Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 117/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 30 tháng 8 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN HỖ TRỢ ĐÀO TẠO NGHỀ ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG ĐANG LÀM VIỆC TRONG DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

Thực hiện Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Thông tư số 32/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tạo điều kiện hỗ trợ đào tạo kỹ thuật chuyên môn, kỹ năng tay nghề ở trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng cho lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.

Qua đào tạo góp phần giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh, mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh và dịch vụ; nâng cao chất lượng hàng hóa, ổn định và tăng khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

Hình thành ý thức, kỹ năng và tác phong làm việc của lao động theo hướng công nghiệp, chuyên sâu, góp phần nâng cao năng suất, ổn định vị trí việc làm và tăng thu nhập sau đào tạo của lao động.

2. Yêu cầu

Tổ chức tuyên truyền, thống kê tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh để hướng dẫn các doanh nghiệp tích cực tham gia đào tạo nghề cho lao động đang làm việc.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng chương trình, giáo trình, đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với các ngành, nghề chưa đăng ký mà doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo cho lao động. Tích cực phối hợp với doanh nghiệp trong tổ chức các lớp đào tạo, đáp ứng yêu cầu khi doanh nghiệp đặt hàng, có giải pháp về thời gian đào tạo thích hợp để tránh làm ảnh hưởng quá trình sản xuất, kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp.

II. NỘI DUNG

1. Đối tượng và chính sách hỗ trợ học nghề

- Lao động đã làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tối thiểu 06 tháng liên tục.

- Tuổi đời không quá 50 tuổi đối với nam, 45 tuổi đối với nữ.

- Lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi được cử tham gia khóa đào tạo trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 03 tháng thì được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề đối với người lao động thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh và người lao động làm việc trong các doanh nghiệp hoạt động ở các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các doanh nghiệp do nữ làm chủ.

- Được doanh nghiệp chi trả tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian đi học theo quy định tại Khoản 3 Điều 62 Bộ luật Lao động và các chi phí khác (nếu có) theo quy định tại Điều 144 Bộ luật Lao động. Các chi phí còn lại do doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động khi cử tham gia các khóa đào tạo nghề.

2. Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa

Doanh nghiệp nhỏ và vừa được phân theo quy mô bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa.

a) Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.

Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.

b) Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ nêu trên.

Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ nêu trên.

c) Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ nêu trên.

Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ nêu trên.

3. Ngành, nghề được hỗ trợ đào tạo và định mức hỗ trợ

a) Ngành, nghề được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 03 tháng do doanh nghiệp lựa chọn, xác định trên cơ sở ngành, nghề đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và có trong định mức, danh mục ngành nghề do UBND tỉnh phê duyệt ban hành trên địa bàn tỉnh được quy định tại Quyết định số 490/QĐ-UBND ngày 29/3/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt danh mục nghề, định mức chi phí đào tạo đối với từng nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và Quyết định số 238/QĐ-UBND ngày 27/02/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt bổ sung danh mục nghề, định mức chi phí đào tạo quy định tại Quyết định số 490/QĐ-UBND ngày 29/3/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh.

b) Trường hợp ngành, nghề doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo cho lao động nhưng không có trong danh mục, các doanh nghiệp báo cáo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc thông tin với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đăng ký với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, tham mưu, trình UBND tỉnh.

4. Lựa chọn hình thức đào tạo

Doanh nghiệp cử một người lao động hoặc nhiều người lao động của doanh nghiệp tham gia các khóa đào tạo nghề bằng văn bản, trong đó ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, thời gian làm việc tại doanh nghiệp, số sổ bảo hiểm xã hội, ngành, nghề cần đào tạo, hình thức đào tạo, dự kiến thời gian tham gia khóa đào tạo đối với từng người lao động gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Người lao động của doanh nghiệp cử tham gia khóa đào tạo trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 03 tháng được tổ chức học theo lớp riêng hoặc học hòa nhập cùng với lao động khác, do cơ sở giáo dục nghề nghiệp quyết định và thông báo cho doanh nghiệp, người học trước khi khai giảng khóa học ít nhất 10 ngày làm việc.

Các nội dung đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng, đào tạo trình độ sơ cấp theo hình thức vừa làm vừa học thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

5. Nguồn kinh phí thực hiện

Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi: Từ ngân sách tỉnh.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này và các văn bản của Trung ương có liên quan.

- Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chính sách đào tạo lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức triển khai thực hiện các chính sách, điều kiện hỗ trợ đối với lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực tham gia đào tạo nghề cho lao động theo Kế hoạch này và các chương trình, đề án đào tạo khác theo quy định.

- Thống kê, tổng hợp nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp; lập kế hoạch sử dụng kinh phí trình UBND tỉnh (qua Sở Tài chính) phê duyệt hằng năm theo quy định.

- Tổ chức thanh, kiểm tra, đôn đốc, giám sát và đánh giá việc thực hiện Kế hoạch này; đồng thời, tham mưu UBND tỉnh báo cáo kết quả thực hiện cho Bộ, ngành Trung ương theo quy định.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính tổng hợp dự toán và bố trí kinh phí thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; căn cứ các quy định có liên quan, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện.

3. Sở Tài chính

- Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn trình tự, thủ tục thanh toán, quyết toán, kiểm tra, giám sát kinh phí hỗ trợ đào tạo theo Kế hoạch đúng quy định.

- Cùng với thời điểm lập dự toán hàng năm, trên cơ sở dự toán do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội lập và căn cứ khả năng ngân sách, Sở Tài chính có trách nhiệm tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí kinh phí thực hiện.

4. Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi

- Hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức triển khai thực hiện các chính sách, điều kiện hỗ trợ đối với lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Phối hợp tổ chức thống kê, tổng hợp nhu cầu đào tạo lao động tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ gửi về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để triển khai thực hiện trên địa bàn.

5. UBND các huyện, thành phố

- Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn cấp huyện và UBND cấp xã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn triển khai thực hiện Thông tư số 32/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Kế hoạch này.

- Tổ chức thống kê, tổng hợp nhu cầu đào tạo lao động tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ gửi về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để triển khai thực hiện trên địa bàn.

- Báo cáo định kỳ và đột xuất việc đào tạo theo Kế hoạch này về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp.

6. Hiệp Hội các doanh nghiệp, Hội doanh nhân trẻ tỉnh

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện Kế hoạch này.

- Hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức triển khai thực hiện các chính sách, điều kiện hỗ trợ đối với lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Phối hợp tổ chức thống kê, tổng hợp nhu cầu đào tạo lao động tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để triển khai thực hiện trên địa bàn.

7. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ

- Phổ biến chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và Kế hoạch này.

- Hàng năm, đề xuất và gửi danh sách tham gia các khóa hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Lựa chọn ngành, nghề đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cử người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp tham gia khóa đào tạo nghề theo quy định.

- Chi trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học theo quy định tại Khoản 3 Điều 62 Bộ luật Lao động và các chi khí khác (nếu có) theo quy định tại Điều 144 Bộ luật Lao động. Các chi phí còn lại do doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động khi cử tham gia các khóa đào tạo nghề.

- Phối hợp tham gia giám sát việc tổ chức đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với người lao động do doanh nghiệp cử đi học và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề hàng năm gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

8. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

- Lập kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp theo hướng dẫn của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

- Hướng dẫn người lao động làm việc trong doanh nghiệp về hồ sơ tuyển sinh, quản lý đào tạo. Tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp hoặc đào tạo dưới 03 tháng đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp theo quy định.

- Thông báo cho doanh nghiệp tình hình và kết quả học tập của người lao động do doanh nghiệp cử khi kết thúc khóa đào tạo nghề.

- Thanh quyết toán kinh phí đào tạo về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định.

- Báo cáo kết quả thực hiện đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp trong báo cáo tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp gửi về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

9. Trách nhiệm của lao động đang làm việc trong doanh nghiệp

- Tìm hiểu và có quyền yêu cầu doanh nghiệp phổ biến, hướng dẫn để nắm được các chính sách, quy định về hỗ trợ đào tạo nghề đối với người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và yêu cầu được đào tạo, phát triển nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

- Thực hiện quyền lựa chọn, đề xuất với doanh nghiệp về ngành nghề đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, địa điểm đào tạo, hình thức đào tạo, thời gian tham gia khóa đào tạo và các hỗ trợ cần thiết khác khi tham gia khóa đào tạo nghề phù hợp với quy định của pháp luật và quy định của doanh nghiệp.

- Kê khai đúng, đầy đủ về bản thân và chịu trách nhiệm về những nội dung đã kê khai trong hồ sơ nhập học. Tham gia đầy đủ theo chương trình đào tạo của khóa học. Chấp hành các quy định của lớp học, của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở: Lao động-Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính;
- Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Đài PT-TH Quảng Ngãi;
- Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nhân trẻ tỉnh;
- VPUB: CVP, PCVP(VX), CBTH,
- Lưu: VT, KGVXlmc417.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Ngọc Dũng