quản lý, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã.

- Công chức chuyên trách, kiêm nhiệm ở địa phương làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã.

- Viên chức của Liên minh Hợp tác xã thành phố; cán bộ, thành viên các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội thành phố.

b) Điều kiện hỗ trợ

- Được tổ chức kinh tế tập thể, đơn vị chủ quản cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành phù hợp với vị trí công tác và nhu cầu của đơn vị, đáp ứng đủ điều kiện tuyển sinh của cơ sở đào tạo.

- Trường hợp cử đi đào tạo dài hạn phải dưới 50 tuổi và cam kết bằng văn bản làm việc trong khu vực kinh tế tập thể ít nhất gấp đôi thời gian khóa đào tạo, chịu trách nhiệm bồi hoàn kinh phí khi không thực hiện cam kết.

c) Nội dung hỗ trợ

- Đào tạo:

+ Đối với thành viên, người lao động của tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố: Học phí theo mức quy định của cơ sở đào tạo; kinh phí mua giáo trình của khóa học; chi phí ăn, ở.

+ Đối với công chức, viên chức của các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, Liên minh Hợp tác xã thành phố, các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố: Cấp học bổng đào tạo, nghiên cứu dài hạn trong và ngoài nước, bao gồm: toàn bộ kinh phí đi lại, tài liệu, giáo trình, học phí, bảo hiểm, chi phí ăn ở và sinh hoạt theo quy định.

- Bồi dưỡng:

+ Đối với thành viên, người lao động của tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố: Chi phí đi lại từ trụ sở đến cơ sở bồi dưỡng (trừ vé máy bay); kinh phí mua tài liệu của chương trình khóa học; các khoản chi phí tổ chức, quản lý lớp học; thuê hội trường; thù lao giảng viên; tham quan, khảo sát; chi phí ăn, ở theo định mức được áp dụng tương tự như đối với công chức nhà nước.

+ Đối với công chức, viên chức của các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, Liên minh Hợp tác xã thành phố, các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố: Cấp học bổng bồi dưỡng ngắn hạn trong và ngoài nước, bao gồm: toàn bộ kinh phí đi lại, tài liệu, giáo trình, học phí, bảo hiểm, chi phí ăn ở và sinh hoạt theo quy định của chế độ tài chính hiện hành.

d) Nguồn kinh phí và mức hỗ trợ

- Đào tạo:

+ Đối với thành viên, người lao động của tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố: Ngân sách thành phố bảo đảm 100% kinh phí trả học phí, tài liệu học tập theo quy định của cơ sở đào tạo; hỗ trợ kinh phí ăn, ở cho học viên ít nhất bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng.

+ Đối với công chức, viên chức của các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, Liên minh hợp tác xã, các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố: Ngân sách trung ương bảo đảm 100% kinh phí.

- Bồi dưỡng:

+ Đối với thành viên, người lao động của tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố: Ngân sách thành phố bảo đảm 100% kinh phí đi lại, tổ chức lớp học và mua tài liệu học tập; hỗ trợ 90% kinh phí ăn, ở đối với các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 80% đối với các tổ chức kinh tế tập thể khác.

+ Đối tượng công chức, viên chức của các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, là thành viên Ban Chỉ đạo kinh tế tập thể các cấp, cán bộ phụ trách kinh tế tập thể các cấp chính quyền, mặt trận, đoàn thể từ thành phố đến chi hội cơ sở trên địa bàn thành phố, hỗ trợ bao gồm: toàn bộ kinh phí đi lại, tài liệu, giáo trình, học phí, bảo hiểm, chi phí ăn ở và sinh hoạt theo quy định của chế độ tài chính hiện hành.

3. Hỗ trợ đưa lao động trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đạo học trở lên về làm việc tại các hợp tác xã

a) Đối tượng hỗ trợ: Hợp tác xã nông nghiệp và phi nông nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

b) Điều kiện hỗ trợ: Hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, có phương án sử dụng lao động trẻ có trình độ được đào tạo phù hợp với yêu cầu, lĩnh vực hoạt động của hợp tác xã; có văn bản đề nghị được hỗ trợ và được UBND thành phố phê duyệt.

c) Nội dung hỗ trợ

- Đối với hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản được hỗ trợ tối đa 02 lao động có trình độ cao đẳng trở lên về làm việc tại hợp tác xã.

- Đối với hợp tác xã phi nông nghiệp được hỗ trợ thuê 01 lao động có trình độ cao đẳng trở lên về làm việc tại hợp tác xã.

d) Nguồn kinh phí và mức hỗ trợ

- Nguồn kinh phí: Ngân sách thành phố bảo đảm 100% kinh phí, do Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt theo Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể hàng năm.

- Mức hỗ trợ: hỗ trợ hàng tháng cho 01 lao động ít nhất bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng (bao gồm tiền lương và các khoản đóng góp theo lương: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn), tối đa 03 năm/người (36 tháng/người).

4. Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường

a) Đối tượng hỗ trợ: các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động trên tất cả các ngành, lĩnh vực ở thành phố, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, thực hành sản xuất xanh, OCOP.

b) Nội dung hỗ trợ

- Kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm, diễn đàn trong và ngoài nước; chứng nhận chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc.

- Xây dựng từ các Điểm giới thiệu, bán sản phẩm cho các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã và sản phẩm OCOP của thành phố.

c) Nguồn kinh phí và mức hỗ trợ

- Ngân sách thành phố hỗ trợ 100% kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm trong nước; kinh phí thuê địa điểm và vận hành một số điểm giới thiệu, bán sản phẩm cho các tổ chức kinh tế tập thể.

- Ngân sách trung ương hỗ trợ 100% kinh phí cho hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn thành phố đăng ký chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa.

5. Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới

a) Đối tượng hỗ trợ: Hợp tác xã trên địa bàn thành phố, trong đó ưu tiên hợp tác xã hoạt động lĩnh vực nông nghiệp.

b) Nội dung hỗ trợ: Ứng dụng đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến (so với công nghệ hiện tại của hợp tác xã), ưu tiên ứng dụng công nghệ cao.

c) Điều kiện hỗ trợ: Tiêu chí xác định hợp tác xã; điều kiện và nguyên tắc hỗ trợ được thực hiện theo Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã đổi mới công nghệ, thiết bị giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thành phố.

d) Nguồn kinh phí: Thực hiện theo Chương trình hỗ trợ và phân bổ của cơ quan có thẩm quyền. Ngân sách trung ương hỗ trợ.

6. Hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và chế biến sản phẩm

a) Đối tượng hỗ trợ: các hợp tác xã có quy mô lớn về thành viên, sản lượng hàng hóa lớn, sản xuất theo cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị; ưu tiên các hợp tác xã được chọn tham gia Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước, giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

b) Điều kiện hỗ trợ: hợp tác xã thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật hợp tác xã năm 2012; có nhu cầu thực hiện dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của hợp tác xã; đảm bảo phù hợp với nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của hợp tác xã; phù hợp với các quy hoạch liên quan; có phương án khai thác, duy tu, bảo dưỡng và kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với công trình kết cấu hạ tầng xin hỗ trợ; ưu tiên các hợp tác xã có quy mô lớn về thành viên, tạo quy mô hàng hóa lớn, sản xuất theo cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị.

c) Nội dung hỗ trợ: xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh cho cộng đồng thành viên hợp tác xã bao gồm: sân phơi, nhà kho, xưởng sơ chế, chế biến, điện, nước sinh hoạt, chợ, công trình thủy lợi, cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, cửa hàng vật tư nông nghiệp, giao thông nội đồng... (theo danh mục các loại kết cấu hạ tầng, tiêu chí hỗ trợ… thực hiện theo Thông tư 15/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

d) Nguồn vốn và mức hỗ trợ

- Nguồn kinh phí: Ngân sách thành phố từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hợp tác xã và vốn hợp pháp khác.

- Mức hỗ trợ: Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 90% tổng mức đầu tư của dự án, hợp tác xã đóng góp tối thiểu 10% tổng mức đầu tư của dự án. Nhà nước hỗ trợ cho hợp tác xã thông qua chính quyền địa phương xây dựng, mua sắm, bàn giao cho hợp tác xã; trường hợp hợp tác xã có đủ năng lực, cấp thẩm quyền xem xét giao cho hợp tác xã tự thực hiện dự án, mua sắm với tổng mức vốn dưới 03 tỷ đồng.

đ) Cơ chế quản lý sau đầu tư: hỗ trợ của Nhà nước là tài sản không chia của hợp tác xã, hợp tác xã tự trang trải chi phí cho vận hành, bảo dưỡng công trình sau khi công trình được đưa vào hoạt động; khi hợp tác xã giải thể thì phần giá trị tài sản được hình thành từ khoản hỗ trợ của Nhà nước được chuyển vào ngân sách địa phương cùng cấp với cơ quan đăng ký hợp tác xã.

7. Hỗ trợ hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, chất lượng

a) Đối tượng hỗ trợ: tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

b) Điều kiện hỗ trợ: tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động sản xuất nông nghiệp, có liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp hoặc có phương án liên kết tiêu thụ, có nhu cầu và tự nguyện tham gia.

c) Nội dung hỗ trợ: hỗ trợ đào tạo, tập huấn, kiểm nghiệm mẫu, chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo các tiêu chuẩn an toàn VietGAP, LobalGAP, nông nghiệp hữu cơ…

d) Nguồn kinh phí và mức hỗ trợ

- Nguồn kinh phí: Ngân sách thành phố bảo đảm 100% kinh phí.

- Định mức chi hỗ trợ: hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, tập huấn, kiểm nghiệm mẫu, cấp giấy chứng nhận lần đầu cho tổ chức kinh tế tập thể thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo các tiêu chuẩn an toàn VietGAP, LobalGAP, nông nghiệp hữu cơ…

8. Hỗ trợ giải thể các hợp tác xã ngừng hoạt động

a) Đối tượng hỗ trợ: các hợp tác xã ngừng hoạt động, hoạt động yếu kém cần phải giải thể.

b) Điều kiện hỗ trợ: các hợp tác xã thuộc đối tượng giải thể tự nguyện hoặc giải thể bắt buộc theo quy định tại Điều 54, Luật Hợp tác xã năm 2012.

c) Nội dung hỗ trợ

- Hỗ trợ tư vấn về thủ tục giải thể.

- Hỗ trợ kinh phí đăng thông tin giải thể trên báo địa phương 03 kỳ liên tiếp theo quy định để hoàn thiện thủ tục giải thể đối với các hợp tác xã ngưng hoạt động.

d) Nguồn kinh phí và mức hỗ trợ: Ngân sách thành phố bảo đảm 100% kinh phí hỗ trợ đăng thông tin giải thể trên báo địa phương 03 kỳ liên tiếp theo quy định.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

- Ngân sách trung ương, ngân sách địa phương bố trí vốn đầu tư phát triển trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và kinh phí sự nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện Chương trình.

- Kinh phí lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

- Kinh phí vận động, huy động từ các nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức quốc tế và kinh phí hợp pháp khác.

- Kinh phí huy động, đóng góp từ các tổ chức kinh tế tập thể.

(Đính kèm phụ lục dự kiến kinh phí đầu tư thực hiện hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2025).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện tổng hợp nhu cầu dự toán kinh phí từ ngân sách Trung ương và thành phố hỗ trợ để thực hiện kế hoạch hàng năm và giai đoạn 2021 - 2025.

- Phối hợp với Sở Tài chính cân đối vốn để thực hiện kế hoạch.

- Đầu mối tiếp nhận hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch; tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố hàng năm.

2. Giao Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí hướng dẫn sử dụng vốn sự nghiệp từ ngân sách để thực hiện kế hoạch; hướng dẫn về cơ chế tài chính, quản lý, kiểm tra giám sát kinh phí thực hiện kế hoạch.

3. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Phối hợp với Liên minh HTX thành phố, UBND quận, huyện và các đơn vị liên quan hỗ trợ thành lập mới, củng cố tổ chức kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp để đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng các khóa học theo chuyên đề nhằm nâng cao năng lực, trình độ quản lý, nghiệp vụ... cho các thành viên các tổ chức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh tế tập thể và các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội.

- Thực hiện hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, chất lượng.

- Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan thực hiện hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và sản xuất, kinh doanh; tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại; xem xét chứng nhận chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc.

- Phối hợp với các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và Sở, ban ngành thành phố có liên quan tham mưu, hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm cho các tổ chức kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp theo phương thức phân cấp cho UBND cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện các dự án xây dựng, mua sắm, bàn giao tài sản cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ tư vấn về thủ tục giải thể, hỗ trợ kinh phí đăng thông tin giải theo quy định để hoàn thiện thủ tục giải thể đối với các HTXNN ngưng hoạt động.

- Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng hợp báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tổ chức sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm việc thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTXNN theo quy định.

4. Giao các Sở, ban ngành thành phố quản lý theo lĩnh vực hợp tác xã: Xây dựng hoặc phối hợp với Sở, ban ngành chức năng xây dựng chương trình, kế hoạch hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; lồng ghép vào kế hoạch, chương trình, dự án phát triển của ngành. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chuyên ngành việc thực hiện Chương trình. Hàng năm báo cáo kết quả thực hiện, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

5. Đề nghị Liên minh Hợp tác xã thành phố

- Xây dựng kế hoạch và nhu cầu kinh phí gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tham gia thực hiện một số nội dung của chương trình như: Tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ thành lập mới HTX; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và thành viên người lao động HTX; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.

- Theo chức năng, nhiệm vụ, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, HTX hàng năm báo cáo kết quả gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

6. Giao Ủy ban nhân dân quận, huyện

- Hàng năm, xây dựng kế hoạch hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã theo chức năng nhiệm vụ, tổng hợp nhu cầu kinh phí gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân thành phố.

- Chủ trì tổ chức triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ cơ sở hạ tầng, xây dựng, mua sắm, bàn giao tài sản cho các tổ chức kinh tế tập thể, HTX được hỗ trợ theo quy định.

- Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn hỗ trợ củng cố các HTX đang hoạt động và thành lập mới HTX để đảm bảo tất cả các xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đều có HTX hoạt động thực sự có hiệu quả, đồng thời đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra.

- Phối hợp với các Sở, ban ngành thành phố có liên quan, chủ động hướng dẫn các tổ chức kinh tế tập thể, HTX xây dựng kế hoạch hoạt động, phương án sản xuất kinh doanh khả thi.

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, hộ nông dân trên địa bàn tình nguyện tham gia các tổ chức kinh tế tập thể, HTXNN, thực hiện liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm.

- Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch theo địa bàn. Chịu trách nhiệm sử dụng các nguồn vốn đúng mục tiêu, bảo đảm hiệu quả.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố và các đoàn thể

- Tăng cường quan hệ phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, Liên minh HTX thành phố trong hỗ trợ, khuyến khích và giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KTTT trên địa bàn thành phố.

- Phối hợp chặt chẽ với Sở, ngành ban ngành thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện thực hiện vận động tuyên truyền nông dân trên trên địa bàn thành phố tham gia các tổ chức kinh tế tập thể, HTXNN nhằm đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Ưu tiên, sử dụng Quỹ Hỗ trợ nông dân theo quy định để hỗ trợ cho các thành viên các tổ chức kinh tế tập thể, HTXNN tiếp cận, phát triển sản xuất kinh doanh.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, phát sinh, đề nghị các Sở, ban ngành thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện kịp thời phản ánh về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố kịp thời chỉ đạo./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Hè

 

PHỤ LỤC

TỔNG HỢP KINH PHÍ THỰC HIỆN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Kèm theo Kế hoạch số 124/KH-UBND ngày 14 tháng 6 năm 2021 của UBND thành phố)

Đơn vị tính: triệu đồng

TT

Nội dung hỗ trợ

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

Giai đoạn 2021-2025

1

Hỗ trợ thành lập mới, củng cố tổ chức kinh tế tập thể, HTX

400

400

400

400

400

2.000

2

Nâng cao năng lực, nhận thức; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thành viên tổ hợp tác, HTX và cán bộ, công chức, viên chức về HTX

700

800

800

900

900

4.100

3

Đưa lao động trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học về làm việc tại các HTX

500

700

800

1.000

1.000

4.000

4

Hỗ trợ HTX xúc tiến thương mại mở rộng thị trường gắn với xây dựng mô hình HTX sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị

100

200

200

300

300

1.100

6

Hỗ trợ ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới

500

500

700

800

1.000

3.500

7

Hỗ trợ tư vấn giải thể hợp tác xã ngừng hoạt động

20

20

20

20

20

100

8

Hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và chế biến sản phẩm

5.000

7.000

8.000

10.000

10.000

40.000

9

Hỗ trợ tổ chức kinh tế tập thể lĩnh vực nông nghiệp xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, chất lượng

1.000

1.000

1.000

1.000

1.000

5.000

 

Tổng

8.220

10.620

11.920

14.420

14.620

59.800