Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 111/KH-UBND | Hải Phòng, ngày 24 tháng 4 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CÔNG TÁC BÌNH ĐẲNG GIỚI NĂM 2024
Thực hiện các Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố: số 117/KH- UBND ngày 17/5/2021 về Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025; số 131/KH-UBND ngày 31/5/2021 hành động về Bình đẳng giới thành phố giai đoạn 2021 - 2025; số 59/KH-UBND ngày 14/3/2022 về thực hiện Chương trình truyền thông về bình đẳng giới trên địa bàn thành phố đến năm 2030;
Căn cứ hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Văn bản số 1303/LĐTBXH-VBĐG ngày 29/3/2024 về việc triển khai công tác bình đẳng giới năm 2024, Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng Kế hoạch thực hiện công tác bình đẳng giới năm 2024, như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật về bình đẳng giới, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện công tác bình đẳng giới tại các chương trình, kế hoạch về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân, doanh nghiệp về bình đẳng giới; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhằm thúc đẩy các tổ chức, cá nhân thay đổi hành vi góp phần thu hẹp khoảng cách giới, tạo mọi điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
2. Yêu cầu
Các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện bám sát nhiệm vụ của Kế hoạch để xây dựng nội dung hoạt động năm 2024 đảm bảo thiết thực, hiệu quả và phù hợp; tăng cường công tác phối hợp liên ngành về công tác bình đẳng giới, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông; tiếp tục duy trì và nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả ở các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố.
Thực hiện lồng ghép giới trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đề án, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị, địa phương.
II. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
1. Tiếp tục tổ chức triển khai thi hành Luật Bình đẳng giới và các văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới
- Tiếp tục triển khai thi hành Luật Bình đẳng giới, Nghị định số 70/2008/NĐ-CP ngày 04/6/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bình đẳng giới, Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19/5/2009 của Chính phủ quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới; Nghị định số 125/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới…
- Phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về bình đẳng giới và các biện pháp đảm bảo bình đẳng giới.
- Tiếp tục rà soát, kiến nghị hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Thực hiện lồng ghép giới trong xây dựng, thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các sở, ngành, đơn vị, địa phương.
2. Tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
2.1. Kế hoạch hành động về bình đẳng giới thành phố giai đoạn 2021 - 2025
- Tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra tại Kế hoạch hành động số 131/KH-UBND ngày 31/5/2021 về bình đẳng giới thành phố giai đoạn 2021- 2025. Đặc biệt chú ý các giải pháp thực hiện các chỉ tiêu 1, 2 của mục tiêu 1 về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị; chỉ tiêu 1, 2, 3 của mục tiêu 2 về bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế - lao động; chỉ tiêu 1 của mục tiêu 3 về bình đẳng giới trong lĩnh vực gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
- Các sở, ngành, đơn vị, địa phương được giao phụ trách các mục tiêu, chỉ tiêu tại Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 31/5/2021, chủ động rà soát, thống kê chỉ tiêu đã đạt kế hoạch, chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch để tăng cường triển khai các giải pháp nhằm thực hiện phù hợp, đạt mục tiêu đề ra.
- Thực hiện lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, lĩnh vực, địa phương.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; kiểm tra, xác minh, xử lý các thông tin, vụ việc bạo lực trên cơ sở giới.
2.2. Kế hoạch Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025
- Tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo thực hiện có hiệu quả Kế hoạch Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (Kế hoạch số 117/KH- UBND ngày 17/5/2021); đảm bảo tất cả các trường hợp có nhu cầu trợ giúp về bạo lực trên cơ sở giới được trợ giúp bằng các hình thức khác nhau.
- Xây dựng các tài liệu truyền thông, tổ chức truyền thông, tập huấn bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, nhân viên cung cấp dịch vụ phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
- Duy trì có hiệu quả các mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nhằm từng bước đáp ứng các nhu cầu của người bị bạo lực. Phổ biến, giới thiệu về các mô hình hay, các dịch vụ hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; những điển hình tốt, người có uy tín trong cộng đồng, người nổi tiếng tích cực ủng hộ các hành vi mẫu về bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bình đẳng giới, từng bước cải thiện tư tưởng trọng nam khinh nữ và có biện pháp ngăn chặn việc lựa chọn giới tính khi sinh; tích cực đấu tranh, phản bác những thông tin sai lệch về bình đẳng giới.
- Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình nhằm đạt hiệu quả cao.
2.3. Kế hoạch thực hiện Chương trình truyền thông về bình đẳng giới trên địa bàn thành phố đến năm 2030
- Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình truyền thông về bình đẳng giới trên địa bàn thành phố đến năm 2030 (Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 14/3/2022). Tăng cường truyền thông về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
- Đa dạng hóa các hoạt động truyền thông phù hợp với từng địa phương, đơn vị như: cung cấp tờ gấp, tờ rơi, áp phích; biên tập, xây dựng, phát hành các bản tin, phóng sự, tài liệu, phim ngắn, các tài liệu hỗ trợ và các sản phẩm truyền thông khác về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân, góp phần thực hiện bình đẳng giới… Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang thông tin có nhiều người truy cập, các trang tin thu hút sự quan tâm của người chưa thành niên, thanh niên; thực hiện các chiến dịch truyền thông trong cộng đồng dân cư, tại các trường học nhằm mở rộng và đẩy mạnh công tác giáo dục về bình đẳng giới trong gia đình, nhà trường, cộng đồng và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em; xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
2.4. Triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ liên quan đến công tác bình đẳng giới trong các kế hoạch, chương trình, đề án theo sự phân công
Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ liên quan đến công tác bình đẳng giới trong các kế hoạch, chương trình, đề án: Chương trình Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 4247/QĐ- BGDĐT ngày 12/12/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt Đề án “Đưa việc giảng dạy nội dung về giới, bình đẳng giới vào chương trình đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non và trình độ đại học giai đoạn 2024 - 2030; Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác truyền thông, thống kê về bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
3. Tổ chức triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024
Xây dựng Kế hoạch, tổ chức thực hiện các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 (từ ngày 15/11/2024 đến ngày 15/12/2024) thiết thực, hiệu quả, sáng tạo phù hợp với tình hình cụ thể của các cơ quan, đơn vị. Trong đó tập trung một số hoạt động:
- Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về chủ đề, thông điệp của Tháng hành động theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; tuyên truyền về các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người dân nói chung và phụ nữ, trẻ em nói riêng, vai trò của việc tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động như diễn đàn, đối thoại, tọa đàm, hội thảo, tập huấn, chiến dịch tuyên truyền; tổ chức các cuộc thi về chủ đề bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Phát hành các sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em…
- Đẩy mạnh các hoạt động can thiệp, hỗ trợ và xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, bao gồm: tư vấn, tham vấn, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em và cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới.
- Tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ trong thời gian diễn ra Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.
4. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới
- Tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Chú trọng công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng, triển khai, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới.
- Chủ động tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực về bình đẳng giới; tham dự đầy đủ các lớp tập huấn về bình đẳng giới do cấp trên triệu tập.
- Khuyến khích thí điểm xây dựng và vận hành các sáng kiến, mô hình thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
- Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm về bình đẳng giới; kịp thời xác minh, báo cáo những vấn đề, vụ việc liên quan đến công tác bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phối hợp giải quyết.
- Tiếp tục triển khai công tác thu thập chỉ tiêu thống kê báo cáo kết quả thực hiện bình đẳng giới theo quy định.
- Khen thưởng, biểu dương kịp thời đối với các tập thể, cá nhân có thành tích thực sự xuất sắc trong công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
5. Bố trí, vận động nguồn lực triển khai các hoạt động về bình đẳng giới
- Các Sở, ban, ngành, đơn vị và Ủy ban nhân dân các quận, huyện chủ động bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại đơn vị, địa phương.
- Chủ động, tích cực vận động sự hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực hợp pháp và bền vững của các đối tác quốc tế trong công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
6. Chế độ thông tin, báo cáo
Các Sở, ban, ngành, đơn vị và Ủy ban nhân dân các quận, huyện tiếp tục triển khai thu thập chỉ tiêu thống kê, báo cáo kết quả thực hiện bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 theo quy định; gửi báo cáo định kỳ về kết quả thực hiện công tác bình đẳng giới (theo Đề cương, Phụ lục gửi kèm) trước ngày 10/12/2024. Báo cáo gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Các Sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện chủ động bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại đơn vị, địa phương.
Huy động nguồn lực hợp pháp của các đối tác tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế cho công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương:
- Tổ chức các hoạt động truyền thông phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; các hoạt động nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới.
- Chủ động triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Duy trì, hỗ trợ hoạt động các mô hình điểm về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bình đẳng giới trong phạm vi lĩnh vực phụ trách.
- Theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố về công tác bình đẳng giới; định kỳ tổng hợp báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định và khi có yêu cầu.
2. Sở Thông tin và Truyền thông
- Tổ chức thực hiện các chỉ tiêu về bình đẳng giới trong lĩnh vực thông tin truyền thông được giao chủ trì.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố, Cổng Thông tin điện tử thành phố, hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình, kế hoạch, văn bản của Ủy ban nhân dân thành phố về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Tăng cường thông tin, tuyên truyền nhân Tháng hành động về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.
- Thực hiện các hoạt động kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm bình đẳng giới trong phạm vi lĩnh vực phụ trách.
3. Sở Văn hóa và Thể thao
- Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em. Tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong các gia đình trên địa bàn thành phố.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; Ngày quốc tế xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Tổ chức chương trình nghệ thuật, mít tinh, trưng bày tranh, ảnh, tư liệu, cụm cổ động, chương trình phát thanh, pano, khẩu hiệu tuyên truyền... về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
- Chỉ đạo triển khai các hoạt động hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình.
- Rà soát, đánh giá các mô hình, hoạt động về phòng, chống bạo lực gia đình, Mô hình gia đình hạnh phúc; nâng cao hiệu quả hoạt động, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả.
- Thực hiện các hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm bình đẳng giới trong phạm vi lĩnh vực phụ trách.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Tăng cường triển khai các hoạt động có nội dung về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại trường học nhằm xây dựng trường học an toàn, thân thiện, không bạo lực đối với trẻ em.
- Lồng ghép các nội dung giới và bình đẳng giới vào các chương trình học, để tăng cường nhận thức của học sinh về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
- Thực hiện các hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm bình đẳng giới trong phạm vi lĩnh vực phụ trách.
5. Sở Nội vụ
- Chủ trì, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc thẩm quyền quản lý tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có cán bộ nữ; thực hiện việc lồng ghép kiến thức về giới và bình đẳng giới trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
- Tiếp tục đề xuất triển khai các giải pháp nhằm tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp theo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố triển khai Quyết định số 2282/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 - 2030”.
- Theo dõi, cập nhật biến động của đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo chủ chốt các cấp gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố.
- Thực hiện các nhiệm vụ về bình đẳng giới theo chức năng nhiệm vụ được giao tại các chương trình, kế hoạch về bình đẳng giới.
6. Sở Y tế
- Chủ trì triển khai các hoạt động bảo đảm thực hiện mục tiêu về bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về sức khỏe sinh sản nhằm thay đổi hành vi, nhận thức về định kiến giới, nhất là việc lựa chọn giới tính khi sinh; triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
- Phối hợp xây dựng chương trình, kế hoạch về bình đẳng giới trên địa bàn thành phố trong phạm vi, chức năng nhiệm vụ được giao.
- Thực hiện các hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm bình đẳng giới trong phạm vi lĩnh vực phụ trách.
7. Sở Tư pháp
- Thực hiện lồng ghép vấn đề về bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực của đơn vị; tham gia ý kiến, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan, đơn vị và địa phương theo thẩm quyền.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, trong đó quan tâm nội dung bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. Chú trọng công tác trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, hòa giải viên ở cơ sở.
- Tổ chức thực hiện việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý, đặc biệt quan tâm nạn nhân của bất bình đẳng giới, nạn nhân bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp xây dựng chương trình, kế hoạch về bình đẳng giới trên địa bàn thành phố trong phạm vi, chức năng nhiệm vụ được giao.
8. Sở Ngoại vụ
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan vận động các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài triển khai các chương trình, dự án về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
9. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các giải pháp về thực hiện việc lồng ghép giới trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai các chiến lược, chính sách, đề án hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, đẩy mạnh sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động về kinh tế ở khu vực nông thôn, trong đó ưu tiên các đối tượng là phụ nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người bị bạo lực trên cơ sở giới, người dễ bị tổn thương trong đời sống xã hội nhằm đảm bảo bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương.
10. Công an thành phố
- Chủ trì triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống mua bán người; phối hợp với các đơn vị, bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức có liên quan phát hiện sớm, can thiệp và xử lý kịp thời các vụ bạo lực trên cơ sở giới. Triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu bạo lực, buôn bán phụ nữ và trẻ em, tệ nạn mại dâm.
- Đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành trong quá trình xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại, buôn bán đối với phụ nữ và trẻ em.
- Phối hợp xây dựng chương trình, kế hoạch về bình đẳng giới trên địa bàn thành phố trong phạm vi, chức năng nhiệm vụ được giao.
11. Cục Thống kê thành phố
Thu thập, công bố các chỉ tiêu thống kê phát triển giới trên địa bàn thành phố; báo cáo số liệu, chỉ tiêu theo nhiệm vụ được phân công tại các Kế hoạch, Chương trình về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ theo quy định.
12. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố
Triển khai các hoạt động tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị và tăng cường công tác phối hợp trong tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân thực hiện pháp luật và giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới.
13. Liên đoàn Lao động thành phố
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, Bộ Luật Lao động năm 2019, những quy định về chính sách đối với người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng, các chính sách pháp luật về bình đẳng giới trong lao động, việc làm; phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc cho công nhân, viên chức, người lao động thành phố. Tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các trường hợp công nhân, lao động, nhất là nữ công nhân, lao động đang nuôi con nhỏ, có hoàn cảnh khó khăn.
14. Đề nghị Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho lực lượng đoàn viên, thanh thiếu nhi trên địa bàn thành phố; phối hợp triển khai các hoạt động nhân Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.
15. Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng, Cổng Thông tin điện tử thành phố
Tiếp tục duy trì các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các sản phẩm truyền thông nhằm định hướng, thay đổi hành vi ứng xử, suy nghĩ, thái độ và dần xoá bỏ những định kiến giới.
16. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố liên quan
Căn cứ Kế hoạch này, các sở, ban, ngành thành phố tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ bình đẳng giới năm 2024 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện thuộc lĩnh vực phụ trách về Ủy ban nhân dân thành phố (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).
17. Ủy ban nhân dân các quận, huyện
- Xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện nhiệm vụ bình đẳng giới trên địa bàn quận, huyện; thu thập thông tin, tổng hợp báo cáo và các số liệu về bình đẳng giới tại địa phương.
- Quan tâm bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân v à các nguồn hợp pháp khác để thực hiện tốt các nhiệm vụ của công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; tổ chức triển khai thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới…
Đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện căn cứ Kế hoạch này, xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới năm 2024; chủ động khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác bình đẳng giới theo thẩm quyền. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp) để xem xét, giải quyết./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Kế hoạch 1665/KH-UBND thực hiện công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2024
- 2Kế hoạch 72/KH-UBND thực hiện công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2024
- 3Kế hoạch 277/KH-UBND thực hiện công tác bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ năm 2024 do tỉnh Nghệ An ban hành
- 1Luật Bình đẳng giới 2006
- 2Nghị định 70/2008/NĐ-CP Hướng dẫn Luật bình đẳng giới
- 3Nghị định 48/2009/NĐ-CP về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới
- 4Bộ luật Lao động 2019
- 5Quyết định 2282/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Chương trình "Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Kế hoạch 117/KH-UBND năm 2021 về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025 do thành phố Hải Phòng ban hành
- 7Nghị định 125/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới
- 8Kế hoạch 59/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình truyền thông về Bình đẳng giới trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2030
- 9Kế hoạch 1665/KH-UBND thực hiện công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2024
- 10Kế hoạch 72/KH-UBND thực hiện công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2024
- 11Công văn 1303/BLÐTBXH-VBÐG hướng dẫn triển khai công tác bình đẳng giới năm 2024 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 12Kế hoạch 277/KH-UBND thực hiện công tác bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ năm 2024 do tỉnh Nghệ An ban hành
Kế hoạch 111/KH-UBND thực hiện công tác bình đẳng giới năm 2024 do Thành phố Hải Phòng ban hành
- Số hiệu: 111/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 24/04/2024
- Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng
- Người ký: Lê Khắc Nam
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra