Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 124/KH-UBND

Hòa Bình, ngày 25 tháng 12 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH GIẢM NGHÈO: ĐIỀU TRA, RÀ SOÁT, BÌNH XÉT, CÔNG NHẬN HỘ NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH

Thực hiện Kết luận số 02-KL/TU ngày 30/9/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện chính sách giảm nghèo; điều tra, rà soát, bình xét, công nhận hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nhằm tăng cường hiệu quả việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, giúp người nghèo tiếp cận được đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp của Nhà nước; tạo điều kiện thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm đảm bảo thống kê lên danh sách đúng đối tượng, khách quan, phản ánh đúng tình hình thực tế, mức sống của người dân trên địa bàn.

2. Yêu cầu

Việc thực hiện các chính sách giảm nghèo phải được thực hiện kịp thời, giúp người nghèo tiếp cận thuận lợi, hiệu quả. Khi thực hiện chính sách cần phải phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn, ưu tiên những vùng còn khó khăn; lồng nghèo hiệu quả các nguồn lực, chương trình dự án, đẩy mạnh các hình thức huy động nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đề ra.

Số liệu điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm phải chính xác, khác quan, phản ánh đúng tình hình thực tế, phân loại được nguyên nhân nghèo để làm cơ sở thực hiện chính sách phù hợp giúp người nghèo thoát nghèo bền vững.

II. NHIỆM VỤ

1. Các cấp ủy, chính quyền cần xác định việc thực hiện chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là chương trình trọng tâm, trọng điểm của mỗi địa phương góp phần quan trọng ổn định an sinh xã hội. Do đó cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; nêu cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp. Đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác giảm nghèo.

2. Thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp cần thường xuyên kiểm, tra theo dõi, nắm bắt tình hình thực hiện ở các địa phương theo lĩnh vực, địa bàn được phân công, phát hiện kịp thời những bất cập, hạn chế trong việc tổ chức thực hiện để có giải pháp chỉ đạo kịp thời.

3. Các địa phương cần thực hiện và nắm bắt phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo theo từng nguyên nhân để có giải pháp thực hiện chính sách phù hợp.

4. Tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong việc thực hiện các chính sách giảm nghèo.

5. Củng cố, kiện toàn lại Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp, duy trì hoạt động thường xuyên của Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo phải nắm rõ chức năng, nhiệm vụ để chủ động thực hiện nhiệm vụ.

6. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và người dân ủng hộ đóng góp nguồn lực cho công cuộc giảm nghèo; Tuyên truyền vận động người nghèo, người cận nghèo nói riêng nhằm nâng cao nhận thức của người dân hiểu rõ chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo, nỗ lực vươn lên thoát nghèo không chống chờ ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

7. Tăng cường kiểm tra, phúc tra kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm phát hiện kịp thời những vi phạm về quy trình, tiêu chuẩn; kiên quyết đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo những hộ không đủ điều kiện, không trung thực trong việc kê khai tài sản để đảm bảo công bằng xã hội. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm về kết quả điều tra, rà soát hàng năm nhằm đảm bảo yêu cầu UBND tỉnh đã đề ra cho công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo chính xác, dân chủ, công khai và minh bạch.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo cấp xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm túc quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm; tăng cường kiểm tra, giám sát kết quả điều tra hàng năm, cũng như kết quả thực hiện các chính sách giảm nghèo trên địa bàn. Phân công, gắn trách nhiệm của người đứng đầu phụ trách lĩnh vực; có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với cán bộ, đảng viên, người được giao nhiệm vụ thực hiện các chính sách giảm nghèo và công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm.

Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, cơ quan thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh Hòa Bình, căn cứ chức năng nhiệm vụ được phân công tại Quyết định số 45/QĐ-BCĐ, ngày 23/10/2013 của Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh Hòa Bình về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh Hòa Bình được điều chỉnh và bổ sung tại Quyết định số 92/QĐ-BCĐGN ngày 09/10/2015 của Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững căn cứ Kế hoạch thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Chánh, phó CVP/UBND tỉnh;
- Lưu: VT, TCTM(NL80).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Văn Cửu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 124/KH-UBND năm 2015 thực hiện chính sách giảm nghèo; điều tra, rà soát, bình xét, công nhận hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

  • Số hiệu: 124/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 25/12/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hòa Bình
  • Người ký: Bùi Văn Cửu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản